Chương 18: Những Bức Ảnh Của Người Chết
ột năm trôi qua. Một năm sau, năm 2011, một cái tang đã gõ cửa nhà chúng tôi, thình lình và hung bạo. Hôm ấy là thứ Tư. Chúng tôi nhận được điện thoại từ Văn phòng Tai nạn – ai mà biết rằng có một chỗ gọi là Văn phòng Tai nạn ở Paris? Mẹ của Benoit, cha của các con tôi, bị xe máy đâm và đang nằm trong bệnh viện, hôn mê.
Trong một phòng rộng của khoa Chấn thương, các bệnh nhân, hay chính xác hơn là thân thể của họ (một bệnh nhân mà còn đợi thì còn hy vọng sống, nhưng những bệnh nhân này thì chẳng còn gì mà đợi nữa), được ngăn cách bằng những tấm ri-đô mỏng. Chúng tôi được các y tá dẫn đến tận chỗ của bà. Căn phòng thật yên tĩnh, chỉ xao động bởi tiếng lách tách nhè nhẹ của máy móc. Ánh sáng vàng và hơi xanh lơ bao phủ nơi này một không khí kỳ lạ. Không có một tiếng rên nào, một lời phàn nàn nào: Những người nằm đây đều đã ở trạng thái lơ mơ. Mẹ của Benoit còn thở, thân thể vẫn đây, vẫn hoạt động. Bà giống cha tôi vào lần đầu tiên mà chúng tôi đến thăm ông ở bệnh viện, thẳng đơ, im lìm. Chỉ những thương tổn trong bộ não là cứ tiếp tục. Trên hình chụp cộng hưởng từ, vết đánh dấu bọc máu chỉ hơi to hơn vết mà tôi nhìn thấy của cha tôi. Nhưng như thế cũng đủ quyết rồi.
Bà được thiêu xác ở ngoại ô Ulis nơi ông bà ngoại tôi từng sống. Mẹ tôi có mặt vào tang lễ. Chúng tôi lái xe đưa hai đứa con gái tôi đến thăm mộ ông ngoại tôi. Chúng hỏi mộ của bà nội chúng ở đâu. Chúng tôi giải thích rằng bà đã muốn tro của mình được rải vào giữa thiên nhiên, dưới chân một ngọn núi mà bà vô cùng quyến luyến.
Tôi hẳn cũng sẽ xử sự như bà để không khiến chúng vướng bận. Tôi không thích nghĩa trang cũng như quan tài. Thời đại của chúng ta đã được làm như thế: Chúng ta không còn đến thăm người chết, chúng ta nhìn ảnh họ. Nhẹ nhàng làm sao, một bức ảnh. Ðó giống như một ngôi mộ có thể nhét vào túi, vào ví, và giữ lại dấu vết của những khoảnh khắc đã qua rồi. Sắp tới, cái chết sẽ còn trở nên nhẹ nhàng hơn nữa, tờ giấy ảnh nhỏ bé sẽ được thay thế bởi một dữ liệu nén ảnh jpeg, phi vật chất, một tấm ảnh hiện trên màn hình vi tính, giữa hàng nghìn tấm ảnh tạo nên toàn cảnh được số hóa của cuộc đời chúng ta.
Ngày xưa ở Việt Nam khi ảnh còn hiếm, thì có vẽ truyền thần. Người ta ngồi làm mẫu trước thợ vẽ, mặt khắc khổ, tay đặt lên đầu gối, và nghĩ về cái chết, về cái ngày mà người ta chẳng còn là gì ngoài bức vẽ đóng khung, treo đằng sau bát hương trên bàn thờ. Người ta không mỉm cười. Nụ cười trên ảnh hóa ra là một phát minh rất mới.
Trong căn nhà của cha mẹ tôi ở Le Mans, trên bàn thờ, tôi luôn nhìn thấy bức ảnh đen trắng của ông nội[54] (tiếng Việt gọi là “ông bên trong”, để phân biệt với ông ngoại[55] là “ông bên ngoài”). Ông qua đời năm 1970, trước khi cha mẹ tôi lấy nhau, thời kỳ mà tôi có cảm tưởng như thuộc về các huyền thoại. Trên ảnh, ông ngồi yên với vẻ nghiêm trọng, trong áo dài đen, hẳn ở tuổi năm mươi. Tôi luôn nhìn thấy người chết này trong nhà chúng tôi. Và giống như các con gái tôi khi thấy ảnh chúng lúc bé diễu đi diễu lại trên màn hình máy tính, cả hai đứa đều tưởng còn nhớ những đoạn đời ấy, tôi cũng có cảm giác biết ông nội tôi. Cha mẹ tôi đặt lên bàn thờ cúng ông hoa quả, bánh trái, tôi muốn nếm những đồ ngọt ấy, nhưng chúng tôi không được động đến, mà phải để hương cháy hết, nhắm chặt mắt lại và lạy ông (tôi đọc bài kinh Lạy Cha[56] vì tôi đã được học ở trường, và khi nó dài quá, tôi đọc một đoạn kinh Kính mừng[57]).
