Xin Cha-À-O! epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Tờ Báo Đã Bị Đóng Cửa Như Thế Nào?
rong nước chúng ta... (không, mở đầu thế này không được).
Ở nước ta (không, tốt hơn hết là không viết về chúng ta. Đề tài khác không có hay sao? Chỉ viết về những gì có thể viết...)
Ở Thổ Nhĩ Kỳ... (không thể bắt đầu bốp chát thế được, phải mềm mại hơn).
Tôi muốn kể cho các bạn nghe về một trường hợp xảy ra trong thời gian tôi làm báo, nhưng chưa biết mở đầu thế nào cho đạt.
Vào một hôm... (được, có lẽ mở đầu như thế là đạt. Mi còn phải học chán, nếu muốn đời làm báo kéo dài).
Một hôm tờ báo, nơi tôi vẫn công tác bị đóng cửa: (Cụm từ: "bị đóng cửa" viết thế là được, bởi không chỉ đích danh ai "đóng cửa" nên vụ việc chỉ dừng lại ở việc thông báo chung chung, không đòi hỏi gay gắt, phải mở rộng vụ việc, rồi sẽ bị quên lãng theo thời gian).
Giờ tôi xin tiếp tục kể.
Tờ báo bị đóng cửa bởi phạm phải một sai sót có tính chất điển hình, đáng để đưa vào lịch sử báo chí nước nhà.
Nhân nói tới "tai nạn nghề nghiệp báo chí" tôi muốn nhắc lại hai vụ nhầm lẫn tai hại, mà có lẽ các bạn cũng biết rồi, bởi chúng quá nổi tiếng và đã vĩnh viễn đi vào lịch sử báo chí nước ta.
Vụ thứ nhất như sau:
Trên trang đầu ở báo có hai tấm ảnh, mỗi tấm chiếm hai cột báo. Tấm ảnh thứ nhất chụp những con bò sữa có quấn những dải băng trên sừng đoạt giải thưởng trong một cuộc hội chợ - triển lãm; tấm ảnh thứ hai chụp đoàn đại biểu nhà nước trước khi lên máy bay đi tham quan châu Âu... Những dòng chữ ghi chú dưới hai tấm ảnh bị nhầm lẫn. Dưới tấm ảnh đoàn đại biểu ghi thế này: "Tên ảnh: Những con bò sữa béo mập này là giống bò nội địa. Những chủ nhân của nó thật xứng đáng được nhận giải thưởng cao nhất của hội chợ".
Dòng chữ ghi chú dưới bức ảnh bò ghi thế này:
"Trước mặt bạn là đoàn đại biểu chính phủ nước ta trước khi lên đường sang châu Âu tham quan". Cái cảnh "râu ông nọ cắm cằm bà kia" trong báo chí nước ta thì có đầy rẫy, thế nhưng nhầm đàn bò với đoàn đại biểu chính phủ, quả tình là hy hữu. Tuy nhiên, sai lầm đầu tiên mà tôi mắc phải và muốn kể lại cho các bạn nghe không liên quan gì đến gia súc cả, hơn nữa cũng không nghiêm trọng đến thế. Giống như bất kỳ anh lính mới tò te nào, tôi hăng hái nhận bất cứ việc gì được giao và bắt tay ngay vào công việc đó. Một lần, ông tổng biên tập tờ báo, nay ông đã là nghị sĩ quốc hội, cho gọi tôi lên gặp ông.
- Tối hôm nay tôi được mời đến dự một buổi hoà nhạc nhưng không thể đi được. Cần phải có một bài báo phê bình. Cậu đang muốn thử sức, tối nay đến đó lấy tư liệu để viết bài, được không?
Ông tổng biên tập hỏi tôi thế có khác gì nhà điền chủ cho gọi người cố nông làm thuê đến hỏi: "Anh có trông được đứa bé nhà tôi không? "Anh cố nông liền đáp: "Việc chỉ có thế thôi ạ? Thưa ông, nếu ông có, thì quỷ dữ tôi cũng trông được". Đấy hoàn cảnh tôi lúc mới vào nghề cũng tương tự thế đó... Tôi chưa biết mình sẽ viết thế nào cho ra bài phê bình về buổi hoà nhạc, bởi một nốt nhạc cắn đôi tôi không biết, thậm chí tôi vẫn nhầm lẫn chiếc vi ô lông với chiếc vi ô lông xen. Tôi nhận lời đi nhưng rồi công việc ở toà soạn quá bận nên lại không đến dự buổi hoà nhạc được. Thời đó, cả toà soạn chỉ có độ mươi, mười lăm nhà báo là cùng. Nay thì riêng ban thể thao nào cũng có ngần ấy người. Mọi người đi vắng hết, tôi đành ở lại trực toà soạn.
