Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Đội Gạo Lên Chùa
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Chương 14
C
ô Nguyệt, như ta đã biết, là một cô gái xinh đẹp. Giá như chỉ đẹp thường thường thì cũng chẳng sao. Đằng này sắc đẹp ấy lại khá đặc biệt. Người con gái đẹp là nhờ mớ tóc, con mắt, làn da và vóc dáng. Chẳng biết may hay rủi, tất cả bốn điều đó Nguyệt đều có. Tóc thì mượt mà đen láy. Mắt thì thăm thẳm sáng dịu dàng, da thì ngà ngọc mịn màng lúc nào cũng như thoa phấn. Vóc dáng thì dong dỏng cân đối. Nhìn cô ta thấy tràn dâng nhựa sống. Nếu như ở vào hoàn cảnh thuận lợi, sự tụ hội những thứ mĩ miều ấy vào một cô gái, sẽ hứa hẹn cho cô một tương lai sáng sủa. Nhưng số phận như muốn trêu ngươi; cái tinh túy trời đất lại tụ hội cả vào một cô gái đang trong cơn hoạn nạn, phải ăn mày cửa Phật, trong khi đó đất nước thì chao đảo trong máu lửa điêu linh.
Lúc Nguyệt mới đến chùa, sự sợ hãi, cái lam lũ, đói khát đã che lấp tất cả. Nhưng sau đó, sự ổn định, no đủ và nhất là sự bùng phát của tuổi dậy thì đã làm cho cái đẹp của cô càng ngày càng hiển lộ rõ rệt. Hòa thượng Vô úy, ngay hôm đầu tiên đã
nhận ra cái đẹp của cô gái này. Cho nên, dù Nguyệt cứ một mực xin cụ cho được thí phát, cụ cũng chưa bằng lòng. Đối với đạo Phật, con đường đi là dẫn tới cái đẹp vĩnh hằng tối thượng của tâm linh. Cái đẹp bề ngoài thuộc về trần thế. Người trần gian bị nó mê hoặc, hấp dẫn xô nhau tìm đến. Nó là vật hiếm trên đời nên nó cũng rất mong manh, nhất là trong thời loạn lạc. Một bận, Nguyệt đi chợ Sọ. Có ông già bán thuốc ê người Tàu từ Lạng Sơn xuống. Ngoài bán thuốc, ông già còn xem tướng, xem bói. Trông thấy Nguyệt đi qua trước mặt, ông già gọi vào:
- Để ngộ xem cho cái tử vi lố. Ngộ xem không lấy tiền đâu. Cái nị có quý tướng lố. Nhưng mà khổ lố.
Ông già nói líu lo như chim hót, nhưng mà Nguyệt nghe cũng hiểu. Không hiểu ông già nói có đúng không, chứ ông ta bảo nhìn rõ cả kiếp trước của cô. Ông già thuốc ê bảo kiếp trước Nguyệt là đàn ông, một nho sinh mặt trắng môi son. Nhà nghèo rớt mồng tơi, được một người đàn bà tướng mạo dữ tợn nuôi cho ăn học. Về sau chàng nho sinh thi đỗ. Chàng làm quan, được một nhà giàu quyền thế gả con gái cho. Người vợ xấu xí hận người phụ bạc đâm đầu xuống sông tự vẫn. Vậy duyên nghiệp của cô còn nặng ở kiếp này. Người vợ kiếp trước sẽ theo cô đến tận kiếp này, không cắt tiền duyên, ông già thuốc ê còn biết kiếp này cô định đi tu nhưng không được. Ông già còn giở một quyển sách bằng giấy bản, chỉ cho Nguyệt xem hình vẽ một người đàn bà cao to dữ tợn bụng mang dạ chửa nét mặt hầm hầm tức giận. Ông già bảo:
- Cô ta đấy. Kiếp này cô ta là đàn ông. Cả đứa con trong bụng cô ta cũng sang kiếp này đòi nợ. Kiếp trước, để nuôi chàng nho sĩ, cô gái xấu xí kia làm nghề giết lợn. Cho nên sang kiếp này, cô ta vẫn không được hưởng phước. Lại vẫn là con người có tướng mạo dữ tợn xấu xí.
Chẳng hiểu sư cụ Vô úy xem tướng mạo có biết được tiền kiếp của Nguyệt như ông già bán thuốc ê không, nhưng dù Nguyệt năn nỉ thế nào, sư cụ cũng không bằng lòng cho cô xuất gia. Phải chăng sư cụ cũng đã nhìn thấy một điều gì trong tương lai của Nguyệt. Phải chăng muốn hiểu được câu hỏi đó, ta phải quay về thời xa xưa, lúc đức Phật hãy còn tại thế. Ở thời nguyên thủy, lúc đầu các đệ tử của đức Phật toàn là người nam. Có rất nhiều người nữ cũng muốn xuất gia, nhưng dù họ cầu xin thế nào, đức Phật cũng không bằng lòng. Các đại đệ tử cũng năm lần bảy lượt cầu xin điều đó mà không được. Cuối cùng, chỉ còn thị giả Ananđà, người đệ tử gần gũi đức Phật nhất cầu xin điều đó, lần cuối cùng Phật mới bằng lòng. Tại sao vậy? Đức Phật không giải thích. Tuy nhiên kinh sách có ghi lại cuộc nói chuyện giữa Ananđà và đức Phật về chuyện ấy:
- Bạch đức Thế Tôn - Ananđà hỏi - Chúng con phải đối xử với người nữ như thế nào?
- Này Ananđà, hãy coi như con không trông thấy.
- Bạch đức Thế Tôn, nhưng đã trông thấy rồi thì chúng con phải làm thế nào?
- Này Ananđà, hãy không nói chuyện.
- Nhưng nếu người ta hỏi, chúng con phải làm thế nào?
- Này Ananđà, khi ấy cần phải đề phòng. Hãy giữ vững chánh niệm.
Nghĩa là đến cả đức Phật cũng đề phòng cái sức hút ghê gớm của người phụ nữ. Chính bản thân cô Nguyệt cũng cảm nhận được cái chất đàn bà ma mị của mình ở ngôi chùa, cho nên cô cố gắng che đậy giấu giếm nó đi. Nguyệt, bằng mọi cách, tự làm cho mình xấu đi. Cô xin những chiếc áo rách, váy đụp để mặc. Khốn nỗi, Nguyệt lại khéo tay. Cho nên, những chiếc áo rách được cô sửa chữa, lại vừa khít thân hình cô. Khi Nguyệt đã xỏ tay vào, thì dù chiếc áo bạc phếch đầy mụn vá cũng đột nhiên trở nên duyên dáng lạ thường. Có khi, người ta nghĩ, những mụn vá ấy còn là những nét tô điểm. Nào ai có hay, khi người ta trẻ và đẹp, thì mọi thứ khác trên người đều được tuổi trẻ và sự duyên dáng trời cho thổi hồn thổi vía vào đó, biến chúng trở thành lung linh kỳ diệu. Cả đến điều này, cô Nguyệt cũng nhận ra. Cho nên, sau đó, Nguyệt lại bỏ tất cả những thứ đó đi. Lần này, cô tìm trong chiếc hòm quần áo cũ của sư phụ, tìm những chiếc áo cũ nhất, rách nhất. Chỉ cần giặt đi, và vá víu, chứ không sửa chữa, rồi cứ để nguyên những chiếc áo bạc phếch và rộng thùng thình đó mà mặc. Cô mong cái sự rộng thùng thình ấy sẽ xóa đi những đường cong mĩ miều mà trời đất đã ban tặng riêng cho cô. Rồi lại còn thêm chiếc khăn vuông nâu lem luốc nữa. Chiếc khăn xấu xí lúc nào cùng tùm hum trên đầu Nguyệt. Nó là tấm tàng hình để giấu biệt cái cổ kiểu ba ngấn, làn da ngó cần, con mắt long lanh và mớ tóc mây đen láy.
Cô Nguyệt hành xử như vậy làm cho sư cụ cũng được yên tâm. Còn sư bác Khoan Độ, khi cô Nguyệt đến chùa, đã có những biểu hiện sững sờ ngạc nhiên, bởi vì Nguyệt giống cô Khoai, người vợ đáng thương của bác ngày xưa. Việc ấy, Khoan Độ đã thổ lộ cùng sư phụ. Thực ra Độ cũng không hề có chút tà niệm trong đầu. Khoan Độ đã đốt ngón tay cúng Phật. Chuyện đó không hề có chút nào giả dối. Đó là niềm tin thành thật của ông. Khoan Độ là một Phật tử xuất thân từ chốn dân gian, hơn nữa lại là người hảo hán giang hồ. Những người như Độ, chữ tín nghĩa đặt lên trên hết. Ông đã thề làm người bảo hộ Phật pháp thì đầu rơi máu chảy cũng không thể sai. Ông nói với cụ Vô úy:
- Không những con không cho tà niệm dấy lên trong đầu óc, mà con còn có nhiệm vụ bảo vệ cho cô Nguyệt. Cô Nguyệt là con nuôi sư cụ. Tức thị cô ấy là con cái nhà chùa. Con thề nguyền bảo vệ nhà chùa. Tức thị con sẽ bảo vệ cô Nguyệt, cũng như những gì liên quan đến cô ta.
Khi sư cụ kén rể, chọn thầy giáo Hải cho Nguyệt, sư Khoan Độ ôm lấy thầy giáo và bảo:
- Từ bây giờ thầy giáo cũng là em tôi. Tôi cũng nguyện bảo vệ cả thầy giáo nữa.
Nhìn Độ ôm thầy giáo Hải, sư cụ Vô úy tươi sắc mặt. Vị sư già lấy làm hài lòng.
Sáng sớm hôm ấy, khi quản Mật cho lính đến chùa vây ráp, định bắt sư cụ, chú tiểu An theo đúng kế hoạch, liền thả chó ra, rồi chùng chình mãi không ra mở cửa. Bọn lính bảo hoàng đập rầm rầm vào cánh cửa lim ngoài tam quan. Song chiếc cửa được cài đóng ngang lại chốt cẩn thận, nên cánh cổng vững như cổng thành, đạp thế nào cũng không bị bung. Đến lúc cổng mở, thì con chó to như con bê lại xồ ra, vừa sủa vừa cản đường. Quản Mật tóm lấy chú tiểu An ngay khi cánh cổng hé ra. Quản Mật liền ra oai dang tay tát thật lực vào má chú tiểu An. Rồi hắn lại bắn súng lục thị uy, lúc bấy giờ con chó mới chịu lùi về chiến tuyến thứ hai, tức là lối vào sân trong, lối vào nhà tổ nằm sau tòa thượng điện.
