Chương 17 - Ở Đâu Tix-Tu Tự Tố Giác Một Cách Dũng Cảm
ó những cái im lặng thức tỉnh con người. Sáng hôm ấy, cái còi lớn của nhà máy câm lặng, nên Tix-tu choàng thức và nhảy khỏi giường. Rồi em chạy ra cửa sổ.
Nhà máy Mi-rơ-poan đã ngừng hoạt động. Chín ống khói không nhả khói nữa.
Tix-tu chạy ra vườn. Bác Râu-mép-dài đang ngồi trên xe cút kít đọc báo, một chuyện hiếm thấy.
- À, con đấy hở! – Bác kêu lên - Con làm rất tốt! Ta không ngờ con làm nên công chuyện đẹp như thế!
Mặt bác tươi rói, hả hê. Bác ôm hôn Tix-tu, nghĩa là bác trùm râu lên cậu bé.
Rồi với nỗi buồn bâng khuâng mà những người đã hoàn thành nhiệm vụ hay cảm thấy, bác nói thêm:
- Ta không còn gì dạy con nữa. Bây giờ, con thông thạo chẳng kém gì ta, rồi còn tiến nhanh hơn cơ đấy.
Lời khen của một người như bác chỉ khiến Tix-tu thêm ấm lòng.
Tix-tu cũng gặp con Thể thao từ phía chuồng ngựa đi tới.
- Tuyệt lắm. - Em ghé vào cái tai màu be êm mướt của nó - Tôi đã dùng hoa chặn đứng một cuộc chiến tranh.
Con Thể thao không lộ vẻ ngạc nhiên.
- Nhân tiện, - Nó đáp - bạn kiếm cho tôi món cỏ chĩa ba trắng thì tốt. Sáng sớm, để điểm tâm, tôi thích món đó. Ở đồng cỏ, loại đó càng ngày càng hiếm. Bạn đừng quên nhé.
Mấy lời này khiến Tix-tu sững người. Đâu phải vì con ngựa biết nói… chuyện này, em biết đã lâu… mà vì nó biết em có đôi ngón tay cái xanh.
“May mắn là con Thể thao chỉ nói với mình chứ không nói với ai cả”, Tix-tu tự nhủ.
Vẻ nghĩ ngợi, em trở lại nhà. Hiển nhiên, con pô-nây đó biết nhiều chuyên đấy.
Trong ngôi-nhà-lấp-lánh, người và vật đều đổi khác. Trước hết, cửa kính kém sáng. Bà A-mê-li không hát trước các lò nấu bài “Ni-nông, Ni-nông, em đã sống thế nào…” là bài hát yêu thích nhất của bà. Anh hầu Ca-rơ-luyx không đánh bóng tay vịn cầu thang.
Mẹ em rời buồng ngay từ tám giờ như khi bà đi du lịch. Bà uống cà phê sữa trong phòng ăn, hay nói cho đúng, tách cà phê sữa vẫn để trước mặt, nhưng bà không đụng đến. Hầu như bà không nhìn thấy Tix-tu đi qua phòng.
Bố Tix-tu không đến phòng làm việc. Ông ở trong phòng khách lớn với ông Tru-na-đix, hai người loạng choạng bước những bước dài, lúc thì đụng nhau, lúc thì quay lưng lại nhau. Họ lớn tiếng lời qua tiếng lại.
- Phá sản! Mất mặt! Đóng cửa! Thất nghiệp! - Bố Tix-tu than.
Ông Tru-na-đix trả lời, tiếng rền vang như sấm:
- Mưu mô… Cố tình phá hoại… Xâm lấn một cách hoà bình!
Đứng trước cửa ra vào hé mở, Tix-tu không dám làm ngưng cuộc đấu khẩu. Em nhủ thầm:
“Người lớn là như vậy đấy. Ông Tru-na-đix khẳng định rằng toàn thế giới phản đối chiến tranh, nhưng chiến tranh là một tội ác không thể tránh khỏi, con người không thể ngăn được. Thế mà em đã ngăn chặn được chiến tranh. Bố và ông hẳn hài lòng. Không, hai người sẽ nổi giận”.
Bố em đang đi, húc phải vai ông Tru-na-đix, liền hét toáng lên:
- Cha cha! Nếu tôi tóm được thằng khốn nạn đã gieo hoa vào súng đại bác!
- Vâng, vâng! Nếu tóm được nó, tôi cũng… - Ông Tru-na-đix phụ họa.
- Nhưng chẳng lẽ chẳng thằng nào phải chịu trách nhiệm… Đây là uy lực của các đấng tối cao!
- Phải điều tra xem… Ôi, đại phản bội!
Tix-tu, như các bạn biết, là một cậu bé can đảm. Em mở cửa, đi thẳng đến dưới chùm đèn lồng pha lê, đứng giữa tấm thảm thêu các dây hoa lá, đối diện ảnh ông nội. Em nín thở nói:
- Chính con gieo hoa vào súng đại bác.
Rồi em nhắm mắt lại, chờ một cái tát. Nhưng không bị tát, em lại mở mắt ra.
Bố em đứng sững trong một góc phòng, ông Tru-na-đix trong một góc khác. Hai người trố mắt nhìn Tix-tu nhưng có vẻ không thấy em. Cả hai dường như đang tự hỏi có đúng mình vừa nghe và hiểu được những lời kia không.
“Bố và ông ấy không tin mình”, Tix-tu nghĩ. Em bèn liệt kê các thành tích của em như người ta giải đố:
- Các rừng bìm bìm trong thành phố, chính con! Nhà tù, cũng do con! Tấm chăn phủ đầy hoa hải đường cho cô bé ốm, chính con! Cây bao báp trong chuồng sư tử, cũng do con!
Bố em và ông Tru-na-đix vẫn đứng ngây như tượng. Rõ ràng, họ không nghe nổi những điều Tix-tu nói. Mặt hai người chỉ còn phảng phất như muốn nói: “Đừng có nói vớ vẩn. Hẵng để cho chúng tao yên!”.
“Hai người tưởng mình khoe mẽ. - Tix-tu tự nhủ - Phải chứng minh bằng thực tế”.
Em xáp gần bức ảnh ông nội. Em đặt và ép trong vài giây hai ngón tay cái lên khẩu súng đại bác làm chỗ dựa cho bức tranh của nhà sáng lập đáng kính của nhà máy Mi-rơ-poan.
Bức tranh thoáng rung động và mọi người thấy từ miệng nòng súng mọc ra một mầm cây linh lan, rồi một cái lá xuất hiện, lại một cái nữa, sau cùng là những đoá hoa nhỏ hình chuông màu trắng.
- Vậy đấy. - Tix-tu lên tiếng - Con có hai ngón tay cái xanh.
Em tưởng mặt ông Tru-na-đix sẽ đỏ bừng lên, mặt bố em sẽ trắng bệch. Thực tế là ngược lại.
Bố em đổ nhào xuống cái ghế bành, mặt đỏ bầm, còn ông Tru-na-đix mặt trắng như vôi, ngã nhào xuống thảm.
Qua các dấu hiệu kép đó, Tix-tu nhận ra rằng việc làm cho hoa mọc lên trong nòng pháo đã đảo lộn nghiêm trọng cuộc sống của các vị tai to mặt lớn.
Em ra khỏi phòng, má vẫn nguyên vẹn, điều đó chứng tỏ rằng sự dũng cảm bao giờ cũng được đền đáp.
Tix-Tu Ngón Tay Cái Xanh Tix-Tu Ngón Tay Cái Xanh - Maurice Druon Tix-Tu Ngón Tay Cái Xanh