Chương 16 - Nguyễn Trường Tộ Với Việc Ngoại Giao
úc ông Nguyễn Trường Tộ bắt đầu viết các bài điều trần để dâng lên Triều Đình, thì tình thế nước ta đã vào bước khó khăn: Vì vua quan ta không chịu mở nước cho người ngoài vào buôn bán, lại còn giết hại những người đi giảng đạo và các con chiên, nên nước Pháp mới dùng binh lực để báo thù. Năm 1856, quân nước Pháp đã đánh phá các đồn lũy ở Đà Nẵng rồi dần dần lấy ba Tỉnh Gia Định, Định Tường và Biện Hòa. Còn ba tỉnh phía Tây cũng như trứng để đầu đẳng.
Đã thế, Triều Đình ta vẫn chưa biết nhân cơ hội mở cửa ngõ cho người ngoài cùng đến buôn bán trong nước, để kết bè bạn với các cường quốc và nhờ người khai hóa cho dân. Việc giao thiệp với nước ngoài thành ra rắc rối. Ông Nguyễn Trường Tộ là người minh mẫn, sáng suốt, trông rõ thấy những điều đáng tránh để tương lại của nước ta không đến nỗi tối tăm. Đã sẵn trí thông minh, quảng bác, ông lại có một cái tài ngoại giao đặc biệt, và một lòng yêu nước cao như non, rộng như bể. Trí ông, tài ông và lòng ông, ông nhiệt thành đem cả ra phụng sự quốc gia trong lúc nguy nan. Vì thế trong các bản điều trần, ông bàn đến rất nhiều về việc ngoại giao, (Ông bàn rất nhiều về vấn đề ngoại giao trong bài luận Thiên hạ đại thế và trong các tờ điều trần ngày 19 tháng 9 năm Tự Đức 19; ngày 23 tháng 9 năm Tự Đức 19; ngày 18 tháng 11 năm Tự Đức 19; ngày 16, 19, 21, 22 tháng 2 năm Tự Đức 21; ngày 15, 20 tháng 3 năm Tự Đức 21; ngày 12, 20 tháng 12 năm Tự Đức 23; ngày 10, 16, 18 tháng 2 năm Tự Đức 24; ngày 29 tháng 4 năm Tự Đức 24; ngày 2 tháng 8 năm Tự Đức thứ 24; ngày 1 tháng 9 năm Tự Đức 24) là việc then chốt của nước ta thời bấy giờ. Tiếc rằng khuôn khổ quyển sách nhỏ này không cho phép tôi nói dài về vấn đề khó nói đó.
Về việc ngoại giao ở thời ấy, điều quan trọng nhất là sự giao thiệp với nước Pháp, sau khi lấy được Thành Gia Định (1859), Trung Tướng Rigault de Genouilly thấy quân Pháp bị bệnh tật khổ sở, mà người Pháp cùng người Anh lại đương mắc đánh nhau với nước Tàu, mới đề nghị giảng hòa với chính phủ Việt Nam. Nhưng trong Triều, người thì bàn hòa, kẻ thì bàn đánh, rút cục không xong việc gì. Đến khi Thiếu Tướng Page sang thay Trung Tướng Rigault de Genouilly, cũng đưa thư bàn việc hòa, chỉ yêu cầu vua quan ta đừng cấm đạo và để cho người Pháp được buôn bán ở các cửa bể; nước Pháp sẽ đặt sứ thần ở Kinh Đô và lĩnh sư ở những nơi có kiều dân Pháp ở. Thực là một dịp hay cho cả hai nước; nhưng khốn thay! Trong Triều lúc bấy giờ không ai hiểu thời thế, nên bỏ lỡ dịp làm bè làm bạn chứ không phải làm thày làm trò.