Trong suốt quãng thời gian dài ấy, sư cụ bảo sư Khoan Độ và Nguyệt:
- Tình hình này ta xem lành ít dữ nhiều. Sư thúc các con đã báo trước với ta, quân Pháp đang chú ý tới ngôi chùa Sọ. Chúng cho rằng đây là nơi trú ẩn của kháng chiến. Các con hãy đi thật xa. Bao giờ yên hãy trở về. Hãy tìm đến nhà cô Nấm ngoài khu du kích. Thầy Độ, ta giao Nguyệt, con gái nuôi của ta cho con. Nó là em gái con. Hãy bảo vệ cho nó.
Nguyệt có nỗi ám ảnh, kinh hãi về cuộc Tây càn năm xưa ở chân núi Thằn Lằn, lúc cha mẹ cô bị chết. Cô gái run rẩy, hồn vía lên mây. Giá như không có sư Khoan Độ, chắc cô sẽ chẳng biết làm gì lúc ấy. Khoan Độ vội dắt Nguyệt ra vườn chùa rồi chui qua chiếc trổ tre ra nghĩa địa. Ông lắng nghe tiếng chó sủa rộn trong chùa, sau lưng. Ông quyết định băng qua đồng ra bờ con sông Đào rồi tìm đường ra khu du kích.
Trong bóng tối lờ mờ của buổi rạng đông, một bóng người thoáng hiện. Cả hai bên đều lùi lại tìm chỗ ẩn nấp. Nguyệt bỗng ngờ ngợ vì cái bóng rất quen thuộc. Cô hồn nhiên lên tiếng hỏi khẽ:
- Anh Hải đấy phải không?
Thầy thông ngôn nhận ra giọng Nguyệt, liền tiến lại:
- Tôi đoán có người sẽ trốn ra đây nên chờ ở chỗ này. Định ra sông Đào ư? Không được đâu. Lối ấy chúng nó đã chặn. Chúng đón lõng người qua sông đến khu du kích.
- Thế thì chạy đâu bây giờ? - Nguyệt hỏi.
- Chỉ có cách chạy vào khu rừng Cò. Chờ đến tối mai. - Hải bảo.
- Vào rừng Cò ư? Đó là rừng của nhà quản Mật.
Nguyệt còn chần chừ, nhưng Hải đã nắm tay Nguyệt kéo đi và nói: “Mau lên, kẻo không kịp”. Đến rừng Cò, Hải dừng chân vẻ mặt phân vân nhìn hai người.
- Sao thế? - Sư Khoan Độ hỏi. - Thông ngôn Hải lưỡng lự một lát rồi đành thú thật.
- Tôi chỉ biết một chiếc hầm bí mật trong rừng Cò. Mà lúc này lại có hai người. Làm thế nào bây giờ. Trời sắp sáng mất rồi.
Sư Khoan Độ nhìn quanh rồi nói:
- Cái chính là cô Nguyệt có chỗ trú ẩn. Riêng tôi thì chả lo. Tôi đã có cách. Các vị cứ yên tâm. - Dù thế nào, Hải cũng không thể yên tâm được. Anh còn có chút chần chừ. Khoan Độ lúc bấy giờ mới mỉm cười nói nhỏ vào tai Hải:
- Thầy chắc chưa biết. Ngày xưa, tôi đã làm tướng cướp. Dễ gì bắt được Độ này. Thôi, thầy mau đưa cô ấy đi trốn. Hai người nhớ nhé. Lần này xa nhau chắc còn lâu mới gặp. Cứ yên trí. Tôi ở ngoài này bảo vệ cho hai người. Nhớ nhé. Đến tối mai tôi đợi cô Nguyệt ở chỗ này.
Lần đầu tiên thầy giáo Hải nắm tay Nguyệt lâu như thế này. Cũng lần đầu họ đi trong bóng tối những lùm cây. Và cũng đến lúc này, Nguyệt mới biết tại sao thầy Hải lại lên bốt Huyện làm việc cho quân Pháp. Thật không ngờ. Cứ tưởng anh ta chỉ biết đi dạy học. Lại cứ tưởng anh ta là người yếu đuối, không biết phải trái, nhắm mắt với số phận.
- Đây rồi - Hải lần mò trong bóng tối dẫn Nguyệt đi bỗng dừng chân. - Đây là hầm bí mật chỉ riêng anh và một người nữa biết. Em là người thứ ba. Em ra ngoài ấy, tìm đến nhà anh Trần. Chỗ ấy là xóm Trúc. Đồi đom đóm nhớ chưa? Tối mai anh không đến đây đâu. Dặn sư Khoan Độ đi ở quãng cây gạo già, chỗ ấy sông rộng nhưng an toàn. Chỗ cũ hẹp hơn nhưng chúng hay phục kích...
Trước khi nói, Hải đã giật chiếc khăn vuông của Nguyệt ra. Anh thầm thì vào tai cô, hơi thở phả vào má cô nóng hổi. Và đây cũng là lần đầu. Anh ôm chặt lấy cô, và môi anh hôn vào chiếc cổ trắng như ngó cần. Cô giơ thẳng hai tay lên đầu rồi tụt xuống cái hố. Hải đậy nắp lại. Lúc này Nguyệt chỉ có một mình đối diện với bóng tối đen kịt.
Ở ngoài bìa khu rừng tre, Khoan Độ ngồi sau một bụi sim. Bỗng nhiên, sư bác trông thấy một bóng người. Cái bóng lúi húi nhìn trên mặt đất. Lúc này bầu trời sáng hơn, cho phép sư bác nhận ra đó là một tên lính. Khoan Độ giật mình. Có lẽ hắn đã nhìn thấy những vạt cỏ đẫm sương đêm đã bị chân người đạp lên để lại dấu vết. Người lính này thuộc đám lính của quản Mật khám xét trong chùa. Hắn ra vườn chùa bất ngờ tìm ra cái trổ chó chui. Hắn đã theo lỗ hổng đó lần ra dấu vết ở bãi tha ma, rồi dẫn vào vườn Cò. Hình như người lính này khá tinh ma. Hắn lặng lẽ lần mò để lập công. Vì vậy hắn chỉ một mình đơn độc điều tra. Có lẽ hắn nghĩ rằng khám xét khu rừng Cò rộng lớn vào ban đêm là việc cực khó. Vì vậy phải chờ đến lúc rạng sáng. Và để tránh đánh động đối phương, tránh mạo hiểm vào sâu không cần thiết, hắn cũng chọn một bụi rậm ở bìa rừng để quan sát động tĩnh bên trong.
Sư Độ nấp trong bụi sim nhìn cái bóng đen và suy nghĩ như vậy. Không biết hắn đến tự lúc nào và đã biết có hai người đi vào rừng Cò chưa. Giá như hắn xuất hiện rồi biến đi ngay thì chả sao. Sư Độ có thể cho qua vì đó là ngẫu nhiên. Đằng này, cái bóng đen lại cố thủ sau bụi rậm. Như vậy là hắn đã nghi. Và sáng mai nhất định sẽ có vây lùng trong rừng Cò.
Tuy nhiên, hắn rất bất lợi vì hắn không thấy Độ mà Độ lại thấy hắn. Khoan Độ ngẫm nghĩ toan tính. Làm thế nào bây giờ? Đã lâu lắm ta không động thủ. Nhưng liệu có thể để cho sáng mai một bầy sói lang dàn quân ra tay cầm thuốn đi vào rừng được không? Liệu có thể để cho Nguyệt gặp hiểm nguy được không. Mà đâu chỉ có mình cô ấy. Còn thầy giáo Hải nữa chứ. Hơn nữa, đằng sau thầy còn bao nhiêu người khác. Mà nhà ngươi có biết thầy Hải đang làm gì không? Ta đã thề nguyền làm vị hộ pháp cho ngôi chùa Sọ. Lại còn sư cụ của ta nữa chứ. Lại còn chú tiểu An nữa chứ. Lại còn cái bóng dáng của vợ ta đang hiện hình trên người cô gái nữa chứ. Vậy thì có thể để cho hai người trong rừng gặp nguy hiểm được không?
Khoan Độ tự đối thoại với mình như vậy và đi đến quyết định. Chờ một đám mây đen che khuất làm cho bầu trời tối sầm lại. Độ bò ra khỏi chỗ nấp tiến đến vị trí của kẻ địch. Và không đợi cho đám mây đen trôi qua, lợi dụng bóng tối, Khoan Độ nhảy chồm vào địch thủ mà hắn không hề hay biết, chồm vào rất chính xác, mười ngón tay tóm ngay lấy cái cổ của người lính bảo hoàng. Đã lâu ngày không dụng võ, nhưng Khoan Độ là một cao thủ nên bản năng rất tinh nhạy. Không nhìn rõ đối thủ, Khoan Độ thật không thể ngờ kẻ địch lại là một gã to con; cái cần cổ của hắn ngắn, to bự lại lắm mỡ trơn nhẫy. Vì vậy nên tên địch hất mạnh một cái, bàn tay trái của Độ đã bị bật ra. Nhưng bàn tay phải của Độ tóm lấy cổ họng của hắn thì không chịu rời. Đó là thế võ hiểm chỉ dùng trong quyết đấu sinh tử, bất đắc dĩ Độ mới đem ra dùng. Độ không muốn giết người, nhưng nếu lúc này kẻ địch mà giãy giụa, thoát khỏi, rồi kêu toáng lên cầu cứu bọn lính trong chùa thì hỏng bét. Miếng võ này cũng có nhược điểm là hai tay kẻ địch được tự do. Kẻ địch sẽ có hai cách phản ứng: hoặc là đưa tay lên gỡ cổ, hoặc là, nếu tay hắn cầm dao găm hắn sẽ đâm thẳng vào bụng kẻ bóp cổ. Một miếng võ cực kỳ mạo hiểm vì không biết trong tay địch có gì. May thay thằng địch lại cầm súng trường, một vũ khí bất lợi khi hai người đang ôm lấy nhau. Người lính này khá thiện chiến. Hắn rời ngay cây súng và quài bàn tay xuống háng Độ định bóp dái ông sư. Là người thiện chiến, lẽ nào Độ chịu sơ hở để lộ điểm yếu đàn ông của mình cho địch nắm lấy. Hai bên ở thế một mất một còn. Địch thủ chắc cũng là một võ sĩ có hạng. Không biết bằng cách nào hắn đã móc được những ngón tay vào xương đòn của Độ. Hắn định bẻ cho gẫy. Vừa bẻ vừa móc. Hắn còn định làm thủng làn da cổ để thọc sâu những ngón tay vào phổi. Không xong rồi. Khoan Độ phải nín hơi vận khí vừa tự bảo vệ vùng cổ, vừa dồn hết sức mạnh vào hai bàn tay. Lúc này hai tay Độ một nắm lấy hàm, một nắm lấy đầu đối thủ. Độ ra sức vặn. Lúc này, cổ Độ cũng đau nhói, nhưng địch thủ phải cố sức chống lại miếng võ bẻ cổ nên những ngón tay bám lấy xương đòn của hắn dần dần lơi ra. Chỉ chờ có thế. Hai bàn tay sắt của sư bác thừa cơ địch chưa kịp gỡ đã dồn hết sức. Cuối cùng đánh rắc một cái. Độ còn nhấn thêm một lần nữa để toàn thân tên lính run lên bần bật trước khi mềm nhũn.
