Chương 17: Benghazi: Bị Tấn Công
gày 11-9-2012, Đại sứ Chris Stevens và Sean Smith, Văn phòng Quản lý Thông tin đã thiệt mạng do cuộc tấn công khủng bố vào khu tổ hợp ngoại giao đoàn ở Bengahzi, Libya. Vài giờ sau, hai sĩ quan tình báo CIA, Glen Doherty và Tyrone Woods cũng thiệt mạng trong cuộc tấn công vào một văn phòng đại diện gần đấy.
Sean Smith tham gia Bộ Ngoại giao sau 6 năm làm việc bên không lực và hơn thập niên tại đại sứ quán và lãnh sự quán ở Pretoria, Baghdad, Montreal và The Hague.
Tyrone Woods nổi danh với bạn bè ở Hải Quân SEAL, sau đó làm bên CIA với biệt danh “Rone.” Ông từng phục vụ ở Irag, Afghanistan. Ngoài danh hiệu cựu chiến binh dày dạn kinh nghiệm chiến đấu, ông còn được coi là một y tá ưu tú và có bằng cứu thương. Ông và bà Dorothy có ba người con trai và bé mới sinh vài tháng trước khi ông qua đời.
Glen Doherty, nối gót “theo thằng bạn thời thơ ấu”, cựu SEAL tài năng, một cứu thương giàu kinh nghiệm. Ông từng tham gia hoạt động những nơi đầy nguy hiểm trên thế giới, kể cả Irag, Afghanistan, đặt mạng sống của mình vào nơi đầy nguy hiểm để bảo vệ người Mỹ. Cả hai Tyrone và Glen nguyện đem tất cả kỹ năng, kinh nghiệm của bản thân để bảo vệ các nhân viên CIA tại Libya.
Đại sứ Chris Stevens, người duy nhất trong bốn người thiệt mạng mà tôi vinh dự được quen biết, ông là nhà ngoại giao tài năng, một người đầy nhiệt huyết và thân thiện. Mùa xuân năm 2011 khi tôi yêu cầu ông tiếp xúc với thủ lĩnh phiến quân Libya ở Benghazi, một công việc rất nguy hiểm, ông đã vui vẻ chấp nhận và hoàn thành xuất sắc, tôi đề cử ông làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Libya sau khi chế độ Qaddafi sụp đổ, ông chấp nhận ngay. Chris hiểu rõ có rất nhiều rủ ro và thách thức khi chấp nhận nhiệm vụ, chung tay giúp đỡ xây dựng một đất nước bị tàn phá, vì Hoa Kỳ có nhiều lợi ích an ninh đối với quốc gia này. Với bề dày kinh nghiệm, tài năng trong ngoại giao đã giúp ông lựa chọn và đảm nhận chức vụ này là sự lựa chọn tất yếu của ông.
Sự tổn thất và mất mát những công dân ưu tú, can đảm trong khi làm nhiệm vụ là chuyện quá đau lòng. Là Ngoại trưởng, tôi là người chịu trách nhiệm chính việc đảm bảo an toàn tính mệnh của người dân, chưa lần nào tôi cảm thấy mình thật sự đau buồn về trách nhiệm như ngày hôm ấy.
Điều phối cán bộ nhân viên của chúng ta đến những nơi đầy nguy hiểm là một trong những lựa chọn khó khăn nhất của người lãnh đạo cũng như của quốc gia phải làm. Thật đau lòng và tiếc nuối nhất của tôi trong nhiều năm qua khi những người tôi cử đi đã có người vĩnh viễn không trở về. Lúc nào tôi cũng nghĩ đến gia đình, thân nhân của những người vì nước mà hy sinh. Sự hăng say trong nhiệm vụ được giao, lòng biết ơn của nhà nước cũng phần nào an ủi, nhưng cũng không đủ để lấp đầy sự mất mát.
Cách duy nhất đáng tin cậy để tôn vinh họ là chúng ta phải cải thiện hơn nữa khả năng bảo vệ tính mạng, tránh những tổn thất đáng tiếc khi họ thực hiện sứ mệnh.
Từ ngay ngày đầu tiên nhậm chức Bộ Ngoại giao, tôi đã hiểu quân khủng bố có thể tấn công bất cứ lúc nào vào các các cơ sở ngoại giao của chúng ta với hơn 270 địa điểm trên toàn thế giới. Vấn đề này đã từng xảy ra nhiều lần trước đây, những con quỷ sa-tăng tấn công Mỹ vẫn không ngừng tìm cơ hội. Năm 1979, 52 cán bộ nhân viên ngoại giao Mỹ bị bắt làm con tin và bị gian giữ trong suốt 444 ngày ở Iran. Bọn Hezbollah tấn công tòa đại sứ và doanh trại Thuỷ quân lục chiến ở Beirut năm 1983 đã làm 258 người Mỹ thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương. Năm 1998, bọn al Qaeda đánh bom sứ quán của chúng ta ở Kenya và Tanzania làm chết hơn 200 người trong đó có 12 người Mỹ. Tôi vẫn còn nhớ như in hôm tôi đứng cạnh Bill Clinton tại căn cứ Không Quân Andrews khi thi hài những người ngã xuống được đưa về Mỹ.
Tổng kết lại, những tên khủng bố đã giết hại 66 cán bộ nhân viên ngoại giao kể từ năm 1970 và hơn 100 nhà thầu và nhân viên là dân địa phương. Bốn Đại sứ bị sát hại trong các cuộc tấn công khủng bố từ năm 1973 đến 1979. Từ năm 2001, có hơn 100 cuộc tấn công vào các cơ sở ngoại giao của Hoa Kỳ trên toàn thế giới và gần hai chục vụ tấn công trực tiếp vào cán bộ nhân viên ngoại giao. Năm 2004, các tay súng đã sát hại 9 cán bộ nhân viên, trong đó có 5 người là dân địa phương trong cuộc tấn công tòa lãnh sự ở Jeddah, Saudi Arabia. Tháng 5-2009, quả bom cài ven đường phát nổ ở Irag đã sát hại Terry Barnich, Phó Giám đốc Ban hỗ trợ trong Thời kỳ Quá độ của chúng ta. Tháng 3-2010, Lesley Enriquez, 25 tuổi đang mang thai đã bị bắn chết cùng người chồng là cán bộ lãnh sự quán Juarez ở Mexico. Tháng 8-2012, sĩ quan USAID, Ragues Said Abdelfattah đã bị sát hại trong vụ đánh bom tự sát ở Afghanistan. Trong năm 2014, có 244 cán bộ nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ đã thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ ở nước ngoài.
Với bản chất tự thân của nó, ngoại giao hầu như theo thông lệ hoạt động ở những nơi nguy hiểm, nơi nền an ninh quốc gia Mỹ trong tình thế khó khăn. Chúng tôi thường phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa quyền lợi an ninh của quốc gia với sự hy sinh trước khi quyết định. Là Ngoại trưởng chịu trách nhiệm về sinh mạng cho gần 70 ngàn cán bộ nhân viên ngành ngoại giao, tôi thật sự ngưỡng mộ sâu sắc những người tình nguyện chấp nhận những rủi ro có thể gặp phải khi giương cao lá cờ đến những nơi tổ quốc yêu cầu. Ngày ngày trong khi bắt tay vào công việc, nhưng nam nữ cán bộ nhân viên Bộ Ngoại giao đã đi trên những viên đá cẩm thạch khắc tên vinh danh 244 nhà ngoại giao đã ngã xuống con đường dẫn đến khu nhà mang danh Tổng thống Harry S. Truman. Đây cũng chính là nơi nhắc nhở thường xuyên rằng, sự rủi ro bao giờ cũng đồng hành với những nhà ngoại giao đại diện cho Hoa Kỳ trên thế giới. Tôi thật sự vui mừng -cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên- được biết thông qua báo cáo của Bộ Ngoại giao, sau những cuộc tấn công khủng bố chống Hoa Kỳ, số người đăng ký gia nhập ngành ngoại giao tăng lên rất cao. Mọi người ai cũng muốn được cống hiến cho tổ quốc, ngay cả khi họ biết công việc này cực kỳ nguy hiểm. Không còn gì có thể mô tả hết được những con người đã nguyện cống hiến cuộc đời và sinh mệnh của mình, làm đại diện cho đất nước chúng ta khắp nơi trên thế giới.
Sự kiện tháng Chín năm 2012, những lựa chọn hàng ngày, hàng tuần kể từ ngày ấy cho thấy những bằng chứng có rất nhiều tình huống khó xử và khắc nghiệt nhất trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ- đôi khi cũng thật đau lòng mỗi khi ra quyết định. Các nhà ngoại giao phải biết tính toán, suy tính giữa yêu cầu công việc với vấn đề đảm bảo an toàn cho từng cá nhân trong từng sự việc. Về phương diện nhà nước, chúng tôi biết cần phải tìm mọi phương pháp bảo vệ an toàn tính mạng, nhưng không vì thế ngăn cản những công việc cần thiết mà họ phải thực thi. Chúng tôi cần phải tiếp tục tiếp cận với thế giới trong thời kỳ khi có bất kỳ hành động nào khiêu khích có thể châm ngòi cho cuộc bạo động chống Mỹ trên toàn cầu, cũng như bọn khủng bố từ xa vẫn tiếp tục có những âm mưu tấn công mới. Mục đích chính của thách thức này là giảm độ căng thẳng với ý thức: Chúng ta có nên sẵn sàng ghé vai chia sẻ gánh trách nhiệm nặng nề của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ trong thời kỳ đầy nguy hiểm hay không?
Câu trả lời nằm trong một phần từ các cuộc điều tra độc lập về vụ tấn công Bengahzi, trong đó có ghi: “Tất cả rủi ro xảy ra hoàn toàn không do chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, mà do bối cảnh cần thiết cho chính phủ Hoa kỳ phải có mặt ở những nơi mà tình hình an ninh yếu kém, thiếu ổn định thường thấy ở những nơi thiếu sự hỗ trợ, ủng hộ rất hạn chế của chính phủ địa phương hoặc không có.”
Trong khi chúng ta có thể giảm bớt sự nguy hiểm bằng cách duy nhất là loại bỏ nguy cơ là rút lui toàn bộ, chấp nhận hậu quả khi chúng ta ra đi. Khi không có sự hiện diện của Hoa Kỳ, chủ nghĩa cực đoan sẽ cắm rễ, lợi ích của chúng ta bị xói mòn, an ninh trong nước bị đe dọa. Một số người coi vấn đề ấy là sự lựa chọn tốt hơn; Tôi không ở trong số người đó. Rút lui không phải là câu trả lời, nó chẳng làm cho thế giới an toàn hơn và nó không mang tính truyền thống của nước ta. Khi phải đối mặt với thất bại và những bi kịch, người Mỹ càng chăm chỉ và thông minh khéo léo hơn. Chúng tôi cố gắng học hỏi tìm ra những bài học sai lầm để tránh lặp lại đi vào vết xe đổ. Đồng thời không lùi bước trước những thách thức ở phía trước. Đó là điều chúng tôi phải tiếp tục hành động.
Sự kiện tháng Chín xảy ra thường được gọi “Sương mù chiến tranh” với những thông tin khó thu thập, những bản báo cáo đầy mâu thuẫn hoặc không đầy đủ gây biết bao khó khăn để đánh giá tình hình thực tế đang diễn ra, đặc biệt ở những nơi cách Washington hàng ngàn dặm. Chấp nhận sự thật không vui vẻ gì, khi màn sương mù vẫn bao phủ kéo dài đã gây ra một phần sự mất ổn định ở Libya. Bất chấp những nỗ lực lớn nhất của các quan chức trong cả nước, kể cả ở Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, quân đội, cộng đồng tình báo, FBI, Hội đồng Thẩm định Trách nhiệm độc lập và tám Ủy ban Quốc hội- ấy thế vẫn không có một bản báo cáo thật đầy đủ, hoàn hảo về sự kiện này. Nó hầu như không dám tin rằng điều ấy sẽ đưa đến nhhững thỏa thuận đầy đủ chính xác cái gì đã xảy ra vào đêm ấy và tại sao lại xảy ra. Nhưng dù sao cũng không thể nhầm lẫn lý do thiếu sự hỗ trợ để tìm hiểu sự thật và chia sẻ với nhân dân Mỹ. Bản thân tôi rất biết ơn các chuyên gia, chuyên viên ngày đêm làm việc không biết mệt mỏi để tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi với khả năng tốt nhất của họ.
Cái gì sẽ tiếp theo dựa trên sự kết hợp kinh nghiệm cá nhân và những thông tin nhận được hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng nhờ một số cuộc điều tra toàn diện, đặc biệt những bản báo cáo của hội đồng thẩm định độc lập xác định các sự kiện khách quan, không thêm bớt. Trong khi đó có những thông tin sai lệch một cách đáng tiếc, lừa phỉnh do một số chính khách và phương tiện truyền thông mà hơn một năm sau những báo cáo chuyên sâu từ các nguồn có uy tín tiếp tục cho chúng ta hiểu thêm về sự kiện này.
Sáng sớm ngày 11-9-2012, như nhiều quốc gia khác, có một số ngày quan trọng và đầy ý nghĩa đối với nước ta. Ngày 11-9 kể từ năm 2001, tôi bao giờ cũng suy nghĩa về cái ngày khủng khiếp ấy. Không phải vì tôi đã trở thành người đại diện cho New York hơn một năm ở Thượng viện khi cuộc tấn công phá huỷ hoàn toàn Tòa Tháp Đôi. Ngày hôm ấy, tôi cùng hàng trăm người phải nhanh chóng chạy xuống cầu thang ở toà nhà Capitol, sau đó cùng hàng trăm người đứng cầu nguyện “Chúa phù hộ cho nước Mỹ” thể hiện sự đoàn kết, cùng nhau quyết tâm làm New York hồi sinh trở lại và bảo vệ chống tất cả các cuộc tấn công khác trong tương lai. Với biết bao kỷ niệm dồn dập trong ký ức, tôi rời nhà đến Bộ Ngoại giao.
Sau quãng đường ngắn đến nơi làm việc, theo thông lệ công việc hàng ngày, tôi tiếp nhận tất cả các báo cáo tóm tắt về các tin tức tình báo, an ninh quốc gia, gồm các báo cáo mới nhất về các mối đe dọa của bọn khủng bố trên toàn thế giới. Những báo cáo tóm tắt này được thông báo cho các quan chức cao cấp trong chính phủ. Những tin tức này được đội ngũ các nhà phân tích tình báo, nhóm người đã phải làm việc cần mẫn thu thập, tổng hợp suốt đêm trình Washington trước khi bình minh bằng văn bản và báo cáo trực tiếp.
