Chương 17
ự vui vẻ ấy kéo dài thêm một năm. Qua năm sau, cậu Chính bị bệnh đái đường. Căn bệnh oái oăm, nhất là thời buổi gạo châu củi quế. Cậu phải ăn toàn thịt, mà lại toàn thịt nạc, không được lẫn một tí ti mỡ nào. Cậu là chuyên viên hai, lương gốc 115 đồng, nhà nước bao cấp không thể chiêu đãi cậu cho tới nơi tới chốn. Khi tôi đến viện, cậu ngồi bó gối trên giường, hai hốc mắt sâu hoắm, da xanh nhớt như da nhái.
- Mẹ đâu?
Cậu hỏi tôi, mắt hướng về phía cửa phòng, có ý trông ngóng. Tôi đáp.
- Mẹ cháu còn mua thêm cân cam.
Cậu rên rỉ.
- Cam với quít. Có ăn được đâu mà mua.
Tôi nói.
- Mẹ cháu vẫn tưởng cậu được phép ăn hoa quả.
Cậu nói cấm cảu.
- Kiêng. Kiêng tất. Bác sĩ bảo thế.
Nói xong, cậu ngồi thừ ra, trong ánh mắt hằn lên nỗi âu lo. Đúng lúc ấy mẹ tôi bước vào phòng. Mẹ cúi chào mọi người rồi rón rén ghé ngồi bên giường bệnh.
- Cậu xanh quá.
Mẹ rền rĩ, nước mắt ứa vòng quanh. Cậu Chính cau mày nhìn mẹ quát.
- Đã chết đâu mà khóc? Chị gỡ bỏ mẹ đi.
Lần đầu tiên, tôi thấy cậu văng tục, nói năng không còn nghiêm túc và thanh lịch như mọi bận. Trong đôi mắt hoảng loạn của cậu, lóe lên những tia sáng hãi hùng. Cậu sợ chết. Những ngón tay cậu run run. Cả những sợi râu thưa thớt lởm chởm đâm dưới cằm cũng run run. Mẹ tôi cắn môi, nhìn cậu.
- Bác sĩ bảo sao?
Quay mặt vào tường, cậu đáp trống không.
- Kiêng tuyệt đối, hoa quả cũng không được ăn. Và phải dùng thêm thuốc ngoại, thuốc của Mỹ.
Mẹ tôi cúi mặt, nhìn những ngón chân đen đủi xỏ trong đôi dép kiểu Thái Lan đã cũ, đế bẹt hẳn ra. Hồi lâu, mẹ thở dài và nói.
- Cậu cứ yên tâm chữa bệnh. Trước sau, chị cũng sẽ có...
Nói xong, mẹ xắp đặt những thứ thuốc bổ, những thứ thực phẩm cần thiết cùng hoa quả lên bàn. Mẹ nhờ cậy gửi gắm cậu cho những người bệnh xung quanh, rồi cúi chào họ trước khi dắt tôi ra về. Dọc đường, hai mẹ con cùng im lặng. Khi đã vào nhà, cất túi, mẹ bảo tôi.
- Sông có khúc, người có lúc. Đời người, ai cũng có đận gian truân. Vả chăng, cậu chỉ còn mẹ là người thân duy nhất. Con hiểu không?
- Vâng, con hiểu.
Tôi đáp. Và sau một lát đắn đo, tôi nói thêm.
- Mẹ yên tâm.
Từ dạo ấy, bữa ăn của chúng tôi rút xuống. Thoạt đầu, từ mức có vài lạng thịt quay hoặc vài khúc cá rán giảm xuống món đậu om cà chua hành trường kỳ hoặc nhộng rang. Sau đó món đậu om cà chua biến thành cá thầu dầu hoặc cá riếc răm kho khô. Còn món nhộng rang xuống cấp thành tép biển rang muối. Cả những thứ rau độn bình thường cũng chạy theo sơ đồ của sự xuống dốc: từ súplơ, đậu hà lan, su hào, đậu đũa, dưa chuột chúng tôi trượt qua các loại cải xanh, lá bắp cải già muối dưa răm, cải soong và cả rau chuối thái ghém....
