Hồi 18 - Khương Tử Nha Lội Sông Trốn Chúa
hương Tử Nha tiếp lấy họa đồ xem thử, thấy công trình rất nhọc, không biết làm mấy năm cho rồi, bèn nghĩ thầm:
- Triều Ca là chốn tạm của ta, lẽ đâu ta dốc sức làm việc này để mang tiếng theo hùa với hôn quân hại dân hại nước. Chi bằng tìm lời thối thác, nếu hôn quân giận, ta sẽ đào tẩu trước cho rồi, đừng để lụy thân.
Nghĩ như vậy, Tử Nha cứ cầm bản đồ xem hoài, không nói gì cả.
Vua Trụ chờ lâu, hỏi:
- Khanh nhắm họa đồ nầy làm bao nhiêu thời gian thì hoàn tất?
Tử Nha tâu:
- Ðài cao 49 thước, lại dùng châu ngọc gắn khắp nơi, đâu đâu cũng chạm trỗ rất tinh tế, hạ thần nhận thấy muốn hoàn thành phải ít nhất trong vòng 35 năm.
Trụ Vương thở dài quay sang Ðắt Kỷ nói:
- Khương Thượng trù tính 35 năm mới xong, như thế trẫm cất Lộc đài làm gì cho hao tốn. Người không trăm tuổi, mà trẫm đã nửa đời người, sống tạm như vậy hưởng cảnh thanh nhàn cũng được, cần gì tính đến chuyện trồng cây, xây núi.
Ðắt Kỷ nói:
- Lão thầy bói nầy quen tánh nói dối. Cất một cái đài dầu có lâu đến đâu cũng không thể qua ba năm. Tử Nha đã có ý khi quân, không muốn làm tôi, Bệ hạ xin đem xử Bào Lạc cho rồi.
Trụ Vương còn đang lưỡng lự, Tử Nha nói tiếp:
- Tôi xin Bệ hạ chớ nghĩ đến chuyện lạc thú ở đời mà quên cái khổ của muôn dân. Trong lúc kho tàng trống rỗng, thiên hạ gặp nhiều hạn hán, lúa thóc không đủ ăn, tôi trung vì chán nản việc triều chánh, kẻ nịnh lợi đụng tình thế dèm pha, cái nguy vong của nước nhà đã thấy rõ. Xưa vua Kiệt lập cung Quỳnh Dao mà mất nước. Nay Bệ hạ lập Lộc đài chẳng khác dẫm chân lên con đường ấy, e cơ nghiệp sẽ về tay một chư hầu khác. Tuy đã muộn, nhưng vẫn còn có thể cứu nguy được nếu Bệ hạ biết tự sửa mình chinh phục nhân tâm, lo cho xã tắc. Tôi tri ân Bệ hạ nên có lời tâm huyết, không nỡ lấy mắt nhìn.
Trụ Vương nổi giận mắng lớn:
-Ðứa già miệng, dám mắng vua. Nếu không dùng hình phạt trị tội thì còn ai kính nễ trẫm nữa. Quân bây, đem Bào Lạc ra đốt lão già nầy cho thành tro để làm gương kẻ khác.
Võ sĩ chưa kịp áp tới Tử Nha đã co chân nhãy xuống lầu. Vua Trụ cười lớn, nói:
- Người nhát như thỏ mà giở thói ngang tàng, dẫu có lẹ chân như nai cũng không thể chạy trốn được.
Nói rồi truyền ngự lâm quân đuổi theo bắt lại.
Tử Nha nhảy xuống lầu, chạy một mạch đến cầu Cửu Long, thấy đàng sau quan quân theo bắt, liền nói lớn:
- Các ngươi đừng bắt ta làm gì cho mệt. Vua truyền đem Bào Lạc đốt ta, tánh ta không ưa lửa, nên thà chết nước cho mát thân.
Nói rồi nhảy ùm xuống sông mất xác. Quan quân chạy đến, không còn thấy Tử Nha đâu nữa, ngỡ là Tử Nha đã mượn dòng nước quyên sinh, có ngờ đâu Tử Nha bản lĩnh đầy mình, độn thủy trở về xứ.
Quan quân đứng nhìn một hồi, rồi trở về tâu lại với vua Trụ:
- Khương Thượng đã liều mình nhẩy xuống sông tự vận rồi.
Trụ vương nói:
- Số lão chết nước, không muốn chết lửa. Thôi, bề nào lão cũng chết thì thôi.
