Chương 16 - Vì Sao Ngạc Nhiên Nối Tiếp Ngạc Nhiên
hông ai không biết rằng các báo chí viết về chiến tranh bằng chữ hoa. Những chữ hoa này được sắp xếp trong một cái tủ đặc biệt. Và chính ngồi trước cái tủ chữ hoa ấy mà ông tổng biên tập tờ Ánh sáng Mi-rơ-poan, tờ báo hàng ngày nổi tiếng, do dự mãi.
Ông xoay ngược xoay xuôi, thở vắn thở dài, luôn lấy khăn tay lau mồ hôi trán, dấu hiệu chứng tỏ ông đang xúc động và bối rối. Ông đang rất phiền lòng.
Lúc thì ông tóm lấy một chữ hoa to kềnh, loại chữ chỉ dành cho những thắng lợi vang dội; nhưng vừa cầm lên đã bỏ xuống ngay. Lúc thì ông chọn một chữ hoa cỡ trung bình, loại chữ dành cho những cuộc chiến tranh tiến triển chậm, hay cho những trận đánh không kết thúc, những cuộc rút lui không định trước. Nhưng loại chữ này càng không hợp; con chữ vừa được lôi ra lại phải đặt vào chỗ.
Trong giây lát, ông có vẻ quyết định chọn loại chữ nhỏ nhất, loại vốn dùng để loan những tin chẳng thích thú gì, đại loại: “đường chuyên chở thực phẩm đã bị cắt”, hay “thuế mứt kẹo mới”. Nhưng loại chữ này cũng không dùng được cho tin tức hôm nay. Ông tổng biên tập tờ Ánh sáng càng thở dài ngao ngán. Quả thật ông rất phiền muộn.
Ông phải báo cho dân chúng Mi-rơ-poan, các độc giả trung thành của ông, một tin hoàn toàn bất ngờ và sẽ gây ra những hậu quả tai hại, đến nỗi ông không biết nên đăng lên báo ra sao. Cuộc chiến tranh giữa hai nước Va-dy và Va-tăng đã bị đình lại. Vậy ông phải bắt công chúng thừa nhận rằng một cuộc chiến tranh có thể bị ngăn chặn, không kẻ thắng, không người thua, không hội nghị quốc tế, không gì cả?!...
Ôi, ông tổng biên tập đáng thương những muốn in khắp chiều ngang trang nhất những tin giật gân đại loại “cuộc tiến công chớp nhoáng của quân Va-dy” hay “cuộc tiếng công không chống nổi của quân Va-tăng”.
Ông không làm thế được nữa. Ông cử phóng viên đến vùng sa mạc chẳng qua chỉ để làm vì: chiến tranh đã không nổ ra, điều đó sẽ gây nghi vấn đối với chất lượng các vũ khí do nhà máy Mi-rơ-poan chế tạo cũng như sự tinh thông kỹ thuật của ông bố Tix-tu và của các cộng sự của ông ta.
Tóm lại, đây là một tai hoạ mà báo phải nói tới!
Cùng với ông tổng biên tập tờ Ánh sáng, chúng ta hãy thử dựng lại diễn biến của các sự kiện bi thảm này.
Các loại cây leo, cây bò, cây dính đã mọc lên trong các hòm đạn. Làm sao chúng có thể mọc và bao kín tất cả? Chẳng ai giải thích được.
Dây trường xuân, dây bìm bìm, dây nho cảnh, dây tơ hồng quấn chằng chịt xung quanh súng máy, súng trung liên, súng lục, không sao gỡ nổi, đã thế lại thêm chất dính của cây kỳ nham.
Cả Va-dy lẫn Va-tăng đều bó tay trước những hòm súng đạn như vậy.
Trong các bức điện đánh về, các phóng viên đặc biệt nhấn mạnh đến cú chơi hiểm độc của cây ngưu bàng, thứ cây có những quả nhỏ màu hồng đầy gai móc. Anh ngưu bàng cứ bám riết, quấn chặt lấy các lưỡi lê. Còn làm gì được với những khẩu súng nở hoa, những lưỡi lê không đâm được nữa, những vũ khí mà những bó hoa sặc sỡ đẹp tươi đã tước mất hiệu lực? Chỉ còn cách vứt vào sọt rác.
