Chú Chuột
ẹ tôi quát lên:
- Mày vứt ngay con bọ hung đi!
- Kìa mẹ, chú Sid thích bọ hung, chú ấy không phản đối việc con mang nó theo đâu!
- Nhưng thím Scrotch không thích. Ngay đến bọn con trai thím ấy cũng chẳng ưa nữa là. Con là may lắm đấy, không năm nào con không được về nhà chú thím ấy nghỉ hè. Con hãy để con bọ hung ở nhà!
Tôi buồn bã đáp:
- Thôi được. - Tôi nhét con bọ hung vào bao diêm và cho vào túi quần. Thím Scrotch chắc chắn sẽ chẳng biết một tí gì về con bọ hung này đâu.
Cái đêm đầu tiên ngủ ở nhà thím Scrotch thật là kinh khủng. Tôi nằm trong một căn buồng tối như bưng. Thím không cho bật đèn. Thím ấy keo lắm. Sợ tốn điện mà. Buồng gần như tối om. Nó chỉ đủ sáng để có thể nhìn thấy cái bóng ở trên tường và đủ sáng để có thể nhìn thấy những con mắt đang chằm chằm nhìn tôi.
Tôi không biết phải làm gì. Nếu như tôi hét toáng lên thì biết đâu những con mắt đó sẽ bổ nhào vào tôi. Nếu tôi nằm yên không cựa quậy biết đâu nó sẽ chẳng lặng lẽ bỏ đi. Đêm dài lê thê. Tôi có thể tính thời gian bằng cách đếm những nhịp thở của mình.
Những con mắt mở trừng trừng. Tôi tin rằng chúng đang trừng mắt nhìn cho dù tôi không nhìn thấy chúng. Có cái gì đó cựa quậy. Bên cạnh cái đồng hồ ở trên giá sách. Có tiếng lào xào? Có tiếng kẽo kẹt? Có tiếng chân bước? Miệng tôi khô khốc chỉ chực hét lên. Tôi chỉ muốn hét thật to, tôi chỉ muốn gào lên:
- Ai đấy? - Tôi muốn kêu chú Sid nhưng do quá sợ hãi nên không thể thốt lên lời.
Có hai cái đốm sáng nho nhỏ. Giờ thì tôi trông thấy chúng. Chúng chuyển động hết sức nhẹ nhàng và không hề phát ra một tiếng động nho nhỏ nào. Những cái đốm đó hết ra lại vào. Tôi nhẹ nhàng nhoài tay tới gần nút bấm đèn. Tay tôi lờ quờ và sờ thấy mấy tờ giấy lau miệng rồi đụng vào chiếc đồng hồ đeo tay và cuối cùng tôi sờ thấy mấy đồng xu nhưng chẳng thấy cái nút bấm đèn phải gió đâu cả.
“Tách”. Tôi đã thấy nút bấm. Căn phòng sáng choang. Tôi thấy ngay mấy con mắt đó là của ai. Té ra đó là mắt con chuột, một con chuột nhắt màu xám bé tí xíu. Con chuột không hề đụng đậy, nó nháy mắt với tôi. Nó hoàn toàn như không biết sợ là gì cả. Và sau đó tôi vô cùng ngạc nhiên thấy nó từ từ đi bằng đôi chân sau. Nó đi dọc theo cái giá bằng hai chân sau. Sau đó nó chắp hai chân trước lại với nhau như người ta cúng vậy.
Tôi vớ chiếc giày ngủ và quẳng vào con chuột. Nó chui tọt ra đằng sau cái đồng hồ và chiếc giày quật đánh đét vào tường.
Tôi thở dài đánh thượt và tắt đèn rồi lại nằm xuống giường. Tôi có cảm giác mình như một thằng hâm. Chuột đâu có đi bằng hai chân và chắc chắn chuột không bao giờ biết cúng cả. Tôi nhủ thầm, mình lú lẫn mất rồi, tất cả chỉ tại chú Sid. Thím Scrotch bảo chú ấy không muốn bị quấy rầy và không cho tôi gặp chú. Tôi về nhà chú thím nghỉ hè thế mà lại không được gặp chú Sid, thật chẳng ra làm sao cả, tôi thấy băn khoăn trong lòng.
