Ngỡ Đã Là Yêu epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 15: Chỉ Có Hai Khoảnh Khắc Cùng Cực Trong Cơn Điên Giận Của Con Người. Khoảnh Khắc Người Ta Nhận Ra Mình Bất Lực Và Khoảnh Khắc Người Ta Ý Thức Được Tính Dễ Tổn Thương Của Người Khác.
húng nhốt tôi trong một cái hầm tối thui, không cửa sổ cũng chẳng có gì chiếu sáng.
- Ở đây thì chẳng lấy gì làm tiện nghi đâu, - gã đàn ông mặc vest lính dù nói, - nhưng dịch vụ thì miễn chê đấy. Đừng có giở trò ranh mãnh gì bởi mày chẳng có cơ may trốn thoát nào hết. Nếu chuyện này chỉ do mình tao đảm trách, thì mày đã nếm mùi khốn khổ rồi. Nhưng rủi thay, tao thuộc về một tổ chức, và tổ chức đó không phải lúc nào cũng đồng cảm với tao.
Tim tôi suýt ngừng đập khi hắn sập cánh cửa lại sau lưng hắn.
Tôi ngồi bó gối và không nhúc nhích nữa.
Ngày hôm sau, chúng đến áp giải tôi. Tay bị còng, đầu bị nhét trong một cái túi và miệng bị tống giẻ, lại lần nữa tôi bị quẳng vào cốp ô tô. Sau một chặng đường dài gập ghềnh, tôi bị ném xuống đất. Chúng bắt tôi quỳ gối và kéo chiếc túi ra khỏi đầu tôi. Điều đầu tiên đập vào mắt tôi là một hòn đá to vấy máu đông thành cục và lỗ chỗ vết đạn. Ở chốn này, cái chết xông mùi nồng nặc. Hẳn chúng đã xử tử không ít người ở đây. Ai đó gí nòng súng vào thái dương tôi. “Tao hiểu là mày không biết qaâba ở đâu, - gã nói, - nhưng lên tiếng cầu nguyện thì bao giờ cũng tốt cả.” Vết thương do kim loại giày vò khắp mình mẩy tôi. Tôi không sợ, nhưng cũng run rẩy đến mức răng va lập cập vào nhau tới độ vỡ vụn. Tôi nhắm mắt lại, cố gom hết chút danh dự còn sót trong mình và chờ chúng kết liễu đời tôi... Đúng phút lâm chung thì có tiếng máy bộ đàm rè rè cứu tôi; chúng ra lệnh cho đám đao phủ hoãn việc làm bẩn thỉu này lại và đưa tôi trở lại chỗ lúc trước đã giam giữ tôi.
Lại một lần nữa bóng tối bao trùm lấy tôi, có điều là lần này tôi đơn độc trên đời, không người canh giữ cũng không nhớ nhung hồi ức, ngoài nỗi hãi hùng ghê rợn quặn thắt tâm can và vết nòng súng còn in hằn bên thái dương...
Ngày kế tiếp, chúng lại tới bắt tôi. Sau chặng đường đi, tôi lại phải đối diện cũng với hòn đá vấy bẩn khổng lồ ấy, quang cảnh ấy, tiếng bộ đàm lạo xạo ấy; tôi hiểu rằng đây chỉ là một vụ giả xử tử tầm thường, chúng đang cố buộc tôi phải nhượng bộ.
Rồi không ai quay lại phiền tôi nữa.
Vậy là sáu ngày sáu đêm, tôi bị giam cầm trong một cái ổ chuột hôi thối, bị lũ gián bọ vây quanh, phải sống qua ngày bằng xúp nguội và mài xương sống trên một cái giường tồi tàn cứng đanh như bia mộ!
Tôi đã chờ những cuộc hỏi cung bạo lực, chờ những vụ tra tấn và mọi chuyện kiểu như vậy, nhưng không gì xảy ra cả. Những thằng bé quá khích, giơ những khẩu súng tiểu liên ra như chiến lợi phẩm, chịu trách nhiệm giám sát tôi. Mỗi ngày một lần, vào một giờ ngẫu nhiên, chúng mang đồ ăn đến cho tôi mà không nói năng gì, hoàn toàn lờ tịt tôi đi.
Ngày thứ bảy, một tên chỉ huy được hộ tống cẩn thận đến căn hầm thăm tôi. Đó là một gã trai khoảng độ ba mươi tuổi, rất mảnh mai, khuôn mặt mỏng quẹt rám nắng và đôi mắt trắng dã. Hắn mặc bộ quân phục bạc màu và đeo một khẩu AK-47 chéo qua vai.
Hắn đợi tôi đứng lên, tuồn một khẩu súng lục vào tay tôi và lùi lại hai bước.
- Nó đã được nạp đạn, bác sĩ ạ. Hạ tôi đi.
Tôi đặt khẩu súng ngắn đó xuống đất.
- Hạ tôi đi, đó là quyền của ông. Sau đó, ông có thể về nhà mình và quên hẳn quá khứ. Không ai ở đây dám động tới dù chỉ một sợi tóc của ông nữa.
Hắn lại gần, đặt lại khẩu súng lục vào tay tôi.
Tôi từ chối cầm khẩu súng.
- Chối bỏ quân dịch sao? - hắn hỏi.
- Bác sĩ phẫu thuật, - tôi đáp lời.
