Chương 16 - Ngày 28 Tết
ôi dẫn con đi cắt tóc ngay tiệm quen trên đường Lê Thánh Tôn. Trong lúc chờ đợi thằng bé tới lượt, tôi đi dạo ra ngoài hướng gần chợ Bến Thành mua bông Huệ, dọc đường Lê Thánh Tôn, bà con bày hoa và trái cây chưng tết ra đầy hết vỉa hè, vừa bán vừa chạy công an, ai cũng thấy thấp tha thấp thỏm. Hoa quá chừng là hoa, nhiều nhất là hoa Cúc. Tôi chọn hai chục bông huệ trắng và hỏi giá.
- Bao nhiêu một chục chị?
Người thiếu phụ cầm hai bó hoa lên, nói một tràng:
- 50 ngàn đồng một chục, em lấy hai chục chị bớt cho còn 90 ngàn chẵn.
Tôi ngắm nghía hai bó hoa trề môi kêu mắc, kêu bớt, sau khi cò kè bớt một thêm hai, cuối cùng tôi chấp nhận giá 60 ngàn đồng. Trả tiền hai bó hoa, tôi mua thêm ít trái cây về chưng Tết cho đẹp. Hôm qua sai con bé Trân mua rồi nhưng khi tối về nhìn lên bàn thờ tổ tiên, tôi thất vọng, gọi nó ra mắng cho một trận, dĩa trái cây với một quả dừa, một quả xoài non bé bằng ngón tay cái, héo queo, một trái đu đủ màu vàng trạch nhỏ bằng nắm tay và một trái mãng cầu ta đèo đọt đã chuyển sang mầu đen xì (cầu, vừa, đủ, xài) của nó, thật tình con bé này xứng đáng với cái tên "Con ma nhà họ kẹo".
Quay trở lại tiệm cắt tóc đón con về nhà, tôi mang trái cây ra sắp xếp lại, cắm bông Huệ vào bình, đổ nước và đặt lên bàn thờ. Công việc còn dang dở thì nhận được điện thoại của thằng Út gọi về hỏi " Chị có cần mua hoa Huệ không?", khi nghe tôi trả lời đã mua hồi nãy rồi thì Út tắt máy. Chiều tối về nhà, biết giá cả hai chục Huệ. Út giật mình la lên "Chị bị chúng nó chém rồi, hồi sáng em hỏi chỉ có 14 ngàn đồng một chục". Tôi lắc đầu rủa thầm: "Tổ mẹ cái bọn ở chợ Bến Thành, bán cái gì cũng mắc, giá cả nói thách cao ngất trời". Đấy là tôi đã kỳ kèo trả giá, vậy mà vẫn bị hố nặng.
Ngày 29 Tết
Tôi dậy sớm hơn thường lệ, ngồi ngay bếp pha trà uống một mình, mùi thơm dịu của trà xanh quyện với mùi khói nhang từ dưới nhà bà Tàu bay lên tạo thành một thứ mùi kỳ dị, khói nhang làm tôi cay xè cả mắt, liền đứng dây xách xô nước ra ngoài hành lang tưới cây. Vừa mới chiều hôm qua thôi, tôi huy động cả nhà làm tổng vệ sinh để đón năm mới, cái sân ngoài hành lang đã được cọ rửa sạch sẽ tinh tươm. Tôi đặt xô nước xuống, múc từng gáo dội vào dưới gốc mấy chậu cây Trúc Nhật kiểng, có bốn chậu tất cả nhưng do không biết chăm sóc, một chậu đã chết queo, ba chậu còn lại xơ xác, cây ốm quặt quẹo. Cây có măng đâm chồi lên rất đẹp, mập ú ù nhưng khi lớn lên một chút thì lại còi cọc, lá đỏ quạch phủ đầy bụi đường. Một chậu dây leo có vẻ tươi tốt, hai chậu trồng cam mà tôi lấy giống dưới Bến Tre lên năm ngoái đã chết khô, nằm trơ trọi kế bên. Thằng Út cấy vào đó mấy cây ớt, hôm qua tôi không biết tưởng cỏ dại đem nhổ bỏ vẫn còn héo nằm chỏng trơ bên trong. Trước đây ông chủ nhà cũ cho tụi tôi mấy chậu cây Nha Đàm, mấy chậu này bị sứt mẻ nên ông "chiếu cố" để lại, chậu nào lành lặn đẹp đẽ, ông lên chuyển từ từ về nhà. Hồi sửa nhà, sáng lên tới thấy đất và cây đổ đầy trước nền gạch, tôi lại trách thầm mấy anh thợ sửa nhà không khéo tay làm bể chậu kiểng của tôi, nhưng Lượm mách tôi rằng ông chủ cũ lên lấy vào sáng sớm, tự nhiên tôi thấy mắc cười, có mấy cây kiểng cũng tham lam, thật đúng là dân Thanh Hoá quê choa "ăn rau má phá đường tàu". Một thời gian sau mấy chậu cây Nha Đàm bị tụi trộm lên bê mất sạch.