Có tiếng chân bước. Ôi, trời đất ơi, lại bắt đầu lại từ đầu rồi. Nhưng lần này rõ ràng có tiếng chân bước thật. Tiếng chân người đi ngoài hành lang. Tôi từ từ nhỏm dậy và rón rén mở hé cửa. Thím Scrotch cầm đèn pin. Tại sao thím ấy lại không bật đèn nhỉ? Tại sao thím ấy lại đi lò dò như thế? Và tại sao dọc theo tường chỗ nào cũng thấy những hộp đựng pho mát? Pho mát treo lủng lẳng trên trần nhà, pho mát ở trong túi lưới mua hàng, pho mát để trên những tờ hóa đơn, pho mát bọc trong giấy bóng kính màu đỏ, pho mát cắt thành mẩu như bánh đúc, pho mát ở trên bàn, trên thành ghế, chỗ nào cũng chỉ thấy toàn pho mát.
*
* *
Thím Scrotch nhón chân đi dọc hành lang và xuống cầu thang tới nhà hầm. Thím bưng hai tay một bọc pho mát dự trữ ở ngay cạnh tường. Bên trên là chiếc đèn pin lăn đi lăn lại. Bóng thím hắt loang loáng lên tường trông thật rùng rợn.
Thím Scrotch biến mất trong cầu thang tầng hầm và ngôi nhà lại chìm trong bóng đêm. Tôi vội đi dép và cũng lò dò xuống cầu thang. Tôi đi theo thím, tim đập thình thịch. Đến chỗ ngoặt tôi ghé mắt nhìn.
Tôi bỗng trông thấy một cái cửa mà hồi hè năm ngoái chưa có. Cái cửa có then cài to tướng ở phía ngoài và một cái cửa con nhỏ có song sắt. Thím Scrotch xé mấy cái hộp và quẳng pho mát qua cái lỗ nhỏ đó. Tôi nghe thấy tiếng chóp chép, tớp tớp ở trong buồng vọng ra. Rõ ràng cái tiếng đó như tiếng một con thú bị đói đang vội vã hốc lấy hốc để thức ăn ở trong máng vậy.
Khi quay ra thím nói: “Đồ lợn” và thím bước chân lên cầu thang. Tôi vội vàng nép sát mình vào mấy cái thùng để bên cạnh tường và nín thở. Thím đi qua, không hề nhìn về phía tôi nấp. Thím bước loẹt quẹt xa dần về buồng của mình và cuối cùng bóng của thím chìm trong bóng tối.
Tiếng nhai chóp chép vẫn vọng ra từ căn buồng dưới tầng hầm ở phía sau cánh cửa có cài then chắc chắn. Tôi bật đèn hành lang và ghé mắt nhìn qua chấn song sắt. Suýt nữa tôi bị ngất xỉu. Chú Sid ở trong đó. Đầu tóc chú bờm xờm. Râu ria lởm chởm. Những mẩu pho mát bám trên chiếc áo chui đầu của chú. Chân chú để trần và chú cúi lom khom hai tay chống xuống đất đang vội vã ngấu nghiến những mẩu pho mát vương vãi trong phòng.
Hồi tôi gặp chú lần trước chú trông khoẻ mạnh, đầu tóc chải chuốt gọn gàng và chú bao giờ cũng chững chạc đàng hoàng. Chú là người rất hào phóng và rất khéo tay, chú có thể lấy đồng mười xu ngay đàng sau tai ta và ta chưa kịp biết mô tê gì thì đã thấy đồng xu nằm lại ở vị trí cũ rồi. Chú làm nhanh ghê lắm cơ. Tôi yêu chú cực kỳ. Thế mà giờ đây bà thím độc địa lại nhốt chú xuống tầng hầm.
Tôi gọi se sẽ:
- Chú Sid, chú Sid, cháu là Julian đây mà!
Chú chẳng buồn ngước mắt nhìn tôi tiếp tục nhai tóp tép mấy mẩu pho mát vương vãi.
