Chương 17 - Bí Mật Của Aladin
êm hôm ấy, các học sinh lên giường lặng lẽ hơn bình thường. Vì một lẽ là số học sinh đã giảm xuống. Ít nhất ba mươi học sinh đã về nhà. Những em khác phản ứng theo tính cách riêng của mình. Phấn khích, náo động, chỉ dám cười rúc rích một chút vì căng thẳng, và có những em thì hoàn toàn trầm lắng và suy tư.
Julia Upjohn trong số những học sinh đầu tiên lặng lẽ về phòng. Cô bé vào phòng mình và đóng cửa. Em đứng đó nghe ngóng những tiếng thì thầm, tiếng cười nói, tiếng bước chân, và lời chúc ngủ ngon. Rồi sự yên lặng đổ xuống - hay gần như yên lặng. Những giọng nói mờ nhạt từ xa xa vọng lại, những bước chân vào phòng tắm rồi trở ra.
Cửa không có khóa. Julia kéo ghế chắn cửa, thành trên lưng ghế chèn dưới tay nắm. Thế sẽ giúp cảnh báo cho cô bé, nếu có ai vào phòng. Nhưng không ai có thể vào được. Học sinh bị nghiêm cấm vào phòng nhau, và cô giáo duy nhất được vào phòng học sinh là cô Johnson, nếu học sinh bị ốm hoặc không được khỏe.
Julia lên giường, lật đệm lên và lần mò dưới đệm. Cô bé lấy chiếc vợt ra, và đứng cầm vợt một lát. Cô bé quyết định kiểm tra nó lúc này, không chậm trễ hơn. Nếu để đến lúc các phòng phải tắt đèn mà đèn trong phòng cô bé vẫn sáng thì sẽ gây sự chú ý. Lúc này để đèn sáng là bình thường, vì học sinh còn phải thay đồ và đọc sách trên giường cho tới mười giờ rưỡi, nếu các em muốn thế.
Cô bé đứng nhìn chằm vào chiếc vợt. Có thể giấu gì trong vợt được đây?
“Nhưng chắc phải có,” Julia tự nhủ. “Chắc chắn phải có. Vụ trộm ở nhà Jennifer, người phụ nữ đã đến đây với câu chuyện ngớ ngẩn về chiếc vợt mới…”
Chỉ có Jennifer mới tin điều đó, Julia nghĩ đầy vẻ xem thường.
Không, đấy là tích “đèn mới đổi đèn cũ” và thế nghĩa là, như trong truyện Aladin, chiếc vợt này có gì đó đặc biệt. Jennifer và Julia chưa bao giờ kể cho ai chuyện chúng đã tráo vợt cho nhau - hay ít nhất, cô bé chưa bao giờ nói cho ai.
Nên thực ra, đây mới là chiếc vợt người ta định tìm trong Cung Thể thao. Và chính cô bé sẽ tìm ra nguyên do! Cô bé xem xét cẩn thận. Nhìn vào thì chẳng có gì bất thường. Đó là chiếc vợt chất lượng tốt, có kém đi đôi chút vì cũ mòn, nhưng được căng dây lại và hoàn toàn có thể dùng được. Jennifer đã than phiền về sự cân bằng của nó.
Nơi duy nhất có thể giấu gì đó trong vợt ấy là chỗ cán. Ta có thể tháo rỗng cán vợt và biến nó thành chỗ giấu, cô bé nghĩ. Nghe có vẻ hơi xa vời, nhưng đúng là có thể. Và nếu cán vợt bị biến đổi, hẳn điều đó sẽ gây mất cân bằng.
