Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Ma Sói
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Chương 16
Đ
ến Avignon vào tối hôm trước, Jean-Baptiste Adamsberg đã tìm thấy một góc lý tưởng ở bờ bên kia sông Rhône để thả cho ý nghĩ của anh trôi bập bềnh. Dù ở đâu thì một kiểu gần như bản năng chủ đạo cũng cho phép anh tìm thấy những xó xỉnh cần thiết cho sự sống sót của mình. Vậy nên không bao giờ, mỗi khi đi xa, anh phải nghĩ về việc mình sẽ đến đâu. Anh biết anh sẽ tìm thấy. Những xó xỉnh của sự sống sót đó đều khá giống nhau, cho dù địa hình, khí hậu, hệ thực vật, có thế nào chăng nữa, dù là ở đây, Avignon, hay là ở đầu kia thế giới. Chỉ cần tìm thấy một địa điểm đủ quang đãng, đủ hoang sơ, đủ kín đáo để tâm trí anh có thể căng lên mà không bị gò bó, nhưng cũng phải đủ khiêm nhường để ta không bị buộc phải nhìn ngắm nơi ấy, nói rằng nơi ấy đẹp. Những khung cảnh đẹp đến sững sờ rất ảnh hưởng tới việc suy nghĩ. Ta buộc phải chú ý đến chúng, không dám ngồi lên mà không ít nhiều vì nể.
Adamsberg ở cả ngày trong đồn cảnh sát tỉnh Avignon để bủa vây tay thương gia ngoan cố, anh rể của gã thanh niên bị ám sát ở phố Gay-Lussac. Cảnh sát trưởng vẫn chưa hạ màn trò chơi của anh, còn quá sớm. Anh dẫn dắt tay thương gia vào một cuộc nói chuyện trôi chảy, nhẹ nhàng, làm gã đi chệch đường nhiều hơn gã tưởng, như một chiếc ca nô nhẹ nhàng rời bến trên từng đợt sóng. Và đến khi gã nhìn lại thì, đã quá muộn, đã quá xa, gã không quay lại bờ cát được nữa. Adamsberg luôn tiến hành như vậy mỗi khi có một cuộc hỏi cung khó khăn, áp dụng cái phương pháp quyến rũ mà anh không thể trình bày, không thể gọi tên, ngay cả khi một đồng nghiệp thân thiết như Danglard hỏi anh về những khái niệm sơ đẳng.
Anh không biết. Anh áp dụng nó, thế thôi, bởi vì đối với một số tên thì không có phương pháp khả dĩ nào khác. Những tên nào? À thì, giả dụ như những tên thuộc loại gã thương gia ở Avignon đây chẳng hạn.
Cho đến giây phút này, gã vẫn chưa ý thức được rằng cảnh sát trưởng đang dẫn gã đến một nơi rất không nên đến, một vùng nước nơi gã sẽ hụt chân. Gã phản kháng. Gã trốn tránh từng cú một. Adamsberg áng chừng anh cần thêm mười hai giờ nữa để có thể làm gã mất thăng bằng và chinh phục gã. Khi nghe thấy gã thú tội giết người, anh sẽ cảm thấy niềm vui ngắn ngủi lớn lên trong anh như mỗi lần trực giác tiếp xúc với lý trí. Adamsberg mỉm cười. Anh hay nghi ngờ, nhưng với vụ này thì không. Gã thương gia đang uống chén nước, vấn đề chỉ là thời gian.
Ngồi trên thảm cỏ bên bờ sông Rhône, không xa một con đường nhỏ chạy dọc bờ sông, gần giống một quãng rừng trống với đường chân trời bị những rặng liễu che lấp, Adamsberg nhúng một cành cây dài xuống nước và dùng đầu cành cây chống chọi với dòng nước. Dòng nước tách đôi khi gặp vật cản, sau đó lại nhập lại, những chiếc lá khô trôi phía trên hoặc phía dưới cành cây. Tất nhiên anh sẽ không dành cả cuộc đời chỉ để bận tâm đến điều đó.
Anh đã gọi điện cho Paris. Sabrina Monge vẫn chưa làm gì để lấy được địa chỉ của anh. Không thấy cảnh sát trưởng về nhà hôm trước, ả đã để một trong những nô lệ trẻ tuổi thay vào chỗ ả còn ả thì cắm rễ tại một điểm không xa lối ra phụ, theo đường hầm. Một mình nô lệ khác tiếp tế cho cả hai. Nhưng, như Danglard đã nói, thấy Adamsberg mất tích từ sáng nay và không xuất hiện ở bất cứ một trong hai lối vào nào, ả có vẻ bắt đầu lo lắng.