Vài tháng qua có tin đồn thổi làm xôn xao vùng Trung Đông và Bắc phi. Nội chiến Syria đã leo thang, người tỵ nạn tràn sang Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Ai Cập tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo nêu ra những nghi vấn, gây sức ép câu hỏi về tương lai Mùa Xuân Ả Rập. Chi nhánh al Qaeda ở Bắc Phi, Irag và Bán đảo Ả Rập vẫn là mối đe doạ an ninh trong khu vực.
Ngày 8-9, một đoạn video với thời lượng 14 phút, giới thiệu một bộ film mới sản xuất với tiêu đề “Sự ngây thơ của tín đồ Hồi giáo” được phát sóng trên mạng truyền hình vệ tinh của Ai Cập phủ sóng toàn vùng Trung Đông. Theo một số báo chí đưa tin, bộ film miêu tả “bức tranh biếm hoạ về nhà tiên tri Mohammad”, với nội dung xúc phạm nhà tiên tri được nhắc đi nhắc lại bởi những người sợ Hồi giáo, thậm chí còn so sánh nhà tiên tri với con lừa. Một tờ báo còn đánh giá, trong film còn “buộc tội Nhà tiên tri đồng tính luyến ái và lạm dụng tình dục trẻ em.” Khán giả Ai Cập coi đây là sự xúc phạm, phỉ báng được lan truyền trên mạng internet nhanh một cách chóng mặt trên toàn Trung Đông và Bắc Phi. Mặc dù chính phủ Hoa Kỳ không liên quan gì đến đoạn video và cuốn phim, nhưng người ta đều đổ lỗi do Mỹ về sự xúc phạm này.
Lễ kỷ niệm này 11-9 có khả năng gây tác động sự bùng nổ những sự kiện mới, như mọi năm, chúng tôi nhắc nhở các quan chức tình báo, an ninh phải thận trọng nhiều hơn. Tuy nhiên, những báo cáo của khối cộng đồng tình báo cho hay, họ không phát hiện được những mối đe dọa cụ thể nào chống các nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở Trung Đông và Bắc Phi.
Gần trưa tôi từ văn phòng đi dọc hành lang xuống Phòng Hiệp Ước nơi Gene Cretz tuyên thệ chính thức tân đại sứ Ghana sau khi ông mãn nhiệm ở Libya. Cũng đúng vào thời điểm ấy, bên kia nửa trái đất tại Cairo, thanh niên tập trung trên đường phố bên ngoài toà đại sứ Hoa Kỳ, một bộ phận của cuộc biểu tình do những thủ lĩnh Hồi giáo bảo thủ, cứng rắn tổ chức chống đoạn film video xúc phạm nhà tiên tri. Số người đi biểu tình có tới hơn hai ngàn người, họ la hét khẩu hiệu chống Mỹ, vẫy các lá cờ đen và biểu ngữ thánh chiến. Một số người biểu tình đã trèo qua tường sứ quán xé cờ Hoa Kỳ cỡ lớn, lôi xuống thay thế bằng lá cờ đen. Cảnh sát chống bạo động Ai Cập được điều động đến, nhưng cuộc nổi loạn vẫn tiếp tục. Rất may cán bộ nhân viên chúng ta không ai bị thương trong cuộc ẩu đả. Các ký giả và một số người sử dụng phương tiện truyền thông dân sự ghi lại hình ảnh nổi giận về đoạn video gây ra. Một thanh niên nói: “Đây là một phản ứng đơn thuần nhất để chống lại sự xúc phạm nhà tiên tri của chúng tôi.” Người khác khẳng định: “Bộ film này phải cấm ngay lập tức và chính phủ Mỹ phải có lời xin lỗi chính thức.”
Đây không phải là lần đầu tiên người ta sử dụng tài liệu xúc phạm gây nên sự phẫn nộ khắp nơi trong thế giới Hồi Giáo, với những hậu quả chết người khó lường. Năm 2010, mục sư Terry Jones công bố kế hoạch đốt kinh Koran, (-Thánh kinh của Đạo Hồi- ND), vào ngày kỷ niệm lần thứ Chín cuộc tấn công Hoa Kỳ 11-9. Lời đe doạ của mục sư được thổi phồng, khuyếch đại do những kẻ cực đoan, những cuộc biểu tình lớn nổ ra khắp nơi. Lúc ấy tôi rất lo sợ, một đốm lửa nhỏ ở nhà thờ Gainesville, bang Floria trong khu nhà thời nhỏ bé ấy, có thể gây ra hiểm hoạ khó lường. Hiểm hoạ do mục sư đưa ra đã trở thành thực tế. Bộ trưởng Quốc phòng Bob Gates, đích thân gọi điện cho mục sư Jones, thông báo cho ông ta biết, hành động ấy gây đe dọa sinh mạng các binh sĩ Mỹ, binh sĩ Liên minh và thường dân Hoa Kỳ tại Irag, Afghanistan. Mục sư Jone đồng ý hủy bỏ kế hoạch, ngày lễ kỷ niệm diễn ra bình thường. Đến tháng 3-2011, mục sư Jone tái khẳng định lời hứa đốt kinh Koran. Cảnh báo của Bob Gates đã được chứng minh bằng bi kịch, một đám đông nổi giận ở Aghanistan đã đốt văn phòng Liên Hiệp Quốc làm 7 người thiệt mạng. Những cuộc biểu tình gây chết người lại nổ ra vào tháng 2-2012 khi binh sĩ Hoa Kỳ vô tình đốt sách về đạo Hồi tại căn cứ Không quân Bagram ở Afghanistan. Bốn người Mỹ bị thiệt mạng. Giờ đây mục sư Jones lại tiếp tay quảng bá đoạn video xúc phạm Nhà tiên tri Muhammad, đây đúng là một mối nguy thật sự được tái diễn.
Tôi vẫn lưu ý tình hình tiến triển ở Cairo, tôi đến Nhà Trắng gặp Bộ trưởng Quốc phòng và cố vấn An ninh Quốc gia Tom Donilon. Trở lại văn phòng, tôi họp với các quan chức lãnh đạo cao cấp của Bộ Ngoại giao suốt buổi chiều, theo dõi, giám sát chặt chẽ báo cáo của Đại sứ Ai Cập, Anne Patterson, bà gặp chuyện chẳng lành nên phải về Washington chờ tham vấn, những vẫn liên lạc thường xuyên với vị Phó Đại sứ, điện đàm gây áp lực với chính quyền Ai Cập tìm mọi biện pháp ổn định tình hình. Chúng tôi cảm thấy đỡ căng thẳng khi các cuộc bạo lực trong tương lai có thể tránh được.
Sau đó tôi hay tin, trong khi sự kiện xảy ra ở Cairo, Đại sứ Chris Stevens ở Libya, nước láng giềng Ai Cập vừa đến thăm Benghazi, thành phố lớn thứ hai của Libya.
Rất nhiều chuyện đã xảy ra ở Libya kể từ chuyến viếng thăm của tôi đến Tripoli vào tháng 10-2011. Hai ngày sau khi tôi rời Libya, Đại tá Muammar Qaddafi đã bị bắt và bị giết. Cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên được tổ chức vào tháng 7- 2012. Tháng Tám trong lễ chuyển giao quyền lực của chính phủ cho tân Quốc hội, Chris được vinh danh vì ông đã đóng góp cho đất nước này. Chiris và nhóm của ông đã kết hợp chặt chẽ với các nhà lãnh đạo mới Libya, những người đang gặp rất nhiều khó khăn trước những thách thức quan trọng trong việc thiết lập chính phủ dân chủ, đảm bảo an ninh, dịch vụ ở một đất nước dưới sự cai trị độc quyền trong nhiều thập niên. Các chiến binh, những người đã từng nồng nhiệt đón tiếp tôi tại phi trường, hộ tống đoàn xe chúng tôi năm ngoái, giờ đây được sát nhập dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương. Đất nước này còn rất nhiều vũ khí trong tay dân chúng cần phải thu hồi, tổ chức các cuộc bầu cử, thiết lập và giải thích về tự do dân chủ. Vấn đề lập lại an ninh và trật tự vẫn còn nóng bỏng.
Tháng 2-2012, tôi cử Thứ trưởng Tom Nides đến Tripoli chúc mừng và mời Thủ tướng Lâm thời Abdurrahim El-keib đến Washington vào tháng Ba. Chúng tôi đề nghị hỗ trợ chính phủ việc bảo vệ an ninh biên giới, thu hồi và giải thể các lực lượng dân vệ có vũ trang, sát nhập các tổ chiến binh vào an ninh quốc gia hoặc cho họ giải ngũ trở về cuộc sống dân sự. Tháng Bẩy, Thứ trưởng Bill Burn được cử đến Libya. Tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên bằng điện đàm với các nhà lãnh đạo chính phủ Libya, tháng Tám tôi điện cho Chủ tịch Quốc Hội Mohammed Magariaf và thường xuyên nhận được tin tức cập nhật của nhóm chúng tôi ở Washington và Tripoli về các nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ giúp tân chính phủ Libya. Có nhiều tiến bộ, đầu tiên giải quyết xuất ngũ thực hiện phi quân sự hóa, tái hòa nhập cũng như cố gắng đảm bảo an ninh, thu gom vũ khí trong toàn quốc, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Các chuyên gia về Quốc Phòng Ngoại giao và chuyên viên về an ninh biên giới của Mỹ làm việc chặt chẽ với đối tác ở Libya. Ngày 04-9-2012, chúng tôi nhận thấy Libya đã đủ điều kiện gia nhập Qũy Dự phòng An ninh Toàn cầu, một nguồn lực giàu mạnh và đầy kinh nghiệm về Quốc Phòng và Ngoại giao có thể giúp giải quyết nhiều thách thức mà chính phủ Libya phải đối mặt.
Chris là người đứng mũi chịu sào tất cả các hoạt động này, ông là người am hiểu hơn bất cứ ai về những thách thức tồn tại ở Libya, Hôm thứ Hai ngày 10-9, ông rời sứ quán, lên máy bay đi về phía đông đến Benghazi cách Tripoli bốn trăm dặm, nơi có cơ sở ngoại giao tạm thời cùng với số quan chức làm việc tại đấy. Benghazi là thành phố cảng sát Địa Trung Hải, dân số hơn một triệu, đa số là người Sunni, còn lại là người Phi châu và Ai Cập. Kiến trúc ở đây rất đa dạng, từ những khu nhà cổ xưa thi gan cùng năm tháng, đến những dự án khu nhà hiện đại bị bỏ dở, nó phản ảnh một thời kỳ lịch sử của những cuộc chinh phạt và xung đột giữa các nước Ả Rập, Ottoman cũng như sự thống trị của người Ý và sự tham vọng huyễn hoặc của nhà độc tài Qaddafi thối nát và cai trị quá dài. Benghazi chính là nơi nóng bỏng nhất của các cuộc nổi dậy, cuộc cách mạng 1969 đưa Qaddafi lên cầm quyền và cũng chính nơi đây, cuộc cách mạng 2011 đã khởi đầu cho việc lật đổ y. Ngay từ ngày đầu tiên Chris làm đại diện cho Hoa Kỳ tại Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp của phiến quân trong thời kỳ nổi dậy 2011, ông đã đến thành phố này, nơi ông rất yêu mến và ngưỡng mộ.
Các Đại sứ Hoa Kỳ không cần thiết phải tham khảo ý kiến hoặc phải được sự chấp thuận từ Washington khi đi công cán trong quốc gia mà họ giữ chức đại sứ. Như tất cả các Đại sứ, Chris quyết định chuyến công du dựa trên tình hình đánh giá an ninh của nhóm bảo vệ cũng như tự thân ông. Phải nói, dường như không ai hiểu rõ và có kinh nghiệm hơn ông về tình hình ở Libya. Ông ý thức được tình hình còn rất lộn xộn, vô pháp luật tại Benghazi, bao gồm một loạt các sự cố xảy ra gần đây chống lại lợi ích của phương Tây. Nhưng cũng vì ông hiểu tầm chiến lược quan trọng của Benghazi ở Libya, vì thế theo ông, cái giá của cuộc viếng thăm cao hơn rất nhiều so với sự rủi ro. Ông đưa theo hai sĩ quan an ninh, cộng thêm 5 đặc nhiệm an ninh ngoại giao trong khu nhà tổng hợp Benghazi ở thời điểm bị tấn công. Cùng với quan chức Bộ ngoại giao Sean Smith, trong khu nhà lúc đó tổng số có bẩy người Mỹ.
Sau này chúng tôi được biết khi đến Benghazi, Chris nhận được bản báo cáo tóm tắt về tình hình an ninh của nhóm CIA địa phương, cơ sở của nhóm này cách khu nhà tổng hợp không xa, khoảng chừng gần một dặm. Sứ mệnh và hoạt động của đơn vị này tuyệt đối bí mật, nhưng họ được liên lạc, trao đổi giữa hai cơ quan an ninh và phối hợp hành động trong trường hợp khẩn cấp. Một nhóm CIA phản ứng nhanh được thiết lập ngay trong khu nhà tổng hợp của Bộ Ngoại giao để hỗ trợ tăng cường khi cần thiết. Kết thúc ngày đầu tiên chuyến viếng thăm của Chris là dự dạ tiệc với thành viên của hội đồng thành phố tại khách sạn.
Ngày thứ Ba, kỷ niệm lần thứ mười một ngày 11 tháng 9, Chris chủ trì cuộc họp tại khu nhà tổng hợp. Gần tối, sau khi đám đông tụ tập trước cửa Đại sứ quán của chúng ta tại Cairo, ông tiếp nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi Chris tiễn khách ra về, không có một dấu hiệu gì thể hiện sự bất thường. Vào khoảng 9 giờ tối, Chris và Sean chuẩn bị đi nghỉ.
Gần 40 phút sau, không có dấu hiệu báo trước, hơn chục người đàn ông có vũ trang xuất hiện ngay trước cổng khu nhà tổng hợp, ồ ạt đẩy lui người địa phương Libya làm nhiệm vụ canh gác, ùa vào bên trong và lập tức chúng ra tay phóng hỏa.
Alec, sĩ quan đặc nhiệm của An ninh Ngoại giao, người phụ trách chung các tình huống trong khu nhà tổng hợp, nhìn thấy đám phá quấy qua hệ thống camera theo dõi, đồng thời nghe có tiếng súng và mìn nổ, ông phản ứng ngay lập tức. Ông vội kích hoạt hệ thống báo động khu nhà, liên lạc ngay với sĩ quan an ninh Hoa Kỳ của tòa Đại sứ ở Tripoli, báo động cho nhóm CIA có võ trang đóng gần đó yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp.
Bốn sĩ quan An ninh Ngoại giao phản ứng chính xác như những gì đã được huấn luyện. Scott, người chịu trách nhiệm chính về an ninh, dù có phải hy sinh tính mạng ông cũng phải đảm bảo an toàn cho Chris và Sean trong đêm ấy. Ông đưa hai người đến nơi trú ẩn an toàn trong khu nhà tổng hợp. Ba đặc nhiệm khác đi lấy vũ khí và tìm cách chống trả, nhưng ngay lúc đó phát hiện, cả ba người đang ở dẫy nhà cách biệt với khu nhà chính nơi Chris và Sean ở.
