Chương 17: Những Người Cha Và Những Người Mẹ
ôi lưu trữ hồ sơ Bùi vào hồ sơ “Nhập tịch” trong máy tính của tôi. Tôi không mở nó ra nữa. Tôi không thắc mắc gì. Tôi tiếp tục say mê tìm hiểu về các gia đình di dân khác. Lần nào tôi cũng ngạc nhiên về sự có mặt khắp nơi của những người cha trong các hồ sơ hành chính, trong khi đó những người mẹ chỉ là những cái bóng thoáng qua, vài dòng bất ngờ trong một trang: “Vợ đi kèm”, thậm chí vợ “xin phục hồi quốc tịch Pháp”. Cho tới năm 1945, phụ nữ Pháp bị mất quốc tịch khi cưới một “người ngoại quốc”! Luật pháp theo chế độ phụ hệ và những người cha di dân là những người duy nhất mà sự tồn tại được lưu trữ trong lý lịch nhân sự. Còn các bà vợ của họ thì biến mất.
Cha của chúng tôi cũng không ngoại lệ. Mẹ tôi, “vợ nguyên đơn”, lướt qua như một bóng ma. Giữa hai vợ chồng thì mẹ là người đến Pháp sau, cho tới lúc đó là mới gần ba năm. Người ta tưởng tượng là mẹ bị xóa nhòa, hoảng hốt, sợ sệt, bám chặt lấy tay chồng, người quen thuộc quê hương mới này, người hướng dẫn mọi thứ cho mẹ.
Nhưng ở nhà chúng tôi, hiện thực lại khác hẳn. Mẹ tôi, người nói tiếng Pháp rất giỏi, đã nắm giữ vũ khí của ngôn ngữ và thường phát biểu thay cha tôi. Tôi luôn thấy cha tôi như một cái bóng, một vệ tinh xoay xung quanh mẹ tôi, vì tinh tú của cả nhà. Mẹ tôi và những bay bổng rồ dại. Mẹ tôi có mặt khắp nơi, sở hữu, độc đoán. Mẹ tôi, một phiên bản Á châu của Lời hứa trước bình minh. Mỗi khi đọc lại cuốn truyện này, tôi lại thấy mẹ trong hình hài của Mina đang cố biến cậu bé Romain thành vô địch tennis rồi nhạc sĩ vĩ cầm điêu luyện (chỉ khác là em trai của con, nó RẤT có năng khiếu). Và khi tôi tập dương cầm, mẹ tôi trở thành một người yêu nhạc thật sự, đứng lên bật bản ballade số 1 của Chopin chơi bởi Claudio Arrau và ra rả bảo tôi: “Con phải chơi như thế này! Tình cảm lên! Con chưa đặt đủ tình cảm vào bản nhạc!”. Mẹ lôi cha đến những buổi trình diễn của chúng tôi, và mỗi năm một lần, tới một buổi hòa nhạc cổ điển. “Vì con cái”, mẹ tuyên bố, một cách kiên quyết. Cha ngủ gật đôi khi, cha luôn bị mệt rũ. Cha mẹ tôi mỗi người có cách riêng để thể hiện sự tự hào của mình về con cái. Cha tôi thường im lặng, chưa bao giờ cha mở miệng bình luận về bất cứ bài viết nào của tôi. Mẹ tôi thì bồng bột, mẹ đọc tất cả và thổ lộ: “Không đủ chất THƠ!!! Con phải cho ÂM NHẠC vào chữ nghĩa của con! TẺ lắm!”