— Cô nàng lo lắng tợn, Danglard nói. Cứ thế này thì không biết cô ả muốn giết anh hay là muốn cưới anh đây.
Adamsberg thì hoàn toàn không phải nghĩ ngợi gì hết. Sabrina Monge muốn giết anh.
Anh nhấc cành cây lên khỏi mặt nước, hỏi giờ cái đồng hồ bên trong cơ thể mình. Khoảng giữa tám giờ hai mươi và tám giờ rưỡi. Anh quên nghe đài vào lúc tám giờ.
Vậy là anh không có tin gì của con sói khổng lồ.
Anh đặt cành cây lên bờ, lẫn trong đám cỏ. Có thể ngày mai anh sẽ thấy hài lòng khi tìm lại được nó, ai mà biết được, ai có thể nói gì trước được. Đó là một cành cây dài, chắc chắn, rất tiện cho việc thanh thản tranh luận với dòng sông. Anh đứng dậy, lơ đãng phủi cỏ khỏi quần. Anh sẽ đi ăn gì đó trong thành phố, tìm lại tiếng ồn, đám dông, có thể, nếu may mắn, thì gặp một bàn người Anh. Anh lắc đầu. Anh hơi tiếc đã bỏ qua con sói lớn.
o O o
Ngồi khoanh chân trên tảng đá phẳng với con chó nằm bên cạnh đôi ủng, Camille nhìn màn đêm bao phủ Mercantour. Ánh mắt cô dõi theo đến đâu thì ở đó núi rừng dựng lên từng khối đen dày đặc, hùng vĩ, vô vọng đến đó.
Sớm hay muộn cũng sẽ phải đi ra khỏi rừng. Sớm hay muộn Massart cũng phải rời khỏi lớp vỏ bảo vệ anh ta. Không nghi ngờ gì cả. Giả thuyết về cái gara ở Loubas khá thú vị. Nhưng cũng có thể bọn họ đã sai lầm. Có thể Massart không theo một con đường nào, cũng không tìm một cái ô tô nào. Có thể anh ta mãi mãi bị chôn vùi trong Mercantour. Giờ đây khi thấy trước mắt mình là vùng đất hoang vu rộng lớn như thuở hồng hoang này, Camille nghĩ điều đó là hoàn toàn có thể. Bảy mươi cây số núi đá và rừng gần như nguyên sinh, không biết sẽ là bao nhiêu nếu tính hết những đoạn dốc lên, dốc xuống, những sườn núi và những đoạn đường nhỏ khác? Gấp một trăm lần thế, một ngàn lần thế. Đó là một thế giới vô tận và trống trải đối với Massart, nơi anh ta chỉ việc giương móng vuốt để lấy nước, thịt và nạn nhân.
Nhưng còn có cái lạnh. Camille co người lại trong chiếc áo khoác. Bây giờ khi đêm xuống, trời chỉ còn mười độ, rồi đến tầm bốn giờ sáng sẽ chỉ còn sáu độ, ông Canh Đêm nói thế. Mà bây giờ là cuối tháng Sáu. Cô với tay lấy chai rượu trắng Saint-Victor rồi tự rót một chút vừa dính đáy chén. Massart liệu có chống chọi nổi với cái lạnh? Hàng tháng trời dưới tuyết? Không có gì khác ngoài bộ lông sói? Anh ta có thể đốt lửa, nhưng lửa sẽ làm anh ta bị lộ.
Vậy thì, anh ta sẽ bị lạnh. Vậy thì sớm hay muộn anh ta cũng sẽ đi khỏi Mercantour. Nhưng chưa chắc là ngày mai, tại Loubas, như ông Canh Đêm và Soliman vẫn khẳng định. Sự chắc chắn của họ làm Camille ngạc nhiên. Họ không có vẻ nghi ngờ gì về thành công cũng như chất lượng phương án của họ. Vậy mà trong mắt cô, cuộc rượt đuổi này đôi khi có vẻ có ý nghĩa, đáng bênh vực, đôi khi lại khập khiễng và vô hồn.