Tôi tưới hết lượt cây, đứng tựa lan can nhìn xuống đường, chắc đây là cơ hội cuối cùng chăng? Vì lần sau trở về thì cái nhà này đã bị đập bỏ. Xe cộ vẫn tấp nập đi lại, dân buôn bán đến sớm mở cửa sắt rít lên nghe rờn rợn cả người. Dưới chân cầu thang, quán cơm tấm nướng thịt bay mùi khét lẹt. Xéo góc ngã tư đối diện bên kia đường là khách sạn Rose (Hoa Hồng) hình như đang đóng cửa để sửa chữa. Xịch lại đằng đó một chút có quán bán bánh cống vào buổi chiều ngon đến mê hồn, thằng con tôi thích lắm, có khi nó ăn liền mấy tháng, đêm nào cũng bánh cống mà không biết ngán. Khu này thường tập trung nhiều người Tàu, các món ăn như hủ tiếu, phở...không hap khẩu vị với tôi nên ít khi nào tôi bén mảng tới. Thằng con tôi còn có một món khoái khẩu nữa là sinh tố sa-pu-chê, tối nào cũng làm một bịch, vừa ăn bánh bao, vừa uống sinh tố vừa coi truyện comic, đi học về, hễ thấy mặt tôi là chỉ vào bụng ý ta đây là đói, há miệng, ngửa cổ, chỉ chỉ ngón tay chỏ vào trong miệng, mắt thì nheo nheo, đầu gật gật chỉ để xin tiền mua sinh tố. Tôi nhìn ứa gan, muốn đá cho nó mấy cái bay ra khỏi cửa. Nhưng tôi biết, bây giờ không đánh nổi nó, mỗi lần giận quá giơ tay lên chưa kịp làm gì là nó túm chặt lấy khiến mình không cựa quậy gì được, chỉ có thiếu nước nó đẩy một cái nằm chỏng queo ra giường nữa là xong, còn khuya mới dậy bảo nó theo kiểu cho roi cho vọt giống ngày xưa.
Đứng ngắm trời, ngắm đất, ngắm mây chán chê, tôi lại mở cửa đi vào nhà, mọi người đã thức dậy. 9 giờ sáng, tôi bắt đầu ngồi vào bàn trang điểm, hôm nay có hẹn với lão Đại đi chụp hình xuân ngoài vườn hoa Nguyễn Huệ. Đường Nguyễn Huệ năm nay trang hoàng lộng lẫy bằng đủ kiểu hoa và những hình tượng lạ mắt, để cho người dân du xuân được chiêm ngưỡng những tác phẩm độc đáo dưới đôi bàn tay nghệ nhân tài hoa của quê nhà. Mấy bữa vừa qua tôi đi ngang chưa thấy gì, mọi thứ còn giang dở, hình tượng mấy con gà ngay đầu bùng binh Nguyễn Huệ chỉ mới dựng được cái sườn, hôm nay hoàn tất nên lão Đại mới hẹn tụi tôi đi chụp hình Xuân, lão sợ ngày tết đông quá không len nổi. Lão Đại là dân chụp hình chuyên nghiệp lại khoe khoang mới đi du lich ngoại quốc về mua được cái máy xịn nghe đâu tới cả 60 triệu đồng (khoảng 4000$ Mỹ), tôi hy vọng với tay nghề lão luyện và cái máy "đờ luýt" này lão sẽ chụp cho tôi vài tấm kha khá để còn mang về khoe với chồng. Tôi không có duyên chụp hình, chụp tấm nào trông cũng gớm chết.
10 giờ sáng, mẹ con tôi có mặt bên nhà chị Lan, chị đang ngồi trang điểm, tô tô vẽ vẽ cặp chân mày. Hôm nay là 29 Tết, công sở xung quanh đều đóng cửa nghỉ sạch, quán cà phê của chị vắng teo, chỉ bán lai rai cho mấy người trên chung cư. Tôi đứng ngay trước cửa, ngó nghiêng tìm kiếm lão Đại nhưng không thấy đâu, lão chưa đến. Chi Lan nhìn tôi từ đầu tới chân:
- Sao có cái áo mặc hoài vậy? Bộ hết áo rồi hả?
- Đẹp là mặc tới rách thì thôi, hễ giặt khô là lấy mặc. Anh hùng nhất bộ mà!
Tôi cúi xuống nhìn lại mình, áo thung đen cổ trái tim sát vai, ngắn lưng cạp quần, chiếc quần jean xanh mang giây nịt to đùng, đi giày cao gót màu da bò có cẩn hạt xoàn chớp chớp. Mặc vậy cho gọn, tôi không thích áo dài mặc dù tôi mặc áo dài cũng thướt tha đài các như ai, tôi ghét thứ quốc phục bám sát vào thân mình nóng nực gần chết. Ai thích thì cứ việc thích, riêng tôi nhìn thấy áo dài là ghét đắng ghét cay, tôi thương mấy đứa em gái học sinh trung học thướt tha trong bộ áo dài trắng đến trường. Sài Gòn nóng như lò lửa, khí hậu có khi lên đến 39, 40 độ C, lớp học không có máy lạnh, chỉ lèo tèo vài cái quạt máy, năm, sáu chục đứa học sinh chen chúc nhau, càng làm cho không khí trong lớp ngột ngạt, vậy mà các em nữ phải mặc áo dài còn thêm áo lá bên trong nữa, thật đúng là cực hình, không giống ai. Đành rằng áo dài là quốc phục truyền thống, là nét đẹp duyên dáng của phụ nữ Việt Nam, nhưng cũng phải tuỳ lúc, tuỳ nơi, tuỳ hoàn cảnh. Ở Trung Quốc có sườn xám, Nhật Bản có Kimono, Nam Hàn cũng có một loại váy áo lùng thùng mà tôi không biết gọi tên là gì, nhưng trường học của họ đâu bắt buộc học sinh phải mặc những quốc phục đó đến lớp. Thật là tội cho mấy em nữ sinh Việt Nam.
Tôi ngồi dựa lưng vào tường nhìn ra ngoài đường phố ngắm xe cộ qua lại. Đến hôm nay thì chẳng có báo nào để mà đọc, các tờ báo đã nghỉ xuân. Đường phố vắng tanh, thỉnh thoảng có vài xe chạy vụt qua trước mặt. Tôi ngồi đó khá lâu mà chẳng thấy bóng dáng Lão Đại đâu, nóng ruột, tôi gọi điện thoại cho Hạnh hỏi số của lão Đại. Khi tôi bấm số gọi cho lão, phải mất rất lâu lão mới trả lời điện thoại:
- Anh đang trên đường xuống, chờ một chút.
