Cội Rễ epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 17
âu chuyện của bố về việc bắt nô lệ và về bọn da trắng ăn thịt người, làm cho Lamin khiếp sợ đến nỗi đêm hôm ấy, những cơn ác mộng đã khiến nó phải đánh thức Kunta dậy mấy lần. Và hôm sau, khi chăn dê về, Kunta quyết định phải lái tâm tư thằng em - và tâm tư bản thân nó - khỏi những ý nghĩ ấy bằng cách kể cho Lamin nghe về các ông bác cừ khôi của chúng .
"Các anh trai của bố cũng là con của ông nội Kairaba Kunta Kintê mà tao được đặt tên", Kunta hãnh diện nói. "Nhưng các bác Jannê và Xalum của chúng ta là do bà Xireng đẻ ra". Lamin có vẻ ngơ ngác nhưng Kunta tiếp tục giải thích "Bà Xireng là vợ thứ nhất của ông nội, bà chết trước khi ông lấy bà nội Yaixa của chúng ta". Kunta lấy những nhánh cây bày trên mặt đất để minh họa cho Lamin rõ các cá nhân khác nhau trong gia đình Kintê. Song nó có thể thấy là Lamin vẫn không hiểu. Nó thở dài và chuyển sang nói về các cuộc phiêu lưu của hai ông bác mà chính nó cũng đã nhiều lần hồi hộp nín thở theo dõi mỗi khi nghe bố kể .
"Các bác chúng ta chưa hề lấy vợ bao giờ, vì quá say mê đi đây đi đó", Kunta nói, "Hàng bao tuần trăng liền, các bác ngày ngao du dưới ánh mặt trời, đêm ngủ dưới màn sao. Bố bảo là các bác đã từng đến một nơi mà mặt trời thiêu đốt những bãi cát chạy dài không bao giờ hết, một vùng đất đai không bao giờ có mưa". Ở một nơi khác mà các bác chúng đã tới thăm, Kunta nói, cây mọc dày đến nỗi trong rừng, ban ngày cũng tối mịt như đêm. Dân vùng này không cao gì hơn Lamin và bao giờ cũng ở truồng như Lamin - ngay cả sau khi đã trưởng thành. Và họ giết những con voi to đùng bằng những mũi tên tẩm thuốc độc nhỏ xíu. Ở một nơi khác nữa, xứ sở của những người khổng lồ, Jannê và Xalum đã thấy những chiến binh có thể phóng những mũi xiên săn thú xa gấp đôi người khỏe nhất trong bộ tộc Manđinka và những nghệ sĩ múa có thể nhảy cao hơn đầu mình, nghĩa là cao hơn người cao nhất ở làng Jufurê sáu bàn tay chồng thẳng lên nhau.
Trước giờ đi ngủ, trong khi Lamin giương mắt thao láo nhìn, Kunta làm điệu bộ diễn xuất câu chuyện ưa thích nhất của mình - đột nhiên tả xung hữu đột với một thanh gươm tưởng tượng chém lên chém xuống, cứ như thể Lamin là một trong những tên cướp mà các bác chúng cùng những người khác hằng ngày phải đánh đuổi trong một chuyến đi kéo dài hàng bao tuần trăng, chở nặng những ngà voi, đá quý và vàng tới thành phố lớn của người da đen là Zimbabuê.
Lamin năn nỉ anh kể chuyện thêm, nhưng Kunta bảo nó đi ngủ đi. Cứ mỗi lần Kunta bị bắt phải đi ngủ sau khi nghe bố kể những câu chuyện như vậy, nó thường nằm dài trên chiếc chiếu - cũng như thằng em nó lúc này - mường tượng câu chuyện về các ông bác ra thành hình ảnh. Và thậm chí đôi khi Kunta còn nằm mê thấy mình đi du lịch cùng với các ông bác đến tất cả mọi nơi kỳ lạ, nói chuyện với những con người mà bộ dạng, hành vi và cách sống khác hẳn người Manđinka. Chỉ cần nghe thấy nhắc đến tên các ông bác là tim nó đã đập rộn lên rồi .