Có thể Massart sẽ chỉ ra khỏi dãy Rặng núi lớn vào thời điểm những đợt rét đầu tiên tràn về, khoảng tháng Mười. Từ giờ đến đó, trong vòng bốn tháng, họ sẽ cắm trại trong cái xe thùng ngay lối vào Loubas chăng? Không ai nói đến điều đó, không ai động đến sự bấp bênh của cuộc rượt đuổi này. Như thể ngay cả việc rượt một con sói gắn chíp phát tín hiệu cũng không chắc chắn bằng. Camille lắc đầu trong bóng đêm, kéo cổ áo lên, uống một ngụm rượu bẫy người. Cô thì cô không cảm thấy an tâm chút nào. Cô không nhìn sự việc dưới góc độ đơn giản như ông lão và đứa trẻ. Cô nhìn thấy một điều gì đó đen tối hơn, hỗn loạn hơn, một điều kinh khủng hơn cái đầu mối được định sẵn mà tất cả bọn họ hiện đang bám víu vào với đủ điều kiện thành công trong tay.
Và một điều gì đó nguy hiểm. Camille nâng ống nhòm ngang tầm mắt. Ta không thể nhìn thấy gì trong màu đen như mực của những dốc đá. Massart có thể trườn đến cách cô mười bước, cùng với con sói, mà cô chẳng thể nhận ra. Con chó làm cô vững dạ. Nó sẽ đánh hơi được bầu đoàn đó trước khi chúng kịp đến gần cô. Camille vùi tay vào bộ lông nó. Nó là một con chó hôi mùi chó, tất nhiên, nhưng cô cảm thấy biết ơn nó đã nằm dài lên đôi bốt của cô. Mà thật ra con chó tên là gì nhỉ? Inberbolt? Instertock? Quả là lạ, nó lại có thói quen ngủ trên giày người khác.
Cô bật đèn lên, liếc nhìn đồng hồ, rồi tắt đèn đi. Mười lăm phút nữa cô sẽ đánh thức Soliman.
Tay trái ôm con chó, tay phải cầm cốc, cô chăm chăm hướng về núi rừng, mắt nhìn thẳng. Núi rừng, về phần nó, chẳng thèm bận tâm tới cô. Nó ngạo nghễ không biết đến cô.
o O o
Trong ánh ban mai sáng mờ mờ, đoạn đường xuống Mercantour cũng không hề dễ dàng hơn lúc lên, và cũng gần dài như vậy. Trước sáu giờ sáng một chút, Camille, hai cánh tay và lưng đau nhức, dừng chiếc xe thùng cách xưởng sửa xe của gã anh họ ba mươi mét, tại Loubas. Chỉ còn việc đợi Massart hiện ra.
“Không ai thấy bóng dáng anh ta trên rừng, buổi đêm con chó cũng không sủa. Chắc chắn Massart đã đi vòng rất xa", ông Canh Đêm giả định.
Camille xuống xe, đi ra phía sau chuẩn bị cà phê. Mắt cô hơi nhức mỏi. Có vẻ như ông Canh Đêm đã ngáy rất nhiều trong năm tiếng đồng hồ hai người cùng ngủ, nhưng cô không thấy phiền lắm. Thật ra thì cô cũng ngủ khá nhiều, trên cái giường đệm lò xo, trong chiếc cam nhông như được trát một lớp mỡ cừu ấy. Vào sáng sớm mùi cũng không mất đi là mấy. Chuyện mùi hôi bay mất chỉ đơn giản là một giấc mơ của Buteil, một câu chuyện ngụ ngôn, kiểu những chiếc thảm biết bay. Còn đọng lại trong cô là ký ức một giấc mơ hãi hùng trong đêm cùng những cú va chạm của chiếc cam nhông. Có người chạm vào xe. Nhưng trên chiếc xe thùng, đồ vật không suy chuyển, còn Soliman đứng gác cách xe hai mươi bước, thì không nhìn thấy gì cả. Interlook lại càng không, dù tên nó là thế nào đi nữa. Có thể ông Canh Đêm, vì mất ngủ mà tỉnh dậy. Ông nói rằng nhiều đêm ông cứ đứng giữa đàn cừu của mình cho đến sáng. Camille mang ra một ấm cà phê đầy, với đường và ba cái cốc sắt.
— Chính xác thì "mùi cừu" có nghĩa là gì? cô vừa trèo lên buồng lái vừa hỏi. Mồ hôi? Hay mỡ cừu?
— "Mùi cừu", Soliman trả lời ngay lập tức. "Mùi đậm đặc toát ra từ những vật nuôi lấy len."
— A. Cảm ơn, Camille nói.
