Chương 14: Địch Thủ
ôm ấy là thứ Hai, Leonora đang ở trên nóc nhà, tì vào bao lơn, nhìn qua phá và ước gì mình đang trên thuyền đến Murano. Nhưng hom nay Adelino đã khăng khăng là cô phải ở nhà, để một phóng viên làm việc cho Il Gazzettino, tờ báo hàng đầu trong vùng Veneto, phỏng vấn. Cô đã cẩn thận mặc một chiếc váy vải lanh trắng mua được ở Rialto, và buộc mái tóc dày lại bằng những sợi ruy băng đăng ten. Cô biết hôm nay sẽ không có nhiếp ảnh gia nào cả, nhưng đã được mấy tay quảng cáo Milan dặn lúc nào cũng phải trong càng nữ tính càng tốt. Họ không muốn bán chiến dịch của mình dựa trên một đứa con gái như đàn ông. Toàn bộ mấu chốt sự hấp dẫn của Leonora, hiển nhiên rồi, nằm ở chỗ cô là một cô gái trong một công việc của đàn ông. Ồ được lắm. Nếu cô có thể phóng chiếu một hình ảnh nữ nhi yếu đuối, cô có thể đánh thức những bản năng thanh cao hơn của nhà báo.
Nếu mà anh ta có.
Cái mà cô thực lòng muốn làm là mặc bộ đồng phục quần jeans cũ, áo vest và áo khoác lính kiểu cũ như mọi ngày, vấn tóc lên và đón tàu số 41 đến chỗ làm. Cô chán được sửa soạn và tạo dáng. Mấy tuần qua đã là một sự thử thách sức chịu đựng của cô khi người ta chụp hình cô ở chỗ làm, ở nhà và thậm chí còn mặc trang phục xưa. Cô phải miễn cưỡng công nhận là các thành phần quảng cáo và áp phích đã làm cô trông… xem nào… xinh đẹp, và chúng chắc chắn là trang nhã hơn cái người ta đề nghị ban đầu. Họ đã tập trung vào việc đặt Corradino vào trong khung cảnh hiện đại còn Leonora thì trong khung cảnh xưa. Leonora đã ngần ngại trước ý tưởng chia một khung tranh với ông tổ đã khuất bóng của mình, nhưng kết quả lại rất thú vị, thậm chí là thông minh. Mỗi tấm hình mô tả một quán café thời nay có một đôi đang thưởng thức rượu từ một cặp cốc hiện đại hết sức tao nhã từ dòng sản phẩm "Manin" mới được tung ra.
Cảnh này nhất định là hiện đại, nhưng nhìn kỹ vào tấm gương "Manin" cạnh bàn họ thì sẽ thấy hình ảnh nội thất của Do Mori, khoảng năm 1640, khách khứa mặc trang phục xưa và một hình ghép Corradino còn nhỏ đứng bên một trong mấy cái bàn. Leonora thấy nó hoàn toàn ma quái, nhưng gợi óc tò mò theo kiểu Đám cưới vợ chồng Arnolfini 1: hình ảnh trong tấm gương là trọng tâm của bức hình. Vai trò của cô là đưa tính hiện đại vào mục đích cổ xưa trong kinh doanh của Adelino. Trong chiếc váy thời nay, cô được đặt trong tranh Venice cổ điển mô tả thuỷ tinh và gương. Trong hình ảnh chính cô được máy tính chỉnh sửa cho phù hợp với màu sắc và bút pháp. Cô được mặc xiêm y thế ký thứ mười bảy vàng óng và xanh lá, tóc cô bềnh bồng những gợn vàng óng của mấy kỹ nữ được thèm muốn nhất, làn da trắng ngà của cô được cho vào đường men rạn của màu keo xưa. Một lần nữa, ở hình ảnh trong một tấm gương - lần này là gương của Manin xưa – cô được phản chiếu trong trang phục làm việc, cầm đồ nghề thay vì một cây quạt hay cành hoa. Nhưng dù mấy tấm hình quảng cáo có trang nhã đến thế nào, Leonora vẫn thấy càng lúc càng khó chịu khi cỗ máy chiến dịch rầm rộ lao vào khởi động. Cô biết là Adelino đã đổ cả tiền bạc ông có vào vụ này, vay mượn dựa trên những vật thế chấp mà ông không còn sở hữu nữa, lao sâu hơn vào nợ nần trong cơ hội tuyệt vọng này. Cô cũng cảm thấy, sự khinh bỉ ngày càng tăng từ phía đồng nghiệp. Mặt cô nóng bừng khi cô được đặt đứng trước lò lửa, không phải bởi sức nóng mà bởi vì những cái liếc nhìn của đồng nghiệp, những người quanh cô, vừa làm việc vừa theo dõi. Ở trung tâm đối kháng là Roberto, vẫn luôn hiện diện, nỗi phẫn uất và căm hờn ngày càng tăng phập phồng trên mặt y. Rõ ràng là, khi y cho là Leonora không xứng đáng với sự chú ý đó thì đồng thời y cũng nghĩ mình hết sức xứng đáng điều đó. Cô biết y đã tìm gặp mấy người Milan mà đề cập đến lịch sử của chính dòng họ mình; tình cờ cô đã nghe Semi và Chiara cười y. Roberto không thích bị cười cợt.