Khi đội Hải ở trong rừng đi ra thì mọi việc đã xong xuôi. Khoan Độ ra hiệu cho Hải đi vào chùa. Còn sư bác đã cõng cái xác trên lưng chạy vào trong xóm.
Không một giọt máu, cái xác được đặt ngồi, dựa lưng vào cánh cổng lim nhà bố quản Mật. Cái xác ngồi đấy mặt xị ra, đầu ngoẹo sang bên, hai chân thẳng dẵng, hai tay buông xuôi thõng thuột, tóc rối bù, mắt trợn ngược. Khoan Độ muốn sáng mai về thăm ông chánh, quản Mật sẽ được tận mắt nhìn thấy.
Làm xong mọi việc, Độ lẩn ra đầm sen cuối làng, tay cầm một ống sậy. Ngày mai, Độ sẽ lẩn trong đám lá sen. Nếu giặc càn, nhà sư sẽ ngậm ống sậy lặn xuống nước. Bằng cách ấy ông có thể lặn sâu dưới nước hàng tiếng đồng hồ.
Trong lúc ấy, ở vườn Cò, cô Nguyệt chui trong lòng đất, dưới bụi tre. Từ hôm xưa khi đẩy cửa ngôi miếu hoang giữa đồng, và trong cái mù mờ nhìn thấy cha mẹ mình ngồi dựa lưng vào cột, đầu ngoẹo sang bên, mắt trợn trừng trong vũng máu, cô Nguyệt đâm ra sợ bóng tối. Sau đó, cô hay mơ thấy ác mộng. Rồi nhờ tiếng mõ từ bi đêm nào cũng vang lên đến tận khuya xua đuổi những tà khí, xua đuổi những tà thần, nên dần dần Nguyệt tĩnh trí lại. Cảnh Bụt tĩnh lặng làm nguôi khổ đau. Những ác mộng thưa dần, cuối cùng dứt hẳn.
Nhưng đêm nay, cuộc chạy trốn khỏi chùa bỗng làm thức dậy cuộc chạy lầy càn năm trước. Những hồi ức ào ạt quay về. Bóng tối của chiếc hầm bí mật làm nhớ lại cái mù mờ tranh tối tranh sáng của ngôi miếu hoang.
Khi thầy giáo Hải đậy nắp hầm, Nguyệt đột ngột bị nhấn chìm trong đen kịt. Nguyệt nghe rõ tiếng tim mình đập thình thịch. Và đột nhiên chân tay lạnh toát, mồ hôi vã ra. Tiếng chân Hải xa dần. Cuối cùng lặng tanh. Chợt nghĩ tới trong khu rừng tre chẳng có ai, và chỉ độc nhất có mình đang tự chôn mình trong lòng đất, Nguyệt cảm thấy cô đơn vô cùng tận, và nó chuyển thành nỗi sợ hãi đến tuyệt vọng. Vì đã sống ở chùa, nên một phản xạ tự động đến ngay, Nguyệt lẩm nhẩm đọc: Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát. Cô cầu cứu đến đức Phật bà nghìn mắt nghìn tay, cầu cứu vị Bồ tát luôn nghe được tiếng than vãn đau đớn của những sinh linh nhỏ bé ở cõi trần và luôn sẵn lòng giơ tay cứu vớt. Nguyệt cứ đọc mãi, đọc không thành tiếng và đọc ở trong lòng. Có thể cô đã đọc một ngàn lần hoặc vài ba ngàn lần rồi củng nên. Kỳ diệu thay: Dần dần lòng cô tĩnh lặng trở lại. Sự bình tĩnh đã trở về, nó đem lại sự can đảm chịu đựng. Khi cô ngừng tụng niệm, Nguyệt chợt nghe thấy một tiếng động. Không phải tiếng động mà là một tiếng kêu, cũng có thể đó là tiếng hát. Tiếng hát ấy ngay ở phía trên đầu, tiếng của một con dế. Con dế nào đó đã khéo làm tổ ở dưới bụi cỏ, trong tảng đất nắp hầm. Con dế gáy ri ri con dế hát ri ri. Cũng có thể con dế gáy như con gà báo sáng cũng nên. Nguyệt cảm nhận tiếng nó gáy vui vui. Cũng có thể nó là một sứ giả của Bồ tát gửi đến để làm bạn với cô trong lúc cô đơn này chăng? Nghĩ như vậy tức là Nguyệt lẩm cẩm ngây ngô, một thứ suy nghĩ trong lúc quẫn chăng? Chẳng phải! Bởi vì con dế đã gọi Nguyệt thức tỉnh lại. Mà chính là con dế đã gáy báo sáng. Nguyệt thấy một vật sáng lờ mờ ở trong hầm. Sáng rồi! Sáng rồi! Ánh sáng từ cái ống tre thông hơi, ở một bụi rậm trên mặt đất tỏa xuống. Nó lờ mờ nhưng vẫn là một luồng sáng. Nó đem theo cái tinh khiết của sớm mai, đem theo cả mùi cỏ, mùi lúa chui vào. Nguyệt ngửa mặt gần lỗ thông hơi để đón nhận cái mùi đồng quê quen thuộc, ơ này, nó đem theo cả tiếng chim. Nguyệt phân biệt những tiếng hót. Tiếng lũ chào mào lảnh lót, tiếng đôi chích chòe gọi nhau thiết tha, nghe thấy cả những tiếng cò xôn xao, ríu rít. Chắc là cò mẹ đã ra đồng rồi quay trở về mớm cho lũ cò con. Cái giống chim này sao mà chăm chỉ thế.
Cuộc vây khám chùa đêm ấy xảy ra bất thình lình, cho nên Nguyệt xuống hầm không đem theo thức ăn. Nghe tiếng dế, tiếng chim mái, cuối cùng cô chợt cảm thấy đói. Cả một đêm dài, sự mệt nhọc, nỗi lo lắng sợ hãi làm người ta quên cái đói. Nhưng bây giờ, khi đã trú ẩn yên ổn, thì cái đói cộng với cái mệt, xúm lại hành hạ cô. Quái quỷ thật! Có bao giờ mình thấy đói như hôm nay. Ruột gan như xoắn lại. Cô phải khom người, hai tay bóp bụng, đầu gục xuống hai đầu gối, rồi ép sát đầu gối vào ngực để co người lại, làm nhỏ người lại một lúc lâu, cái đói mới dịu đi.
Sự im lặng bất động để chống chọi với đói và sự mệt mỏi dần dần làm cô xỉu đi, kéo cô vào giấc ngủ lúc nào chẳng hay.
Cả một đêm dài vật lộn. Cả một đêm dài xúc động. Sự lo lắng và sợ hãi, cả những phút ngạc nhiên, hân hoan khi biết thầy giáo Hải, vị hôn phu của mình không phải là kẻ đi theo địch, mà trái lại, lại là người của ta, bí mật hoạt động ngay trong hàng ngủ của Pháp, tất cả những xúc cảm bất ngờ, tột cùng ấy làm tâm hồn Nguyệt thay đổi bất thường, mãnh liệt. Cho nên, khi cái nắp hầm bí mật đậy xuống, và cái bóng đêm đen kịt của không gian hầm chụp xuống, khi cô cảm thấy được che chở, được an toàn, thì cái mệt mỏi rã rời của cơ thể mới bộc lộ. Cô cảm thấy cái mệt như từ xương tủy bò ra làm mắt cô trĩu nặng. Cô thấy không cưỡng lại nổi, vả lại cũng chẳng cưỡng làm gì. Thêm nữa, còn tiếng dế, tiếng lũ chim hót sáng từ lỗ thông hơi văng vẳng chui vào. Đó là tiếng ru của trời đất dẫn dắt cô vào giấc ngủ hồi phục, hồi sinh.
Nguyệt ngủ khá lâu.
Khi giật mình tỉnh giấc, cô gái nghe thấy nhiều tiếng động, xôn xao trên mặt đất. Tiếng chân người thình thịch, tiếng quát tháo, tiếng súng nổ, này, đúng rồi có cả tiếng chó sủa.