Ông tổng biên tập đưa cho tôi tờ chương trình đêm biểu diễn và nói:
- Cậu hãy xem cái chương trình này rồi liệu tuỳ hứng mà viết.
Qua giọng nói của sếp, tôi hiểu cần phải khen buổi hoà nhạc. Tôi đọc đi đọc lại chương trình mấy lượt, chả hiểu mô tê ra sao cả. Giả thử viết bằng tiếng Trung Quốc tôi còn mò mẫm được chút ít, đằng này toàn những từ lạ hoắc: Alrgro... Opus... Minore... Solo... Traikôpski... và những gì gì nữa...
Lẩm bẩm cầu khấn thánh Ala vài câu xong, tôi bắt tay vào viết:
- "Buổi hoà nhạc đã thành công sáng chói mà phạm vi một bài báo không thể nào diễn đạt hết được. Thính giả đã được thưởng thức một đêm âm nhạc thánh thiện chưa từng có! Nữ nghệ sĩ piano đã thể hiện một phong cách biểu diễn tuyệt vời. Tiếng đàn của chị vang lên như những dòng suối âm thanh lộng lẫy tràn vào nhà hát. Người nghe chỉ còn biết trầm trồ thán phục. Ôi, cho đến tận giờ tôi mới hiểu hết ý nghĩa sâu sắc của câu nói: Âm nhạc là món ăn tinh thần không thể thiếu được".
Bản Opus số hai trong đêm diễn đã để lại trong tôi một ấn tượng khó phai mờ. Trong số tất cả những bản Opus mà trước đó tôi đã từng được nghe, chưa có bản nào lại hay đến thế. Còn bản Minore thì sao? Chỉ còn biết nói hai chữ diệu kỳ! Chỉ có điều là, tiếng dương cầm trước đó vang lên tuyệt vời là thế mà trong phần biểu diễn bản Minore cung độ lại làm người nghe hơi thất vọng..."
Vào thời đó các tin tức, sự kiện quốc tế không được báo chí chú ý tới nhiều, bởi chưa có nguồn thông tin dồi dào do Mỹ cung cấp như sau này, khi hai nước thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Còn phần tin trong nước thì các thông tin về hoạt động âm nhạc được để ý tới nhiều nhất. Bài báo của tôi chiếm một vị trí trang trọng trên tờ báo. Tôi cứ đinh ninh rằng nó sẽ là thành công rực rõ đầu tiên của tôi trên lĩnh vực báo chí. Ngày hôm sau, khi báo phát hành, đúng là lần này tờ báo của chúng tôi đã vượt hơn hẳn tất cả các tờ báo khác. Trong khi bài viết về buổi hoà nhạc của tôi tràng giang đại hải ca ngợi đêm diễn thì các báo khác chỉ đăng một dòng ngắn thông báo trên trang nhất rằng, buổi hoà nhạc đã bị hoãn. Thế là tôi trở thành nhà phê bình âm nhạc đầu tiên trên thế giới viết bài giới thiệu về một buổi hoà nhạc chưa biểu diễn.
Sau khi có được "kỳ tích" lần thứ hai thì tôi bị mất việc.
Theo như thông báo chính thức, sẽ có một nhà hoạt động nước ngoài bay đến Stambun. Thư ký toà soạn giao cho tôi nhiệm vụ phỏng vấn vị khách này ở ngay tại sân bay.
- Này, - ông thư ký dặn với theo,- đừng gán thêm những lời mà khách không bao giờ nghĩ tới như lần phỏng vấn đoàn đại biểu trước nhé. Nhớ đừng làm xấu mặt cả toà soạn đấy!
Sự việc xảy ra lần ấy hoàn toàn không phải do lỗi của anh. Số là cả năm thành viên trong đoàn đại biểu nước ngoài nọ rời nước ta về nước không có người nào biết tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, vậy nên tôi buộc phải "thay mặt" họ trả lời câu hỏi của chính tôi đưa ra. (Hồi đó rất hiếm có nhà báo nào biết tiếng Pháp hoặc tiếng Anh).
