Sống Trên Đá epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Đêm Mùa Đông -
ùa đông về lạnh lẽo
Làm rộng thêm căn phòng
Ngọn đèn dầu bé tẹo
Ủ bóng hình vào trong
Gió, chỉ thấy gió luồn lách khắp mọi nơi, tiếng lá rừng run lên vì lạnh, tiếng mái gianh xạc xào khua vào đêm tối thứ âm thanh rờn rợn gai gai.
Không gian như rộng hơn, căn nhà như rộng hơn, núi rừng càng bao la thăm thẳm. Ánh đèn dầu run rẩy trước cơn gió lạnh, lúc tối lúc sáng, lúc thì lịm đi, bóng đêm ùa vào ngập tràn, mấy lần như vậy, mấy lần gần tắt, ánh đèn vẫn cố leo lét sáng. Văng vẳng trong đêm là tiếng âm âm u u xen lẫn những tiếng rít lên sắc lẹm. Trong nhà hơi ấm sao mà ít ỏi, nhất là ngôi nhà của người nghèo, cái lạnh cứ như xát muối vào da thịt.
Đêm mùa đông trên vùng núi cao dài, buồn và lạnh lắm. Cái lạnh được tuôn ra từ ruột núi, rút ruột núi ra hơi lạnh, cái lạnh của sự xa vắng, cái lạnh của sự cô đơn, cái lạnh của nỗi buồn thăm thẳm... Làn gió như trăm ngàn mũi kim châm vào da thịt để rút ra từng đường gân nho nhỏ.
Sương, trắng xoá cả núi rừng, đặc quánh lại đến mức người ta có thể dùng dao sắt ra được thành từng miếng nhỏ. Sương làm ngọn đèn dầu không sáng được tới chân, nếu không có cái bóng bằng thuỷ tinh tạo một khoảng trống nho nhỏ thì chắc nó đã tắt lịm từ lúc nào. Và đấy, nó có sáng được ra ngoài khoảng không gian bé nhỏ ấy đâu. Nhìn từ xa lại có lẽ phải gọi là hạt sáng mới đúng.
Bếp sưởi, trên vùng núi cao hầu như nhà ai cũng có bếp sưởi, bếp sưởi đặt gần giường ngủ. Bếp sưởi được người cha gầy thêm mấy thanh củi, ánh sáng bừng lên, hơi ấm toả rộng hơn. Đứa trẻ tỉnh dậy giật mình ôm choàng lấy mẹ khi thấy một làn sương mỏng bay sát chỗ nằm.
Xa xa, nơi xóm bên, có tiếng trẻ con khóc, người mẹ trẻ ôm chặt con vào lòng, cố truyền hơi ấm tinh khiết đến cho nó, và chị ta ru, tiếng hát nho nhỏ thanh thanh đang xua đi cái lạnh, xua đi cái giá của đêm đông. Đứa trẻ ngưng khóc, hình như nó đã ngủ. Người mẹ trẻ cũng ngừng ru. Đêm lại rộn lên tiếng gió, và giá rét lại len lỏi khắp mọi nơi.
Nhà giàu có thì chăn ấm đệm êm nên không mấy sợ cái lạnh. Nhưng nhà nghèo thì than ôi, nằm thế nào cũng thấy lạnh, co thế nào cũng không tìm thấy hơi ấm. Khi cơn gió tràn qua lại giật mình tỉnh giấc. Đêm không ngủ, đêm dài ra vô tận. Khi không ngủ được thì ngồi sưởi lửa mới thấy có hơi ấm, vì vậy ánh lửa được thổi lên bập bùng suốt canh thâu. Đến khi trời sáng, hơi lạnh yếu đi vài phần, chảo mèn mén được bắc lên bếp, nồi canh nhạt được vùi vào cạnh bếp, ấm nước chè cũng được vùi vào cạnh bếp...
Khi xưa, mùa vụ, mẹ thường lấy lá và bẹ ngô, hong phơi cẩn thận, cất nơi đầu nhà. Tôi vẫn thường lấy trộm lá ngô khô của mẹ để nhóm bếp. Mấy lần mẹ bắt được mắng cho một trận nhưng tôi vẫn không chừa. Nhóm bếp với tôi là công việc cực kỳ khó khăn. Mẹ chỉ cần cho mấy cành củi nhỏ vào bếp rồi thổi khẽ là lửa bốc lên. Tôi cũng cho những cành củi như thế vào bếp, cũng thổi nhưng không thấy lửa bốc lên mà chỉ thấy khói xông ra làm con mắt không mở ra được, bụi tro bay mù mịt khét cháy trong cổ, vừa hắt hơi, vừa ho, nước mắt, nước mũi rớt xuống như mưa.