Một chút của lão cũng mất hơn hai mươi phút, lão Đại tè tè chạy đến, cười híp cả mắt chả thấy tổ quốc đâu. Vừa uống ly trà đá thấm giọng, lão lại lả lơi:
- Hai chị em xinh thế! Mà ngộ nhỉ, sao chị lại xinh hơn em?
- Ông hỏi thật là dấm dớ, chị tôi xinh hơn tôi thì có cái gì lạ đâu mà thắc mắc. Rõ thật là dở hơi!
Lão Đại cười khoái chí, cái chóp mũi đỏ nay lại càng đỏ thêm, lão lôi cái máy chụp hình ra tháo tháo lắp lắp, cái máy khá to, trông đồ sộ. Tôi nóng ruột:
- Đi thôi cha, 11 giờ trưa đến nơi rồi, cha định thui nắng tụi tôi đó hả?
- Đi thì đi, làm gì mà nóng thế, để anh uống nốt ly trà đá đã.
Tôi mặc áo khoác mỏng ra ngoài, tính đeo cái ba lô lên nhưng bé Trân cản lại.
- Dì đừng mang giỏ đi, đông người chúng nó rạch uổng cái giỏ mất.
Nghe nó nói cũng có lý, Sài Gòn móc túi như rươi, trong giỏ chẳng có gì, lỡ tụi khốn nạn rạch cho một đường thì uổng mất 400 đô la của mẹ chồng mua cho, tôi liền lấy cái máy ảnh nhỏ ra, đưa giỏ cho Trân cất vào tủ. Tôi, cùng chị Lan, thằng cu Dừa, lão Đại đi bộ xuôi xuống đường Nguyễn Huệ. Chúng tôi đến nơi vào khoảng 11 giờ trưa, ánh nắng chói chang trên một khúc đường hoa lá nở đẹp rực rỡ. Từng đoàn người đông nghẹt nối đuôi nhau đi ngắm hoa. Chúng tôi bắt đầu đi từ đầu đường ngay đồng hồ Nguyễn Huệ, rẽ về hướng sông Bạch Đằng, những vườn hoa, cây cảnh được sắp đặt khá công phu, đẹp và lạ mắt. Những cái cổng làm bằng đá xếp lại với nhau, trên bãi cát trắng có một cái giếng cạn, tôi nhẩy vào ngồi trong đó, kêu lão Đại chụp cho vài tấm bằng cái máy chụp mình của mình, ánh nắng chói chang khiến tôi cứ phải nheo mắt lại, mặt nhăn nhúm, bực mình, tấm nào chụp cũng phải đeo mắt kiếng đen thùi, trông y như thầy bói mù bên bên lăng Bà Chiểu. Tiếp theo là những bồn hoa rực rỡ, những chiếc xe ngựa chất đầy hoa Hồng đỏ, xung quanh còn được treo lủng lẳng mấy thúng hoa Cúc vàng rực, điểm xung quanh là mấy cây mào gà đỏ chói. Thỉnh thoảng, thấy xuất hiện vài cái võng tre chất đầy hoa nằm bên vệ đường, mấy chòi tranh đơn sơ. Đi đâu tôi cũng thấy một mầu vàng choé của hoa Cúc, màu đỏ lòm của hoa Mào Gà, màu hồng phớt của hoa Lan, lâu lâu mới thấy một vài cây Đào đang hé nụ. Đoạn cuối cùng, các nghệ sĩ quây rào, đắp bờ, trồng cỏ chung quanh làm thành hình ao cá, trong ao có thả mấy bụi sen, cả một cái vó lưới cá khá lớn và một cây cầu tre bắc ngang qua ao, trông thật bắt mắt. Đi đến khúc này, tụi tôi đã chụp được khá nhiều hình, trời nắng quá, chị Lan dắt thằng Dừa bỏ đi về trước, chỉ còn lại tôi và lão Đại vẫn say mê đi hết từ làng trên xuống xóm dưới, bấm máy liên tục. Tụi tôi vòng đi vòng lại, mặc kệ trời nắng, mặc kệ mồ hôi chảy xuống ròng ròng, mặc kệ gương mặt bóng láng dầu nhờn cùng kem phấn chảy tè le, tôi cứ đều chân rảo bước. Hoa lan khá nhiều, nở rộ, tôi mất nhiều thời gian đứng chờ gió lặng để rình mò chụp cho được một một cành hoa lan.
Lão Đại tuy bận rộn với việc đi săn ảnh, nhưng cũng dành chút thời gian chỉ tôi cách chụp hình, còn đâu tôi cứ bấm bừa phứa. Lúc đứng ôm cây, lúc ngả vào vườn hoa, lúc thì dựa vào cái cổng, lúc đứng sau bánh xe tạo dáng để nhờ lão Đại chụp cho mấy tấm hình. Đầu đường gần bùng binh Nguyễn Huệ, các nghệ sĩ đã cho dựng một đàn gà bằng lá dừa gồm hai con gà trống mái to đùng đầu quay sang hai phía, bên dưới có thêm vài con gà con, sen lẫn những bụi Cúc Vạn Thọ. Xịch vào phía trong một chút, họ đắp hờ một quả đồi trên cắm vài cây thông và ít cây mimosa lác đác nở bông màu vàng nhạt, trông giống như cảnh Đà Lạt. Chẳng còn gì để chụp, tụi tôi dạt qua bên kia bùng binh, ngay trước cửa nhà Quốc Hội, nơi có đặt tượng ông Hồ ôm gọn em thiếu niên nhi đồng trong lòng và một tay vuốt lên mái tóc em, tay kia sờ lên đầu gì nhòn nhọn, nhìn mãi cũng chẳng đoán được là gì, trông thì tựa như hình khẩu súng.