Ở Việt Nam, không tổ chức sinh nhật mà làm giỗ, ngày người ta chết. Khi còn nhỏ, tôi tự nhủ rằng truyền thống này thật vô ích. Tôi đã thay đổi. Bây giờ, chỉ Facebook là nhớ. Ðều đặn như một cái máy nhắc mọi sinh nhật, trong đó có cả sinh nhật của những người bạn đã chết.
Bức ảnh của ông nội tôi đã đơn lẻ trên bàn thờ trong một thời gian dài. Rồi dần dà, những bức ảnh khác tiếp nối nhau lên đứng bên cạnh. Lần này thì ảnh màu. Bức ảnh của ông ngoại, qua đời năm 1989. Tôi đến bệnh viện thăm ông, tôi hoảng hốt khi thấy da ông, mỏng như giấy và vàng khè – do bệnh tiểu đường và vàng da. Rồi tôi thấy ông chết. Ðấy là lần đầu tiên tôi nhìn thấy người chết. Lần đầu tiên tôi dự một đám tang. Tôi còn nhớ âm thanh mạnh mẽ của những xẻng đất đổ lên quan tài.
Bà nội[58], mẹ của cha tôi, người mà tôi biết ít hơn, trút hơi thở cuối cùng vào năm 1991. Lúc đó tôi đang đi nghỉ ở nước ngoài. Không có mặt ở đám ma, tôi chỉ biết bà mất khi quay về Pháp. Tôi không nhớ chút gì về phản ứng của cha tôi cũng như nỗi buồn của ông.
Sau đó đến lượt bà ngoại[59] yêu quý của tôi. Bà đã quay trở lại Việt Nam vào những năm cuối đời vì không chịu nổi ý nghĩ sẽ chết ở một nơi xa quê hương. Với bà, nước Pháp là một cái ngoặc đơn lạnh lẽo và mờ mịt. Cuối cùng bà đã chết ở Việt Nam, xa đến nỗi tôi có cảm giác bà vẫn còn đang sống ở đó, chìm đắm trong những lời cầu kinh không dứt của mình. Dù chân dung của bà cũng đã được đặt lên bàn thờ, bên cạnh chân dung của những người chết khác.
Trong căn hộ của tôi không có bàn thờ. Tôi có nghĩ đến, nhưng Benoit, bố của các con gái tôi trêu tôi: “Em cũng muốn có một bức tượng Phật bằng bìa vàng chóe nữa chứ?”. Tôi chia sẻ với nhiều người Việt khả năng kém cỏi về trang trí – tôi thích những bức tranh thác nước nhấp nháy trong các quán ăn Trung Quốc – thế nên tôi im lặng trước tất cả các câu hỏi về trang trí nội thất. Nhưng em có thể nói cho anh hay mình sẽ để nó ở đâu bây giờ? Trên giá sách Billy của Ikea? Trên dương cầm? Hay lò vi sóng?
Tôi đã không biết làm gì với bức ảnh của mẹ chồng quá cố của mình. Tôi quyết định đặt nó trên dương cầm bên cạnh những bức ảnh của các con gái tôi. Mẹ tôi tức nghẹn: “Không bao giờ được để lẫn ảnh người chết và người sống!” Tôi chịu thua. Người chết thì trên bàn thờ, còn người sống trên tường, dương cầm, giá sách. Cuối cùng bức chân dung của mẹ chồng tôi được đặt trên tấm gương che nắng của ô tô, bên cạnh hóa đơn tiền đường.
Vài ngày sau khi mẹ chồng tôi qua đời, em gái tôi gọi điện. Nó nói:
“Chị biết không, điều mà chị đọc được trong hồ sơ xin nhập tịch của cha là đúng đấy. Cha đã có vợ trước.”
Người Cha Im Lặng Người Cha Im Lặng - Doan Bui Người Cha Im Lặng