Mùa đông về, mẹ trải lá ngô khô thành một lớp dày lên giường cho chúng tôi nằm lên. Anh em tôi thả mình xuống đệm lá ngô đánh rầm, chao ôi êm quá, thơm quá. Tôi thường nằm úp mặt xuống đệm mà hà hít thưởng thức hương thơm từ lá ngô. Thật sung sướng được ủ mình trong mùi hương dìu nhẹ, cái rét từ đó không dám bén mảng đến chỗ nằm của anh em tôi.
Mẹ, mùa nào cũng vậy, đông cũng như hè, cứ vào khoảng thời gian ấy là thổi lửa nhóm bếp làm cái ăn cho cả gia đình. Chúng tôi vừa thò đầu ra khỏi chăn đã vội thụt lại vì lạnh, vậy mà bàn tay mẹ vẫn phải nhúng vào thùng nước giá buốt để làm rau và ngào mèn mén, một lúc sau bàn tay ửng đỏ lên tê cóng. Mẹ vẫn làm, bàn tay vẫn dẻo, cái lạnh giá hầu như không ảnh hưởng gì tới mẹ. Có lần tôi hỏi:
- Mẹ có thấy lạnh không?
Mẹ cười:
- Nói khẽ thôi để em nó ngủ thêm một lúc nữa. Mẹ không thấy lạnh.
- Sao con thấy lạnh thế? - Tôi hỏi.
- Làm việc đi là hết lạnh ngay thôi mà.
- Tay mẹ ửng đỏ lên rồi kia kìa, mẹ có thấy cóng không ạ?
- Cái tay nó già rồi, mẹ thấy bình thường!
- Bàn tay con bao giờ thì được già như tay mẹ, không thấy lạnh như tay mẹ?
- Con cứ chăm chỉ làm việc đi thì bàn tay sẽ già, sẽ không thấy lạnh nữa.
Tôi bắt chước mẹ nhúng tay vào xô nước lạnh, chao ôi, nó buốt lên tận óc. Mẹ vội lấy khăn khô lau bàn tay cho tôi và bắt tôi vào ngồi gần bếp lửa. Tôi ngồi nhìn mẹ làm nhẹ nhàng gần như không có tiếng động.
Sáng dậy, mọi người sà vào mâm cơm đã được dọn sẵn nóng hôi hổi bốc hơi nghi ngút, thưởng thức hương vị ngọt bùi của mèn mén, vị cay của ớt, mùi thơm nhẹ của rau cải... và cả vị mặn của muối nữa.
Mẹ ngồi gần rá mèn mén. Mọi người ăn nhanh lắm, mẹ luôn tay đón bát cho mèn mén vào rồi chuyển cho từng người. Gần cuối bữa rồi mà mẹ vẫn chưa hết nửa bát đầu tiên.
Mọi người lần lượt đứng dậy, thức ăn còn lại trên mâm đã nguội từ lúc nào. Mẹ ngồi ăn một mình, miếng cơm bắt đầu khô đi không còn dẻo, còn thơm như lúc mới lấy lên nữa. Mẹ chỉ ăn qua loa rồi dọn đi!
Tôi cứ thế lớn lên từ yêu thương của mẹ, rồi trưởng thành, rồi ra đi bỏ cái miền quê nghèo khó ấy lại sau lưng. Những đêm giá rét bỗng thấy lòng trống trải, bỗng thèm được trở lại ngày xưa, bỗng thèm được hà hít mùi thơm từ lá ngô đến thế...
Mẹ đã già, chẳng phải mùa đông bàn tay cũng run lẩy bẩy. Ấy vậy, đến mùa vụ mẹ vẫn làm bánh ngô gửi cho tôi, thứ bánh mà lúc còn nhỏ tôi luôn đòi mẹ làm cho ăn. Khi ăn tôi cắn từng miếng nhỏ để vị ngọt tan ra nơi đầu lưỡi rồi ngửa mặt lên trời cho vị ngọt ấy ngấm dần vào da thịt.