Có một vòng da trên đó in chữ, và chữ đã mờ. Dĩ nhiên đấy là bởi do cọ xát nhiều. Nếu ta tháo lớp ấy đi? Julia ngồi xuống bàn trang điểm, và dùng dao nhíp để nạy, và chẳng mấy chốc đã gỡ được lớp da. Bên trong là một miếng gỗ mỏng, hình tròn. Trông có vẻ không ổn. Có đường nối chạy quanh miếng gỗ. Julia khía con dao vào. Lưỡi dao bị gãy. Mũi kéo sẽ hiệu quả hơn. Cuối cùng cô bé cũng nạy miếng gỗ ra thành công. Lúc này lộ ra chất gì đó lốm đốm màu xanh đỏ. Julia chọc vào và hiểu ra. Đất dẻo! Nhưng chắc chắn cán vợt thường có chứa đất dẻo đâu nhỉ? Cô bé cầm chặt lưỡi kéo và bắt đầu khươi từng mẩu đất dẻo ra. Đất bọc gì đó. Cái gì như cúc áo hoặc sỏi.
Cô bé chọc mạnh hơn.
Cái gì đó lăn trên bàn - rồi lại một cái khác. Chả bao lâu, đã thành một đống.
Julia ngửa người ra và thở dốc.
Cô bé nhìn chằm chặp…
Màu lửa, đỏ, xanh lá, lam sẫm và trắng lóa…
Vào khoảnh khắc ấy, Julia đứng lên. Cô bé không còn là đứa trẻ con nữa. Cô đã trở thành một phụ nữ. Một phụ nữ đang nhìn những viên đá quý…
Đủ các ý nghĩ lạ lùng chạy đua trong não bộ cô bé… Marguerite và hộp châu báu… (Chúng đã được mang từ Covent Garden đến Faust tuần trước)… Những viên đá chết chóc… Kim cương Hi vọng… Chuyện tình ái… bản thân cô bé mặc váy nhưng đen với sợi dây chuyền lòng lánh trên cổ…
Cô bé ngồi đó, nhìn thỏa thuê, rồi mơ mộng… Cô cầm những viên đá lên, rồi để chúng tuột qua kẽ tay thành một dòng sắc lửa, một dòng chói lòa của sự diệu kì và khoái cảm.
Rồi có gì đó, một âm thanh thảng hoặc, khiến cô bé tỉnh lại.
Cô ngồi đó suy nghĩ, cố suy nghĩ cho hợp lý, quyết định điều mình phải làm. Âm thanh yếu ớt ấy đã cảnh tỉnh cô. Cô bé gom hết số đá quý lại, mang đến bàn, và nhét chúng vào túi đựng đồ vệ sinh cá nhân, rồi tống các thứ dụng cụ và sơn móng tay vào túi. Sau đó cô bé quay lại chiếc vợt, nhồi đất dẻo vào trong cán, đậy nắp gỗ lại, rồi dán miếng da lên. Nó cuộn ngược ra, nhưng cô bé cũng xử lý được bằng cách cắt băng dính ra từng mẩu nhỏ và để mặt dính ra ngoài, sau đó miết lớp da lên.
Đã xong. Chiếc vợt trông như trước, khó mà cảm nhận được sự thay đổi trọng lượng. Cô bé nhìn chiếc vợt, rồi vô tư ném vợt lên ghế.
Cô bé nhìn lên giường, dọn lại gọn gàng và chờ đợi. Nhưng cô bé không thay đồ. Mà ngồi lắng nghe. Ngoài kia có tiếng bước chân chăng?
Bỗng nhiên và bất thình lình, cô bé biết sợ. Hai người đã bị giết. Nếu có ai biết điều cô bé phát hiện ra, cô sẽ bị giết.
Trong phòng có chiếc tủ ngăn kéo gỗ sồi khá nặng. Cô bé xoay xở kéo đến trước cửa, và mong ước trường Meadowbank có lệ để chìa khóa trên ổ. Cô bé đến bên cửa sổ, kéo khung kính bên trên xuống và chốt lại. Gần cửa sổ không trồng cây, cũng không có cây leo. Cô bé không tin sẽ có người vào phòng qua đường này, nhưng cô bé cũng không mạo hiểm được.