Dường như có bàn tay phù thủy ở đây. Có chuyện gì xảy ra với chú tôi thế này. Tôi cảm thấy tức nghẹn ở cổ, nước mắt trào ra khi tôi kéo cái then và mở cửa buồng. Lúc này chú mới ngước mắt nhìn lên. Sau đó chú nhảy tọt ra tận góc buồng và nhìn tôi với hai con mắt long lanh, linh lợi nhưng vô cùng xa lạ. Tôi chưa kịp mở miệng thì chú đã lao qua cửa - chú đi bằng cả tứ chi - chạy vọt lên cầu thang ra phía hành lang.
Tôi vội vàng đuổi theo chú và không thể tin vào mắt mình nữa. Chú dùng tay và dùng răng để mở vội vàng một cái thùng. Bên ngoài cái thùng có dòng chữ Pho mát mốc xanh.
Chú vọc tay vào trong thùng, lôi ra mấy tảng pho mát và ăn ngấu ăn nghiến. Mùi pho mát bốc lên thum thủm. Tôi ghê tởm cái mùi pho mát mốc xanh này. Nhưng chú Sid thì hoàn toàn không để ý gì tới cái mùi đó cả, chú ăn một cách say sưa, ngon lành.
Mãi một lúc sau đó chú mới ngừng ăn, chú ngẩng mặt lên và khìn khịt mũi đánh hơi. Hai tay chú chắp trước ngực, ở dưới cằm, trông như con chó đang lạy vậy sau đó chú loạng quạng bước lên cầu thang tầng một. Bỗng chú đứng sững lại và đi lùi từ từ. Chú sợ cái gì thì phải.
Đó là thím Scrotch. Thím nghiến răng, mím môi mím lợi. Hai tay thím ôm chặt một con mèo đực béo tròn. Thím ra lệnh “Hổ, bắt lấy nó!”. Thím đặt con hổ xuống sàn. Nó thu mình, cong lưng lên và gừ gừ. Chú Sid sợ rúm người lại. Chú đi lùi từng bước xuống dưới cầu thang mắt vẫn không rời con mèo đực dữ tợn.
Con Hổ thu mình chậm rãi bước lên phía trước, cái đuôi luôn ngọ nguậy. Râu mép của nó run rẩy. Nó khum mình lấy đà. Chú Sid như bị con mèo thôi miên. Tôi xoa mắt. Chú Sid tội nghiệp của tôi sợ một con mèo! Tôi cảm thấy chóng mặt. Tôi điên rồi chăng? Những chuyện này phải chăng là một cơn ác mộng? Bỗng chú Sid quay mình rồi co cẳng chạy. Chú chạy vọt về xà lim của mình với tốc độ nhanh không thể tưởng tượng được. Và cuối cùng thì chú đã bị nhốt lại.
Thím Scrotch phát hiện chỗ tôi đứng, bà túm chặt lấy tôi nói rít lên:
- Thằng ngốc ạ, ai cho phép mày thả nó ra, hả?
Tôi tức quá hét lên:
- Không được nhốt chú ấy như thế. Tại sao lại nhốt chú Sid mới được chứ?
Thím tôi riết róng:
- Mày không hiểu gì cả à? Mày có còn biết suy nghĩ nữa hay không? Ông chú quý báu của mày đã biến thành chuột rồi!
*
* *
Tôi cố gắng để có thể hiểu được chuyện này. Tôi cố gắng tìm ý nghĩa những điều mà mình chứng kiến. Đầu óc tôi rối tinh rối mù. Đúng là chú Sid đã xử sự như một con chuột. Chú khìn khịt đánh hơi như một con chuột. Chú ăn ngấu nghiến pho mát, đi bằng cả hai chân hai tay và chú rất sợ mèo.
Chú Sid tội nghiệp của tôi đã biến thành chuột. Tôi nhủ thầm: “Phải đưa chú ấy vào bệnh viện chứ không được nhốt chú như thế này”.
Thím Srotch túm cổ chiếc áo ngủ của tôi và lôi tôi xềnh xệch về phía nhà bếp. Thím ấn tôi ngồi xuống một cái ghế và hổn hển nói:
- Chú ấy có tới bệnh viện nhưng họ không làm được gì cho chú ấy cả và bây giờ nó là cái nợ của thím. Thím phải chăm cho nó, nó xử sự như một con vật vì thế thím phải đối xử với nó như một con vật.
