Chương 17
HỮNG LỜI CỦA PENÉLOPE ALDAYA, mà đêm đó tôi đã đọc đi đọc lại tới khi nằm lòng, đã phủi sang bên toàn bộ cái cảm giác đắng gắt mà cuộc viếng thăm của Thanh tra Fumero để lại. Bình minh lên, sau khi dành thâu đêm thức trắng, mải mê với lá thư và giọng nói cảm nhận được sau những ngôn từ, tôi rời khỏi nhà. Tôi lặng lẽ mặc đồ và để lại cho cha một lời nhắn đặt trên tủ đồ ở hành lang, trong đó nói rằng tôi có vài việc vặt cần phải lo và sẽ về tiệm sách lúc chín rưỡi. Khi tôi bước ra cửa chính, đôi chỗ vũng nước do cơn mưa phùn đêm qua còn đọng lại trên phố phản chiếu những bóng thẫm xanh mờ của sớm mai. Tôi cài khuy áo vét, đọan dấn bước về phía Quảng trường Cataluna. Những bậc tam cấp từ phía ga tàu điện ngầm dẫn lên bốc ra một luồng xoáy khí ấm. Tại phòng bán vé của công ty Đường sắt xứ Catalan, tôi mua một vé hạng ba tới ga Tibidabo. Tôi lên ngồi trong toa tàu chật ních những gã nhân viên văn phòng, các chị hầu gái và cánh công nhân ban ngày tay giữ những miếng sandwich to cỡ cục gạch gói trong giấy báo. Náu mình trong bóng tối dưới những hầm ngầm, tôi tựa đầu lên cửa sổ, trong khi con tàu lướt qua những nơi sâu tận cùng dưới thành phố và hướng về phía chân núi Tibidabo, ngọn núi trùm bóng lên toàn Barcelona. Khi xuất hiện trở lại giữa những con phố, tôi cứ như thể đang thám hiểm một nơi hoàn toàn xa lạ. Bình minh dần tàn, một dải sáng máu tía sắc gọn như lưỡi kiếm chém qua những đám mây, vẩy sắc tím trùm lên mặt tiền những ngôi biệt thự và tòa nhà oai vệ viền hai bên Đại lộ Tibidabo. Một chiếc xe điện màu xanh lười nhác bò ngược lên dốc trong sương mù. Tôi vội càng chạy theo chiếc xe điện và trèo lên vừa kịp qua cái bục chòi ra ở cuối xe, người bán vé ngước lên nhìn tỏ vẻ không vừa ý. Toa xe bằng gỗ gần như hoàn toàn trống khách. Hai ông thầy dòng và một bà để tang có làn da tái mét đang gà gật, nửa tỉnh nửa mê, theo nhịp rung lắc của toa xe. “Cháu chỉ đi tới số 32 thôi ạ,” tôi nói với người bán vé, đoạn nhe ra nụ cười thân thiện nhất của mình.
“Cậu có đi tới tận Mũi Hảo Vọng tôi cũng chả quan tâm,” ông ta hờ hững đáp. “Ngay cả các ngài chiến binh của Chúa đây cũng phải trả tiền vé. Vẩy tiền ra không thì miễn qua. Riêng việc tôi ứng khẩu thành vần thì miễn phí cho cậu.” Mang xăng đan và áo choàng vải bố khổ hạnh của dòng thánh Francis, hai ông thầy dòng gật gật, trưng ra hai tấm vé hòng nhằm chứng minh quan điểm của người bán vé.
“Vậy cháu sẽ xuống,” tôi nói. "Vì cháu chẳng có đủ tiền.” “Tùy ý cậu. Nhưng hãy đợi tới trạm sau. Tôi không muốn có tai nạn nào xảy ra trong phiên trực của mình đâu.”
