Cuộc Đổ Bộ
hoạt tiên ngày J của cuộc đổ bộ kép này được ấn định là 1 tháng 8 năm 1942, nhưng vì Sư đoàn 1 Thủy quân lục chiến chỉ mới đến Wellington có mười lăm ngày và vì phải dự liệu hai cuộc hành quân bằng xe lội nước, nên Ghormley quyết định dời lại đến ngày 7 tháng 8.
Ngay cả với sự trì hoãn này, hạn kỳ cũng quá ngắn. Mệnh lệnh giữ bí mật tuyệt đối đã được ban hành và tại Wellington không ai có lấy được một ý niệm cỏn con nào về điểm đến của Sư đoàn 1 Thủy quân lục chiến cũng như của xe lội nước đang được chất đống trong kho. Lý do được đưa ra là một cuộc thực tập đổ bộ lớn lao sẽ được tổ chức tại đảo Koro trong quần đảo Fiji.
Công việc đưa người và chiến cụ xuống tàu tại Wellington bắt đầu trong một không khí căng thẳng. Mùa đông đã đến. Mưa lạnh rơi tầm tã. Các phu bến tàu khuân vác các kiện hàng liên miên từ mộtt háng qua, nay từ chối không làm việc nữa. Chỉ huy trưởng căn cứ hải quân Mỹ không có một thẩm quyền nào đối với các công nhân có chân trong các nghiệp đoàn này, phải kêu gọi Thủy quân lục chiến đến thay thế họ. Hoặc vì bực dọc hoặc vì vụng về, chiến cụ không được chăm sóc nhẹ nhàng cần thiết. Những chiến binh ưu tú ấy không hề có một xu hướng nào đối với nghề khuân vác. Lập tức người ta thấy Coca Cola và thuốc lá từ các kiện hàng bằng giấy cactong, đổ tung tóe thành sông trên bến tàu. Tin rằng họ sẽ tham dự một cuộc thực tập, Thủy quân lục chiến sẽ đi đến đấy một cách cương quyết... Còn lâu, những người đáng thương ấy, mới nghi ngờ rằng trong vài tuần lễ nữa, kỷ niệm về cái kho tàng bị phung phí dễ dàng này sẽ ám ảnh họ qua những đêm không ngủ.
Nhờ sự khuyến khích vui vẻ, hoặc trừng phạt, công cuộc chất hàng lên tàu hoàn tất dưới cơn mưa như thác, và các phu bến tàu bất đắc dĩ phải dồn đống vào giữa sân tàu trong bộ quân phục vĩnh viễn ướt nhẹp. Đoàn công voa mười ba hải vận hạm đặt dưới quyền chỉ huy của Đề đốc Turner, mà hiệu kỳ được kéo lên chiến hạm chỉ huy, chiếc Mac-Cawley, nhổ neo rời Wellington ngày 31 tháng 7.
Cái cớ của một cuộc thực tập không phải hoàn toàn láo. Thiếu tướng Vandegrift, Tư lệnh Sư đoàn 1 Thủy quân lục chiến, quả đã có khẩn cầu được chấp thuận cho ít ra cũng là một cuộc tổng dượt.
Cuộc đổ bộ lên Koro còn lâu mới được coi như thành công. Tuy vậy nó giúp sửa chữa các lầm lỗi, chỉnh đốn lại hàng ngũ binh sĩ và nhất là để cho các tướng lĩnh tiếp xúc nhau, những người sẽ chịu trách nhiệm về cuộc phiêu lưu vĩ đại mà chưa bao giờ có cơ hội gặp gỡ bàn luận với nhau.