Leonora cảm thấy rùng mình khi một làn gió lùa đến ban công. Mùa thu đang đến, và những du khách sẽ sớm ra đi. Cô nhìn xuống Campo và nhận thấy những dòng du khách đều đặn đã giảm bớt. Như chim nhạn, họ chuẩn bị di chuyển về phương nam đến những miền ấm áp hơn. Firenze, Napoli, Amalfi, Roma.
Mình thì không đâu. Đây là nhà của mình.
Cô say sưa nhìn xuống quảng trường. Quảng trường của cô, cùng chia tên của cô và cả của Corrandino nữa. Lần đầu tiên cô chợt nảy ra ý nghĩ rằng nơi cô chọn đây là hiện thân kiến trúc của quá khứ và hiện tại, của cô và của Corradino, của chiến dịch xuyên thế kỷ của Adelino. Dọc một bên bở, ngân hàng to rộng hiện đại của Luigi Nervi 2, Cassa di Risparmio di Venezia. Ở bờ kia, những toà nhà lịch sử xinh đẹp, nơi giờ đây cô đang sống. Và ở giữa (cô đã vui mừng mà biết ra) là bức tượng của một Manin nữa: Daniele, nhà cách mạng mà quá khứ của ông, cô đã xem qua trong thư viện ngày hôm ấy. Một người bà con không quen đã xen giữa cô và Corradino trong dòng thời gian hàng thế kỷ. Một luật sư kiên định đã đấu tranh chống lại sự xâm lược của Áo cũng với đầy xác tín như Tổng trấn Lodovico Manin đã bán thành phố cho họ. Được tưởng thưởng cho lòng trung thành của mình, ông đứng trên bệ tượng, con sư tử có cánh của Thánh Mark nằm phủ phục dưới chân ông, một tay ông đút vào áo gi lê theo kiểu Napoleon với một sự châm biếm vô thức. Nhưng năm tháng trôi qua đã xói mòn sự hi sinh và cuộc đấu tranh của ông thành hài kịch, khi bức tượng đồng đỏ cao quý của ông đã bị ô xy hóa thành một anh hề xanh sáng.
Khi đang ngắm nhìn, cô bỗng chú ý thấy một người phụ nữ ăn mặc sắc sảo đang băng qua quảng trường một cách quả quyết. Đôi giày gót nhọn của cô ta lách cách trên đá.
Cô ta không phải là du khách: rõ ràng là một người địa phương.
Cô ta mặc một bộ vest màu xanh biển chít eo, thứ đang thét lên sự may cắt của nhà thiết kế, và một váy ngắn có chiều dài chỉ ngay dưới sự tồi tệ. Tóc cô ta,tỉa là đà ngang vai, ánh đen xanh dưới nắng. Cô ta đeo cặp kính râm quen thuộc, thứ chỉ càng tô đậm thêm đôi môi đỏ bóng ướt của cô ta. Sự tự tin gợi tình của cô ta cho phép cô công nhận và đồng thời phớt lờ sự ngưỡng mộ thành lời của một nhóm thợ nề đang làm việc trên cầu. Cô ta rõ ràng là đã quen với những lời khen tặng như vậy rồi.
Một phụ nữ như thế sẽ bảo Semi và Chiara cút đi.
Cô thán phục nhìn người đàn bà cho đến khi cô ta mất hút khỏi tầm mắt, và mấy giây sau cô nghe thấy tiếng chói tai giờ đã thành quen thuộc của chuông cửa nhà mình. Leonora chạy xuống cầu thang xoắn, tim đập rộn. Cô sẽ không thừa nhận là mỗi lần tiếng chuông cửa reo, cô lại thầm mừng đó là Alessandro.