Đi đường, gặp một người hao hao giống mẹ, tôi lại giật mình. Lòng tôi xót xa thương mẹ vô hạn, chỉ muốn trở về, bỏ tất cả để được về bên mẹ, xin mẹ nấu cho mấy bữa cơm quê ăn cho đỡ thèm.
Khi được về rồi, muốn ở quá một vài ngày nhưng mẹ không đồng ý, mẹ bảo: "Là cán bộ phải gương mẫu làm theo cái luật của nhà nước, con được như vậy là lòng mẹ thấy vui rồi." Tôi nói dối là chưa hết phép nhưng mẹ đoán ra ngay. Mẹ tự tay sắp xếp mọi thứ và bắt tôi lên đường. Lòng mẹ thật bao dung, cao cả. Đời mẹ luôn lo cho người khác, sống vì người khác!...
Trời chuyển gió vào đông. Cây cối đã cằn đi, cành lá lơ thơ trơ trụi. Đất trời nhuộm sương khói, mờ xám xanh xao cả cỏ cây. Lần trước tôi về vẫn thấy mẹ tích lá ngô. Tôi hỏi mẹ tích chúng làm gì, thì mẹ cười, tích cho vui ấy mà. Đến mùa đông mẹ lại trải lá ngô để nằm chứ không dùng cái đệm tôi mua về biếu mẹ. "Cái đệm đẹp quá, mẹ không nằm lên đâu, nó hỏng đi thì sao!" - Mẹ nói vậy. Tôi không nói gì cứ trải lên giường cho mẹ. Mẹ nằm được mấy ngày, khi tôi đi mẹ vội đưa đệm cất lên trên gác. Khi tôi phản đối thì mẹ bảo nằm không quen thấy đau người. Tính mẹ vẫn vậy, tôi biết, vẫn chắt chiu dành dụm, tích cóp như những ngày xưa, có khi cũng chẳng để làm gì. Số tiền tôi cho năm trước đến năm sau vẫn không hao đi một hào, có hỏi thì mẹ bảo chẳng cần tiêu gì, mọi thứ ở nhà đều có. Mấy lần tôi mời mẹ ra thành phố ở. Chỉ được mấy ngày, mẹ nói nhớ rừng nhớ núi không ở được và đòi về. Tôi cố giữ mẹ ở lại, đưa mẹ đi thăm thú đây đó. Mẹ đồng ý ở lại nhưng khuôn mặt không vui. Mấy ngày sau mẹ lại đòi về. Tôi nói dối là công việc bận vài hôm nữa sẽ đưa mẹ về. Mẹ không nói gì khuôn mặt buồn rười rượi. Mấy lần tôi bắt gặp mẹ khóc thầm một mình. Tôi hỏi thì mẹ không nói gì. Hôm ấy tôi nói là ngày mai sẽ đưa mẹ về, thấy mẹ vui hẳn lên, tươi cười đùa vui với các cháu. Về đến nhà thấy mẹ khoẻ hẳn lên, mẹ đi hết chỗ này một tí, chỗ kia một tí, dọn hết việc này việc kia. Mẹ không hề thấy mệt chút nào trong khi đó tôi cảm thấy đau nhừ khắp người. Nằm nghỉ một lúc đã thấy mẹ làm xong cơm. Tôi thấy mẹ hôm nay khác hẳn với mẹ hôm qua ở thành phố. Tôi hỏi, mẹ chỉ nói đúng một câu: "Quen rừng quen núi rồi, cái gì cũng thấy gần gũi, thành phố xa lạ lắm, khó sống, không ở được!"
Mẹ ơi, một mùa đông nữa lại về, quê ta đã đẹp lên nhiều, đã có ánh điện thay cho ngọn đèn dầu, đã có đường bê tông thay cho con đường mòn. Nhưng mẹ đã già, một mình một bóng, như ngọn đèn trước gió, biết sớm hay chiều...
Giá mà... Trời ơi! Giá mà mùa đông bớt lạnh. Giá mà đêm đông bớt dài. Giá mà trời đông bớt sương. Giá mà mẹ tôi còn khoẻ. Giá mà, giá mà, giá mà... Nếu cho tôi mơ ước thì chắc sẽ nhiều lắm, có kể ra nữa cũng không thể ghi hết cho được.
Sống Trên Đá Sống Trên Đá - Nguyễn Bính