Cũng đã trở thành vô dụng cả những xe ô-tô tải tuyệt vời được vẽ ngoằn ngoèo những vết loang lổ màu xám và vàng một cách hết sức công phu! Cây ngấy, cây sữa đông gai, và nhiều loại cây gai khác, trong đó có cây han, mọc chi chít trên ca-bin, nên hễ lái xe ngồi vào là bị mẩn ngứa không chịu nổi. Chính các vị lái xe này là nạn nhân duy nhất của chiến tranh. Các nữ cứu thương choàng khăn voan trắng buộc cánh lính bị ngứa ngáy kinh khủng không dám ngồi này phải mang gạc ấm và bất động.
Lại còn sự cố do loại cây bóng nước không ai dám chạm tới gây ra! Một bông hoa đồng nội bình thường có thể gây ra bao kinh hoảng cho lính tráng? Điều đó chỉ có thể hiểu được nếu chúng ta biết rằng cây bóng nước có một cái túi giống như hạt nổ, nổ ngay khi bị va chạm.
Cây bóng nước sinh sôi đầy các động cơ, trong bộ chế hoà khí súng liên thanh tự động, trong bình xăng xe mô-tô. Bộ khởi động vừa quay, bàn đạp xe vừa bị dận là tức khắc nổ rền mãi không dứt bao tiếng nổ chói tai không chấn thương một ai nhưng làm cho lính kinh hồn bạt vía.
Bây giờ chúng ta nói tới xe tăng. Các tháp xe đều bị bịt kín. Những bụi tầm xuân quấn quýt với những cây thuỷ dương mai vốn mọc ven suối, trương ra nào rễ, nào quả từng chùm, nào cuống nào cành đầy gai bao bọc lấy các máy móc. Cho nên xe tăng cũng không dùng được nữa.
Không một bộ máy chiến tranh nào không bị cây và hoa xâm chiếm! Cây hiện ra khắp nơi, những loài cây bền gan, hiếu động, và dường như có chí khí như con người.
Cây dương kỳ thảo làm hắt hơi nảy nở tươi tốt trong các mặt nạ chống hơi độc. Phóng viên tờ Ánh sáng khẳng định rằng chỉ cần lại gần các mặt nạ ấy độ một mét, người ta đã hắt hơi dến trên năm mươi lần.
Cỏ hôi mọc ngập trong các ống loa, đến nỗi các sĩ quan không dám đụng đến chúng.
Câm lặng, tê liệt, thụ động, hai đạo quân dừng lại trước mặt nhau.
Tin dữ đồn nhanh. Bố Tix-tu đã biết hết và thất vọng vô cùng. Vũ khí ông chế tạo nở hoa như những cây hợp kim hoan vào mùa xuân.
Ông thường xuyên liên lạc với ông tổng biên tập tờ Ánh sáng, ông này đọc qua điện thoại cho ông nghe những bức điện đau đầu… Ông còn một hy vọng, đó là pháo, những khẩu pháo trứ danh của thành Mi-rơ-poan.
- Hai đạo quân bất động vẫn có thể giao chiến với điều kiện chúng được trang bị những cỗ pháo tốt. - Ông nói.
Ông thấp thỏm chờ đợi cho đến chiều. Bức điện tín cuối cùng xua tan mọi hy vọng viển vông.
Tất nhiên, các súng đại bác của Mi-rơ-poan đã bắn nhưng là bắn hoa. Một trận mưa hoa lồng đèn, hoa chuông, hoa xa cúc lam đổ xuống các vị trí của quân Va-dy; để trả đũa, đạo quân này bắn xối xả vào quân Va-tăng vô khối hoa mao lương, hoa cúc và hoa sao. Một bó hoa vi-ô-lét hất tung mũ của một vị tướng!
Người ta không dùng hoa hồng làm vũ khí để xâm lược một nước, và các trận đánh bằng hoa chẳng bao giờ được coi là nghiêm chỉnh.
Hoà bình được ký kết ngay lập tức giữa hai nước Va-dy và Va-tăng. Hai đạo quân rút lui và vùng sa mạc màu hạnh nhân hồng lại được trả về cho bầu trời, sự quạnh hiu và tự do của nó.
Tix-Tu Ngón Tay Cái Xanh Tix-Tu Ngón Tay Cái Xanh - Maurice Druon Tix-Tu Ngón Tay Cái Xanh