Bây giờ có vài viên quan vì mến Tử Nha nên đứng mãi trên cầu than thở, xảy có quan Thượng Ðại phu là Dương Nhậm đến hỏi:
- Việc gì mà các ông buồn bã đứng đây?
Các quan thưa lại mọi việc, Dương Nhậm thở dài trở về thư phòng, lòng rối như tơ vò.
Xong việc Khương Thượng rồi, Trụ Vương lại hỏi Ðắt Kỷ:
- Ái khanh còn có ý lập Lộc đài chăng?
Ðắt Kỷ nói:
- Lộc đài là nguồn sống của Bệ hạ thần thiếp tưởng không nên bỏ qua.
Trụ Vương hỏi:
- Khương Thượng đã chết nay sai ai làm Ðốc công?
Ðắt Kỷ nói:
- Sùng Hầu Hổ là người tận tâm với Chúa, nên bổ nhậm chức ấy.
Trụ Vương theo lời, sai sứ triệu Sùng Hầu Hổ về triều.
Thiên sứ tuân lệnh, vừa ra khỏi đền, gặp Dương Nhậm đón lại hỏi:
- Khương Thượng phạm tội gì mà phải nhào xuống sông tự tận?
Bệ hạ sai Khương Thượng làm Ðốc công, cất Bá Lộc đài theo họa đồ của Hoàng Hậu.
Khương Thượng đem lời ngay can gián. Bệ hạ truyền xử Bào Lạc. Khương Thượng thất kinh nhãy xuống lầu chạy đến Cửu Long kiều tự vẫn.
Dương Nhậm hỏi:
- Nay Bệ hạ sai ông đi đâu vậy?
Thiên sứ thưa:
- Bệ hạ sai tôi triệu thỉnh Sùng Hầu Hổ về triều để tiếp tục ý định xây Lộc đài.
Dương Nhậm hỏi:
- Lộc đài ra thế nào?
Thiên sứ nói:
- Bề cao tới bốn mươi chín thước, làm toàn ngọc ngà châu báu, có thể sánh với cung Quỳnh Dao đời vua Kiệt thuở xưa. Nếu làm đúng như vậy thì tốn kém của dân không biết bao nhiêu mà kể. Quan Ðại phu là người hưởng lộc lâu nay, tôi tưởng cũng nên có ít lời can gián may ra cứu dân khỏi nạn này.
Dương Nhậm nói:
- Thôi, ông khoan đi đã, để tôi vào yết kiến bệ hạ can gián vài lời. Xem có kết quả gì không.
Nói rồi thẳng đến đến trước lầu Trích Tinh, vòng tay đứng mãi. Trụ Vương trông thấy, gọi đến hỏi:
- Khanh đến đây có việc gì chăng?
Dương Nhậm tâu:
- Tôi nghe trong đạo thiên hạ hễ dân loạn thì nước hư, nước hư thì vua mất. Nay Khương Văn Hoán thù cha, cử binh bốn mươi vạn dánh ải Du Hồn, quan Tổng Trấn chống cự đã ba năm, tướng tổn người hao. Ngạt Thuận quyết lòng báo hiếu, kéo hai mươi vạn quân đánh ải Tìm Sơn. Ðặng Cửu Công cự địch hơn mấy năm đã không sao dẹp được. Trong lúc đó, Thái Sư Văn Trọng cầm quân dẹp Bắc Phiên mười mấy năm chưa thấy trở về. Tuy bên trong ổn mà bên ngoài chứa đầy mầm loạn lạc. Thế mà Bệ hạ không lo cứ ngày đêm đam mê tửu sắc, lập Bào Lạc hại tôi ngay, lập Sái Bồn giết cung nữ, chế Nhục Lâm, Tửu Trì để vui chơi...Rồi lại đòi lập Lộc đài cao bốn muơi chín thước để sánh với cung Quỳnh Dao thời vua Kiệt thật là chuyện phi thường. Hạ thần e Lộc đài hoàn thành, bệ hạ chưa hưởng được lạc thú mà cái khó đã đến bên mình. Muốn tránh những cái hại gần phải lo những cái hại xa. Lời nói của hạ thần ngày nay tưởng cũng thừa, vì trước đây đã nhiều vị quan triều tận trung can gián và bỏ mạng rồi. Tuy nhiên, hạ thần làm tôi bệ hạ, ngày nào Bệ hạ còn lầm lỗi là còn phải can ngăn.