- Mát lắm con ạ, ăn cho nó giải nhiệt.
- Thứ rau này lành lắm, ăn nhiều da dẻ đỡ mụn nhọt.
Mẹ lý giải như thế, mỗi bận mẹ vác về một thứ rau mà chỉ nhìn đã đủ chán ngắt. Đang mùa đông, bệnh của cậu tăng lên, đòi hỏi lượng thuốc mua ngoài tăng gấp đôi. Thực phẩm bồi dưỡng cho cậu cũng nhân lên theo cấp độ đó. Mặt mẹ tôi quắt queo. Không hỏi, nhưng tôi biết mẹ đã phải nhịn bữa quà trưa ở chợ, lúc tôi học trong trường. Hai gò má mẹ nhô lên, những nếp nhăn kéo dầy dưới hai đuôi mắt. Những nốt tàn nhang hai bên cánh mũi và trên gò má lan rộng, kết liền thành từng mảng nâu sạm trên gương mặt mẹ, khiến nó u ám và xấu xí.
Bữa ăn của mẹ con tôi chỉ còn dưa cải muối trường kỳ với với su hào kho mỡ. Món su hào thái hình khẩu mía, kho mặn với tương rồi rưới mỡ nước lên giả làm thịt kho hoặc cá kho tôi nhớ mãi. Tôi đã ăn nó suốt một mùa đông. Tôi sẽ nhớ nó cho tới lúc xuống mồ. Tôi sẽ nhớ cả cảm giác tái tê của những buổi tối, khi đạp xe từ trường về, hai lỗ mũi đặc kịt bụi, bụng đói đến teo tóp lại trong lưng quần, tôi đã thèm một miếng thịt ra sao khi đi qua nhà bà Miều hoặc nhà chị Lan, hoặc nhà anh Hợp, mùi thịt kho tàu thơm lừng bay ra, khiến tay chân tôi run lên, mắt mũi tối tăm lại. Tôi sẽ nhớ mãi những buổi đêm như thế, đi học thêm ngoại ngữ về, tôi đã đạp đi đạp lại ba vòng quanh một hàng phở, điệu như rong chơi, nhưng thực chất để hít thở mùi vị ngon lành của nó lan tỏa trong không gian. Tôi sẽ nhớ cảm giác hổ thẹn của mình, lúc quay đi để nuốt nước bọt trước một người đàn bà mập mạp ngồi tuốt xâu chả nướng bỏ vào bát bún...
Một tối, không chịu nổi, tôi nói với mẹ.
- Con không đủ sức ngồi nghe giảng nữa. Mẹ bán một chiếc nhẫn đi lấy tiền mua thức ăn.
Mẹ tôi cau có.
- Nhẫn của cô Tâm, không bán được.
Tôi cố gắng ôn tồn.
- Nhưng cô đã cho con. Con phải sống, phải học được trước khi cần đeo nhẫn.
Mẹ tôi đáp.
- Không.
Tôi muốn khóc. Nhưng tôi cố ghìm giữ cho nước mắt khỏi trào ra.
- Con đói.
Mặt mẹ tôi tím lạnh, hai mắt tối sầm, dữ dằn. Mẹ đột ngột đứng đật, hét như người động kinh.
- Không. Tao đã bảo không là không.