Scott đảm bảo an toàn nơi trú ẩn, trong tay lăm lăm khẩu súng trường M4, trong khi đó Chris lấy điện thoại liên lạc với chính phủ địa phương, trao đổi với Greg Hicks, Phó Đại sứ ở sứ quán Tripoli. Cả ba nghe rõ tiếng chạy rầm rập của quân nổi loạn trong khu nhà, tiếng đập rất to vào cửa sắt nơi trú ẩn. Nhưng thật bất ngờ, bọn nổi loạn rút lui, nhưng chúng đổ dầu diesel vào khu nhà và châm lửa đốt. Dầu diesel cháy phát ra những đám khói đen xì, cay xè khó chịu bao phủ toàn bộ khu vực. Ngay sau đó cả Chris, Sean và Scott đều không mở được mắt và ngạt khói.
Hy vọng duy nhất của ba người là leo lên được trần nhà. Trên trần nhà có lối thoát trong trường hợp khẩn cấp. Scott bò bằng hai tay và đầu gối dẫn đường. Mắt và cổ họng như bị bỏng, nhưng Scott cố gắng bò tới lưới chắn, mở được lối thoát. Nhưng khi Scott bò ngược lại tìm Chris và Sean thì không thấy hai người mà vừa lúc nẫy còn theo phía sau. Cả hai đã lạc lối trong đám khói dầy đặc. Ngay lúc này đây, tôi vẫn bị ám ảnh về giây phút đau đớn tột cùng trong khu nhà đang cháy.
Scott tìm kiếm một cách tuyệt vọng, đi đi lại rất nhiều lần trong khu nhà vẫn không thấy. Cuối cùng, khu nhà sắp đổ ông vội lấy cầu thang leo lên trần nhà. Một an ninh ngoại giao nghe tiếng khản đặc của ông qua hệ thống phát thanh thông báo một tin lạnh xương sống: Đại sứ Chris và ông Sean đã mất tích.
Đám đông kẻ tấn công có vũ trang sau khi lục soát hết các gian nhà trong khu tổng hợp chúng bắt đầu rút lui, ba đặc nhiệm an ninh mới tìm cách về khu nhà chính. Đầu tiên họ sơ cứu Scott bị ngạt khói và những vết sây sát, sau đó lui trở lại trèo qua cửa sổ vào nơi trú ẩn an toàn. Lúc ấy khói đen mờ mịt không thể nhìn thấy gì, nhưng họ quyết không lùi bước, nỗ lực tìm Chris và Sean bằng cách vừa bò vừa tìm kiếm xung quanh. Một người trong số họ vừa mở cửa, một mảnh trần nhà đổ sập xuống.
Từ lúc cơ sở CIA biết tin những người bạn Mỹ của mình bị tấn công, một đội phản ứng chuẩn bị cuộc giải cứu. Họ nghe thấy tiếng nổ từ xa, lập tức lấy vũ khí sẵn sàng triển khai. Chiếc xe chở sĩ quan vũ trang rời căn cứ CIA tiến về khu nhà tổng hợp của ngoại giao đoàn chỉ sau khoảng hai mươi phút của cuộc tấn công. Mãi đến cuối tháng Mười, cơ quan Đặc nhiệm mới công khai thừa nhận sự hiện diện của mình tại Benghazi, còn trước kia sự tồn tại các trạm CIA được giữ bí mật. Tất cả chúng tôi ở Bộ Ngoại giao đều vô cùng biết ơn đối với đồng nghiệp CIA đã tìm mọi cách đến giải cứu trong đêm hôm đó.
Khi nhóm CIA đến, họ chia nhau đi tìm kiếm khắp khu nhà đang cháy cùng với sĩ quan An ninh Ngoại giao. Ngay sau đó họ tìm thấy một sự thật khủng khiếp, Sean đã chết, ông chết do ngạt khói. Thi hài ông nhanh chóng được đưa ra khỏi khu nhà đổ nát, nhưng vẫn chưa thấy Chris ở đâu.
Tin đầu tiên tôi nhận được về cuộc tấn công do Steve Mull hốt hoảng chạy từ Trung tâm Điều hành của Bộ Ngoại giao qua hành lang đến văn phòng tôi. Steve, người có ba mươi năm dày dạn kinh nghiệm làm việc trong Bộ Ngoại giao, rất được mọi người nể trọng về kỹ năng ngoại giao và hoạch định, hôm ấy là tuần cuối cùng ông giữ chức Chánh văn phòng Điều hành của Bộ, chuẩn bị nhậm chức Đại sứ ở Ba Lan. Ngoài các trọng trách khác, “chánh văn phòng điều hành” còn có nhiệm vụ thu thập, lưu trữ các luồng thông tin giữa Washington với hàng trăm cơ sở của Bộ Ngoại giao trên thế giới. Hôm ấy những sự kiện bất lợi xảy ra vùng Trung Đông được thông tin đầy đủ. Mặc dù chưa biết chuyện gì xảy ra nhưng nhìn vào đôi mắt của Steve tôi hiểu có chuyện gì khủng khiếp. Tất cả những gì ông thu thập được lúc đó là khu nhà tổng hợp của chúng ta ở Benghazi bị tấn công.
Tôi là ngưới đích thân tiến cử ông giữ chức vụ Đại sứ Libya, vì thế tôi nghĩ ngay đến ông và các cộng sự đang gặp sự nguy hiểm nghiêm trọng.
Tôi cầm điện thoại theo đường dây an ninh, bấm nút nối kết với Nhà Trắng gặp Cố vấn An ninh Quốc gia, Tom Donilon. Tổng thống Obama đã được nghe báo cáo về cuộc tấn công khi ông đang họp trong Phòng Bầu Dục với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Leon Panetta và Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Marty Dempsey về cuộc tấn công trực diện không rõ nguyên nhân. Sau khi nghe báo cáo, Tổng thống ra lệnh phải làm tất cả những gì cần thiết để bảo vệ an toàn và hỗ trợ cho quan chức, sĩ quan, nhân viên Mỹ tại Libya. Đây là mệnh lệnh, tất cả các nguồn lực được triển khai ngay lập tức. Cơ sở CIA ngay từ đầu đã yểm trợ, nhưng ông yêu cầu tất cả các cơ sở gần đấy phải huy động hỗ trợ việc giải cứu này. Khi người Mỹ bị tấn công, không cần vị Tổng Tham mưu trưởng ra lệnh lần thứ hai, tất cả quân đội sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ tính mạng công dân Mỹ. Còn bất cứ ai đưa ra đề nghị không nhằm mục đích giải cứu, hỗ trợ tôi đều không chấp nhận và không thể hiểu họ nghĩ gì.
Tin bị tấn công như một cú trời giáng, nhưng cuộc khủng hoảng đang xảy ra tôi không còn thời gian đâu suy nghĩ về cảm xúc nữa, giờ đây có quá nhiều việc phải làm. Tôi trực tiếp chỉ đạo nhóm hành động của Bộ do Thứ trưởng Pat Kennedy làm việc trực tiếp với cán bộ nhân viên tòa Đại sứ ở Tripoli cho sơ tán toàn bộ cán bộ nhân viên Mỹ đến nơi an toàn, yêu cầu chính phủ Libya phải hỗ trợ hơn nữa. Đồng thời tôi gọi điện tới Giám đốc CIA, David Petracus, yêu cầu cơ sở Đặc nhiệm đóng gần đấy phải tăng cường lực lượng an ninh lớn hơn. Chúng tôi cảnh giác cao độ về các cuộc tấn công khác có thể xảy ra tiếp theo ở nơi nào đó. Toà Đại sứ của chúng ta ở Cairo đã từng bị tấn công, bây giờ là Benghazi. Cuộc tấn công sắp tới sẽ nhằm vào nơi nào nữa? Pat với 40 năm kinh nghiệm trong ngành Ngoại giao, phục vụ tám nhiệm kỳ Tổng thống của cả hai đảng. Người ta thường hiểu lầm ông về cách cư xử hoà nhã, ông thích mặc chiếc áo len ngắn tay hay chiếc áo gile, trông bề ngoài ông có vẻ dễ tính, nhưng thực ra Pat là người cương nghị. Ông rất bình tĩnh trước mọi tình hình bấn loạn đang xảy ra, đảm bảo với tôi mọi việc đã và đang được giải quyết. Những tình huống như thế này ông không xa lạ gì, vì đã từng tham gia giải cứu những lần Bộ Ngoại giao bị tấn công tồi tệ nhất vào cá nhân cũng như cơ sở. Khi là một cán bộ ngoại giao trẻ tuổi ông đã tham gia giải cứu gia đình của sáu nhà ngoại giao Mỹ trốn thoát khỏi Iran trong vụ tấn công sứ quan Hoa Kỳ năm 1979 (được chuyển thành phim mang tựa đề Argo).
Tripoli đã điều ngay một chiếc máy bay chở một nhóm gồm bẩy lính đặc nhiệm và tình báo triển khai nhanh chóng đến Benghazi. Không còn có lựa chọn nào hơn. Lầu Năm Góc có lực lượng Triển khai Chiến tranh Đặc biệt đóng ở Fort Bragg, North Caroline đã chuẩn bị sẵn sàng, nhưng ít nhất tiếp cứu được cũng phải mất nhiều giờ đồng hồ để điều động và di chuyển với quãng đường cách xa hơn 5 ngàn dặm. Các nhà lãnh đạo dân sự cũng như các tư lệnh quân đội, bao gồm cả Tổng tham mưu trưởng Liên quân cùng nhiều sĩ quan trong hàng ngũ của ông, những người đã từng tuyên thệ bảo vệ đất nước và nhân dân, nhưng cũng không thể nào nhanh chóng tiếp cận tới Libya để giải cứu. Những người chỉ trích đã đưa ra câu hỏi tại sao lực lượng quân sự mạnh nhất, lớn nhất thế giới không thể đến kịp Benghazi vào thời điểm cần thiết nhất để bảo vệ công dân của mình. Một phần câu hỏi ấy đã được trả lời, mặc dù chúng ta đã thiết lập Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ Đặc trách châu Phi từ năm 2008, nhưng chưa đầy đủ hạ tầng cơ sở ở Phi châu. Khác với khu vực châu Âu và châu Á, dấu ấn quân đội Hoa Kỳ ở châu Phi hầu như không có. Ngoài ra, lực lượng quân đội của chúng ta không đủ để triển khai trên toàn cầu cùng với nhiệm vụ sẵn sàng bào vệ các cơ sở của ngoại giao. Phạm vi hoạt động của của chúng tôi có trên 270 tòa đại sứ và lãnh sự quán trên toàn thế giới, trong khi đó giới lãnh đạo quân đội đã tuyên bố với Ngũ Giác Đài không chuyển giao vũ khí cho ngành ngoại giao. Sự thể là như vậy, mặc dù không phải ai cũng chấp nhận, thậm chí có người vẫn đưa ra câu hỏi yêu cầu cấp vũ khí cho chúng tôi khi làm nhiệm vụ. Ví dụ, nhiều tuần sau vụ tấn công, người ta đưa tin giật gân, một máy bay chiến đấu Mỹ AC – 130 được điều đến Benghazi, nhưng sau đó hủy bỏ. Ngũ Giác Đài đã xem xét cẩn thận về những lời cáo buộc. Không những không có máy bay chiến đấu điều đến mà cũng không có căn cứ sân bay nào gần hoặc trong khu vực của châu Phi. Đây chỉ là một trong những cáo buộc thiếu trung thực của nhóm người quá nhẹ dạ tin vào những thông tin sai sót.
Một tài liệu khác đưa ra, một số người chỉ trich khẳng định, có thể có kết quả khác nếu như có sự giúp đỡ của FEST (Foreign Emergency Support Team – Nhóm Hỗ trợ Khẩn cấp Nước ngoài). Sau vụ đánh bom sứ quán ở Đông Phi năm 1998, Nhóm Hỗ trợ Khẩn cấp Nước ngoài đã được triển khai. Nhóm này đào tạo, huấn luyện trang bị các phương tiện để giúp đỡ khôi phục việc thông tin liên lạc, phản ứng nhanh các tình huống xảy ra, hỗ trợ mọi mặt trong tình trạng ngoại giao bị tê liệt. Nhưng nhóm nay không phải là lực lượng phản ứng vũ trang có khả năng can thiệp, giải cứu trong tình huống cuộc chiến đang diễn ra và cơ sở này cũng cách xa hàng ngàn dặm ở tận Washington.
Nhiều người Mỹ và ngay cả một số thành viên của Quốc Hội rất ngạc nhiên khi biết không có lực lượng Thuỷ quân Lục chiến Hoa Kỳ có mặt trong khu nhà tổng hợp ở Benghazi. Thực tế, Thuỷ quân Lục chiến có mặt rất ít, chưa tới non nửa trong số các cơ sở của ngoại giao đoàn của chúng ta trên toàn thế giới, với nhiệm vụ cơ bản là bảo vệ, trong sự cố cần thiết họ sẽ hủy bỏ toàn bộ các tài liệu và các thiết bị. Vì thế, lực lượng Thủy quân Lục chiến chỉ có mặt tại toà đại sứ ở Tripoli, cơ sở sát ngay khu cán bộ nhân viên sứ quán làm việc và nơi lưu trữ tất cả các tài liệu mật, còn khu vực Benghazi không lưu trữ bất cứ tài liệu mật nào, nên khu nhà tổng hợp không có lực lượng Thủy quân Lục chiến.
Ngoài ra không có hệ thống theo dõi camera tại khu tổng hợp Benghazi được truyền hình trực tiếp về Washington để theo dõi. Một số cơ sở sứ quán lớn của chúng ta trên thế giới có hệ thống này, nhưng Benghazi chỉ là cơ sở tạm thời, vì thế không lắp đặt hệ thống đó. Tuy nhiên khu nhà ấy có hệ thống camera theo dõi tại chỗ, nhưng không có hệ thống thu ghi giám sát bằng kỹ thuật số (DVR – Digital Video Recorder) vì thế các sĩ quan an ninh Hoa Kỳ mãi đến tuần sau khi nhà chức trách Libya khôi phục lại các thiết bị, thu thập được hình ảnh ghi, giao cho quan chức Hoa kỳ mới có tài liệu nghiên cứu. Vì vậy, các quan chức ngoại giao trong Tổng Hành dinh Trung tâm An ninh Ngoại giao ở Virgina hết sức cố gắng theo dõi từng chi tiết ở thời điểm căng thẳng nhất dựa vào đường dây điện thoại thông thường, nghe lại những cuộc trao đổi giữa các đồng nghiệp từ Tripoli đến Benghazi. Họ chỉ có thể kiểm tra qua các cuộc trao đổi, cón hình ảnh ghi những gì đã xảy ra hầu như không có.
