Mạt Lộ epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 17: Cơn Điên Của Phu Nhân
uỳnh Vi khóc.
Những đứa trẻ thường khóc vì tội lỗi của người lớn.
Hàng ngày, trên mặt đất này có bao nhiêu đứa trẻ đã khóc như thế? Những đứa trẻ mới sinh ra đã không có sữa bú. Những đứa trẻ trần truồng lạc mất mẹ trong chiến tranh. Những đứa trẻ da đen ngụp lặn trong bùn lầy để tìm mấy con nhái. Những đứa trẻ mồ côi ngồi khóc trên vỉa hè.
Tôi đã nhìn thấy hình ảnh một cậu bé da đen ốm nhom như con khỉ nhỏ, xách một cái túi rách, lang thang bên bãi rác. Nó nhặt một cái chai bằng nhựa, cắt đôi ra, mỗi bên cột chéo một sợi dây để làm dép.
Và tác phẩm nhiếp ảnh nổi tiếng của Kevin Carter đoạt giải Pulitzer 1994 làm cả thế giới bàng hoàng, được chụp khi xảy ra nạn đói khủng khiếp ở Nam Phi.
Một bé gái đang đói lả gần chết nhưng vẫn cố bò về phía trại phân phát lương thực của Liên Hiệp Quốc. Con chim kền kền lẽo đẽo theo sau, chờ đứa trẻ chết để ăn thịt.
Không ai biết điều gì xảy ra với em bé sau đó, kể cả Kevin Carter, người đã rời khỏi hiện trường ngay sau khi bấm máy. Có tờ báo đã viết về Carter như thế này:
“Kẻ chỉ chú tâm chụp ảnh, nhưng lại vô cảm trước thảm cảnh của cô bé da đen, thì cũng chỉ là một con vật ăn thịt, một con kền kền thứ hai trong bối cảnh tàn bạo ấy mà thôi.” (The man adjusting his lens to take just the right frame of her suffering, might just as well be a predator, another vulture on the scene.)
Kevin Carter đã đọc được câu này và anh đã tự sát.
Trong giấc mơ, tôi vẫn gặp những đứa trẻ khóc. Trẻ khóc mọi nơi trên mặt đất. Những đứa trẻ tàn tạ, khô rốc, đầy bùn đất và ruồi nhặng. Những đứa trẻ không có tuổi thơ, không có tình mẫu tử. Những đứa trẻ không có gia đình, không có một mái ấm để về. Chúng chỉ có những hang hốc, những gầm cầu. Chúng chỉ có sự cô độc. Giống như một con chuột nhắt, như một con chó hoang, con mèo lạc mẹ, kêu khóc trong rét mướt. Những đứa trẻ một mình chống chọi với cả cuộc đời rộng lớn, hỗn loạn và đầy cạm bẩy. Những đứa trẻ đơn độc. Những đứa trẻ đã khô hết nước mắt, đã tắt tiếng, đã tàn héo nụ cười.
Khi chưa đầy một tuổi, Quỳnh Vi cũng đã nếm trải những tháng ngày tàn bạo như thế. Cho đến giờ, khi bé đã sống trong no đủ, đã sống đời của một thiếu nữ văn minh hiện đại, tôi vẫn cứ bùi ngùi mỗi khi chợt nhớ rằng nó đã từng trải qua những ngày tối tăm, không có mẹ, không có tôi, không có người thân bên cạnh.
Bây giờ, ở tuổi mười sáu, nó lại khóc. Nó cứ ngồi ở cầu thang. Và khóc.
-Để nội dẫn con đi ra nghĩa trang nhé.
Nó vẫn khóc. Khóc ấm ức. Những giọt nước mắt lăn trên má.
Ngày thứ hai, tôi lại nói:
-Để nội dẫn con đi thăm anh Huy nhé?
Thì nó gật đầu.
Tôi chở nó đi bằng xe máy.
Khi hai ông cháu đến, thì đã có một người đàn bà đang quỳ trước mộ.
Bà ta quỳ như một pho tượng đá. Không khóc và cũng không động đậy. Trên tấm bia bằng cẩm thạch là bức hình của Huy. Cũng bất động.
Quỳnh Vi bước đến, đặt bó hoa hồng vàng lên mộ. Nó kêu lên:
-Anh Hai ơi!
Và lại khóc.
Đã từ lâu tôi tránh nói với nó về cái chết, vậy mà bây giờ cái chết lại là một phần của cuộc đời nó. Cái chết đang ở trong nó, đang xói mòn nó.
Không có tờ báo nào đưa tin về cái chết này. Lễ tang cũng được tổ chức đơn giản, vội vàng. Đi viếng chỉ có mấy người ở Sở thương nghiệp, vài ba vị trong thành ủy. Cái chết được thông báo như là một tai nạn giao thông, mặc dù ai cũng biết rõ từng chi tiết.
Khi Quỳnh Vi hỏi tôi tại sao Huy chết, tôi đã không thể giấu nó. Tôi không muốn dùng những lời giả dối đối với tình cảm thiêng liêng của một cô gái trẻ.
Tôi đã nói chuyện với nó trong nhiều giờ, về những chi tiết trong cái chết của Huy mà tôi đã được nghe Mười Đạt kể qua điện thoại, về giai đoạn ở trong rừng, về thảm cảnh của Trúc, về Minh… Quỳnh Vi không bao giờ muốn dừng lại nửa chừng, nó luôn hỏi đến ngọn ngành sự việc.