Chính Đô đốc Fletcher, vẫn luôn luôn có mặt trên mẫu hạm Enterprise, là người chỉ huy toàn bộ cuộc hành quân. Lực lượng đặc nhiệm của ông được các mẫu hạm Saratoga và Wasp vừa mới từ Đại Tây Dương đến tăng cường. Bao quanh lực lượng mẫu hạm là sáu tuần dương hạm mà trong đó có hai chiếc của Úc. Đô đốc Anh Crutchley do Mac Arthur cho mượn cùng với hai tuần dương hạm Úc, được bổ nhiệm làm phụ tá cho Đô đốc Fletcher. Ngoài ra ông còn có lực lượng đổ bộ baằn xe lội nước đích danh do Đề đốc Turner chỉ huy và Sư đoàn 1 Thủy quân lục chiến do tướng Vandegrift làm Tư lệnh.
Ngày 7 tháng 8, lúc 9 giờ sáng, trong khi Fletcher và các mẫu hạm của ông đảm trách phần vụ che chở trên không, lực lượng đổ bộ chia làm hai toán cùng lúc đổ quân lên Tulagi và Guadalcanal.
Khắp nơi địch quân bị hoàn toàn bất ngờ. Tại Tulagi, 3.500 Thủy quân lục chiến Nhật, phân tán rất mỏng trên đảo, không có thì giờ để tập họp để chống lại 6.500 Thủy quân lục chiến Mỹ. Ẩn vào các ngọn, họ cương quyết chống trả và phải mất 48 giờ quân Mỹ mới lôi họ ra khỏi các hang động trú ẩn được.
Tại Guadalcanal, trái lại, phi trường đang được xây cất chỉ được phòng bởi vài trăm binh sĩ. Vandegrift đổ bộ cùng với 10.500 quân của ông lên phía đông sông Lunga mà không gặp một cuộc tấn chống cự nhỏ nào. Sáng ngày 8 tháng 8, ông điều động binh sĩ trên một mặt trận rộng lớn vượt qua hai con sông ngăn cách ông với mục tiêu, tiêu diệt các chốt phòng thủ trong đó quân Nhật dùng súng tự động bắn ra, và dễ dàng xâm nhập phi trường.
Đến 16 giờ, Thủy quân lục chiến Mỹ chiếm hữu được phi trường. Các công nhân đã biến mất không kịp phá hủy gì cả. Tất cả dụng cụ đều được tìm lại còn nguyên vẹn ngoại trừ một xe ủi đất bị một trung sĩ cuồng tín cương quyết phá hoại bằng một chiếc vồ bọc sắt. Số quân trú phòng còn lại biến mất trong rừng rậm. Ngay tối hôm đó các Tiểu đoàn công binh bắt tay vào việc để hoàn tất phi đạo vốn đã được quân Nhật khởi công rất tốt.
Nhưng nỗ lực của quân nhu thì không theo kịp... Ngay trong ngày 7 tháng 8, vài oanh tạc cơ Nhật đã đến làm tán loạn các ghe buồm chở quân dụng. Chính những ghe này cũng được đóng rất tệ và các Thủy quân lục chiến lại đóng vai trò phu khuân vác, thấy khó mà bốc dỡ hàng lên khỏi chúng. Các thùng vật liệu chất trên bãi như kim tự tháp, số người ít quá không sao di chuyển chúng hết được. Đến tối, Turner phải cho ngưng đổ bộ vật liệu để tránh khỏi tình trạng bị kẹt bến toàn diện.
Hôm sau ngày 8 tháng 8, oanh tạc cơ Nhật từ Rabaul bay đến hàng loạt và mặc dầu số tổn thất lên cao, cuối cùng cũng tràn ngập được đoàn khu trục cơ của Fletcher. Nhịp độ bốc dỡ quân dụng khỏi các hải vận hạm chậm chạp hơn và đến tra thì tình thế cho thấy rõ ràng là thời gian một ngày không đủ để hoàn tất công việc.
Mặc cho sự mệt mỏi của quân lính, Turner quyết định tiếp tục làm đêm. Ông muốn bằng mọi giá phải chấm dứt công việc trước bình minh hôm sau vì Fletcher đã báo cho ông biết rằng dự trữ xăng của ông gần cạn và phải mang lực lượng đặc nhiệm về Espiritu Santo để được tiếp tế.