Tôi gào lên:
- Như thế dã man lắm. Sao thím độc ác thế, thím không được lấy mèo ra để dọa chú ấy!
Thím Scrotch nói tiếp: Thím cấm mày không được tới chỗ này. Đã mấy lần nó tìm cách trốn khỏi đây. Nó mà đã sổng ra thì rất khó mới bắt lại được. Còn một việc nữa, thím cần sự giúp đỡ của cháu. Thím đang tìm một vật mà không biết nó biến đi đằng nào.
Tôi hỏi:
- Thím mất cái gì đấy?
Song tôi lại nghĩ, dù thím mất cái gì đi chăng nữa tôi cũng sẽ không giúp thím. Tôi căm ghét thím ấy, căm ghét thực sự. Tại sao thím ấy lại có thể độc ác với chú Sid đến như thế kia chứ.
Thím Scrotch nói:
- Chú Sid sáng chế ra một loại bẫy chuột. Trông nó như một cái hàng rào điện. Khi chuột đụng vào dây điện thì dòng điện ở bộ não của nó sẽ chạy vào một cái hộp nhỏ và quay trở lại con chuột. Lúc đó con chuột như nhìn thấy bầu trời bao la bát ngát, thấy những cánh đồng lúa mì vàng ươm trĩu bông và thế là con chuột sẽ biến thẳng và không bao giờ quay trở lại nữa. Cái hàng rào điện đó làm cho con chuột luôn khao khát không khí trong lành và bầu trời tự do, nó không bao giờ còn muốn quay trở lại cái nơi tù túng chật chội trong nhà nữa. Những con chuột đó không bao giờ bị thương vì cái bẫy này vì thế sáng kiến này đáng giá hàng triệu đôla cơ cháu ạ. Nhưng từ khi chú Sid ngu ngốc biến thành chuột thì cái bẫy đó cũng biến mất, ai đó đã lấy cắp cái bẫy đó hoặc chú Sid đã giấu đi mất rồi. Chỉ biết chắc chắn rằng cái bẫy đó không còn nữa. Nếu cháu tìm thấy cái bẫy đó thì đưa cho thím, nó là của thím.
Bà thím bủn xỉn keo kiệt đứng dậy và đi về phía chạn để thức ăn. Bà lấy một cái lọ đựng kẹo sôcôla. Thím chỉ ăn một thứ duy nhất là những viên kẹo sôcôla, chúng bé như những cái khuy và thím có thể ăn hàng nắm khuy như vậy. Có lẽ thím đã ăn tới hàng ngàn hàng vạn viên sôcôla và tôi không tài nào hiểu nổi tại sao thím lại gầy nhẳng cù nheo đến như thế. Đáng ra ăn sôcôla nhiều như vậy thì thím phải béo quay béo tròn mới đúng. Thím ăn liền tù tì tới ba mươi viên mà chẳng hề mời tôi ăn lấy một viên.
Thím ra lệnh:
- Thôi, đi ngủ đi. Nếu thấy cái bẫy điện thì đưa cho thím!
*
* *
Tôi tắt đèn và đi ngủ. Nhưng tôi không tài nào ngủ được. Những con mắt nhỏ xíu vẫn nhìn tôi chằm chằm. Những con mắt chuột. Tôi tin rằng vẫn là con chuột nhìn tôi lúc nãy.
Tôi bật đèn và nháy mắt nhìn con chuột nhắt màu xám. Nó ngồi ở trong góc. Và ngay bên cạnh nó là cái bẫy chuột với miếng pho mát. Đây không phải là loại bẫy chuột bằng hàng rào điện như loại của chú Sid mà là loại bẫy chuột thông thường, loại bẫy sập và con chuột mắc bẫy sẽ bị nghiến bẹp gí.
Con chuột bò tới sát cái bẫy hiểm độc. Tôi kêu lên: “Này, đừng!” Nhưng nó đâu có để ý đến tôi, nó vẫn từ từ nhích đến sát cái bẫy. Sau đó nó làm một việc mà tôi không thể nào ngờ tới. Nó lấy một que diêm ở trên sàn nhà và dùng chân đẩy que diêm và gạt miếng pho mát ra ngoài.