Chưa bao giờ tôi thấy mẹ khủng khiếp như thế. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ xưng hô với tôi thô lỗ thế. Tôi im bặt, lủi ra ngoài sân. Cơn đói tan biến. Các nỗi thèm khát cũng tan biến. Chờ mẹ nguôi ngoai, tôi lên giường trùm chăn ngủ sớm. Tôi đã ngủ một giấc rất dài, rồi thức dậy khoảng hơn hai giờ sáng. Một cảm giác lạnh lẽo khiến căn nhà trống trải thêm. Tôi nhìn sang giường mẹ tôi, không thấy mẹ nằm ở đó. Chiếc chăn bông vẫn cuộn tròn, xếp gọn ghẽ cuối chân giường. Lúc ấy, có tiếng nức nở rất khẽ vẳng tới. Tiếng khóc của mẹ tôi. Không bật đèn, chờ cho mắt quen với bóng tối, tôi hé cửa ra sân. Mẹ tôi ngồi trong bếp, gục đầu lên hai cánh tay. Cánh cửa bếp nửa khép nửa mở, tôi nhìn thấy bóng đôi vai mẹ run rẩy từng cơn. Tiếng khóc bị nén trong họng, chỉ bật ra những cơn nức nghẹn, ngắt quãng, nghe tủi cực và ấm ức. Tôi đứng giờ lâu, phân vân giữa ý muốn vào an ủi mẹ và nỗi sợ hãi. Trong cơn giận dữ bùng nổ buổi tối, có nguyên cớ nào đó rất lạnh lùng, không thể cắt nghĩa. Nó khiến tôi ghê rợn. Thời khắc trôi qua, sương xuống ướt đầm mái tóc. Tôi run lên vì rét. Tôi sực nhớ mình chưa kịp mặc áo ấm. Tôi trở vào nhà nằm thao thức chờ mẹ lên. Nhưng chờ mãi vẫn nghe những tiếng nấc, như một ảo thanh vẳng bên tai. Lâu dần, tôi ngủ quên...
Sáng hôm sau, tiếng xe máy ồn ĩ bên ngoài đánh thức tôi. Cửa đã mỡ. Ngay giữa sân, người đàn ông đi chiếc Honda 67 đen trùi trũi đang ngồi chễm chệ. Ông ta vẫn đeo cặp kính mắt xanh chai như bữa trước. Và nụ cười nham nhở như bữa trước đọng trên môi.
- A... a... Cô nương dậy muộn quá. Ở nông thôn chúng tôi mà lười thế là không lấy được chồng.
Ông ta nhìn thấy tôi, liền nói chõ vào nhà. Sau lưng ông ta, một người đàn bà vừa nhảy xuống: cô Tâm. Tôi choàng áo bông, chạy ào ra đón cô. Toàn thân cô, hai tay cô, cả hai gò má và cằm cô lạnh buốt. Cô mỉm cười.
- Cháu của cô.
Nhưng rồi, chưa kịp ôm tôi vào lòng, cô đã lại đẩy bật tôi ra nhìn chằm chằm.
- Hằng làm sao thế?
Tôi cười.
- Có sao đâu cô?
Nhanh như sóc, cô luồn hai bàn tay vào trong áo len, vuốt dọc theo sườn và lưng tôi.
- Làm sao mà cháu trơ xương sườn, xương sống ra thế này?
Cô hỏi, giọng khẽ khàng, nhưng âm diệu khác lạ, nghe như thất thanh. Tôi chưa kịp trả lời, mẹ tôi đã từ trong bếp đi ra. Hai mắt mẹ tôi sưng mọng, gương mặt héo hon nhuốm vẻ hoảng hốt, sợ hãi.
- Chị vừa lên. Chị vào nhà chơi.
Mẹ quay sang người đàn ông.
- Mời bác vào nhà chơi.
Tay mẹ tôi cầm siêu nước. Chắc mẹ đã nấu cơm xong và đun được siêu nước đầu tiên. Từ chiếc vòi nhôm, làn khói bay ra. Người đàn ông đeo kính, đáp lại lời chào mời của mẹ tôi bằng một cái gật đầu rất hiên ngang, đoạn quay sang cô Tâm.
- Mấy giờ em dón chị?
Cô tôi bảo.
- Nửa tiếng nữa nhé. Giờ chú đi đi. Nhà chúng tôi có câu chuyện hàn huyên.
Người đàn ông đeo kính giơ một ngón tay sần sùi nâng gọng kính lênm cúi chào mẹ con tôi.
- Cảm ơn cô nhé. Lúc khác tôi vào chơi.