Đến 21 giờ, kết quả bốc dỡ dở tệ đến nỗi ông được báo cho biết rằng hơn một nửa quân dụng của Sư đoàn 1 Thủy quân lục chiến còn nằm trên hải vận hạm và tàu chở hàng.
Turner thấy mình bị đặt trước một thế tiến thoái lưỡng nan: hoặc là bỏ ơi Thủy quân lục chiến với quân dụng rút xuống còn một nửa, hoặc là phơi bày toàn diện lực lượng đổ bộ cho địch quân phá hủy hoàn toàn nếu, theo dự đoán của ông, hạm đội Nhật đã lên đường đến tấn công.
Quyết định sẽ có hậu quả lớn lao đến nỗi ông phải cho mời Crutchley và tướng Vandegrift đến chiếc hải vận hạm Mac-Cawley được dùng làm chiến hạm chỉ huy. Crutchley trên chiếc Australia cùng với sáu tuần dương hạm đang tuần tiễu không xa mũi Espérance. Vừa nhận được hiệu lệnh của Turner, ông đến bỏ neo cạnh chiếc Mac-Cawley. Hai vị Đô đốc thảo luận tình hình trong khi chờ đợi Vandegrift vì phải cho người mò mẫm trong đêm tối tìm ông ta tại bộ chỉ huy Sư đoàn giữa các hàng rào kẽm gai. Họ hoàn toàn đồng ý là khó có thể nào quân Nhật tấn công ngay trong đêm. Căn cứ Rabaul cách xa đến năm trăm sáu mươi lăm hải lý, tức là hai mươi giờ hải hành và các phi cơ không thám chẳng có báo hiệu trông thấy hải lựuc địch nào trong ngày cả (Ít ra họ cũng tin thế... thật ra từ sáng, một Catalina Úc đã thấy bảy tuần dương hạm Nhật ngoài khơi Bougainville nhưng tiếp theo những sơ sót không tha thứ được, tin tức chỉ được đưa đến Melbourne lúc 18 giờ, quá chậm không khai thác gì được nữa). Trái lại, địch có thể đến vào sáng ngày 9, được che chở bởi một lực lượng khu trục hùng mạnh và được oanh tạc cơ tại Bougainviille hộ tống. Nếu không có hậu thuẫn của các mẫu hạm của Fletcher, hy vọng chống lại một lực lượng như thế là vô ích. Giải pháp duy nhất là rút lui toàn diện các hải vận hạm vào bình minh hôm sau.
Khi tướng Vandegrift đến, hai vị Đô đốc giải thích chi tiết các lý do bắt buộc họ phải chọn giải pháp bi đát này và hỏi ông ta liệu có thể cầm cự đến khi họ trở lại không. Vandegrift vốn là một tay đánh nhau kỳ cựu từng tham chiến tại Nicaragua, Mễ Tây Cơ và Trung Hoa. Đó là cả một tâm trí thực tiễn và hơn nữa ông lại ưa mạo hiểm. Ông trả lời được.
Khi cuộc hội kiến gần kết thúc thì câu chuyện bị ngắt quãng bởi những tiếng súng nổ ồn ào ghê rợn. Ba sĩ quan hấp tấp trèo lên boong và cả một quang cảnh đầy sửng sốt đang chờ đợi họ: mặt biể chung quanh đảo Savo chiếu sáng rực và người ta thấy bóng các tuần dương hạm của Crutchley tách ra trong ánh sáng của các đám cháy. Tiếng súng khởi đi, tiếng đầu đạn nổ tung nối tiếp nhau luân lưu bất tận... Viễn ảnh mà các vị Đô đốc gạt bỏ một giờ trước đó vừa xảy ra: quân Nhật đang tấn công các tuần dương hạm đồng minh tại eo biển giữa mũi Esprérance và Tulagi.
