Xibiri epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 3
gay hôm đó bác Suxtốp hết sức bí mật nói cho hai người đánh cá khác về «cái hố», Buộc phải hành động thận trọng. Là một người lưu đày chính trị phạm, bác bị cấm ngặt không được tham gia vào công việc xã hội. Việc đó có thể kết thúc bằng việc phải lưu đày tới địa phương xa xôi hơn nữa, chẳng hạn như lên tận thượng nguồn Keti hay Parabôn, nơi có lẽ thật khó mà sống nổi. Mối nguy hiểm đe đọa cả từ mặt khác nữa - đó là bọn hoạn. Nếu chúng biết ai đã lộ «cái hố» ra, - thì cả Pôlia, cả bác ta đều không sống nổi. Người ta vẫn nói về bọn hoạn là chúng ranh mãnh, kín mồm kín miệng và trong các biện pháp báo thù của mình thì chúng không dừng bước trước gì hết.
Những người mugích mà bác Suxtốp hé cho biết chuyện bí mật, trở nên lo lắng. Quả thực, rung chuông cấp báo trước lúc cần thiết thì chuyện sẽ rối tung rối mù lên đến mức trong trường hợp nhầm lẫn người ta sẽ cho là lừa dối và bẻ gẫy vụn hết xương cốt những người khởi xướng. Kéo dài quá cũng không được. Bởi vì nếu lão Êpiphan và bọn hoạn ngày mai ngày kia xua dân đánh cá ở các trại du cư Ôxchiác đến «cái hố» thì có thể xảy ra chuyện xô xát giết lẫn nhau. Thấy người lạ ở «cái hố», dân đánh cá trong làng, những người có quyền là chủ của «cái hố», sẽ tức giận và nổi hung. Ai có thể kìm giữ nổi họ?
Bác Suxtốp đã đề nghị lôi kéo thôn trưởng vào việc này. Dù sao đi nữa ông ta cũng là chính quyền, do dân bầu ra, và ông ta chịu trách nhiệm trước xã hội về nhiều điều, trong đó có cả việc làm sao tài sản chung của thôn làng không bị các tư nhân tùy tiện chiếm đoạt.
Sự tính toán của bác Suxtốp hóa ra đúng. Thôn trưởng cùng với hai nhân chứng khác đã bắt giữ Ermôlai Lôpátkin và giam gã vào nhà giam - cái nhà kho lạnh lẽo. Sau một thời gian ngắn ngồi tù, sợ hãi đến tột độ, Ermôlai đã kể hết mọi bí mật về «cái hố» cho thôn trưởng.
- Tôi sẽ chỉ hết, chỉ hết, chỉ có điều ông đừng đưa tôi ra cuộc họp dân làng, - dàn dụa nước mắt như thể mụ đàn bà, gã Lôpátkin cam đoan.
«Cái hố» mà Ermôlai gặp phải, ở cách làng ba bốn vécxta, ở chỗ nước sâu lọt giữa bờ cao mọc đầy cây hỗn tạp. Đường sá ở gần đấy không có gì sất.
Lão Êpiphan tính toán không phải không có cơ sở rằng, cho đến lúc bị phát hiện ra, cái hố đã bị phá mặt băng, cá bị cóng lạnh và xếp đống rồi. Sau đó chỉ có một việc đơn giản: đánh các xe tải về Tômxcơ, thu lợi nhuận, nhét đầy túi tiền... Cá «hố» hóa ra rẻ hơn cá thu mua bình thường tới ba bốn lần. Đó là đã tính đến điều kiện là Ermôlai và bọn hoạn sẽ nhận được đầy đủ phần tiền thưởng đã thỏa thuận. Điều đó thì không thể quay quắt được. Còn riêng dân Ôxchiác thì đối với họ sẽ thanh toán một cách đặc biệt: phần bằng rượu vốtca, một ít hàng hóa lặt vặt gì đó, thì phải tỉnh táo. Có thể tha hồ lừa gạt dân Ôxchiác. Có phải lần đầu nữa đâu! Phôma Lukích Vôlôkitin cứ là ghen tức đến phải gậm nát khuỷu tay. Lão Êpiphan Crivôrucốp nghĩ ngợi như vậy trong cái đêm mất ngủ ấy...