Nhưng đó không phải là Alessandro. Đó là người đàn bà bên kia quảng trường. Cô ta chìa tay ra.
"Cô Manin? Tôi là Vittoria Minotto." Sức mạnh từ cá tính của cô ta mãnh liệt đến nỗi Leonora đã chìa tay ra bắt, rồi dịch sang một bên nhường lối vào căn hộ. Cô rõ ràng là trông bối rối đúng như cô đang cảm thấy, khi trong lời giải thích của mình người đàn bà nói, "Từ chỗ Il Gazzettino". Cô ta vung cái thẻ nhà báo ra với cái cung cách của một thành viên FBI.
Leonora cố trấn tĩnh lại và mời ngồi. Nhưng nhà báo đã ngoảy đi, tha thẩn quanh nhà, ngó nghiêng bàn ghế, cầm mấy món đồ lên rồi lại để xuống. Với một động tác thành thục, cô ta đẩy kính râm vào trong mái tóc đen nhánh và nhìn quang cảnh như thể để ghi nhớ trong đầu. Một từ "bello" của cô ta khen ngợi cách bài trí mà đồng thời cũng loại bỏ nó. "Cái này là vừa cho cô," dường như nó nói, "nhưng nó chẳng phải sở thích của tôi." Nhìn gần, sự tự tin và gợi tình của cô ta gần như hữu hình. Tác phong và dáng điệu của cô ta, sự sắc sảo trong phục trang khiến Leonora thấy mình vừa xấu xí vừa thô kệch. Chiếc váy của cô và những lọn tóc quăn lòa xòa của cô, mà cô đã hài lòng khi soi gương sáng hôm đó, giờ lại có vẻ bù xù và vụng về.
Mình cư xử như một học sinh lớp sáu với mối tình thơ dại vậy. Nếu cô ta có ảnh hưởng thế này đây đối với mình, cô ta phải làm gì với một người đàn ông?
Với một cố gắng mà cô sợ là lộ liễu đối với khách của mình, Leonora lấy lại can đảm, cố lấy lại bình tĩnh, và cùng với nó là uy thế. "Tôi mời cô một ly được chứ? Cà phê?"
Vittoria xoay lại và ban cho Leonora một nụ cười đầy quyến rũ và hàng răng trắng đến sững sờ. "Vâng."
Nhà báo ngồi xuống, lần này thì không được mời, bên bàn bếp, bật mở cặp hồ sơ với một tiếng cò súng. Cô ta lấy ra một cuốn sổ tay vô thưởng vô phạt và một cây bút, và còn một cái gì khác nữa – nhỏ, màu bạc, và đe dọa, nó ngồi xổm trên bàn. Một cái máy ghi âm. Vittoria lấy ra một món thứ ba, một gói thuốc, giũ ra một điếu rồi châm hút. Cả nhãn hiệu và cách cô ta châm gợi cho Leonora nhớ rất rõ về Alessandro, với một thoáng nhói đau. Vittoria làm một cử chỉ phẩy tay, và khói cuộn lên quanh mấy móng tay màu đỏ tươi. "Cô không phiền chứ?"
Leonora không rõ nhà báo muốn nói cái máy ghi âm hay điếu thuốc. Cô thấy phiền cả hai thứ, nhưng cô lắc đầu.
Tách. Ngón cái của Vittoria nhấn cái nút và mấy cái ống nhỏ xíu bắt đầu quay. Leonora mang cà phê trên bếp lò ra rồi ngồi xuống đối diện nhà báo, cảm thấy một vẻ phản đối. Cái máy ghi âm kêu vo vo như cái đồng hồ trong một trận đấu cờ.
"Cô có thể cho tôi biết đôi chút về cô?"
"Cô muốn biết điều gì?"
"Có lẽ một chút thông tin cơ bản cho độc giả của chúng tôi?"
"Bắt đầu từ Anh à? Hay ở đây? Tôi xin lỗi… Tôi không quen chuyện này. Có lẽ… Cô có thể… Tôi nghĩ tôi sẽ thấy dễ dàng hơn nếu cô hỏi tôi những câu hỏi trực tiếp."
Một nhấp cà phê. "Được thôi. Điều gì khiến cô đến Venice?"