Tôi qua đây chụp mấy tấm hình vì chỉ bên này mới có nhiều hoa Mai vàng. Cũng chỗ này có rất nhiều người đến chụp hình làm kỷ niệm, họ muốn lấy luôn cảnh Nhà Quốc Hội xưa (tức Ủy Ban Nhân Dân Thành phố bây giờ), nhưng nếu muốn vậy thì tấm nào cũng phải dính tượng ông Hồ trong đó, vì tượng ông đặt chình ình ngay trước mặt. Vậy mà báo đài của nhà nước cứ loan tin ầm lên rằng thì là Việt Kiều về nước thích đứng dưới bức tượng “Bác Hồ kính yêu" để chụp hình. Thối không chịu được!
Tôi và lão Đại quanh quẩn nơi vườn hoa mất cả tiếng đồng hồ, lúc này mặt trời đã đứng bóng, tôi thấm mệt, rủ lão Đại cùng đi về. Tôi về đến nhà chị Lan ngồi nghỉ mệt, lão Đại chỉ uống được ly trà đá rồi đứng dậy dắt xe quay về nhà, lão kêu bận. Tôi nói với theo:
- Nhớ rửa hình sớm nghen anh.
Tết nhất đến nơi, ai cũng bận rộn, chỉ mình tôi còn nhởn nhơ chả lo nghĩ điều gì, cứ ngồi nhìn thiên hạ qua lại rồi cười toe toét. Một chiếc xe đạp chở hoa bán dạo từ từ đi ngang, tôi gọi rối rít, ngoắc lia lịa. Anh chàng bán dạo trẻ tuổi trông lam lũ quành xe đi vào dừng trước mặt tôi, tôi chọn mấy cành hoa mai đang hé nụ, định bụng cắm lên bàn thờ cho có không khí Tết. Lúc chuẩn bị trở về nhà, chị Lan đưa tôi một bịch trái cây bảo sắp lên bàn thờ cho đẹp, chị Lan nói rằng tôi kêu ai đi mua trái cây không kêu, lại kêu nhằm con ma nhà họ kẹo, trông dĩa trái cây nó mua về nhìn muốn lộn gan. Về tới nhà, tôi lấy hộp quẹt đốt dưới đít mấy cành Mai rồi cắm vào lọ, nghe người ta bảo làm vậy hoa Mai sẽ tươi lâu hơn, vậy mà sáng hôm sau thức dậy (30 Tết) mấy nụ Mai rụng lả tả dưới nền nhà, chưa kịp nở.
Ngày 30 Tết
Không khí trong nhà thật là náo nhiệt, chị Lan dẫn cu Dừa qua từ sớm để nấu đồ ăn làm lễ rước ông bà về du xuân con Gà (2005), mâm cơm thịnh soạn có đủ thứ, chả giò, thịt nấu đông, bánh chưng, dưa hành, củ kiệu, giò lụa, giò thủ, sắp đầy một mâm, chỉ trừ thịt gà. Tôi trịnh trọng đốt nhang khấn vái, rước ông bà về nhà ăn tết với con cháu vài ngày. Tuần nhang gần tàn, tụi tôi mang giấy tiền vàng bạc ra hoá mã để các cụ có tiền tàu xe.
Sau bữa cơm trưa, chị em dì cháu lôi nhau ra sát phạt, lúc đầu chơi lô tô, chán qua quay sang tiến lên, rồi thì tụi nhóc đề nghị chơi xì dzách vì bài tiến lên chỉ được có bốn người, mấy đứa khác ngồi chầu rìa nên tỏ ra bực bội. Xì dách là môn bài chơi rất dễ, đầu tiên chia bài một lượt, mỗi lượt một cây bài, cái được chia chót, bài chia làm hai lần, sau đó cái cầm phần bài còn lại cho tay em rút, rút chừng nào "đủ tuổi" (16 điểm) thì thôi, hạn chót là năm cây bài, cao nhất là xì bàng (hai con ách), tiếp đến xì dách (một con tây hoặc con 10 và một con ách) rồi đến ngũ linh (năm con cộng được 21 điểm, bài ngũ linh càng nhỏ càng tốt), còn lại từ hai tới ba và bốn con, cao nhất là 21 điểm, tối đa 16 điểm. Nếu để dưới 16, bài đó sẽ bị đền cả làng, còn trên 21 điểm là "quắc", quá 28 điểm cũng bị đến cả làng, nếu cái cũng "quắc" thì "chạy" (huề) với cái, còn nếu có điểm cứ việc ăn tiền. Bài tính đơn giản: Con ách (xì) tính 10 hoặc 11 nút nhưng khi cây bài có 4 lá thì chỉ tính 1 nút, phải chú ý không sẽ tính lộn, vụ này bị hoài nên tôi có kinh nghiệm, con mười và con tây thì tính chung 10 nút, còn các con khác tính theo số thứ tự từ con hai cho đến con chín. Tôi làm cái, các em, các cháu ngồi chung quanh chìa tiền ra đặt, chúng nó nhao nhao như cái chợ, cháu một tụ, cháu hai tụ, em đặt hai ngàn, cháu đặt một ngàn đấy. Tôi cười cười:
- Cho chúng mày đặt thoải mái tiền bao la, nợ bao vây, đề thì bao lô.
Chia bài đều cho từng đứa, tôi bắt đầu cho tụi nó rút, hồi hộp bắt mạch từng đứa một qua nét mặt, xong, tôi đặt bộ bài xuống dưới, rút một con ra vẫn để úp, lúc này tôi mới cầm hai con bài của mình lên nặn, hé từng tí, từng tí xem đầu nhọn hay vuông, tim cũng đập thình thịch cứ làm y như đang ngồi trong sòng bài lớn, sát phạt nhau một cây vài triệu đồng. Sau khi đếm nút con bài, đủ điểm, tôi lật từng bài kiểm tra, mấy bài từ ba lá trở lên được lật trước, mấy bài hai lá thì để sau. Tụi nhóc nhao nhao hỏi:
- Đủ điểm chưa dì? Đủ điểm chưa?