Để bổ xung những thiếu sót này, máy bay do thám không người lái loại nhỏ lập tức được sử dụng điều tra nhiều khu vực khả nghi ở Libya. Máy bay do thám được điều đến Benghazi hạ cánh tại trạm điều khiển sau khi bị tấn công khoảng 90 phút, đã giúp sĩ quan an ninh và tình báo Mỹ một cách khác để điều tra, theo dõi những gì đã xảy ra.
Cũng khoảng thời gian đó, Trung tâm Điều hành báo cáo tiếng súng nổ ở khu tổng hợp đã hết, lực lượng an ninh của chúng ta đã vào được khu nhà tìm kiếm người mất tích. Đây là những tin lạnh xương sống. Hấu hết bọn tấn công đã rút lui, nhưng chúng đã chiếm toà nhà trong bao lâu? Số lượng kẻ tấn công và số người mất tích vẫn chưa rõ ràng. Nhóm giải cứu cho rằng càng ở trong khu nhà tổng hợp nguy cơ nguy hiểm càng tăng cho người Mỹ. Bất chấp những nỗ lực phải tìm bằng được Chris vẫn bị mất tích trong khu nhà chính đang cháy, sự lựa chọn duy nhất phải di chuyển ngay đến cơ sở cách đó hơn một dặm, nơi có lực lượng CIA đông đảo, được trang bị vũ khí đầy đủ.
Bất đắc dĩ, năm sĩ quan An ninh Ngoại giao phải lên xe bọc thép. Chuyến di chuyển thật ngắn - chỉ mất có 5 phút - nhưng thật sự khó khăn. Họ phải vượt qua đám cháy lớn thật nhanh, đường phố chật ních bọn khủng bố đang chặn đường. Hai viên đạn làm vỡ kính xe bọc thép, nhưng xe vẫn tiếp tục chạy. Có hai chiếc xe không rõ từ đâu bám đuôi, xe bọc thép vượt qua đám ký giả rồi tiếp tục chạy. Vài phút sau xe bọc thép đến được cơ sở CIA. Những người bị thương được cấp cứu, người còn lại chuẩn bị chống cự. Một lúc sau đội phản ứng nhanh của CIA đến, đưa theo thi thể Sean, nhưng Chris vẫn mất tích.
Tại tầng thứ 7 của Bộ Ngoại giao, mọi người làm tất cả những việc mà họ thấy cần thiết. Các quan chức các cấp của nhà nước trao đổi với đối tác đồng cấp của chính phủ. Quan chức Hoa Kỳ tại Washington và Libya làm việc với người Libya yêu cầu giúp đỡ tìm kiếm vị Đại sứ Chris. Tôi mời tất cả các quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao về họp thảo luận các bước tiếp theo. Tôi báo cáo với Nhà Trắng. Một cơ sở của CIA giờ đây lại bị tấn công bằng súng trường và súng phóng lựu. Mọi người đang chuẩn bị tinh thần bọn tấn công sẽ ùa vào, nhưng chúng không dám thực hiện. Các cuộc nổ súng vẫn rải rác, kéo dài, cuối cùng cũng im hẳn.
Theo báo các của Trung tâm Điều hành, nhóm dân quân Hồi Giáo Ansar al-Sharia bảo thủ tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công này, nhưng sau đó họ bác bỏ. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Những ngày sau đó, các nhà phân tích tình báo Hoa Kỳ đã nghiêm túc tìm hiểu nguyên nhân cuộc tấn công, bắt đầu từ khi nào và những thành phần nào tham gia. Nhưng đến lúc bấy giờ, chúng tôi vẫn phải cẩn thận với những chuyện tồi tệ nhất có thể xảy ra - những cuộc tấn công trong tương lai chống lại quyền lợi Mỹ có thể tiếp tục xảy ra.
Tòa Đại sứ của chúng ta ở Tripoli tìm mọi cách thuyết phục mọi người những vấn đề mà họ tìm kiếm, nhưng tôi không hài lòng những báo cáo từ phiá người Libya.Tôi điện cho Tổng thống Libya, Magariaf và suốt cả tuần ấy, trao đổi thẳng thắn về khả năng các cuộc tấn công khác có thể tiếp tục gây ra. Tôi muốn ông và các quan chúc chính phủ phải hiểu tính cấp bách của tình hình và không được giả định các mối đe dọa đã qua. Magariaf thành thực cáo lỗi. Tôi cám ơn ông về mối quan ngại, nhưng tôi muốn mọi việc phải giải quyết minh bạch hơn là những lời hối tiếc: Chúng tôi cần những hành động thực tế và ngay lập tức để bảo vệ sinh mạng người Mỹ ở Benghazi và Tripoli.
Trong khi đó máy bay chở lược lượng an ninh Hoa Kỳ từ Tripoli tăng viện đã hạ cánh xuống phi trường Benghazi. Mục đích của đơn vị sử dụng xe địa phương đến trạm CIA càng nhanh càng tốt. Nhưng lúc ấy tại phi trường đông đảo các quan chức an ninh và lãnh đạo quân đội Libya họ muốn dùng đoàn xe bọc thép hộ tống người Mỹ. Lực lượng an ninh chúng ta cảm thấy không vui vì phải chờ họ hàng giờ đồng hồ, sau khi lực lượng Libya chuẩn bị xong mới rời phi trường đến cơ sở của CIA.
Tại Washington, tôi triệu tập cuộc họp mời tám quan chức cấp cao của Bộ và Phó Đại sứ Greg Hicks ở Tripoli tới dự. Greg là người cuối cùng trao đổi điện thoại với Chris trước khi mất tích, khi Đại sứ mất tích, ông là người chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho tất cả công dân Mỹ ở Libya. Một đêm thức trắng vì tôi rất lo lắng về số phận cán bộ nhân viên đang ở Tripoli. Tôi và họ đều hiểu những gì mà bên quân đội, CIA và các cơ quan khác trong chính quyền Washington đã và đang hỗ trợ. Greg đề nghị phương án đề phòng bằng cách di tản tất cả nhân viên sứ quan ở Tripoli đến khu tổng hợp khác an toàn hơn. Tôi đồng ý đề nghị này, bàn biện pháp tìm kiếm Chris mà cả hai đều rất quan tâm. Hình như tình hình không có gì sáng sủa khi nghe giọng nghẹn ngào, đau buồn của Greg. Tôi yêu cầu ông chuyển lời chia sẻ nỗi buồn của tôi đến toàn thể cán bộ nhân viên và yêu cầu giữ liên lạc thường xuyên.
Tôi đến Trung tâm Điều hành để nói chuyện trực tiếp qua hệ thống truyền hình trực tuyến giữa đại diện các ngành của chính phủ với các quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia, CIA, Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng và các cơ quan khác trong Phòng Tình huống của Nhà Trắng. Đây là cuộc họp của các “Đại biểu” mà không có “Thủ lĩnh”, nhưng quy trình vẫn ám ảnh mãi. Tôi ghi nhớ những điều đã thảo luận trong nhóm với Greg và Tổng thống Magariaf, nhấn mạnh tầm quan trọng như thế nào về vấn đề sơ tán người Mỹ ra khỏi Benghazi đến nơi an toàn càng nhanh càng tốt.
Trở lại vấn đề, tôi đã trao đổi trong nhóm đây là thời điểm phải có những tuyên bố công khai. Cho đến lúc ấy, tôi hoàn toàn tập trung vào việc hợp tác, phối hợp các ban ngành trong chính phủ, huy động các nguồn tin của người chúng ta trên thực tế. Nhưng các báo cáo về các sự kiện Benghazi đã trở thành cơn lốc trên báo chí, đáng nhẽ ra nhân dân Mỹ phải được nghe sự việc xảy ra từ những lời tôi phát biểu dù thông tin còn hạn chế. Thực tế, Bộ Ngoại giao chưa đưa ra công bố nào cụ thể cho đến khi có thể xác định chắc chắn về số phận từng cá nhân, trong đó có số phận Chris vẫn chưa xác định được. Tôi yêu cầu phải tìm mọi cách xác định vấn đề này càng sớm càng tốt. Tôi công bố xác nhận tổn thất một quan chức và lên án các cuộc tấn công, cam kết hợp tác với các đối tác trên toàn thế giới để bảo vệ các nhà ngoại giao, các cơ sở ngoại giao đoàn và người Mỹ.
Ngay sau khi trao đổi với tôi, Greg và nhóm của ông tại sứ quán nhận được cú phôn thật lạ. Cú phôn từ chiếc điện thoại di động mà Chris sử dụng lần cuối cùng trước khi mất tích trong làn khói dày đặc tại nơi trú ẩn an toàn. Một giọng người đàn ông nói tiếng Ả Rập, có một người Mỹ bị bất tỉnh, giống như người ở toà đại sứ mô tả, đang nằm ở bệnh viện địa phương. Người đàn ông ấy không đưa thêm tin tức gì hoặc đảm bảo đó là sự thật. Có chắc chắn đấy là Chris hay không? Đây có phải cú đánh lừa dụ chúng ta ra khỏi khu vực CIA rồi nhân cơ hội tấn công? Việc này phải điều tra. Greg yêu cầu quan chức địa phương cử người đến bệnh viện tìm hiểu và điều tra. Thật kỳ lạ, cũng vẫn là anh chàng người Libya đã từng giải cứu phi công của chúng ta bị bắn rơi năm trước.
Một đoạn video không chuyên nghiệp quay cảnh một đám đông hôi của đi lục soát toàn thể khu nhà cháy dở đầy khói sau khi chúng ta rút đi. Một nhóm người Libya - không xác định được – đã thấy thi thể Chris giữa đám khói nhưng cũng không biết Chris là ai, họ lôi ông ra khỏi đám khói và đưa đến bệnh viện. Chris được đưa ngay đến phòng cấp cứu khoảng hơn 1 giờ sáng. Các bác sĩ đã làm mọi cách hồi sức cấp cứu trong vòng 45 phút, nhưng không thành công. Đến khoảng 2 giờ sáng, bác sĩ tuyên bố Chris đã qua đời do ngạt khói. Sau đó Thủ tướng Libya gọi điện báo tin cho Greg ở Tripoli. Ông đau đớn thông báo tin buồn dữ dội ấy. Thông tin chính thức được xác định khi thi thể Chris được đưa đến phi trường Benghazi vào sáng sớm hôm sau. Tôi biết Chris có thể đã chết, nhưng khi chưa có thông tin chính xác nên vẫn hy vọng một điều thần kỳ nào đó sẽ cứu được ông. Giờ đây niềm hy vọng ấy đã vụt tắt.
Các đặc nhiệm An ninh Ngoại giao của chúng tôi ở được CIA bảo vệ nghiêm ngặt và cả lực lượng tăng cường từ Tripoli ở phi trường, tôi quyết định rời văn phòng về khu nhà tôi ở phiá tây bắc Washington, cách khu Foggy Bottom khoảng dăm phút lái xe. Tôi biết chỉ vài ngày sắp tới, tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi thuế lợi tức mới, có thể toàn thể cán bộ nhân viên của Bộ tìm tôi để hiểu rõ, tìm cách giải quyết trong khi vẫn phải tập trung những việc cần làm. Khi trở thành Ngoại trưởng, toàn bộ khu nhà tôi được sửa sang trong ngoài lắp đặt tất cả các hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công việc, vì thế tuy ở nhà nhưng cũng dễ dàng gặp gỡ, trao đổi như làm việc tại văn phòng.
Nhận được điện thoại của Tổng thống Obama, tôi báo cáo ông những tin mới nhất vừa nhận được. Ông hỏi, làm thế nào để mọi người an tâm và ông lặp đi lặp lại phải làm tất cả các bước cần thiết để bảo vệ các nhà ngoại giao và người Mỹ tại Libya cũng như trong toàn thể khu vực. Tôi tán thành ý kiến và đảm bảo với ông thực hiện bằng mọi giá. Tôi không tin cuộc khủng hoảng đã chấm dứt, nó còn có thể còn xảy ra không ở Libya thì có thể ở nơi khác.
Đơn vị tăng cường từ Tripoli cuối cùng từ phi trường cũng đến được căn cứ của CIA, hỗ trợ cho các đồng nghiệp đã kiệt sức trong mấy ngày qua, nhưng niềm vui cũng không kéo được lâu.
Chỉ sau vài phút đơn vị tăng cường tới, tiếng súng cối đã vang lên. Quả đạn đầu tiên bắn trượt, phát thứ hai trúng cơ sở, phá huỷ nhà và hai nhân viên an ninh CIA thiệt mạng, Glen Doherty và Tyrone Woods, cộng thêm vài người bị trọng thương, trong đó có David, đặc nhiện An ninh Ngoại giao.
Thảm kịch ở Benghazi bây giờ lại tái diễn ở ngay khu nhà này. Chúng ta cần phải đưa ngay những người trong khu nhà - khoảng chừng 30 người, gồm 5 đặc nhiệm an ninh ngoại giao của Bộ và sĩ quan CIA - ra khỏi thành phố trước khi bị tổn thất thêm.
Gần một giờ sau, lực lượng an ninh chính phủ Libya, đơn vị vừa quay về thì cơ sở CIA bị dính đạn pháo, nay trở lại tháp tùng mọi người ra sân bay. Máy bay đầu tiên rời đường băng khoảng 7.30 sáng. Chiếc thứ hai chở những người còn lại, kể cả thi hài Sean Smith, Glen Doherty, Tyrone Woods và Chris Stevens được đưa từ bệnh viện tới. Đến trưa, tất cả các nhân viên Hoa Kỳ từ Benghazi cuối cùng đã có mặt tại Tripoli.
Tại Washington, tôi vẫn suy nghĩ về những gì đã xảy ra quá tồi tệ. Kể từ năm 1979, đây là lần đầu tiên một vị đại sứ Hoa Kỳ đã bị thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ. Bốn người Mỹ đã chết. Khu nhà tổng hợp ở Benghazi bị thiêu rụi và cơ sở CIA đành bỏ hoang. Chẳng có ai dám khẳng định cái gì sẽ xảy ra tiếp theo và ở nơi nào.
Tôi cố trấn tĩnh tiếp tục làm việc, cần phải lấy lại tinh thần và nghị lực làm đầu tầu gương mẫu trong khi mọi người trong Bộ vẫn còn bận rộn tập trung theo dõi mối đe dọa. Nhưng trước tiên tôi phải gọi điện chia buồn với gia đình và thân nhân của người đã khuất. Họ cần có sự chia sẻ, biết sự hy sinh cao quý của người thân vì danh dự quốc gia và của Bộ Ngoại giao, sự ra đi là sự mất mát quá lớn không có gì có thể so sánh được trong lòng chúng tôi. Cuộc gọi điện không dễ chút nào, nhưng đây là trách nhiệm lớn phải thực hiện.
