Leo Lên Và Tụt Xuống
ột hôm ông chủ bảo tôi:
- Cậu hãy lên núi mở quầy hàng thực phẩm phục vụ công nhân.
Việc này quả là lạ: Chưa có mỏ đá nào lại cung cấp thực phẩm cho công nhân cả. Lúc ấy tôi nghĩ: "Ông chủ mỏ đá của chúng tôi tốt thật đấy!"
Thế là ông chủ giao cho tôi năm mươi lia và nói:
- Cậu sẽ vào thành phố mua dầu ôliu, pho mát "Thất nhân tâm", kẹo, bánh mì, hành.
Đến khi ấy tôi mới hiểu loại pho mát đã khử mỡ ăn dai nhách như da lợn sẽ được gọi là pho mát "Thất nhân tâm". Chỉ cần ăn một miếng pho mát này đáng độ năm mươi gam, ta phải uống hết cả bi đông nước mà vẫn thấy khát. Bụng anh ách những nước, cứ như là vừa mới được ăn no.
Số thực phẩm mang từ thành phố lên mỏ đá chúng tôi để trong một cái lán cũ. Chúng tôi sửa sang, bố trí lại lán thành quầy hàng khô phục vụ công nhân mỏ đá. Tôi được giao làm người bán hàng và ông chủ hứa sẽ trả lời cho một tháng ba mươi lia. Vào thời đó ba mươi lia một số tiền lớn. Một ngày công nhân chỉ được nhận tiền lương khoảng ba mươi đến năm mươi xu.
Cứ vào ngày cuối tuần đốc công lại phát cho công nhân những "đồng xu" bằng bìa các tông do chính tay ông chủ làm ra. Trên một mặt đồng xu này có chữ ký của ông chủ, trên mặt thứ hai là các "mệnh giá": "hai xu rưỡi", "năm xu" v.v... Những đồng xu các tông này được dùng thay tiền để mua hàng ở quầy thực phẩm của tôi. Sau một thời gian mở quán thì hầu như tất cả công nhân đều mắc nợ ông chủ. Có thời kỳ ba tháng liền công nhân không nhận được những "đồng tiền" các tông này. Vậy là họ làm không đủ ăn, lấy đâu ra "tiền các tông" để thanh toán nợ. Được cái, ông chủ tốt bụng vẫn cho họ ăn chịu. Nhưng công nhân không đánh giá cao sự hảo tâm này của ông chủ. Khi khoản nợ vượt quá mười lia một tuần, mà lương họ một tuần chỉ được có từ ba đến năm lia, thì họ vơ vội lấy tấm chăn rách vắt lên lưng, chửi bới cả nhà ông bà chủ một hồi, rồi bỏ đi làm chỗ khác. Đến chỗ nào họ cũng đều rơi vào tình trạng nợ nần triền miên các quán hàng. Như vậy là đầu tiên các quán hàng, tiếp đến các nhà thầu khoán có nguy cơ bị phá sản.
Sau một thời gian khai thác, thì đội làm đá của chúng tôi bị thiếu người làm việc vì có quá nhiều công nhân bỏ đi đội khác. Để ngăn chặn tình trạng này, ông chủ chúng tôi nghĩ ra mẹo ai muốn vào làm thêm cho đội chúng tôi đều phải nộp giấy khai sinh. Vậy là với chiếc khăn rách trên lưng, không có thứ giấy tờ gì trong người, người công nhân tội nghiệp kia không dễ gì mà tìm được công việc mới. Có một số công nhân nợ quầy lên đến năm mươi lia, nghĩa là bằng cả số vốn "kinh doanh" của quầy; thế mà quầy vẫn phải tiếp tục phục vụ. Việc tính toán rạch ròi thật khó mà tiến hành nổi. Duy chỉ có một điều là nhờ có lòng tốt bụng của ông chủ mà quầy thực phẩm vẫn còn đứng vững nổi. Nhưng cái tình cảnh làm ra mỗi tuần lương có năm lia mà lại nợ một tuần những năm mươi lia thì thật quá trớ trêu!