"Vâng, tôi chào đời ở đây, dù tôi được nuôi dạy ở Anh. Cha tôi là người Venice. Và tôi được đào tạo thành họa sĩ, và vẫn luôn quan tâm đến nghề thổi thủy tinh. Mẹ tôi đã kể cho tôi nghe câu chuyện về Corradino, khi bà cho tôi trái tim này mà ông đã làm."
Mắt Vittoria nhíu lại rồi cô ta thò tay chụp món trang sức rẻ tiền. Mấy ngón tay cô ta lạnh và có mùi nicotine. "Bello," cô ta nói, với cùng cách phát âm rõ ràng như trước.
Cô ta thả trái tim ra khi Leonora nói tiếp, "Và tôi tò mò. Tôi muốn đến để xem mình có thể nối nghiệp gia đình không."
Nghiệp gia đình. Chuyện đó được lắm. Chiara và Semi sẽ rất hài lòng về mình đây. Giờ thì làm ơn ta tránh xa nước Anh ra, tôi không muốn đề cập đến Stephen.
"Thế thôi à? Không thấy khó khăn khi rời gia đình và bạn bè sao? Bạn trai? Chồng?"
Khỉ thật.
"Tôi… đã lập gia đình. Anh ấy… chúng tôi đã ly hôn."
Một hơi thuốc. Một cái gật đầu. "À, tôi hiểu."
Leonora cảm thấy không hiểu sao Vittoria đã đoán được toàn bộ câu chuyện buồn của mình.
Người đàn bà này chưa hề bị ai ruồng bỏ. Cô ta đã luôn là người bỏ đi, và thương hại những phụ nữ bị bỏ rơi. Những phụ nữ như mình. Đến cả Alessandro cũng không trở lại nữa.
"Và khi đã đến đây rồi, cô đến chỗ Signor della Vigna làm việc?"
"Adelino. Phải. Tôi rất may mắn."
Một cái nhướng mày. "Quả có thế. Khi cô có được việc làm này, cô nghĩ chuyện đó mấy phần nhờ tài năng của mình và mấy phần nhờ ông tổ trứ danh của mình, Corrado Manin?"
Leonora sẽ không có phản ứng. "Nếu nói thật lòng, tôi không nghĩ tôi có được cái cơ hội mà mình có nếu không nhờ Corradino. Nhưng nghĩ kỹ thì, Adelino sẽ không bao giờ thuê tôi nếu tôi quả thực không biết thổi thuỷ tinh. Ông ấy sẽ là kẻ ngốc nếu làm thế, mà ông ấy thì đâu có ngốc."
Cô liên tưởng đến mọi cuộc phỏng vấn các diễn viên trẻ mới nổi trong các triều đại sân khấu ấy, khi họ đều luôn phản bác chuyện làm một người dòng họ Redgrave, hay một người của Fox thật sự là một cản trở cho bước đường công danh của mình. Cô và Stephen vẫn thường chế nhạo truyền hình. Cô cũng chẳng tự tin ở chính những câu trả lời của mình gì hơn mấy câu trả lời của họ.
Vittoria gật đầu, rút lui, nhưng đợt tấn công tiếp theo lại gần kề. "Còn đồng nghiệp của cô? Những thợ cả đã thổi thuỷ tinh trong nhiều năm? Họ nghĩ thế nào về cô?"
Leonora nói quanh co, nghĩ đến Roberto. "Họ rất hoan nghênh, vào ngày đầu tiên của tôi."
Ít nhất chuyện đó cũng là thật. Mãi đến khi tất cả chúng tôi đến quán bar đó, mọi chuyện mới trở nên xấu đi.
"Tôi nghĩ họ có chút... dè dặt... khi toàn bộ dòng sản phẩm Manin và chiến dịch quảng cáo ban đầu được nêu lên. Nhưng, suy cho cùng, nếu nó tiến triển, mọi sự sẽ cải thiện cho họ... cho tất cả chúng tôi."
"Nhưng họ nghĩ thế nào về cô trên phương diện cá nhân?" Vittoria không chịu thôi. "Họ có là bạn bè của cô không?"
"Cô nên hỏi họ thì tốt hơn."
Môi Vittoria cong lên thành một nụ cười héo hon. "Có lẽ tôi sẽ làm thế."
Một sai lầm.