Nói xong, ông ta cho xe nổ máy lượn ra đường. Chiếc mũ lông Mông Cổ to xù như chiếc rế đại trên đầu. Tiếng máy Honda dội giữa các bức tường trong ngõ hẹp làm rạn vỡ bầu không gian yên tĩnh. Vào giờ này, những hàng xôi lúa, xôi đậu đen, bánh dày, bánh rán, bún gánh, phở gánh... đã ra đi hết. Chỉ còn lại tiếng nước chảy ồ ồ vào một chiếc thùng tôn ai đó đang hứng ở vòi công cộng. Cô Tâm bảo.
- Ta vào nhà.
Rồi cô dắt tôi vào, tay bên kia xách chiếc làn tre nặng trĩu. Mẹ tôi cầm siêu nước đi theo. Hai mí mắt mẹ tôi thâm quầng, tròng trắng vằn những tia máu. Mẹ đổ nước sôi vào phích rồi sai tôi.
- Lấy cho mẹ gói trà.
Tôi hỏi.
- Ở đâu ạ?
Mẹ nói.
- Bốc trong thúng hàng vậy. Hôm nay bận quá.
Tôi mở thúng hàng, lấy thứ bình dân mẹ vẫn bán, pha nước. Trước đây, mẹ tôi không bao giờ dùng tới nó. Đôi mắt sắc như dao cau của cô Tâm nhìn theo, lặng lẽ. Chờ cho tôi pha nước, và mẹ tôi đã yên vị lên chiếc ghế đối diện với cô, cô Tâm nới cất giọng rẽ ràng.
- Con Hằng nó đói ăn, sao không nói cho tôi biết một lời?
Mặt mẹ tôi đỏ ửng, mẹ lắp bắp.
- Em bận quá, tối ngày em ở ngoài chợ.
Cô quay sang tôi.
- Sao cháu không viết thư cho cô?
Tôi đáp.
- Tối qua cháu xin mẹ cháu bán một chiếc nhẫn đi mua thức ăn, nhưng mẹ cháu không cho.
Cô Tâm hỏi day lạ.
- Mẹ cháu không cho?
- Vâng. Mẹ cháu bảo của cô, không được tùy tiện dùng. Dạo này, hàng họ ở chợ khó khăn.
Cô Tâm cười, bảo mẹ tôi.
- Chẳng lẽ tôi quý của hơn người. Cô thừa biết con Hằng sẽ thừa hưởng toàn bộ gia sản nhà này? Để nó thành mớ xương khô rồi đeo vàng vào cổ hay sao?
Mẹ tôi đáp.
- Tuy là của chị cho cháu nhưng... em nghĩ là quyền ở chị. Chị chưa cho phép.
- Thôi được, giờ tôi cho phép. Có cả mẹ cả con cô ngồi đây, cô lấy đôi nhẫn với cặp hoa tai cho tôi.
- Vâng.
Nhưng mặt mẹ tôi tái ngắt. Ngập ngừng một lát, mẹ tôi đứng dậy, vào buồng trong. Mẹ lục rất lâu. Trong khoảng thời gian ấy, cô tôi thong thả bước tới bàn thờ. Cô lấy tấm ảnh của bố tôi xuống, rút mùi xoa trong túi, lau sạch, rồi đặt lên. Cô đứng trầm ngâm nhìn. Lúc đó, tôi chợt hiểu. Chàng thanh niên trong tấm ảnh mờ nhạt ấy, với đường ngôi thẳng tắp trong trắng, với nụ cười thẹn thùng, đường cong của vành tai và vẻ tươi tắn ngời lên trong ánh mắt... sao giống người đàn bà nhỏ thó da nâu sậm, đôi vai mỏng và gầy, những nếp nhăn khắc khổ hằn hai bên khóe mép. Hai chị em giống nhau lạ lùng. Một người dưới cõi âm và một người trên dương thế. Một thiếu niên và một người đàn bà khô héo, sắp bước lên bục lão làng. Có lẽ, đó là sức mạnh bí ẩn của huyết thống.
- Chị...