Phập. Cái bẫy lò xo sập nhanh như chớp. Con chuột đã điều khiển cho cái bẫy hoạt động còn bản thân nó vẫn bình yên vô sự. Phải nói đây là con chuột thông minh nhất trần đời.
Tôi thò chân ra khỏi giường và từ từ đặt chân xuống đất. Con chuột đang ngồi đúng chỗ đó. Nó có vẻ như hoàn toàn không biết sợ. Cuối cùng nó lò dò đi sang phía bên kia giường vừa đi vừa ngoái mắt nhìn tôi. Sau đó khi nó biết tôi đuổi theo nó chạy vút vào trong gậm giường.
Tôi cúi lom khom dõi mắt nhìn theo nó. Mùi chuột trong gậm giường phả vào mặt tôi, cứt chuột nằm rải rác trên sàn gỗ đánh xi bóng loáng. Nhưng rõ ràng có cái gì đó khang khác mà mãi sau tôi mới nhận ra. Cứt chuột phân bố theo một trật tự nhất định, nó tạo thành một chữ. Cứt chuột xếp thành chữ Cứu tôi với.
Đây là cách duy nhất mà con chuột bé bỏng có thể làm để phát tín hiệu. Nhưng cho đến lúc tôi phát hiện ra điều gì đó thì con chuột lại lẩn đi mất rồi. Lần này nó chui vào một cái lỗ ở ven tường và biến mất. Sau vài ba phút nó lại xuất hiện và kéo theo mẩu giấy. Nó nhả mẩu giấy ngay dưới chân tôi.
Tôi cầm mẩu giấy lên và đọc. Đó là một mẩu giấy trong một cuốn nhật ký. Cuốn nhật ký của chú Sid. Mẩu giấy này đã bị những cái răng bé tí xíu của con chuột gặm đứt.
Dòng chữ ghi trên mẩu giấy đó như sau:
Toâi vöøa phaùt hieän thaáy raèng caùi baãy baèng haøng raøo ñieän naøy raát nguy hieåm. Neáu nhö hai sinh vaät ñuïng vaøo daây ñieän cuøng moät luùc thì boä naõo cuûa chuùng seõ trao ñoåi vôùi nhau. Hoâm qua moät con coùc vaø moät con chuoät maéc baãy. Con chuoät nhaûy voït ñi coøn con coùc thì luûi raát… ngöôøi.
Bỗng nhiên tôi hiểu điều gì đã xảy ra. Chú Sid và con chuột đã cùng một lúc đụng phải bẫy - hàng rào điện. Bộ não đã bị đánh đổi. Con chuột này chính là chú Sid.
*
* *
Tôi nói với con chuột:
- Chú Sid ơi, chú đừng sợ, chúng ta sẽ cùng biến chú trở lại thành người.
Nhưng tôi chịu không biết phải làm thế nào. Con chuột lại chui tọt vào cái lỗ ở tường. Lần này nó lại lôi ra một cái gì đó. Đó là một cuộn dây. Tôi giở cuộn dây và được một sợi dài chừng bốn mét với mấy cái mấu. Chỗ cuối là một cái hộp nhỏ. Thôi đúng, đây là cái bẫy hàng rào điện.
Bỗng nhiên tôi biết mình phải làm gì. Tôi nhấc bổng chú Sid lên và cho vào túi. Sau đó tôi cất cái bẫy hàng rào điện vào bếp, tôi phải làm thật nhẹ nhàng để thím Scrotch không bị thức giấc.
Tôi phải loay hoay một lúc mới dựng nổi cái bẫy điện và biết được cơ chế hoạt động của nó. Sợi dây điện tạo thành một vòng tròn và những cái mấu làm cho dây điện không tiếp xúc với mặt đất. Hai đầu dây nối với cái hộp màu đen và bên cạnh hộp có cái công tắc.
Tôi định đặt bẫy, nhưng con chuột, có nghĩa là chú Sid, lắc đầu. Nó ra hiệu cho tôi thấy chỗ mẩu dây tiếp xúc với mặt đất. Chỗ này thiếu mất cái mấu vì vậy điện sẽ bị hút xuống đất.