Hắn nhún vai, nhét khẩu súng lục vào thắt lưng rồi bày tỏ:
- Tôi không biết liệu có phải tôi đã thành công không, bác sĩ ạ, nhưng tôi từng muốn ông phải tự mình kinh qua nỗi căm hờn đang gặm mòn chúng tôi. Tôi đã yêu cầu làm một bản tường trình cặn kẽ về ông. Người ta nói rằng ông là một người tốt, một nhà nhân đạo vĩ đại và ông không có bất kỳ lý do nào để mong muốn điều ác cho người khác. Vì thế với tôi, thật khó để lý giải nếu không khai trừ ông ra khỏi giai tầng xã hội của ông và kéo ông vào chốn đày ải. Giờ thì ông đã trực tiếp trải qua những điều khốn kiếp mà ông từng tránh được nhờ thành công nghề nghiệp, nên tôi cũng có cơ hội được ông thấu hiểu hơn. Cuộc sống dạy tôi rằng con người có thể sống được nhờ tình yêu và nước lã, nhờ những mẩu vụn bánh mì và những lời hẹn biển thề non, nhưng người ta lại chẳng bao giờ hoàn toàn sống nổi trước những sự lăng nhục. Và từ khi có mặt trên cõi đời này tôi chỉ biết có thế. Hàng sáng. Hàng đêm. Tôi chỉ thấy có thế, suốt đời tôi.
Hắn dùng tay khẽ phác một cử chỉ. Một tên cảnh vệ quẳng một cái túi xuống chân tôi.
- Tôi mang quần áo mới đến cho ông. Tôi mua chúng bằng tiền túi của tôi.
Tôi không thể hiểu nổi hắn.
- Ông được tự do, bác sĩ ạ. Ông muốn gặp Adel. Anh ta đang đợi ông ngoài kia, trong một chiếc ô tô. Người ông họ của ông muốn đón ông ở nhà trưởng tộc. Nếu ông không muốn gặp lại ông ấy thì cũng chẳng sao. Chúng tôi sẽ cho ông ấy hay là ông gặp chút trở ngại. Chúng tôi đã chuẩn bị nước tắm cho ông, và một bữa ăn cải thiện, nếu ông đồng ý.
Tôi vẫn cảnh giác, đứng bất động.
Tên chỉ huy ngồi sụp xuống, mở cái túi ra chỉ cho tôi quần áo và một đôi giày mới để chứng tỏ thiện ý của mình.
- Ông đã sống thế nào suốt sáu ngày dưới cái hầm hôi hám này? - hắn vừa đứng dậy vừa hỏi, tay chống nạnh. - Tôi mạn phép hy vọng ông đã học được cách căm thù. Nếu không, kinh nghiệm này chẳng có gì hữu ích cả. Tôi giam ông ở đây để ông nếm mùi căm hận, và khát khao được căm hận. Tôi không hạ nhục ông lấy lệ đâu. Tôi không thích hạ nhục. Tôi từng bị hạ nhục, và tôi hiểu bị hạ nhục là thế nào. Lòng tự ái bị động chạm có thể dẫn đến mọi thảm kịch. Nhất là khi ta nhận ra không có cách nào bảo vệ danh dự, nhận ra ta bất lực. Tôi tin rằng nơi dạy căm hận tốt nhất chính là chỗ này. Ta thực sự học được cách căm hận đúng vào khoảnh khắc nhận thức được sự bất lực của bản thân. Đó là thời điểm bi thảm; thời điểm tàn khốc nhất và tồi tệ nhất.
Hắn túm vai tôi vẻ khiêu khích.
- Tôi muốn ông hiểu tại sao chúng tôi đứng lên cầm vũ khí, bác sĩ Jaafari ạ, tại sao lại có những thằng bé nhảy lên xe tăng như lao vào ăn kẹo, tại sao các nghĩa địa của chúng tôi quá tải, tại sao tôi muốn chết trong khi chiến đấu... tại sao vợ ông lại tự nguyện nổ tung giữa một nhà hàng. Bị hạ nhục còn tồi tệ hơn cả tai biến ấy. Đó là nỗi bất hạnh không gì sánh được, bác sĩ ạ. Nó khiến ông hết ham sống. Và chừng nào ông còn chưa dâng hiến linh hồn mình, thì chừng đó ông chỉ có duy nhất một ý nghĩ trong đầu: làm sao để chết thật xứng đáng sau khi đã sống khốn khổ, mù quáng và trần trụi?
Hắn nhận ra những ngón tay của mình làm tôi đau nên rút tay lại.
- Chẳng ai gia nhập quân đội của chúng tôi để mua vui cả, bác sĩ ạ. Tất cả những cậu bé mà ông đã gặp, đứa cầm theo ná cao su, đứa mang súng bắn rốc két, tất cả đều căm ghét chiến tranh vì đó là điều không thể chấp nhận được. Bởi ngày nào cũng vậy, một trong số bọn chúng lại bị làn đạn kẻ thù cướp đi mạng sống giữa lúc đương tuổi hoa. Bản thân chúng cũng muốn có được một vị thế xã hội khả kính, cũng muốn được làm bác sĩ phẫu thuật, ngôi sao ca nhạc, diễn viên điện ảnh, được lái những chiếc ô tô đẹp đẽ và đêm đêm thưởng ngoạn trăng sao. Vấn đề là giấc mơ ấy của chúng bị chối từ, bác sĩ ạ. Người ta tìm cách cô lập chúng trong những trại tị nạn cho đến khi chúng trở nên hoàn toàn nhạt nhòa. Vì thế mà chúng muốn thà chết còn hơn. Khi mơ ước bị đoạn tuyệt, thì cái chết trở thành lối thoát duy nhất... Sihem hiểu điều này, bác sĩ ạ. Ông phải tôn trọng lựa chọn của bà ấy và để bà ấy yên nghỉ.