Trụ Vương nói:
- Ngươi một đời theo sáo ngữ mà không biết cái nghĩa uyên thâm của một bậc minh quân sửa trị ngôi trời. Trẫm dùng luật nghiêm trị những đứa phản loạn thì mầm phản loạn làm sao sanh ra được. Bốn phương tuy có giặc, những đứa phản vua tuy hành động điên cuồng, song ngày nào đó chúng sẽ chịu trừng trị trước hình pháp của trẫm.
Dương Nhậm cười lớn:
- Bệ hạ nhờ ai nắm vững ngôi vua? Giặc đến, bệ hạ phải nhờ tướng tài, quân mạnh để chống lại. Thế mà Bệ hạ lại bạc đãi quân tướng mình thì ai chịu ra sức phò bệ hạ, chống giặc?
Vua Trụ nói:
- Binh tướng sẽ khiếp sợ trước luật pháp triều đình mà xả thân đánh giặc. Còn lấy nhân đạo đối với chúng chẳng khác nào đưa chúng đến chỗ dễ ngươi, khi quân phản quốc. Thí dụ, ta đã lấy lòng thương đãi ngươi, gọi ngươi vào đây, ngươi dám đem lời khi quân mắng vua, chứ nếu ta cấm ngặt không cho ngươi vào thì ngươi dám vào không?
Dương Nhậm nghe nói cười to:
- Thế Bệ hạ cho lũ quan triều nầy đều sợ chết mà phục tùng Bệ hạ sao?
Trụ Vương nói:
- Nếu ta đưa ngươi đến Bào Lạc, ngươi có dám nói lời khuyên can ta không?
Dương Nhậm ngửa mặt lên trời nói:
- Dù Bệ hạ có khoét mắt, cắt lưỡi, hạ thần vẫn nói. Lời nói của hạ thần vì sự nghiệp của tiền nhân, vì nhiệm vụ của một tôi thần đâu phải vì lẽ sống cá nhân. Bệ hạ nên thấy khác biệt giữa lời nói của kẻ nịnh, người trung thì mới rõ.
Trụ Vương bị Dương Nhậm mắng liền một lúc, tức quá nạt lớn:
- Ta khoét mắt ngươi xem ngươi còn dám nói lời nào nữa không?
Dứt lời truyền quân đè cổ Dương Nhậm xuống khoét mắt.
Dương Nhậm vẫn nói oang oang không nín. Ðến lúc Dương Nhậm đau quá chết điếng mới thôi.
Quân đem tròng mắt của Dương Nhậm dâng lên trước long sàng.
Trụ vương chưa nguôi giận mắng:
- Xảo ngôn! Sao nằm im đây không mắng nữa ta nghe thử.
Trụ vương vừa dứt lời thì bỗng một luồng gió thổi đến như bảo, đá cát bụi bay ngất trời. Vua Trụ phải bỏ chạy vào trong lánh mặt. Dương Nhậm tuy chết giấc mà tâm gan trung liệt vẫn không sờn, hồn oan lên đến tận mây xanh.
Bấy giờ ông Thanh Hư đạo nhân ở núi Thanh Phong, trông thấy oán khí bốc lên đánh tay hiễu rõ sự tình, liền sai Huỳnh Cân lực sĩ xuống trần, nổi trận gió thâu hốt xác của Dương Nhậm đem về núi, bỏ trong động Tử Dương.
Luồng gió dữ vừa rồi chính là do Huỳnh Cân lực sĩ tạo ra đó.
Trụ vương sợ gió chạy vào trong một lúc, khi gió tạnh, quan Phụng Ngự chạy vào báo:
- Dương Nhậm bị gió thổi bay đâu mất rồi.
Trụ vương nói:
- Lúc truớc trẫm chém hai vị Thái tử cũng bị gió bay. Như vậy là chuyện thường không có gì đáng ngại.
Tiếp đó Trụ vương quay sang nói với Ðắt Kỷ:
- Dương Nhậm bị gió bay mất, Sùng Hầu Hổ chắc cũng gần tới triều vậy phải lo gấp chuyện lập Lộc đài kẻo mất thì giờ, thời xuân không chờ ai để trễ không hưởng được thú thần tiên thì uỗng lắm.
Ðắt Kỷ nói:
- Bệ hạ cương quyết như vậy thì làm gì sự nghiệp không vững bền. Thần thiếp tưởng chỉ có hình phạt mới đem lại yên vui cho một ông vua, khỏi bị những kẻ tự phụ cho mình là thông thái đem những sáo ngữ ra chỉ trích xàm xàm.