Soliman ngậm miệng như thể ta gấp một cuốn sách lại và cả ba người, cốc trên tay, lại tiếp tục nhìn chằm chằm vào cái cửa tôn của xưởng sửa xe. Soliman muốn sáu mắt giám sát hơn là hai mắt. Nếu có một chiếc ô tô phóng ra thì chúng sẽ không thừa khi phải nắm bắt những chi tiết chính. Soliman chia từng phần: Camille sẽ quan sát mặt người lái xe, chỉ vậy thôi, ông Canh Đêm sẽ đảm nhận việc ghi lại nhãn hiệu và màu sắc của cái xe, còn bản thân cậu thì quan sát biển số xe.
Sau đó họ sẽ tập hợp thông tin lại.
— Thuở ban đầu, Soliman bắt đầu nói, đàn ông có ba mắt.
— Mẹ kiếp, ông Canh Đêm nói. Đừng có làm phiền chúng ta với những câu chuyện của cậu. Im đi có được không.
— Đàn ông nhìn thấy tất cả, Soliman tiếp tục, không bị lay chuyển. Họ nhìn rất xa, rất rõ, cả trong đêm, và họ nhìn được những màu sắc dưới gam đỏ và trên gam tím. Nhưng họ không nhìn thấu được ý nghĩ của vợ họ, và điều đó khiến đàn ông trở nên buồn bã, đôi khi phát điên. Vậy là họ đi cầu xin thần ao. Thần ao cảnh cáo họ nhưng họ nài nỉ đến mức vị thần, vì chán nản, mà thỏa mãn yêu cầu của họ. Từ đó, đàn ông chỉ có hai mắt nhưng nhìn thấu ý nghĩ của vợ họ. Và những gì họ nhìn thấy được trong ý nghĩ của vợ họ làm họ ngạc nhiên đến mức không còn nhìn được rõ những gì còn lại trên trái đất nữa. Chính vì vậy mà ngày nay cánh đàn ông nhìn rất kém.
Camille quay lại Soliman, có phần sửng sốt.
— Cậu ta bịa đấy, ông Canh Đêm nói, giọng hằn học và chán nản. Anh ta bịa ra những câu chuyện châu Phi vớ vẩn để giải thích về thế giới. Chúng chẳng giải thích được điều gì cả.
— Làm sao mà biết được, Camille nói.
— Chẳng giải thích được điều gì cả, ông Canh Đêm nhắc lại. Thêm vào đó, chúng còn làm phức tạp thêm.
— Camille, đừng có rời mắt khỏi cái xưởng xe nhé, Soliman nói. Chúng không làm phức tạp thêm, cậu quay về phía ông Canh Đêm nói thêm. Nó giải thích tại sao cả ba phải cùng nhìn vào một thứ. Như thế sẽ rõ hơn.
— Đó là cậu nghĩ vậy, ông Canh Đêm nói.
Đến mười giờ, không thấy một cái ô tô nào xuất hiện. Camille, lưng mỏi rã rời, đã tự do dạo bước trên con đường nhỏ. Đến trưa thì chính ông Canh Đêm cũng bắt đầu nản chí.
— Ta hụt mất hắn rồi, Soliman nói, giọng sầu não.
— Hắn đã đi qua đây, ông Canh Đêm nói. Hoặc hắn vẫn còn ở trên đó.
— Anh ta có thể ở hàng tuần trên đó, Camille nói.
— Không, Soliman nói. Hắn sẽ di chuyển.
— Nếu có ô tô, anh ta sẽ không bị buộc phải di chuyển vào ban đêm. Anh ta có thể chạy xe vào ban ngày. Anh ta có thể ra khỏi cái xưởng này vào lúc năm giờ chiều cũng như có thể chỉ ra khỏi vào mùa thu.
— Không, Soliman nhắc lại. Hắn sẽ đi vào ban đêm và ngủ ban ngày. Nếu không sẽ có người nghe tiếng mấy con thú, tiếng sói hú. Việc đó quá nguy hiểm.
Hơn nữa đó là một kẻ hoạt động về đêm.
— Thế thì ta làm cái gì ở đây vào giữa trưa thế này? Camille hỏi.
Soliman nhún vai.
— "Hy vọng", cậu nói.
— Bật đài lên đi, Camille ngắt lời. Anh ta không tấn công trong đêm thứ Ba rạng sáng thứ Tư, có thể anh ta tấn công đêm rồi. Tìm trạm phát sóng trong vùng ấy.