Sau khi kiểm tra tất cả các tin tức bổ xung với Tướng Dempsey, tôi ngồi xuống ghế bên bàn làm việc trong văn phòng Bộ Ngoại giao, gọi điện cho em gái Chris, Anne Stevens, bác sĩ Bệnh viện Nhi khoa ở Seattle. Chị đã được các đồng nghiệp của Chris báo tin và Anne cũng thông báo cho toàn thể người trong gia đình biết hung tin ấy. Mặc dù mệt mỏi và quá sốc, nhưng chị vẫn cố gắng tập trung những gì mà người anh trai nguyện ước. Chị nói với tôi: “Tôi hy vọng không vì chuyện này mà chấm dứt sự ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Libya.” Anne Stevens hiểu rõ ý nguyện của Chris muốn giúp xây dựng một nước Libya mới trong đống đổ nát của chế độ Qaddafi và tầm quan trọng vì lợi ích của Hoa kỳ. Ngay từ khi còn thanh niên, ông đã tham gia tình nguyện trong Đoàn quân Hoà bình dạy Anh ngữ tại Morocco, sau đó làm đại diện ngoại giao Hoa Kỳ trong khu vực. Bất cứ nơi đâu ông đến, ông đều giành được tình cảm bạn bè cho Hoa Kỳ và gây được mối thiện cảm cá nhân. Tôi nói với Anne, có rất nhiều quốc gia coi ông là người anh hùng của họ.
Trong nhiều tuần sau, tôi thật ngỡ ngàng về cách xử lịch thiệp đầy tự trọng của gia đình Stevens đối với nỗi đau trong giai đoạn khó khăn của lịch sử. Sau khi tôi hết nhiệm kỳ, chúng tôi vẫn liên lạc với nhau và rất tự hào vì đã nỗ lực hỗ trợ phát động xây dựng Quỹ hỗ trợ để tưởng nhớ Đại sứ J. Christopher Stevens, mục đích quỹ này phục vụ khoa học kỹ thuật để kết nối và hiểu biết lẫn nhau giữa thanh niên Trung Đông với thanh niên Hoa Kỳ. Đây là việc làm đầy ý nghĩa để tưởng nhớ Chris và thúc đẩy những vấn đề mà ông tâm huyết.
Tiếp theo tôi gọi điện chia buồn và sự mất mát với người vợ của Sean, bà Heather đang sống ở Hà Lan cùng hai đứa con nhỏ. Đây là cú sốc rất nặng. Sean và gia đình có kế hoạch nghỉ phép sau chuyến công tác. Cũng như Chris, Sean tận tụy làm việc và rất tự hào được đóng góp những gì mà Mỹ cam kết giúp đỡ các nước trên thế giới. Những tổn thất sau cuộc tấn công ở Benghazi, Heather bày tỏ niềm tin, Sean không muốn vì thế mà Hoa Kỳ lùi bước và sống trong sợ hãi.
Ngày 12-9 là một ngày thật đáng sợ. Suốt đêm hình ảnh người biểu tình được truyền tải trên internet vẫn tiếp tục lan truyền từ Ai Cập sang khắp vùng Trung Đông. Hơn 200 người Maroc giận dữ tụ tập bên ngoài lãnh sự quán của chúng ta ở Casablanca. Tại Tunisia, cảnh sát phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông bên ngoài sứ quán Hoa Kỳ. Ở Sudan, Mauritania và Ai Cập những người biểu tình cũng tụ tập bên ngoài các cơ sở của Mỹ. Sau những gì xảy ra ở Benghazi vào hôm trước, mọi người trong tình trạng bối rối, chúng ta đang cố giải quyết từng sự việc một cách nhanh chóng nếu không nó sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Tôi tổ chức một cuộc họp qua cầu truyền hình trực tiếp với nhóm ở Tripoli đang quá kiệt sức. Họ đã có những cố gắng vượt bậc phi thường những gì mà họ làm trong 24 giờ trước, nhân danh cá nhân, tôi cảm ơn họ, thông báo dù ở xa tổ quốc hàng ngàn dặm nhưng họ không cô đơn, nhân dân trong nước đang sát cánh với họ.
Sau đó tôi muốn nói chuyện trực tiếp với người dân Mỹ và thế giới. Tôi cảm thấy thật sự khó khăn khi phải giải thích những điều không thể lý giải với nhân dân trong một nước từng bị kinh hoàng về vụ khủng bố đẫm máu ngày 11-9-2001. Sự súc động đang trào dâng. Một số phụ tá của tôi làm việc với Chris đã bật khóc vì thương nhớ ông. Tôi lặng người trong phòng làm việc, cố gắng trấn tĩnh chuẩn bị phát biểu những gì cần thiết. Sau đó tôi đi đến Phòng Hiệp Ứơc một đoàn phóng viên báo chí đang chờ.
Trong khi máy ảnh bấm liên tục, tôi trình bày tất cả sự thật tôi biết –“bọn tấn công có vũ trang” đã tấn công khu nhà tổng hợp và sát hại người của chúng ta – tôi cam kết với nhân dân Mỹ, chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo an toàn tính mạng cán bộ nhân viên và các công dân Mỹ trên toàn thế giới. Tôi cũng bày tỏ sự chia buồn và cầu nguyện đến từng gia đình và thân nhân của các nạn nhân, đồng thời khen ngợi các nhà ngoại giao đã quên mình phục vụ tổ quốc, vì giá trị của chúng ta trên toàn thế giới. Chris Stevens đã quên mình ngăn chặn tên bạo chúa, cống hiến đời mình giúp Libya xây dựng cuộc sống tươi đẹp hơn. Tôi kết luận: “Trên thế giới này cần nhiều những người như Chris Stevens.”
Lời khẩn thiết của Anne Stevens mong muốn ý nguyện của Chris vì một tương lai Libya vẫn văng vẳng bên tai. Tôi giải thích với nhân dân Mỹ, “đây là cuộc tấn công của một nhóm người hung hãn chứ không phải của nhân dân cũng như của chính phủ Libya”, vì vậy chúng ta sẽ không quay lưng với quốc gia mà chúng ta đã giúp họ giải phóng. Tôi cũng cam đoan, sẽ ra sức tìm hiểu động cơ, phương thức hành động của bọn tấn công, tìm mọi cách tóm gọn chúng đưa ra trước công lý.
Kết thúc buổi họp, tôi đến Nhà Trắng, Tổng thống Obama đang chuẩn bị phát biểu trước quốc dân. Đứng ngay phía sau Phòng Bầu Dục, tôi hỏi ông sau khi kết thúc bài phát biểu, Tổng thống có thể đến Foggy Bottom để an ủi động viên các đồng nghiệp và nhân viên của Chris và Sean được không. Theo tôi đây là vấn đề hệ trọng, mang nhiều ý nghĩa to lớn đối với Bộ Ngoại giao sau cú sốc quá lớn. Chúng tôi đi thẳng đến Vườn Hồng (Rose Garden), nơi Tổng thống sẽ phát biểu với toàn thể thế giới. “Không một hành vi khủng bố nào có thể làm rúng động, làm thay đổi quyết tâm của quốc gia vĩ đại này, cũng không thể lay chuyển nghị lực, che khuất những giá trị mà chúng ta ủng hộ.”
Tổng thống kết thúc bài phát biểu, chúng tôi đến Bộ Ngoại giao. Ông đề nghị lên xe đi cùng, nhưng tôi muốn chuyến viếng thăm này mang tính đột xuất, không phải do tôi. Thông thường, Tổng thống mỗi khi viếng thăm phải mất nhiều tuần dàn xếp, đây là trường họp thật đặc biệt.
Tổng thống đến, tôi và ông đi qua tiền sảnh, tôi giới thiệu ông tên tuổi những nhà ngoại giao đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ được khắc trong phiến đá cẩm thạch. Sau đó ông ký vào sổ chia buồn với những người đã khuất.
Mặc dù không thông báo trước, nhưng hàng trăm cán bộ nhân viên Bộ Ngoại giao đã tụ tập tại sân bên trong của tòa nhà, kể cả nhân viên Cục Cận Đông, cơ quan mà Chris Stevens từng làm việc cũng như cán bộ nhân viên Cục Quản lý Các nguồn Thông tin mà Sean Smith làm việc. Hệ thống truyền thanh lập tức được lắp đặt. Tôi cầm microphone giới thiệu Tổng thống đến thăm. Với giọng đầy cảm động, ông nói khoảng hai mươi phút về công việc vất vả, gian khổ của người làm công tác ngoại giao vì an ninh và chân giá trị của đất nước Hoa Kỳ. Ông kêu gọi nam nữ cán bộ nhân viên Bộ Ngoại giao hãy tôn vinh và tưởng nhớ những người đã hy sinh khi làm nhiệm vụ với tất cả nỗ lực, đại diện một truyền thống tốt đẹp nhất của quốc gia vĩ đại chúng ta. Tôi nhìn thấy trên nét mặt tất cả mọi người thấu hiểu, cảm thông những lời phát biểu của Tổng thống như thế nào. Kết thúc, tôi đưa Tổng thống đến gặp đồng nghiệp của Chris ở Cục Cận Đông, nơi mọi người làm việc miệt mài kể từ khi cuộc khủng hoảng xảy ra. Đến gần tối, tôi đến chỗ làm việc và văn phòng đồng nghiệp của Chris chia buồn và bày tỏ lòng biết ơn của tôi. Tôi cảm thấy thật tự hào khi cùng Tổng thống đến chia sẻ nỗi buồn với cán bộ nhân viên các cục vụ, một phần của đại gia đình của Bộ Ngoại giao.
Cuộc khủng hoảng trong khu vực vẫn rất căng thẳng. Nhiều tuần sau, hàng ngày chúng tôi phải đối mặt hết đợt này đến đợt khác của những làn sóng bất ổn đe dọa người Mỹ trong khu vực ở hàng chục quốc gia, kết quả một số người biểu tình thiệt mạng, rất may không có người Mỹ nào trong số đó.
Thứ Năm, ngày 13-9, đoàn biểu tình phá cổng toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Yemen. Các cuộc bạo động vẫn tiếp tục xảy ra ở Cairo. Tại Ấn Độ, hơn 150 người biểu tình bị bắt giữ trước Lãnh sự quán Mỹ ở Chennai. Ngày thứ sáu tình hình càng tồi tệ hơn. Hàng ngàn người bao vây sứ quán Hoa Kỳ ở Tunis, Tunisia, phá hủy đốt xe cộ, đập phá khu nhà trong khi đó cán bộ nhân viên sứ quán cố thủ bên trong. Trường học của Mỹ bên kia đường bị đốt và cướp phá. Tôi gọi điện cho Tổng thống Tunisia Monsef Marzouki, ông hứa điều cảnh vệ giải tán người biểu tình, bảo vệ cán bộ nhân viên Mỹ và người Tunisi làm việc trong tòa đại sứ. Tại Khartoum, hàng ngàn người Sudan tụ tập bên ngoài bức tường Đại sứ Hoa Kỳ, họ cố gắng tìm cách treo lá cờ đen lên trên sứ quán. Nhân dân Pakistan rầm rộ biểu tình trên đường phố Islamabad, Karachi và Peshawar. Các nước xa xôi như Indonesia, Philipine cũng có các cuộc biểu tình chống đối. Ngay cả Kuwait, một đất nước giàu có được Hoa Kỳ giải phóng trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ Nhất, chính quyền địa phương cũng đã bắt giam người biểu tình, cố tình trèo qua tường vào toà Đại sứ. Ngọn lửa bùng phát ngày 8 tháng 9 từ Cairo đã trở thành đám cháy lan rộng và tiếp tục lan rộng đe dọa các căn cứ và người dân Mỹ.
Trong những ngày đầy khó khăn, tôi thường xuyên liên lạc với chính phủ các nước có những người biểu tình gây rối. Đồng thời nói chuyện nghiêm chỉnh với các nhà lãnh đạo khu vực cần hiểu vấn đề này rất nghiêm trọng, biết chính xác những gì đang xảy ra. Tôi làm việc với Lầu Năm Góc để đảm bảo chắc chắn Thuỷ quân Lục chiến được gia tăng tại Tunisia cũng như ở Sudan và Yemen.
Tôi biết một số người không muốn tin do những hình ảnh truyền qua hệ thống internet đã đóng vai trò kích động trong các nổi dậy. Nhưng sự thật đúng như vậy. Người biểu tình Pakistan đánh đập vào hình nộm Terry Jones, vị mục sư Florida, người có liên quan trong film ảnh đưa trên mạng. Cũng như nhiều nhà ngoại giao Mỹ, không liên quan vấn đề chính trị Washington nhưng cảm thấy bị ảnh hưởng thực sự.
Cuộc tấn công Benghazi vì lý do gì? Trong giai đọan nước sôi lửa bỏng chúng tôi không có cách nào biết chắc chắn do yếu tố nào đã thúc đẩy và kế hoạch được chuẩn bị bao lâu trước khi các cuộc tấn công xảy ra. Tôi đã nói rõ vấn đề này trong bài phát biểu ngay sớm hôm sau, những ngày tiếp theo các quan chức chính phủ công khai với nhân dân Mỹ rằng chúng tôi vẫn chưa có thông tin đầy đủ và đang tìm câu trả lời. Có rất nhiều giả thuyết, nhưng vẫn không đủ bằng chứng. Bản thân tôi nghiên cứu kỹ lưỡng, lật đi lật lại từng sự việc, ai là người chủ trương, những yếu tố nào gây ra - kể cả những đoạn video- cũng chỉ đóng góp được một phần. Nhưng rõ ràng không thể bác bỏ lý do kích động, xúi giục ở từng khu vực nên đã gây ra những cuộc biểu tình lan rộng khắp nơi, vì vậy thật lạ, nếu ta không xét đến vấn đề này khi các cuộc biểu tình diễn ra làm ảnh hưởng và lan rộng sang nơi khác. Điều này có vẻ hợp lý. Những cuộc điều tra sau đó và các báo cáo xác nhận những đoạn video trên truyền hình đã đóng vai trò không nhỏ. Tất cả chúng ta đều biết chắc chắn một số người Mỹ đã thiệt mạng và nhiều người đang trong hoàn cảnh nguy hiểm. Thời điểm bấy giờ, vấn đề tại sao bị tấn công hay kẻ tấn công vì lý do gì không phải là mối lo hàng đầu mà làm thế nào bảo đảm an toàn tính mạng cho người Mỹ, đó mới là nhiệm vụ hàng đầu, thiết yếu nhất phải thực hiện khẩn cấp.