Nhưng trong lúc lão Êpiphan đắm chìm trong những suy tư êm ái của mình, những người mugích cũng không ngủ. Trong đêm họ phân «cái hố» thành từng khoảnh và chuẩn bị rút thăm. Việc canh gác «cái hố» không cần thiết. Đề phòng bọn hoạn và lão Êpiphan đột kích, một số người mugích ở lại tại chỗ chờ đến lúc «nạy băng». Thôn trưởng ấn định việc «nạy băng» vào sáng hôm sau...
o O o
Lão Êpiphan tiễn Pôlia lên đường vào lúc rạng sáng. Bên cổng trước khi chia tay, lão lại nhắc lại những điều căn dặn của mình:
- Trước hết, Pôlia ạ, trước hết là đừng có dềnh dàng. Phải dốc hết sức đi cho gấp gáp. Làm xong công việc, tiền lãi bỏ túi - bấy giờ thì tha hồ ngủ, chơi tùy thích. Rồi sau nữa, cốt sao bà Anphixa đừng có keo kiệt. Con vét tất cả tiền nong có trong nhà mang đến đây. Bởi vì ta phải thanh toán ngay tại chỗ. Không ai trao không cá cho ta. Cứ nói với bà Anphixa rằng là đích thân ta nghiêm khắc, hết sức nghiêm khắc ra lệnh gửi đến bằng hết, đến đồng côpếch cuối cùng.
- Con sẽ chuyển lời, - Pôlia hứa. - Mấy lại trong thư của bố cũng đã viết tất cả rồi.
- Nói tóm lại tất thảy bằng lời. Chứ không biết đâu đấy, bà ấy không đọc thủng được thư, - lão Êpiphan vẫn không yên tâm. - Thôi, cầu chúc con lên đường may mắn, Pôlia.
Cả anh em bọn nhà hoạn cũng cầu chúc cho Pôlia lên đường may mắn, bọn họ quấn quýt quanh lão Êpiphan và có phần băn khoăn về việc nàng dâu của lão đột ngột ra đi.
- Thế, ông Êpiphan, ông sẽ cắt đặt ai tiếp nhận? Nàng dâu của ông coi bộ thật tài nghệ về tính toán, - bọn người hoạn căn vặn.
- Tự tôi tiếp nhận. Tôi còn phải làm nữa ư? - lão Êpiphan trả lời.
Từ nửa buổi dân Ôxchiác ùn ùn kéo đến xóm trại. Họ từ khắp các góc rừng taiga đi bằng thanh trượt tuyết, đeo súng bên vai, kéo theo những xe trượt bên trên để những bó lưới bẫy đựng trong các túi bạt.
Đến chiều tối đã tụ tập hơn hai chục người. Đó là những tay tài nghệ xuất sắc nhất ở vùng sông Ôbi trong nghề bắt cá dưới băng. Họ biết cách bắt cá cả bằng lưới quăng, cả bằng lưới vét, cả bằng câu cắm, cả bằng nơm chụp, không ai bì nổi.
Lão Êpiphan biết rõ là mình quan hệ với ai, nên đối với mỗi người đều trân trọng. Người này được lão biếu gói thuốc lá, người kia được lão biếu bộ mồi giả, người thứ ba - cái áo vải hoa, người thứ tư - đôi giày. Người trại trưởng dân Ôxchiác, ông Iuphimca Ixteghetsép được lão Êpiphan tặng khẩu súng cỡ nhỏ.
Buổi tối trong bữa ăn lão Êpiphan đưa cho mỗi người Ôxchiác một cốc rượu vốtca ngâm thuốc lá. Dân Ôxchiác sẵn sàng nhận thêm mỗi người một suất rượu nữa, nhưng lão Êpiphan kiên quyết tuyên bố:
- Khi nào ta phá được mặt băng trên «cái hố», bắt được cá lên, khi ấy ta sẽ tổ chức một bữa tiệc đến mức đất phải nghiêng ngả. Còn hôm nay thế là đủ vậy! Nửa đêm tôi sẽ dựng dậy bắt tay vào việc! Các ông đã sắp đặt lưới câu đâu vào đấy chưa? Mũi câu đã mài sắc chưa?