Trụ vương gật đầu hỏi:
- Do đâu mà ái khanh có một tầm hiễu biết cao xa như vậy?
Ðắt Kỷ nói:
- Làm vua chẳng khác nào như cha mẹ. Cha mẹ dạy con bằng lối chiều chuộng thì không bao giờ làm vừa lòng con cái. Vì mỗi đứa con có mỗi tánh khác nhau. Còn nếu dùng uy lực trừng trị thì không đứa con nào không sợ. Ðó là đạo trị người vậy.
Vua Trụ nghe Ðắt Kỷ nói lòng ngất ngây, truyền quân đem rượu đến, uống say mèm.
Bấy giờ Huỳnh Cân lực sĩ đem thây Dương Nhậm bỏ ở động Tử Dương, rồi vào thưa lại với Thanh Hư đạo nhân.
Ðạo nhân liền xuất động, sai Bạch Vân đồng tử đem hai hạt linh đơn bỏ vào lỗ mắt của Dương Nhậm bị khoét. Tức thì, trong lỗ mắt ấy mọc ra hai cánh tay, có hai con mắt thần, sáng ngời như sao, xem thấu rõ trên trời dưới đất, thấu cả việc đời.
Tuy vậy, Dương Nhậm vẫn còn mê man chưa tĩnh, Bạch Vân đồng tử liền hớp một hơi sinh khí thổi vào mặt Dương Nhậm hét:
- Dương Nhậm không tỉnh lại còn chần chờ gì.
Dương Nhậm cựa mình, lồm cồm ngồi dậy, thấy quang cảnh trước mặt biết không phải là chốn phàm trần, lại thấy một tiên ông đứng trước cửa, Dương Nhậm liền bước đến quì thưa:
- Có phải ngài là ân nhân đã cứu tôi?
Thanh Hư đạo nhân nói:
- Ta thấy ngươi lòng ngay can chúa mà thác oan nên động lòng sai lực sĩ xuống trần hóa gió cứu ngươi đem về đây. Ngày sau ta sẽ cho ngươi xuống trần phò vua Võ, lập công, hưởng phú quí.
Dương Nhậm lạy tạ ơn và nói:
- Tôi nhờ tiên ông cứu tử hoàn sanh, ơn ấy rất trọng. Tôi xin tôn tiên ông làm Tôn sư và theo làm đệ tử.
Thanh Hư đạo nhân nói:
- Ðược. Ta nhận ngươi làm đệ tử, trong số ngươi chưa dứt hết nợ trần, chỉ gần ta một thời gian, sau này ngươi phải trở về phò vua giúp nước.
Dương Nhậm bái tạ, theo Bạch Vân đồng tử ra sau động học tập.
Nói về Sùng Hầu Hổ tuân lệnh Trụ vương xây cất Lộc đài tốn công, tốn của không biết bao nhiêu mà nói. Dân chúng các vùng lân cận bắt buộc phải đi làm sưu dịch, người đào đất, kẻ khiêng cây, dải nắng dầm sương, khổ cực trăm bề.
Người giàu có thì dùng tiền bạc lo lót để khỏi làm sương, kẻ nghèo khó phải nai lưng ra gánh chịu. Những kẻ nghèo thì đông, người giàu thì ít, vì vậy dân chúng đói rách không chịu nổi cảnh khổ cực bỏ trốn rất nhiều. Có một số người chết vì mang bệnh, lai có một số người vì tai nạn lao công.
Sùng Hầu Hổ rất trung thành trong việc xây cất Lộc đài nên thi hành ráo riết, dùng lệnh Thiên tử rất nghiêm, ai trễ đều bị đem ra xử tử giữa chợ làm gương kẻ khác.
Bấy giờ Tử Nha độn thủy trở về trang viện của Dị Nhân. Vợ Tử Nha là Mã thị nghe tin chồng về vội ra đón tiếp. Nàng ngỡ Tử Nha còn đang làm quan nên trọng vọng lắm.
Tử Nha nói:
- Nay ta đã thôi làm quan rồi.
Mã thị sững sốt hỏi:
- Vì cớ sao vây?
Tử Nha nói:
- Thiên tử bảo tôi làm Ðốc công xây cất Lộc đài, làm việc nầy tốn của tốn công dân chúng không biết bao nhiêu mà nói. Trong lúc đó Thiên tử lại chỉ nghĩ đến sắc đẹp, không kễ đến việc mất còn thiên hạ, như thế bảo ta nghe theo sao được? Ta tìm lời can gián, thiên tử truyền đem ta xử bào lạc, ta bỏ chức chạy về đây.
