Gỗ Mun epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Sẽ Có Ngày Hội
ôi nài nỉ Godwin, nhà báo ở Kampala, để anh đưa tôi về làng. Quê anh khá gần, cách thành phố năm mươi cây số. Nửa quãng đường là đi trên đường cái chạy về miền Đông, men Hồ Victoria, hướng Kenya. Toàn bộ đời sống của đất nước này diễn ra hai bên lề những con đường như thế: các cửa hàng, quán bar, nhà trọ mở suốt ngày đêm. Thường là tất bật và ồn ào, thậm chí vào buổi trưa cũng không ngừng hoạt động hoàn toàn. Trên các hàng hiên, trong bóng râm hay dưới những tán ô, những người thợ may ngồi gập người bên bàn máy, thợ đóng giày ngồi sửa giày và xăng đan, thợ làm tóc cắt và chải tóc. Phụ nữ đập sắn hàng giờ, những phụ khác kế bên nướng chuối trên bếp than hoặc bán cá khô, đu đủ tươi, xà phòng tự chế làm từ tro và mỡ cừu được bày trên sạp hàng. Cứ vài cây số lại có một trạm sửa ô tô và xe đạp, xưởng thay lốp hay điểm bán xăng (tùy vào mức độ phát triển của nơi đó mà điểm này là trạm có bình bơm hay đơn giản chỉ là một cái bàn, bên trên có các chai, lọ xăng đang chờ khách mua).
Chỉ cần dừng lại đâu đó một lát, đám trẻ con sẽ vây lấy xe ngay, cả các bà bán hàng cũng xúm lại, họ bán tất cả những gì một người đi đường có thể cần tới: chai Coca-Cola và thứ rượu bản xứ là waragi, bánh bơ và bánh quy (bán cả gói hoặc từng chiếc), cơm và bánh kếp lúa miến (một loại kê). Những người bán rong này cạnh tran với các cô bạn đang đứng đằng xa, không thể rời sạp hàng của mình: họ phải canh chừng, vì đâu đâu cũng trộm cắp như rươi.
Những con đường này cũng là nơi chốn của sự đa dạng toàn cầu và lòng khoan dung. Chúng ta đi ngang qua thánh đường Hồi giáo hoa văn lộng lẫy, bởi chi phí xây dựng được Ả rập Xê út tài trợ; còn đây, xa hơn, một nhà thờ khiêm tốn hơn nhiều; và xa hơn nữa là mấy chiếc lều của các tín đồ Cơ Đốc Phục lâm An thất nhật, những người đi lang thang khắp châu Phi cảnh báo về ngày tận thế đang đến gần. Còn kiến trúc mái chop lợp rơm kia thì sao? Đó là đền thờ Katonda, vị thần tối cao của người Ganda.
Đi trên những con đường này, chốc chốc anh lại gặp một thanh chắn (đó có thể là một đoạn dây điện hay dây thừng) và trạm gác cảnh sát hay quân đội. Hành xử của họ sẽ cho anh biết tình hình trong nước ra sao, ngay cả khi anh ở rất xa thủ đô và không nghe đài (báo chí không đến được nơi này, còn truyền hình thì không có). Nếu cảnh sát và lính không hỏi han gì, khi anh vừa dừng xe là họ quát tháo đánh đập, điều đó có nghĩa đất nước này đang dưới chế độ độc tài hoặc đang có chiến tranh. Ngược lại, nếu họ tiến đến, mỉm cười, bắt tay và nhã nhặn nói: “Các anh biết đấy, chúng tôi thu nhập rất thấp” – nghĩa là chúng ta đang đi qua một đất nước bình ổn, dân chủ, nơi có bầu cử tự do và quyền con người được tôn trọng.