Soliman chỉnh núm dò sóng một lúc. Âm thanh xuất hiện rồi biến mất, sóng chập chờn.
— Núi khốn kiếp, cậu nói.
— Tôn trọng núi, ông Canh Đêm nói.
— Vâng, Soliman nói.
Cậu bắt một kênh, nghe nhỏ tiếng, rồi vặn to dần.
— Cho chúng ta đây, cậu thì thầm.
... thú y đã khám nghiệm các nạn nhân trước đây tự cho mình có cơ sở để tin rằng vẫn là con vật đó, một con sói kích thước khác thường. Con thú đã từng, ta vẫn còn nhớ, tấn công nhiều trại cừu trong những ngày vừa rồi và đã gây nên cái chết của Suzanne Rosselin, một cư dân làng Saint-Victor-du-Mont khi bà tìm cách bắn hạ nó. Lần này là ở Đầu Kỵ Sĩ, trong vùng Fours, Alpes-de-Haute-Provence, con sói, trong đêm rồi, đã lặp lại những hành động tàn sát, tấn công năm con cừu cái trong đàn. Nhân viên bảo vệ khu Bảo tồn thiên nhiên Mercantour đồng tình cho rằng đó là một con sói đực non đang đi tìm lãnh thổ và trông đợi từ nay đến...
Camille dang thẳng tay chụp lấy cái bản đồ.
— Chỉ cho tôi xem cái Đầu Kỵ Sĩ này ở đâu, cô nói với Soliman.
— Phía bên kia Mercantour, về hướng chính Bắc. Hắn đã đi qua Rặng núi lớn. Soliman mở mạnh tấm bản đồ rồi trải nó lên đầu gối Camille.
— Đây này, trên bãi chăn thả. Trên con đường màu đỏ hắn đã vẽ trước, lùi lại hai cây số so với con đường liên tỉnh.
— Anh ta ở phía trước ta, Camille nói. Quái thật, anh ta đi trước ta tám cây số.
— Mẹ kiếp, ông Canh Đêm nói.
— Ta làm gì đây? Soliman hỏi.
— Bám sát đít hắn, ông Canh Đêm trả lời.
— Đợi chút, Camille ngắt lời.
Lông mày nhíu lại, cô lại vặn đài to lên, âm thanh hơi rè rè. Soliman muốn nói nhưng Camille giơ tay ngăn.
— Đợi chút, cô nhắc lại.
... không thấy ông ta quay về, đã báo cảnh sát. Nạn nhân, Jacques-Jean Semot, cán bộ ngành giáo dục đã nghỉ hưu, sáu mươi sáu tuổi, được tìm thấy sáng nay, thân thể tơi tả, trên một con đường làng gần Sautrey, thuộc tỉnh Isère. Kẻ giết người đã mổ họng nạn nhân. Theo gia đình và người quen thì Jacques-Jean Semot là một người hiền lành và những điều kiện dẫn đến tai họa trên tạm thời không thể giải thích nổi. Viện Kiểm sát Grenoble đã mở cuộc điều tra và cho rằng các yếu tố cho...
— Không phải cho chúng ta, Soliman vừa nói vừa nhảy xuống xe. Sautrey là một ngôi làng nhỏ khỉ ho cò gáy, phía Nam Grenoble.
— Cậu làm thế nào mà biết hết được cả nước thế?
— Cuốn từ điển, Soliman vừa nói vừa nâng nhẹ như không chiếc xe gắn máy nặng nề và nhấc nó ra khỏi móc treo bên sườn xe cam nhông.
— Chỉ cho tôi chỗ đó trên bản đồ đi, Camille nói.
— Đây này, Soliman dùng ngón tay chỉ. Không liên quan đến chúng ta đâu Camille ạ. Chúng ta sẽ không nghiên cứu tất cả những vụ giết người trong nước. Chỗ đó cách đây ít nhất hai mươi cây.
— Rất có thể. Tuy nhiên nó nằm trên đường đi của Massart và người đó đã bị cứa cổ.
— Rồi thì sao? Cứa cổ, bóp cổ, dù sao đó cũng là cách tốt nhất khi không có súng. Bỏ qua ông Semot đó đi, đừng có phân tán quá, chúng ta quan tâm đến lũ cừu. Hắn đi qua Đầu Kỵ Sĩ cơ mà. Có thể ở đó họ đã nhìn thấy xe của hắn.
Soliman đẩy xe gắn máy vài mét để nổ máy.