- Đừng có "no" để nhà nước "no" đủ tuổi “nấy” chồng là dì bay lật hết (tức là 16 nút)
Tôi lật bài con bé Trân đầu tiên, tính điểm, cười khì khì:
- Wắc (quắc) hả con, vậy mà bầy đặt to họng.
Tôi quơ tờ tiền nó đặt bên dưới mấy lá bài về phía mình, gật gù cười sảng khoái, đứa bị thua mặt mày tiu ngỉu, trông thấy mà thương. Đứa khác chưa bị lật đến thì hau háu cặp mắt, đoán già đoán non tôi cầm trên tay những lá gì, bao nhiêu nút. Tôi lại liếc nhìn một lượt, nhìn từng gương mặt chứ không thèm nhìn bài, đến thằng con, tôi dừng lại, ghé sát mặt nó:
- Tài loi? Ba lá hả con?
Tôi lật bài nó ra, chỉ chờ có vậy, thằng bé nhẩy cỡn lên vỗ tay ầm ĩ:
- Mẹ rờ vào đi, phỏng tay chưa? 21 đấy!
Quả là 21 thật, cây 5 rô, 7 chuồn và 9 bích tổng cộng 21, nó ăn tôi. Mấy cây hai lá tôi đều lật lên sạch, nói rõ lớn:
- Ai 19, chạy, ai "quắc" chung tiền đây.
Cả đám lại rộ lên "Bài cái to quá!". Cứ vậy mà tiếp tục, ván này qua ván khác, ngồi mỏi cả lưng, mờ cả mắt mà ăn thì cũng không ăn, thua cũng thì không thua, cứ xìu xìu ển ển, khoảng 4 giờ chiều tôi đứng lên tuyên bố nghỉ, không chơi nữa, mai sẽ tiếp tục. Sòng bài tan. Vợ chồng thằng Út dắt con ra bến xe đi về quê ăn tết với ông bà nội.
Tầm 5 giờ chiều, dì tôi gọi điện sang nhắc nhở cả nhà qua ăn cơm tối mà dì đã có lời mời từ mấy hôm trước. Tôi ngần ngừ nửa muốn đi, nửa không, tôi ngại sang đó đụng mặt đứa em họ, con gái của dì tôi, tôi không ưa con nhỏ này chút nào.
Vợ chồng thằng Út đi rồi, căn nhà yên tĩnh trở lại, con tôi chúi đầu vào máy game, chân mày nhíu lại, hai tay giữ chặt tay cầm, ngón cái nhấp nhấp liên tục, người đung đưa theo hình ảnh trên ti vi, nhìn trông thật mắc cười. Mấy ngày nghỉ tết, cho nó chơi thoải mái, mai mốt đi học trở lại, máy chơi game bị dì khoá cất trong tủ, khỏi được động tới.
Tôi ngồi trên chiếc ghế đặt ngay lối hành lang, đối diện với bếp, lắng nghe tiếng nước chảy tồ tồ đổ vào bồn dự trữ sẵn chờ có đủ nước để vô tắm. Từ ngày hàng xóm quanh đây dọn đi hết, nước bỗng khan hiếm đến khó hiểu, thích thì chảy, không thích thì dừng.
Khoảng 6 giờ tối, dì tôi lại gọi điện thoại hối qua ăn cơm, không từ chối được tôi phải kêu taxi chở qua bên đó. Nhà dì tôi bên Quận Tư, dưới chân cầu Kênh Tẻ, con đường này mới được mở và cả tên cầu cũng lạ lẫm đối với tôi. Mang tiếng ở Sài Gòn mười mấy năm nhưng khu Quận Tư này ít khi nào tôi bén mảng tới, nghe nói đến quận Tư là sợ, toàn dân giang hồ cờ bạc, cướp giật.
Lâu lắm rồi, từ lúc anh Bắc tôi còn bị nhốt trên trại Chí Hoà, một lần vào thăm nuôi, anh tôi nhờ tôi đến địa chỉ XXX Bến Vân Đồn, Quận Tư gặp người nhà người tù chung phòng với anh, nhắn vào thăm nuôi giùm. Sau khi tan học lớp Anh Ngữ tại trường Rạng Đông nằm ngay trong khuôn viên Nhà Văn Hoá Quận Tư, tôi chạy xe tìm đến hẻm trong địa chỉ anh tôi cho hôm nọ, tôi chạy tới chạy lui kiếm nhà mà tìm mãi không ra, tôi liền dừng xe hỏi thăm một bà già bán tủ thuốc lá. Bà nhìn tôi từ đầu tới chân một cách chăm chú, không trả lời mà hỏi ngược lại tôi: "Cậu này là gì của cô?". Sau khi nghe tôi trả lời, bà buông một câu: "Thôi cô đi về đi cô vô xóm đó coi chừng đi ra người không bây giờ“ làm tôi lạnh xương sống, cám ơn bà và vội vàng quay ngược xe trở ra, không dám nhìn lại. Ngày nay Quận Tư đã thay đổi, đường xá mở rộng, nhà cửa cũng khang trang, nhưng tôi vẫn có cảm giác ớn lạnh khi đi qua khu vực này.