Tuy vậy, có nhiều ký giả ở Benghazi vẫn đưa ra những câu hỏi. Tờ New York Time đưa tin, “Phỏng vấn tại chỗ đêm thứ Ba, rất nhiều kẻ tấn công và người ủng hộ cho biết, họ làm điều này vì bảo vệ đức tin do bị sự lăng nhục trong đoạn phim trên video.” Hãng Reuters cũng có cuộc phỏng vấn tại chỗ viết, “Một phần trong đám đông tấn công đổ lỗi cho Hoa Kỳ vì bộ film xúc phạm Đấng tiên tri Muhammad”. Tờ Washington Times cũng phỏng vấn dân cư ở Benghazi, viết: “Ban đầu là cuộc biểu tình hoà bình bên ngoài các cơ sở ngoại giao của Hoa Kỳ, nhưng bị các chiến binh có trang bị vũ khí lợi dụng. Người biểu tình chỉ phản đối bộ phim xúc phạm nhà tiên tri Muhammad. Sau đó họ nhanh chóng tham gia với nhóm người có vũ trang và súng phóng lựu.”
Hơn một năm sau, tháng 12-2013, tờ New York Times đã công bố tài liệu tổng hợp, hoàn chỉnh nhất cho đến nay về vụ việc đã xảy ra ở Benghazi dựa vào “những tháng điều tra” và “các cuộc phỏng vấn đặc biệt với người dân Libya ở Benghazi đã trực tiếp tham gia các cuộc tấn công và bối cảnh xảy ra.” Bản điều tra kết luận, “Trái ngược với một số tuyên bố của các thành viên trong Quốc Hội, cuộc tấn công phần lớn do sự nổi giận vì phim sản xuất tại Mỹ đã xúc phạm Hồi giáo.” Tờ Times còn phát hiện, “Ban đầu họ tấn công chỉ vì sự nổi giận vì bộ phim” và “không còn nghi ngời gì chỉ vì tức giận vì đoạn phim đưa lên truyền hình đã thúc đẩy nhiều cuộc tấn công tiếp theo.”
Về nguyên nhân cuộc tân công đêm ấy, có nhiều động cơ khác nhau. Thật không đúng khi chỉ đưa ra nguyên nhân duy nhất là do ảnh hưởng của bộ phim gây nên hận thù này. Và cũng sai, nếu nói bộ phim không gây sự nổi giận của người Hồi giáo. Cả hai vấn đề này đều đúng với những bằng chứng mang tính logic của nó. Tờ New York Times trong quá trình điều tra đã tìm ra nguyên nhân thực tế cho thấy, “có nhiều nguyên nhân khác nhau và rất khó hiểu, không đơn giản như những gì mà người ta nhận định.”
Dù là gì đi nữa, không ai nghi ngờ tình trạng bất ổn đe dọa các sứ quán, lãnh sự quán Hoa Kỳ trên thế giới có quan hệ đến các đoạn phim trên video. Vì vậy, trong những ngày khó khăn, tôi đã làm những gì có thể trình bày công khai trong sự nổi giận của người Hồi giáo trên thế giới. Là người có đức tin, tôi hiểu và thật sự đồng cảm khi niềm tin của người khác bị xúc phạm. Nhưng không vì sự sai trái đó mà sử dụng bạo lực, điều này thật sự không hợp lý. Những tôn giáo lớn trên thế giới thật sự đủ sức mạnh chịu đựng những lời lăng mạ và đức tin của chúng ta cũng cần sự vững vàng.
Tối ngày 13 tháng 9, tôi tổ chức hàng năm tại Eid al Fitr, phòng tiếp tân của Bộ Ngoại giao, đánh dấu sự kết thúc tháng Ramadan, tháng kiêng ăn của người theo đạo Hồi. Trong không khí ấm áp đầy thiện cảm của đám đông, tôi nhấn mạnh với mọi người, chúng tôi biết những kẻ giết người ở Benghazi họ không đại diện cho hơn tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới. Sau đó Đại sứ Libya ở Hoa Kỳ lên phát biểu. Ông rất xúc động nhắc đến người bạn Chris Stevens, người mà ông quen biết đã nhiều năm. Cả hai từng đánh ten nít, ăn các món ăn truyền thống của Libya, trao đổi thảo luận hàng giờ đồng hồ về tương lai của Libya. Ông kết luận, Chris là anh hùng, người tin vào tiềm năng của nhân dân Libya sẽ đứng lên từ trong bóng tối của chế độ độc tài.
Ông không phải là người duy nhất cảm nghĩ như vậy, hàng chục ngàn người Libya đã đổ xuống đường phố Benghazi dự lễ truy điệu Chris, người mà họ kính trọng, rất kiên định trong cuộc cách mạng Libya. Một hình ảnh quá sức tưởng tượng của tôi: Một thanh nữ, với chiếc khăn chùm đầu, ánh mắt lộ rõ vẻ buồn, giơ thẳng bàn tay phải ra dấu và nói to: “Bọn du côn và những kẻ giết người, chúng không đại diện cho người Benghazi và người Hồi giáo chúng tôi.” Nhìều người khác hô to: “Chris Stevens là người bạn lớn của nhân dân Libya. Chúng tôi yêu cầu đòi lại sự công bằng cho ông.”
Tại thủ đô Tripoli, các nhà lãnh đạo quốc gia công khai lên án cuộc tấn công và tổ chức lễ tưởng niệm Chris. Tổng thống Magariaf phát biểu trong lễ truy điệu: “Ông Chris đã chiếm trọn trái tim nhân dân Libya.” Chính phủ Libya cách chức một loại các quan chức hàng đầu về sự thiếu trách nhiệm đã để xảy ra cuộc tấn công Benghazi. Ngày 22 tháng 9, Tổng thống gửi tối hậu thư cho Ansar al-Sharia và nhiều tổ chức dân vệ khác trong toàn quốc: Trong 48 giờ phải hạ vũ khí và giải tán tổ chức, nếu không sẽ đối mặt với hậu quả khôn lường. Đã có hơn muời nhóm vũ trang lớn tuân thủ tối hậu thư. Giải quyết vấn đề này do chính nhân dân Libya phải làm, nhân dân Benghazi đã xông vào trụ sở của Ansar al-Sharia đập phá, một số thành viên của chúng đã chạy trốn khỏi thành phố. Nhân dân hô vang khẩu hiệu: “Những kẻ khủng bố và bọn hèn nhát, hãy cút về Afghanistan của chúng bay.”
Trong lúc đau buồn, tôi luôn luôn nghĩ đến gia đình và thân nhân của người bạn quá cố. Tôi muốn biết rõ những gì chúng ta đã làm để an ủi phần nào nỗi đau mất mát của họ. Tôi cử Trưởng ban Lễ tân Capricia Marshall làm nhiệm vụ này. Vấn đề này thật phức tạp vì công việc chính mà Tyrone Woods và Glen Doherty làm cho CIA vẫn còn trong thời kỳ giữ bí mật, có thể phải sau 6 tuần mới hoá giải xong. Không ai được phép nói về nhiệm vụ của hai người trong thời gian ấy với gia đình và thân nhân của họ.
Tôi yêu cầu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bill Burns, quan chức cao cấp nhất của Bộ gặp gỡ phi hành đoàn chở thi hài quan chức ngoại giao, theo họ từ Đức đưa về Washington. Bill là người rất điềm đạm, một triết gia của trường phái khắc kỷ (Stoic), ông đã chấp hành sứ mệnh, sứ mệnh đáng lẽ ra không nên có.
Thông thường, thi hài người Mỹ thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ ở Irag, Afghanistan thường đưa về Căn cứ Không quân Dover ở Delaware. Nhưng tôi lại muốn thân nhân gia đình và cán bộ nhân viên Bộ Ngoại giao có cơ hội đón thi hài người đồng nghiệp của mình trở về nếu họ muốn đến. Với sự giúp đỡ của Leon Panetta và nhóm của Lầu Năm Góc, chuyến máy bay từ Đức theo lộ trình đến căn cứ không quân Andrews ở Maryland trước khi đến Dover, lộ trình này giống như đã thực hiện năm 1998 sau khi toà Đại sứ Hoa Kỳ ở Đông Phi bị đánh bom.
Chiều thứ Sáu, Tổng thống Obama, phó Tổng thống Biden, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và tôi đã gặp gia đình người quá cố tại Andrews. Sean Smith và Tyrone Woods cả hai đều có con nhỏ. Gặp các cháu, chúng tôi hiểu hoàn cảnh các cháu lớn lên không có bố, cảnh tuợng thật đau lòng. Những người thân của bốn đồng nghiệp chúng tôi mất đi người mà họ thương yêu nhất quá đột ngột. Trong tình huống như vậy, không một tình cảm nào có thể thay thế hoặc an ủi được sự mất mát lớn lao này. Điều duy nhất mà tất cả chúng tôi làm được lúc này là, tình nghĩa giữa người với người, lời dịu dàng tử tế và vòng tay ôm để chia xẻ. Trong phòng chật ních với hơn 60 người thân nhân, gia đình và bạn bè thân thiết, mỗi người đều mang trong lòng niềm đau, nỗi nhớ thầm kín. Tất cả đoàn kết, nhất trí tự hào về hành động anh hùng khi làm nhiệm vụ của nhửng người thân yêu đã ngã xuống, đồng cảm với những bậc cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha và anh mất em.
Chúng tôi đi ra cánh cổng mở rộng của khu nhà khổng lồ chứa máy bay chạy thẳng ra đường băng, nơi hàng ngàn bạn bè, đồng nghiệp tụ tập dưới lá cờ Mỹ khổng lồ. Đây là hiện tượng thật bất ngờ của sự ủng hộ và tôn quý to lớn của đồng nghiệp. Mọi người nghiêm trang, yên lặng và đau buồn trong khi nhóm thủy quân lục chiến Hoa Kỳ với bộ quân phục màu xanh nước biển và sọc trắng từ từ chuyển bốn chiếc quan tài phủ cờ tổ quốc từ chiếc máy bay vận tải đến xe tang, mọi người im lặng, chào viễn biệt các liệt sĩ. Linh mục tuyên úy quân đội làm lễ cầu siêu.
Đến lượt phát biểu, tôi tri ân những người đã hy sinh vì nhiệm vụ, họ là những người yêu nước mà chúng ta đã tổn thất, chia sẻ nỗi buồn mất mát và lòng tự hào của các bạn đồng nghiệp mà tôi cảm nhận. Tôi tôn vinh công việc ngoại giao đầy gian nguy mà Chris Stevens là minh chứng điển hình, kể lại những hình ảnh thật cảm động, tình đoàn kết mà chúng tôi thấy ở Libya khi ông qua đời. Tôi đọc to lá thư của ngài Mahmoud Abbas, Tổng thống chính quyền Palestine, người đã từng cộng tác chặc chẽ với Chris khi ông công tác tại Jerusalem, thân thiết nhớ lại sự làm việc hăng say và năng nổ của ông. Abbas lên án việc sát hại “là hành động khủng bố ghê tởm.” Cuối cùng, trong khi các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục lan rộng trong khu vực, một lần nữa tôi đề cập đến tình trạng bất ổn, hành động chống Mỹ gia tăng gây ảnh hưởng Trung Đông mà nguyên nhân từ những đoạn phim video trước đây đã cướp đi sinh mạng của một số người. Tôi nói: “Nhân dân Ai Cập, Libya, Yemen và Tunisia không bao giờ thỏa hiệp với bọn độc tài cũng như với nhóm nổi loạn còn sót lại.” Bạo lực phải chấm dứt ngay. Chúng tôi hiểu những ngày sắp tới còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Hoa Kỳ kiên quyết không lùi bước, không từ bỏ trách nhiệm về vai trò lãnh đạo toàn cầu. Chúng ta “quyết lau khô nước mắt, ngửng cao đầu, đối mặt với tương lai đầy thách thức nhưng không nản chí.”
Tổng thống Obama nghiêm trang đọc điếu văn. Khi điếu văn chấm dứt, tôi xiết chặt tay ông, ông quàng tay qua vai tôi. Ban nhạc của Thuỷ quân Lục chiến cử hành bài “Nước Mỹ tươi đẹp”- một bài hát ái quốc. Chưa bao giờ tôi thấy trách nhiệm trong công việc lại nặng nề đến như vậy.
Với cương vị Ngoại trưởng tôi chịu trách nhiệm hơn bẩy mươi ngàn cán bộ nhân viên của Bộ và của USAID với hơn 270 địa điểm sứ quán và lãnh sự trên toàn thế giới. Khi chuyện gì xảy ra, như ở Benghazi, tôi là người phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Trách nhiệm ấy bao gồm cả việc xác định khoảng trống giữa hệ thống Bộ Ngoại giao và các thủ tục về an ninh, chúng tôi phải tìm mọi cách giảm thiểu nguy cơ gây thảm họa trong tương lai. Chúng ta từng rút ra bài học từ Beirut năm 1983, Kenya và Tanzania năm 1998 và ngày 11-9-2001, giờ đây lại là lúc phải rút ra bài học từ thảm kịch ở Benghazi. Đó là quá trình tìm hiểu rút ra những bài học cần thiết, tìm ra sai sót do đâu.
Bất cứ nơi nào khi cán bộ nhân viên của Bộ Ngoại giao bị thiệt mạng đang làm nhiệm vụ ở nước ngoài, bên luật pháp đều yêu cầu Ủy ban Tìm hiểu Trách nhiệm đứng ra điều tra. Từ năm 1988 đã có 19 trường hợp phải điều tra. Thomas Pickering được chỉ định là Chủ tịch Ủy ban điều tra vụ Benghazi. Pickering là một quan chức cao cấp Ngoại giao đã về hưu với thành tích hoạt động tuyệt vời, ông từng là đại diện cho Hoa Kỳ nhiều nơi trên thế giới, kể cả ở những khu vực rất khó khăn như ở El Salvador trong thời kỳ nội chiến, ở Isreal trong thời kỳ phong trào Intifada lần thứ nhất và ở Nga những năm đầu sau sự sụp đổ của Liên Bang Xô viết. Thomas là người cứng rắn, thông minh và thẳng thắn. Để tôn vinh và bảo vệ danh dự Bộ Ngoại giao mà ông rất yêu quý, vì thế ông không tiếc lời chỉ trích, phê phán những gì mà ông tìm thấy có lỗi. Để tìm một người chịu trách nhiệm đáng tin cậy trong cuộc điều tra có rất nhiều nghi vấn thì người được lựa chọn không thể là ai khác mà phải là cựu Đại sứ Pickering.
Đô đốc Mike Mullen, cựu Tổng tham mưu trưởng Liên quân khả kính, sĩ quan hải quân trung thực, ngay thẳng, giờ đây là đối tác của Pickering. Họ tham gia vào nhóm đặc biệt của giới công chức với kinh nghiệm lâu năm trong ngành ngoại giao, quản lý và tình báo. Uỷ ban điều tra gồm năm người được giao nhiệm vụ điều tra tận gốc nguyên nhân xảy ra.