— Đợi tôi ở đầu làng nhé, cậu nói, tôi đi mua vài thứ. Nước, dầu, đồ ăn. Chúng ta sẽ ăn trên đường.
"Phòng xa", cậu vừa đi vừa nói. "Khả năng dự đoán trước. Từ đó mà hành động."
o O o
Vào lúc một giờ rưỡi, Camille đỗ xe thùng trước lối vào Plaisse, một xóm nhỏ gần các bãi chăn thả của Đầu Kỵ Sĩ, bên lề huyện lộ số 900. Xóm Plaisse có một nhà thờ nhỏ mái lợp tôn, một quán cà phê và chừng hai chục ngôi nhà xiêu vẹo làm bằng đá, ván gỗ và đắp vá bằng gạch xỉ. Quán cà phê sống sót nhờ vào tiền quyên góp của dân làng, dân làng sống sót nhờ vào sự hiện diện mang sức cuốn hút như nam châm của quán cà phê. Camille hy vọng một chiếc xe dừng lại bên đường vào ban đêm sẽ có nhiều khả năng gây sự chú ý.
Ông Canh Đêm đẩy cánh cửa quán cà phê, vẻ mặt lạnh tanh. Kể từ khi họ đi qua đỉnh Bonnette thì ông đã qua giới hạn lãnh địa của mình và sự cởi mở không còn là điều hiển nhiên nữa. Ông định trước là, trước mọi trường hợp tiếp xúc có thể xảy ra, ông sẽ giữ thái độ thản nhiên, xa lạ và nghi ngờ. Ông gật đầu chào ông chủ quán và đưa mắt đảo qua sáu, bảy người đàn ông đang ngồi ăn trưa. Ông dừng mắt lại phía góc tiệm, nơi có một người đàn ông mái tóc trắng như tóc ông, đầu đội mũ lưỡi trai, tay ôm một cốc rượu vang.
— Ra xe kiếm rượu đi, ông Canh Đêm nói với Sol kèm một cái gật đầu ra hiệu. Tôi biết ông ta. Đó là Michelet, người chăn cừu trại Seignol, ông ta hay chăn thả cừu ở Đầu Kỵ Sĩ.
Ông Canh Đêm trịnh trọng nhắc mũ ra rồi nắm lấy tay Camille - lần đầu tiên ông nắm tay Camille và, với vẻ hơi điệu bộ thái quá, tiến lại bàn ông lão chăn cừu.
— Một người chăn cừu có một con cừu bị cứa cổ, ông nói với Camille mà vẫn không thả tay cô ra, không còn là người đó nữa. Anh ta sẽ không bao giờ là chính mình nữa. Anh ta thay đổi, và không ai có thể làm gì được. Sự việc đó khiến bên trong anh ta trở nên xấu xa.
Ông Canh Đêm đến ngồi vào bàn ông lão chăn cừu cao gầy, chìa tay ra cho ông ta.
— Năm con, phải không? ông hỏi.
Michelet đưa ánh mắt xanh lơ trống rỗng nhìn ông, qua ánh mắt đó Camille đọc được một nỗi thất vọng rất thật. Ông chỉ đơn giản giơ năm ngón bàn tay trái, như để khẳng định, trong khi đôi môi phát ra những từ câm lặng. Ông Canh Đêm đặt tay lên vai ông lão.
— Cừu cái phải không?
Ông chăn cừu gật đầu, môi mím lại.
— Cú đau đấy, ông Canh Đêm nói.
Đúng lúc ấy Soliman đi vào và đặt chai rượu lên bàn. Không nói một lời, ông Canh Đêm cầm lấy cái cốc của Michelet, hất những gì có bên trong qua cửa sổ bằng một động tác chuyên quyền rồi mở chai rượu trắng ra.
— Ông cứ uống hai cốc đi, ông nói. Rồi ta sẽ nói chuyện.
— Ông muốn nói chuyện ư?
— Phải.
— Hiếm khi đấy.
— Phải. Hiếm khi. Uống đi.
— Rượu Saint-Victor hả?
— Phải. Uống đi.
Ông chăn cừu nốc hai chén phình miệng, ông Canh Đêm rót cho ông chén thứ ba.
— Chén này ông uống chậm thôi, ông nói. Sol, đi kiếm cốc cho chúng ta đi.