Đêm hôm ấy, quản Mật khám chùa Sọ chỉ bắt được sư cụ Vô Úy. Hắn tiếc không tóm được Nguyệt, bởi vì tóm được Nguyệt, hắn mới trả thù được Hải, người mà hắn ghét cay ghét đắng. Hắn còn tiếc vì không tóm được sư Khoan Độ, cái lão sư mắt xếch, kẻ mà quản Mật cho là sư hổ mang, kẻ mà hắn rất nghi ngờ nhưng không có chứng cứ. Quản Mật càng tức lộn ruột khi sáng sớm, gia nhân của cụ chánh gọi hắn về nhà có việc gấp. Hắn về nhà, vừa đến trước ngõ đã trông thấy cái xác cai Thi, một tay chân đắc lực nhất của hắn. Cai Thi ngồi dựa lưng vào tường, hai chân thẳng dẵng, hai tay thõng xuống đất, cái đầu nghẹo sang vai trái, cái lưỡi thè ra từ cái mồm nhoe nhoét máu. Máu chảy cả xuống cằm, xuống ngực áo, máu tím bầm đông lại thành dây, ruồi muỗi ngửi thấy máu đã hàng đàn hàng lũ bâu quanh người viên cai, khi quản Mật lại gần, lũ muỗi nhặng vù vù bay lên đập cả vào mặt. Quản Mật tức giận bắn một phát súng lục rồi ra lệnh:
- Quây cả làng. Khám xét thật kỹ. Không bỏ sót một bụi cây, một xó bếp.
Quản Mật đồ rằng cái chết của cai Thi là do nhà sư mắt xếch, cái lão sư bác tay dài như tay vượn. Đêm qua, cai Thi chắc đã đánh hơi ra dấu vết, lần mò theo dõi và vô ý đã sa vào ổ phục kích của Độ nên đã bị giết. Khám tử thi, thấy viên cai bị gẫy xương cổ. Quản Mật chợt nhớ tới những lời của viên trung úy phòng nhì Bernard. Khi về làng Sọ, ra đến chùa, cái bận ấy ngài đại úy tình báo cứ nhìn chằm chặp vào sư bác Khoan Độ rồi lẩm bẩm:
- Thật lạ lùng! Lạ vô cùng!
- Sao? - Đại úy Thalan có vẻ không bằng lòng với cung cách soi mói quá đáng của Bernard. Viên chỉ huy PC. được dạy dỗ từ nhỏ rằng phải tôn trọng tín ngưỡng. Cha mẹ ông là người công giáo. Đại úy được đọc khá nhiều về đạo. Ông không đi lễ nhà thờ vào ngày Chủ nhật, nhưng ông không báng bổ tôn giáo. Mọi người đều có quyền tự do niềm tin. Lòng thương xót vô biên của Chúa là một lý tưởng vĩ đại của con người, tuy nhiên đọc sách về đạo Phật, cha ông nói với ông rằng đạo Phật cũng rất đáng trọng và đạo Phật giảng dạy lòng từ bi với mọi vật. Đạo Phật ở phương Đông cũng có điểm rất gần với đạo Thiên Chúa phương Tây. Ông cùng trung úy Bernard đến chùa chỉ vì ông nghĩ ngôi chùa làng cũng giống như một ngôi nhà thờ ở quê ông. Còn sư cụ cũng giống như vị linh mục. Muốn bình định một làng quê, do đó, việc đầu tiên là phải viếng thăm ngôi chùa, được lòng sư sãi. Cái tay phòng nhì này là một Tây lai ít học, hắn không hiểu thâm ý của vị chỉ huy phân khu.
Khi ra về, Thalan cự nự Bernard. Lúc ấy có mặt cả quản Mật. Có lẽ cảm nhận thấy Thalan có vẻ coi thường mình ít học, nên Bernard giải thích cho Thalan tại sao mình lại có vẻ sỗ sàng khi nhìn thấy vị sư mắt xếch. Không biết Bernard đọc được ở sách nào hay nghe lỏm ở đâu mà ông ta giải thích rất khoa học:
- Các vị để ý mà xem, vị sư bác ấy cao lớn, hai tay dài quá khổ, như hai ống tre, xuống quá đầu gối. Mắt xếch trắng dã. Lông mày rậm. Chắc phải cân nặng tới tám mươi kilôgam. Một trọng lượng bất thường. Một khổ người bất thường so với người Việt. Người hắn không có mỡ. Chỉ thấy toàn xương là xương. Con người tip ấy, khoa học hình sự gọi là kẻ “siêu đực”. Công thức nhiễm sắc thể là XYY. Kiểu người này có sức khỏe phi thường, có tính cách hung hãn, cực đoan, thô thiển, giết người không ghê tay. Họ thường là kẻ phạm tội. Tôi nghĩ hắn không phải nhà sư.
Chỉ huy trưởng Thalan nói:
- Ông không nên nghĩ như thế. Tôi nghĩ khoa học không khi nào có tính định mệnh như thế. Ông đã đọc Hugo chưa. Tôi nghĩ Jean Valjean cũng là kiểu người như vậy. Thế mà đạo Thiên Chúa đã chẳng cảm hóa được ông ta rồi sao. Tôn giáo làm được nhiều điều mà ta không tưởng tượng được. Vả lại, chúng ta đâu phải những viên thanh tra hình sự. Chúng ta là những quân nhân. Đối thủ của chúng ta là Việt Minh. Nếu nhà sư là một loại người có khả năng phạm tội nhưng không phải là Việt Minh thì ông ta cũng không phải là đối tượng mà chúng ta quan tâm.
Nhớ lại cuộc đối thoại ấy, nhớ lại cái từ ngữ “siêu đực” mà Bernard đã nói; rồi “Kẻ siêu đực có sức khỏe phi thường, có tính cách hung hãn cực đoan... giết người không ghê tay...”. Quản Mật lại liên hệ tới trường hợp cai Thi với cái cổ bị gãy, đầu ngoẹo sang bên, máu trào ra mồm. Mật lẩm bẩm: “Chẳng phải lão sư hổ mang mắt xếch với đôi tay vượn đã vặn lìa cổ kẻ địch, thì ai là người có đủ công lực để giết nổi cai Thi. Tay cai này cũng là một lực điền khỏe mạnh chứ đâu phải tay vừa”. Nghĩ vậy, quản Mật liền gọi điện cho Bernard: “A lô! Có dấu hiệu lão sư hổ mang chùa Sọ đã bẻ gãy cổ một viên cai”. Viên sĩ quan phòng nhì không hiểu tại sao mà từ buổi gặp gỡ đầu tiên đã rất ác cảm với sư bác Khoan Độ. Hắn có dự cảm lão sư cao lớn này là một kẻ thù tiềm năng, một khắc tinh của mình, Bernard liền tập trung một trung đội lính Âu Phi, lại dắt cả chó xuống làng Sọ lùng sục. Hai trung đội ngụy và Âu Phi sục sạo khắp làng rồi tập trung vào ngôi chùa nhưng tuyệt nhiên không phát hiện ra một dấu tích nào của nhà sư Khoan Độ. Cái đầm sen cuối làng cũng khả nghi. Quản Mật cho lính bơi thuyền chạy rào rào trong đám lá sen. Rồi thinh thoảng lại cho bắn súng xuống nước. Trong khi ấy nhà sư vẫn ngậm ống sậy nằm im dưới đáy hồ.
Cuối cùng mới đến khu rừng Cò. Quản Mật vẫn nể sợ ông chánh. Chẳng là ông vẫn nói “đất lành chim đậu”. Sở dĩ họ nhà ông vẫn ăn trên ngồi trốc trong làng Sọ, đó là nhờ ân đức của tổ tông. Mộ tổ họ Nguyễn đặt ngay trong khu rừng ấy. Thầy địa lý xem long mạch cẩn thận. Mới đầu khu ấy chỉ lưa thưa một vài sào tre. Có vài tổ cò ríu rít. Thầy địa lý bảo: “Chim làm tổ là nơi phúc địa, nếu đây thành một khu rừng thì tốt biết mấy”. Nhân tiện khu vực này chỉ là chân đồi, chỉ là đất trồng sắn bạc màu, giá rẻ như bùn, ông chánh liền bỏ tiền ra mua, sự thực chỉ mua một phần, còn một phần cướp không của làng. Xong rồi ông cho trồng tre, cấm trẻ con không được chăn bò nơi ấy. Nhờ uy của cụ chánh, trẻ mục đồng không đứa nào dám bén mảng nên chỉ sáu bảy năm sau, nghiễm nhiên một rừng tre đã sừng sững mọc Ịên và cò vạc bốn phương đã quy tụ bay về, tạo ra một nguồn lợi không thể ngờ tới cho cụ chánh. “Đất lành chim đậu”. Thầy địa lý bảo khu rừng càng xanh tốt, chim chóc càng quy tụ, thì mộ tổ càng phát. Và lộc tổ họ Nguyễn sẽ được hưởng không bao giờ hết. Vì thế nên dân làng Sọ không ai dám bén mảng kiếm chác nơi đây. Đứa trẻ nào chỉ bắt một con cò, đào một củ măng là bị trừng trị ngay. Lũ gia nhân nhà ông chánh như lũ hùm sói, nghe tin đứa mục đồng nào đột nhập rừng tre, là ngay lập tức xồng xộc tới nhà, áp đảo tại gia. Họ không đánh, chỉ trói thằng bé ở cột điếm một đêm cho muỗi đốt, chỉ trừng trị nhẹ thế thôi, dân làng đã sợ xanh mắt mèo.
Cụ chánh tin rừng Cò là chốn phúc địa, tin ở lũ cò vạc quy tụ là một điềm lành, là sự chứng tỏ của phúc khí, nên dĩ nhiên cả quản Mật cũng tin như vậy. Cho nên suốt cả buổi sáng vây ráp, hắn cứ lờ đi không đả động gì tới khu rừng Cò.
Tuy nhiên, Tây phòng nhì Bernard thì không có một ý niệm gì về phúc địa, phúc khí và khu mộ tổ của người An Nam. Hắn đứng ở nghĩa địa ngắm khu rừng tre rậm rịt với những cánh cò trắng lượn vòng trên đầu. Bernard bảo:
- Sao chúng ta lại quên khu rừng tre này nhỉ. Chiều nay chúng ta sẽ lùng sục tại đây.
- Thưa đại úy, đó là vườn Cò của cha tôi.
- Của nhà cụ chánh ư? Thế càng tiện chứ sao.
- Thưa, đó là nơi mộ tổ của gia đình họ Nguyễn chúng tôi.
- Mộ tổ là gì. Mộ tổ cũng chẳng ích gì khi nơi đây là chốn ẩn náu của Việt Minh.