Trả tiền taxi, tụi tôi đi bộ vào trong hẻm, nhà dì tôi cách mặt lộ khá xa, chừng trăm mét. Căn nhà xây ba tầng lầu khá xinh xắn. Tụi tôi mở cổng bước vào, thấy lố nhố trước sân một lũ con nít đang hò hét ầm ĩ. Bé Mỹ Chi mặc bộ đồ mầu nhạt, mồ hôi nhễ nhại đang ngoác miệng ra cười, nước da đen thui, mũi tẹt lét, trán dồ, mặt ngắn cũn lại gẫy khực ở chính giữa, trông xấu đau xấu đớn, càng lớn càng giống bà nội y hệt. Mỗi lần nhìn thấy mặt con bé là tôi lại phì cười. Con gái út dì tôi sinh được hai đứa con, trên bé Chi là thằng Long, sinh cùng tháng với cu Dừa con chị Lan, lỳ lợm và láo không thể tả được, nó chẳng sợ bất cứ ai trong nhà, phải gửi lên trường cho mấy bà Xơ dạy bảo. Đợt tôi về sửa nhà năm 2003, An lúc đó mới sanh bé Chi được chừng hai tháng, một lần lên thăm tôi, hí hửng khoe: “Bà thấy mặt con gái tôi chưa? Con gái tôi dễ thương lắm...!". Tôi định bụng bữa nào rảnh, lên thăm cháu xem nó dễ thương cỡ nào? An xinh nhất nhà trong số ba chị em gái, nó có gương mặt đẹp như nữ diễn viên điện ảnh Bích Liên hồi thâp niên 80, chồng nó cũng đẹp trai, sinh con gái dễ thương thì cũng chẳng có gì lạ, mấy bữa trước tôi hỏi chị Lan, chị cũng nói dễ thương. Nhưng rồi bận rộn công việc, tôi cũng quên bẵng mất chuyện lên thăm đứa con gái dễ thương của Nó. Một lần, vợ chồng thằng Út ghé thăm dì tôi về nói lại: "Ôi …con gái của con An sao mà xấu thế! " Tôi nhíu mày ngạc nhiên: "Lần trước nó bảo con gái nó dễ thương lắm mà?" Thằng Út lại bĩu môi: "Mặt như cái mẹt mà dễ thương cái gì. Bà lên đó mà coi xem tôi nó có đúng không. Thằng đầu coi còn tạm được.” Tôi xoay qua chị Lan: "Sao chị cũng nói con bé dễ thương lắm mà?" Chị Lan chậc lưỡi: "Thì ai mà biết, hồi đi ăn đám đầy tháng, ngó cũng dễ thương!". Tôi đứng đó gãi đầu gãi tai, nghĩ thầm trong bụng, sao kỳ vậy ta, dường như con gì bò lổn ngổn trong bụng, chịu không nổi, tôi liền xách xe chạy một mạch lên thăm An, lúc ấy An đang ở nhờ một phòng trên nhà chị ruột nó. Tôi đến nơi thì An đi vắng, chỉ có dì tôi đang nấu cơm chiều dưới bếp, tôi làm bộ hỏi han dì vài câu rồi leo tuốt lên lầu ba, tìm đến phòng An. Trong phòng, con bé người làm đang ủi đồ em bé, bên cái nôi đung đưa, bé Chi ngủ say mê, tôi bước lại gần ngắm cho thật kỹ, con bé nằm nghiêng, chả nhìn rõ mặt. Tôi đứng đó một hồi, hỏi han bâng quơ vài câu với con bé người làm, bỗng Chi giật mình khóc thét, nhân cơ hội tôi ẵm nó lên vỗ về và có thể nhìn thấy rõ gương mặt, đúng là xấu thật, tôi lẩm bẩm ở trong bụng vậy mà cứ khen "Con gái tôi dễ thương lắm!".
Bước vào trong bếp, cả nhà đã ngồi vào bàn ăn, dì tôi tươi cười sắp chỗ cho mọi người, cái bếp nhỏ xíu, con cháu rõ đông, bên tôi chỉ đi có bốn người, nếu đi hết chắc chả còn chỗ nào mà nhét. Tôi ngồi chung một bàn với cánh đàn ông, đang cụng ly uống rượu côm cốp, biết tôi không biết uống rượu, dì rót lon xá xị vào ly đá trước mặt tôi, xùi bọt lèo xèo, tôi kỵ nhất cái mùi này, hửi vô cứ tưởng tượng là mùi bọ xít, ly xá xị để trước mặt từ đầu đến cuối bữa mà tôi không dám nhấp môi. Thức ăn khá thịnh soạn, bánh chưng, chả lụa, giò thủ, nem chua, chả giò còn có cả hai dĩa thịt gà luộc vàng ngậy, thức ăn bốc mùi thơm lừng, tôi cũng chẳng cần khách sáo, gắp một miếng thịt gà giơ lên, hỏi:
- Dì kiếm ở đâu ra thịt gà ngon quá vậy? Dì không sợ cúm gà à?
- Gà dì nuôi trên vườn đấy, cúm đâu mà sợ.
- Vườn nào?
- Trên tuốt Long Khánh kìa, có ở gần đây đâu mà hỏi. Mày không sợ tí nữa dì cho mấy chục trứng gà mang về mà ăn.
Khanh ngồi bên cạnh gắp thêm vào chén tôi miếng nem chua.
- Ăn đi chị, chị hảo món này lắm mà.
Tôi quay qua cười với nó. Khanh là con trai thứ hai của bà dì tôi đang còn ở ngoài Bắc, nó đưa vợ con vào Sài Gòn kiếm sống đã gần chục năm nay, vợ làm nghề thợ may, còn chồng hiện đang phụ xế, có một thằng con trai nhỏ hơn con tôi vài tuổi, đang học cấp một. Mấy bữa nay nghỉ Tết, cu cậu được bố chở lên thảy ở nhà tôi cho chơi game với anh Tài, nhưng anh Tài xấu nết, ích kỷ cứ cầm máy một mình làm thằng em chỉ biết ngồi chầu rìa.
Dì tôi lăng xăng tiếp tế thêm mỗi khi dĩa thức ăn nào vơi bớt. Tôi ngồi ăn ở bàn này tránh đụng mặt với vợ chồng đứa con gái thứ hai của dì tôi đang ngồi bên bàn kia, nhìn thấy nó là cục tức nổi lên, nhưng tôi cố ghìm lại.