Mấy ngày sau, bỗng nhiên tên của các ông bác này được truyền tới Jufurê một cách náo nức đến nỗi Kunta phải khó khăn lắm mới tự kềm chế nổi. Đó là một buổi chiều oi ả, bình lặng và hầu như tất cả mọi người trong làng đang ngồi ngoài cửa lều hoặc dưới bóng cây bao-báp thì đột nhiên từ làng bên vọng sang gọn sắc tiếng trống truyền tin. Cũng như người lớn, Kunta và Lamin dỏng tai chăm chú nghe xem trống nói gì. Lamin há hốc miệng kêu lên khi nghe thấy tên bố mình. Nó còn bé, chưa hiểu được phần còn lại, nên Kunta thì thầm giải thích cho nó cái tin được truyền đến, Jannê và Xalum Kintê đang xây dựng một làng mới ở cách đây năm ngày đường, về phía mặt trời mọc. Và họ chờ em trai Ômôrô tới dự lễ cầu phước cho làng đó vào đầu tuần trăng sau nữa.
Tiếng trống loan tin dừng lại, Lamin hỏi rối rít: "Đúng là các bác của chúng ta đấy chứ? Cái chỗ ấy ở đâu? Liệu rồi bố có đến đó không?" Kunta không trả lời. Thật vậy, khi Kunta chạy xuyên qua làng như tên bắn về phía lều jaliba, nó hầu như không nghe thấy thằng em nói gì. Nhiều người khác đã tụ tập ở đấy - rồi Ômôrô tới, đằng sau là Binta với cái bụng kềnh càng. Mọi người nhìn Ômôrô và gã jaliba nói với nhau mấy câu ngắn và Ômôrô biếu anh ta một món quà. Cái trống đàm thoại đặt ở gần một đống lửa nhỏ, mặt bằng da dê được hơ nóng, căng đến tột độ. Phút chốc đám đông thấy đôi tay jaliba nện trống truyền đi câu trả lời của Ômôrô rằng theo ý Chúa Ala, anh sẽ có mặt tại khu làng mới của hai ông anh trước tuần trăng sau nữa. Trong những ngày tiếp theo, Ômôrô đi đâu dân làng cũng tấp nập xúm quanh chúc mừng và cầu phước cho ngôi làng mới mà lịch sử sẽ ghi lại là do thị tộc Kintê sáng lập nên.
Chỉ còn mấy ngày nữa là Ômôrô lên đường thì một ý nghĩ táo tợn đến mức hầu như không tưởng tượng được chợt xâm chiếm Kunta. Liệu có chút mong manh hy vọng nào bố nó bằng lòng cho nó đi cùng không nhỉ? Kunta không thể nghĩ đến điều gì khác. Nhận thấy sự trầm lặng khác thường của nó, các bạn chăn dê, kể cả Xitafa, đều để cho Kunta yên. Và đối với thằng em tôn sùng nó, Kunta trở nên cáu bẳn đến nỗi ngay cả Lamin cũng phải phật ý và bối rối tránh xa. Kunta biết là mình hành động không phải và cảm thấy ân hận, nhưng nó không thể làm khác được.
Nó biết là thỉnh thoảng có thằng may mắn được phép cùng đi một chuyến viễn du với bố, với chú, bác hoặc với anh trai lớn. Song nó cũng biết những thằng như thế đều không còn ở cái tuổi non nớt tám vụ mưa như nó, trừ trường hợp một số thằng bé không cha được những đặc quyền theo luật lệ của tổ tiên truyền lại. Một thằng bé như vậy có thể bám sát bất kỳ người đàn ông nào và người này sẽ không bao giờ phản đối việc chia sẻ với nó bất cứ cái gì mình có - dù anh ta đang làm một chuyến đi kéo dài hàng tuần trăng - chừng nào thằng bé còn theo sau, cách anh ta đúng hai bước, làm mọi điều anh ta sai bảo, không phàn nàn và không nói không rằng, trừ khi anh ta nói với nó.
Kunta biết là không nên để cho ai, nhất là mẹ nó ngờ ngợ đoán ra điều nó mơ tưởng. Nó cảm thấy chắc chắn rằng nếu lộ ra, Binta không những sẽ phản đối mà có lẽ sẽ còn cấm nó không bao giờ được nhắc đến chuyện ấy, điều đó có nghĩa là Ômôrô sẽ không bao giờ biết Kunta thiết tha mong muốn được đi đến mức nào. Cho nên Kunta biết hy vọng duy nhất của nó là hỏi chính bố - nếu như nó có cơ hội gặp bố một mình.
Chẳng bao lâu, chỉ còn ba ngày nữa là Ômôrô lên đường, Kunta gần như tuyệt vọng nhưng vẫn tỉnh táo chờ dịp, sau khi ăn sáng, đang lùa dê thì nó chợt thấy bố rời khỏi lều Binta. Lập tức, nó bèn điều khiển đàn dê quanh quẩn lại một chỗ cho đến khi Ômôrô đi khá xa theo một hướng khuất hẳn tầm mắt của Binta . Bấy giờ, Kunta đánh liều bỏ mặc đàn dê, chạy vụt đi như một con thỏ rừng, rồi dừng sững lại, thở không ra hơi, ngước mắt cầu khẩn nhìn vào bộ mặt kinh ngạc của bố. Miệng há hốc, Kunta quên biệt mọi điều định nói.