Quản Mật chỉ còn biết sầm mặt lại và lắc đầu khi bọn lính dưới quyền chỉ huy của Bernard tràn vào khu rừng. Nhìn lủ cò xáo xác, quản Mật thở dài. Hắn không thể nào đoán trước sự việc sẽ diễn biến thế này.
Nguyệt choàng tỉnh dậy dưới hầm khi nghe thấy những tiếng chân người chạy rầm rập. Nghe thấy cả tiếng lũ cò xáo xác kêu trên ngọn tre. Rồi tiếng người quát tháo. Tiếng Tây xen lẫn tiếng ta. Cuối cùng là tiếng chó sủa. Có hai con chó thì phải. Chúng khìn khịt. Chúng sủa gâu gâu, chúng thở hồng hộc. Chúng ở xa. Chúng tiến lại gần. Rồi lại xa. Hình như một con đực một con cái. Nguyệt nghĩ như thế vì một con sủa êm ái hơn, một con sủa hung dữ hơn. Hình như con đực theo sự chỉ huy của con cái. Tim Nguyệt đập thình thình khi con đực đứng ngay trên nóc hầm mà sủa. Hình như nó gọi con chó cái. Hình như con đực đã ngửi thấy một mùi gì, con chó đực cứ đứng ở trên đầu Nguyẹt mà sua. Sủa tha thiết, sủa hung tợn. Con chó cái vẫn không theo lời nó. Con chó cái sủa ở phía xa. Có lẽ ở đó có cái gì hấp dẫn hơn nên con chó cái không nghe tiếng gọi của con đực. Con chó đực sủa thật to. Nó cũng bị hấp dẫn bởi cái gì đó ở phía xa xa. Nguyệt vừa lẩm nhẩm đọc kinh cầu sự cứu giúp của Bồ tát Quán Thế Âm. Con chó đực bỏ đi một lát rồi lại quay về đứng ngay trên tảng đất nóc hầm và sủa rối rít. Nó sủa rất to khiến Nguyệt run lên cầm cập và run nhất là khi con chó đực lấy hai chân trước ra sức cào trên mặt đất “Tôi bị lộ rồi. Con chó đã đánh hơi thấy tôi rồi. Muôn vàn lần con cầu xin đức Phật che chở cho con’’. Quái lạ! Hình như chẳng ai chú ý đến sự phát hiện của con chó. Có lẽ người ta đang mải mê vì một chuyện gì đó. Lặng tanh không một tiếng chân người. Rồi cuối cùng nghe thấy tiếng tre nổ lốp đốp, ngửi thấy mùi khói khét lẹt. Còn nghe thấy cả tiếng cò vạc kêu lên như vỡ tổ và cả tiếng người hò hét phấn khởi.
Những tiếng động ấy phát ra ở chỗ những đống rơm. Như ta đã biết, trong rừng cò có một khoảng trống để đánh những đống rơm, rạ, thân cây ngô. Đấy là kho dự trữ thức ăn cho trâu bò và cái đun cho nhà cụ chánh. Viên sĩ quan phòng nhì từ lúc vào rừng đã chú ý ngay đến khu vực này. Ông ta cho lính tập trung ở đây xăm hầm. Cuối cùng ông ta đã tìm ra một cửa hầm. Cái hầm đó chui vào dưới một đống rơm. Bernard cho lính giãn ra bao vây vì sợ rằng du kích trong đó xông ra. Cuối cùng, nghĩ ra một kế, Bernard cho đốt tất cả những đống rơm. Bằng cách này nếu Việt Minh chui ra cũng chết thui, mà trụ lại củng chết thui. Và phía ông ta sẽ không tốn một viên đạn.
Một đống rơm cháy. Hai đống rơm cháy. Rồi ba đống rơm cháy... Mới đầu ngọn lửa còn nhỏ, chỉ như một ngôi nhà cháy. Đến khi lan ra ba, bốn đống thì ngọn lửa cao ngút trời. Khói đen cuộn lên đến tận trời xanh, về sau người ta bảo đứng xa ba bốn cây số còn trông thấy. Đám cháy tỏa ra nóng khủng khiếp. Mới đầu đứng gần còn được về sau nóng quá người ta phải chạy ra khỏi khu rừng Cò. Đến khi tất cả hơn mười đống rơm cùng cháy thì cái nóng khủng khiếp đến nỗi toàn thể cò vạc trong rừng đều bay túa lên trời. Đúng là quang cảnh chim vỡ tổ - lũ cò trắng bay lên nhưng không bay xa, bay mất tăm. Chúng vừa kêu ồn ã vừa lượn quanh khu rừng. Bởi vì cò bố mẹ nào cũng đều vướng mắc đàn con. Đáng thương cho lủ cò bé bỏng, cánh chưa mọc đủ lông. Những bụi tre gần đám cháy bị sức nóng tỏa ra làm cho khô héo dần, để rồi cuối cùng toàn bụi tre nổ lốp bốp bốc lửa, thiêu sống cả lũ cò con. Ở những bụi tre xa hơn, tuy cây tre không bốc cháy, nhưng lũ cò non không chịu nổi sức nóng phải lẩy bẩy bò lên miệng tổ và rơi xuống đất. Mùi thịt cò bị thui nướng có lúc thơm phức, có lúc khét lẹt.
Căn hầm của Nguyệt ở xa đám cháy, nhưng vẫn bị ảnh hưởng. Người cô nóng ran, mồ hôi vã ra như tắm. Rồi có lúc cô thấy như bị nghẹt thở. Cô phải ghé mồm vào ống thông hơi để thở. Tuy nhiên, dù sao đám cháy cũng cứu cô thoát chết. Con chó săn đứng trên nóc hầm của cô vừa bới vừa sủa như con chó điên. Người ta còn bận đám cháy nên chẳng ai chú ý đến nó. Sủa mãi, bới mãi con vật cũng chán. Sức nóng tỏa đến làm nó khó chịu. Vả lại còn mùi thơm phức của những chú cò con bị nướng kích thích khứu giác làm nó không cưỡng lại nổi.
Cuối cùng nó trông thấy con chó cái đang chạy đuổi theo một con cò bốc lửa. Thế là nó quên phắt nhiệm vụ. Nó cũng bắt chước cô bạn gái lao vào cuộc săn tìm những chú cò con bốc lửa thơm phức.
Bernard nhìn khu rừng cháy. Viên sĩ quan phòng nhì tỏ ra mãn nguyện vì hắn nghĩ đám cháy ấy cũng tiêu diệt được vài anh chị du kích. Thực ra căn hầm bí mật ở đống rơm ấy là chiếc hầm đã bỏ hoang. Đội du kích đã lỡ đào hầm ấy, nhưng sau đó nghĩ lại thấy căn hầm dễ bị hỏa công nên không dùng nữa.
Chỉ có quản Mật là buồn. Hắn không nghĩ tới cái kết quả thảm hại này khi gọi điện cho Bernard. Khu rừng Cò cháy mất một phần tư. Sau trận hỏa công, cò sợ không dám về đây như cũ. Khu phúc địa biến thành nơi hoang địa. Ông chánh cứ trông thấy mặt quản Mật là chửi: “Tiên sư thằng phá gia chi tử, đem thằng mắt xanh mũi lõ về giày xéo lăng mộ tổ tiên”.
Còn sư bác Khoan Độ, tối hôm ấy Tây rút về đồn, lại từ dưới đầm sen ngoi lên. Ông không quên moi dưới bùn vài cái ngó sen già. Ông chạy vào rừng Cò và sung sướng moi cô Nguyệt từ dưới hầm bí mật lên. Cô nhũn người gần như kiệt sức. Nhưng để cô ngồi lên bờ ruộng ăn ngó sen vừa bùi vừa ngọt, và hít thở hương đồng nội mát rượi, nên chỉ nửa tiếng sau cô đã hồi phục hoàn toàn. Họ ra bờ sông Đào, vượt sông, sang khu du kích.
Lúc tối mịt, Nguyệt và sư Độ bơi qua sông Đào. Bơi ở quãng sông rộng nhất, sâu nhất như lời căn dặn của thầy giáo Hải.
Nguyệt bám vào cây chuối, mặc cả quần áo để bơi. Cô không nói nhưng trong bụng cô thầm nghĩ không thể để một mẩu da thịt nào lộ ra cho mắt người ngoài trông thấy. Nhất là đôi mắt xếch của sư thầy Khoan Độ. Mặc dù sư cụ đã giải thích bởi vì cô rất giống người vợ đã chết của sư Độ ngày xưa, và còn nói dù đôi mắt xếch của sư Độ trông rất dữ nhưng đó chỉ là cái vẻ bề ngoài, còn thực ra đằng sau đôi mắt đáng sợ ấy lại là một tấm lòng Bồ tát. Nghe sư Vô úy nói Nguyệt vâng dạ, nhưng thực ra trong lòng cô, Nguyệt vẫn sợ sệt.
Sang đến bên kia sông, sư Độ biết ý bảo Nguyệt vắt quần áo cho khô kẻo bị cảm. Nguyệt vào sau bụi rậm nhưng không cởi quần áo khỏi người, cứ để chúng trên người mà vắt.
