Mưa Thu Nhớ Tằm epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Bánh Xe Lịch Sử
ân truyện đối thoại hay là một vở kịch huyền hoặc ba cảnh.
Nhơn vật:
LÂM 25 tuổi.
HẠNH 23 tuổi.
Một ông Tiên.
Rất nhiều khách dự tiệc.
Cảnh I
Một bữa tiệc tàn, nơi một biệt-thự lớn, ban đêm. Ở một góc bàn, một ông bụng bự đang chơi với những hình xếp bằng diêm quẹt. Góc khác, bốn tân khách đang đánh bài. Phần đông cãi nhau về nhiều vấn đề.
Một điệu nhạc jazz làm nền.
Lâm và Hạnh đứng dựa cửa sổ, trông ra vườn.
Lâm: Nóng quá, mình trốn ra vườn cho đỡ bức, đi em.
Hạnh: Sợ người ta thấy rồi dị nghị. Với lại anh cứ ép em uống rượu, bây giờ em nghe chóng mặt lắm.
Lâm: Anh cũng hơi say. Như vậy ta lại càng nên ra hóng mát cho nó giã rượu.
Hạnh: Thỏi, đi thì đi. Mà phải len lén nhé. Em ra trước, rồi thủng thỉnh anh theo sau.
Đôi trai gái lìa cửa sổ, tiến về hướng cửa hông. Bỗng họ lảo đảo, đi không vững nữa. Cả hai tìm ghế ngồi phệt xuống. Họ cố gượng vài lần, rồi gục đầu xuống bất tỉnh.
Màn hạ.
Cảnh II
Đường đi trong núi. Cây cối sum sê. Kỳ hoa, dị thảo. Chim nhiều màu. Trái trĩu cành. Mát như sáng xuân.
Điệu nhạc Thiên Thai làm nhạc nền.
Lớp I
Hạnh: Chà! Vườn nhà ông Hội đẹp ghê, anh hớ?
Lâm: Lạ quá em à. Đây có phải vườn nhà ông Hội đâu. Anh đã tới nhà ông Hội nhiều lần rồi, anh biết rõ lắm. Vườn nhà ông có đâu mà rộng lớn như vầy. Mà kìa, em nhìn lại coi! Mình mới trốn bước ra khỏi nhà, sao nhà đâu không thấy sau lưng nữa! Mà hồi nãy ban đêm, sao giờ lại ban ngày.
Hạnh: Ta say rồi! Hay là cứ đi tới thử coi.
Hai người cùng đi.
Lâm: Suối! Trời, nên thơ quá. Thật là cảnh lý tưởng. Anh có ý muốn rủ em ra vườn để ngỏ với em vài điều mà bấy lâu lời anh cứ tắt mỗi khi chực thốt ra. Nay gặp cảnh đẹp, có lẽ anh sẽ nói được. Cảm thông đi, em ơi, lòng em hãy cảm thông với cảnh vật, cho nó thơ mộng ra, để chuẩn bị cho anh trao gởi....
Hạnh: (bỗng níu tay Lâm). Anh xem kìa, ông già... (Lâm nhìn theo ngón tay Hạnh).
Lâm: Ồ, ông lão, già, già ghê. Tóc râu đều bạc, đến cả chơn mày cũng trắng phau. Em à, sao anh trông ông ấy giống ông tiên quá, mà cảnh nầy rõ ràng cũng là cảnh tiên.
Hạnh: Tiên như vậy sao? Anh nói y như là anh có lên cảnh tiên rồi, có gặp tiên rồi.
Lâm: Anh chưa gặp tiên lần nào, nhưng đọc sách, anh thấy tả cảnh tiên như vậy.
Hạnh: Mà ông ta đương quây cái bánh xe gì...
Đôi bạn bước tới, nhìn kỹ thấy ông lão đang cầm cái tay quây mà quây một bánh xe. Tay khác cầm phất trần miệng hát:
Chán bụi hồng dơ ẩn núi rừng,
Lưng hạc ngao du khắp bốn phương,
Nhàn hạ, rượu thơ, rồi hoa quả,
Quây bánh xe đời, dạ dửng dưng.
Lâm: Hay là ông tơ chăng? À, diễm phúc của đôi ta đây rồi. Lạc bước vào động tiên và gặp ông Tơ Hồng: Âu là ta hỏi thử ông coi có thể xe tơ cho đôi ta được chăng?