Sự may mắn đã từng từ chối trước Yamamoto nay dường như muốn chuộc lỗi. Khởi hành từ Rabaul ngay từ khi lệnh báo động đầu tiên, một hạm đội gồm có bảy tuần dương hạm, do Đô đốc Mikawa chỉ huy, đã tiến đến Guadalcanal bằng cách vòng qua Bougainville với hy vọng thoát khỏi tầm quan sát của phi cơ tuần thám. Thấy một chiếc Catalina xuất hiện, hạm đội khéo léo quay về phía bắc làm như để trở về Rabaul. Chiếc Catalina không theo dõi và trở về căn cứ. Ngay khi nguy hiểm đã qua, Mikawa lại đưa hạm đội lên đường và vì lẽ các cuộc tuần thám của Mỹ rất hiếm, đoàn tàu hải hành cho đến tối mà không gặp trở ngại nào cả. Đến 23 giờ, hạm đội trông thấy đảo Savo, giảm tốc độ để tránh cho các luồng sóng bạc trắng đằng sau chiến hạm khỏi lôi kéo sự chú ý của các trinh sát viên địch.
Hòn đảo nguyên hỏa diệm sơn Savo là một ổ bánh đường bệ vệ nổi lên ngay giữa Guadalcanal và Tulagi. Dường như tạo hóa đã dựng lên nó một cách rành rẽ để canh chừng, như một trụ điện báo ở bờ biển, sự đi lại trong eo biển phân cách mũi Espérance và quần đảo nhỏ bé kia.
Hải đội của Crutch chia làm hai nhóm: chiếc Canberra và chiếc Chicago tuần tiễu giữa mũi Espérance và bánh đường; chiếc Vincennes, chiếc Quincy và chiếc Astoria tuần tiễu chậm phía Đông bắc.
Lúc một giờ sáng, chiếc soái hạm của Nhật Chokai vượt qua hai chiếc phóng ngư lôi hạm bố trí tại trạm chính mà không bị khám phá. Với sáu chiếc theo sau, nó tiến với tốc độ 12 gút về phía hai chiếc hạm đồng minh vừa được thấy bóng. Đúng 1 giờ 36 phút bốn chiếc tuần dương hạm dẫn đầu đồng loạt phóng thủy lôi vào chúng trong khi ba chiếc sau tách qua bên trái để vượt qua phía đông đảo Savo, nơi xuất hiện bóng nhiều chiến hạm khác. Vài giây sau, hải pháo của các tuần dương hạm Nhật phủ lên hai chiếc Canberra và Chicago một cơn mưa trái phá. Phát hỏa và bị nước tràn vào qua hai lỗ thủng lớn, chiếc đầu bị thủy thủ đoàn bỏ mặc, trong khi chiếc thứ hai chạy trốn về phía tây. Hạm trưởng thình lình bị các tiếng nổ đánh thức chỉ còn nghĩ đến việc chạy trốn để cứu chiếc tàu, hoàn toàn quên mất rằng Crutchley tạm thời giao cho ông quyền chỉ huy hải đội.
Trong thời gian đó, ba tuần dương hạm đoạn hậu của Mikawa len lỏi bằng cách chạy sát bờ đảo Savo cho đến lúc ngang với ba tuần dương hạm Mỹ khác. Đúng lúc các chiến hạm này cho gọi thủy thủ đoàn vào vị trí chiến đấu vì được vụ chạm súng trước và hỏa châu báo động, thì đến lượt chúng cũng lãnh vô số đạn đại bác bắn ngay kế bên cạnh. Chiếc Quincy, bị chiếc thủy phi cơ bốc cháy soi sáng, lập ức lãnh hai thủy lôi. Chiếc Vincennes chung số phận tương tự. Riêng chiếc Astoria cố gắng trốn về đảo Savo lại bị lọt vào giữa hai nhóm tuần dương hạm Nhật và chịu một sự trừng phạt cũng nghiêm khắc như thế. Chắc chắn là nó đã bị hạ tại chỗ rồi nếu Đô đốc Mikawa, vì không thấy toàn diện các tuần dương hạm của mình trong cuộc chiến đấu rối loạn, không ra hiệu lệnh tập họp quá sớm về phía bắc đảo. Nhờ án treo đó mà chiếc Astoria có thể sống sót thêm mười giờ, nhưng mặc dầu thủy thủ đoàn rất cố gắng, nó cũng phải bị bỏ rơi.