Mẹ tôi từ trong buồng bước ra, một tay nắm chặt, mặt bỗng dưng nhợt nhạt như người phải cảm. Cô Tâm quay lại. Bước những bước khoan thai, cô đi lại bàn nước, ngồi xuống ghế. Cầm chén chè đã bắt đầu nguội, cô đưa lên môi nhấp và hỏi mẹ tôi.
- Có chuyện gì thế, cô?
Mẹ tôi vẫn đứng lom khom, không dám ngồi xuống ghế. Một tay nắm chặt, tay kia vịn vào mép bàn.
- Em định nói với chị... là...
Cô Tâm im lặng, nhìn thẳng vào mắt mẹ tôi. Từ đôi mắt cô bắn ra những tia sáng lạnh, nhọn sắc, dường như chúng có màu tím. Tôi có cảm giác mẹ tôi sắp ngã quỵ trước những tia nhìn giá buốt ấy. Tôi định chạy tới đỡ mẹ. Nhưng một sức mạnh không cắt nghĩa được đã kiềm chế lại. Mẹ tôi vẫn đứng, môi trắng như giấy ngâm nước, cô gắng nói cho hết câu.
- Cặp nhẫn của chị, em cho người bạn mượn làm vốn buôn đường xa. Vì... họ hứa... chia lãi...
Tôi biết mẹ nói dối. Cô Tâm mỉm cười:
- Một tháng họ chia cho cô bao nhiêu?
Mẹ đáp, lần này trơn tru hơn.
- Năm phân.
Cô tôi vẫn cười, nói từ tốn.
- Nếu thế, một tháng, riêng tiền lãi đã đủ hơn 10 cân thịt, làm sao con bé lại gầy trơ xương thế này?
Mẹ tôi đáp, lần này rất nhanh.
- Nhưng em mới cho họ vay ba tháng nay. Ba tháng, họ chưa nhờ cậy được ai quen thuộc và tín cẩn để gửi tiền ra. Em có nhắn cho họ biết, cứ chồng tiền lại, tính lời, nửa năm em lấy một lần, cho ra tấm ra món...
- Họ ở đâu vậy?
- Minh Hải. Hai vợ chồng đem nhau vào tận trong đất mũi làm ăn. Đó là nơi tụ tập dân tứ xứ.
Tôi không ngờ mẹ tôi ứng biến mau lẹ thế. Những người dối trá, chỉ khó khăn nhất khi vượt qua ranh giới đầu tiên. Khi đã qua ranh giới ấy, không còn cái chốt nào hãm họ lại. Cô tôi đứng dậy đi xuống bếp. Vẫn dáng đi thong thả như thế. Rồi cô trở lại với mâm cơm đậy lồng bàn. Cô đặt mâm cơm lên, và lật chiếc lồng bàn ra: một đĩa dưa cải củ muối xổi, với một đĩa xu hòa kho tương. Thực đơn quen thuộc từ ba tháng nay. Cô nhếch môi cười. Mẹ tôi rùng mình, rồi cúi gằm mặt xuống. Mặt mẹ, hai bàn tay mẹ, cổ mẹ tất cả đều tím như người bị tụ huyết sau trận đòn. Cô Tâm nói.
- Cô ngồi xuống ghế.
Lúc này, mẹ tôi giống như kẻ mất hồn, đờ đẫn làm theo lời sai khiến của cô. Mẹ tôi ngồi, đối diện với cô nhưng không ngẩng đầu lên. Cô lại bảo.
- Đưa đôi bông tai đây.
Mẹ tôi đặt bàn tay vẫn nắm chặt lên bàn khẽ xòe ra, để rơi một gói lụa nhỏ màu xanh. Cô Tâm nhặt gói lụa đó lên, không thèm mở ra xem, mà gạt nó về phía ấm trà, như người ta gạt một bao thuốc lá hay một chiếc bật lửa. Cô nói.
- Cô Quế này, trước kia tôi vẫn thương cô. Dù những ngày oan khổ, cũng chưa phút nào tôi oán trách.