Chúa tể thế giới của những con đường châu Phi này là tài xế xe tải. Xe con quá yếu nên không thể đi qua những ổ gà, sống trâu. Một nửa trong số đó sẽ nhanh chóng bị mắc kẹt đâu đó trên đường (nhất là vào mùa mưa), nhiều chiếc xe khác nhanh chóng trở thành đồ bỏ. Nhưng xe tải thì đi được khắp nơi. Nó có máy khỏe và những chiếc lốp lớn, có hệ thống khung treo chắc như cầu Brooklyn. Tài xế những chiếc xe này biết giá trị của báu vật họ đang sở hữu và biết sức mạnh của họ là gì. Trong đám đông bên đường, anh có thể nhận ra họ ngay qua cách họ di chuyển. Người nào cũng như một ông vua. Thường thường, khi họ dừng lại, thậm chí còn chưa kịp bước xuống từ chiếc ngai cao ngất của mình, người ta đã mang đến cho họ tất cả mọi thứ. Nếu xe tải dừng ở một tỉnh lẻ, một nhóm người kiệt lực luôn miệng cầu xin sẽ vây lấy ngay, ấy là những người muốn đi khỏi đó mà không biết làm cách nào. Họ dựng lều bên đường, mong một dịp may có ai đó sẽ nhận chút tiền và chở họ đi. Không ai trông chờ lòng tốt. Các tài xế xe tải không biết đến thứ tình cảm này. Trên những con đường họ đi, suốt dọc hai bên luôn có những đoàn phụ nữ oằn lưng vác nặng, đi hàng một, trong cái nóng thiêu đốt, trong lò lửa nhiệt đới. Nếu người tài xế có chút lòng thương trong tim và muốn giúp đỡ họ, anh ta sẽ phải dừng lại liên tục và không bao giờ đi được đến nơi. Vì thế, đặc thù của mối quan hệ giữa tài xế và những người phụ nữ đi bên lề đường là tuyệt đối lạnh lùng – họ không trông thấy nhau, họ thờ ơ đi ngang qua nhau.
Godwin làm việc đến tận tối nên chúng tôi không thể nhìn thấy cảnh tượng trên con đường đi từ Kampala sang miền Đông (các con đường ngoại vi khác cũng tương tự như thế). Chúng tôi đi rất muộn, gần như vào ban đêm, khi ấy chính những con đường này trông lại hoàn toàn khác hẳn.
Tất cả chìm trong bóng tối dày đặc. Thứ duy nhất có thể thấy được là những dải ánh sáng mỏng manh, chập chờn dọc hai bên đường của đèn nến mà những người bán hàng thắp trước quầy. Thường thường, đó thậm chí không phải quầy hay tiệm, chỉ là những mặt hầng lèo tèo rải thẳng ra đất, những thứ kỳ dị nhất mà những người buôn thúng bán mẹt bày ra: cà chua xếp thành tháp nhỏ bên cạnh kem đánh răng, nước chống muỗi để cạnh bao thuốc lá, đá lửa và hộp trà bằng sắt. Godwin kể trước kia, thời còn độc tài, dựng lều thắp nền ngoài trời thì tốt hơn là sáng đèn trong nhà. Khi nhìn thấy quân lính kéo đến, người ta lập tức tắt nến và biến vào bóng tối. Trước khi quân lính kịp đến nơi đã chẳng còn mống nào. Dùng nến rất hay, vì có thể nhìn thấy được mọi thứ mà chính mình lại không bị trông thấy. Trong một căn phòng sáng đèn thì ngược lại và do đó nguy hiểm hơn.
Cuối cùng, từ đường cái, chúng tôi đi vào một con đường đất gồ ghề bên cạnh. Trong ánh sáng đèn pha, chỉ thấy một đường hầm hẹp giữa hai bức tường cây xanh rậm rạp, tươi tốt và no đủ. Nơi đây là châu Phi nhiệt đới nóng ẩm – sum suê, chằng chịt, không ngừng sinh sôi nảy nở và náo động. Theo đường hầm đầy khúc ngoặt và đường rẽ tạo thành một mê cung lộn xộn và rối rắm này, chúng tôi đến nơi thình lình có bức vách mọc lên ngay trước mặt. Con đường kết thúc ở đây. Godwin dừng xe và tắt máy. Vô cùng yên tĩnh. Đã muộn đến mức dế cũng ngừng kêu, chẳng thấy con chó nào xung quanh. Chỉ có đám muỗi là lên tiếng, giận dữ và nôn nóng, như thể không thể chờ chúng tôi lâu hơn được nữa. Godwin gõ cửa. Cửa mở và một tá trẻ con cởi trần ngái ngủ ùa ra sân. Rồi một phụ nữ cao, nghiêm nghị, cử chỉ rất đường hoàng, thậm chí trịnh trọng, bước ra: thân mẫu Godwin. Sau những lời chào hỏi ban đầu, bà đem tất cả lũ trẻ vào một phòng, rồi trải chiếu ra sàn cho chúng tôi nằm ngủ ở phòng bên cạnh.