Khi Đô đốc Miakawa đã tập họp xong chiến hạm của mình, ông ngần ngại không biết phải làm gì tiếp. Trong trận đánh sấm sét chỉ kéo dài có 32 phút ấy, năm trong số sáu tuần dương hạm đồng minh bị đánh chìm hoặc vĩnh viễn bị loại ra khỏi vòng chiến. Như vậy ông có quyền thỏa mãn rồi. Mặt khác, chiếc soái hạm Chokai nhào vào trong trận đánh hỗn loạn bất ngờ đã bị trúng một trái đạn phá làm hủy diệt phòng bản đồ. Lại ra đi với tình trạng đui mù trong một eo biển nổi tiếng là nguy hiểm cho các cuộc hải trình, đối với ông là quá táo bạo. Đã hai giờ sáng rồi và các tuần dương hạm địch đang còn lẩn quẩn trong vùng kế cận. Nếu ông tiếp tục tiến tới Guadalcanal chắc chắn sáng sớm mai ông sẽ bị các phi cơ của mẫu hạm Mỹ, mà ông chẳng có gì để đối phó, tấn công ngay chóc. Vì vậy ông ra lệnh cho hạm đội theo mình và mở hết tốc độ trở về Rabaul, bở qua cơ hội hiếm có để tiêu diệt ngay các dương vận hạm của Turner và quân dụng quí báu đang chở trên tàu.
Trong thời gian đó, trên chiếc Mac-Cawley, Turner chờ đợi báo cáo của Crutchley vốn đã ào ạt ra đi tiếp cứu hải đội trên chiếc Australia. Tin tức được đưa đến càng làm cho nỗi kinh hoàng của ông thêm toàn diện. Chiếc Canberra còn chiến đấu với ngọn lửa nhưng nó đang chìm dần. Chiếc Astoria cũng lâm tình trạng tương tự và đang tìm cách giạt vào bờ biển. Riêng chiếc Quincy và chiếc Vincennes thì hoàn toàn bị đánh chìm. Đấy là một tai biến trước nay chưa hề có. Trong sáu tuần dương hạm của hạm đội dưới quyền Crutchley chỉ còn lại một chiếc duy nhất, chiếc của ông, nhờ phép lạ được cứu thoát bởi vì nó không có mặt ở đấy lúc trận đánh xảy ra... Riêng phần chiếc Chicago thì biến mất. Về sau được biết rằng nó đã chế ngực được ngọn lửa nhưng bị loại khỏi vòng chiến và chạy thật chậm về Espiritu Santo. Hạm trưởng, ý thức được lầm lỗi mà mình đã phạm phải, đã tự sát.
Trước Lunga, tiếng súng vang dội và ánh lửa của trận đánh đã gieo rắc hỗn loạn trên các hải vận hạm đang bốc dở hàng. Công việc thật sự không thể nào bắt đầu lại trước bình minh hôm sau.