Họ đi suốt đêm ấy và cả ngày hôm sau, hỏi thăm mãi mới đến được làng Trúc, địa điểm mà tối hôm trước Hải cho biết. Đó là nơi gia đình ông Trần đến tản cư. Thấy họ, bà Nấm hồ hởi tíu tít hỏi thăm chuyện làng xóm. Chuyện thằng Căn con bà hay sửng cổ nói láo thực ra chỉ là chuyện trẻ con. Bà Nấm thường nghĩ như vậy. Thực ra từ sâu trong lòng, bà Nấm vẫn cảm thấy như mình có lỗi với nhà chùa. Khi còn trẻ, lúc mới tằng tịu với sư Vô Trần, người ta bảo: “quyến rũ sư bỏ chùa là có tội to lắm với Phật; sau này chết đi sẽ sa hỏa ngục, lúc đi qua cầu vồng sẽ bị rơi xuống để chó ngao cắn cho lòi ruột...”. Lúc Nấm kể câu ấy với chồng, anh Trần cũng có dáng tư lự, anh an ủi vợ rằng: “Nhà Phật chẳng hẹp hòi thế đâu. Phật dạy cho con người trí tuệ để giải thoát nỗi khổ thế gian. Nếu chưa đủ căn duyên để ở chùa, thì ta làm người thường dân cũng tốt. Chỉ cốt lòng phải hướng thiện...”. Chị Nấm từ khi ăn ở với Trần thấy chồng mình chẳng còn là sư, nhưng xem ra còn nặng lòng với chùa Sọ lắm. Có thể vì anh xa nhà đến ở chùa từ nhỏ nên mái chùa chính là mái nhà của anh. Anh coi sư phụ Vô Chấp là cha và coi sư Vô úy như người anh cả ruột thịt. Khi sư cụ Vô Chấp thị tịch, Nấm thấy chồng mình buồn rũ. Anh không khóc bao giờ nhưng có đêm Nấm giật mình thức dậy, thấy anh Trần ngồi ngoài hiên khóc một mình. Ngược lại, dù Trần đã trở về đời thường, nhà chùa vẫn coi anh là con. Sư Vô úy vẫn coi Trần là em út. Sư Vô úy là bậc chân tu. Thực ra ông đã thoát tục, chẳng còn muốn dính líu tới bụi trần. Tuy nhiên khi Vô Trần đề nghị xin phép được đào hầm bí mật trong chùa, ông chẳng nói gì chỉ im lặng lên thượng điện gõ mõ tụng kinh. Người sư đệ biết người sư huynh đã mặc nhiên chấp nhận hiểm nguy. Thực ra Vô Trần cũng cực chẳng đã. Lúc đó cơ sở ở làng Sọ hầu như trắng. Phải trở về làng bám đất. Mà muốn bám đất thì phải có hầm, có cơ sở. Trong khi ấy nhà ở làng Sọ lại san sát kề nhau. Đào hầm bí mật dễ lộ. Vô Trần đành dùng chiến thuật từ rìa làng tiến vào nội địa. Những nhà rộng rãi có ao chuôm thường ở rìa làng. Mà chùa làng lại là nơi rộng rãi nhất, cũng lại là nơi anh thân thiết nhất.
Dĩ nhiên, với mối quan hệ tình nghĩa sâu đậm như thế, trong lúc sư cụ bị Tây bắt chỉ vì sự hoạt động của chồng mình, cho nên chị Nấm lo lắng rất chu đáo khi sư Độ và cô Nguyệt đến làng Trúc.
Nhà chị Nấm nằm trên đỉnh một quả đồi. Chung quanh toàn là tre. Nhà gồm hai nếp: nhà chính ba gian, nhà phụ hai gian dùng làm bếp luôn. Ở vùng sẵn tre nứa nên nhà làm xinh xắn, chắc chắn. Chị Nấm cho gọi thằng Căn từ nhà phụ lên, bảo:
- Con sắp xếp cho sư thầy ở cùng con. Xong rồi, chạy ngay lên cơ quan gọi thầy mày về.
- Đi gọi ngay đêm nay hả u?
- Sư cụ đã bị bắt. Phải gọi thầy mày về ngay đêm nay thôi con ạ. Từ đây lên đó năm cây số. Nhanh thì cũng phải hai tiếng cả đi cả về.
Căn lúc ấy đã sắp thanh niên. Chắc đã được bố giảng giải cho biết chùa Sọ với gia đình thân thiết đến mức nào, nên Căn bây giờ khác hẳn Căn ngày xưa. Từ một cậu bé bướng bỉnh, cậu đã trở thành một chàng trai chín chắn với đôi mắt sáng rực. Cậu nắm lấy cánh tay dài rắn như gỗ lim của sư Khoan Độ dẫn xuống căn nhà phụ. Hắn cười và bảo:
- Sư bác còn nợ tôi đấy nhé.
- Nợ gì? - Sư ngạc nhiên.
- Có phải dạo trước sư đã dạy thằng An học võ không... Tôi biết ngay mà... Nếu không, thằng An đánh tôi sao nổi...
- À - chuyện mấy năm rồi... Nhớ dai quá hả...
- Vậy sư phải trả nợ cho tôi nhé.
- Trả thế nào?
- Chắc sư bác không đi ngay được... Hãy dạy võ cho tôi.
Trong lúc ấy, chị Nấm và cái Huệ dẫn Nguyệt vào căn nhà chính. Nhà này được gọi là nhà trên, nhà phụ gọi là nhà dưới. Ông Trần trước đây là đại đội trưởng bộ đội địa phương huyện, nay được điều lên tỉnh làm phó tỉnh đội. Nhà của ông sở dĩ được làm tươm tất, rộng rãi và có hai căn, căn trên căn dưới, bởi vì nó còn dùng làm trạm dừng chân cho các cán bộ huyện, tỉnh. Nhà trên làm nơi ở cho cán bộ nữ trú chân nên rộng rãi kín đáo. Nhà dưới cho cán bộ nam ở nhờ thành thử có chút tuềnh toàng.
Nguyệt đưa mắt nhìn căn nhà ba gian. Vách trát nhứng ( 1 ). Ở đầu hồi có một gian được ngăn làm buồng. Chắc trong đó có sào vắt quần áo và gạo, nước. Dài suốt hai gian ngoài, có một chiếc sạp che kín nửa nhà, chiều cao quá gối, trên trải tấm phên nứa đan lóng đôi. Chắc đây là cái giường ngủ thô sơ đủ chỗ cho một chục người. Ở góc còn xếp mấy chiếc chiếu gập gọn, có lẽ dùng làm cái đắp khi trời rét. Nửa dọc còn lại của căn nhà, đất phẳng phiu đầm nén kỹ lưỡng, mặt nền nhẵn mịn. Ở đó có chiếc bàn tre, mấy chiếc ghế đẩu thấp mặt đan bằng mây kiểu miền núi.
Nguyệt biết cô Nấm nhưng đây là lần đầu nói chuyện. Nguyệt cũng nghe đồn nhiều về người đàn bà xinh đẹp ma mị, đã đủ sức quyến rủ vị sư thúc thông minh đi tu từ nhỏ. Vô Trần đã tắm gội hương giải thoát từ thuở ấu thơ mà có thể rời bỏ nhà chùa, rồi bỏ đức tin của mình, thì người đàn bà này chắc hẳn phải đặc biệt. Tuy nhiên, khi đứng trước mặt cô Nấm, Nguyệt lại chẳng thấy có gì khác lạ.
Cô Nấm năm ấy trạc ba nhăm tuổi. Cô giống như mọi người đàn bà thôn quê khác. Khuôn mặt tròn trịa hồn hậu. Vóc dáng vững chãi nhanh nhẹn. Nét mặt lúc nào cũng tươi tắn, dễ dàng nở một nụ cười... Quả thực là chẳng có gì đặc biệt. Nhưng mà... cô ấy thật đậm đà. Đúng! Phải nói là đậm đà. Nguyệt tuy mới lớn nhưng đã tiếp xúc với nhiều người đàn bà. Thuở em An mới sinh, mẹ ốm nặng, Nguyệt đã bế em đi xin sữa khắp làng. Em An sống được là nhờ đã bú chực khắp làng. Cảnh đi ăn mày sữa thiên hạ thật não lòng. Có lúc trong làng không ai có sữa phải ẵm em ra chợ.
- Lạy bà. Bà nhón tay làm phúc. Mẹ con ốm sắp chết. Em con đói sữa. Nó khóc từ sáng tới giờ. Cả đêm hôm qua, em con khát sữa mà không có một giọt.
- Sao không cho nó uống nước cơm.
- Dạ đã cho nhưng nó không chịu. Dạ, nó đang sốt, chắc đắng mồm không chịu.
- Thôi đi đi. Em mày ốm. Cho nó bú để lây bệnh sang con tao ư.
Chị ôm em về tới gốc đa. Lúc ấy cực quá, chị chỉ muốn chết. Nhưng thương em quá nên hai chị em chỉ còn biết khóc. Và một người đàn bà qua đường như ông Bụt hiện ra. Bà ta dừng chân, đặt cái thúng đội trên đầu xuống, rồi ôm lấy thằng An và nói:
- Rõ khổ. Thằng bé đói quá đây mà. Đói quá nó cũng phát sốt lên đấy. Chả có bệnh tật gì đâu. Để tao cho nó một bầu là khỏi... Một bầu thôi nhé... Em mày ba tháng chứ gì... Hơn con bé nhà tao một tháng... Thế thôi nhé... Còn thèm phải không... Chẳng được đâu... Còn dành phần cho con em mày chứ... Thôi, no rồi... Tao đi đây... Kẻo ở nhà nó mong sữa mẹ lại khóc hết hơi...
Người đàn bà cứu khổ cứu nạn cho em An nói xong lại đội thúng lên đầu ve vẩy, te tái đi theo con đường giữa cánh đồng xanh ngát. Nguyệt cứ nhớ mãi cái kỷ niệm lạ lùng về người đàn bà xa lạ dưới gốc đa năm xưa đã cho em An bú sữa, đã cứu em thoát chết. Bởi vì không phải như Nguyệt nói là em đói sữa một hôm. Thực ra em đói sữa ba hôm. Và đúng như người đàn bà đã nói: Vì đói sữa quá nên em An lên cơn sốt. Và nếu như không có bầu sữa của bà đi đường hôm ấy, có thể em An đã sốt cao hơn... Và làm sao biết được chuyện gì sẽ xảy ra sau đó.
Bà ngoại của Nguyệt khi đó còn sống, nghe cháu kể chuyện xong về người đàn bà đội thúng ở gốc đa, đã bảo rằng:
- Người đàn bà ấy chắc đẹp lắm phải không cháu?
- Lúc ấy cháu khóc nhiều, nước mắt như mưa. Mắt cháu nhòa đi nên không nhìn rõ. Cháu chỉ nhớ là cháu nắm lấy tay bà ấy.
- Bàn tay ra sao?
- Dạ bàn tay đỏ như son.
- Thế cổ tay.
- Cổ tay... trắng như ngà.
- Đúng... trắng như ngà... còn sao nữa?
- Dạ, tay vừa mát vừa ấm ạ.
- Đúng thế... Đàn bà con gái như người ấy gọi là đậm đà.
- “Đậm đà” tốt hở bà.