Chiếc xe điện leo dốc với tốc độ cuốc bộ của người thường, ôm ấp những bóng hình cây cối, liếc ngang qua các bức tường cũng như vườn tược của những tòa biệt thự nguy nga như lâu đài mà tôi mường tượng rằng choán đầy nào tượng nào đài phun nước, chuồng ngựa hay nhà nguyện bí mật. Tôi nhìn ra từ một bên cửa hậu của toa xe điện và chú ý thấy tòa Nhà Nguyện Trắng hiện bóng giữa những tán cây. Khi tới gần góc giao với phố Román Macaya, xe chậm lại tới khi tiến sát ngay cạnh một trạm dừng. Bác tài xế rung chuông và người bán vé ném cho tôi một cái nhìn sắc lạnh. "Đi đi, đồ lỏi ranh. Cậu tới rồi đó, số 32 ở ngay kia kìa.” Tôi xuống xe và nghe tiếng lenh keng vẳng lại của chiếc xe điện xanh dương khi nó mất hút vào sương mù. Dinh thự nhà Aldaya nằm tại nơi đối diện của con phố, được bảo vệ bởi một cánh cổng sắt lớn dệt kín dây thường xuân và lá khô. Cố định giữa những thanh sắt dọc, hầu như dễ bị bỏ qua, là một cánh cửa nhỏ khóa kín. Phía trên cổng là số 32, bằng thép uốn thành hình những con rắn đen tuyền. Đứng từ đây tôi cố nhòm vào trong dinh cơ nhưng chỉ loáng thoáng thấy những đường uốn và góc cạnh của một tòa tháp tối om. Một lằn gỉ sét chạy dài từ lỗ khóa trên cánh cửa nhỏ. Tôi quỳ xuống cố nhìn sao cho rõ hơn vào sân trong từ vị trí đó. Tất cả những gì tôi thấy được là một mớ cỏ dại và đường nét của thứ gì đó tựa như đài phun nước hoặc hồ nước mà từ đó xuất hiện một bàn tay duỗi ra, chỉ thằng lên trời. Tôi mất vài giây mới nhận ra đó là một bàn tay bằng đá và ngoài ra còn có cả những tay chân và hình thù khác nữa mà tôi khó lòng nhìn ra nổi cũng bị dầm trong đài phun nước. Xa hơn nữa, phủ kín dưới lớp cỏ rêu, tôi thấy một cái cầu thang đá, vỡ nát và kín đặc gạch vụn cũng như lá khô. Vinh quang và thịnh vượng của nhà Aldaya đã héo úa từ rất lâu trước đây rồi. Nơi này giờ là nghĩa địa.
Tôi bước ra sau vài bước và rẽ ở góc để nhìn về phía Nam tòa nhà. Từ đây có thể nhìn thấy rõ hơn một trong những tháp của dinh thự này. Ngay khi ấy tôi chú ý thấy bóng dáng một người ở đằng xa trong tầm nhìn của mình, một người đàn ông hốc hác trong chiếc quần yếm xanh đang khua cây chổi lớn dùng để tấn công lá khô rải rác trên vỉa hè. Ông ta nhìn tôi đôi chút ngờ hoặc, tôi đồ rằng ông ta hẳn là người coi nhà cho một trong các nhà hàng xóm quanh đây. Tôi khoe ra điệu cười mà một người đã tốn hàng giờ sau quầy tính tiền có thể khoe ra. “Chào buổi sáng,” tôi ngân giọng ra vẻ thân mật. “Bác liệu có biết nhà Aldaya đã rời bỏ nơi đây được bao lâu không ạ?”
Ông ta nhìn như thể tôi vừa thắc mắc về giới tính của các thiên thần. Người đàn ông nhỏ thó đưa tay lên cằm, những ngón tay vàng khè bộc lộ rằng ông vốn thích loại thuốc lá không đầu lọc rẻ tiền hiệu Celtas. Tôi thấy tiếc rằng mình không mang theo một bao để tranh thủ lòng tin của ông ta. Tôi lục trong túi áo vét xem có thể tìm ra thứ gì để mời chăng. “Ít nhất là hai mươi hai lăm năm trước rồi, hãy hy vọng là nó sẽ còn tiếp tục như vậy,” người coi nhà đáp bằng giọng nói tẻ nhạt, cam chịu của những kẻ đã chịu nhiều vùi dập đến độ đành cam phận nô bộc.
“Bác đã ở đây lâu chưa ạ?” Người đàn ông gật đầu. "Ông đây đã được gia đình nhà Miravell thuê từ năm 1920.”
“Liệu bác có biết chút gì về việc đã xảy ra với gia đình nhà Aldaya không ạ?” “Hừm, cậu biết đấy, hồi thời Cộng hòa họ mất mọi thứ,” ông ta nói. "Cái gã gây rối đó... Tôi chỉ nghe được chút ít từ nhà Miravell thôi - họ từng là bạn với nhà Aldaya. Hình như tay con cả, Jorge, đã xuất ngoại rồi, tới Argentina. Nghe đâu họ có nhà máy ở đó. Họ giàu lắm. Họ luôn hồi phục được. Cậu liệu có thuốc lá ở đó không vậy?"