Buổi sáng, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi cảm thấy mình đang ở trong một khu vường nhiệt đới mênh mông. Khắp xung quanh là những cây cọ, chuối, me và cà phê, ngôi nhà chìm trong cây cối rậm rì, rối rắm. Cỏ mọc cao và những đám cây bụi cuồn cuộn chen chúc tứ phía, lấn lướt hung hăng tới mức chẳng còn chừa lại bao nhiêu chỗ cho con người. Sân nhà Godwin nhỏ, tôi chẳng nhìn thấy đường đi ở đâu (trừ con đường mà chúng tôi đã đi đến đây), quan trọng nhất là tôi không thấy ngôi nhà nào hết, dù Godwin bảo tôi rằng “chúng ta về làng”. Tuy vậy, trong vùng rừng rậm châu Phi này làng mạc không trải dọc theo các con đường (thường là không tồn tại), mà nhà cửa nằm rải rác trên một diện tích rộng và cách nhau rất xa. Chúng liên kết với nhau bằng những lối mòn chìm trong rừng rậm muôn đời, mắt không thành thạo thì không thấy được. Phải là người làng hoặc biết rõ làng thì mới hiểu được cách bố trí những lối mòn này, đường đi và các kết nối của chúng.
Tôi theo lũ trẻ đi lấy nước, vì đây là nhiệm vụ của chúng. Cách nhà khoảng hai trăm mét có một dòng suối nhỏ chảy ri rỉ, lút trong cỏ bấc và ngưu bàng, nơi các cậu bé chật vật lâu lắm mới lấy được đầy xô. Sau đó chúng đội những xô nước này lên đầu sao cho không một giọt nào bị sánh ra ngoài. Chúng đi một cách chăm chú và thận trọng, cố gắng giữ thăng bằng cho những tấm thân trẻ thơ bé nhỏ của mình.
Một xô nước dành cho việc rửa ráy buổi sáng. Người ta rửa mặt và phải rửa sao cho không tốn nhiều nước. Vốc nước trong xô lên và thoa khắp mặt, cẩn thận và không quá mạnh, để nước không bị chảy qua kẽ tay. Không cần khăn mặt, bởi từ sáng mặt trời đã thiêu đốt và khuôn mặt sẽ khô rất nhanh. Tiếp theo, mỗi người bẻ một cành nhỏ trong bụi cây và cắn tòe một đầu thành cái chổi gỗ. Dùng cái chổi này đánh răng thật lâu và kỹ. Có những người làm việc đó hàng giờ liền, đối với họ nó cũng là trò tiêu khiển như người khác nhai kẹo cao su.
Sau đó, vì đây là một ngày lễ kép (vừa là Chủ nhật vừa có khách từ thành phố về), mẹ Godwin làm bữa sáng. Thông thường ở quê người ta chỉ ăn một lần trong ngày, vào buổi tối, còn vào mùa khô thì hai ngày một lần, chừng nào còn chưa gục vì đói. Bữa sáng có trà và một mẩu bánh bột ngô, có cả một bát matoke (món ăn nấu từ chuối xanh). Đám trẻ như lũ chim non trong tổ: chúng hau háu nhìn bát matoke, và khi mẹ cho phép ăn, chúng nuốt hết trong tích tắc.
Chúng tôi vẫn luôn ở ngoài sân. Thứ gây chú ý ngay là tảng đá nằm chính giữa, một phiến đá hình chữ nhật: đó là mộ tổ, masiro. Tập quán an táng ở châu Phi rất khác nhau. Một số bộ tộc sống trong rừng đặt người chết nằm ngay giữa rừng, cho thú dữ xé xác. Số khác chôn cất thi thể vào chỗ riêng, trong các nghĩa trang đơn giản, không cầu kỳ. Có các bộ tộc chôn người chết ngay dưới nền nhà mình đang ở. Nhưng thường thấy nhất là người ta chôn cất họ cách nhà không xa, ngoài sân, trong vườn, để được ở gần họ, cảm thấy sự có mặt của họ mà thêm vững lòng. Đức tin vào linh hồn tổ tiên, vào quyền năng che chở của họ, vào sự linh thiêng, phù hộ, và thiện chí của họ, vẫn luôn tồn tại và là nguồn an ủi, tin cậy. Có họ gần bên ta cảm thấy an toàn hơn. Khi ta không biết phải làm gì, họ vội đến khuyên nhủ ta, và điều vô cùng quan trọng là họ sẽ kịp ngăn ta trước khi bước một bước sai lầm hay đi vào con đường xấu. Mỗi ngôi nhà, mỗi gia đình đều có hai chiều kích: thứ nhìn thấy, sờ mó được, và chiều kích thứ hai ẩn giấu, bí hiểm, thần thánh. Con người, nếu có thể, cố gắng thường xuyên viếng thăm tổ tiên – ở đó anh ta lấy lại sức lực và củng cố bản sắc của mình. Bên cạnh mộ tổ, trọng tâm thứ hai trên cái sân này là gian bếp. Bếp là một cái hõm khoét xuống nền có ba bức tường đất xây lên xung quanh, bên trong đặt ba hòn đó đen vì nhọ xếp hình tam giác. Người ta đặt nồi lên trên đó, đun bằng than củi. Thứ dụng cụ đơn giản nhất được sáng chế từ thời đồ đá, vậy mà vẫn hữu dụng.