Tôi móc trong túi lấy ra cái hộp diêm. Tôi dùng mẩu kẹo cao su gắn vào chỗ mất cái mấu làm chất cách điện.
Sau đó tôi lấy mấy mẩu pho mát mốc xanh và vứt một đống vào giữa cái vòng dây điện. Sau đó tôi chạy xuống tầng hầm và trên đường đi tôi rắc nhiều mẩu pho mát làm mồi. Tôi mở cửa buồng giam, nơi chú Sid đang liên tục đánh hơi khụt khịt (đúng ra phải nói đó là con chuột dưới dạng chú Sid).
Nó bò bằng cả bốn chân. Trông thật là buồn làm sao, một người đàn ông đang cử động y như một con chuột. Nó đi theo những miếng mồi bằng pho mát vào trong bếp miệng tóp tép nhai.
Con chuột đứng ngay bên cạnh hàng rào điện. Mọt chân nó tỳ lên sợi dây. Chân kia nó để lên cái nút có chữ “mở”. Chú chuột mõm dính đầy pho mát mốc xanh nhích lại gần từng bước. Nó hau háu nhìn những mẩu pho mát nằm bên trong hàng rào mũi liên tục khụt khịt đánh hơi. Nó nhích tới thật gần. Rồi đụng vào sợi dây điện. Con chuột ấn nút ngay lập tức. Từ dây điện phóng ra những tia lửa xanh lè. Con chuột bị phóng điện trở nên xám ngoét. Tia lửa điện phóng lách tách, loẹt xoẹt như bỏng nổ rồi sáng bừng lên. Thế rồi mọi chuyện qua đi. Chú Sid đứng thẳng lên và mỉm cười thật là tươi. Còn con chuột chạy phốc ra ngoài cửa. Chú Sid cười khoái trá. Chú nói:
- Julian, cám ơn cháu, thế là chú đã thoát rồi, đã thoát rồi.
Chú Sid trở thành người như mọi khi. Chú đã lấy lại được bộ não của mình. Và con chuột lại trở thành con chuột với bộ óc của nó.
Chúng tôi nhìn cái bẫy chuột bằng điện chú Sid bảo:
- Nó nguy hiểm lắm, từ nay tuyệt đối không được dùng nữa.
Một giọng nói chua loét vang lên:
- Để đó, nó là của ta. Bởi vì ta đã phải chịu đựng biết bao nỗi nhọc nhằn lo lắng.
Đó là tiếng thím Scrotch. Mặt thím méo xệch nhăn nhó chẳng khác gì cái áo ướt vắt kiệt nước nhưng chưa giũ ra để phơi. Thím nhảy phốc tới chỗ để cái bẫy.
Đúng lúc đó tôi chợt nhớ ra cái hộp diêm của tôi còn để mở. Tôi ngao ngán thở dài.
Thím Scrotch với lấy cái bẫy. Điện giật làm thím tái xanh tái xám. Lửa phóng loẹt xoẹt. Thím la hét om sòm. Cái cuộn dây văng lên tới tận trần nhà. Cái hộp diêm vỡ thành trăm mảnh. Và mọi chuyện đã trở thành dĩ vãng.
Khoảng một tuần sau tôi đi về nhà. Chú Sid tìm mọi cách sửa cái bẫy chuột bằng điện nhưng không tài nào sửa nổi.
Chú hay viết thư cho tôi nên tôi biết rõ mọi chuyện. Cái thư cuối cùng chú viết rất ngắn. Chú buộc phải dừng bút sớm hơn để chạy ra ngoài tìm thím Scrotch. Thím lại chạy ra đồng tìm phân bò.
Trong thư trả lời, tôi kể với chú rằng con bọ hung của tôi khoẻ mạnh. Tôi vẫn nuôi nó trong hộp diêm. Nhưng cứ trưa đến tôi lại cho nó ra và cho nó ăn thả sức kẹo sôcôla.
Những Câu Chuyện Kì Lạ Nhất Những Câu Chuyện Kì Lạ Nhất - Paul Jennings Những Câu Chuyện Kì Lạ Nhất