Cô nhìn chiếc đồng hồ nhỏ. Mười giờ rưỡi. Cô bé hít một hơi thật sâu rồi tắt đèn. Phải không để ai thấy chuyện bất thường. Cô bé kéo rèm cửa sổ một chút. Hôm nay trăng tròn, và cô bé có thể nhìn thấy rõ cửa chính. Rồi cô ngồi xuống mép giường. Trong tay cô bé là chiếc giày chắc chắn nhất cô có.
“Nếu ai đó định vào,” Julia tự nhủ, “mình sẽ đánh lên tường thật mạnh. Mary King ở phòng bên và bạn ấy sẽ tỉnh dậy. Và mình sẽ gào lên - gào hết sức. Rồi sau đó, nếu có nhiều người đến, mình sẽ bảo là gặp ác mộng. Ai cũng có thể gặp ác mộng sau mọi chuyện xảy ra ở đây.”
Cô bé ngồi đó, thời gian trôi đi. Rồi cô bé nghe tiếng bước chân nhẹ dọc hành lang. Cô bé nghe tiếng chân dừng lại ở cửa phòng mình. Một khoảng lặng dài, rồi cô bé thấy nắm cửa xoay từ từ.
Có nên hét lên không nhỉ? Chưa.
Cửa đã bị đẩy - chỉ hé một chút, nhưng chiếc tủ ngăn kéo đã chặn lại. Thế sẽ làm người ngoài kia khó xử.
Một khoảng lặng nữa, rồi có tiếng gõ cửa, gõ rất khẽ khàng lên cửa.
Julia nín thở. Một khoảng dừng, rồi lại gõ - nhưng vẫn nhẹ và gần như không thấy gì.
“Mình ngủ rồi,” Julia tự nhủ. “Mình không nghe thấy gì hết.”
Ai sẽ đến gõ cửa phòng cô bé vào lúc nửa đêm? Nếu là người có quyền gõ cửa, họ sẽ gọi to lên, sẽ rung lắc nắm cửa, gây tiếng ồn. Nhưng người này không dám mạo hiểm tạo tiếng ồn…
Sau bữa ăn sáng, các học sinh lên phòng, dọn giường, rồi xuống cầu nguyện ở hội trường lớn và cuối cùng tản ra các phòng học.
Khi các cô bé tản đi khắp các hướng, Julia vào một phòng học, đi ra một cửa khác, hòa vào một nhóm đang hối hả quanh khu học xá, cô bé thoắt nấp vào một cây đỗ quyên, và một loạt những pha rẽ hướng chiến lược khác, rồi cuối cùng đến gần bức tường, nơi có một cây chanh um tùm lá, cành sa xuống mặt đất. Julia trèo lên cây dễ dàng, từ nhỏ cô bé đã trèo cây suốt. Hoàn toàn ẩn mình sau những cành sum suê lá, cô bé ngồi nhìn đồng hồ liên hồi. Cô dám chắc sẽ chẳng ai nhớ đến mình trong một thời gian nhất định. Mọi việc rối loạn, hai giáo viên biến mất, và phân nửa học sinh đã về nhà. Nghĩa là mọi lớp học sẽ được sắp xếp lại, nên không ai có thể nhận thấy sự vắng mặt của Julia Upjohn cho đến giờ ăn trưa và tới lúc ấy…
Julia lại xem đồng hồ, bò dễ dàng xuống ngang tầm bức tường, choài chân lên tường rồi thả người gọn ghẽ sang bên kia tường. Cách đấy khoảng một trăm thước là trạm xe buýt, và chừng vài phút nữa sẽ có một chuyến xe. Xe đến đúng giờ, Julia vẫy tay và lên xe, lúc này cô bé lôi chiếc mũ phớt giấu trong áo dài và đội lên mái tóc hơi rối. Cô bé xuống xe ở bến và bắt tàu đi London.
Trong phòng mình, trên giá rửa mặt, cô bé đã để bức thư gửi bà Bulstrode.