Trước khi đi ra, hắn nói thêm:
- Chỉ có hai khoảnh khắc cùng cực trong cơn điên giận của con người. Khoảnh khắc người ta nhận ra mình bất lực và khoảnh khắc người ta ý thức được tính dễ tổn thương của người khác. Vấn đề là biết chấp nhận cơn điên giận của mình, bác sĩ ạ, hoặc là chịu đựng nó.
Nói tới đây, hắn quay gót bỏ đi, đám tùy tùng theo sau.
Tôi đứng như trời trồng giữa phòng giam, đối diện với cánh cửa lớn mở ra khoảng sân trong ngập ánh sáng. Những tia nắng mặt trời nhảy nhót đến tận trí não tôi. Tôi nghe tiếng nhiều chiếc ô tô khởi động, rồi im lặng bao trùm. Tôi ngỡ mình đang mơ, không dám tự cấu vào mình nữa. Liệu đây có phải một trò vờ vĩnh khác không?
Một dáng người hiện ra bên khung cửa. Tôi nhận ra ngay lập tức; béo lùn, mập phị, vai xuôi, hai chân ngắn choẳn và hơi vòng kiềng - đó chính là Adel. Tôi không biết vì sao khi thấy nó lại gần mình trong bóng tối, tôi lại khóc òa nức nở, cả cơ thể rung lên.
- Ammou? - nó nói, giọng run rẩy.
Nó tiến về phía tôi, từng bước nhỏ, như thể nó đang dấn thân vào hang gấu.
- Cậu ơi? Cháu đây, Adel đây mà... Họ nói với cháu là cậu tìm cháu. Nên cháu tới đây.
- Mất thời gian của cháu quá.
- Cháu không ở Janin. Tối qua Zakaria mới ra lệnh cho cháu về. Cháu tới cách đây chưa đầy một giờ. Cháu không biết là để gặp cậu. Chuyện gì xảy ra vậy, ammou?
- Đừng có gọi tao là cậu. Mọi thứ đã thay đổi từ khi tao đón tiếp mày ở nhà tao và coi mày như con trai tao.
- Cháu hiểu, - nó vừa nói vừa cúi đầu.
- Mày, một thằng chưa đầy hai mươi lăm tuổi, thì có thể hiểu gì chứ? Nhìn xem mày đẩy tao vào tình thế nào đây.
- Cháu chẳng làm gì được. Không ai làm gì được. Cháu không muốn cô tự nổ mình như vậy, nhưng cô đã kiên quyết làm. Ngay cả imam Marwan cũng không thuyết phục được cô. Cô nói rằng cô là người Palestine đích thực và cô không hiểu tại sao cô lại phải để người khác làm cái việc cô phải làm. Cháu thề với cậu là cô không muốn nghe gì hết. Bọn cháu đã bảo với cô là cô sống còn hữu ích hơn chết. Cô giúp bọn cháu rất nhiều ở Tel-Aviv. Những cuộc họp quan trọng của bọn cháu đều diễn ra ở nhà cậu. Chúng cháu cải trang thành thợ sửa ống nước hay thợ điện, chúng cháu mang theo đồ nghề và đi trên những chiếc xe chuyên dụng để không gây nghi ngờ. Sihem để chúng cháu sử dụng tài khoản của cô ở ngân hàng; chúng cháu rót tiền vào tài khoản đó để phục vụ Sự nghiệp. Cô là mắt xích quan trọng của chúng cháu ở Tel-Aviv...
- Còn Nazareth...
- Vâng, cả Nazareth nữa, - nó nói không chút bối rối.
- Ở Nazareth, các người tổ chức họp ở đâu?
- Ở Nazareth không có họp hành. Cháu gặp cô ở đó để đi quyên góp. Mỗi lần chúng cháu đến gặp các nhà tài trợ xong, thì Sihem là người chịu trách nhiệm mang tiền về tận Tel-Aviv.
- Thế thôi sao?
- Thế thôi ạ.
- Thật chứ?
- Là sao ạ?...
- Thực chất quan hệ giữa các người là gì?
- Chiến hữu...
- Chỉ chiến hữu thôi sao... Sự nghiệp quả là chỗ dựa tốt.
Adel gãi đầu. Không hiểu nó lúng túng hay tuyệt vọng. Ánh sáng phía sau nó khiến tôi không đọc được vẻ mặt của nó.
- Abbas không nghĩ như vậy, - tôi nói.
- Đó là ai ạ?
- Chú Sihem. Lúc ở Kafr Kanna chính ông ta đã muốn đập mày vỡ sọ bằng mấy nhát cuốc.
- À! lão điên.
- Ông ấy không điên đâu. Ông ấy biết rõ những gì ông ấy làm và những gì ông ấy nói... Ông ấy đã thấy các người chui lủi sau những bức tường ở Nazareth.
- Thế thì sao ạ?