Tôi được thông báo cuộc điều tra bắt đầu ngày 20-9, chỉ vài tuần sau cuộc tấn công. Đây là trường hợp được tổ chức điều tra nhanh nhất so với những lần trước, bởi vì cần tìm ra nguyên nhân càng sớm càng tốt. Tôi ra lệnh cho tất cả các quan chức, cán bộ nhân viên trong Bộ Ngoại giao phải hợp tác toàn diện theo yêu cầu của Ủy ban để tìm kiếm từng chi tiết của sự kiện. Họ có quyền gặp gỡ, điều tra, phỏng vấn tất cả mọi người trong quá trình điều tra kể cả tôi nếu thấy cần thiết. Hầu như các cuộc điều tra từ trước thường không tuyên bố công khai, nhưng tôi muốn cuộc điều tra lần này phải được công bố càng nhiều càng tốt miễn là không tiết lộ những thông tin nhạy cảm.
Trong khi cuộc điều tra đang tiến hành, tôi giải quyết một số vấn đề còn thiếu sót mà không thể chờ các văn bản báo cáo chính thức. Tôi ra lệnh kiểm tra, xem xét kịp thời về an ninh ngoại giao trong các cơ sở trên toàn thế giới. Đồng thời yêu cầu Bộ Quốc phòng hợp tác thành lập các nhóm đánh giá tình hình an ninh chung, rà soát kỹ lưỡng ở các toà đại sứ và lãnh sự quán đóng ở các quốc gia có khả năng gặp nhiều nguy hiểm, điều thêm Lực lượng Đặc nhiệm và chuyên viên An ninh Ngoại giao đến hơn mười quốc gia có nguy cơ bị tấn công. Tôi làm việc với Tướng Dempsey và Bộ trưởng Quốc phòng Panetta điều thêm Đơn vị Bảo vệ An ninh Hải quân tăng cường an ninh tại những khu vực có mối đe dọa cao và yêu cầu Quốc Hội bổ xung ngân quỹ cho Thuỷ quân Lục chiến làm nhiệm vụ, tuyển chọn thêm và bổ xung đặc nhiệm An ninh Ngoại giao, tăng cường sửa chữa cơ sở yếu kém ở nước ngoài. Tôi bổ xung thêm Phó Trợ lý thứ nhất Bộ Ngoại giao Khu vực nguy hiểm của Văn phòng An ninh Ngoại giao.
Khi Uỷ ban Điều tra Trách nhiệm đã hoàn thành nhiệm vụ, Đại sứ Pickering và Đô đốc Mullen thông báo cho tôi kết quả. Họ không chỉ nêu một nguyên nhân gây ra. Cuộc điều tra minh bạch, nghiêm túc, tìm thấy sự sai sót mang tính hệ thống, quản lý yếu kém từ Cục An ninh Ngoại giao lẫn Cục Ngoại giao Cận Đông. Sự kết hợp kém hiệu quả giữa cán bộ an ninh ngoại giao với quan chức hướng dẫn chính sách và mối quan hệ với chính quyền sở tại. An ninh đã không được coi như là “trách nhiệm chung”, đồng thời nhầm lẫn trách nhiệm trong khu vực, ngoài trách nhiệm chính đã giao cho tòa Đại sứ. Với hơn 270 địa điểm trên toàn thế giới, mỗi cơ sở đều có những thách thức riêng về khoa học kỹ thuật và trang thiết bị, câu hỏi đưa ra hàng ngày về an ninh ít khi được coi là vấn đề quan trọng của Bộ Ngoại giao, vì thế nhiều quan chức coi vấn đề này thuộc về ban an ninh giải quyết và thực hiện.
Mặc dù vấn đề an ninh đã được lưu ý và nâng cấp trong khu nhà tổng hợp ở Benghazi, kể cả nâng chiều cao bức tường bao quanh bên ngoài bằng bê tông, dây thép gai, bổ xung thêm hệ thống đèn chiếu sáng, đặt một số xe làm tường chắn, có trạm bảo vệ, có các ụ bằng bao cát, cánh cửa của cổng ra vào bằng loại gỗ cứng có viền khung sắt và sử dụng loại khóa đặc biệt, không những thế còn bổ xung thiết bị phát hiện chất nổ - theo báo cáo của Ủy ban điều tra những biện pháp phòng ngừa ấy vẫn không đầy đủ so với một nơi nguy hiểm ngày một gia tăng như là ở thành phố Benghazi. Câu hỏi của Ủy ban Điều tra và Quốc Hội được xoáy vào vấn đề: liệu có phải vì những yêu cầu của nhân viên an ninh khu vực ở Libya đã bị cấp trên của họ ở Washington khước từ hay không? Uỷ ban điều tra phát hiện những người ở Benghazi không cảm thấy yêu cầu về an ninh của họ “là một yêu cầu quan trọng cấp thiết của Washington”, và “tòa Đại sứ ở Tripoli đã không đòi hỏi mạnh mẽ và yêu cầu Washington tăng cường mức độ an ninh.” Trong sứ quán, mối quan hệ giữa văn phòng và quan chức chịu trách nhiệm để đưa ra những biện pháp quyết định về an ninh đã có sự “nhầm lẫn” khi phân công, ai là người có quyền quyết định tối cao, ai chịu trách nhiệm chính, ai có quyền ra lệnh.” Phiá thông tin đã kiểm tra tất cả các cuộc điện thoại, email, hệ thống liên lạc đặc biệt đến và đi giữa Washington và Tripoli. Tập tài liệu bao gồm hàng triệu văn bản được chuyển qua đường bưu chính về tổng hành dinh và từ tổng hành dinh đến từng cơ sở. Tài liệu này được nghiên cứu, xem xét kỹ từng chuyên mục, tóm tắt tất cả những gì đã và đang xảy ra ở đất nước mà tình hình nhân sự, chính trị xáo trộn, thay đổi thường xuyên. Mỗi văn bản gửi qua đường dây liên lạc tới Washington đều có ghi tên Đại sứ và địa chỉ gửi tổng hành dinh của Bộ Ngoại giao. Và từng văn bản gửi qua đường dây đặc biệt của Bộ Ngoại giao cũng gửi đúng theo tên và địa chỉ của từng sứ quán, lãnh sự quán. Điều này tuy chưa phải là hoàn hảo nhưng dù sao nó được thực hiện từ lâu của Bộ mà nhiều người còn nhớ. Thật ra không có Ngoại trưởng nào có thể đọc hết hơn 2 triệu văn bản, tài liệu gửi đến và đi và chính các vị đại sứ cũng không trực tiếp viết báo cáo hoặc đọc hết các văn bản đi và đến. Chỉ có một phần nhỏ các văn bản ấy Ngoại trưởng mới có điều kiện xem xét. Còn số lượng khổng lồ kia do người khác chịu trách nhiệm xử lý, con số người làm nhiệm vụ này lên đến hàng trăm người.
Một số người phê phán, chỉ trích đã lợi dụng sự thiếu minh bạch đưa ra những văn bản cải tổ an ninh cho tôi. Nhưng lại không đưa ra phương án phải làm như thế nào và có thật cần thiết hay không. Điều này thực ra cũng không cần thiết. Vấn đề an ninh đã được chuyển sang các quan chức phụ trách an ninh xử lý. Thật ít khi những văn bản theo hệ thống liên lạc lại chuyển thẳng đến văn phòng Ngoại Trưởng. Thứ nhất, đây không phải là địa chỉ để gửi đến. Đặc vụ ở Islamabad không được phép viết thư yêu cầu tôi gửi thêm súng đạn. Thứ hai, đây không thuộc quyền của tôi. Những nhà chuyên trách chịu trách nhiệm về an ninh là người quyết định vấn đề này. Thứ ba, một điều thật đơn giản, không có bất kỳ vị Ngoại trưởng nào lại giải quyết yêu cầu mang tính cách cá nhân về từng vụ việc, tuy không phải chỉ vì số lượng mà còn cả về quyền hạn và thực tế của họ và cũng không phải trách nhiệm của tôi giải quyết. Tôi thực sự tin tưởng vào Ban An ninh Ngoại giao, vì họ đã làm tốt trách nhiệm bảo vệ các cơ sở ngoại giao đoàn ngay cả những khu vực nguy hiểm trên thế giới, kể cả những nơi thường xuyên có biến động lớn như Afghanistan và Yemen.
Uỷ ban kiểm tra phát hiện một thiếu sót quan trọng là Bộ Ngoại giao đã tuyển dụng và dựa quá nhiều vào lực lượng an ninh người địa phương Libya. Theo Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao năm 1961, chính phủ sở tại phải chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo an ninh cho các cơ sở ngoại giao đóng trên đất nước họ. Nhưng trong thời kỳ hậu cách mạng ở Libya, năng lực của tân chính phủ rất hạn chế so với dân quân thuộc nhiều tổ chức, phe phái. Vì vậy, Bộ Ngoại giao đã phải ký hợp đồng tuyển dụng dân quân địa phương thông qua sự lựa chọn của CIA để bảo vệ khu nhà tổng hợp, đồng thời hợp đồng với dân điạ phương không có vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ ngay cổng ra vào chính. Điều này khi xảy ra tấn công, đây chính là điểm yếu gây chết người vì năng lực và nhiệm vụ của họ rất hạn chế dù họ ra sức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, chống lại đồng bào Libya của họ lúc cần thiết nhất.
Ủy ban Điều tra cũng lưu ý Bộ Ngoại giao đối mặt “cuộc tranh cãi để giành những nguồn lực cần thiết thực hiện công việc,” có thể trong thời gian tới chúng tôi sẽ gặp phải khó khăn khi chính phủ cắt giảm ngân sách chi tiêu. Tôi đã trải qua bốn năm yêu cầu Quốc Hội tài trợ thỏa đáng cho các nhà ngoại giao, chuyên gia phát triển trong phần ưu tiên an ninh quốc gia, chúng tôi đã có rất nhiều đối tác lớn, tài năng trong Quốc Hội. Nhưng những thách thức ấy vẫn tiếp tục. Ủy ban Điều tra kêu gọi “một cam kết nghiêm túc và chắc chắn từ phiá Quốc Hội hỗ trợ theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao”, có nghĩa là tính theo tổng số ngân sách nhà nước và phần dành cho an ninh quốc gia mới chỉ chiếm một tỷ lệ phần trăm nhỏ bé.”
Cuối cùng bản phân tích nêu rõ, “mỗi cá nhân người Mỹ ở Benghazi đã thể hiện lòng can đảm, sẵn sàng hy sinh bảo vệ đồng nghiệp, nhưng trong tình huống bất khả kháng họ đành phải chịu.” Mặc dù còn nhiều thiếu sót trong hệ thống an ninh, các nhà điều tra kết luận “mọi người đã tìm mọi cách giải cứu, hỗ trợ tìm kiếm Đại sứ Stevens và Sean Smith” và “chỉ vì sự việc xảy ra quá nhanh, vì thế lực lượng quân sự có vũ trang không đủ thời gian đến hỗ trợ, nếu không thì tình hình đã khác.” Bản báo cáo còn ca ngợi “kịp thời” và “hiếm có” về sự hợp tác, phối hợp của chính quyền trong khi cuộc tấn công xảy ra, không có sự chậm trễ khi đưa ra những quyết định, đồng thời có sự hỗ trợ của Washington và phiá quân đội rất kịp thời. Bản báo cáo tin rằng nhờ sự phản ứng nhanh nhậy của chúng ta vì thế đã cứu được nhiều người Mỹ khỏi bị thiệt mạng.
Uỷ ban Điều tra đưa ra 29 khuyến nghị cụ thể (trong đó có 24 chưa phân loại), những khiếm khuyết cần khắc phục trong các lĩnh vực đào tạo, phòng và chữa cháy, tuyển dụng nhân viên phân tích những mối đe dọa. Tôi đồng ý tất cả 29 khuyến nghị và lập tức triển khai theo yêu cầu. Tôi yêu cầu Thứ trưởng Tom Nides phụ trách đơn vị đặc nhiệm đảm bảo các đề xuất được thực hiện ngay, bổ xung hoàn chỉnh theo yêu cầu bản khuyến nghị. Chúng tôi kiểm tra, xem xét từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới trong cơ quan Bộ Ngoại giao để có quyết định chính xác ở đâu, khi nào, nơi nào và quan chức làm thế nào có thể đối phó với khủng hoảng có nguy cơ đe dọa cao đối với cán bộ nhân viên ngoại giao đang hoạt động.
Tom và nhóm của ông chuyển những khuyến nghị trên thành 64 điểm cần giải quyết. Họ lập ra từng tiểu ban, định mốc thời gian cụ thể hoàn thành. Ngoài ra, hàng năm chúng tôi sẽ có buổi tổng kết, đánh giá những địa điểm khu vực có nguy cơ bị đe dọa cao do Ngoại trưởng chủ trì, có sự theo dõi đánh giá của Thứ trưởng đảm bảo vấn đề an ninh được coi trọng hàng đầu. Chúng tôi cũng bắt đầu chính thức hóa chia sẻ thông tin với Quốc Hội để các quyết định về nguồn quỹ khi được thông báo thường xuyên do nhu cầu an ninh thực tế của chúng tôi.
Tôi tự hứa, không từ nhiệm cho đến khi mọi khuyến cáo được thực hiện xong. Khi tôi mãn nhiệm, chúng tôi đạt được những mục tiêu đã đề ra. Từ đó trở đi, Bộ Ngoại giao thường xuyên làm việc với Quốc Hội, Bộ Quốc phòng để tăng cường biệt phái Thủy quân Lục chiến tại các cơ sở ngoại giao của Hoa Kỳ, kiểm tra, xem xét nâng cấp các trang thiết bị cần thiết như phòng chữa cháy, camera giám sát thế hệ mới hiện đại ở tất cả các tòa đại sứ và lãnh sự trên khắp thế giới, lập thêm 151 cơ sở an ninh dưới sự hỗ trợ của Quốc Hội, tăng cường việc đào tạo lực lượng an ninh của Bộ Ngoại giao.
Từng là Thượng nghị sĩ, tôi hiểu phải tôn trọng vai trò giám sát của Quốc Hội. Trong tám năm làm việc ở Capitol Hill, tôi thực hiện trách nhiệm tìm câu trả lời trong những vấn đề phức tạp. Vì vậy, ngay sau khi có cuộc tấn công chúng tôi lập tức báo cáo một cách minh bạch với các nhà lập pháp. Một tuần sau cuộc tấn công, tôi quyết định đến Capitol Hill báo cáo tóm tắt trước toàn thể Thượng viện những gì chúng tôi nắm được ở thời điểm đó cùng với Giám đốc Cục tình báo Quốc gia James Clapper, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ashton Carter, Phó Tổng Tham mưu trưởng Liên quân, Đô đốc James “Sandy” Winnefeld Jr. cùng nhiều quan chức cao cấp khác của các uỷ ban tình báo và thực thi pháp luật. Nhiều thành viên Quốc Hội không hài lòng với những câu trả lời mà họ nghe hôm đó, một số tỏ ra rất tức giận. Chính chúng tôi cũng thất vọng vì chưa có câu trả lời chính đáng, nhưng không phải vì thế ngăn cản sự chia sẻ những gì chúng tôi biết. Theo dự kiến cuộc họp trong khoảng một giờ đồng hồ, nhưng tôi vẫn ở trong phòng Thượng viện hơn hai tiếng rưỡi để nghe từng Thượng nghị sĩ chất vấn mà họ cần được biết rõ.