Sau khi nộp giấy khai sinh, người công nhân không bao giờ nhận lại nó nữa, họ để lại làm kỷ niệm cho ông chủ. Chỉ một thời gian ngắn, quầy chúng tôi đã giữ lại hai vali chật cứng giấy khai sinh; mỗi cái tương đương với khoản nợ năm mươi lia. Bạn hãy tưởng tượng xem, số tiền ấy lớn biết chừng nào. Hai va li đầy kỳ phiếu mệnh giá năm mươi lia! Cứ cái đà này thì chẳng bao lâu nữa cả nước sẽ không còn một cái giấy khai sinh nào nữa, vì nó "vào tay" ông chủ chúng tôi tất cả rồi. Không còn giấy khai sinh sẽ không còn pho mát "Thất nhân tâm" nữa. Trước tình trạng "bỏ giấy chạy lấy người" ấy, trái tim hiền từ của tôi đành phải miễn cưỡng theo gương làm việc thiện của ông chủ. Ai đến van nài xin nộp năm lia thì sẽ được nhận lại một giấy khai sinh lưu giữ trong va li. Thế là xảy ra tình trạng nhầm lẫn hết sức tai hại. Bác Ali là tên từ khi cha sinh, mẹ đẻ bỗng nhiên trở thành Memet. Còn bác Memét lại mang tên mới là Iuxup hoặc Khaxanôp. Một số người đã mãn hạn lính lại bị gọi nhập ngũ lần nữa, còn những người chưa có một ngày phục vụ tại ngũ vẫn cứ nhởn nhơ không ai động đến. Những chàng trai chưa vợ chẳng hiểu mô tê ra sao hoá thành những ông bố "chững chạc" của các gia đình. Ấy là chưa kể đến nông nỗi người này vốn sinh ra ở nông thôn bỗng trở thành người thành phố, ngược lại người kia hàng bao đời nay gia đình gốc ở thành phố nay hoá thành người nông thôn.
Câu chuyện tôi kể trên xảy ra đã từ lâu lắm rồi, nhưng cho đến nay trên báo chí vẫn thỉnh thoảng gặp những dòng thông tin nói về một ai đó đang sinh sống làm việc tại một nơi nào đó mà thực ra người đó đã chết từ lâu rồi. Hoặc ngược lại có những cáo phó về ông A ông B nào đó đã từ trần vào ngày... tháng... trong khi các vị đó vẫn đang sống sờ sờ trước mắt mọi người.
Câu chuyện bán rẻ giấy khai sinh lấy năm lia cuối cùng cũng bị vỡ lở. Chuyện là như thế này. Hôm ấy là một ngày mùa đông giá rét. Ông chủ đến lán người rét run cầm cập, bảo tôi:
- Cậu mang cái va ly giấy khai sinh kia đốt lò để cho ta sưởi, rét quá.
Tôi tìm cách gàn ông chủ:
- Thưa ông, tốt hơn hết ông bán lại cho tôi, giá mỗi cái giấy là năm mươi xu, được không ạ?
Ông chủ lập tức hiểu ra vấn đề nhưng ông ta đã kịp cho vào lò hết một va ly giấy khai sinh.
- A, thằng này láo, không biết xấu hổ là gì! - Ông chủ mắng tôi. – Dám tự tiện làm càn ở ngay nơi nuôi nấng này. Rõ thật nuôi ong tay áo...
Mặc dù ông chủ nói vậy, nhưng sau đó tôi vẫn tìm được tiếng nói chung với ông ta. Cứ mỗi một giấy khai sinh bán ra năm lia tôi được hưởng hoa hồng một lia. Chuyện này bắt đầu xảy ra rắc rối với một công nhân tên là Abô. Tuần đầu tiên đi làm anh ta không đến quầy thực phẩm, cuối tuần người tổ trưởng cấp cho anh số tiền các tông tương đương sáu lia. Thật lạ lùng, sang tuần thứ hai anh ta vẫn không bén mảng tới quầy thực phẩm chút nào.