“Cháu xin lỗi, nhưng cháu chỉ có kẹo Sugus – người ta đều biết trong thành phần kẹo này chứa nhiều nicotine không kém loại xì gà hiệu Montecristo, và cả vô số vitamin nữa.” Người coi nhà nhíu mày vẻ khó tin, nhưng vẫn chấp nhận. Tôi mời ông ta kẹo chanh Sugus mà Fermín cho tôi dễ đến cả thập kỷ trước, cái kẹo tôi tìm được trong túi áo, lẫn trong lần vải áo. Tôi hy vọng nó không dậy mùi.
“Ngon đấy,” người coi nhà thốt lên, mút mát chiếc kẹo dẻo. “Bác đang nhai niềm tự hào của ngành công nghiệp bánh kẹo trên cả nước đấy. Ngài Tổng Tư Lệnh thường nhai cả nắm kẹo loại này, như nhai quả hạnh ướp đường ấy. Cho cháu biết đi, liệu bác đã từng nghe về con gái nhà Aldaya, tên cô ấy là Penélope?”
Người coi nhà nghiêng người tựa vào chổi, kiểu cách cứ như bức tượng Người tư duy của Rodin. “Tôi nghĩ là cậu nhầm rồi. Nhà Aldaya không có con gái. Chỉ toàn con trai thôi.”
“Bác có chắc không ạ? Cháu được biết có một cô gái trẻ tên gọi là Penélope Aldaya từng sống trong tòa nhà này vào khoảng năm 1919. Cô ấy rất có thể là em gái của Jorge.” “Có thể, nhưng như tôi nói rồi đấy, tôi tới đây từ năm 1920.”
“Thế còn dinh cơ này? Hiện giờ ai sở hữu nó ạ?” “Như tôi biết thì hiện giờ nó vẫn đang được rao bán, dù người ta đang bàn là nên phá nó đi để xây trường học. Trắng ra thì đó là điều tốt nhất họ có thể làm. San bằng nó tới đến tận móng luôn.”
“Sao bác lại nói thế ạ?” Người coi nhà nhìn tôi với vẻ thận trọng. Khi ông ta cười, tôi để ý thấy có bốn cái răng hàm trên bị mất. "Những kẻ đó, cái nhà Aldaya ấy. Bọn họ mờ ám ghê lắm, đấy là nếu cậu nghe những gì người ta đồn đại.”
“Cháu e là cháu không biết rồi. Người ta nói gì về họ ạ?” “Cậu biết đấy. Những tiếng ồn và đủ chuyện. Cá nhân tôi thì tôi không tin mấy chuyện đó đâu, đừng hiểu lầm nhé, nhưng họ đồn là có hơn một kẻ từng vãi ra quần ở đó đấy.”
“Bác đừng kể là ngôi nhà bị ma ám chứ,” tôi hỏi, cố nén không cười. “Cậu cứ cười đi. Nhưng không có lửa sao có khói.”
“Bác đã thấy điều gì sao?” “Không hẳn, thực ra là không. Nhưng tôi đã nghe thấy. “
“Nghe? Thấy gì ạ?” “Ừm, một đêm nọ, tám năm trước, khi ta đi cùng cậu chủ Joanet. Chỉ vì ông ấy cứ khăng khăng đòi vậy, cậu biết đấy. Ta chẳng muốn dính dáng gì đến cái nơi đó. Như ta đã nói, ta nghe thấy gì đó là lạ. Kiểu như tiếng nức nở ấy.”
Người coi nhà liền cất giọng thể hiện dị bản của riêng ông về cái âm thanh mà ông vừa nhắc đến. Nghe cứ như người nào đó bị lao phổi đang lúng búng ậm ừ những bài dân ca. “Không chừng là do gió,” tôi gợi ý.
“Rất có thể, nhưng tôi cũng sợ vãi cả hồn ấy. Này, cậu có còn viên kẹo ngọt nào không?” “Kẹo viêm họng thì sao ạ? Chúng sẽ giúp làm dịu giọng bác sau khi ăn kẹo ngọt.”
“Vậy thì đưa đây,” người giữ nhà đồng ý, đưa tay ra sẵn để nhận kẹo. Tôi đưa ông ta nguyên cả hộp kẹo. Vị cam thảo mạnh dương như khiến ông ta linh hoạt hơn hẳn. Ông ta bắt đầu tuôn ra những câu chuyện lạ thường về tòa dinh thự Aldaya.