Bấy giờ ông lão nghe tiếng người, ngước lên.
Lớp II
Hạnh và Lâm: Kính lạy Tiên ông.
Ông tiên đáp lễ bằng một cái gật đầu.
Lâm: Thưa Tiên ông, Tiên ông có phải là ông Tơ chăng?
Ông Tiên: Không, bần đạo là tiên trông nom bánh xe lịch sử.
Lâm: Bánh xe lịch sử? Lạ, phàm phu nầy chưa hề nghe nói đến bánh xe ấy lần nào.
Hạnh: Thưa Tiên ông, đây là xứ nào?
Ông Tiên: Đây là Bồng Lai, quê hương của tiên.
Hạnh: Té ra, thưa Tiên ông, Bồng Lai và Tiên quả có thật?
Ông Tiên: Có hay không cũng tùy. Loài người đã sáng tác ra Bồng Lai, Tiên, thế Bồng Lai và Tiên hẳn có, cho vừa lòng loài người vậy.
Lâm: Vâng, thưa Tiên ông. Thuở giờ chúng con ngỡ cảnh tiên chỉ có trong tưởng tượng thôi chớ.
Ông Tiên: (Cười ha hả). Người Tàu nghĩ cũng kỳ. Khi không lại bắt chúng tôi có. Nên thơ lắm!
Lâm: Thưa Tiên ông, đối với đấng Tạo Hóa, đối với các Thánh Thần, địa vị thật của tiên là như thế nào?
Ông Tiên: Các bác Tàu kể cũng chu đáo lắm. Tạo ra chúng tôi, lại còn sắp hạng đàng hoàng Tiên là người phàm dày công tu luyện mà thành bất lão, bất tử; còn Thánh Thần là linh hồn của các siêu nhân đã chết. Đối với Tạo Hóa, Tiên tự do, độc lập, tuy cũng phải chịu kỹ luật nhà trời. Còn Thánh Thần là công chức của trời. Chúng tôi giống nghệ sĩ hay mấy ông trong các nghề tự do dưới phàm: luật sư, y sĩ v.v...
Lâm: Thưa Tiên ông, đã tự do, độc lập, sao Tiên ông lại phải trông nom bánh xe lịch sử?
Ông Tiên: À, đó là một mâu thuẫn của Tàu đó. Nhưng chỉ có ông Tơ và tôi là có phận sự. Các Tiên khác thì ở không cà rều cả ngày.
Hạnh: Thưa Tiên ông, xin Tiên ông dạy chúng con biết thế nào là bánh xe lịch sử.
Ông Tiên: Bánh xe nầy mỗi lần bần đạo quây tới một vòng là lịch sử nhơn loại tiến tới một bước.
Hạnh: Thưa Tiên ông, nãy giờ chúng con thấy Tiên ông quây luôn tay, vậy chớ nghỉ giây lát không được sao?
Ông Tiên: Không được. Nhơn loại phải tiến không ngừng, thì hánh xe nầy cũng phải quay luôn.
Hạnh: Thưa Tiên ông, vậy chớ bánh xe nầy quây ngược được chăng?
Ông Tiên: (Suy nghĩ) Quây ngược? Ý tưởng kỳ dị nhỉ! Quây ngược đặng nhơn loại lùi à? Ai lại đi làm chuyện trái như vậy?
Hạnh: (Giọng van lơn) Thưa Tiên ông, chúng con lạc bước tới Bồng Lai, thật là thế gian hi hữu. Chẳng mấy khi, xin Tiên ông cho chúng con xem thử dĩ vãng một lần, cái dĩ vãng đẹp đẽ mà chúng con mến tiếc.
Ông Tiên: (Cười ha hả) Được. Nhưng bần đạo chỉ e xem rồi, quí vị sẽ đau lòng mà hết muốn trở về tục giới chăng. Dĩ vãng chỉ đẹp sau màn bụi thời gian nó xóa mờ các nét xấu xí. Bây giờ thổi lớp bụi đó đi, chơn tướng nó sẽ hiện ra.
Hạnh và Lâm: Nếu phải như vậy chúng con cũng đành phận.
Ông Tiên: Đó là tại quí vị kèo nài. Bụng làm thì dạ chịu, rồi đừng có trách bần đạo nhé!