Trong bài báo, tôi làm ra vẻ hỏi các thành viên đoàn đại biểu: "Các ngài có ấn tượng gì sau thời gian ở thăm đất nước chúng tôi?"
Các vị khách làm ra bộ như trả lời thật: "Đất nước các bạn đã giành được vị trí xứng đáng trong đại gia đình các dân tộc châu Âu, sau khi đã có những bước tiến khổng lồ về phía trước. Trong thời gian từ lần đến thăm trước của chúng tôi cho tới lần thăm này, đất nước các bạn đã có những thay đổi lớn lao".
Chính cái câu cuối này đã hại tôi. Hoá ra các thành viên của đoàn đại biểu này lần đầu tiên sang thăm Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau đó trong bài phỏng vấn "bịa", tôi hỏi họ: "Điều gì làm các ngài hài lòng hơn cả trong thời gian lưu lại ở đất nước chúng tôi?" Họ trả lời: "Xalát dưa chuột với sữa chua đặc, trứng với thịt hun khói, và tất nhiên cả dưa chuột muối nữa". Phụ nữ Thổ cư xử và ăn mặc hoàn toàn hiện đại".
Tôi cũng cần phải nói thêm rằng, không phải tôi bịa toàn bộ bài phỏng vấn này. Trước khi viết, tôi đã lục hàng tập báo cũ tìm các bài phỏng vấn các đoàn đại biểu nước ngoài để xem người hỏi thường hỏi những gì, và người trả lời sẽ đáp thế nào? Theo đó tôi nhào nặn ra bài phỏng vấn "như thật" của mình. Đó là chuyện lần trước.
- Cậu phải đi ngay cho kịp, - Ông thư ký toà soạn giục tôi đi phỏng vấn lần thứ hai.
- Thế còn tiền đi đường.
- Ngày mai đến kế toán mà lĩnh.
Tôi đến một nhà hàng gần đó gọi món thịt băm viên ăn cho chắc dạ đã, sau đó sang quán giải khát vừa uống bia vừa viết bài phỏng vấn tuyệt vời của mình. Trở về toà soạn ai đọc cũng rất thích.
Sang ngày hôm nay các báo khác đưa tin, do máy bay trục trặc mà đoàn đại biểu không đến Stambun. Mặc dù vậy cái hay của bài phỏng vấn không hề bị đuổi khỏi tờ báo.
Biết câu chuyện này, chủ bút một tờ báo buổi chiều nói: "Tay nhà báo này có tài thực sự đấy. Mấy ai đã viết được bài phỏng vấn "ảo" hay đến thế. Hãy mời hắn về làm cho báo ta". (Cũng chả có gì phải giấu giếm, ngày nay thi thoảng vẫn có những nhà báo trẻ trổ tài "hư cấu" các cuộc phỏng vấn "ma" như vậy. Tôi thấy rất tự hào bởi mình là người đi tiên phong trong lĩnh vực này).
Tôi chuyển sang làm việc ở tờ báo buổi chiều. Biên chế của tờ báo này chỉ có bốn phóng viên nhưng lại được trang bị những sáu cái kéo. Khi tôi về toà soạn thì bốn chiếc kéo cũ do sử dụng từ lâu nên đã mòn vẹt, cùn trơ, liền được thay bằng những chiếc mới. Vào thời kỳ đó ở thành phố còn có một tờ báo buổi chiều nữa cạnh tranh với báo chúng tôi. Một hôm ông chủ báo tập hợp chúng tôi lại tuyên bố:
- Tờ báo của chúng ta đang gặp khó khăn. (Khi nào số lượng phát hành giảm thì ông gọi "tờ báo chúng ta" khi số lượng tăng thì ông đổi giọng thành "tờ báo của tôi") chúng ta hãy cùng nhau tìm ra một biện pháp nào đó.
Tôi như được thánh Ala khuyến khích, đưa ra ngay một loạt các ý tưởng.
- Tờ báo buổi chiều kia ra vào một giờ chiều, báo ta nếu vào bốn giờ chiều sẽ bán được nhiều hơn.