- Ông ấy khẳng định có những dấu hiệu không thể nhầm lẫn được.
Vào lúc này, tôi mặc xác chiến tranh, mặc xác những sự nghiệp chính nghĩa, mặc trời mặc đất, mặc những kẻ tử vì đạo và những kỳ tích của họ. Thật kỳ diệu nếu tôi vẫn đứng vững được. Tim tôi đập điên loạn trong lồng ngực, ruột gan ngập ngụa trong thứ chất ăn mòn hủy diệt chúng đến thối rữa. Tôi nói trước cả khi cảm thấy sợ hãi, ngôn từ bật ra từ sâu thẳm lòng tôi như những tàn lửa từ một vụ hỏa hoạn. Tôi sợ mỗi từ tôi nói, sợ nó quay lại đập vào tôi như chiếc boomerang, mang theo những thứ có thể hủy diệt tôi tức khắc. Thế nhưng mong muốn tường tận mọi chuyện mạnh hơn hết thảy. Có thể nói rằng tôi đang chơi trò tự vẫn, rằng số phận chẳng còn nghĩa lý gì với tôi bởi thời điểm biết sự thật chỉ đến với chúng ta một lần. Tôi không cần biết từ lúc nào Sihem đắm mình trong hoạt động quân sự cảm tử, tôi không cần biết liệu tôi có lỗi gì không, liệu tôi có dự phần vào cái chết của nàng bằng cách này hay cách khác không. Những chuyện đó bị xếp vào hàng thứ yếu. Điều tôi muốn biết trước tiên, điều tôi cho là quan trọng nhất thế giới lúc này, là liệu Sihem có lừa dối tôi không.
Cuối cùng Adel bước lại gần tôi. Nó rất bực bội.
- Cậu định ám chỉ gì chứ? - nó uất lên... - Không, không thể thế được. Chúng ta đang bàn đến cái gì vậy?... Cậu bóng gió là... Không phải đâu! Sao cậu lại dám nghĩ thế chứ?
- Cô ta giấu giếm tao những gì cô ta gây ra tài lắm.
- Đó là chuyện khác.
- Cũng thế cả thôi. Nói dối nghĩa là lừa dối.
- Cô không nói dối cậu. Cháu cấm cậu...
- Mày, mày dám cấm tao...
- Phải, cháu cấm cậu, - nó gào hét rồi bật lên như cái lò xo. - Cháu không cho phép cậu bôi nhọ cô. Sihem là một phụ nữ sùng đạo. Và người ta không thể lừa dối chồng mình mà không báng bổ Đấng Tối cao. Chuyện đó chẳng có nghĩa lý gì cả. Khi người ta đã chọn dâng hiến đời mình cho Đấng Tối cao, thì đó là vì người ta từ bỏ mọi điều trong cuộc sống, mọi điều ở chốn hạ giới này, không trừ điều gì cả. Sihem là một nữ thánh. Một thiên thần. Hẳn là cháu sẽ mắc tội chỉ vì ngắm nhìn cô quá lâu.
Và tôi tin điều đó, lạy Đức Allah! tôi tin điều đó. Lời nó nói cứu tôi thoát khỏi những mối ngờ vực, những nỗi khổ đau, khỏi chính bản thân tôi; tôi uống lấy từng lời, đắm mình hoàn toàn trong đó. Trên bầu trời của tôi, những áng mây đen biến đi nhanh đến chóng mặt để nhường chỗ cho vẻ quang đãng. Một luồng khí mát tắm đẫm trong tôi, xua đi cái mùi bấy lâu nay vẫn nồng nặc trong tôi, trả lại cho máu huyết tôi mùi dễ chịu hơn, vẻ tươi sáng hơn. Lạy Đức Allah! Tôi vô sự; khi mà giờ đây tôi lại mang sự cứu rỗi của nhân loại đến cứu rỗi con người bé nhỏ trong mình, giờ đây danh dự của tôi đã được bảo toàn, tôi không còn thấy những u uẩn và giận dữ đâu nữa và tôi gần như sẵn sàng bỏ qua mọi chuyện. Mắt tôi ầng ậc nước, nhưng tôi không để những giọt nước mắt làm hỏng giây phút này, giây phút mơ hồ khi tôi đã làm hòa được với chính mình, giây phút tìm lại bản thân mà chỉ mình tôi hân hoan chào đón đâu đó trong sâu thẳm tâm can. Nhưng những cảm xúc ấy quá mạnh đối với một người đàn ông đã quá tiều tụy; chân tôi khuỵu xuống, tôi ngã nhào vào chiếc giường ọp ẹp, hai tay ôm lấy đầu.