Tha hương làm tan nát những người cha. Ở Việt Nam, họ lưu truyền việc thờ cúng tổ tiên. Họ ra trận để bảo vệ đất đai và tài sản của mình, kể những câu chuyện, những câu chuyện lớn lao mà con cháu sau này vẫn nhớ mãi. Trên mảnh đất của họ, trong gia đình của họ, họ gợi lòng tự hào, họ là chúa tể của thiên mệnh. Pagnol nói tới vinh quang của cha mình, nhưng trong tha hương, một người cha đâu còn có vinh quang. Ông đã bị cắt cánh, như con hải âu của Beaudelaire. Ông gục xuống, chẳng còn là gì nữa. Và khi ông vùng dậy, ông trở thành kẻ đánh nhau với cối xay gió: Người ta không hiểu ông, người ta nhìn ông như kiểu bề trên. Sau một ngày lao động mệt nhoài, ông trở về như một người xa lạ trong chính ngôi nhà của mình, không còn kể chuyện được cho các con, chúng không hiểu ngôn ngữ của ông nữa, và ông luôn luôn về nhà quá muộn để có thể kể cho chúng bất cứ điều gì. Vợ ông trìu mến ông, chăm sóc cơm nước cho ông, các con ông tôn trọng ông, trả lời ông không hề láo lếu, nhưng chúng đã bước sang phía bên kia. Chúng đã phản bội ông.
Người ta yêu cầu ông hội nhập: từ bỏ con người trước đây của ông. Ông là vị vua bị truất ngôi quay tròn như một con vật nhốt trong cũi. Ông là tù nhân của quá khứ chính mình. Ông nhấm nháp chất lỏng chua cay của hoài cổ đang chảy trong huyết quản. Ông hồi tưởng khôn nguôi về sự thất bại. Ông không mở miệng nói năng gì. Thỉnh thoảng ẩn mình vào vị nồng ấm ngọt ngào của rượu, loại rượu vang rẻ tiền, cho ông ảo giác được quay về làm vua một lần nữa: Ông cười to, nói to, ông, người từ trước đến giờ vẫn có thói quen im lặng, trong một khoảnh khắc, ông có thể quên đi thân phận di dân. Lúc nào có điều kiện là ông trốn khỏi nhà, đi tụ tập bạn bè ở quán karaoke, cà phê, hay bất cứ chỗ nào, nơi mà tất cả những người đàn ông di dân được củng cố niềm tin về bản thân, tin vào sức mạnh của mình và hồi nhớ những kỷ niệm vinh quang. Một mình ở thành phố Le Mans, cha tôi không có được sự tiếp sức đó: Gặp lại các đồng hương để nói về quá khứ, cái quá khứ đã không thể tìm được vị trí dưới mái nhà của chính ông.
Ngược lại, tha hương kích thích những người mẹ. Họ lao vào cuộc chiến mới với sự bạo tàn, hung hăng và say sưa. Họ chỉ còn sống vì con cái. Họ cóc cần biết con cái có tự hào về họ hay không, họ sẽ tự hào hộ tất cả chúng nó. Họ không từ bỏ những giấc mơ của mình, những giấc mơ còn tham vọng hơn, điên khùng hơn, cao hơn cả các vì sao: Con sẽ là bác sĩ giải phẫu và sẽ ghép những trái tim người; con sẽ là nhà thiên văn học và khám phá ra các hành tinh khác; con sẽ là nhạc sĩ vĩ cầm tài danh, vận động viên thế vận hội, đại sứ, Bill Gates hay Steve Jobs; con sẽ phát minh ra thuốc chữa sida; con sẽ đoạt giải Goncourt, Nobel, Chủ tịch Liên Hợp Quốc, Tổng thống Hoa Kỳ, và tên họ của chúng ta sẽ rực sáng, và chúng ta sẽ nhận huân chương trong vòng vây camera của CNN, chúng ta sẽ bơi trong tiếng hoan hô cuồng loạn của đám đông. Ðể đoạt được thắng lợi trong cuộc chiến mới, những người mẹ sẵn sàng hy sinh tất cả. Họ dành cho con cái những điều tốt đẹp nhất: sách vở, dương cầm, tennis, như trẻ con người Pháp. Thậm chí họ còn đến tán chuyện với các bà mẹ Pháp để hội nhập vào xã hội này bởi nhất định phải hội nhập, còn cái gì mà người ta không thể làm cho con mình cơ chứ? “Mẹ ấy à, mẹ có thể giết cả người vì các con”, mẹ tôi nói. Sự hung tợn trong cái nhìn của mẹ khiến chúng tôi phải dè chừng: Mẹ nói nghiêm chỉnh chứ không đùa.
Người Cha Im Lặng Người Cha Im Lặng - Doan Bui Người Cha Im Lặng