Mặc cho một số đồng nghiệp vì không hiểu ý đồ của tôi, phản đối đề nghị này, cho rằng báo ra sớm hơn thì có tin sốt dẻo hơn, ông chủ báo ủng hộ tôi ngay từ đầu:
- Chúng ta hãy thử làm theo cách này xem sao. Tất cả những tin tức đăng trên tờ báo ra vào lúc một giờ chiều được chúng tôi cắt ra, xào xáo lại gắn vào tờ báo của mình. Thế là nhờ có hai chiếc kéo cũ và bốn chiếc mới mà bốn người chúng tôi đảm đương công việc tương đương với biên chế mười lăm phóng viên ở tờ báo khác. Chỉ có điều, tiền chi cho khoản mài kéo hơi bị nhiều!
Một hôm, trên tờ báo cạnh tranh kia xuất hiện mẩu tin sau: "Công dân Actin thấy lá cờ treo trên tường mặt tiền nhà mình bị quấn quanh cán cờ liền "leo lên bậu cửa sổ, với tay gỡ lá cờ ra. Chẳng may anh bị mất thăng bằng, chới với ngã, chiếc dây đeo quần bị móc vào chiếc đầu nhọn bằng kim loại ốp ở đầu cán cờ, chiếc cán cờ gẫy, nạn nhân ngã từ tầng năm xuống, vỡ đầu chết tươi. Lá cờ rơi xuống phủ lên, che kín thi thể anh". Tiếp đó mẩu tin còn cho biết rõ địa chỉ ngôi nhà nơi xảy ra tai nạn.
Tôi lập tức cầm kéo cắt lấy mảnh tin này, thêm thêm, bớt bớt thành bài của mình với cái tít thật kêu, đập vào mắt người đọc: "Cái chết của một tông đồ dũng cảm".
Cái sự hăng hái này của tôi đã bị trả giá đích đáng. Bị trả giá đích đáng. Tôi bị đuổi việc, bởi ngày hôm sau trên tờ báo nọ có bài nhận xét.
"Một tay nhà báo vô danh tiểu tốt, mà nói chính xác hơn, đó là một tên đạo trích, chuyên cắt tất cả các tin tức của chúng tôi để đăng trên tờ báo của mình. Chúng tôi đã cho tên đạo văn đó một bài học đích đáng. Trên số báo hôm qua, chúng tôi có cho đăng mẩu tin về cái chết của một công dân tên là Actin. Tờ lá cải kia tưởng thật, đã cắt dán cho đăng lại. Trong khi trên cả thế giới này không có ai như thế cả, và tất nhiên không có câu chuyện ấy... vân vân và vân vân..."
Vụ rắc rối này càng làm cho tên tuổi tôi thêm nổi danh trong làng báo chí. Chẳng bao lâu sau, tôi được mời vào làm ở một tờ báo lớn. Ở đây tôi lại "mai phục" chờ cơ hội để nổi danh. Cuối cùng cơ hội ấy cũng đến. Chủ báo cho gọi tôi đến và nói:
- Vị Bộ trưởng nội vụ đang trên đường đến Stambun bằng tàu hoả. Các báo khác còn chưa biết tin này. Anh hãy đến ngay ga Khaiđacpasa gặp ngài Bộ trưởng và xin phỏng vấn.
Hoá ra không phải thế, đã có hàng đoàn nhà báo đang đứng chờ ở ga. Đoàn tàu sẽ đến chậm một tiếng rưỡi. Thấy vậy tôi liền nhảy tắc xi đi ra ga ngoại ô để đón đầu đoàn tàu. Khi đoàn tàu đến ga này, một điều bất ngờ đã xảy ra. Vị Bộ trưởng xuống tàu hoả và lên chiếc xe buýt mà các quan chức địa phương đã bố trí sẵn ra đón ông. Tôi liền rẽ đám đông đến gần ông và cung kính chuyển lời thăm hỏi chân thành nhất của ngài chủ báo. Đáp lại chúc phúc xun xoe ấy của tôi, vị Bộ trưởng mời tôi lên xe đi cùng ông về Stambun. Tôi liền leo lên ngồi cạnh người lái xe và xin phép Bộ trưởng phát biểu vài lời dành riêng cho tờ báo của chúng tôi. Thế là lần ấy nhờ may mắn tôi đã có bài viết hơn hẳn các phóng viên khác chờ hụt ở ga Khađacpasa.