Giọng cô Tâm đều đều, như người đọc kinh, hàm chứa sự bình thản tột vời. Nghe cô nói, mẹ tôi rùng mình như bị lạnh, rồi mẹ cúi đầu thấp hơn, nhô vai lên cao như để tránh cơn gió buốt.
- Cô có nhớ ngày cô giả bộ móc cua để gặp tôi không?
Cô Tâm nói, và dường như mỗi lời nói là một lằn roi quất lên đầu mẹ tôi.
- Ngày ấy, lúc cô đi theo bờ ruộng, tôi cắp rổ quần áo ướt về làng, nước mắt hai hàng lai láng. Tôi thương thân, thương chú Tốn, thương cô. Làm sao còn nỡ dày vò nhau, những con người oan khổ. Tất cả nông nỗi ấy là số kiếp...
Mẹ tôi không gượng được, gục đầu xuống mép bàn. Giọng cô tôi rót đều đều.
- Bao nhiêu đêm ròng tôi thức trắng. Những đêm ấy, tôi thấy oan hồn mẹ tôi, tôi thấy hình bóng lang thang vật vờ của chú Tốn, tôi thấy gương mặt cô, cái buổi trưa trời nắng tóe lửa, mà cô khóc ngôi khóc nghê như mưa dầm. Tôi biết vợ chồng cô thương yêu nhau. Lạy trời cho vong linh em tôi mát mẻ...
Cô ngừng lại, mắt nhìn xa xăm. Rồi cồ nói tiếp.
- Tôi nhớ vụ mùa năm ấy. Ba giờ sáng tôi thức dậy, luộc một nồi khoai sọ, nửa ăn, nửa đùm vào giỏ đem theo. Thắt lưng buộc cho chặt, đi cấy thuê cho thiên hạ. Non trưa, cơn đói đã réo như sôi trong dạ, phải bấm bụng cấy một mạch tới đúng trưa mới dám giở giỏ khoai ăn. Mùa đông rét cắt ruột, người ta cấy xong lui về nhà làm vườn, chăn con lợn con gà chờ lúa chín. Đèn lửa, cơm tối ấm bụng, vợ chồng con cái họ kéo nhau lên giường. Tôi vác nón lội qua hai cánh đồng làm miến thuê. Mười một giờ đêm còn ngồi ôm cối quay bột. Gà gáy nửa đêm mới đội nón về nhà. Qua đồng, lửa ma trơi chập chờn như bóng đèn bay đuổi. Có bữa ở điếm canh thôn Đông, một thằng đàn ông xô ra. Nó đè sấn tôi ngay vệ cỏ... Giá như bây giờ cứ mặc, lại có đứa con nuôi. Nhưng lúc ấy, thì sống chết vật lộn, cào cấu. Đồng không mông quạnh, kêu cũng chẳng ai nghe. Mà có nghe, người trong xã tìm đến nơi, nhận ra mình là con địa chủ, họ cũng chẳng thèm cứu. Không biết chừng họ còn vu cho tội gian dâm. Cứ nghĩ vậy, mà liều mạng giằng giật. Hồi ấy đang xuân, tôi còn hăng lắm. Tôi cắn cổ thằng khốn nạn máu nó phọt ra mặn mà ấm như tiết gà. Nó kêu rống lên thả tay ra. Còn mình cũng vớ chiếc nón đâm đầu mà chạy. Vừa chạy vừa nhổ phì phì. Vị máu đọng trên đầu lưỡi, vừa tanh vừa mặn, đến nhà, gà gáy canh một, phải nhảy ùm xuống ao tắm, giặt áo, tẩy uế mùi hôi. Lóp ngóp lên bờ, gà đã gáy canh hai. May sao đêm hôm đó tôi không cảm hàn mà chết.