- Tốt lắm chứ.
- Cháu vẫn chưa hiểu thế nào là đậm đà.
- Con bé này ngốc thật. Là... là... ừ nhỉ là thế nào nhỉ?... Chắc là sống với người như thế ta không biết chán. Là... là... Sống với người ấy ta không muốn chết... sống với người ấy ta chỉ muốn sống...
Nguyệt, vừa rồi cũng đã nắm tay cô Nấm. Cũng thấy bàn tay cô đỏ như son. Cổ tay cũng tròn và trắng. Làn da cũng ấm và mát. Nguyệt bâng khuâng không hiểu mình nói rằng cô Nấm đậm đà có đúng không.
Cô Nấm nhìn Nguyệt rồi vào buồng, lấy ra một bộ quần áo và nói với con gái:
- Huệ ơi, dẫn chị ra suối. Người chị mày lấm lem.
Hai chị em ra đến sân, bà còn dặn thêm:
- Chỉ tắm thôi nhá. Tối rồi, lại đi đường mệt, chớ có gội đầu, trời này hong tóc lâu khô lắm. Nhỡ cảm thì khốn. Để mai cô đun nước hương nhu cho mà gội.
Cô bé Huệ cứ đi sát vào người Nguyệt, tay ôm ngang lưng chị. Nguyệt hỏi:
- Sao thế?
- Em sợ.
- Sợ gì nào? Ở đây chỉ toàn tiếng ve. Ve sầu bé tí còn chả sợ tối. Tối thui thế này mà nó vẫn ca hát. Còn em lớn tướng còn sợ tối đêm sao.
- Được rồi, tí nữa xuống suối chị sẽ biết - Cô bé thầm thì nói nhỏ để dọa Nguyệt. Còn Nguyệt thì cười khúc khích. Huệ thân với chị Nguyệt từ lúc ở làng. Nó và An hay đến nhà thầy Hải. Nó và An hay ngồi ở thềm nhà, để làm bình phong cho chị Nguyệt và thầy Hải ngồi tràng kỷ trong nhà nói chuyện với nhau.
Hai người đi qua khu rừng tre mới trồng. Những ngọn tre non trông như những cái đuôi sóc khổng lồ nhún nhảy theo gió trong bầu trời sáng nhờ nhờ. Thỉnh thoảng những con ve từ ngọn nọ bay sang ngọn cây kia, vừa bay vù vù vừa kêu ọ ọ. Ở dưới khe suối có tiếng cuốc kêu và tiếng con chim bắt cô trói cột đều đều nẫu ruột. Cái Huệ hỏi.
- Chị ơi! Thế chị đã làm đám cưới với thầy chưa?
- Chưa em ạ - Nguyệt trả lời rất nhỏ. Cô không ngờ là Huệ lại hỏi câu ấy. Nguyệt cứ nghĩ Huệ còn rất bé. Có lẽ Nguyệt vẫn coi An, em trai mình, còn rất nhỏ, bởi vì những hình ảnh bế em đi xin sữa ngày xưa vẫn đọng lại trong tâm khảm Nguyệt đến tận bây giờ. Cô coi An còn bé, thì Huệ là bạn của An cũng phải còn bé chứ sao. Cô chợt mỉm cười nhìn sang cô bé đang đi bên cạnh. Nguyệt nghĩ thầm: “ừ nhỉ”. Nó đã mười ba, mười bốn. Cả thằng An cũng thế. Đầu nó đã ngang tai mình. Rõ thật lẩm cẩm. Huệ lại hỏi thêm:
- Thế chú tiểu... à quên... anh An bây giờ ra sao?
Nguyệt cười mỉm: Rõ khéo! Mình vừa nghĩ tới An thì nó cũng nghĩ tới An. Cả một đêm, một ngày vật lộn căng thẳng, hầu như Nguyệt đã quên không nghĩ đến em trai. Câu hỏi của Huệ bắt Nguyệt cũng phải tự hỏi mình: Không hiểu bây giờ An đang làm gì? Chúng nó có bắt An không? Nếu không chắc có thể An đang lo lắng cho thầy. Đang khóc cũng nên. Và Nguyệt trả lời Huệ bằng trí tưởng tượng của mình:
- Không hề gì đâu. Bọn Tây không bắt trẻ con đâu. Thầy Hải bảo thế. Chị cũng nghĩ như thế. Cả sư cụ cũng tin là thế. Vì nếu không thì sư cụ phải bảo An trốn đi cùng với chị và sư bác chứ. Lúc chị đi, sư cụ lên điện thờ gõ mõ. Lúc chị ra đến bãi tha ma, thì thấy trong chùa huyên náo lắm. Đêm qua, sư bác bảo chị rằng chúng bắt sư cụ đi rồi. Còn An thì không biết tin nhưng chắc là không... Em nghĩ rằng lúc này thằng An đang khóc à. Không đâu. Em của chị chị biết chứ. Nó gan lắm. Táo tợn là khác. Chị chắc nó phải lên phố huyện, tìm cách vào thăm thầy. Mà sợ gì kia chứ. Thầy là bậc từ bi. Thằng An cũng là người hiền lành. Phật sẽ phù hộ cho cả hai người...
Họ đã đi vào bóng tối mù mịt của khu rừng rậm ven suối. Con suối chảy róc rách theo giữa hai quả đồi cao. Đằng sau hai quả đồi này là những khu rừng trùng điệp. Nước từ rừng chảy ra. Không hiểu tại sao bến nước này tập trung nhiều đom đóm đến thế. Đến nỗi dân gọi nó là suối đom đóm. Nhờ ánh sáng lập lòe của chúng, hai chị em dắt nhau đi theo con dốc lổn nhổn đá xuống suối. Lũ đom đóm vẽ thành những đường cầu vồng trên mặt nước. Chúng nhởn nhơ chập chờn như ma trơi. Nguyệt búi tóc ngược đỉnh đầu chuẩn bị xuống nước. Còn Huệ đi vơ lá khô, cành khô nhóm lên một đống lửa nhỏ. Lửa bùng lên. Huệ nhìn thấy Nguyệt đang ngồi trên một tảng đá dưới suối. Chị quay lưng lại. Mảng lưng trần trắng ngát; tóc ở gáy vén hết lên đỉnh đầu làm lộ ra cái cổ trắng ngà, và càng làm tôn vẻ mĩ miều của chiếc cổ kiêu ba ngấn trứ danh, mà hàng ngày chiếc khăn vuông nâu bạc phếch vẫn che khuất. Lần đầu tiên, Huệ mới thấy vóc dáng thật của chị lộ ra. Cô thầm nghĩ đẹp như tiên.
Ánh lửa đuổi lũ đom đóm ra xa. Chúng bay hết lên khúc suối thượng lưu, ở đấy bóng tối vẫn dày đặc. Nhìn từ xa, Huệ mới hiểu lũ đom đóm đang chơi trò đuổi bắt. Hóa ra cứ từng cặp một chúng cùng nhảy múa khúc cầu vồng. Lũ đóm làm cô bé bỗng lạc về những cuộc chơi năm ngoái năm xưa.
Lúc nãy, bằng trí tưởng tượng, chị Nguyệt đã kể cho Huệ nghe tình cảnh của chùa khi lính vây bắt. Huệ biết chị chỉ muốn làm yên lòng Huệ, bởi vì chị biết An và Huệ thân nhau lắm... Nhưng chị Nguyệt làm sao biết rõ được lúc này An thế nào. Nếu An không việc gì và chỉ mình sư cụ bị bắt thì An cũng khổ vô cùng. Dù An đã mười ba, cậu ta vẫn là một đứa bé. Trẻ con mà lo lắng cho một người lớn bị tù đày... Chẳng biết phải xoay xở ra sao. Không? Chớ có lo. An nhanh nhẹn tháo vát lắm. Chẳng sao đâu.
Bên ngọn lửa, trước mắt là những con đóm vẽ cầu vồng, Huệ mung lung lạc về một kỷ niệm xưa. Một kỷ niệm mùa hè năm ngoái. Cũng là kỷ niệm về những con đom đóm.
Thường thường, cứ vào cuối tuần trăng, trẻ con làng Sọ lại tập trung nhau ở trảng cỏ nằm giữa vườn chùa và bãi tha ma. Đêm tối đen như mực thì không tốt. Đêm không trăng nhưng có sao, chơi mới vui. Nghĩa là đêm vẫn tối trời, nhưng ánh sáng vẫn còn nhờ nhờ len vào bóng tối. Những đêm như vậy mới nhiều đom đóm. Cách đấy một, hai hôm nếu có trận mưa rào thì càng tốt. Tốt vì trên bãi mênh mông sẽ lập lòe cơ man là đom đóm, và nếu gặp may sẽ thấy ma trơi xuất hiện bay ven rừng Cò. Lủ trẻ làng Sọ chia làm hai nhóm. Nhóm con trai thì ở bên tha ma, chơi trò hú gọi ma trơi. Nhóm con gái và những đứa hiền lành, thì chơi trò phụ đồng chổi. Bọn con gái rủ cả chú tiểu, nhưng An không dám. Sư cụ không cho phép. An đành ngồi trong vườn chùa ngó ra qua lỗ chó chui. Ở phía xa, bọn thằng Căn đang đứng trên bờ tường một ngôi lăng mộ hét khản cả cổ để gọi ma:
Hú ma trơi
Mặt trời đã lặn...
Còn ở sát hàng rào nhà chùa, thì lũ con gái chơi vui hơn, hiền hòa hơn. Chúng ngồi thành vòng tròn ở giữa là cái Huệ. Huệ trùm lên đầu một chiếc khăn vuông, hai tay nắm lấy gốc cái chổi và giơ ra trước mặt. Đứa trẻ ngồi đồng chổi phải là một đứa trẻ mềm mại hiền hòa. Khi ngồi thì phải tập trung nghe câu hát. Tốt nhất khe khẽ đảo đưa chút ít. Không được cười. Cứ lẩm nhẩm không thành tiếng hát trong lòng theo các bạn càng chóng nhập đồng.
Phụ đồng phụ chổi. Thôi lổi mà lên
Ba bề bốn bên. Đồng lên cho chóng
Ví bằng cửa đóng. Phá ra mà vào.