Tôi chưa sẵn sàng để bước ra khoảng sân trong. Còn quá sớm đối với tôi. Tôi muốn ở lại phòng giam thêm một chút, để có thời gian trấn tĩnh lại, để lấy lại thăng bằng giữa một loạt những điều tiết lộ lộn xộn này. Adel ngồi cạnh tôi. Tay nó ngập ngừng hồi lâu rồi mới vòng qua cổ tôi; hành động khiến tôi ghê người, rùng mình, nhưng tôi không từ chối. Đó là do hối hận hay thương hại? Dù là trường hợp nào thì cũng không phải thứ tôi chờ đợi. Liệu tôi có nên chờ đợi ở một người đàn ông như Adel một điều gì đó? Chuyện đó hẳn sẽ khiến tôi ngạc nhiên. Chúng tôi có quan niệm tuyệt đối khác nhau về những gì chúng tôi phải trông đợi ở nhau. Với nó, thiên đường là lúc con người đi hết cuộc đời mình; còn với tôi, thiên đường ở trong tầm tay con người. Với nó Sihem là một thiên thần. Còn với tôi, nàng là vợ của tôi. Với nó, các thiên thần bất tử; còn với tôi, họ chết vì sự xúc phạm của chúng ta... Không, thật khó nếu chúng tôi phải nói với nhau điều gì đó. Việc nó cảm nhận được nỗi đau của tôi đã là may mắn lắm rồi. Những tiếng nức nở của nó rung lên đến tận sâu thẳm tâm can tôi. Không nhận thức nổi, không giải thích nổi, bàn tay tôi thoát khỏi sự kiểm soát của tôi và vỗ về tay nó... Rồi chúng tôi nói chuyện, nói chuyện, nói chuyện như thể chúng tôi tìm cách xua tà ma ra khỏi từng sợi tế bào trong cơ thể mình. Adel đến Tel-Aviv không phải để làm ăn, mà để cung cấp tài chính cho mạng lưới địa phương của Intifada. Nó lợi dụng danh tiếng và tính hiếu khách của tôi để thoát khỏi mọi ngờ vực. Sihem chỉ ngẫu nhiên phát hiện ra một cái cặp giấu dưới gầm giường. Tài liệu và một khẩu súng lục từ đó rơi ra. Ngay lập tức Adel hiểu rằng nơi trú ẩn của nó vừa bị lộ. Nó đã nghĩ đến chuyện phát tín hiệu cảnh báo và chuồn đi mất hút. Thậm chí nó còn nghĩ cả đến chuyện giết người diệt hậu. Nó còn đang mải tìm cách dựng lên chuyện Sihem bị tai nạn mà chết thì nàng bước vào phòng mang theo một nắm tiền. “Dành cho Sự nghiệp,” nàng nói vậy. Phải mất nhiều tháng Adel mới chịu tin tưởng nàng. Sihem muốn cùng nó tham gia cách mạng đến cùng. Nàng đã được thử thách trong ngục khám, và nàng đã khiến mọi người tin tưởng. Sao cô ấy không nói gì với cậu? Nói với cậu điều gì được ạ? Cô không thể nói gì với cậu được, cô không có quyền nói. Cô lại càng không muốn ai đó cản đường mình. Vả lại đó là những cam kết không được nói ra. Người ta không thể rêu rao những lời thề nguyện được tuân thủ trong im lặng tuyệt đối. Cha mẹ cháu tin là cháu đi làm ăn. Cả hai đều mong cháu làm giàu để trả thù cho sự nghèo khó của họ. Họ không biết gì về những hoạt động chiến đấu của cháu. Nhưng bản thân họ cũng là những chiến sĩ. Hẳn là họ sẽ chẳng ngại gì mà không dâng hiến mạng sống của mình cho Palestine... nhưng không phải hy sinh con cái họ. Chuyện đó không bình thường. Con cái là những người nối dõi cho cha ông họ, là chút ít hy vọng được bất tử của họ... Hẳn là họ sẽ không thể nguôi ngoai nếu biết cháu chết. Cháu ý thức rất rõ nỗi đau vô bờ mà cháu sẽ gây ra cho họ, nhưng đó sẽ chỉ là một nỗi đau trong số hàng loạt những nỗi đau khác. Cùng thời gian, họ sẽ lãng quên nó và tha thứ cho cháu. Không phải chỉ những người khác mới có phận sự hy sinh. Nếu chúng ta chấp nhận chuyện con cái của những người khác chết vì con cái của chúng ta thì chúng ta cũng phải chấp nhận cho con cái của chúng ta chết vì con cái của những người khác, nếu không, sẽ thật thiếu công bằng. Và đây chính là điều cậu không hiểu, ammou ạ. Trước tiên Sihem là một phụ nữ rồi mới là vợ cậu. Cô hy sinh thân mình vì những người khác... Tại sao lại là cô ấy?... Tại sao lại không phải là cô chứ? Tại sao cậu lại muốn Sihem nằm ngoài lịch sử dân tộc mình? Cô có gì hơn hay kém những người phụ nữ đã hy sinh đời mình trước đây? Đó là cái giá phải trả để được tự do... Cô ấy đã được tự do đấy thôi. Sihem từng được tự do. Cô ấy có mọi thứ. Cậu đâu để cô ấy thiếu thốn gì. Tự do không phải tấm hộ chiếu được cấp ở sở cảnh sát, ammou à. Đến được bất kỳ nơi đâu mình muốn chưa phải là tự do. Đủ ăn đủ mặc chưa phải là thành công. Tự do là một kiểu niềm tin sâu sắc; nó là mẹ của mọi niềm tin. Vậy mà Sihem lại chẳng tin tưởng gì mấy rằng cô xứng đáng với may mắn cô được hưởng. Cậu với cô cùng sống dưới một mái nhà, cùng hưởng thụ những đặc ân, nhưng hai người lại không cùng nhìn một hướng. Sihem gắn bó với dân tộc mình hơn là gắn bó với ý nghĩ của cậu về cô. Có thể cô hạnh phúc, nhưng không đủ để giống cậu. Cô không oán trách cậu vì luôn cả tin vào những lời khen ngợi quanh mình, nhưng cô không muốn thấy cậu trong cảnh hạnh phúc như thế bởi cô thấy ở đó toát lên vẻ không thật lòng, không bình thường. Cứ như thể cậu đang duy trì bếp lửa của mình trên một mảnh đất hừng hực cháy. Cậu chỉ thấy cái bếp lửa, cô thì thấy phần còn lại, cô