Turner, ngoài những khuyết điểm khác, còn có một khuyết điểm đôi khi rất tốt: ông cứng đầu như một con lừa. Ông đã hứa với Vandegrift là sẽ cho bốc xuống một nửa quân dụng. Ông giữ lời. Dây liên lạc vừa mới chớm nở giữa hai người vì thế lại càng thắt chặt thêm. Mặc dù lực lượng chuyển vận đổ bộ của ông có thể lâm vào tình trạng hiểm nguy vì các tuần dương hạm địch mà ông tin là còn nằm trong vùng kế cận và các phi cơ oanh tạc Nhật từ sáng sớm đã bắt đầu thả bom xuống đoàn hải vận hạm, Turner vẫn ra lệnh bắt tay vào việc trở lại. Lực lượng chuyển vận vẫn bỏ neo suốt buổi sáng hôm sau. Nó lãnh đạm nhận bom của Nhật, vốn chỉ may mắn gây ra rất ít nạn nhân. Đến quá trưa, Turner hài lòng được biết rằng phi trường sẽ có thể tiếp đón các khu trục cơ trong vòng 48 giờ nữa và các khu trục hạm chuyên chở các thùng xăng sắp khởi hành từ Espiritu Santo. Hơn một nửa quân dụng đã được đưa lên bờ và phần nào yên tâm với số phận của các Thủy quân lục chiến mà ông sẽ để lại đằng sau mình, Turner cho kéo kỳ hiệu nhổ neo.
Không được hải lực che chở đúng nghĩa của nó và chỉ với một nửa vũ khí, đạn dược và đồ tiếp tế đã tiên liệu, khu vực chiếm đóng của Mỹ trên đảo Guadalcanal sắp sửa lâm vào trường hợp một đội quân trú phòng bị bao vây.
Vandegrift tập họp các sĩ quan và trình bày cho họ tình hình chung. Để kết luận ông nói thêm rằng tổ quốc đang chăm chú nhìn vào Thủy quân lục chiến và Guadalcanal phải được giữ vững bằng bất cứ giá nào. Phi trường liền được đặt tên là Henderson Field tên của một không đoàn trưởng bị tử trận tại Midway. Tên gọi ấy sẽ có giá trị như một biểu tượng. Khi cuộc họp chấm dứt, các sĩ quan trở về đơn vị phấn khởi vì sự can đảm của ông tướng Tư lệnh và các chỉ thị sáng suốt của ông. Ngay đêm đó, niềm phấn khích lan tràn khắp mọi cấp bậc: dầu cho có chuyện gì xảy ra chăng nữa, Guadalcanal cũng sẽ đứng vững.
Ngay từ 15 tháng 8, Vandegrift báo hiệu cho Ghormley là Henderson Field đã có thể hoạt động được. Hôm sau các khu trục hạm chở đầy phuy xăng và nhớt đến trước Lunga Point. Ngày 20 tháng 8, 19 khu trục cơ F4F Grumman và 12 oanh tạc cơ đâm bổ SBD của Thủy quân lục chiến đáp xuống phi trường. Một chu vi phòng thủ vững chắc đã được thiết lập bao chung quanh phi đạo trên mặt trận 10 cây số. Bất chấp ánh mặt trời gay gắt, mưa rào, và muỗi, những con người ấy, những người đã cáu kỉnh biết bao khi phải khuân vác các thùng chứa quân dụng, đã hoàn tất trong vòng mười ngày một công việc mà trong những lúc khác phải đòi hỏi đến hai tháng...
Về phía quân Nhật, họ ra sức thắng quân Mỹ bằng tốc độ. Khinh thường một cách quá lố tầm quan trọng và nhất là giá trị các lực lượng của Vandegrift, tướng Hyakudate, Tư lệnh lộ quân 17 tại Rabaul đã cho các hải vận hạm kiêm phóng ngư lôi đỉnh chở đến Guadalcanal bộ phận tiền phương của một Lữ đoàn bộ binh. Một ngàn người đã đổ bộ lên đảo cách Henderson Field chừng 20 cây số về phía đông dưới quyền chỉ huy của đại tá Ichiki. Cuộc đổ bộ này được thực hiện ban đêm đã thoát khỏi tai mắt quân Mỹ, nhưng một toán tuần tiễu của Nhật lại bất cẩn tiến quá xa một cách lộ liễu. Ichiki quyết định tấn công ngay mà không chờ phần còn lại của Lữ đoàn được đưa đến. Viên đại tá này vốn vừa từ các thuộc địa Hà lan tại Ấn Độ Dương đến, nơi ông từng biết các chiến thắng dễ dàng, tưởng tượng có thể đánh úp Thủy quân lục chiến Mỹ trước khi họ kịp chạy vào chiến hào và đẩy họ ra biển chẳng khó khăn gì cả.