Cách sông cách ao. Mà vào cho lọt
Cái roi von vót. Mà vọt cho đau...
Câu hát nhịp nhàng lảnh lót bay lên trời. Hát được ba lần thì cái đầu trùm khăn của Huệ lắc lư mạnh hơn rồi nhẹ nhàng xoay vòng tròn. Có đứa nói: “Đồng đã nhập rồi chúng mày ơi!”. Có thể hôm ấy đồng chóng lên vì cái Tí xin được ba nén hương của ông từ. Cái Tí thắt lưng bao hoa lý mượn của chị. Nó múa nén hương trước cái khăn vuông trên đầu Huệ. Rồi đến cả cái chổi cũng lắc lư và đung đưa quét đi quét lại.
- Đừng nghỉ. Cứ hát tiếp nữa đi. Cái Tí dẫn lối cho đồng. Tiếng hát vẫn không ngừng lảnh lót, khi cái Huệ trùm khăn bắt đầu di chuyển đi theo nén hương của Tí.
Hàng trầu hàng cau. Là cô con gái
Hàng bánh hàng trái. Là hàng bà già
Hàng hương hàng hoa. Là đồ cúng Phật
Đám phụ đồng chổi càng lúc càng vui. Tiếng hát càng lúc càng lảnh lót. Bây giờ thêm cả tiếng cười giòn giã. Lúc này được phép cười nói xôn xao. Chẳng sao cả. Bởi vì đã nhập đồng rồi, đã mê mẩn đi rồi.
Ở bãi tha ma, lũ mục đồng ngỗ nghịch vẫn gào lên:
Hú ma trơi, mặt trời đã lặn...
Chúng gọi ma mãi mà ma chẳng hiện. Nhưng kìa! Một đứa chợt nhìn ra phía đồng và hét to tướng: “Kìa ma”. Thì ra ma không hiện ở bãi tha ma mà lại xuất hiện từ phía đồng lúa. Ba quả bóng lửa tròn to như ba cái mũ từ cánh đồng lừng lững bay vào. Có quả xanh xanh. Có quả vừa xanh vừa hồng. Chúng bay thẳng về phía lũ trẻ chăn trâu. Thế là bọn chúng thét lên vắt chân lên cổ mà chạy. Nghe tiếng thét, lũ con gái chơi phụ đồng chổi cũng chạy tất cả.
Trên bãi cỏ, lúc này chỉ còn một mình Huệ vẫn lắc lư cần cái chổi quét đi quét lại. Chú tiểu An ở lỗ chó chui thấy vậy vội chạy ra, giật cái khăn trên đầu Huệ, giật cái chổi trên tay Huệ. Ấy thế mà cô ta vẫn chẳng tỉnh, vẫn chẳng biết gì. An phải cõng Huệ vào sân chùa lấy nước mưa vã vào mặt. Phải đến lúc ấy cô ta mới ú ớ thức dậy vươn vai, cứ như người từ giấc ngủ mê mệt tỉnh giấc.
Thế đấy! An là thế đấy! Kỷ niệm ấy chợt làm Huệ vui vui, làm cô vững lòng. Chị Nguyệt đã tắm xong. Huệ ngắm nhìn Nguyệt rồi bảo.
- Chị mặc quần áo mẹ em vừa in. Chị ơi! Em thích chị ăn mặc như thế này. Mặc thế này, chị rất xinh.
Nguyệt ửng mặt vì câu nói của cô gái. Và Nguyệt thầm nghĩ: Cô gái này thật lạ. Lúc thì lo lắng sợ sệt. Lúc thì ủ rũ. Bây giờ lại vui như con sáo...
Tối hôm ấy, Căn đi lên cơ quan tìm bố nhưng ông Trần đi công tác vắng. Mãi ba hôm sau ông mới trở về nhà. Sư bác Khoan Độ kể với ông mọi việc xảy ra ở chùa. Cuối cùng ông đề nghị với giọng rầu rầu:
- Xin sư thúc nghĩ cách cứu thầy tôi ra. Tây phòng nhì Bernard nổi tiếng ác ôn. Người ta bảo mười người sa vào tay hắn thì chết chín. Thầy tôi già rồi. Liệu có sống nổi với hắn không.
Tỉnh đội phó Trần nắm lấy tay sư Độ:
- Tôi với sư cụ vốn là tình huynh đệ. Thầy Độ nghĩ rằng tôi không nóng ruột ư? Tuy nhiên, lúc này phải thật bình tĩnh. Người của ta ở P.C. Huyện báo cáo ra là Tây Bernard chưa dùng cực hình tra tấn, vì viên chỉ huy Thalan không muốn dùng bạo lực với một người tu hành.
- Chắc là thầy Hải. Đúng là thầy Hải đã báo cáo.
- Không chỉ có một mình thầy Hải. Ở đấy ta còn những người khác. Mà sư thầy hãy quên thầy Hải đi. Rất nguy hiểm cho người của ta. Sư thầy tình cờ biết được thầy Hải làm gì thì cũng coi như chưa bao giờ biết đến việc đó. Đây là sinh mạng con người. Đây là công việc cách mạng. Đây là chuyện tuyệt đối bí mật. Sống để bụng chết mang đi...
Ông tỉnh đội nói một thôi một hồi làm sư Độ có vẻ phật lòng. Ông ngắt lời Trần:
- Thầy Hải là chồng sắp cưới của cô Nguyệt. Cô Nguyệt lại là người của chùa Sọ. Tức thầy Hải cũng là người của chùa Sọ. Sư thúc không biết tôi đã phát nguyện với thầy tôi rồi sao. Tôi đã thề nguyện làm người hộ pháp. Kẻ nào phạm vào thầy tôi hay những người của chùa, tôi sẽ không để yên. Vậy thì, há tôi lại không biết cách bảo vệ thầy Hải. Dù thầy ấy không đi tu, thầy ấy vẫn là con rể của chùa.
Câu nói gan ruột chất phác của nhà sư lạ lùng kia đã làm ông Trần lúng túng, chả biết nói sao. Cô Nguyệt nghe nói chỉ biết đỏ mặt cúi đầu. Bà Nấm phải chen vào câu chuyện:
- Thôi. Chuyện ấy để đấy. Hãy bàn sang chuyện sư cụ đã.
Ông Trần cũng cười xòa. Ông cười cái tác phong thủ trưởng của mình. Buồn cười là tác phong ấy theo ông về tận gia đình. Ông đã quen cái nếp nói với ai là phải giảng giải, giáo dục đến cái tầm quan trọng của nó. Cuối cùng ông bảo:
- Thực ra, chuyện này lãnh đạo tỉnh cũng bàn. Chùa Sọ tuy nhỏ bé nhưng nó nằm trong kế hoạch lớn của tỉnh. Đó là giành giật dân, mở rộng khu du kích. Tôi thương sư huynh tôi nhưng tất cả phải tuân theo kế hoạch.
- Nghĩa là chẳng ai cứu thầy tôi chứ gì?
- Sư bác bình tĩnh đi. Không phải bỏ mặc. Mà thực ra tình thế không đến nỗi như thầy Độ nghĩ. Sư huynh của tôi không quan hệ với cán bộ cách mạng nào, ngoài tôi ra. Như vậy, sư cụ hoàn toàn không biết gì về công việc cách mạng. Vậy thì Tây Bernard tìm được gì ở sư cụ. Phòng nhì nó tinh lắm. Chúng nó biết cần khai thác ai. Nếu tra tấn cụ mà chẳng được gì, và chỉ làm cho chúng mang tiếng thì chúng không làm đâu.
- Vậy theo sư thúc, phòng nhì sẽ thả thầy tôi ra?
- Đúng thế. Chẳng chóng thì chầy... Lâu lắm cũng chỉ một tháng...
Sư Khoan Độ thừ người ra ngồi im lặng. Ông Trần tiếp:
- Trong lúc chờ đợi, cô Nguyệt theo nhà tôi vào tổ cấp dưỡng, nấu cơm cho cơ quan huyện. Còn thầy Độ giỏi võ, nếu thầy bằng lòng, tôi sẽ giới thiệu cho thầy nhập ngũ.
Khoan Độ cười:
- Tôi không làm lính được đâu. Tôi sẽ ở đây tạm một tháng, chờ xem thầy tôi có được thả ra như sư thúc nói không.
Trong một tháng ấy, sư Khoan Độ dạy Căn luyện võ. Hai người huỳnh huỵch với nhau suốt ngày trên bãi cỏ mềm. Quả nhiên, chừng một tháng sau, sư cụ Vô úy được thả. Sư Khoan Độ đến gặp tỉnh đội Trần:
- Thưa sư thúc. Quả là người đoán việc như thần. Còn tôi, đã vào chùa mà còn nôn nóng. Tôi không thể làm lính. Tôi đã nguyện theo thầy tôi suốt đời rồi, để cảm tạ cái ơn thầy đã sinh ra tôi lần thứ hai. Bây giờ, tôi không thể về chùa Sọ được nữa. Nhưng thầy tôi vẫn còn cái am nhỏ ở sau lưng núi Yên Tử. Tôi đã được thầy cứu sống ở đấy. Nay, tôi lại về đấy để tu tâm dưỡng tính chờ lúc yên hàn lại trở về chùa Sọ hầu hạ thầy tôi.
Sư nói với Nguyệt:
- Cô Nguyệt ạ. Cô là con nuôi sư cụ. Cô cũng là em tôi. Có lúc cô chưa hiểu nhưng bây giờ chắc là đã hiểu. Em cứ yên tâm ở lại với gia đình sư thúc. Bao giờ em cần, lúc bấy giờ anh sẽ có mặt ngay. Anh đã thề rồi. Em hiểu chứ.
Cô gái ngậm ngùi cầm lấy bàn tay rắn như sắt, cụt một ngón tay của người sư huynh kỳ lạ.
Chú thích:
[1] Vách nhứng: Rơm trộn bùn vắt qua những lỗ mắt cáo tạo nên vách.
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Đội Gạo Lên Chùa
Nguyễn Xuân Khánh
Đội Gạo Lên Chùa - Nguyễn Xuân Khánh
https://isach.info/story.php?story=doi_gao_len_chua__nguyen_xuan_khanh