- Thưa ông, tôi báo với ông chủ, - có lẽ phải đuổi tay công nhân này.
Nhưng ông chủ vốn là người tốt bụng, bèn nói:
- Không nên, tại sao lại đuổi một người mà khối lượng đá anh ta đập được trong một ngày bằng cả bốn người khác gộp lại? Anh ta mang từ quê lên cả một bịch đầy bánh mì dẹt, khô. Hàng ngày trước khi ăn anh ta ngâm bánh trong nước suối cho nó mềm ra, rồi lấy rau dại trên rừng về quấn lại thành từng viên, luộc nhừ, giả làm món thịt băm, quấn cải bắp để ăn thay cơm.
- Trời ơi, thưa ông thế thì lại càng phải đuổi, tất cả công nhân đều theo gương tay Abô này, ăn cái món mà hắn gọi là "gia vị" ấy thì chúng ta sẽ sập tiệm mất.
Dù tôi đã cố gắng thuyết phục để ông chủ đuổi tay Abô này, nhưng ông vốn tốt bụng, không chịu nghe lời tôi.
Tuần nào Abô cũng nhận được sáu bảy lia tiền các tông. Cứ thế, đến cuối tháng thứ ba Abô mang một mũ cát két nhem nhuốc dầu mỡ đựng đầy tiền các tông đến gặp ông chủ, nói:
- Xin ông thanh toán cho, tôi không làm nữa.
Ông chủ đếm số tiền các tông được bảy mươi ba lia.
Ra thế! Toàn bộ số vốn "lưu động" của quầy thực phẩm chúng tôi chỉ có năm mươi lia, mà riêng "số tiền" của Abô đã là bảy mươi ba lia. Mọi khoản thanh toán chỉ được cho phép trong giới hạn năm mươi lia này.
- Này anh Abô, như thế là chúng tôi đã thanh toán sòng phẳng với anh hàng tuần rồi nhé. Giờ thì xin chúc anh lên đường may mắn! - Ông chủ nói.
- Không, thưa ông chủ, tiền các tông này làm sao tiêu được ở những nơi khác. – Abô trả lời: - Tôi không thể giữ tiền giả trong người. Xin ông trả tôi tiền thật.
Ông chủ đành "đổi" tiền thật cho Abô.
- Xin ông giả tôi giấy khai sinh, - Abô đề nghị.
Tôi mở vali, rút đại ra một giấy khai sinh bất kỳ, đưa cho anh ta.
- Đây không phải giấy của tôi! – Abô nói như đinh đóng cột, mặc dù không hề biết đọc biết viết.
- Chả của anh thì của ai?
- Không phải, đừng lừa tôi!
Rõ thật rách việc với tay Abô này! Cả một valy đầy cứng biết cái nào là của tay Abô này mà lấy ra.
- Đây cái này của anh, anh cầm lấy.
- Không phải, cái của tôi bị sứt một góc.
Tôi đưa cho anh ta một cái giấy bị rách mép.
- Không phải, cái của tôi mặt trái có kẻ sọc.
Quả là không thể lừa nổi Abô!
- Cái này cũng không phải của tôi! Cái giấy của tôi sứt góc dưới, chứ không phải cái này.
Tôi đành lật từng tờ một để tìm nhưng vẫn không thấy giấy khai sinh của Abô.
- Này anh Abô, hay là tôi đưa cho anh hai, ba, thậm chí bốn năm cái giấy khác được không?
- Không, ông giả tôi chính cái giấy của tôi cơ! – Anh ta nói quả quyết.
- Này anh Abô, - cuối cùng ông chủ xen vào, - tốt hơn hết là...
Anh hãy cầm lấy cái giấy mà người ta đưa cho anh, nếu không tôi buộc phải cho anh một bài học nhớ đời, anh có hiểu không? Dừng lại một lát bỗng ông chủ thoáng nghĩ ra một ý mới, liền nói:
- Này anh Abô... Tôi rất mến anh. Sao anh lại bỏ đi. Hãy ở lại đây, tôi sẽ cho anh làm đốc công.
