Núi Thần epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Phần 4 - Tản Mạn Về Cảm Nhận Thời Gian
hi họ từ phòng ăn quay trở lên đã thấy gói đồ đựng hai tấm chăn được đưa đến để trên một chiếc ghế trong phòng Hans Castorp, và chàng hớn hở lấy ra sử dụng ngay - Joachim thành thạo hướng dẫn chàng kỹ năng cuốn mình trong đó như sâu kèn, một nghệ thuật mà tất cả mọi người ở đây khi mới tới đều phải học. Trước tiên người ta lần lượt trải cả hai tấm chăn lên chiếc ghế nằm một cách vừa tầm, sao cho khúc đuôi dư ra thòng xuống đất ở cuối ghế. Rồi người ta nằm lên trên và bắt đầu cuốn lớp trong: đầu tiên kéo mép bên trái đắp dọc theo người lên tới nách, rồi ngồi dậy cúi người về phía chân ghế với lấy phần đuôi dư ra đắp ngược lên chân, cuối cùng cuốn nốt mép chăn bên phải phủ lên người, nếu muốn cái tổ sâu kèn của mình vuông vắn phẳng phiu thì phải cẩn thận xếp khúc đuôi tấm chăn cho thẳng thớm. Sau đó lặp lại đúng những động tác này để cuốn lớp ngoài, dĩ nhiên cuốn lớp thứ hai khó hơn cuốn lớp đầu tiên nhiều, và Hans Castorp vì thiếu kinh nghiệm nên vất vả không phải ít, cứ loay hoay ngồi lên nằm xuống vụng về co kéo. Chỉ có vài người kỳ cựu ở đây là có thể cuốn đồng thời cả hai tấm chăn một lượt kín mình bằng ba động tác nhanh gọn, Joachim bảo, nhưng chỉ rất ít người có cái khả năng đáng ganh tị ấy thôi, vì muốn làm được thế ngoài kinh nghiệm ra còn cần có một năng khiếu nhất định nữa. Đang nằm duỗi tấm lưng mỏi nhừ trên ghế nghe những lời này Hans Castorp bật phì cười, và Joachim hơi ngơ ngác nhìn, chàng không hiểu có cái gì tức cười ở đây, nhưng cũng hiền hậu cười theo.
“Tốt rồi”, chàng bảo, khi Hans Castorp đã mệt nhoài sau bài tập nằm thẳng cẳng trong cái kén tròn thù lù, chiếc gối êm ái kê sau gáy, “bây giờ dẫu có hai chục độ dưới không thì cậu cũng chẳng phải lo ngại gì.” Và chàng bước qua vách ngăn bằng kính về chỗ của mình để cũng tự cuốn một cái tổ sâu kèn.
Hans Castorp không tin tưởng mấy vào tác dụng của hai tấm chăn ở hai chục độ dưới không, vì ở nhiệt độ hiện nay người chàng dù cuốn chăn cũng đang lạnh cóng, những cơn rùng mình cứ liên tiếp chạy suốt từ trên xuống dưới trong lúc chàng nằm lơ mơ nhìn qua khoảng trần ban công cong cong hình vòm cung ngắm những sợi mưa liên miên rỉ rả không ngớt ngoài trời, có vẻ như nước mưa chỉ mấp mé ở điểm đông đặc và sẵn sàng chuyển thành mưa tuyết bất kỳ lúc nào. Nhưng lạ quá, trời mưa sũng nước thế mà mặt chàng cứ nóng bừng và khô ran như ngồi trong phòng đốt lò sưởi đùng đùng. Và chẳng hiểu sao chỉ có mấy động tác cuốn chăn như trò chơi mà chàng mệt rã rời, khi đưa ‘Tàu thủy viễn dương’ lên mắt đọc chàng thấy tay mình run bần bật. Chàng tự nhủ mình vốn dĩ chẳng phải là người sức dài vai rộng - thiếu máu trầm trọng, ông cố vấn cung đình Behrens đã bảo thế, và có lẽ vì thiếu máu nên cơ thể chàng lúc nào cũng thấy lạnh. Tuy nhiên cái khó chịu trong người được cân bằng hậu hĩnh bởi cái khoan khoái của tư thế đặc biệt thư giãn, cái tiện nghi khó lý giải và gần như mầu nhiệm của chiếc ghế nằm mà ngay từ lần đầu sử dụng Hans Castorp đã mê tít, may mắn làm sao cảm giác sung sướng ấy không mất đi mà lần nào cũng quay trở lại. Không biết đó là do độ dày của tấm đệm, độ dốc vừa phải của lưng ghế, chiều cao và chiều rộng hợp lý của tay ghế hay nhờ chiếc gối lót gáy vừa mềm vừa êm, chỉ biết rằng không có cái gì phục vụ những khớp