Bữa ăn gần kết thúc, cặp vợ chồng thằng con trai lớn của dì mới qua tới, vợ chồng nó có sạp quần áo ngay trong Chợ Cũ, dọn hàng xong, giờ này mới rảnh, thường thì ngày 30 tết mới là ngày hốt bạc của tụi nó nên cố bán cho đến tận tối mịt. Tôi vẫn ngồi đó mặc dù đã ăn xong, dĩa dưa hành do dì tôi muối chưa có chua lắm mà đã mềm xèo, giống như bị ủng. Dạo sau này dì tôi hễ cứ đụng vào món dưa nào là y như bị khú, mẹ tôi cũng vậy, trước khi gặp tai nạn một thời gian cứ muối khạp dưa nào được vài ngày là khú khắm, hình như nó có gien di truyền. Tôi cũng vậy, thỉnh thoảng ra tay muối dưa đều bị khú y chang. Huyền vợ của Khanh lại ngồi bên cạnh tôi thủ thỉ:
- Nhà chị không mua được con gà nào à?
- Không, cúm gà như vậy ai mà dám ra chợ mua, thôi nhịn cho rồi.
- Nếu chị không sợ, em mang lên cho chị một con, gà em nuôi được mấy con, đang còn khoẻ mạnh lắm.
Tôi nhìn nó bật cười:
- Thôi có mấy con để dành đó mà ăn, lại còn bày đặt đòi mang cho nữa.
- Em nói thật mà, để chút nữa về em bảo anh Khanh mang lên cho chị cúng giao thừa.
- Ôi...vẽ chuyện ra làm gì, từ nhà chúng bay lên xa xôi lắm. Nếu mang thì mai hoặc mốt lên mang cũng được, đi đâu mà vội.
Tôi ngồi nói chuyện thêm một lát nữa rồi xin phép dì đi về, ngồi đây mà lòng dạ nhấp nhổm không yên vì căn nhà bỏ trống, sợ lũ xì ke bên dưới cậy khoá vào khoắng hết đồ thì hết ăn Tết. Vợ chồng Khanh cũng theo tôi về luôn, đến trước cửa nhà tôi, nó dừng xe lại thả thằng con cho lên chơi với mấy đứa nhỏ, tôi đẩy luôn cả mấy đứa lên lầu.
Đèn bật sáng, trông căn nhà trông lộng lẫy hẳn lên, bàn thờ trái cây sắp đầy, vàng rực, hoa huệ đã nở trắng thoang thoảng mùi thơm dịu, hoa mai tôi mua hôm trước nay chỉ còn chơ cành, hoa và nụ đã rụng gần hết, hai cặp bánh chưng đặt trên bàn thờ cho đẹp đã bị "bác tý" xơi mất một góc, trông nham nhở như cóc gặm. Tôi ngồi xuống ghế xa lông, gác luôn cả hai chân lên bàn, bật ti vi coi, ti vi đang có chương trình thời sự quốc tế. Hai thằng nhóc rủ nhau vào bắn điện tử trong phòng. Thằng Dừa thơ thẩn chạy ra chạy vô. Tôi đổi tư thế không gác chân lên bàn nữa mà nằm dài trên ghế, mấy đứa cháu gái đã đi chơi cả, nhà chỉ còn lại có tôi và ba thằng nhóc con đang tập chung bắn súng đùng đùng chéo chéo ở trong phòng. Thằng Dừa và Thế Anh chỉ được ngồi xem ké cho mình anh Tài bắn, thỉnh thoảng, Dừa chạy ra phụng phịu méc:
- Mẹ, mẹ nói anh Tài cho con chơi chút đi mà... ảnh bắn mình không hà... đi mẹ …
Tôi ngồi bên ngoài, mắt đờ đẫn nhưng cũng cố hét to:
- Tài, cho các em chơi với, mày cứ ôm lấy một mình đi nghe con.
- Chờ một chút, chờ một chút, con đang “xe” (tức là lưu vào trong thẻ nhớ)
Chẳng biết nó có cho hai đứa em chơi ké không vì chỉ một lúc sau là tôi ngủ thiếp đi.
Tiếng ồn ào làm tôi giật mình nhỏm dậy, mở mắt ra, thấy Huyền đứng trước mặt, cười toét:
- Em mang gà lên cho chị rồi đấy, em để ở trong tủ lạnh, thấy chị ngủ ngon quá em không đánh thức. Thôi em về đây, anh Khanh đang chờ dưới nhà, sợ tí nữa kẹt xe không về kịp bị xông đất, chúng nó chửi chết.
Thằng Thế Anh lẽo đẽo bám bên mẹ, tôi vẫn còn lơ mơ, nhưng cũng kịp hỏi:
- Hai đưa bay về thịt gà rồi mang lên liền đấy hả? Trời! Sao mà siêng thế!
- Có gì đâu, thịt gà thì chục phút là xong thôi mà.
- Thế Anh không không ngủ lại đây à? Ở lại đây tí xíu nữa bác dẫn đi xem pháo bông, về làm gì rồi sáng mai lại bắt tội bố mày chở lên.
- Sao con? Ngủ lại hay về?