Ông Tiên chỏ ngón tay trỏ vào rặng cây gần trước mặt họ. Tức thì nghe một tiếng nổ. Rồi rặng cây chẻ ra thành một lỗ trống không, lớn bằng màn ảnh. Ánh sáng xanh dịu bỗng phừng lên trong lỗ vuông. Đoạn ông Tiên vói tay quây ngược bánh xe.
Ông Tiên: À, quên, quí vị ở nước nào?
Hạnh và Lâm: Thưa, nước Việt-Nam.
Ông Tiên: Vậy thì xem đây. Một quá khứ cận đại của Việt-Nam.
Trong khung vuông hiện ra cảnh quan về làng: mũ cánh chuồn, võng, lọng, cáng, đẹp lộng lẫy.
Lâm: Đẹp, đẹp thật. Thật là áo, mão, cân, đai, huy hoàng, rực rỡ! Một thời xưa đẹp đẽ!
Ông Tiên: Cứ xem tới, rồi sẽ thấy.
Hạnh: Ồ, họ làm cái trò gì mà tợn vậy?
Ông Tiên: Đó là lính nạt đường, dẹp cho trống chỗ để kiệu của quan đi qua.
Ông Tiên: (Cười ha hả) Đẹp, đẹp lắm!
Rồi ông lại quay. Trong khung cảnh, một ông già đẹp người, đi thơ thẩn ngoài đồng ruộng. Cảnh vật sung túc.
Ông Tiên: (Ngâm thơ Thế-Lữ):
Quả trĩu cành xanh, lúa ngập đồng,
Ông già yên lặng, tóc râu bông,
Mỗi chiều chống tuổi trên gậy trúc.
Thơ tả cảnh "tuổi vàng" của thời thái bình, thật là nên thơ đó nhé!
Bấy giờ trong khung, ông lão đã về tới làng, vào một lều tranh. Con đàn, cháu đống nheo nhóc kêu ăn.
Hạnh: Lạ nầy! Lúa ngập đồng, mà còn có kẻ vẫn đói rã ra!
Ông Tiên: (Cười ha hả và day qua hỏi Lâm) Có đẹp không?
Không nghe Lâm đáp, chàng chỉ ngẩn người, lắng nhìn. Lại hiện ra cảnh sáng trăng trong một làng quê. Một đôi trai gái đang trò chuyện dưới đám dâu.
Hạnh: Đời xưa họ cũng yêu đương chùng lén với nhau được như mình bây giờ!
Ông Tiên: Ái tình, cái câu chuyện cổ tích tự ngàn xưa của loài người ấy, có bao giờ mất quyền của nó đâu. Nhưng chùng lén được hay không, rồi sẽ rõ.
Trong khung hiện ra cảnh giữa làng cũng cô gái đó, có mang, bị hương đảng căng nọc ra đánh bằng hèo về tội chửa hoang. Cô gái nằm sấp, dưới bụng có một lỗ sâu đào sẵn cho khỏi cấn. Mỗi lần hèo nện xuống lưng cô gái một cái ành là Hạnh kêu rú lên thất thanh.
Lâm thở hổn hển ôm ghì lấy Hạnh. Đôi bạn mồ hôi toát ra như tắm.
Hạnh và Lâm: Van lạy Tiên ông, xin Tiên ông làm phép cho mất cảnh nầy. Chúng con sắp chết ngộp đến nơi!
Ông tiên cả cười, rồi chỉ tay, tức thì nghe tiếng nổ, khung cảnh mất, rồi tất cả đều tối đen.
CẲNH III
Trở lại phòng tiệc ở cảnh I. Hạnh và Lâm tỉnh dậy. Không ai để ý đến hay người. Không có nhạc.
Tân khách A:... Bởi vậy cho nên tôi rất thích thời xưa. Đời nay thì hỏng bét hết.
Hạnh và Lâm nhìn nhau mỉm cười. Lâm kề tai Hạnh nói nhỏ:
Lâm: Cái lão nầy thuộc vào hạng người muốn cho bánh xe lịch sử quây ngược đây. Làm sao cho lão chiêm bao như mình?
Hạ màn
Mưa Thu Nhớ Tằm Mưa Thu Nhớ Tằm - Bình Nguyên Lộc Mưa Thu Nhớ Tằm