Bộ trưởng nội vụ nói lại tất cả những điều mà các vị Bộ trưởng tiền nhiệm đã nói từ lâu. Đó là những vấn đề muôn thuở: Dân số tăng lên mà biên chế cảnh sát không tăng. Công việc đào tạo lực lượng sĩ quan cảnh sát cần phải được chú ý hơn... Tại các đồn cảnh sát chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có một ai bị đánh đập, tra tấn. Tất cả mọi công dân trong nước có nghĩa vụ giúp đỡ cảnh sát hoàn thành nhiệm vụ. Không để xảy ra bất cứ vụ lộn xộn nào trên mọi miền đất nước... Lực lượng cảnh sát xứng đáng được hưởng thang lương cao hơn. Đã đến lúc cần phải thay đổi kiểu trang phục mới, hiện đại hơn... Ngoài ra Bộ trưởng còn nói thêm rằng, có một số nhân viên cảnh sát để râu ria xồm xoàm, vi phạm điều lệnh cảnh sát.
Ngày hôm sau những lời phát biểu này sẽ chỉ có trên báo chúng tôi. Ai nấy đều phổng mũi vì có bước nhảy vọt ngoạn mục trước các đối thủ cạnh tranh. Nhưng rồi cũng chính hôm đó, tờ báo của chúng tôi lập tức bị đóng cửa. Cho đến nay vẫn hy vọng rằng lời công bố của tôi về vấn đề này sẽ vào lịch sử báo chí nước nhà. Trong số báo ra ngày hôm sau, ngoài lời tuyên bố dành riêng cho bản báo của ngài Bộ trưởng, còn đăng tin về một vụ phạm tội và kỳ tiếp theo của một cuốn tiểu thuyết tầm thường đăng nhiều kỳ để câu thêm độc giả. Ba bài báo này: lời tuyên bố của Bộ trưởng bộ nội vụ, cùng với bài tường tuyệt về vụ phạm tội và đoạn trích từ cuốn tiểu thuyết đã in lẫn lộn vào nhau một cách khó hiểu. Tuy vậy khi đọc xong ta vẫn nhận ra có ẩn ý xấu trong đó. Tờ báo có lời phát biểu của ông Bộ trưởng tôi vẫn giữ lại làm tư liệu cho đến tận ngày nay. Tôi xin được trích dẫn một đoạn dưới đây.
"Tuyên bố của ngài Bộ trưởng nội vụ dành riêng cho tờ báo của chúng tôi".
Hôm qua ngài Bộ trưởng vô cùng đáng kính của chúng ta trên đường đi thanh tra Stambun trên chuyến xe lửa tốc hành, một trong những tên tội phạm nguy hiểm có nhiều tiền án, tiền sự tên là Zưrưl Sakir đã xuống tàu ở ga ngoại ô Peđk, sau khi gây ra vụ trọng án hôm trước, đã tuyên bố riêng với bản báo chúng tôi rằng mụ người tình to như cái bồ sứt cạp của hắn có nhân tình mới. Hắn đã cho theo dõi mụ từ sáu tháng nay rồi, mặc dù tình hình trong cả nước ta trật tự an ninh hoàn toàn đảm bảo, không có bất cứ một vụ lộn xộn nào. Ngài Bộ trưởng đáng kính nay cực chẳng đã sau khi trở về nhà bắt gặp chúng nó làm tình với nhau, hắn đã giết mụ kia nói tiếp rằng hiện nay quân số cảnh sát thiếu hụt kinh khủng...
Cả ba bài báo được in theo kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia" như thế cho đến hết. Đoạn cuối kết thúc như thế này:
"... Sau khi phạm tội, kẻ giết người định chạy trốn, nhưng ngài Bộ trưởng đáng kính liền vớ lấy con dao nhọn để trên bàn, giơ lên... rồi sự việc diễn ra tiếp theo như thế nào ông không còn nhớ nữa".
Vụ việc này chỉ có một vài người biết từ đầu. Ông chủ bút cũng không đọc số báo này sau khi phát hành nên cũng không biết. Vì vậy ai cũng cho rằng tờ báo bị đóng cửa là do có những bài chỉ trích chính phủ quá mạnh mẽ.
Xin Cha-À-O! Xin Cha-À-O! - Azit Nêxin Xin Cha-À-O!