Michelet nhìn theo Soliman với ánh mắt không đồng tình. Ông là một trong những người vẫn không tiêu hóa nổi việc một người da đen trà trộn vào vùng Provence và đàn cừu. Nếu đó là thế hệ kế tiếp thì sẽ hay ho lắm. Nhưng ông cũng đủ hiểu biết để ngậm miệng trước mặt ông Canh Đêm, bởi vì trong vòng năm mươi dặm trong vùng, ai cũng biết rằng kẻ nào chỉ trích Soliman sẽ nếm mùi lưỡi dao của ông Canh Đêm.
Ông Canh Đêm dừng việc rót rượu vòng vòng rồi đặt chai rượu xuống bàn, cái chai thẳng hệt như ông.
— Ông có nhìn thấy gì không? ông hỏi.
— Sáng nay thôi. Khi lên bãi chăn thả, tôi thấy chúng nằm trên mặt đất. Con vật khốn kiếp đó thậm chí còn không ăn thịt chúng. Nó chỉ cứa cổ chúng, vậy thôi.
— Như thể đểmua vui cho nó. Con vật đó ác độc lắm, ông Canh Đêm ạ, thật là ác độc.
— Tôi biết, ông Canh Đêm nói, nó đã giết Suzanne. Chính là nó phải không? Ông thề chứ?
— Tôi thề trên đầu tôi đây. Vết thương to cỡ cánh tay tôi, ông chăn cừu vừa nói vừa kéo tay áo lên.
— Hôm qua ông rời bãi chăn vào lúc mấy giờ?
— Mười giờ.
— Ông có gặp ai trong làng không? Có thấy cái ô tô nào không?
— Ý ông là của người lạ hả? - Không thấy gì cả, ông Canh Đêm ạ.
— Trên đường đi cũng không có gì?
— Không.
— Ông biết Massart chứ?
— Tên gàn trên đỉnh Vence phải không?
— Phải.
— Thỉnh thoảng tôi nhìn thấy hắn ở một vài nơi, vào lễ cầu nguyện. Hắn không đi lễ nhà thờ ở làng các ông. Và hắn luôn đến đám rước ở Saint-Jean.
— Sùng đạo à?
Michelet nhìn tránh đi.
— Ở trại Écarts các ông có tôn trọng cái gì đâu, dù là Eva hay Adam chăng nữa. Sao ông lại tìm hỏi về Massart?
— Hắn mất tích từ năm ngày nay.
— Có liên quan gì không?
Ông Canh Đêm gật đầu.
— Ý ông là? Con thú? Michelet nói.
— Tụi tôi không biết, chính thế đó. Tụi tôi đang tìm.
Michelet uống thêm một ngụm rượu trắng, huýt sáo bằng môi.
— Ông không thấy hắn ở quanh đây ư? ông Canh Đêm hỏi.
— Không, kể từ buổi lễ thánh hôm Chủ nhật cách đây hai tuần.
— Ông kể về đám rước đi. Có phải là sùng đạo không?
Michelet nhăn mặt.
— Cứ cho là tệ hơn thế đi. Dị đoan, chính thế đó. Nghi lễ thái quá, vậy đó. Cũng dễ hiểu thôi.
— Không dễ hiểu đến thế đâu. Nhưng tôi biết họ nói gì. Rằng chính thịt sống đã làm hắn phát điên. Rằng công việc ở lò mổ gặm nhấm hắn nên hắn trở nên sùng đạo.
— Điều mà tôi có thể nói với ông là tên đó đáng nhẽ nên làm thầy tu. Ai cũng nói rằng hắn chưa bao giờ chạm vào một người đàn bà.
Ông Canh Đêm rót thêm một tuần rượu nữa.
— Tôi chưa bao giờ thấy hắn bỏ một buổi lễ, Michelet tiếp tục. Tuần nào cũng mười lăm quan tiền nến.
— Tính ra nến thì có nhiều không?
— Năm ngọn, Michelet vừa nói vừa giơ năm ngón tay lên, như lúc ông trả lời về lũ cừu bị giết chết. Hắn xếp nến thành hình chữ M, như thế này này, ông vừa vẽ hình lên bàn vừa nói. M như "Massart", "Mon Dieu", "Miséricorde" (Chúa ơi, Trời ơi), xét cho cùng thì tôi cũng không biết nữa, đã bao giờ tôi hỏi hắn ta đâu. Tôi cóc quan tâm. Nghi lễ thái quá chứ sao nữa. Hắn bước những bước phức tạp trong đám rước, tiến lên trước, lùi lại sau, có trời mà biết được trong đầu hắn nghĩ những gì, một cái gì đó không thuần đạo lắm, ông cứ tin tôi đi, rồi tiếp đó hắn vầy vò âu nước thánh. Những nghi thức bất tận. Dễ hiểu ấy mà.