Cô lại ngừng. Hai bàn tay cô đặt lên bàn, như hai mảnh rễ cây chồng lên nhau, bất động. Những chiếc móng tay nhỏ nhưng xù xì, sừng dày và nổi những rạch thẳng như đường ray. Trên lớp da nhăn nheo hiện lên những chấm tròn nâu sậm. Đó là những vệt đồi mồi. Chúng đã được tạo thành quá sớm, so với những người đàn bà khác, ở lứa tuổi cô. Sau một hồi lơ đãng nhìn vào hư không, cô nói tiếp.
- Cô Quế, cô còn nhớ hồi sửa sai không nhỉ? Cái buổi tối những người oan ức trong làng đã tụ tập lại, đến trước cổng đập phá, đòi rạch miệng...
- Thôi, thôi...
Mẹ tôi bật kêu to:
- Thôi, thôi... Em xin chị, em lạy chị...
Rồi mẹ tôi khóc rưng rức, đầu gục xuống mặt bàn toàn thân run bần bật từng cơn. Tôi đến bên mẹ tôi, van vỉ.
- Mẹ, đừng khóc, đừng khóc...
Nhưng tôi biết việc tôi làm thật vô nghĩa. Mẹ tôi buông những lời nói đứt đoạn trong cơn nức nở.
- Em lạy chị, em lạy...
Cô Tâm ngồi im lặng. Đôi mắt tròn của cô cũng bất động, không thoáng qua chút ánh sáng nào. Dường như lúc ấy, trong đôi mắt đen của cô, bóng tối và ánh sáng đã hòa trộn để tạo nên một trạng thái âm u, mờ đục của khoảng khắc sau chót buổi hoàng hôn. Cô chờ cho mẹ tôi ngớt cơn nức nở, lại nói tiếp, vẫn giọng đều đều không âm sắc.
- Trên đời, chẳng ai gian dối được với ai. Cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra huống hồ chuyện nhân gian, sờ sờ trước mắt thiên hạ. Ở quê tôi cũng biết được một số việc cô làm, mọi đồng tiền cô tiêu. Tôi chẳng trách cô, ai ai cũng máu mủ ruột rà. Tôi thương em tôi thế nào, người đời cũng biết thương em họ như thế. Nhưng trong chuyện này, tôi phải rành mạch cho cô hiểu, em trai cô là kẻ tử thù của gia đình tôi. Nó đã đẩy em tôi vào cõi chết. Tôi không cho phép ai dùng đồng tiền của tôi để nuôi dưỡng nó.
Nói xong cô đứng lên.
- Từ nay, cô cũng không được quyền thờ cúng em tôi.
Nói xong, cô bước tới bàn thờ, lấy tấm khung kính lồng ảnh cha tôi. Tìm một mảnh nilông, cô bọc lại cẩn thận. Sau đó, cô dỡ trong làn những thứ quà đem theo: nào giò, nào chả, nào đường, sữa, nào bánh trái... Tất cả, chất ngồn ngộn trên bàn. Cô Tâm bỏ tấm ảnh của cha tôi vào chiếc làn đã rồng không, bảo:
- Những thứ này của cô mua, đồng tiền của cô, mô hôi nước mắt của cô. Đem cho cháu chứ không cho quân sát nhân đâu nhé...
Tôi không dám trả lời cô, chỉ im lặng gật đầu. Mẹ tôi đã thôi khóc, không ngửng đầu lên, nhưng chắc chắn nghe rõ từng lời của câu nói riết róng ấy. Vừa lúc, tiếng xe Honda nổ ròn trước sân. Cô Tâm nhìn ra.
- Đừng tắt máy. Tôi ra ngay đây.
Cô cầm gói lụa xanh bọc đôi hoa tai trên bàn, bỏ vào túi, rồi bảo tôi.
- Cô cất cho con. Của con không chỉ có đôi hoa tai này. Còn trăm nghìn thứ nữa, Nhưng cô không muốn nó lọt vào tay kẻ khác.
Nói xong, cô bước ra cửa, không chào ai. Người đàn ông đeo kính màu xanh chai giơ tay lên mũ, nheo mắt cười với tôi. Rồi ông ta phóng xe đi. Cô tôi ngồi phía sau, bé nhỏ, gầy gò. Như con nhái bén bám vào quả dưa ếch.