xương rã rời của chàng một cách nhân đạo hơn chiếc ghế nằm tuyệt diệu này. Vậy là trong thâm tâm Hans Castorp hoàn toàn mãn nguyện với hai giờ đồng hồ trống rỗng nhàn hạ trước mắt, những giờ khắc nghỉ ngơi được coi là thiêng liêng theo quy định của viện an dưỡng, mà chàng, dù rằng chỉ là khách đến chơi, cũng hết lòng tán thưởng. Vì bản tính chàng vốn không hiếu động, cả ngày không nhấc chân động tay làm việc gì cũng chẳng sao, và hẳn chúng ta còn nhớ, chàng đặc biệt yêu thích những giờ phút thảnh thơi, khi thời gian không bị công việc bù đầu nuốt trôi, xua đuổi đến nỗi mất hút trong quên lãng. Bốn giờ là cữ uống trà với bánh ngọt và mứt hoa quả, rồi một chút vận động ngoài trời, sau đó lại nằm nghỉ, bảy giờ ăn tối, là giờ mà cũng như mọi bữa chính trong ngày người ta hồi hộp ngóng chờ, hy vọng được chứng kiến một vài sự kiện bất ngờ hoặc ít ra là vài cảnh ngoạn mục trong phòng ăn, sau đó lại dán mắt vào hộp chiếu ảnh ba chiều, ống kính vạn hoa và mấy khúc phim… Hans Castorp đã thuộc lòng lịch sinh hoạt hằng ngày ở đây, mặc dù nếu bảo rằng chàng đã ‘hội nhập’ vào đời sống trên này thì vẫn còn quá sớm.
Về căn bản có một điểm ngược đời trong quá trình hội nhập ở một nơi xa lạ, cái quá trình - thường là rất khó nhọc - thích nghi với nhịp điệu mới và thay đổi những thói quen cũ, mặc dù trong đa số trường hợp người ta tự nguyện tiến hành để phục vụ một ý đồ nhất định, thế nhưng khi mới gần hội nhập hoặc vừa kịp quen với nhịp điệu mới thì đã lại phải từ bỏ tất cả để quay về trạng thái cũ. Người ta coi đó là một chút thay đổi, một khoảng gián đoạn giữa dòng đời liên tục nhằm mục đích ‘nghỉ ngơi’, tức là: tái tạo và tăng cường sinh lực cho cái cơ thể có nguy cơ xuống dốc hay thậm chí đã bắt đầu rệu rã, cùn lụt và trở nên lười biếng vì nếp sống đều đều buồn tẻ. Do đâu mà có sự rệu rã cùn lụt này nếu nhịp điệu sinh hoạt quá lâu không có gì thay đổi? Ở đây nguyên nhân không đơn thuần là sự hao mòn thể xác và tinh thần do những hoạt động sinh sống hằng ngày (vì nếu vậy chỉ cần nghỉ ngơi theo đúng nghĩa đen của từ này là đủ để phục hồi sức lực); hơn thế đó là một hiện tượng tâm lý, là cảm nhận về thời gian: ý thức về thời gian có nguy cơ tiêu tan mất trong sự đơn điệu kéo dài, nó gần gũi và gắn bó mật thiết với những xúc cảm của đời sống đến nỗi cái này suy yếu tất sẽ ảnh hưởng tai hại đến cái kia. Có nhiều quan niệm rất sai lầm về bản chất của thời gian. Nhìn chung người ta cho rằng nếu cuộc sống chứa đựng những điều lý thú và mới mẻ thì thời gian ‘trôi đi nhanh’, tức là ngắn lại; trong khi đơn điệu, buồn tẻ ngăn cản và làm chậm bước tiến của thời gian. Điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Có thể đơn điệu và buồn tẻ làm cho một lúc hay một giờ như bị giãn dài ra, ‘kéo dài’ lê thê, nhưng về tổng thể nó lại cắt ngắn và làm bay biến cả một khoảng thời gian dài hoặc rất dài như chơi. Ngược lại nội dung phong phú đầy lý thú của cuộc sống có khả năng làm cho một giờ hay thậm chí cả ngày trôi qua mau, tưởng như ngắn ngủi, nhưng xét cho cùng nội dung ấy lại làm tăng thêm tầm vóc, trọng lượng và ý nghĩa của thời gian, khiến cho những năm tháng đầy biến động trôi đi chậm hơn nhiều so với cũng từng ấy tháng ngày nhưng nghèo nàn, trống rỗng, vô vị và cứ thế cuốn theo chiều gió chẳng để lại dấu vết gì. Như vậy cái được gọi là buồn tẻ và tưởng đâu dài lê thê đúng ra lại là sự