Thằng bé chần chừ một hồi rồi quyết định theo mẹ. Hai cô cháu gái của tôi đi chơi đã về từ lúc nào, đang xì xầm cãi cọ, tụi này cứ như mặt trăng với mặt trời, sáp vào là y như rằng có chuyện cãi cọ. Tôi ể oải đứng dậy, sắp đến giờ giao thừa, phải chuẩn bị đồ cúng đón năm mới, bánh kẹo, dưa hấu, giấy tiền vàng mã, đèn cầy, bánh chưng, hoa… được sắp ra một cái mâm theo đúng thủ tục truyền thống của quê hương. Tôi mang ra đặt ngay trước cửa nhà, chờ đúng giờ linh là thắp nhang khấn vái. Tôi đi ra, đi vô nôn nóng, tự nhiên giờ này lại có cảm giác y như những ngày còn thơ ấu, mong đến giao thừa, mong được nghe tiếng pháo nổ đì đùng và ngửi cả mùi khét lẹt của thuốc pháo. Trước giao thừa, sẽ có bắn pháo bông ngay Bến Nhà Rồng, không xa đây là mấy. Tôi rủ thằng Tài, Dừa, bé Trân đi bộ ra hướng cầu Khánh Hội xem cho rõ, dặn bé Anh ở nhà nếu dì về không kịp thì đúng 12 giờ khuya mang nhang ra thắp. Tôi dẫn mấy đứa nhỏ đi bộ dọc theo đường Nguyễn Công Trứ, qua mấy ngã tư và quẹo tay mặt ra đường Pastuer ra hướng Ngân Hàng Ngoại Thương. Con đường này bây giờ đã đông nghẹt, toàn xe gắn máy, đủ thứ đủ loại đứng tràn hết cả một khúc đường dài lên tuốt khúc cầu Calmette, tụi tôi phải luồn lách, chen lấn mới chiếm được một chỗ tương đối dễ nhìn, thằng cu Dừa nhanh như sóc, ỷ mình nhỏ cứ lấn tới làm tôi phải quát lên:
- Dừa, từ từ thôi, nắm chặt tay mẹ này, không có chút nữa người ta chen lấn đè mày lòi ruột bây giờ.
Nó quay lại nắm chặt tay tôi cười nhăn nhở, thằng Tài cũng sợ em lạc, ghé tôi nhắc nhở:
- Mẹ coi chừng thằng Dừa đó nghen, thằng này láu cá lắm.
Đông đúc như thế này, quả là đáng sợ, biết vậy ở nhà coi tivi cho rồi. Nhiều người muốn quay trở ra nhưng không được, người và xe đông chặt như nêm, không ai xoay xở được gì. Tụi tôi đứng đó một lúc thì pháo được bắn lên, từng chùm từng chùm một như những ngôi sao nhỏ tung toé trên bầu trời. Mọi người xôn sao, xuýt xoa, trầm trồ: "Ôi, đẹp quá!“, những cái điện thoại di động giơ lên chụp lia lịa. Pháo bắn liên tục, từng trái từng trái một, có trái bắn lên nở ra y như hình cái nấm, có trái giống như cái chổi, toả ra rớt xuống phía dưới và tan biến dần. Có cái như bông hoa nở ra ngay trước mắt làm mình tưởng tượng chụp được nó, càng về cuối pháo càng được bắn dồn dập, bầu trời sáng rực lên như có cả triệu vì sao đang vỡ vụn ra từng mảnh li ti. Tôi đứng nhìn pháo bông, lòng như vô cảm, có cần phải lãng phí như thế này không? Chỉ 30 phút phù du mà đốt hết cả tỉ bạc, trong khi dân tình nghèo đói xơ xác, vùng Nam Á còn đang gánh chịu thiệt thòi của cơn sóng thần Tsunami, nhiều người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Thành phố Cần Thơ đã quyết định huỷ bó bắn pháo bông để tiền trợ giúp cho dân nghèo. Vậy mà Sài Gòn vẽ ra đủ kiểu, nào là chợ bông Nguyễn Huệ, nào là rước bánh tét khổng lồ, đòi được ghi tên trong sách ghi-net (Guinness) thế giới nữa, rồi thì bắn pháo bông này nọ. Chỉ được cái khoe mẽ bề ngoài, dân tình đói nhăn răng thì chẳng thấy ai lo. Quận, phường lúc nào cũng kêu gọi xoá đói giảm nghèo, đến từng nhà để vận động xin tiền đóng góp, tiền xoá đói giảm nghèo, tiền ủng hộ đồng bào bị lũ lụt...tiền mua công trái "ích nước hại nhà" …hằm bà lằn cái gì cũng xin, cái gì cũng đòi đóng góp.
Viên pháo cuối cùng đã được bắn lên, tôi chờ mãi để nó ra cái chữ gì, Xuân 2005 chăng? Nhưng rốt cuộc cũng chẳng có gì ngoài cái chùm sao cuối cùng rớt xuống. Tôi nắm tay thằng Dừa kéo vào trong lề đường, Tài và bé Trân cũng nối đuôi theo. Ngoài đường chính, tiếng đề máy xe nghe ồ ồ, tiếng bấm còi inh ỏi, khói xe thi nhau xả ra khét lẹt, hôi rình, tụi tôi đứng chơ vơ bên này đường mà mãi không len chân qua bên kia được, ai cũng muốn dành đi trước, chẳng ai chịu nhường bước ai.
Về đến nhà đã quá 12giờ 20 phút, thế là mình trở thành người xông đất bất đắc dĩ. Khói nhang từ bên ngoài bay ngược trở vào trong nhà cay xe con mắt, tôi cầm cái hộp quẹt ra ngoài hành lang đốt vàng mã, rút nốt mấy cây nhang còn cháy dở cắm vào chậu kiểng bỏ không bên cạnh đó, chắp tay thành khẩn khấn lậy các vị thần thổ địa mang đến những điều phúc cho toàn thể gia đình trong năm mới, tôi vái ba vái và bưng mâm cúng vào trong nhà, mấy chén rượu đế tôi hắt ra ngoài. Dọn dẹp xong xuôi, bước vào trong phòng, quát lớn:
- Hai thằng này đứng lên đi đánh răng, rửa mặt mũi chân tay rồi đi ngủ. Lẹ lên, trễ rồi. Giờ này con bắn súng đì đùng.
Bị quát, hai anh mặt ỉu xìu, tắt máy đứng dậy đi ra ngoài. Tôi xếp lại gối mền trên giường cho ngay ngắn, kéo thêm tấm nệm trải xuồng nền gạch bông cho tụi nó nằm ngủ dưới đó. Đêm Giao Thừa qua đi một cách mong chóng, dịu êm.
Một Người - Một Đời Một Người - Một Đời - Lê Mỹ Hân Một Người - Một Đời