- Đâu vào đấy cả rồi, ông Êpiphan quí mến, đâu vào đấy cả, - ông Iuphimca Ixteghetsép trả lời thay mọi người.
o O o
Bọn họ đã trở dậy vào lúc trời còn tối mù tối mịt. Anh em nhà hoạn đã sắp sẵn bữa ăn sáng thịnh soạn: thịt hươu tuần lộc, cá, việt quất ngâm, bánh mì nóng dòn. Lão Êpiphan lại mời mỗi người một cốc rượu vốtca. Đám người Ôxchiác nốc cạn, liếm môi, khà khà một cách ngon lành, nhìn ông chủ chờ đợi: liệu ông ta có rót thêm nữa không đây? Ngoài trời giá rét, gió thổi ù ù, công việc sắp tới nặng nhọc... Nhưng không, ông chủ trơ trơ nghiệt ngã. Lão quệt môi cho người ta, nhóm lửa trong dạ dày người ta, nhưng không muốn ném thêm củi vào nữa... Lão Êpiphan biết: nếu cho nhiều hơn mức độ một chút thôi, là có dùng giây cáp cũng chẳng lôi họ đi làm nổi. Mọi cái đi tong hết!
Lên đường mọi người ngồi trên bốn chiếc xe trượt tuyết riêng biệt. Con ngựa thứ năm đóng vào chiếc xe tải, trên xe này - lưới câu, xà beng, rìu, sào, giây thừng: tất cả mọi dụng cụ sắp tới sẽ nạy băng «cái hố».
Lão Êpiphan đi trên xe đầu. Lão thúc ngựa của mình, chốc chốc lại nhìn trời. Đêm sáng, trăng tròn treo lơ lửng ngay trên ngọn rừng, tỏa hơi lạnh. «Ta lên đường muộn quá. Dưới ánh trăng này đã hoàn toàn có thể phá mặt băng mở hố», - lão Êpiphan suy nghĩ. Trong lòng lão khấp khởi vui mừng. Chuyến này lão có thể vớ được một món không ít! Nhưng chốc chốc cũng lại phấp phỏng một nỗi lo âu: liệu mọi chuyện vừa qua có thật sự giữ được kín đáo không? Liệu gã Ermôlai Lopátkin có bép xép ở đâu đó hay không?.. Hình như không thể thế được. Vì gã Lôpátkin mãn nguyện, hết sức hài lòng về sự hào phóng của lão Êpiphan. Gã lúc nào cũng lù lù trước mắt, rồi những ngày cuối tự lão Êpiphan phái gã về làng: cứ qua lại trên đường làng cho mọi người thấy mình để không ai có thể mảy may ngờ vực là anh giấu giếm «cái hố». Bây giờ đây gã phải ra đón ở lối rẽ ra sông. Bởi vì cả đường đi cũng buộc phải tìm lối tránh né, để không gieo ngờ vực. Gã tự huênh hoang khoe rằng gã sẽ dẫn đi như trên gỗ ván. Được, được, để xem! Gã cố gắng chừng nào, thì rồi sẽ nhận được đáng công chừng ấy. Tạm thời mới chỉ cho hắn tiền tạm ứng... Chỉ cốt sao cái lão Phôma Vôlôkitin không bằng cách nào đó biết ra. Một khi con ác điểu ấy vọt đến, thì Êpiphan ơi, mi đừng mong chờ điều gì tốt lành... Nhưng mà không sao, Chúa nhân từ, chẳng dễ gì với tay được tới lão, tới lão Vôlôkitin ấy... Hai ngày đường tới đó và hai ngày trở lại... Thậm chí người sẵn lòng giúp đỡ nhất cũng không chịu phóng đi. Vậy mà «cái hố» phải tiến hành một hơi, để đến chiều đã có thể chở cá đi... Ngư dân trong làng chợt có thảng thốt sực tỉnh ngộ, thì những con cá chiên đã nằm ở nhà kho của anh em nhà hoạn, trong sọt trên các xe tải. Ai can đảm và dũng cảm, kẻ ấy sẽ giành phần thắng...
Ả Marpha Serxtôbitôva cũng len vào suy tư của lão với những hình ảnh thoáng qua, xúc động. Chà, đấy mới đáng gọi là đàn bà! Vỏ bạch dương trong lửa! Chứ đâu phải cái bà Anphixa chán ngắt. Nằm bên cạnh, chẳng ra đàn bà, cũng chẳng ra khúc gỗ. Và chỉ biết có một điều phì phì! Phì phì và phì phì như con rắn độc ấy. Dường như không phải lão, Êpiphan này, mà chính bà ta đã gây dựng nên cơ đồ: cả ngôi nhà hai tầng ấy, cả cái kho tàng chứa đầy của cải... Nếu công việc làm ăn mà phát đạt, thì phải chuyển Marpha về ở gần mình đôi chút... Các thương gia thật sự kia kìa chẳng lẽ bằng lòng với riêng một bà vợ? Vợ chẳng qua chỉ là cho phải đạo... Còn Marpha thì luôn luôn đi theo lão. Cái con chó cún! Chỉ huýt sáo một cái là ả chạy tới ngay... Mà ả thì cần gì kia chứ? Chồng chẳng có, con thì không, cơ nghiệp chỉ có con gà trống với mụn gà mái! Nói tóm lại, một mụ tứ cố vô thân... Nhưng dù sao đi nữa cũng là một gái dịu ngọt, cứ như nho khô trộn mật, dưa lê trộn đường...