Ông Nguyễn Trường Tộ trông rõ thời cục, biết rằng sức người mạnh, quân ta yếu, nếu không chủ hòa thì chỉ đem cái họa vào mình và gieo một mối di hận cho hậu sinh. Cho nên khi Kinh Thành Gia Định đã mất rồi, ông có viết một bài điều trần trong có câu: ‘’Hiện nay quân Pháp đã chiếm mất Tỉnh Gia Định và các phủ huyện thuộc tỉnh ấy, họ đã cho đào hào đắp lũy, tỏ ý muốn ở lâu dài, khác nào hổ đã về núi, rồng đã ra bể rồi; nay nếu ta muốn đóng chặt thành, mong quân họ phải chết thì cũng như muốn quét sạch lá rừng hoặc tát cạn nước bể vậy. Lúc này không bàn hòa mà chỉ bàn đánh thì có khác chi muốn cứu lửa mà lại đổ dầu thêm, đã chẳng ích gì, lại còn cho cháy mau thêm nữa. Tôi đã xét rõ sự thế rồi và chỉ cho sự ‘’giao hỏa’’ là thượng sách mà thôi’’. (Điều trần về đại thế thiên hạ và việc giảng hòa không rõ ngày tháng).
Trứng chọi với đá, có dịp giảng hòa là may rồi, nếu không thì sự thất bại sẽ là lẽ tất nhiên. Cứ xem gương các nước láng giềng thì đủ biết: ‘’Nước Trung Hoa địa thế chiếm một phần ba cõi Đông Á, nhân số đến ba trăm sáu muơi triệu, oai thanh lừng lẫy, thế lực đến đâu người ta đều hưởng ứng đến đấy, mọi nơi đều thần phục cả; ấy thế mà từ đời Tiền Minh trở hề sau, người Âu Tây vượt bể đi tới, người Tàu bị thiệt hại nhiều và phải nhiều lần ký hòa ước’’. ‘’Nước Ấn Độ trong năm Càn Long thứ 17 (1752) không chịu nhường cho người Anh một tỉnh thành mà đến nỗi mất cả nước. Nước Diến Điện trong năm Đạo Quang thứ tư (1824) không nhường cho người Anh miếng đất mà phải cắt cho người ta nửa nước; đó chỉ là vì không biết lượng sức người với sức mình, nên mới di hại cho cả nước vậy’’ (Điều trần về Lục lợi, tháng 5 năm Tự Đức thứ 17-1864).
Cho nên chỉ có trước hòa là khôn ngoan hơn cả, hòa để chân chỉnh lài trong nước cho kịp người, hòa để cho người dìu dắt mà đi tới cõi văn minh.
Muốn giúp hòa cuộc cho có kết quả, ông nhận lời thỉnh cầu của người Pháp, vào làm việc cho họ ở Gia Định.
Trong hồi đó, ông hết sức làm cho sự giao thiệp Pháp Nam bớt những sự gay go, hiểm hóc, nhiều lần, trong khi dịch những thu từ đi lại, ông phải đổi những tiếng gắt gao ra những lời trang nhã, để hai bên khỏi mếch lòng nhau: ‘’Trong những giấy tờ đi lại đến trên mười lần hễ thấy những câu có ý khinh mạn bất tốn, tôi đều bỏ đi cả; nếu công văn bên ta có đoạn nào lý thẳng lời ngay, có bổ ích cho việc nước, tôi liền phô diễn thêm vào cho được hoàn toàn rõ rệt, nên chi hòa cuộc tuy là chưa thành mà Nguyên Soái là ông Charner cũng đã lần lần tỏ thái độ ôn hòa có ý muốn bớt số bạc bồi thường và nhường bớt số đất đã chiếm’’ (Bài trần tình ngày 20 tháng 3 năm Tự Đức thứ 16-1863).
Nhưng đến khi Thiếu Tướng Bonard sang thay cho Trung Tướng Charner (1861), ông biết hòa cuộc khó thành, nên xin từ chức. Trước hồi đó, viết thư cho một người bạn Trung Hoa, ông có làm hai câu thơ để tỏ ý u hoài:
Ký thân Tào thị Từ Nguyên Trực,
Bất đế Doanh Tần Lỗ Trọng Liên.
Xin tạm dịch:
Từ Công dù có theo Tào thị.
Chẳng khuất Vua Tần, chí Trọng Liên.