Vẫn là buổi sáng, trời nóng vừa phải và còn có thể chịu được nên Godwin đi thăm láng giềng. Trước đó anh đã đồng ý cho tôi đi cùng. Người dân ở đây sống trong những ngôi nhà đất đơn sơ lợp mái tôn lượn sóng đến buổi trưa sẽ nóng lên như lò lửa. Cửa sổ đơn giản là những cái lỗ đục vào tường, còn cửa ra vào thường bằng gỗ dán hoặc tôn, không có khung, đúng ra chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, bởi chúng thậm chí không có cả tay cầm lẫn ổ khóa.
Ở đây, người từ thành phố về được xem như quý ông, như triệu phú, ông vua. Mặc dù thành phố không xa lắm, song nó đã thuộc về một thế giới khác tốt đẹp hơn, thuộc về hành tinh của sung túc. Cả hai bên, người từ thành phố về và người làng, đều biết điều này. Bởi thế, người từ thành phố biết mình không thể về tay không. Vì vậy, việc chuẩn bị cho một chuyến về quê làm người thành phố mất nhiều thời gian và tiền bạc. Khi một người tôi quen mua thứ gì đó ở thành phố, anh giải thích ngay: “Tôi phải đem cái này về quê”. Anh đi khắp các phố, xem hàng và đắn đo: “Cái này mang về quê làm quà thì tốt đây”.
Quà và quà. Đây là nền văn hóa không ngừng tặng quà. Nhưng vì Godwin không kịp mua quà, anh biếu láng giềng của mình những cuộn tiền si-ling Uganda mà anh kín đáo đút vào túi họ.
Trước tiên chúng tôi thăm Stone Singevenda và vợ anh – Victa. Stone hai mươi sáu tuổi và đang ngồi nhà. Thỉnh thoảng anh đi làm xây dựng, nhưng bây giờ anh không kiếm được việc làm. Victa thì lao động: cô trồng một nương sắn nhỏ nuôi sống gia đình. Năm nào Victa cũng sinh con. Họ lấy nhau được bốn năm và có bốn con, sắp có đứa thứ năm. Ở đây có lệ mời khách thứ gì đó, nhưng Victa và Stone không mời chúng tôi – họ chẳng có gì để mời.
Hàng xóm Simon của họ thì khác, anh đặt ngay một đĩa lạc trước mặt chúng tôi. Nhưng Simon là người giàu: anh có xe đạp và nhờ thế có việc làm. Simon là bicycle trader. Trong nước, không có nhiều đường lớn. Xe tải cũng ít. Hàng triệu người sống ở nông thôn, nơi không có đường sá và xe tải không đến được. Họ là những người thiệt thòi nhất, nghèo nhất. Họ ở xa chợ, quá xa nên không thể đội lên đầu mang ra chợ mấy củ sắn củ khoai, nải chuối xanh hay bao lúa miến – những thứ rau củ hoa quả trong vùng. Không thể mua gì – cái vòng tròn tuyệt vọng của nghèo đói khép lại. Nhưng Simon cùng chiếc xe đạp của mình xuất hiện. Chiếc xe đạp của anh có đủ thứ đồ tự chế: giá chở hàng, túi, kẹp, móc. Nó dùng để chuyên chở hơn là để đi. Simon (đã có hàng nghìn người như anh) lấy một chút tiền mọn (rất ít, bởi vì ta vẫn luôn ở trong phạm vi của nền kinh tế tiền xu) rồi chở hàng ra chợ cho các bà các cô) bằng chiếc xe đạp này. Simon nói càng xa đường lớn, xa xe tải và chợ thì càng nghèo. Khổ nhất là những nơi nông dân không thể vác hàng ra chợ được vì xa quá. “Người châu Âu chỉ đến các thành phố và đi trên những con đường lớn, họ thậm chí không thể hình dung được châu Phi chúng tôi là thế nào”, Simon nhận xét.