Nét mặt Abô dịu hẳn xuống.
- Xin cảm ơn ngài, - anh nói.
Ngay hôm đó Abô vào thành phố. Khi anh trở về không ai dám tin rằng trước mắt mình là anh Abô hôm nào. Đôi chân anh không còn đi đôi giầy cao su vá nữa, mà là đôi ủng mới bóng lộn, đi đến đâu vang tiếng kêu cót két vui tai đến đấy. Cái quần ống rộng thùng thình không còn nữa, thay vào đó là chiếc quần vải xẹc màu xanh thẫm lịch sự. Abô còn mua cả chiếc áo vét nữa. Chiếc mũ mềm trên đầu mới cứng, tay phải anh cầm chiếc roi da thi thoảng lại đập đập vào chiếc ủng, tay trái cầm chiếc còi lúc lúc lại toe lên một tiếng.
Từ khi Abô làm đốc công, anh rất hay thổi còi, dáng vẻ rất ngạo mạn. Đêm, ngày anh không ngớt nói câu: "Cảm ơn ông chủ".
Nhưng sự ưu ái của ông chủ đã không đem lại kết quả như mong muốn.
Một buổi tối nọ Abô đến nhờ tôi viết thư gửi về quê.
- Thế anh có viết trong thư rằng, nay tôi đã là đốc công không? – Abô hỏi tôi.
Trong các bức thư gửi về quê, bức nào cũng có hàng chục lần nhắc lại sự kiện này. Suốt một tuần liền chúng tôi ngồi viết thư. Cứ mỗi lần nhớ ra còn quên ai đó chưa báo tin, là anh lại đến nhờ tôi viết tiếp, lúc thì cho một người anh em trong họ, lúc thì cho một người bạn đang tại ngũ.
- Anh bạn ơi viết thêm cho tôi bức thư nữa!
Hoá ra Abô vừa đi thành phố về. Anh chụp một kiểu ảnh rất oách: Một tay cầm còi, một tay cầm roi. Anh muốn gửi tấm ảnh này về quê.
Nhưng về công việc của người đốc công thì Abô không đảm đương nổi. Lúc nào người ta cũng thấy anh thổi còi, đập đập roi vào ủng, hò hét, thúc giục người làm ầm ĩ. Thế nhưng công việc của người đốc công đâu chỉ có thế, không phải ai cũng làm được. Trước hết anh ta phải biết ghi chép khối lượng công việc thực hiện của từng nghiên cứu hàng ngày để xác định tiền công. Abô không biết chữ thì làm sao mà đảm đương được công việc này.
- Này Abô, - một hôm ông chủ bảo anh, - anh đừng giận nhé, công việc này không vừa sức đối với anh.
Abô yên lặng, suy nghĩ.
- Anh nên trở lại làm công nhân.
- Ôi, thưa ông chủ, tôi không thể...- Abô đáp. – Công nhân họ ghét tôi lắm...
Thế là đành để cho anh ta đi khỏi.
Lần này anh không đòi hỏi gì về giấy khai sinh nữa. Chúng tôi đưa cho anh một cái giấy khai sinh bất kỳ rút ra được và lại còn cấp thêm một giấy chứng nhận ghi rõ ràng, anh đã làm đốc công ở mỏ đá chúng tôi. Anh Abô rời khỏi chỗ chúng tôi, tìm đến các chủ mỏ khác, đến đâu anh cũng đưa giấy chứng nhận đốc công ra. Người ta nhận anh vào làm và rồi lại.. sa thải anh! Anh nhất quyết không chịu làm công nhân. Anh nghèo đói xác xơ, trông thật đáng thương.
Leo Lên Và Tụt Xuống Leo Lên Và Tụt Xuống - Azit Nêxin Leo Lên Và Tụt Xuống