Mã thị giận nói:
- Ông là lão thầy bói, thời may được vua thương phong chức, vinh hiển một thời, lẽ ra phải đem thân khuyển mã thờ vua, đền lại ơn thâm nghĩa trọng, khéo bắt chước người ta học đòi lý sự, ra mặt can vua để đến nỗi suýt vong mạng. Nay ông trở về đây là mang tội với triều đình, còn trốn ngỏ nào được nữa để trở lại đời lão thầy bói già trước kia.
Khương Tử Nha nói:
- Làm trai chọn chúa mà thờ. Trụ vương đã không phải chúa thánh, ta không thể làm một tôi hiền. Vậy vợ chồng ta nên trốn sang Tây Kỳ, tìm kế sanh nhai, đợi lúc gặp chơn chúa ra phò cũng không mất vinh hoa phú quý đâu.
Mã thị nguýt chồng nói:
- Công danh trước mặt mà chưa biết hưởng lại đi tìm một ảo vọng xa xôi. Vua sai làm Ðốc công xây Lộc đài đã vừa lợi vừa danh giá, mấy người được vua tín nhiệm phú thác việc lớn. Lợi không biết lợi, danh không biết danh, nay mất cả rồi, khéo làm tướng phách lối.
Tử Nha nói.
- Ðàn bà chỉ biết cái lợi trước mắt mà không thấy cái hại về sau, công danh không chính đáng là công danh hão huyền. Tôi muốn tự tài tôi lập nên chức vị, không cần phải ở may mắn nào. Bà hãy theo tôi sang Tây Kỳ, bỏ chốn Triều Ca nầy cũng chẳng hại.
Mã thị giận nói:
- Tôi là dân Triều Ca không phải kẻ trôi sông lạc chợ mà quên tổ quên tông, bỏ quê bỏ xứ. Nay đã xui cớ sự như vầy ông không thể ở đây được nữa, còn tôi cũng không thể theo ông đi xứ khác, vậy từ đây ai làm nấy ăn, ai sang ấy hưởng.
Tử Nha nói:
- Xưa nay hễ đàn bà con gái xuất giá tùng phu, chồng sang thì nhờ, chồng khó thì cam chịu, chồng đi đâu phải theo đó, vinh nhục có nhau, tại sao bà lại có ý như vậy?
Mã thị nói:
-Ông là kẻ có tội với triều đình, đang tìm nơi trốn tránh. Tôi là người ngay thẳng, không ai có quyền buộc tôi phải theo người có tội cả. Tốt hơn ông viết cho tôi một tờ ly dị, từ đây cầm sắt phân đôi.
Tử Nha đau lòng nhìn vợ, nói:
- Bà đừng nói quấy. Tài tôi không phải với chức Ðại phu nhỏ bé như vậy đâu. Ngày nay tuy khổ, nhưng ngày mai nhất định hiển vinh. Tôi không nỡ lúc khó vợ chồng có nhau, đến lúc hiển vinh mình tôi riêng hưởng.
Mã thị nói:
- Ông được hiển vinh thì nhờ, phần tôi nghèo khó tôi chịu. Ông cưới vợ khác để sau này phong làm nhất phẩm phu nhân.
Tử Nha không biết nói sao đành năn nỉ. Tuy vậy, Mã thị đã cố tình oán ghét, một hai nằng nằng đòi làm tờ ly dị để tìm kế sinh nhai, không theo Tử Nha nữa.
Tống Dị Nhân thấy vậy bước ra nói với Tử Nha:
- Chuyện nay một phần do tôi gây nên. Bởi tôi làm mai không đúng chỗ nên ngày nay mới xảy ra lắm chuyện xích mích như vậy.
Thôi, người vợ đã cố tâm dứt bỏ thì nguời chồng dầu muốn chung sống cũng chẳng có gì hạnh phúc, hiền đệ nay trong tai nạn, phải trốn vua, sang nơi khác lánh thân, trong đời cũng chẳng thiếu đàn bà, cứ ly dị nhau cho ổn thoả.
Tử Nha nói:
- Thưa anh, tôi nghĩ lúc vợ chồng khó nhọc có nhau, đến lúc hiển vinh một mình riêng hưởng e mang tiếng phụ tình. Thế mà vợ tôi khinh tôi đến nước ấy chẳng còn làm sao nữa? Nay có lời anh dạy, tôi xin làm theo cho mát lòng vợ.