Nhà báo bắt đầu gõ cây bút bi vào hàm răng tuyệt hảo của mình. Đó là một kỹ thuật cô ta dùng có hiệu quả trong các buổi phỏng vấn các viên chức nam. Cô làm vậy để lôi kéo sự chú ý vào môi cô – hàng răng trắng đều he hé bên lưỡi hồng giữa làn son đỏ óng. Đối tượng của cô thường quên cái mình định nói, và đi đến chỗ mắc phải một hớ hênh nào đó. Leonora tự hỏi không biết chuyện gì sắp xảy ra.
"Thế còn ở góc độ cá nhân? Cô đã tìm thấy sự lãng mạn nào chưa trong thành phố tình yêu này?"
Leonora có thể nghe thấy sự giễu cợt nặng nề ẩn dưới câu hỏi của Vittoria. Cô sẽ không thú nhận những tình cảm của mình cho người đàn bà này nghe. Người đàn bà này, kẻ rõ ràng không tin vào tình yêu – ít ra, không phải kiểu lãng mạn.
"Chưa, không có ai cả."
Vittoria cụp mắt xuống và làm như thể sắp thu vén vật dụng cá nhân của mình. Đó là một mẹo ưa thích khá của cô ta - họ luôn bắt đầu lơi lỏng. Cô ta ném về Leonora một cái nhìn thương hại. "Nghe có vẻ rất cô đơn. Không bạn bè, không bạn trai, chỉ một ông tổ đã chết từ lâu."
Leonora đã bị châm chích. Vittoria khiến cô cảm thấy bất xứng rồi – cô không chịu được sự thương hại. Cô cắn câu. "Thực ra có một ai đó. Nhưng tất cả vẫn còn quá mới nên tốt hơn cả là tôi không nói gì thêm cho đến khi tôi có thể thấy mọi chuyện tới đâu."
Lần này cả hai lông mày đen dựng lên. "Cô có thể cho chúng tôi biết chút gì? Một dấu hiệu tí ti thôi?"
Leonora mỉm cười với mình về một câu đùa riêng tư. "Anh ta trông như từ trong tranh bước ra."
Vittoria nhún vai và bấm tắt cái máy ghi âm kết thúc. "Ai lại không thế?"
Nhưng khi Vittoria bước ngang qua cái tủ lạnh trên đường đi ra, cô thoáng thấy anh, từ trong tấm bưu thiếp in tranh Titian đăm đăm nhìn ra. Cháu của Đức giáo hoàng. Alessandro Bardolini. Cô đã thấy bức tranh trước đây rồi, dĩ nhiên, ở nhà anh. Mẹ anh đã mua cho anh tấm hình chụp tranh Titian như một phần trong trò đùa gia đình. Nó đã treo trong bếp nhà anh, và Vittoria đã đi qua nó cả trăm lần mỗi ngày, trước khi, dĩ nhiên, cô được thăng tiến và đến Rome làm việc. Và rồi, tháng rồi, được đề bạt trở lại Venice. Cô đã thấy bức hình mỗi ngày trong ba năm trời họ chung sống.
Vittori quay qua Leonora và cáo từ với một sự niềm nở và những cử chỉ tử tế đến độ Leonora bắt đầu nghĩ cô ta đã hình dung ra đầu dây mối nhợ của buổi phỏng vấn. Cô thấy ngạc nhiên là Vittoria có vẻ rất phấn khởi. Cô đã cẩn thận hé lộ rất ít, và cuộc phỏng vấn đã... xem nào, hoàn toàn chán ngắt mà?
Nhưng Vittoria Minotto đi qua Campo Manin với cái nhún nhảy trong bước chân. Buổi phỏng vấn đã là một thành công ăn chắc. Cô đã có được vài manh mối đầy hứa hẹn. Chưa kể là cô thợ thuỷ tinh bé bỏng đang hẹn hò với Alessandro. Thật thú vị làm sao nếu cuốn anh đi từ tay cô ta.
Đời mới thú vị làm sao.
Chú thích
1 Tranh Đám cưới Arnolfini của hoạ sĩ Jan Van Eych, người Hà Lan (1395 – 1441) vẽ, ở hậu cảnh có tấm gương phản chiếu cảnh nội thất phía trước.
2 Pier Luigi Nervi (1891 – 1979): kỹ sư, kiến trúc sư Ý.
Người Thổi Thủy Tinh Xứ Murano Người Thổi Thủy Tinh Xứ Murano - Marina Fiorato Người Thổi Thủy Tinh Xứ Murano