Đến lúc ba tỉnh phía Đông đã không chuộc được, lại còn mất thêm ba tỉnh phía Tây, hòa cuộc một ngày một khó thực hành. Tuy thế ông Nguyễn Trường Tộ vẫn không thất vọng. Mãi đến năm 1871, mấy tháng trước khi ông từ trần, ông còn lo cách ứng phó để cầu hòa. Nhân thấy bên Pháp vì trận Pháp-Phổ chiến tranh mà thay đổi chính thể, ông muốn Triều Đình nắm lấy dịp ấy mà giảng hòa. Ông viết: ‘’Nếu ta mở tất cả cửa bể cho người Pháp thông thương thì rồi có thể xin họ trả đất đai lại cho được’’ (Ngày 10 tháng 2 năm Tự Đức thứ 24-1871).
Khi đã giao hảo với người Pháp rồi, thì sẽ tìm cách giao thiệp với các cường quốc khác, để làm bè bạn với nhiều người và để mọi người đều được đến tự do buôn bán trong nước. Khi họ đã có lời thì họ sẽ che chở cho mình và dạy dỗ mình cho có thể cùng họ bước lên đài văn minh được. Ông khuyên Triều Đình nên trước hết giao thiệp với nước Anh vì nước đó là một cường quốc có nhiều quyền lợi ở Á Đông; sau đến nước ấy nói chuyện với ông thì người Tây Ban Nha rất có cảm tình với người Việt Nam. (Điều trần ngày 26 tháng 9 năm Tự Đức thứ 19-1866).
Ông cũng mong nhà vua thân thiện cả với Giáo Hoàng nữa: ‘’Giáo Hoàng tuy trong tay không có binh quyền, nhưng các nước đều ngưỡng vọng vào quyền xử đoán khúc trực của ngài. Nếu ngài cho sự giúp là phải, thì mọi nước vui lòng giúp ta cả’’.
Sự giao thông với các cường quốc là một sự cần thiết đệ nhất ờ cuối Thế Kỷ thứ 19, nên ở chung quanh ta, các nước đều biết mở cửa ra đòn người vào làm bè bạn cả:
‘’Nước Trung Hoa ở Triều Minh vì phong tỏa các cửa bể nên bị người Âu đến đánh cho mấy trận kinh hồn. Nhưng tự Triều Thanh người Tàu, đã biết nhờ người Âu giúp đỡ để giẹp nội loạn; thuê người Âu lập xưởng máy, dạy trí xảo, chế đồ đạc, đóng tầu bè, mướn người Âu làm quan, để thay họ đi sắm các khí cụ; lại đặt đại sứ ở các nơi, phái sứ thần đi các nước lớn, để mưu các chước ‘’liên hiệp dọc ngang’’...Nước ta từ xưa việc gì cũng bắt theo Trung Quốc, sao việc giao thông với các cường quốc lại khinh thị như chưa hề nghe thấy?’’ (Điều trần ngày 20 tháng 2 năm Tự Đức thứ 19-1871)
Còn Nhật Bản thì từ giữa đời Minh họ đã giao thiệp với Hà Lan và Bồ Đào Nha, lại có người Mỹ giúp cho để mở đường văn minh, rộng thêm chí hướng; tự đó họ lại đóng thuyền học võ, mở mang công thương càng ngày càng thịnh vượng, đến nỗi người ta phải tặng cho cái hiệu là ‘’Tiểu Tây’’ mà Trung Hoa cũng không bắt thần phục được nữa.
Đến như nước Xiêm bên cạnh, thì năm 1867, trong tập ‘’tế cấp bát điều’’, ông Nguyễn Trường Tộ còn khinh là một nước vô phúc, không thể sánh được với nước ta, thế mà đến năm 1871, trong bài điều trần về sự ích lợi của việc giao thông, ông phải khen rằng: ‘’Nước Xiêm La trước kia chẳng có gì là cường thịnh, thế mà từ khi người Âu đến đánh thức, họ liền tỉnh ngộ, mới hai nước Anh, Pháp về làm bạn, và hai nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha về làm khách, để các nước đến buôn bán tự do, nghiễm nhiên là chủ nhân ông, khiến nước thì làm khách, nước thì làm bạn, ai nấy đều xưng họ là Đông Đạo chủ nhân’’.
Ấy đấy những gương sáng bầy ngay bên cạnh, sao ta không biết trông đó mà noi theo?
Nguyễn Trường Tộ Nguyễn Trường Tộ - Nguyễn Lân Nguyễn Trường Tộ