Đây rồi, phúc tổ, cánh rừng thông đây rồi, nơi Ermôlai Lôpátkin phải đón bọn họ. Lão Êpiphan dừng ngựa lại, nhảy ra khỏi xe trượt, chăm chú nhìn vào rừng. Không có ai từ phía rừng đi ra đón họ. Lôpátkin đâu không biết? Đã thỏa thuận rằng gã sẽ có mặt ở đây ngay từ nửa đêm, thế mà bây giờ đã sắp sáng đến nơi rồi. Anh em nhà hoạn đi xe tới. Những người Ôxchiác rúc trong áo lông và cỏ khô, run rẩy, choáng váng vì rượu vốtca ngâm thuốc lá.
- Cái gã Lôpátkin ấy, hắn đâu không biết, đồ chó đẻ! Ngủ quên rồi! Được, ta sẽ vặn cổ hắn! - Lão Êpiphan nổi khùng. Anh em nhà hoạn cau có im lặng. Không lẽ chúng hóa ra là biết phòng ngừa hơn là lão ta? Khi lão Êpiphan để Lôpátkin về làng, bọn nhà hoạn đã bảo rằng lão xử sự không được tinh khôn cho lắm.
- Trong những ngày này nên nhốt hắn vào nhà kho để hắn không bán lại một lần nữa «cái hố» cho người khác, - bấy giờ Agáp đã nói ngay, còn hai người anh em của gã đồng thanh the thé phụ họa.
Đợi thêm nửa tiếng - Lôpátkin vẫn không xuất hiện. Bọn người Ôxchiác tỉnh dậy, túm tụm bên cạnh cỗ xe đầu, vặn vẹo lão Êpiphan: tại sao ta không đi? Sao lại dừng lại thể này? Sáng ra các lưới bẫy nhất thiết phải thả xuống «cái hố». Một ngày mới bắt đầu bao giờ cũng đưa vào cuộc sống của sông nước những thay đổi gì đó. Bỏ lỡ mất cơ hội trong việc đánh cá - có nghĩa là thất thiệt. Tuy vậy không người nào - cả lão Êpiphan, cả bọn nhà hoạn, thậm chí cả ông già Iuphimca Ixteghetsép giầu kinh nghiệm - đều không biết đường đi từ đây ra sông.
- Khoan, gã Ermôlai cưỡi con ngựa nào đi thăm dò đường? Con ngựa có thể tìm ra dấu vết mình, thậm chí bị lấp dưới tuyết. Cứ để cho nó tự đi, không theo dây cương, - Agáp đề xuất ý kiến. Tất cả bắt đầu nhớ lại. Hóa ra là Lôpátkin đã đi con Igrenca, chính con ngựa hôm qua đã đưa Pôlia về Gôlêsikhinô. Đến đây thì lão Êpiphan phát điên phát khùng đến nỗi những người Ôxchiác lùi ra xa cỗ xe của lão, nhưng chẳng biết buộc tội cho ai. Chính bản thân lão có lỗi trong mọi chuyện!
- Thôi cứ đi! Ngựa sẽ tìm ra đường! - lão Êpiphan nhẩy vào xe trượt, giật giây cương.