Một láng giềng của Simon là Apollo – người đàn ông gầy, ít nói và không đoán được tuổi. Anh đứng trước nhà và đang là cái áo trên bàn. Anh có chiếc bàn là than to, cũ và gỉ sét. Cái áo còn cũ hơn. Để miêu tả nó, phải dùng đến ngôn ngữ của các nhà phê bình nghệ thuật, của những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại thất thường, các chuyên gia của chủ nghĩa tuyệt đỉnh, nghệ thuật thị giác và chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng. Đó chính là tuyệt tác của nghệ thuật ghép vải, nghệ thuật phi hình, nghệ thuật dán ghép và nghệ thuật đại chúng, là màn biểu diễn trí tưởng tượng tót vời nhất của những người thợ may mà chúng tôi đi ngang qua trên đường từ Kampala đến đây. Bởi chiếc áo này hẳn đã phải thủng không biết bao nhiêu lần, có không biết bao nhiêu miếng và mẩu của đủ thứ vải, đủ màu và chất liệu khác nhau, đến mức không cách gì xác định được màu sắc và chất vải của cái áo thủy tổ nguyên bản đầu tiên, cái áo đã khởi đầu cho cả quá trình sửa đổi, biến hình dài lâu mà kết quả giờ đây đang nằm trước mặt Apollo trên cái bàn dùng để là quần áo.
Người Buganda là những người rất sạch sẽ và chăm chút đến trang phục. Trái ngược với các đồng hương Karimojong khinh khi quần áo và cho rằng cái đẹp duy nhất là cơ thể trần truồng của con người, người Buganda ăn mặc tinh tươm và cẩn thận, che kín đến cổ tay và mắt cá chân.
Apollo nói tình hình bây giờ tốt vì nội chiến đã kết thúc, song không ổn vì giá cà phê hạ (đó là những năm chín mươi), mà họ thì trồng cà phê và sống nhờ nó. Không ai muốn mua cà phê, không ai đến lấy nó. Cà phê hỏng, cây cà phê mọc dại, còn người dân thì không có tiền. Anh thở dài rồi thận trọng đưa bàn là qua các miếng vá và đường may, như người thủy thủ lái con thuyền của mình giữa các mỏm đá phản trắc.
Trong khi chúng tôi đứng trò chuyện như thế, một con bò từ bụi chuối bước ra, theo sau nó là mấy chú mục đồng nghịch ngợm, và cuối cùng là ông lão lưng gù – Lule Kabbogozza. Năm 1942, Lule chiến đấu ở Miến Điện – ông nhắc đến nó như sự kiện duy nhất trong đời mình. Sau đó thì ông chỉ sống ở làng này. Bây giờ ông cũng nghèo như mọi người. “What I eat?” Ông tự hỏi. “Cassave. Day and night cassava”. Nhưng tính tình ông vui vẻ, ông chỉ con bò và cười. Đầu năm, mấy gia đình gom góp lại rồi ra chợ mua bò. Con bò gặp cỏ trong làng, có đủ cỏ cho nó. Khi lễ Giáng sinh đến, họ mổ bò. Vào dịp này, tất cả mọi người quây quần lại. Họ xem con bò có được chia đều hay không. Họ tế nhiều máu bò cho tổ tiên (không có thứ đồ tế nào quý hơn máu bò). Phần còn lại họ nướng và nấu lên ngay. Đây là lần duy nhất trong năm dân làng được ăn thịt. Sau đó họ lại mua con bò tiếp theo và một năm sau sẽ có ngày hội mới.
Họ nói nếu khi ấy tôi ở gần thì họ sẽ mời. Sẽ có pombe (bia chuối), sẽ có waragi. Và tôi sẽ được ăn thịt bao nhiêu tùy thích!
Gỗ Mun Gỗ Mun - Ryszard Kapuściński Gỗ Mun