tăng tốc một cách bệnh hoạn của thời gian do nếp đời nhàm chán: những khoảng thời gian dài trở thành ngắn ngủi trong nhịp điệu đều đều không đổi của ngày thường, nhanh đến nỗi trái tim nhạy cảm rùng mình kinh sợ; nếu ngày nào cũng như ngày nào thì tất cả mọi ngày chỉ còn là một; và nếu không có những thay đổi đánh dấu cho từng chặng thì cuộc đời dài nhất khi ngoảnh nhìn lại cũng chỉ thoáng qua. Thói quen có tác dụng ru ngủ và làm tê liệt nhận thức về thời gian, những năm tuổi trẻ ta thường thấy rất dài, trong khi càng về già ta càng có cảm tưởng thời gian biến đi nhanh như bị mất cắp. Chúng ta ai cũng biết, thay đổi thói quen tập quán là biện pháp duy nhất giúp cho cuộc sống được hồi sinh, mài giũa lại nhận thức, khiến tinh thần trở nên tươi mới, mạnh mẽ hơn để làm chậm bước tiến của thời gian và mang lại ý nghĩa đổi mới cảm xúc cho đời. Đó cũng là mục đích của những chuyến du lịch, nghỉ mát, tắm biển, tóm lại là nghỉ ngơi bằng cách thay đổi nhịp điệu sống ít lâu. Những ngày đầu tiên ở chỗ nghỉ mát thường nhiều ấn tượng mới tinh khôi và đối với ta phong phú, hấp dẫn một cách đặc biệt, giai đoạn này kéo dài khoảng sáu đến tám ngày. Rồi, với mức độ ‘hội nhập’ vào hoàn cảnh mới, thời gian cũng tăng tốc dần lên: những ai tinh ý hoặc nói đúng hơn là tinh tế trong cảm xúc có thể ngậm ngùi nhận ra ngày bắt đầu trở nên ngắn ngủi và chóng hết; rồi tuần cuối cùng, thường là tuần thứ tư của kỳ nghỉ, trôi qua với một tốc độ làm ta chóng mặt. Dĩ nhiên tác dụng tăng cường cảm nhận về thời gian cũng đúng theo chiều ngược lại, ứng vào thời điểm khi ta quay trở về với đời thường: những ngày đầu tiên về nhà sau kỳ nghỉ cũng mới lạ, trẻ trung và nhiều khám phá, nhưng chỉ được vài ngày rồi đâu lại vào đó, vì người ta nhập vào thói quen cũ nhanh hơn nhiều so với khi thoát ra khỏi nó, nhất là khi cảm nhận thời gian đã bị tuổi tác làm cho mòn mỏi hoặc - một dấu hiệu nhu nhược về trí tuệ - từ trước tới nay chưa bao giờ đặc biệt sâu sắc, thì cảm giác phấn khởi ấy lịm đi rất nhanh, và chỉ hai mươi bốn tiếng đồng hồ sau khi trở lại nhà người ta đã có cảm tưởng như mình chưa hề bước chân ra đi và cuộc hành trình chỉ còn như một giấc chiêm bao.
Những nhận định này được chúng tôi trình bày ở đây bởi vì trong đầu chàng trẻ tuổi Hans Castorp cũng ngổn ngang những tư duy tương tự, lúc chàng tâm sự với anh họ một vài ngày sau đấy (vừa nói vừa ngước cặp mắt đỏ ngầu tia máu lên nhìn):
“Kỳ cục thật, thời gian đầu ở một nơi xa lạ sao mà dài quá. Tức là… tất nhiên không phải tớ thấy buồn chán, ngược lại là đằng khác, ở đây rất thú vị. Nhưng khi nhìn lại, ôn lại trong đầu những ngày qua, cậu hiểu không, tớ cứ có cảm tưởng như đã ở trên này lâu lắm rồi, tua mãi mới quay lại được khúc ban đầu, lúc tớ vừa tới nơi và còn ngơ ngác, lúc cậu bảo: ‘Xuống đi thôi!’ - cậu còn nhớ không? Đấy chỉ là cảm giác, chứ chẳng liên quan gì đến lý trí và thời gian đo được trong thực tế. Tất nhiên tớ không thể bảo: ‘Tớ cứ ngỡ mình ở đây đã hai tháng rồi’, nói thế là tầm bậy. Chỉ có thể nói chung chung rằng: ‘đã lâu lắm rồi’ thôi.”
“Ừ”, Joachim trả lời, lúng búng vì vướng cái nhiệt kế ngậm trong miệng, “thực ra thế cũng hay cho tớ, tớ có chỗ để dựa dẫm kể từ khi cậu đến đây.” Và Hans Castorp bật cười, vì Joachim nói ra điều này một cách giản dị, không cần giải thích dài dòng.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần