Chương 17
rong lúc tôi nằm liên miên ở tiệm, thầy tôi đã xin được phép đổi ra Hà Nội. Sự vắng mặt của tôi lập tức được chú ý.
Thầy mẹ tôi yên trí tôi vẫn học hành ngoan ngoãn, các chú tôi thì cứ đồ chừng là tôi vì nhớ nhà đã lẩn về Vinh. Bây giờ ai nấy đều ngã ngửa ra rằng tôi biệt tích gần một tháng trời. Thế là bắt đầu cả một cuộc đảo lộn ghê gớm: nào khóc than, nào trách móc, nào trình báo, nào kiếm tìm, và đoán phỏng... Có điều không ai ngờ vực, ấy là sự trụy lạc đã quá trớn của tôi. Bởi vậy, khi dò biết đích chỗ tôi đương nằm, mẹ tôi vội hấp tấp đến tận nơi. Và, thoạt thấy tôi, mẹ tôi kêu rú lên như người bị đâm trúng ngực:
- Ối giời ôi là giời! Con chơi bời làm sao mà mới một tí tuổi đầu đã nghiện thuốc phiện được thế hở con?... Mẹ cũng đến tự tử vì con mất thôi!...
Mẹ tôi vừa nói vừa khóc, vừa nắm tay tôi kéo bừa ra cửa tiệm. Tôi bàng hoàng cả người, không còn kịp biết gì với gì nữa. Tôi theo mẹ tôi như một cái máy. Chiếc Ford của chú tôi đã chực sẵn ở trước tiệm. Tôi thoáng thấy cửa xe mở, một bàn tay run run đẩy tôi vào trong xe, rồi cửa xe sập mạnh, rồi mẹ tôi ôm mặt khóc giữa những tiếng máy chuyển. Sau cùng, chiếc xe rít lên và bắt đầu lao nhanh trên đường.
Tôi chú ý nhất một điều: Đối với sự đau đớn của mẹ tôi, tôi không chút cảm động, tôi chỉ thấy hết sức phiền. Chẳng thà mẹ tôi ghét bỏ tôi đi, không nhìn nhận tôi nữa, mặc tôi muốn ra sao thì ra, có lẽ lại hơn. Và tôi sẽ cảm ơn mẹ tôi biết bao nhiêu!
Mẹ tôi bắt tôi về để làm gì? Để tôi phải trông thấy mẹ tôi mếu máo, thở than, để tôi phải lạnh hồn trước vẻ nghiêm khắc, ghét bỏ của thầy tôi, nhất là để ném lên đầu tôi trăm nghìn câu Tại sao ư? Tại sao thế này? Tại sao thế kia? Tại sao mày lại hút thuốc phiện? Tại sao mày không chịu học hành? Làm như các niềm u ẩn và các biến cố của tâm hồn có thể đem giải thích bằng một vài câu ngắn gọn, hoặc đem ra mà bàn cãi theo lý trí được!
Trong cuộc thẩm vấn vừa hài hước vừa bi thương ấy, tôi nên giữ thái độ nào?
Giãi bày hết tâm sự của tôi đành là một điều không thể làm được. Mà dù tôi có nói nữa, thầy mẹ tôi vị tất đã hiểu và chịu thừa nhận những điều tôi sẽ nói. Ngậm miệng ư? Thầy mẹ tôi càng không hiểu, và có khi còn cho tôi là một đứa bướng bỉnh, gan góc nữa. Thầy tôi sẽ giận ghét tôi thêm. Mẹ tôi sẽ đau đớn khóc lóc nhiều hơn. Vậy, đem tôi về phải chăng là một việc chẳng nên làm, một việc rất tai hại cho sự yên tĩnh của tất cả, và nó sẽ khiến ai nấy càng nhận rõ sự cách biệt nhau là mông mênh vô hạn... Tôi thở dài, mấy lần tôi đã toan đạp tung cửa xe mà lao mình xuống đường nhựa, nếu cái ý nghĩ về sự quá thương đâm liều của mẹ tôi không gắn chặt tôi xuống mặt nệm nhung.
Chiếc xe, trong khi ấy, cứ vùn vụt qua những phố nào tôi cũng không biết nữa. Sau cùng, nó dừng lại trước nhà chú tôi. Chị Oanh tôi chực sẵn ở cổng để đón tôi. Chị tôi nhìn tôi như nhìn kẻ đã chết bỗng hiện về. Hai mắt chị tôi cũng long lanh ướt. Ồ, thế mới lại phiền nữa. Lúc này có phải là lúc tôi cần ai thương tôi đâu? Tôi chỉ cần sự hiểu biết thôi, một sự hiểu biết nó đi sâu vào tận những chỗ tối tăm nhất của lòng tôi và tránh cho tôi những câu cắt nghĩa không nghĩa lý gì.
- Trời... có thể nào em tự đày đọa thân em và làm đau lòng cho thầy mẹ và cho chị được đến thế này?...
Tôi giương mắt nhìn chị Oanh một phút; rồi tôi đi thẳng vào trong nhà.
Mẹ và chị tôi theo liền ngay sau tôi. Mẹ tôi bắt đầu kể lể:
- Đấy, con xem tình cảm em con như thế liệu mẹ đã đứt ruột ra chửa? Nằng nặc đòi ra Hà Nội học để rồi bỏ cả học hành, đàn đúm với những quân không cha không mẹ mà chơi bời lêu lổng, dĩ chí đem nhau vào tiệm thuốc phiện nằm dài ra mà hút... Giọng mẹ tôi biến thành tiếng thổn thức, khi mẹ tôi quay sang phía tôi: - Lộc, con hút thế đã sướng chưa, con? Con thử lại trước gương mà xem: Liệu có còn là người hay là ma! Rõ điêu đứng quá! Ai đời con trai mới chưa hai mươi tuổi đầu, đỗ đạt chưa, vợ con cũng chưa mà đã thuốc phiện thuốc phò, đến nỗi mặt bủng da chì, môi thâm mắt trắng, quần áo xốc xa xốc xếch, đầu tóc bù lên như tổ quạ, gần ai thì hôi hám như cú, phỏng ai người ta còn thương được? Con không nhớ thầy mẹ chỉ có một mình con là con trai ư? Giá thầy mẹ có năm bảy đứa cho nó cam. Con mà đâm nghiện hút, lúc nào cũng kè kè cái xe cái lọ thì sau này thầy mẹ con trông cậy gì vào con được? Chẳng những thế mà thôi, con hư, đời con chịu khổ đã đành, thầy mẹ tuyệt vọng về con đã đành, họ hàng xóm mạc người ta còn dài lưỡi ra mà nhiếc móc, cho rằng thầy mẹ ăn ở có thất đức thế nào, con mới đâm đốn ra thế chứ! Mẹ mà phải chịu những lời mỉa mai ấy thì mẹ sống làm sao...
Tôi lặng yên để mẹ tôi nói. Tôi biết mẹ tôi đau khổ rất nhiều. Nhưng tôi lại cũng biết rằng tôi không có một phần trách nhiệm nào về sự sa ngã của tôi ráo. Hình như, một định mệnh tàn khốc nào đó đã đẩy tôi dần tới cái tình trạng hiện thời. Mẹ tôi đừng trách móc tôi là phải, nhất là đừng hy vọng gì ở tôi hết. Người ta đặt nhiều hy vọng quá vào một đứa trẻ, ấy tức là người ta làm tội nó đấy.
Chợt có tiếng giày lạo xạo trên đá cuội, mẹ tôi, chị tôi và tôi cùng ngẩng nhìn ra sân: thầy tôi ở ngoài về.
Mẹ tôi gọi:
- Ông vào mau mà trông thằng Lộc đây này! Ông có biết nó làm gì ở đâu không? Nó hút thuốc phiện với một bọn giời đánh trong cái tiệm phố Hàng Cót ấy...
Thầy tôi vẫn bình tĩnh, vẫn lầm lì như không xảy ra sự gì quan trọng cả. Thầy tôi đến thẳng trước mặt tôi, nhìn tôi từ đầu đến chân một lượt rồi hỏi, giọng không cao không thấp:
- Lộc! Mày đã dám hút thuốc phiện à?
Tôi không đương nổi cái nhìn lạnh như ánh thép. Tôi cúi đầu, nhưng vẫn nín.
- Thế nào? Sao tao hỏi, mày không đáp?
Một cái bạt nhĩ theo liền câu hỏi vặn. Tôi ù tai và choáng váng suýt ngã. Chị Oanh tôi nhảy xổ lại:
- Con lạy thầy đừng đánh em con nữa. Nó đã gày yếu lắm...
- Cho nó chết! Nó chết ngay, tao còn thương nó được. Nó đâm vào thuốc sái thì tao không còn bố con gì với nó nữa!
Tim tôi rắn lại. Tôi ngẩng nhìn thầy tôi trong khi người quay sang cự mẹ tôi:
- Cơm nó không muốn ăn, nó muốn ăn dơ, mẹ mày còn tìm nó về làm gì? Kệ xác nó chết đường chết chợ, ăn xin ăn mày đâu có được không!... Tôi nuôi nó bằng ngần ấy tuổi đầu, cho nó học hành để sau này nó không đến nỗi dốt nát, phải đi làm đày tớ người ta. Thế mà nó dám bỏ học, đi tụm năm túm ba với một lũ mất dạy để đi trai gái, hút xách. Rồi mai kia, nó ăn cắp ăn nảy, trở nên tù tội, làm mất danh dự ông cha. Chẳng nhẽ tôi lại tự tay bắn cho nó một phát súng cho xong đời nó đi, mẹ mày còn thương xót nó lắm à?
Mẹ tôi ôm mặt khóc. Thầy tôi hầm hầm vào nhà trong thay áo. Chị tôi khuyên tôi hãy tạm lánh lên gác, và tôi cứ đứng yên không động.
Một cái gì vừa chết trong lòng tôi. Ồ, thầy tôi không cần phải bắn tôi. Tự tôi, tôi thấy tôi đã không còn sống cho thầy tôi nữa...
Mẹ tôi, chừng sợ nếu tôi cứ đứng đấy thầy tôi sẽ lại đánh tôi chăng, liền quát:
- Không đi mà thay xống áo, còn đứng đấy phỏng?
Chị tôi đặt hai bàn tay lên vai tôi và đẩy tôi vào phía cầu thang:
- Đi, lên đây, chị tìm quần áo cho...
Tội Nhân Hay Nạn Nhân Tội Nhân Hay Nạn Nhân - Lan Khai Tội Nhân Hay Nạn Nhân