Tử Nha cầm viết tay tờ ly hôn, trao cho Mã thị, và nói:
- Nếu bà quyết lòng từ bỏ tôi thì cầm giấy nầy, còn nếu vì giận nhau thì hãy nén giận rồi theo tôi. Tôi không còn thì giờ nào chễnh mãng nữa.
Mã thị vội lảnh tờ ly hôn, thái độ không một chút nuối tiếc.
Tử Nha thở dài, buồn bã ngâm bốn câu thơ:
Miệng con rắn hà nàm
Nọc con ong vò vẽ
Hai món độc vừa vừa
Bụng đàn bà quá lẽ.
Mã thị không nhìn mặt Tử Nha, đút tờ ly hôn vào túi rồi bưng rỗ may về xứ kiếm chồng.
Tử Nha cũng vội sửa soạn hành trang lên đường đến Tây Kỳ ẩn mặt, và thưa với Tống Dị Nhân:
- Nhờ ơn anh chị hết lòng đùm bọc lâu nay, tôi chưa trả được ơn sâu mà phải lên đường cách biệt.
Tống Dị Nhân tìm lời an ủi, làm tiệc tiễn hành và hỏi:
- Bây giờ hiền đệ định đi đâu?
Tử Nha nói:
- Trụ Vương là một hôn quân, không thể giữ nổi giang sơn được. Tây Kỳ nhân hòa khí thuận, dễ sanh Chúa thánh tôi hiền. Tôi muốn qua đó ẩn mặt, chờ ngày tiến thân.
Di Nhân nói:
- Nếu trời thương, cho hiền đệ được sớm gặp hội rồng mây thì gởi thư về cho tôi biết kẻo lòng tôi mong đợi.
Tử Nha tạ ơn rồi từ biệt lên đường, Dị Nhân theo đưa đón hơn hai dặm đường mới trở lại.
Ði khỏi sông Mạnh Tân, Tử Nha qua thuyền vượt sông Hoàng Hà đến Ðồng Quan ải. Nơi đây là địa đầu của xứ Tây Kỳ. Bỗng thấy một số người rất đông, trai có, gái có vừa dắt vừa đi vừa than thở. Trông lối ăn mặc, Tử Nha biết họ là dân Triều Ca, liền gọi lại hỏi:
- Các ngươi ở Triều Ca, sao lại đến nơi đây than khóc?
Trong nhóm ấy có vài người biết Tử Nha, liền đến gần thưa:
- Chúng tôi thật là dân Triều Ca, nhân vì Thiên tử xây cất Lộc đài khiến Sùng Hầu Hổ làm Ðốc công. Sùng Hầu Hổ quá khắc nghiệt, ăn của nhà giàu, bắt nhà nghèo chúng tôi làm thục mạng. Dân chúng chết vì đói khát vì nạn lao công. Chúng tôi chịu không nổi phải bỏ trốn, vì nghĩ rằng ở Triều Ca thì sớm muộn cũng bỏ thây.
Tử Nha hỏi:
- Các ngươi đã trốn được đến đây coi như thoát nạn, tại sao còn than thở?
Dân chúng thưa:
- Trương Tổng binh trấn ải nầy không rõ hoàn cảnh của chúng tôi nên đuổi chúng tôi trở về, không cho qua ải để tỵ nạn.
Nếu chúng tôi trở về chắc phải chết.
Tử Nha nói:
- Thôi, các ngươi chớ than khóc làm gì, để ta vào nói với Trương Tổng binh cho.
Dân chúng mừng rỡ nói:
- Nếu lão gia thương tưởng như vậy chúng tôi nguyện biết ơn suốt đời.
Tử Nha đưa cho dân chúng coi giữ gói hành trang mình, rồi đến trước cửa thành kêu quân gát cửa nói:
- Chúng bây vào thưa với Trương Tổng binh có ta là Hạ Ðại phu Khương Thượng xin vào ra mắt.
Quân vào báo, Tổng binh Trương Phụng nghĩ thầm:
- Tử Nha là quan văn tại triều, còn ta là quan võ trấn ải ngoài. Nếu không trọng vọng hắn, hắn tìm cách tâu ra tâu vào với Thiên tử, e mang hại.
