Phượng Vĩ epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 17/27
ôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa
Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sắp già
Và xuân hết nghĩa là tôi cũng chết
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ hẹp
Không cho dài tuổi trẻ với thanh xuân
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng đôi lần thắm lại
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng thương tiếc cả đất trời
Những câu thơ thật buồn. Cho niên thiếu. Nó mở ra một hoàng hôn lạnh tím với khung cửa sầu thảm mà người niên thiếu sắp phải bước qua. Bước qua và đoạn tuyệt tuổi ngọc. Ôi, tuổi ngọc của một đời người sao ngắn ngủi thế! Người niên thiếu sẽ giã từ những buổi Ði dạo:
Bước bước giang hồ giữa mắt tươi
Ði thì có chỗ đến không nơi
Mỗi khi nghỉ nhọc trong thân gió
Tôi hớp trong tay những vốn trời
Sẽ nhìn rõ đời mình lửng lơ quá tầm tay với:
Kìa treo trái mộng trĩu cây đời
Ngang với tầm tay ngắn của người
Những múa vu vơ tay đã mỏi
Ê chề đời thoáng vị cơm ôi
Tôi bỗng thương tôi và thương cái hiện tại tuyệt diệu, cái hiện tại đầy chiêm bao dễ dàng hiện lên trên những trang vở nháp học trò, bằng những nét vẽ đơn sơ, khờ khạo. Cái hiện tại ấy rồi phải mất như tôi phải lớn, phải già, phải thôi học. Khung cửa sầu thảm của hoàng hôm lạnh tím khép chặt. Tôi bước sang một thế giới âm u: Cuộc đời. Thế giới ấy đã đặt chân tới, khó lòng trở lại. Cửa đã khép và khóa đã vặn. Tôi sẽ leo lên những con dốc lởm chởm hứa hẹn rơi xuống vực thẳm. Tôi hết được bồng bềnh trên dòng sông mơ mộng. Cái roi đời hẳn khác cái roi tình yêu. Những câu thơ báo hiệu một tương lai u ám cho tôi, cho những người sắp giã từ tuổi vừa lớn, đã khiến tôi gục mặt xuống cuốn vở nháp. Ngậm ngùi. Năm ngoái, tôi không bận tâm với thời gian, với sự tuần hoàn của trời đất. Tôi nghĩ ngày mai sẽ vui hơn ngày qua. Và lớn không mình sẽ được hưởng nhiều thứ mà còn bé nhỏ mình thèm thuồng, mình bị ngăn cản. Năm nay, cùng với sự chuyển mùa của lòng tôi, tâm hồn tôi đã thay đổi. Thay đổi từ tháng chín, từ lúc xót thương những chiếc lá vàng úa và tưởng mỗi chiếc lá rời cành đều là chiếc lá bàng cuối cùng trong thơ Nguyễn Bính. Thay đổi từ ngày có Phượng. Ngày đó có tình yêu. Và tình yêu bắt ta lo sợ đôi cánh ngu si của thời gian, bắt ta sợ những lời tiên tri về tình yêu của thi sĩ. Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai, Ðời trôi chẩy lòng ta không vĩnh viễn. Lòng ta không vĩnh viễn hay niên thiếu của ta không vĩnh viễn? Tôi chợt nhớ những câu hẹn hò của Phượng. Mà buồn. Nếu hè này tôi trượt? Chắc chắn, tôi không được lên Hà Nội học ban tú tài, không được ngồi ở bên đường Cổ Ngư với Phượng nghe gió lướt trên mặt hồ thu. Không được gần gũi Phượng, không được thưởng thức mùi hương ngát thơm của tóc Phượng. Tôi sẽ mất Phượng. Hoàn toàn mất Phượng. Mãi mãi mất Phượng. Tôi ghét mùa hè sắp tới. Tôi muốn tháng giêng chôn chân một chỗ. Tôi muốn chặt chân tháng giêng. Nhưng tôi không làm nổi. Tôi đành an ủi tôi. Rằng đã chắc gì Phượng yêu tôi. Rằng tôi chỉ là kẻ nhận vơ tình yêu. Rằng tôi đã biết yêu chưa. Rằng như thế có phải tình yêu. Dẫu sao, tôi vẫn sợ tháng giêng chóng qua, tôi vẫn sợ mùa hè sắp tới. Nghĩ đến buổi chiều hay buổi sáng hay buổi trưa lặng lẽ đi như một thi sĩ Cúi đầu ngoảnh mặt quên xa tiếc, Ði hết thời gian không tiếc thương, tôi thấy trời đất quanh tôi đã câm điếc. Sông núi thô sơ bặt tiếng huyền. Tôi không dám nghĩ thêm nữa. Hỡi tháng giêng đầu tiên của đầu đời niên thiếu, mi có hiểu tâm trạng ta, tâm trạng của cậu học trò vừa lớn vừa biết yêu vừa biết buồn vừa biết sung sướng vừa biết sợ hãi!
Tháng giêng học Nguyễn Công Trứ! Tại sao tuổi trẻ cứ bị học những tư tưởng cằn cỗi? Tại sao cứ bắt những tâm hồn thiếu niên học Trên Cóc, Trinh Thử, Lục Vân Tiên, Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm Khúc...? Tại sao một cậu học trò đệ ngũ phải gặm những khúc bánh mình rắn như đá:
Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán
Chết đuối người trên cạn mà chơi
Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương
Một cậu học trò đệ ngũ nào đã tội tình chi mà phải lải nhải thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chỗ lao xao
Phải học sự ngờ vực cuộc đời:
Còn bạc còn tiền còn đệ tử
Hết cơm hết gạo hết ông tối
Tại sao tôi không được học tình yêu trong ca dao, trong thơ Nguyễn Bính, Ðinh Hùng, Nguyễn Xuân Huy...? Tôi còn trẻ măng mà tưởng đã già cốc khi đọc những vần thơ yếm thế của Cao Bá Quát:
Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười
Thôi công đâu mua chốc lấy sự đời
Tiêu khiển một vài chung láo lếu
Cái chí làm trai của người xưa không còn hợp với tôi. Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao hay là Quyết xoay bạch ốc thành lâu đài nó giả tạo và anh hùng rơm quá. Cổ thụ là cây đã chết. Sống mà như chết vì đã hết nhựa yêu đương. Cổ thụ chỉ còn cái bóng mát hữu ích trong bài luận lớp ba. Tôi chán thơ văn Nguyễn Công Trứ. Tôi hợp với Chu Mạnh Trinh hơn. Tôi đã buồn, tôi càng buồn. Tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn. Rõ ràng tôi rắc rối, tôi phiền toái, tôi mưa nắng bất thường, tôi đêm ngày vô định. Tôi đang xum họp và tôi đang chia ly. Tôi đang yêu và tôi đang tiễn biệt tình yêu. Tôi đang sung sướng và tôi đang khổ sở. Tôi hiểu tôi và tôi chẳng hiểu tôi. Phải chăng thế là tuổi vừa lớn, thế là mùa chuyển dịch của lòng niên thiếu?
Phượng Vĩ Phượng Vĩ - Duyên Anh Phượng Vĩ