Thưa cô Bulstrode,
Em không bỏ trốn hay bị bắt cóc gì cả, nên mong cô đừng lo lắng. Em sẽ trở về ngay khi có thể.
Học sinh của cô,
Julia UpJohn.
Số 228, Whitehouse Mansions, George, người đầy tớ riêng chỉn chu của Hercule Poirot, mở cửa và ngạc nhiên nhìn cô học trò có khuôn mặt hơi lem luốc.
“Cháu có thể gặp Ngài Hercule Poirot được không?”
George mất thời gian lâu hơn bình thường một chút mới trả lời. Ông quả là bất ngờ trước người khách đến thăm.
“Ngài Poirot không gặp ai mà không có hẹn trước cả,” ông nói.
“Cháu e là cháu không có thì giờ để đợi hẹn đâu ạ. Cháu thực sự phải gặp ông ấy ngay. Việc rất khẩn cấp. Về mấy vụ giết người và một vụ trộm và những chuyện như thế.”
“Ta sẽ đi hỏi thử xem,” George nói, “liệu ngài Poirot có gặp cháu không.”
Ông để cô bé trong hành lang, rồi rút lui để đi hỏi ý kiến ông chủ.
“Thưa ngài, một cô gái có việc khẩn muốn gặp ngài.”
“Ta dám chắc là vậy,” Hercule Poirot nói. “Nhưng đâu có dễ muốn là thu xếp gặp được ngay.”
“Tôi cũng bảo cô gái như vậy, thưa ngài.”
“Cô gái như thế nào?”
“Ô, thưa ngài, giống một cô bé hơn.”
“Một cô bé ư? Một cô gái ư? Ý ông là sao, Georges? Cô bé với cô gái khác nhau đấy.”
“Tôi e là ngài chưa hiểu ý tôi. Tôi những muốn nói đấy là một cô bé - tuổi còn đi học, ý tôi là vậy. Nhưng qua chiếc váy áo bẩn thỉu và có hơi rách nữa, thì cô bé về cơ bản là một thiếu nữ.”
“Theo quan niệm xã hội. Ta hiểu rồi.”
“Và cô bé muốn gặp ngài. Liên quan đến mấy vụ giết người và một vụ trộm.”
Lông mày Poirot nhướng lên.
“Mấy vụ giết người, và một vụ trộm. Thật khác thường. Cho cô bé - cô gái gì đó - vào đi.”
Julia vào phòng, không còn rụt rè. Cố bé nói lịch sự và khá tự nhiên.
“Chào ngài Poirot. Cháu là Julia Upjohn. Cháu nghĩ ngài biết một người bạn lớn của mẹ cháu. Bà Summerhayes. Chúng cháu đã ở nhà bà ấy mùa hè qua, và bà ấy kể rất nhiều về ngài.”
“Bà Summerhayes…” tâm trí Poirot hồi tưởng lại ngôi làng trên đồi, và ngôi nhà ở đỉnh ngọn đồi ấy. Ông nhớ lại khuôn mặt rám nắng quyến rũ, một chiếc trường kỉ với lò xo đã hỏng, một đàn chó đồng đúc, và nhiều thứ khác dễ chịu và không dễ chịu.
“Maureen Summerhayes,” ông nói. “À đúng.”
“Cháu gọi bà ấy là Dì Maureen, nhưng thực ra đó không phải dì ruột của cháu. Dì ấy kể ông là người rất tuyệt vời, ông đã cứu một người bị kết án tù vì tội giết người, và khi cháu không thể nghĩ ra được phải làm gì hay tìm đến ai, thì cháu nghĩ đến ông.”
“Ta lấy làm vinh dự đấy,” Poirot nói trang trọng.
Ông lấy ghế cho cô bé.
“Giờ cháu kể đi,” ông nói. “Georges, người hầu của ta, bảo rằng cháu muốn hỏi ý kiến ta về một vụ trộm và mấy vụ giết người - vậy là có hơn một vụ giết người à?”