Ngày 21 tháng 8, lúc 3 giờ sáng, ông tung quân xung phong vào dải cát chắn ngang trước cửa sông Ilu mà thủy triều rút xuống đã để lộ lên khỏi mựt biển. Ba trăm bộ binh vừa gào thét vừa nhào vào các cứ điểm phòng thủ của Mỹ, vài người còn cắm cả lưỡi lê vào đầu súng. Nhưng lập tức bị phản công bởi vũ khí tự động và pháo binh nhẹ, họ bị giết tại chỗ hoặc phải rút lui. Một giờ sau, Ichiki tấn công trở lại, lần này dựa vào hỏa lực yểm trợ của pháo binh. Một cuộc đấu sức cực kỳ dữ dội xảy ra trên cửa sông, nhưng các pháo đội của Mỹ đặt trên các đỉnh đồi san hô phía tây con sông đã cho quân Nhật vào tròng và chặn đứng đà tấn công. Lúc đó Vandegrift phái ba trong các đại đội ưu tú nhất của ông tiến quân về nam để đánh bọc hậu lực lượng của Ichiki trước khi trời tối, các đại đội này đã được rừng rậm che khuất. Đến 9 giờ sáng, họ vượt qua sông trên một chiếc cầu dã chiến. Lệnh xung phong toàn diện được ban hành lúc 14 giờ dưới sự che chở của các phi cơ khu trục vừa mới đến Henderson Field hôm trước. Quân Nhật bị bao vây và bị quấy rối khắp mọi phía, đã kháng cự cực kỳ hung dữ, chứng tỏ lần đầu tiên, sức chịu đựng phi thường mà họ có thể biểu lộ trong các trận đánh phòng thủ. Đến 17 giờ, Ichiki toan tính một nỗ lực cuối cùng để phá vỡ chiếc thòng lọng đang siết chặt chung quanh quân đoàn của mình. Vô ích. Vài binh sĩ thoát chạy được dọc theo bờ biển đều bị liên thanh của các phi cơ bay sát mặt đất bắn gục.
Khi các Thủy quân lục chiến vượt qua các đống xác tiến vào doanh trại của Nhật, họ chỉ trông thấy còn có 130 người sống sót. Khi dở tấm ván che của một chiếc lều dã chiến dùng làm bộ chỉ huy lên, họ thấy một hình dáng màu trắng nằm sóng sượt trong một vũng máu. Đến phút chót, khoác chiếc Kimôn đại lễ vào người trên đó có ghim một mảnh giấy ghi lời xin lỗi Thiên hoàng, đại tá Ichiki đã dùng dao găm tự mổ bụng.
Thế là xong cuộc xung phong đầu tiên của quân Nhật vào Henderson Field chấm dứt. Chiến công này đã làm cho Thủy quân lục chiến Mỹ say sưa đôi phần, nhưng Vandegrift biết rằng đấy chỉ mới là một cuộc chạm trán sơ sơ. Ông được Tổng hành dinh của tướng Mac Arthur, nay được đặt tại Brisbane, tiên báo rằng phần còn lại của Lữ đoàn do tướng Kamaguchi chỉ huy sắp sửa ra khơi dưới sự yểm trợ của một hải lực hùng mạnh.
Sấm Sét Thái Bình Dương Sấm Sét Thái Bình Dương - Albert Vulliez Sấm Sét Thái Bình Dương