Những tháng tiếp theo, nhiều quan chức cao cấp, đa số không thuộc diện chuyên trách của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, CIA, FBI và nhiều cơ sở của cơ quan tình báo đã hơn ba mươi lần trình diện và gặp gỡ tám Uỷ ban của Quốc Hội, nộp hàng ngàn trang tài liệu, trả lời các câu hỏi nhanh nhất và đầy đủ nhất.
Tháng Giêng, tôi phải điều trần hơn 5 giờ đồng hồ trước Thượng và Hạ viện, trả lời hàng trăm câu hỏi của hàng chục các thành viên của lưỡng viện với khả năng chính xác, tốt nhất mà tôi được biết trong thời gian đó. Mặc dù nhiệm kỳ của tôi sắp chấm dứt, tôi hứa với Thượng và Hạ viện, trước khi rời nhiệm sở tôi sẽ củng cố Bộ Ngoại giao trở nên mạnh mẽ và an toàn hơn. Giải quyết vụ Benghazi, tôi nói: “Như đã khẳng định nhiều lần, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm, không ai phải chịu trách nhiệm ngoài tôi.” Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng như là một nhà lãnh đạo toàn cầu, tôi lưu ý các nhà lập pháp, nơi nào Hoa Kỳ vắng mặt, đặc biệt khu vực bất ổn định, sẽ xảy ra những chuyện đáng tiếc. Đây là lý do vì sao tôi cử Chris Stevens tới Libya ngay từ ngày đầu tiên và cũng là lý do vì sao anh muốn đến nơi ấy. Đây là trách nhiệm của chúng tôi, như tôi đã nói, để đảm bảo tất cả nam nữ công dân Mỹ chúng ta làm việc ở nơi đầu sóng ngọn gió cần có nguồn lực giúp đỡ những gì họ cần có và chúng tôi phải làm bất cứ điều gì có thể được để giảm thiểu mối nguy hiểm mà họ phải đối mặt. Hoa Kỳ không thể và không bao giờ lùi bước.
Một vài thành viên trong Quốc Hội đặt ra câu hỏi, làm thế nào có thể rút ra những bài học và áp dụng chúng để cải thiện các hoạt động một cách có hiệu quả hơn trong tương lai. Một số khác vẫn giữ quan điểm nghi ngờ mà chẳng đưa ra được những phương hướng giúp chúng tôi ngăn chặn những bi kịch có thể xảy ra nữa. Một số chỉ thích xuất hiện khi có máy ảnh và truyền hình. Họ không dự các phiên điều trần vì không có cơ hội trên truyền hình.
Hầu như mọi người tập trung xoáy vào Susan Rice, Đại sứ Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc, khi phát ngôn vào sáng Chủ nhật ngày 16-9, năm ngày sau cuộc tấn công ở Benghazi. Để trả lời câu hỏi, Susan cảnh báo rằng sự thật những gì xảy ra ở Benghazi vẫn chưa rõ ràng còn chờ kết quả điều tra. Nhưng bà nói, theo nguồn tin đáng tin cậy nhất, cuộc tấn công “xuất phát từ việc phản ứng tự nhiên về những đoạn phim trên hệ thống truyền hình phát trên Cairo vào mấy giờ trước, sau đó họ bắt chước những gì xảy ra ở Cairo cũng qua hệ thống truyền hình. Theo chúng tôi, những chuyện xảy ra ở Benghazi là do bọn cực đoan, nhân cơ hội này đã tấn công Lãnh sự quán như nhiều người đã biết.”
Những người chỉ trích cáo buộc Susan đã thổi phồng câu chuyện về cuộc biểu tình không thể xảy ra mà đây là cách che đậy một thực tế là cuộc tấn công khủng bố thành công đối với nơi mà Tổng thống Obama quan tâm. Người ta cảm thấy khó hiểu ai là người đã chuẩn bị “điểm chính” cho bài phát biểu của bà Susan vào buổi sáng hôm đó, họ cũng hy vọng tìm thấy bằng chứng quá kém cỏi có bàn tay chỉ đạo chính trị của Nhà Trắng. Thật ra Susan phát biểu theo sự nhận xét của cộng đồng tình báo có cả tin đúng lẫn tin chưa đúng vào thời điểm bấy giờ. Điều mà Susan hay bất cứ ai cũng chỉ làm được đến như vậy. Mỗi bước trên con đường đời, ta đều học được những bài học mới, đó là bài học cần được chia sẻ với Quốc hội và nhân dân Mỹ càng nhanh càng tốt. Sự khác biệt giữa thu nhận được thông tin sai lầm với việc phạm sai lầm rất khác nhau. Sự khác biệt lớn nhất ở chỗ nhân những hiểu biết sai lầm lại cáo buộc họ là người cố tình gian dối để phạm sai lầm.
Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi, tại sao tôi lại không lên truyền hình vào sáng hôm ấy, nếu như tôi xuất hiện trò chuyện trên truyền hình như là một nghĩa vụ pháp lý, nơi người ta có thể né tránh được trách nhiệm. Tôi không thấy sự xuất hiện trên truyền hình vào sáng Chủ nhật phải chịu trách nhiệm nặng nề hơn nếu xuất hiện trên truyền hình vào đêm khuya. Riêng Washington, khi muốn thông báo với nhân dân Mỹ bắt buộc phải nói vào 9 giờ sáng các ngày Chủ nhật. Còn những ngày và giờ khác coi như không quá quan trọng, điều mà ít khi tôi tham gia.
Nhân dân Mỹ cần được biết những gì đã và đang xảy ra. Đó là trách nhiệm của chúng ta. Chính tôi muốn nhân dân Mỹ được nghe trực tiếp từ tôi. Chính vì thế vì sao tôi công khai nói những gì xảy ra từ ban đầu vào buổi sáng sau cuộc tấn công và hai ngày sau đó tại Căn cứ Không quân Andrew cũng như rất nhiều lần trong các tuần và các tháng tiếp theo thông qua các báo cáo, phỏng vấn của báo chí và các cuộc họp báo.
Theo các hồ sơ đã công bố hiện nay, rõ ràng Susan đã sử dụng nguồn thông tin được bên CIA chấp thuận. Bản dự thảo đầu tiên đưa ra theo luận điểm của người viết do Cơ quan An ninh: “Dựa trên các thông tin hiện tại, cuộc tấn công ở Benghazi bắt nguồn từ cuộc biểu tình Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Cairo.” Sự đánh giá này không xuất phát từ các nhà hoạt động chính trị ở Nhà Trắng, nó xuất phát từ nhận xét của các chuyên viên trong khối cộng đồng tình báo. Bản báo cáo do quan chức tình báo soạn thảo, nhưng lại do thành viên của Ủy ban Thường trực Hạ viện lựa chọn dựa trên báo cáo của tình báo của cà hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, yêu cầu David Petraeus sau khi báo cáo tóm tắt về vấn đề Benghazi hôm thứ Sáu ngày 14, một phần mà họ được phép công bố trên truyền hình. Những vấn đề này chưa được đề cập với những bản báo cáo đầy đủ của các cơ sở tình báo. Đây chỉ là bản tổng hợp ban đầu thông báo với dân biểu trong Hạ viện trong khi chưa có đầy đủ tài liệu để phân tích, kể cả vấn đề nhạy cảm. Không ai trong số quan chức tình báo làm việc được biết những vấn đề này sẽ được Susan sử dụng vào hai ngày sau đó. Đây trở thành một giả thuyết có tính toán làm lu mờ sự thật và lý do xảy ra.
Điều này tôi đã bị chất vấn nhiều lần trong các buổi điều trần của Quốc Hội. Tôi trả lời: “Phần cá nhân tôi không lưu tâm từng vấn đề, điều tôi quan tâm nhất là làm sao bảo vệ tính mạng người dân của chúng ta.” Có lúc, một số câu hỏi mang tính đố kỵ, tình hình trở lên căng thẳng. Cuối cùng tôi sử dụng mang màu sắc chính trị, đó là câu trả lời đầy đủ nhất hôm đó:
“Tôi hoàn toàn thừa nhận, sự thật có bốn người Mỹ tử nạn. Có phải vì cuộc biểu tình hay không? Hay vì những người đàn ông lang thang, vô công rỗi việc ngoài đường trong đêm tối quyết định trèo qua tường lãnh sự quán để giết người Mỹ? Điều khác biệt giữa hai vấn đề này như thế nào? Đó là công việc của chúng tôi phải tìm ra nguyên nhân gì đã gây ra, để tìm cách khắc phục ngăn chặn, dù có thể các cuộc tấn công tiếp tục xảy ra. Thưa các vị Thượng nghị sĩ, lúc này đây thành thật mà nói, tôi sẽ làm hết sức mình để trả lời các câu hỏi của quý vị về vần đề này. Nhưng thực tế mọi người đã ra sức cố gắng tìm hiểu và nhận được những thông tìn đáng tin cậy nhất. Các cơ sở tình báo đang điều tra, điều này tôi biết, kết hợp với nhiều cơ sở cộng đồng khác tìm cách giải thích những vấn đề đặt ra. Bản thân quý vị cũng hiểu rõ, nó xuất phát từ quan điểm của tôi, không cần thiết phải xem xét lại quá khứ tại sao chúng làm như vậy, điều quan trọng phải tìm ra bọn chúng, đưa ra trước công lý, có như thế chúng ta mới hiểu rõ những gì đang diễn ra trong thời điểm này.”
Một vài thí dụ khác không hay ho gì về chính trị hoá thảm kịch này, nhiều người đã tùy tiện tìm cách giải thích cụm từ “Điều khác biệt gì khi sự việc xảy ra ở thời điểm ấy?” Họ muốn nói rằng tôi bằng cách nào đó giảm thiểu sự tổn thất thảm kịch Benghazi. Tất nhiên không phải những gì tôi đã nói và sự thật vẫn là sự thật, chẳng có thể thêm bớt được. Nhiều người trong số đó tuy chẳng có chuyện gì nhưng cứ làm rối tung lên, nhưng tôi không quan tâm. Quan điểm của tôi rất đơn giản: nếu một kẻ nào đó đột nhập vào nhà bạn, bắt gia đình bạn làm con tin, bạn sẽ sử dụng thời gian như thế nào để tập trung xử lý với kẻ đột nhập, tìm cách giải cứu người thân của mình một cách nhanh và tốt nhất, đồng thời tìm cách ngăn chặn không để chúng có cơ hội lần nữa? Rất nhiều người cố tình không trả lời câu hỏi này. Dù sao cũng có sự khác biệt giữa người không đưa ra câu trả lời và với người chẳng bao giờ chịu lắng nghe ý kiến của người khác.
Chiến dịch bầu cử Tổng thống chỉ còn hai tháng đang hâm nóng bầu không khí chính trị trong bầu cử, có thể tôi khờ dại cứ suy nghĩ mãi về cái chết của bốn người mà không dùng nó trong mục đích chính trị. Chính trị là mớ hỗn độn trước bối cảnh và làm lu mờ che dấu nhiều sự kiện. Một trong những việc làm tốt nhất trong bốn năm với cương vị Ngoại trưởng, nơi mà vấn đề chính trị mang tính đảng phái hầu như hoàn toàn vắng bóng trong công việc hàng ngày của chúng tôi.
Những người lợi dụng khai thác thảm kịch này như là một công cụ của chính trị làm giảm thiểu sự hy sinh những người phục vụ vì đất nước. Tôi không thể trong số chính trị gia lợi dụng đằng sau những ngưởi Mỹ đã chết. Đó là điều sai trái, không xứng với giá trị cao đẹp của chúng ta. Những ai muốn chính trị hoá các vụ việc xin cứ việc, nhưng chắc chắn không có tôi.
Là Ngoại trưởng tôi biết hầu hết các quan chức, sĩ quan An ninh Ngoại giao đóng tất cả các nơi trên thế giới, tôi vô cùng biết ơn sự đóng góp và khả năng của họ. Hai nhân viên đặc nhiệm chịu trách nhiệm việc bảo vệ tôi, đầu tiên phải kể đến Fred Ketchem, tiếp theo là Kurt Olsson, những người rất điềm tĩnh, tận tụy trong công việc. Tôi thật sự tin tưởng họ, đặt mạng sống trong tay họ.
Mặc dù ở Benghazi ngày 11 có tới 5 đặc vụ, họ thật dũng cảm không ngại hy sinh để cứu đồng nghiệp. David, viên đặc vụ bị trọng thương trong vụ pháo kích vào căn cứ CIA, đã phải nằm điều trị nhiều tháng tại Trung tâm Y tế Walter Reed. Tôi gọi điện thăm hỏi khi ông đang chữa trị vết thương, nói với ông, khi nào sức khoẻ hồi phục, tôi muốn được tôn vinh ông và các đồng nghiệp về hành động dũng cảm.
Sáng thứ Hai 31-1-2013, còn hai ngày nữa tôi từ nhiệm chức Ngoại trưởng, tại Phòng Hiệp Ước, thân nhân và gia đình 5 vị đặc vụ đã tới dự đông đủ. David phải ngồi xe lăn nhưng ông cố gắng có mặt. Thân nhân và gia đình Stevens cũng tới dự, thể hiện lòng kính trọng những người đã tìm mọi cách bảo vệ Chris. Đây là niềm vinh dự của tôi được vinh danh lòng dũng cảm, sự tận tụy của họ, những người đại diện cho sức mạnh và tinh thần cao cả của một dân tộc vĩ đại. Tôi trao huy chương Giải thưởng Anh hùng của Bộ Ngoại giao cho từng đặc vụ. Trong số người tới dự, có người quá cảm động mắt ngấn lệ. Đây cũng là sự nhắc nhở về cái đêm kinh hoàng xảy ra, đây là điều tồi tệ nhất và cũng là những gì tốt đẹp nhất mà 11 năm trước đã từng xảy ra.
Ký ức về Benghazi còn trong tâm trí tôi mãi mãi và chính nó sẽ định hình về phương cách ngoại giao của Hoa Kỳ trong tương lai. Nhưng chúng ta luôn luôn tưởng nhớ đến Chris Stevens, Sean Smith, Glen Doherty và Tyrone Woods mãi mãi về cuộc đời và sự nghiệp của họ hy sinh như thế nào. Họ là những người con tình nguyện phục vụ cho tổ quốc, nơi sự an toàn khó đảm bảo nhưng vì lợi ích và giá trị của Hoa Kỳ đang bị đe dọa nên cần họ phải có mặt.
Những Lựa Chọn Khó Khăn Những Lựa Chọn Khó Khăn - Hillary Rodham Clinton Những Lựa Chọn Khó Khăn