“Vâng ạ,” Julia nói. “Cô Springer và cô Vansittart. Và dĩ nhiên cả vụ bắt cóc nữa - nhưng cháu nghĩ đấy thực sự không phải việc của cháu.”
“Cháu làm ta hoang mang đấy,” Poirot nói. “Tất cả những chuyện kịch tính này xảy ra ở đâu?”
“Ở trường cháu - Meadowbank.”
“Meadowbank,” Poirot thốt lên. “À.” Ông với tay sang bên cạnh, nơi tờ báo được xếp gọn gàng, ông giở một tờ, và liếc nhìn trang bìa, rồi gật đầu.
“Ta bắt đầu hiểu rồi,” ông nói. “Julia này, giờ cháu kể cho ta mọi chuyện từ đầu nhé.”
Julia kể cho ông nghe. Câu chuyện khá dài và phức tạp - nhưng có bé kể rành mạch - thỉnh thoảng mới tạm ngưng để cô bé giải thích lại chi tiết nào đó để bỏ sót.
Cô bé kể đến đoạn tối hôm qua ở trong phòng mình kiểm tra chiếc vợt.
“Ông thấy đấy, cháu đã nghĩ đây giống như câu chuyện Aladin - đổi đèn mới lấy đèn cũ - và chiếc vợt kia hẳn có gì đó.”
“Thế có gì thật sao?”
“Có ạ.”
Không một chút e ngại giả tạo, Julia vén váy lên, lận quần lót chẽn lên tận đùi, và để lộ ra một thứ trông như túi thuốc đắp màu nâu được dán băng dính ở đùi.
Cô bé tháo lớp băng dán, kêu lên một tiếng “ối” vì đau, lấy chiếc túi ra mà lúc này Poirot hiểu đó là một gói được bọc trong túi vệ sinh cá nhân bằng nhựa mềm màu xám. Julia tháo bọc ra, rồi không hề cảnh báo trước, cô bé đổ những viên đá lóng lánh thành một đống trên bàn.
“Trời ơi trời ơi trời ơi!” Poirot phun ra, giọng thì thầm vì sợ hãi.
Ông nhặt lên, để chúng rơi qua kẽ tay.
“Ôi trời ơi. Nhưng chúng là thật! Xịn đấy.”
Julia gật đầu.
“Cháu nghĩ phải là vậy. Bằng không người ta đã chẳng giết nhau, phải không ạ? Cháu có thể hiểu người ta giết nhau vì thứ này!”
Và đột nhiên, như đã xảy ra tối hôm qua, trong ánh mắt cô bé toát lên cái nhìn của một người đàn bà.
Poirot chăm chú nhìn cô bé và gật đầu.
“Đúng - cháu hiểu - cháu cảm thấy sức mê hoặc. Với cháu, chúng không chỉ là những đồ chơi sặc sỡ đẹp đẽ -hẳn cháu tiếc lắm.”
“Chúng là châu báu!” Julia nói, giọng mê mẩn.
“Và cháu tìm thấy chúng, cháu bảo thế, trong chiếc vợt?”
Julia kể nốt câu chuyện.
“Và cháu vừa kể cho ta mọi chuyện?”
“Cháu nghĩ vậy. Có lẽ, cháu đã cường điệu đôi chút chỗ này chỗ nọ. Đôi khi cháu cũng cường điệu. Jennifer, người bạn tuyệt vời của cháu, bạn ấy thì hoàn toàn ngược lại. Bạn ấy có thể khiến những điều thú vị nhất trở nên nhàm chán.” Cô bé lại nhìn vào đống lấp lánh ấy. “Thưa ông Poirot, chúng là của ai ạ?”
“Có lẽ khó trả lời lắm. Nhưng chúng không thuộc về ta hay cháu. Chúng ta phải quyết định phải làm gì tiếp theo.” Julia nhìn ông, vẻ mong đợi.
“Cháu phó mặc vào tay ta ư? Tốt.”
Hercule Poirot nhắm mắt.