Nghĩ rồi truyền quân mở cửa ải đón Tử Nha vào thính đường trà nước. Nhưng khi Tử Nha vừa vào, Trương Phụng thấy Tử Nha không mặc triều phục, lại mặc áo nhà tu, lấy làm ngạc nhiên.
Sao quan Ðại phu lại ăn mặc như vậy?
Tử Nha nói:
- Tôi đến đây không phải vì việc công, chỉ vì Thiên tử khiến Sùng Hầu Hổ làm Ðốc công xây Lộc đài, Sùng Hầu Hổ ăn của hối lộ nhà giàu, bắt dân Triều Ca làm sưu quá nặng nề, dân chúng chịu không nổi phải bỏ trốn. Nhưng quan Tổng binh lại không rõ sự tình, không cho chúng qua ải tỵ nạn. Tôi tường việc này quan Tổng binh nên làm ơn cho chúng một phần, để tiếng nhân đức về sau.
Trương Phụng ngạc nhiên nói:
- Khương Ðại phu nói sao khó nghe vậy. Nếu Sùng Hầu Hổ làm việc không công bình, hiếp đáp dân lành thì còn có triều thần minh oan cho dân chúng lẽ nào để dân chúng trốn ra khỏi biên thùy mà gọi là nhân nghĩa, ông làm chức Ðại phu, sao không có một lời tâu với vua, lại theo đám dân trốn tránh ấy?
Tử Nha nói.
- Tôi không giấu gì Trương Tổng binh, chính chuyện xây cất Lộc đài trước kia bị bệ hạ ủy nhiệm cho tôi, nhưng tôi thấy việc làm tổn phí, đã hao của kho, lại nhọc dân chúng, mà chẳng lợi gì cho quốc gia, vì vậy tôi tỏ lời hơn thiệt can ngăn, Bệ hạ nghe lời Ðắt Kỷ cách chức tôi, đuổi về quê quán. Hôm nay trên đường về quê, tôi gặp đám dân lành này tị nạn, tôi thiết tưởng trong triều không còn ai đủ sức đứng ra bênh vực dân chúng nữa, Trương Tổng binh nên xét tình trạng ấy làm ơn cho dân lành.
Bấy giờ, Trương Phụng mới biết Tử Nha là kẽ có tội, đi lẫn trốn, nên ra mặt khinh bỉ nói:
- Chú là kẻ trôi sông lạc chợ, may nhờ lộc nước ơn vua mà, hiển vinh, lẽ phải đáp đền ơn Chúa. Ðã không biết đíều, bị cách chức âm mưu trốn đi, còn muốn cầm đầu cho đám đân chúng hờn trách Bệ hạ nữa. Tôi nói thật, tôi trấn nơi ải này không để một kẻ nào lợi dụng. Lẽ ra tôi bắt chú đem về nạp cho Bệ hạ xử tội, song mới gặp nhau lần đầu, làm như vậy cũng quá bạc bẽo.
Nói rồi truyền quân đuổi Tử Nha ra lập tức. Tử Nha hổ thẹn bước ra cửa ải, thấy dân chúng đang ngồi một nhóm rất đông, mắt ngong ngóng chờ tin.
Tử Nha buồn bã bước đến nói:
- Không xong rồi, tôi đã hết lời năn nỉ mà Trương Tổng binh chẳng chút vị tình, còn đòi bắt tôi đem về triều dâng nạp.
Dân chúng nghe nói khóc òa. Tiếng khóc hòa vào nhau làm rúng động cả bầu trời ảm đạm.
Tử Nha thấy thương hại, nói:
- Dầu Trương Tổng binh có ác ý chúng ta cũng chẳng hại gì.
Ðể ta tìm các đưa các ngươi đến Tây Kỳ tìm sinh kế.
Dân chúng không tin, nói:
- Cửa ải đóng chặt, lão gia làm sao đưa một số hơn tám trăm người chúng tôi đi qua được?
Tử Nha nói:
- Trước kia ta làm thầy bói, ta có phép lạ trừ yêu, nay thế lại không có cách gì đưa các ngươi qua ải sao? Các ngươi cứ yên tâm, ngủ môt giấc cho đến canh ba, hễ nghe có gió thổi thì nhắm mắt lại, kẻ nào mở mắt ra mang họa đừng trách ta không nói trước.
Nghĩ đến việc Tử Nha dùng phép lạ trừ yêu trước kia, dân chúng đều mừng rỡ, riu ríu nghe theo.