Ômôrô cúi nhìn con trai hồi lâu, rồi nói: " Bố vừa nói với mẹ con về chuyện ấy", và tiếp tục đi.
Kunta phải mất vài giây mới hiểu bố. "Aaa!". Kunta hét toáng lên mà thậm chí không biết là mình hét. Gieo mình xấp xuống đất, nó lại nhảy bật lên trên không như con cóc - và lao trở về với đàn dê, xua chúng chạy nhanh ra bãi.
Khi nó đủ bình tĩnh lại để kể cho lũ bạn mục đồng nghe câu chuyện vừa xảy ra, bọn này phát ghen lên đến nỗi mỗi đứa bỏ đi một phía. Nhưng dến trưa, chúng không dừng được nữa, không cưỡng nổi ý muốn chia sẻ niềm phấn khởi trước một dịp may kỳ diệu như vậy. Song lúc này, Kunta lại trở nên trầm lặng: nó chợt hiểu ra là từ lúc hiệu trống mang tin đến, bố nó đã suy nghĩ ngay đến nó.
Xế chiều hôm đó, khi Kunta sung sướng chạy về và bước vào căn lều của mẹ, Binta chẳng nói chẳng rằng, vớ lấy nó bạt tai túi bụi đến nỗi thằng bé phải vùng chạy mà không dám hỏi là mình đã làm gì nên tội. Và thái độ của Binta đối với Ômôrô đột nhiên thay đổi một cách kỳ lạ khiến Kunta cũng thấy chướng. Ngay cả Lamin cũng biết rằng một người đàn bà tuyệt đối không được phép tỏ ra bất kính đối với một người đàn ông, thế mà khi Ômôrô đứng gần kề, có thể nghe rành rọt lời chị nói, Binta vẫn cứ lớn tiếng ca cẩm, phản đối chuyến đi của hai bố con xuyên rừng xuyên bãi giữa lúc tiếng trống từ nhiều làng khác nhau thường xuyên loan tin có thêm những người bị mất tích. Những lúc chuẩn bị mạch kê làm bữa điểm tâm, chị nện chày vào lòng cối dữ dội đến nỗi nghe như đánh trống.
Hôm sau, khi Kunta hối hả ra khỏi lều - để tránh một trận đòn mới - Binta cấm Lamin không được theo, rồi hôn hít nó, vuốt ve nó, ghì lấy nó, những cử chỉ âu yếm mà kể từ sau thời kỳ nó còn ẵm ngửa, chị đã thôi không làm nữa. Lamin đưa mắt nhìn Kunta tỏ ý bối rối, nhưng cả hai đều không làm gì được.
Khi Kunta ở ngoài lều, cách xa mẹ nó, hầu hết mọi người lớn gặp nó đều chúc mừng, nêu rõ nó là đứa con trai nhỏ tuổi nhất ở Jufurê có vinh dự đi cùng với bậc cha anh trong một chuyến viễn du dài ngày. Kunta khiêm tốn nói "Cám ơn" chứng tỏ nền nếp giáo dục gia đình đâu vào đấy - nhưng một khi ra đến bãi, ngoài tầm mắt của người lớn, nó liền nhảy cỡn lên dưới cái bọc quần áo to tướng mà nó mang theo để trưng trỏ cho các bạn thấy mình có thể đội ngay ngắn như thế nào - và sáng hôm sau, nó sẽ đội cái bọc đó thật thăng bằng khi theo cha đĩnh đạc đi qua cây lữ khách cho mà xem. Nhưng đi được ba bước thì cái bọc đó rớt cả ba lần.
Trên đường trở về nhà, lòng ngổn ngang bao điều cần làm trước khi lên đường, Kunta cảm thấy một thôi thúc kỳ lạ phải đến thăm già Nyô Bôtô trước khi tiến hành bất cứ cái gì khác. Sau khi đưa dê về chuồng, nó lỉnh thật nhanh khỏi lều Binta và đến ngồi chồm chỗm trước lều bà Nyô Bôtô. Lát sau, bà hiện ra ở khung cửa "Ta đang đợi cháu", bà nói, mời nó vào trong lều. Như thường lệ mỗi khi Kunta đến thăm bà một mình, hai bà cháu cứ ngồi yên lặng một lúc. Xưa nay nó vẫn thích và chờ đợi cái cảm giác đó. Mặc dầu nó rất bé và bà thì rất già, hai bà cháu vẫn cảm thấy hết sức gần gũi nhau khi ngồi đó, trong căn lều mờ tối, mỗi người theo đuổi những ý nghĩ riêng của mình.