Giữa khu nghĩa địa mênh mông, nó đứng khóc như một đứa trẻ lạc loài.
Có một giọng đàn bà khàn đục, từ dưới vực thẳm của tuyệt vọng vang lên:
-Nghiệp chướng!
Rồi giống như một kẻ mộng du, người đàn bà đứng dậy, da mặt bạc màu, đôi mắt cũng bạc màu, không có ánh sáng, không có sự sống. Tóc rối nhưng không bay vì nó bết mồ hôi, vì nó bết bụi trần gian. Bà đi thẳng ra xe, không nhìn xung quanh, không thấy ai, không nghe tiếng khóc của cô bé. Bà mở cửa xe, leo lên và mở máy.
Chiếc Innova trở đầu chậm chạp, nhưng khi đầu xe hướng ra cổng nghĩa trang thì nó rú lên, bánh xe rít trên mặt đất cứng đầy vụn đá ong. Nó chồm tới, tung bụi mù mịt rồi vọt đi như con ngựa điên.
Nó chạy ra quốc lộ, vượt qua tất cả các xe mà nó gặp trên đường, vừa chạy vừa gầm thét như con thú dữ.
Và nó cũng lao vào thành phố với tốc độ ấy. Nó gây hoảng loạn cho các phương tiện giao thông, nó xô dạt mọi xe pháo, người đi đường, và mèo chó, và cảnh sát. Còi hụ, đèn chớp. Cuộc rượt đuổi quyết liệt. Xe của người đàn bà phóng như bay nhưng vững vàng, thẳng như mũi tên, như quả tên lửa hành trình bay sát mặt đất theo một đạn đạo được lập trình sẵn. Luồng khói phụt trắng cả phố xá. Mục tiêu chưa được xác định. Nhưng nó đang hướng về trung tâm thành phố. Không phải chỉ có người và xe cộ, cả cây cối hai bên đường cũng khiếp sợ, ngã rạp xuống, run rẩy. Mặt người đàn bà vẫn trắng bệt như chiếc mặt nạ thạch cao. Tóc khô, dán ngang trán và hai bên má.
Mắt lạnh, không hề chớp.
Rồi chiếc xe dừng lại đột ngột. Hai xe cảnh sát giao thông cũng dừng lại, sáu chiếc mô- tô cũng dừng lại. Và tất cả các còi hụ đều tắt phụt. Tất cả các động cơ đều tắt phụt. Tất cả hóa đá, chết điếng. Tất cả chừng ấy lực lượng cảnh sát giao thông nãy giờ hùng hổ truy đuổi bây giở đều đông cứng. Đột tử. Nhồi máu cơ tim. Đứt mạch máu não. Chết đứng.
Chỉ có người đàn bà là vẫn lạnh lùng, quẹo xe vào cổng ngôi biệt thự sang trọng ấy. Một toán cận vệ năm người vũ trang chặn ngay đầu xe. Tất cả đều lên cò súng. Chiếc Innova hơi khựng lại một chút nhưng rồi nó rú lên, vọt tới. Toán cận vệ bị xô dạt ra hai bên. Và súng nổ. Kính xe bể nát. Hai bánh trước bẹp dí. Chiếc xe chao mạnh, đâm vào hòn giả sơn, kẹt cứng trong hồ nước.
Nhưng người đàn bà đã thoát ra được.
-Đứng lại, không tôi bắn!
Nhưng người chỉ huy toán cận vệ đã gạt mũi súng của người vừa ra lệnh sang một bên.
-Mày không biết đó là ai à?
-Là ai?
-Là vương phi…
-Nhưng thưa thủ trưởng, vương gia đang họp. Có lệnh cấm rất nghiêm ngặt.
Chỉ huy toán cận vệ không có thì giờ giải thích thêm, anh ta chạy theo người đàn bà, van xin:
-Chị Năm ơi. Chị hại chúng em rồi. Làm ơn đừng vào trong đó.
Anh ta án ngữ trước người đàn bà nhưng bà ta đã lấy trong túi quần ra một khẩu súng ngắn.
-Tránh! Mày không biết tao đang điên sao?
Gã cận vệ chỉ lạng người một cái đã tước được vũ khí của người đàn bà, nhưng cũng ngay lúc ấy bà xô được cánh cửa bằng gỗ sồi nặng nề của phòng họp.
Tất cả mười bốn người đàn ông trong căn phòng sang trọng ấy đều sửng sốt, còn gã cận vệ thì chỉ dám lấp ló ngoài cửa.
Người đàn bà tiến thẳng tới trước mặt vương gia. Không để cho ông ta kịp phản ứng, bà thộp cổ áo ông, kéo mạnh.
-Trả con cho tôi!
Vương gia lúng túng, run lẩy bẩy. Ánh mắt ông đã trở nên bạc nhược, thất thần, không còn chút uy lực nào. Và cũng không kêu lên được một tiếng.
Có ai đó trong phòng họp hét lên:
-Cận vệ đâu!?
Nhưng khi toán cận về tràn vào phòng thì người đàn bà đã khóc nức nở:
-Con ơi! Con trai của tôi ơi!
Vương gia ôm lấy bà nhưng bà đã ngất xỉu, vuột khỏi tay ông, ngã úp mặt xuống sàn nhà lót bằng tấm thảm Ba Tư dệt hình những con chim Lạc.
Mạt Lộ Mạt Lộ - Đào Hiếu Mạt Lộ