Qua đến canh ba, Tử Nha hướng về núi Côn Lôn quỳ lạy một hồi, rồi niệm chú. Tức thì gió dông nổi dậy, cát bụi mịt mù. Tử Nha báo dân chúng nhắm mắt lại. Trận gió thần hốt đám dân chúng lôi đi chẳng mấy chốc đã vượt qua năm ải là: Lâm Ðồng, Ðồng Quan, Xuyên Vân, Tị Thủy và Giới Bài.
Khi đến núi Kim Kê lãnh, Tữ Nha thâu phép lại, giông gió lặng yên mới bảo dân chúng mở mắt.
Dân chúng ngồi chùm nhum dưới đất nhìn nhau trong lúc trời chưa sáng.
Tử Nha nói:
- Ðây là núi Kim Kê, thuộc về nước khác, thành Tây Kỳ ở trước mặt chúng ta không xa, đợi sáng chúng ta sẽ tìm vào.
Mấy trăm đân chúng đều cúi lạy tạ ơn và nói:
- Biết ngày nào chúng tôi đáp được ơn nầy.
Tử Nha tỏ lời giã biệt, tìm đến chân núi Bàn Khê ẩn mặt, chờ thời, đợi vận.
Người sau có thơ khen Tử Nha:
Bỏ trốn Triều Ca lánh thị thiềng
Ðưa dân khỏi ải thật thần tiên
Gieo câu sông Vị chờ qua vận
Uống nước Bàn Khê đợi gặp duyên
Võ Kiết ra tay người chỉ ngõ
Phi Hùng ứng mộng chúa cầu hiền
Tám mươi mới đặng yên công nghiệp
Ra giúp nhà Châu sửa mối giềng
Bấy giờ nói về tám trăm dân chúng ngồi đợi sáng, khi ánh dương lố dạng, mọi người đều xem rõ cõi Tây Kỳ núi sông tươi đẹp Ai nấy đều vui mừng, qua khỏi Kim Kê lãnh thì tới Yên Sơn.
Ði đến núi Thu Hương, qua làng Bạch Liễu. Mọi người mở cơm khô ra ăn uống nước suối, đoạn đi thêm bảy chục dặm đường nữa thì đến thành Tây Kỳ. Nơi đây người thanh cảnh lịch, nước biếc non xanh, quả là một nước giàu mạnh. Dân chúng tuy đông, nhưng sống trong trật tự, người nhỏ nhường người yếu, kẻ mạnh kính người già, chợ búa không tiếng cãi vã, thành quách, dinh thự không có quân canh. Thật là trời Nghiêu đất Thuấn, nước Thánh vua Hiền
Mấy trăm dân Triều Ca đến nơi làm đơn xin được tị nạn.
Quan Ðại phu Táng Nghi Sanh chấp đơn đệ vào trình với Giám Quốc Bá Ấp Khảo.
Bá Ấp Khảo xem đơn xong, truyền rằng:
- Bởi vua Trụ độc ác, không lòng thương dân, bắt dân làm xâu nặng nhọc, nên dân không chiu nổi phải lìa bỏ quê hương đến xin tị nạn. Nước ta cốt làm việc nghĩa nhân không thể từ chối được. Vì ta đối đãi với họ như dân bản xứ, kẻ nào không tiền giúp tiền, kẻ nào không lúa giúp lúa, cốt tạo cho họ một đời sống ấm no.
Táng Nghi Sanh tuân lời, đưa mấy trăm dân Triều Ca vào ở nơi nội thành, và giúp đỡ hết sức nồng hậu.
Cách đó ít hôm Bá Ấp Khảo lâm triều, bá quan ứng hầu đủ mặt, Bá Ấp Khảo nói:
Nay vua cha bị cầm tù tại thành Dũ Lý đã hơn bảy năm, ta muốn đem lễ vật đến cống Thiên tử để chuộc tội vua cha trở về các ngươi nghĩ sao?
Táng Nghi Sanh thưa:
- Khi Chúa công ra đi có coi quẻ, thấy mình mắc nạn bảy năm, dặn Công tử ở lại Tây Kỳ chăm lo việc nước, không cho đến Triều Ca, chờ Chúa công hết nạn sẽ trở về. Nay nếu Công tử muốn tỏ tình hiếu đạo thì sai người vào Triều Ca thăm viếng cũng đủ, không nên cãi lời Chúa công đã ủy thác.
Phong Thần Diễn Nghĩa Phong Thần Diễn Nghĩa - Hứa Trọng Lâm Phong Thần Diễn Nghĩa