“Chuyện này chỉ giữa cậu và tôi thôi nhé. Lần nọ, Joanet, con trai của Señor Miravell, một tay khổng lồ, gấp đôi cậu ấy (anh chàng là tuyển thủ đội bóng ném quốc gia, nói thế chắc là cậu dễ hình dung)... Đại loại là, bằng cách nào đó, vài tay bạn của Joanet nghe được những lời đồn đại về dinh thự nhà Aldaya, thế là bọn họ bèn bắt anh chàng vào đó. Đến lượt anh chàng lại bắt tôi vào theo, yêu cầu tôi phải đi cùng – khoác lác vênh vang là vậy thế mà rốt cuộc cậu ta không dám tự đi một mình. Lũ trẻ nhà giàu mà, ta trông đợi gì cơ chứ? Anh chàng quyết tâm tới đó vào ban đêm, hòng ra vẻ trước mặt bạn gái mình, thế mà suýt thì tè cả ra quần. Ý tôi là, giờ ban ngày cậu thấy cái tòa dinh thự thế này thôi, ban đêm nó khác hẳn ấy. Dù sao, Joanet nói là anh chàng cũng đã lên tầng hai (tôi từ chối vào đó, đương nhiên rồi – như thế là phạm pháp mà, dẫu cho tòa nhà đó đã bị bỏ hoang ít nhất mười năm đi nữa), và anh ta bảo ở đó có gì đấy. Anh chàng kể là nghe thấy gì đó như thể tiếng người phát ra từ một trong các căn phòng, nhưng khi cố tiến vào thì cánh cửa đóng sập vào mặt anh chàng. Cậu nghĩ sao về chuyện đó?” “Cháu nghĩ đó là do gió thôi,” tôi nói.
“Hoặc gì đó khác,” người coi nhà chỉ ra, hạ thấp giọng. “Ngày nọ trên đài có bảo thế này: vũ trụ đầy những bí ẩn. Tưởng tượng xem, họ nghĩ là đã tìm ra được Tấm Vải Liệm Chúa Giê-su, thứ thiệt ấy, ngay tại khu trung tâm của Toledo. Nó đã bị vá lên tấm phông màn chiếu bóng, để tránh khỏi tai mắt bọn Hồi giáo. Dường như bọn họ muốn dùng tấm vải liệm đó để có thể nói rằng Chúa Giê-su là người da đen. Cậu nghĩ gì về chuyện đó?” “Cháu không nói nổi gì.”
“Chính xác. Bí ẩn luôn tràn ngập. Người ta nên san bằng cái tòa nhà này đi và rải chanh khắp trên nền đất.” Tôi cảm ơn ông ta đã cung cấp thông tin, đoạn đã dợm bước về phía đại lộ song đúng lúc đó tôi ngước lên và thấy núi Tibidabo thức dậy sau từng làn mây mờ nhẹ bẫng. Bật chợt tôi có cảm giác muốn bắt chuyến tàu có dây kéo ngược lên dốc để thăm công viên giải trí tọa lạc quanh đỉnh núi và lang thang giữa những vòng đu quay cũng như những phòng trưng bày tự động, kỳ dị, nhưng tôi đã hứa sẽ quay về tiệm sách đúng giờ.
Khi quay lại ga tàu, tôi mường tượng hình ảnh Julián Carax cuốc bộ trên con đường đó, ngước nhìn mặt tiền các ngôi nhà uy nghiêm trầm mặc vốn hầu như không mấy thay đổi từ hồi ấy, thậm chí như thể vẫn chờ được đáp chuyến xe điện xanh dương đang tiến lên thiên đường. Khi tiến tới chân đại lộ, tôi lấy ra tấm ảnh chụp Penélope Aldaya đang tươi cười nơi sân trong của tòa biệt thự gia đình cô. Đôi mắt cô ánh lên một tâm hồn thuần khiết lời hứa hẹn vào tương lai. “Penélope, người yêu anh.” Tôi mường tượng ra Julián Carax ở tầm tuổi mình, nâng niu tấm ảnh trên tay, có thể là dưới cùng một bóng cây đang che phủ cho tôi ngay lúc này. Tôi gần như thấy được Carax đang mỉm cười đầy tự tin, trầm ngâm suy tưởng về một tương lai rộng mở và rực sáng như đại lộ này, và trong giây lát tôi nghĩ rằng tại đó chẳng có nhiều bóng ma hơn là những bóng ma của sự vắng lặng và mất mát, và nguồn sáng mỉm cười với tôi kia thực ra là vay mượn, hết thảy chỉ là thực chừng nào tôi còn lưu giữ nó trong mắt mình, từng giây từng giây.
Bóng Hình Của Gió Bóng Hình Của Gió - Carlos Ruiz Zafón Bóng Hình Của Gió