thấy yếu tố phá hoại bóp méo những niềm vui quanh cậu. Đó không phải lỗi của cậu; có điều, cô không chịu nổi sự mù quáng của cậu nữa... Cậu có thấy vấn đề gì đâu, Adel. Cô ấy trông thật hạnh phúc... Cậu là người mong làm cho cô hạnh phúc đến mức từ chối suy xét cả những gì có thể che khuất hạnh phúc của cô. Sihem không muốn thứ hạnh phúc ấy. Cô hưởng thụ nó trong tình thế khó nghĩ. Cách duy nhất để giải thoát cho mình là gia nhập hàng ngũ những người phục vụ Sự nghiệp. Đó là quyết định dễ hiểu khi người ta xuất thân từ một dân tộc đau khổ. Không có hạnh phúc nếu không có phẩm giá, và không ước mơ nào thực hiện được nếu thiếu đi tự do... Thân phận phụ nữ không lấy đi của cô cơ hội trở thành chiến binh, không miễn cho cô trách nhiệm ấy. Người đàn ông gây ra chiến tranh. Người phụ nữ tạo nên kháng chiến. Sihem là con gái của một dân tộc kháng chiến. Cô ở địa vị thích hợp để biết rõ những gì mình làm... Cô muốn xứng đáng được sống, ammou à, muốn xứng đáng với hình ảnh của cô trong gương, muốn xứng đáng được cười sảng khoái, chứ không chỉ hưởng thụ may mắn của mình. Cháu cũng vậy, cháu có thể lao đầu vào làm ăn và giàu nhanh hơn cả Onassis. Nhưng làm sao có thể chấp nhận sống mù quáng để được hạnh phúc, làm sao có thể quay lưng lại với chính mình mà không đối diện với sự phủ định bản thân? Người ta không thể tưới một bông hoa bằng tay này trong khi tay kia ngắt nó; người ta đâu có cảm tạ bông hồng người ta cắm trong lọ, mà người ta hủy hoại nó; người ta ngỡ là làm đẹp phòng khách của mình bằng bông hồng ấy, nhưng thực tế, người ta chỉ khiến khu vườn của mình biến dạng mà thôi... Tôi chết sững trước lý lẽ mạch lạc của Adel như một con mòng khựng lại vì va vào cửa kính trong suốt; tôi hiểu rõ bức thông điệp của nó, nhưng không tài nào thẩm thấu nổi. Tôi gắng hiểu hành động của Sihem nhưng không thấy đâu là lương tâm đâu là lý do của nàng. Càng nghĩ, tôi càng khó lòng chấp nhận được. Sao nàng lại đến nông nỗi này chứ? “Chuyện đó có thể xảy đến với bất kỳ ai, - Naveed từng thừa nhận. - Hoặc chuyện đó rơi xuống đầu cậu như một viên ngói, hoặc nó bám riết lấy cậu như một loại ký sinh. Rồi sau đó, cậu sẽ không còn nhìn thế giới như cậu từng nhìn nữa.” Hẳn là Sihem đã nuôi hận thù trong mình từ lâu rồi, trước cả khi quen biết tôi. Nàng trưởng thành giữa những người bị áp bức, mồ côi cha mẹ và mang thân phận Ả rập trong một thế giới không khoan nhượng cho bất kỳ ai thuộc diện đó. Hẳn nàng từng phải cúi lưng rất thấp, giống tôi, có điều nàng không bao giờ có thể đứng thẳng lại được. Những lần phải nhượng bộ có sức nặng lớn lao hơn cả thời gian. Để đi đến chỗ quấn thuốc nổ quanh mình và hướng về phía tử thần với quyết tâm như vậy, hẳn là nàng đã mang trong mình nỗi thương tổn ghê gớm và khủng khiếp tới mức nàng thấy hổ thẹn khi tiết lộ với tôi; cách duy nhất để thoát khỏi chuyện này là tự hủy diệt mình cùng nó, như một kẻ bị quỷ ám lao từ vách đá cheo leo để được giải thoát, khỏi sự yếu đuối và khỏi con quỷ trong mình. Quả thực là nàng che giấu thật tài tình những di chứng ấy - có lẽ nàng đã thử ngụy trang chúng, nhưng không thành công; chỉ cần một biến động tâm lý nhỏ nhoi đơn giản là đủ để đánh thức con quái vật đang yên ngủ trong nàng. Biến động tâm lý ấy xảy ra từ thời điểm nào? Adel không hỏi nàng chuyện đó. Có lẽ bản thân Sihem cũng không biết. Một vụ tống tiền được tường thuật trên truyền hình, một vụ lạm dụng trên phố, một lời nguyền rủa vu vơ; một cái gì đó làm sống dậy điều không thể cứu vãn khi cơn hận thù vẫn ở trong nàng... Adel nói, nói và hút thuốc như một kẻ thô bạo... Tôi nhận ra mình không còn nghe nó nữa. Tôi không muốn nghe gì nữa. Thế giới nó đang kể không phù hợp với tôi. Cái chết trong thế giới đó thật chủ quan và cực đoan. Đối với một bác sĩ, như thế là quá lắm. Tôi đã giúp biết bao nhiêu bệnh nhân trở về từ thế giới bên kia, đến mức tôi ngỡ mình là một vị thánh. Rồi khi một bệnh nhân từ giã tôi trên bàn mổ, tôi lại trở thành con người phàm tục dễ tổn thương và buồn bã mà tôi luôn muốn chối từ. Tôi không nhận ra mình trong những gì hủy diệt; thiên hướng của tôi nằm trong những gì cứu vớt. Tôi là bác sĩ phẫu thuật. Còn Adel thì yêu cầu tôi chấp nhận chuyện cái chết được coi là mong ước, là nguyện vọng quý giá nhất, chính đáng nhất; nó yêu cầu tôi chấp nhận hành động của vợ tôi, nghĩa là phải chấp nhận điều mà lương tâm nghề nghiệp bác sĩ của tôi cấm đoán ngay cả trong những ca tuyệt vọng nhất, ngay cả khi phải sử dụng cái chết nhân đạo. Đó không phải điều tôi kiếm tìm. Tôi không muốn tự hào mình là một người đàn ông góa bụa, tôi không muốn chối bỏ hạnh phúc được làm chồng và người tình, làm ông chủ và nô lệ của tôi, tôi không muốn chôn vùi giấc mơ từng giúp tôi sống như tôi sẽ không bao giờ được sống nữa.