Ngựa đi qua rừng theo một lối quanh co, bằng vó mình dò đoán ra đường đi bị chìm lấp dưới tuyết. Lát sau ra tới một đồng cỏ quang đãng. Những đống tuyết cản đường, ngựa thụt trong tuyết tới bụng. Nhưng, xem kìa, họ lại lần ra vết cũ. Đôi chỗ Lôpátkin cắm những cái mốc hiếm hoi dọc theo vết đường, và những cái mốc ấy giúp cho họ không bị mất phương hướng.
o O o
Đến đây cánh đồng quang đãng kết thúc và đây đó kéo dài những vệt tròn tròn của những rặng liễu và phúc bồn tử. Phía trước đen đen một dải đều đặn rừng dương gần bờ sông. Mỗi giây phút con sông một xích gần lại. Lão Êpiphan nhìn lên trời. Đằng chân trời rực lên những dải sáng. Trăng tròn đã mờ nhạt. Buổi sáng đang gần lại rồi. Tất nhiên, bọn họ đã bị chậm rồi, nhưng không đến mức coi ngày đã phí hoài. Bây giờ lão sẽ giao cho bọn dân Ôxchiác một công việc nóng sôi lên đến mức trong tức khắc tất cả cơn say men mờ ảo trong họ vụt bay biến hết!
Bỗng chợt ông già Iuphimca Ixteghetsép, cùng đi trên một xe trượt với lão Êpiphan, bật dậy, kêu to:
- Có mùi khói, ông Êpiphan quí mến! Có mùi khói!
Lão Êpiphan ghìm ngựa, đứng dậy, bắt đầu ngửi. Bầu không khí giá lạnh, làm cóng lỗ mũi, nhưng tinh khiết, thấm mãi vào sâu trong lồng ngực và chẳng vướng vất mùi gì khác. Lão Êpiphan cũng rất thính mũi ngửi các mùi vị, không bao giờ phải phàn nàn về khứu giác.
- Ông tưởng tượng đấy, ông Iuphimca ạ, - lão Êpiphan nói. - Ở đây lấy đâu ra khói? Làng xóm cách đây bẩy vécxta là ít.
Ông già Iuphimca rút lui ý kiến, nhưng vẫn nghi hoặc:
- Có thể là tôi tưởng tượng. Nhưng quả là có mùi khá đậm, ông Êpiphan ạ.
Họ đi tiếp. Sông càng tiến lại gần, càng hay gặp những cù lao nhỏ với những bụi cây trơ trọi. Đến đây tuyết trở nên sâu hơn, còn những cột mốc của Lôpátkin hoàn toàn mất hẳn. Ngựa lết đi trên đồng hoang.
- Đồ lười chảy thây chảy xác! Chắc là hắn còn ôm mụ vợ ngủ trong lán đất! Ta sẽ lay cho hồn xiêu phách lạc! Ta sẽ bẻ vụn xương sống xương sườn! - lão Êpiphan chửi rủa.
- Đằng trước có ánh lửa, ông Êpiphan, - người trại trưởng dân Ôxchiác thốt lên. Lão Êpiphan thở phào nhẹ nhõm.
- Ơn phước Chúa! Chắc hẳn Ermôlai đốt lửa, làm hiệu cho chúng ta, - lão Êpiphan lập tức dịu xuống hẳn.
Ngựa dường như cảm thấy rằng đường đi sắp kết thúc, bước đi nhanh hơn. Chẳng bao lâu qua rừng cây những ánh lửa mới lại thấp thoáng.
- Một, hai, ba, bốn, năm, - lão Êpiphan đếm các đống lửa, và, không ghìm được, lại phát khùng: - Cái gã Lôpátkin này làm sao vậy nhỉ, mất trí rồi chắc? Làm gì mà hắn cần đến ngần ấy đống lửa? Hẳn là đồ già ngu ngốc cho rằng chúng ta bị lạc ở đồng cỏ rồi! Nhưng đáng ra hắn phải ra đón chúng ta ở bên rừng thông kia! Được, để rồi tôi cho hắn một trận! Người ruột thịt của mình mà hắn không nhận ra!
Lão Êpiphan đến giờ cũng không thể ngờ được cái chuyện không cứu vãn nổi đã xảy ra. Bọn nhà hoạn lo lắng trước tiên. Họ đuổi kịp xe của lão Êpiphan, nhảy sang xe trượt của lão:
- Ông định lao đi đâu thế, ông Êpiphan? Chẳng lẽ ông không thấy có bao nhiêu đống lửa? Dừng lại thôi! Ta giấu ngựa trong rừng, còn tự mình đi chân đến để xem ở đó có chuyện gì đã, - bọn nhà hoạn tranh nhau the thé lên.
Họ dừng ngựa lại cả. Họ ra lệnh cho những người Ôxchiác ngồi đợi. Lão Êpiphan bỏ tấm áo lông hươu tuần lộc, trên người còn lại chiếc áo lông cộc. Cả bọn nhà hoạn cũng cởi bỏ lại áo lông. Vượt qua khu rừng đó, bọn họ đi thẳng qua rặng dương ra sông. Chưa kịp ra tới bờ, họ đã nghe thấy tiếng vồ đập. Băng lạo xạo, kêu ran lên, xà beng thi nhau thình thịch, tiếng vọng đáp lại lan xa, nghe có tiếng người. Ở đâu đó không bao xa có tiếng ngựa hí.
- Gã Lôpátkin đã bán lại «cái hố» rồi! Bán lại cho lão Phôma Vôlôkitin! Ta sẽ bóp chết hắn! Chính tay ta sẽ moi ruột hắn ra! - lão Êpiphan vung hai nắm tay lên rung rung, xông bừa vào các đống tuyết, nghẹn lên vì căng thẳng và tức tối.
Leo lên mép bờ, họ dừng lại, nấp sau các thân cây trụi lá. Phía dưới, cách chừng một trăm xagiên là một trảng nước ngắn bị ép giữa những bờ dốc cao. Suốt một khoảng rộng đến một vécxta đen đen những bóng người. Đứng thành những tuyến vạch chính xác, họ mải mê với công việc đến mức bây giờ lão Êpiphan có xuất hiện trên mặt băng của «cái hố», họ cũng chẳng nhận thấy lão.
- Cả thiên hạ đổ ra! - quan sát kỹ những người đang làm việc, Agáp nói.
- Ai đi phản lại chúng ta kia chứ? Không lẽ gã Lôpátkin phát hoảng rồi tự chạy đến nói với thôn trưởng? - lão Êpiphan đoán.
- Thì tôi chẳng đã nói, có người nào đó đến xóm ấp mà! - Agáp the thé.
- Thì đã sao kia chứ? Đến rồi lại đi. Mà ai, chẳng nhẽ con sáo đã nói cho hắn ta biết công việc của chúng ta hay sao?
- Thế ông, ông Êpiphan, ông có nhỡ mồm lộ cho nàng dâu biết về «cái hố» không? - Agáp vẫn chưa hết ngờ vực.
- Không hé nửa lời! Anh nghĩ thế nào, tôi ngu ngốc hơn anh ư? - lão Êpiphan bực tức gã hoạn.
- Nhưng dù sao đi nữa tại sao ông lại phái nàng dâu về nhà, - gã hoạn vẫn khăng khăng ý mình.
- Sai về lấy tiền. Nhưng bây giờ thì thấy rõ là vô ích rồi: tất cả đi tong hết! - lão Êpiphan bực tức nói.
- Ta nên biết điều mà chuồn thôi! - Agáp đề nghị. - Không khéo Lôpátkin đã oang oang với khắp bàn dân thiên hạ về chuyện thỏa thuận của chúng ta. Dân làng cứ là vặt trụi đầu chúng ta.
Lão Êpiphan nghiến răng, ậm ạch trong cổ, hết dùng nắm tay này đến nắm tay kia đấm bồm bộp vào bên mông, bên đùi, bên bụng. Sự buồn bực day dứt lão đến mức điên cuồng. Phải chi lão là một tráng sĩ hùng mạnh, có phép thần, lão hẳn lao ngay đến mặt sông đóng băng, đánh tan tác bọn đàn ông và đàn bà kia, lấy bao tay gí bẹp hết bọn chúng, như những con sâu bọ, còn tất cả cá nhung nhúc dưới băng kia lão sẽ lấy cả cho mình!... Nhưng mà không, đâu có chuyện như vậy, đành phải chuồn cho mau...
- Ông Êpiphan, sáng ra rồi! Đi thôi! Cả chúng ta lẫn bọn dân Ôxchiác đều không ra được tới «cái hố» này đâu. Tất cả chúng ta đều thuộc hội ở Uxti-Tưmxcơ kia... Những người ở làng Nicônxkôiê mà biết rằng chúng ta ở đây, họ không để chúng ta sống thoát đâu...
Lão Êpiphan nghe mà cũng không nghe gã hoạn. Bỏ đi... bỏ của cải mà đi... mất món hời... Lão Êpiphan đứng ngây người. Ông già Iuphimca Ixteghetsép chạy tới, lên tiếng trách móc:
- Ông Êpiphan, ông là người tồi! Anh em nhà hoạn cũng tồi nốt! Các người muốn ăn trộm «cái hố»! Muốn xô xát bọn ta với bọn đàn ông làng Nicônxkôiê! Ôi, ôi, ôi! Phải chạy thôi! Phải trốn thôi!
- Thôi im đi cho rồi, đồ mọi rợ mồm lệch! - lão Êpiphan rít lên, nhưng quay ngoắt lại và vội vã rời bờ sông đi về chỗ những cỗ xe đỗ.
o O o
Pôlia, tất nhiên, không hay biết gì về chuyện trên. Cô cứ mải miết đi. Igrenca là con ngựa hiền lành, thông minh, hiểu cô chủ cứ như người vậy.
- Igrenca thân yêu ơi, chạy lên, chạy lên! Về tới Gôlêsikhinô, việc đầu tiên là chúng ta phóng ngay tới Parabên. Ta sẽ thăm hỏi bố với ông ngoại. Mà có thể, cả anh Nhikipho cũng đã về rồi. Nào-nào! - Pôlia cứ tự chuyện trò với chính mình như vậy một phần bởi vì do vẻ đơn điệu của con đường nên lúc nào cô cũng buồn ngủ rũ ra. Mà ngay chuyến đi đầu tiên cô cũng đã biết: ngủ là đầu óc sẽ váng vất, đau đớn, ở sâu trong mắt sẽ nhức nhối. Còn con ngựa, nghe thấy tên mình, hất đầu lên, vươn dài cổ ra, liếc nhìn cô chủ và rảo bước nước kiệu nhanh hơn.
Đêm ngủ trọ đầu tiên của Pôlia thật đáng ghi nhớ. Ở một làng nọ cô rẽ vào quán trọ. Chủ nhà đã đón tiếp cô thật hồ hởi, như một người đáng kính trọng, một vị khách quí. Tất cả chỉ vì cha cô, vì ông Gôrbiacốp Phêđo Têrentievích. Câu chuyện hóa ra khá là bình thường, có thể gặp ở Narưm này vô khối. Hai ba năm trước, chủ quán trọ bấy giờ còn là một người đàn ông trẻ và khỏe mạnh, bỗng nhiên lăn ra ốm, trong ngực đau nhói khổ sở, thỉnh thoảng lại khó thở đến kinh khủng. Muốn hay không muốn đành phải tìm đến ông y sĩ ở Parabên. Ông Gôrbiacốp cho người đàn ông uống những thứ thuốc bột đơn sơ nào đó, mà cái chính là chỉ bảo cho anh ta tập thở theo một phương pháp cổ Ấn Độ. Người đàn ông tìm đến ông y sĩ tất cả chỉ có năm ngày. Nhưng anh ta đã ghi nhớ ông suốt đời và ghi nhớ cả cô con gái ông. Pôlia chỉ vừa vào nhà để hỏi xem có thể nghỉ trọ qua đêm không, liền nghe thấy tiếng reo mừng rỡ:
- Mời cô vào, mời cô vào! Cả nhà này xin rộng cửa mời cô! - bác mugích gọi vợ ra, và hai vợ chồng họ bắt tay vào giúp Pôlia cởi bỏ áo lông, áo lông cộc, áo lót dài.
Nhưng đến đêm nghỉ trọ thứ hai thì hóa ra là một đêm lạ lùng đến nỗi Pôlia phải ngạc nhiên thầm dang cả hai tay.
Nhà trọ cô ghé vào bữa ấy đầy những người. Trong phòng ngoài to rộng bên cạnh ấm xamôva sau dãy bàn dài rộng đàn ông, đàn bà ngồi chật cùng tiêu khiển buổi tối, chuyện trò đủ thứ: về chiến tranh mà mãi chưa kết thúc, về cuộc nổi loạn nào đó của nông dân ở phía bên kia Tômxcơ, trong cuộc nổi loạn người ta đã phá kho thóc của nhà nước, về sự nghèo khổ càng ngày càng thấy rõ: ngay ở đây, ở các làng Narưm, cũng đã xuất hiện ăn mày, hành khất...
Chợt vợ chủ quán đi đến bên bàn, nghe ngóng chuyện và, khi mọi người tạm ngừng, bèn lên tiếng:
- Nhưng bà con đồng hương đã nghe chuyện ở Nicônxkôiê có một anh chàng ngư dân tìm ra «cái hố» và bán «cái hố» đó cho cái ông thầu Êpiphan Crivôrucốp ấy chưa?
- Chưa, chúng tôi chưa nghe thấy! Thế nào nào, bà chị kể đi, bà chủ thân mến! - đàn ông, đàn bà đều nhao nhao lên,
- Sự thể là thế này: anh chàng đánh cá rình mò thấy một «cái hố». Nhưng anh ta lại bị bọn nhà hoạn ở xóm trại rình mò ra. Bọn họ mới bắt chẹt anh ta: «Không được lộ «cái hố», phải bán cho thương gia». Mà thương gia thì đã có mặt ở đấy rồi: lão Êpiphan. Cả bọn mới đi lôi kéo dân Ôxchiác, hẳn là đã tống cho họ đủ thứ thuốc độc, nói tóm lại là làm những con người tăm tối bị mê muội đi. Họ định ngày giờ, lên đường mang theo đầy đủ lệ bộ nghề cá. Nhưng đám đàn ông ở Nicônxkôiê - cũng chẳng phải ngu si gì: họ đã phát hiện ra bọn đê mạt. Lão Êpiphan cùng với cái tập đoàn kẻ cướp của mình kéo nhau ra sông, hết sức bí mật, đi đường vòng, nhưng ở đấy người ta đã chia «cái hố» rồi và đã bắt đầu công việc đánh bắt cá... Con mồi nó xoay lại với lão Êpiphan như vậy đó... Thế là chẳng được gì cả, - Bà chủ quán trọ bật cười, còn những người nghe tán thưởng câu chuyện của bà ta bằng nỗi hoan hỉ ầm ĩ. Không một ai, không một người nào nghe cái tin mới bà chủ cho hay mà lại dửng dưng. Họ cười lão Êpiphan với bọn nhà hoạn, khen ngợi đàn ông ở Nicônxkôiê vì anh em tinh khôn. Anh chàng ngư dân bán «cái hố» bị họ gọi là đồ dơ dáy.
«Chuyện xảy ra lúc nào thế không biết? Nhưng điều chủ yếu là làm sao mà mọi người đã biết rồi thế? Dường như suốt dọc đường mình không thấy ai đuổi vượt mình. Chắc đâu phải có con chim nào lại đèo cái tin mới này ở đuôi mang tới đây được», - Pôlia suy nghĩ, ngạc nhiên vì câu chuyện kể của bà chủ.
Khi cánh đàn ông và đàn bà lắng xuống một chút, Pôlia bèn hỏi:
- Thế chuyện ấy xảy ra lâu chưa?
- Thì mới ngay hôm qua đây thôi. Nghe nói, «cái hố» nhiều cá lắm, họ đánh bắt được tới cả ngàn pút. Và cái gì ở đấy không có chứ! Cả cá chiên, cả cá tước, cả cá tầm! - Nhận thấy cái nhìn ngạc nhiên của Pôlia, bà chủ quán nói thêm: - Chả là hôm nay, có người chạy tin hỏa tốc phi ngựa về gặp ông Phôma Vôlôkitin! Một người tin cẩn của ông ta ở ngay trong đám đàn ông. Anh ta phóng ngựa đến tối mắt tối mũi. Sợ là có người khác mua trước mất số cá ở «hố». Lão Êpiphan được một cú đáng đời, nhưng dù sao đi nữa con người ta cũng chóng nguôi giận... vả lại lão Êpiphan chắc là cũng khéo lừa đám đàn ông kia...
«Thôi thì mặc xác cho bọn lái buôn cắn xé nhau... còn bác Suxtốp thì dù sao đi nữa cũng được ít cá chiên cho lũ trẻ nhỏ ăn. Nếu như không nhận được chỗ đứng bắt cá khi rút thăm, thì ít ra cũng làm thuê được ít nhiều», - Pôlia suy nghĩ, cảm thấy trong lòng thỏa thuê vì trong số phận nặng nề của người lưu đày vừa lóe lên một chút ánh sáng. Bây giờ hẳn là bác ta sẽ có tiền mua giây thừng và bác ta không còn phải hạ mình trước bọn anh em nhà hoạn.
Sáng sớm hôm sau Pôlia đánh xe đi tiếp. Cô muốn ngay ngày hôm ấy muốn gì thì gì cũng phải về được tới Gôlêsikhinô. «Mà dù nửa đêm mình cũng phải chạy về với bố và ông ngoại. Mình không thể sống nổi đến sáng mà chưa gặp bố với ông», - ý nghĩ ấy thoáng qua trong đầu cô...
Xibiri Xibiri - Ghêorghi Markốp Xibiri