"Ta có một cái dành cho cháu", cuối cùng già Nyô Bôtô nói. Bước tới chỗ cái túi xẫm đen bằng da bò treo trên tường cạnh giường nằm, bà lôi ra một lá bùa xaphi màu xẫm người ta thường quấn vào cánh tay. "Ông nội cháu đã ban phước cho lá bùa này khi cha cháu đi tập luyện trưởng thành", bà Nyô Bôtô nói. "Nó được ban phước nhân kỳ huấn luyện trưởng thành của con trai đầu lòng Ômôrô - tức là cha cháu. Bà nội Yaixa giao nó lại cho ta giữ đến khi nào cháu bước vào tập luyện trưởng thành. Và chuyến đi này với bố cháu quả thật là bước mở đầu ấy". Kunta âu yếm nhìn bà già thân yêu, nhưng nó không tìm ra lời lẽ thích đáng để nói rằng lá bùa sẽ khiến nó cảm thấy bà luôn luôn ở bên nó, dù nó đi xa đến đâu chăng nữa.
Sáng hôm sau, cầu nguyện ở nhà thờ trở về, Ômôrô sốt ruột đứng chờ Binta đủng đỉnh làm nốt động tác sửa lại ngay ngắn cái bọc đội đầu cho Kunta. Ban đêm nằm chong chong, quá rạo rực không ngủ được, Kunta đã nghe thấy chị khóc nức nở. Rồi bất thình lình chị ghì chặt lấy Kunta đến nỗi nó cảm thấy người chị run lên và hơn bao giờ kết, nó hiểu mẹ nó thực quả yêu nó biết nhường nào.
Trước đó, cùng với thằng bạn Xitafa, Kunta đã thực tập và tổng duyệt những điều mà giờ đây nó và bố nó đang làm. Trước hết, Ômôrô rồi sau đó là Kunta bước hai bước ra trước cửa lều. Rồi dừng sững, quay lại và cúi xuống, hai bố con vét nắm bụi trong những dấu chân đầu tiên của mình, bỏ vào túi săn, bằng cách đó đảm bảo bước chân mình sẽ quay trở về chỗ cũ.
Từ cửa lều mình, Binta nước mắt giàn giụa, ghì chặt Lamin vào cái bụng chửa, đứng trông theo Ômôrô và Kunta bước đi. Kunta đã định ngoái lại nhìn lần cuối - nhưng thấy bố không làm thế mà cứ tiếp bước, mắt nhìn thẳng phía trước, nó bèn nhớ ra rằng một người đàn ông không nên bộc lộ những xúc động của mình. Trong khi đi ngang qua làng, mọi người đang gặp trên đường đều nói và mỉm cười với hai bố con, và Kunta vẫy các bạn cùng lứa kafô đã hoãn chậm việc lùa dê để tiễn nó. Nó biết các bạn hiểu rõ sở dĩ nó không đáp lại những lời chào của chúng là vì đối với nó lúc này, mọi lời thưa thốt là cấm kỵ. Tới chỗ cây lữ khách, hai bố con dừng lại và Ômôrô buộc hai mảnh vải hẹp thêm vào hàng trăm dải khác đã tơi tả vì mưa nắng dãi dầu nhưng vẫn phất phơ ở những cành thấp, mỗi dải tượng trưng cho lời của một du khách nguyện cầu cho chuyến đi của mình được an toàn và đầy ân phước.
Kunta không thể tin rằng những diều này đang thực sự diễn ra. Lần đầu tiên trong đời nó sẽ qua một đêm cách xa lều mẹ, lần đầu tiên, nó sẽ đi qua cổng làng Jufurê xa hơn cả một con dê lạc bầy, lần đầu tiên… cho biết bao nhiêu thứ! Trong khi Kunta đang bận tâm với những ý nghĩ ấy, Ômôrô đã quay gót và không nói không rằng, cũng chẳng ngoái nhìn lại, bắt đầu đi rất nhanh trên con đường mòn dẫn vào rừng. Kunta chạy vội để theo cho kịp bố, tí nữa làm rớt cái bọc đội đầu.
Cội Rễ Cội Rễ - Alex Haley Cội Rễ