Tôi đẩy cái túi dưới chân mình ra và đứng lên.
- Chúng ta đi thôi, Adel.
Nó hơi sửng sốt vì bị ngắt lời, nhưng cũng đứng dậy.
- Cậu có lý, ammou ạ. Đây không phải nơi thích hợp để nói những chuyện thế này.
- Cậu không muốn nói những chuyện này chút nào. Không phải ở đây cũng chẳng phải ở đâu khác.
Nó tán thành.
- Ông họ của cậu, Omr, biết cậu đang ở Janin. Ông muốn gặp cậu. Nếu cậu không có thời gian thì cũng không sao. Cháu sẽ giải thích cho ông.
- Không có gì phải giải thích cả, Adel ạ. Cậu không bao giờ từ chối người thân của mình.
- Ý cháu không phải thế.
- Cháu đã suy nghĩ thành lời rồi đấy thôi.
Nó tránh nhìn ánh mắt tôi.
- Cậu không muốn ăn chút gì đó trước rồi tắm à?
- Không. Cậu không muốn gì ở các bạn của cháu cả. Cậu không thích thú gì đồ ăn hay vệ sinh của họ. Cậu lại càng không muốn quần áo của họ, - tôi vừa nói thêm vừa tránh xa cái túi lúc đi ra. - Cậu cần phải quay lại khách sạn lấy đồ, trừ khi họ đã phân phát đồ ấy cho người nghèo.
Ánh sáng trong cái sân trong kiểu Tây Ban Nha ập vào mắt tôi, nhưng tôi cảm thấy dễ chịu. Đám lính cảnh vệ đã tản đi. Chỉ còn một gã đàn ông trẻ nét mặt tươi cười vẫn đứng bên một chiếc ô tô bụi bặm.
- Đây là Wissam, - Adel nói. - Cháu của Omr.
Gã đàn ông trẻ nhảy bổ đến ôm ghì lấy tôi. Lúc lùi lại để nhìn nó, tôi thấy nó mỉm cười, ngượng nghịu vì mắt mình ứa lệ. Wissam! Tôi biết nó khi nó còn là đứa bé quấn tã hay gào khóc, chỉ nhỉnh hơn nắm tay một chút, thế mà bây giờ nó cao hơn tôi một cái đầu, hàng ria mép dày rậm và trông nó như đã gần đất xa trời ở vào cái tuổi mà mọi thay đổi đều dễ khiến con người chùn bước, trừ thay đổi do chính nó lựa chọn. Khẩu súng lục giắt bên thắt lưng nó khiến tim tôi rạn nứt.
- Trước hết anh đưa cậu ấy về khách sạn, - Adel ra lệnh. - Đồ dùng cá nhân của cậu còn ở đó. Nếu nhân viên lễ tân quên chỗ hắn cất đồ, anh giúp hắn hồi phục lại trí nhớ.
- Anh không đi cùng à? - Wissam ngạc nhiên.
- Không.
- Lúc nãy anh định đi mà.
- Tôi đổi ý rồi.
- Được thôi. Tùy anh. Hẹn ngày mai, có lẽ vậy.
- Ai mà biết được.
Tôi nghĩ Adel sẽ đến ôm hôn tôi. Nhưng nó đứng nguyên một chỗ, đầu cúi xuống, hai tay chống nạnh, mũi giày di di một viên sỏi.
- Được rồi, hẹn sớm gặp lại, - Wissam lại nói.
Adel hướng ánh mắt phủ đầy bóng tối về phía tôi. Ánh mắt ấy!
Sihem cũng đã nhìn tôi bằng ánh mắt như thế vào cái buổi sáng tôi tiễn nàng ở bến xe.
- Cháu thực sự rất tiếc, ammou ạ.
- Còn cậu,...