Bỗng nhiên ông mở mắt ra và trở nên hoạt bát.
“Hình như đây là dịp ta không thể làm điều ưa thích là ngồi yên trên ghế. Phải có trình tự và phương pháp, nhưng theo như lời cháu kể, thì không có trình tự và phương pháp nào cả. Đấy là bởi chúng ta có quá nhiều dữ kiện. Nhưng tất cả chúng đều quy về và gặp nhau tại một điểm, Meadowbank. Những người khác nhau, với mục tiêu khác nhau, và đại diện cho các lợi ích khác nhau - tất cả đều quy về Meadowbank. Nên, cả ta cũng đến Meadowbank. Và còn cháu - mẹ cháu ở đâu?”
“Mẹ cháu đi Anatolia, đi xe buýt.”
“À, mẹ cháu bắt xe đi Anatolia. Đến chịu bà ấy! Đúng là bạn của bà Summerhayes! Này cháu, cháu có thích chuyến thăm nhà bà Summerhayes không?”
“Ồ có ạ, rất vui ạ. Dì ấy có những chú chó rất đáng yêu.”
“Những chú chó, đúng rồi, ta nhớ rõ lắm.”
“Chúng vào nhà và đi ra qua đường cửa sổ - như trong một vở kịch câm.”
“Cháu nói rất đúng! Còn đồ ăn? Cháu có thích đồ ăn không?”
“Ô, đôi khi hơi khác thường,” Juiia thừa nhận.
“Khác thường, đúng, quả có vậy.”
“Nhưng dì Maureen làm món ốp lết ngon tuyệt.”
“Bà ấy làm món ốp lết ngon tuyệt,” giọng Poirot vui vẻ. Ông thở dài.
“Vậy thì Hercule Poirot này không sống trong vô vọng rồi,” ông nói. “Chính ta là người bày cho dì Maureen của cháu làm món ốp lết.” Ông nhấc điện thoại lên.
“Giờ chúng ta sẽ trấn an bà giáo tốt bụng về sự an toàn của cháu, và thông báo ta sẽ cùng cháu đến trường Meadowbank.”
“Cô ấy biết cháu không sao. Cháu đã để một bức thư bảo cháu không bị bắt cóc.”
“Tuy vậy, bà ấy sẽ rất mừng nếu nhận thêm một lời trấn an.”
Chẳng mấy chốc, ông đã nối được máy, và được thông báo bà Bulstrode đang nghe.
“A, bà Bulstrode phải không? Tôi là Hercule Poirot. Tôi đang ở cạnh học sinh Julia Upjohn của bà. Tôi định sẽ đánh xe cùng cháu đến đó ngay, thông tin dành cho viên cảnh sát được giao điều tra là: món đồ có giá trị đã được gửi vào ngân hàng.”
Ông gác máy và nhìn Julia.
“Cháu thích uống si-rô không?” ông gợi ý.
“Si-rô vàng phải không ạ?” Julia nhìn nghi hoặc.
“Không, một loại si-rô nước quả. Dâu đen, quả mâm xôi, hay groseille - nghĩa là quả lý đỏ?”
Julia chọn si-rô lý đỏ.
“Nhưng món châu báu có ở ngân hàng đâu,” cô bé lý lẽ.
“Chúng sẽ vào đó sớm thôi,” Poirot nói. “Nhưng để cho kẻ nào hóng chuyện ở Meadowbank, nghĩ rằng chúng đã ở trong đó, và cháu không còn giữ nữa. Để lấy được châu báu trong ngân hàng, đòi hỏi thời gian và tổ chức. Và ta không hề muốn có chuyện gì xảy ra với cháu, cháu bé ạ. Ta đánh giá cao sự can đảm và lòng quyết tâm của cháu.”
Julia tỏ vẻ vui sướng và có hơi xấu hổ.
Con Mèo Giữa Đám Bồ Câu Con Mèo Giữa Đám Bồ Câu - Agatha Christie Con Mèo Giữa Đám Bồ Câu