Tôi quay vào. Mẹ ngẩng đầu lên, nhìn tôi. Mắt mẹ mọng nước, xa lạ và hằn thù. Tôi gọi.
- Mẹ...
Nhưng mẹ không trả lời. Bỏ cơm, mẹ gánh gánh hàng ra chợ. Từ hôm ấy, quan hệ giữa chúng tôi trở nên tồi tệ. Tôi không cắt nghĩa nổi vì sao. Tôi đã hết sức cố gắng, hết sức nhường nhịn, nhưng không cứu vãn được. Thoạt tiên, là thái độ lạnh nhạt, xen lẫn mỉa mai. Bữa ăn, tôi dọn ra, mẹ cúi đầu xăm xăm gắp dưa cải. Tôi gắp giò chả bỏ vào bát mẹ, mẹ hất xuống mâm.
- Mời chị. Tôi không dám đụng đũa vào phần người khác.
Tôi van vỉ.
- Mẹ lạ thật. Cô Tâm giận cô nói thế, mẹ để bụng làm gì?
Mẹ cười nhạt.
- Đồng tiền của người ta, mồ hôi nước mắt của người ta, tôi không dám.
Tôi cười xí xóa.
- Mẹ buồn cười thật. Ai mà chấp nê như trẻ con thế. Mẹ ăn con mới ăn.
Mặt mẹ lạnh như tiền, giọng kéo dài ra chế riễu.
- Ấy chết, chị phải tẩm bổ cho khỏe mà học cho thành tài. Người nhà chị nuôi dăm bảy con lợn để chờ ngày chị đỗ trạng nguyên mổ khao làng, khao nước.
Tôi vẫn cười.
- Con chỉ sợ không phải người ta mà chính là mẹ mong con đỗ trạng thôi.
- Không dám. Tôi đâu được quyền xếp hạng với người ta?
Nói xong, một lần nữa, mẹ hất miếng giò tôi bỏ vò bát mẹ xuống mâm. Tôi cố cười.
- Thế mẹ muốn con xếp mẹ vào hạng nào? Con thì con chỉ xếp được mẹ vào hàng lãnh tụ thôi.
- Đừng cho tôi đi tàu bay giấy. Chị đem người khác đặt lên bàn thờ thì hơn.
Dầu sao, tôi cũng chỉ là một cô gái 19 tuổi. Tôi không chịu đựng được thêm. Cơn tức giận bùng nổ. Tôi nói.
- Dù mẹ đẻ ra con, con cũng phải nói sự thật. Chính mẹ sai lầm. Mẹ đã dối trá. Xưa nay, chỉ một lần con nói dối mẹ. Hồi lên bảy, mẹ sai đi mua ba lạng thịt quay. Con đã mua hai lạng rưỡi, bớt tiền để đi thuê truyện. Lần ấy, mẹ đánh con lằn hết hai mông. Con đã đau, con đã nhục, con đã hiểu rằng dối trá là thói xấu và không bao giờ con lập lại.
Mặt mẹ tôi đỏ bừng lên. Hai mắt mẹ đảo lia lịa. Rồi bỗng dưng mẹ quăng đũa xuống, hét.
- Mày bước đi, bước khỏi nhà này... theo bà cô của mày.
Tôi đứng dậy, thu xếp quần áo, buộc lên xe. Mẹ tôi lấy cái bị cói, bỏ tât cả những thứ thực phẩm, quà bánh cô Tâm mua cho tôi vào, treo lên ghiđông, miệng nói.
- Đi đi... bước cho khuất mắt.
Tôi đạp xe vào trường. Hôm ấy là một ngày đẹp trời. Mùa đông chưa qua, nhưng trời đã ấm. Nắng rực rỡ một cách bất thường, như tấm khăn choàng thiếu nữ. Người ta đi phố tưng bừng, vui vẻ. Không ai biết tình cảnh của tôi.
Những Thiên Đường Mù Những Thiên Đường Mù - Dương Thu Hương Những Thiên Đường Mù