Nó không dám lại gần tôi. Về phần mình, tôi cũng chẳng làm gì cả, tôi không lại gần nó. Tôi không muốn nó hiểu nhầm; tôi muốn nó hiểu rằng vết thương trong tôi không bao giờ liền da. Wissam mở cửa xe cho tôi, chờ tôi ngồi vào rồi chạy lên ngồi sau vô lăng. Chiếc xe quay một vòng trong sân, gần như sượt qua một Adel đang tê liệt trong những suy nghĩ của mình rồi đi ra phố. Tôi muốn thấy lại ánh mắt ấy, tôi muốn chẩn đoán nó; tôi không ngoái lại. Ở đoạn kế tiếp, con đường phân nhánh thành nhiều con hẻm. Những tiếng ồn ào của thành phố ùa vào tai tôi, những đám đông lộn xộn làm tôi chóng mặt; tôi ngửa đầu ra thành ghế và cố gắng không nghĩ đến gì nữa.
Ở khách sạn, người ta trả lại tôi đồ đạc và đồng ý cho tôi tắm. Tôi cạo râu và thay đồ, sau đó tôi nhờ Wissam đưa tôi đi thăm quê hương tổ tiên tôi. Chúng tôi rời Janin không gặp trở ngại gì. Các trận chiến đã ngừng được ít lâu; phần lớn quân đội Isral đã rút lui. Nhiều nhóm phóng viên truyền hình đi quanh những đống đổ nát hòng tìm kiếm cái gì đó kinh hoàng để đưa tin. Xe chúng tôi đi qua vô số những bãi chiến trường trước khi tới được con đường thảm hại dẫn đến những vườn quả của ông tôi. Tôi để ánh mắt mình rong ruổi khắp các bình nguyên như một đứa trẻ đuổi theo những giấc mơ của nó. Nhưng tôi không thể thôi nghĩ đến ánh mắt Adel, nghĩ đến bóng tối dâng đầy trong ánh mắt ấy. Nó để lại trong tôi một cảm giác rất kỳ lạ, như một thứ tình cảm tang tóc. Tôi như thấy lại nó đang đứng trong cái sân trong kiểu Tây Ban Nha chói lòa ánh sáng ấy. Đó không phải Adel tôi từng biết, hài hước và hào phóng; đó là một con người khác, một con người u uất, sôi sục vì một tham vọng của loài sói không là gì khác ngoài bữa ăn kế tiếp, con mồi kế tiếp, vụ thảm sát kế tiếp, mà sau đó thì chỉ là cõi hư vô trắng toát, nguyên sơ, ở đó tất cả đều lơ lửng hay cũng gần như thế. Nó hút điếu thuốc của mình như thể đó là điếu cuối cùng, nó nói về mình như thể nó không tồn tại nữa và trong ánh mắt nó ẩn chứa cảnh tranh tối tranh sáng của những nhà quàn. Rõ ràng, Adel không thuộc về thế giới người sống nữa. Nó đã kiên quyết quay lưng lại với tương lai, cái tương lai mà nó chối bỏ như thể sợ tương lai ấy khiến nó thất vọng. Nó chọn cho mình vị thế mà theo nó là phù hợp với con người nó hơn, vị thế của kẻ tử vì đạo. Đó là cách nó muốn kết thúc đời mình, hòa làm một với sự nghiệp nó bảo vệ. Những bia mộ đã khắc sẵn tên nó, nó tưởng nhớ người thân của mình bằng những hành động vũ trang. Chẳng điều gì khiến nó hứng khởi bằng tiếng đạn nổ; chẳng thứ gì tôn vinh được nó ngoài việc được đứng trong tầm ngắm của một tay súng bắn tỉa. Nếu nó chẳng thấy lương tâm cắn rứt gì, nếu nó không hề tự trách đã lôi kéo Sihem tham gia trò cảm tử, nếu chiến tranh đã trở thành cơ may duy nhất của nó để thấy yêu quý bản thân, thì đó là vì chính nó đã chết và vì nó chỉ còn đợi được chôn xuống đất để yên nghỉ.
Tôi nghĩ đã đến nơi. Chuyến đi thật kinh khủng, nhưng tôi không có cảm giác đạt được điều gì, tìm được ra câu trả lời cứu rỗi nào. Đồng thời, tôi cảm thấy mình được giải thoát; tôi tự nhủ mình đã đi đến tận cùng đau khổ, và từ đây trở đi, không điều gì có thể khiến tôi bất ngờ được nữa. Cuộc truy lùng sự thật đau thương này là chuyến du hành khai tâm của tôi, của riêng tôi. Liệu từ nay tôi có cân nhắc và suy xét lại trật tự mọi chuyện, xác định lại vị trí của mình trong trật tự đó không? Chắc là có, nhưng tôi sẽ không có được cảm giác đóng góp cho điều gì đó hệ trọng. Đối với tôi, sự thật duy nhất đáng kể là sự thật mà một ngày nào đó sẽ giúp tôi trấn tĩnh lại và gặp lại các bệnh nhân của mình. Bởi lẽ cuộc chiến duy nhất tôi tin tưởng và xứng đáng để người ta đổ máu vì nó là cuộc chiến của người bác sĩ phẫu thuật là tôi và cuộc chiến tái sinh sự sống ở những nơi tử thần chọn can thiệp.
Ngỡ Đã Là Yêu Ngỡ Đã Là Yêu - Yasmina Khadra Ngỡ Đã Là Yêu