— Ông cho rằng hắn điên phải không?
— Không điên, nhưng cũng gần như vậy. Cũng gần như vậy. Nhưng rất hiền lành. Chưa bao giờ làm hại đến một con ruồi.
— Nhưng cũng chưa làm điều gì tốt phải không?
— Đúng vậy đó, Michelet công nhận. Dù sao thì, hắn cũng không nói chuyện với ai. Việc hắn mất tích liên quan quái gì tới ông?
— Hắn mất tích thì mặc xác hắn.
— Thế là thế nào? Sao ông lại tìm hắn?
— Chính hắn đã hại cừu nhà ông.
Michelet mở trừng mắt, ông Canh Đêm đặt cánh tay chắc nịch lên vai ông lão chăn cừu.
— Ông giữ kín việc này nhé. Chỉ trong nhóm chăn cừu biết thôi.
— Ý ông là? Một con ma sói? Michelet thầm thì. Ông Canh Đêm gật đầu thật mạnh.
— Phải. Ông không nhận thấy gì ư?
— Một việc.
— Việc gì?
— Hắn không có lông.
Một khoảng lặng xuất hiện giữa hai người đàn ông, khoảng thời gian đủ để Michelet lĩnh hội thông tin. Camille thở dài, uống cạn cốc rượu trắng.
— Thế là ông truy lùng hắn hả?
— Phải rồi.
— Cùng với hai người này à?
— Phải rồi.
— Tôi không biết cô gái, Michelet nói với vẻ bài xích.
— Đó là một người ngoài, ông Canh Đêm nói. Cô ấy từ miền Bắc đến.
Michelet ngả mũ lưỡi trai ra chào Camille với thái độ xa cách.
— Cô ấy lái cái xe thùng, ông Canh Đêm thêm vào. Michelet nhìn Camille, rồi Soliman, vẻ suy nghĩ.
Ông thấy lão Canh đêm đi cùng với những người thật khác lạ. Nhưng ông không nói gì được. Không ai nói gì với ông Canh Đêm, dù là về Soliman, về Suzanne, về phụ nữ hay về bất cứ điều gì. Lý do là vì con dao.
Michelet nhìn ông Canh Đêm để mũ lại chỗ cũ, rồi đứng lên.
— Cảm ơn, ông Canh Đêm nói với ông lão chăn cừu cùng nụ cười mỉm nhanh gọn. Ông báo cho cánh chăn cừu biết nhé. Ông nói với họ rằng con sói di chuyển về hướng Đông, về phía Gap và Veynes, sau đó nó sẽ đi lên hướng Bắc, tới Grenoble. Ban đêm họ nên ở bên cạnh lũ cừu. Và họ nên có súng.
— Tôi hiểu ý ông.
— Rất có thể.
— Sao ông lại biết nhiều về hắn như vậy?
Ông Canh Đêm lờ câu trả lời rồi đi về phía quầy rượu. Soliman đi ra ngoài giếng lấy nước. Lúc đó là hai giờ chiều. Camille đi lại chiếc xe, ngồi vào ghế và bật dài lên.
Mười lăm phút sau, cô nghe tiếng Soliman quấn ống bơm nước phía sau xe, ông Canh Đêm thì lục lọi lung tung giữa những chai rượu trắng. Cô rời buồng lái, trèo lên phía sau xe cam nhông, ngồi lên giường của Soliman.
— Ta rời làng này thôi, ông Canh Đêm vừa nói vừa ngồi xuống, đối diện với Camille. Không ai nhìn thấy gì cả. Không thấy Massart, không thấy ô tô, không thấy sói.
— Không thấy gì cả, Soliman khẳng định, đến lượt cậu cũng lại ngồi cạnh Camille.
Sức nóng tăng dần trong xe thùng. Những miếng bạt được nâng lên ngang tầm chấn song cửa, để một luồng khí mỏng manh luồn qua. Soliman nhìn những lọn tóc trên cổ Camille bay lên, như một hơi thở.
— Có lẽ có một điều gì đó, Soliman nói. Điều mà Michelet nói đến.
— Michelet là một kẻ cục cằn, ông Canh Đêm nói vói vẻ kiêu kỳ. Ông ta có thái độ bất lịch sự với cô gái trẻ.
Ông lấy gói thuốc lá ra, chuẩn bị ba điếu. Ông liếm miếng giấy nhiều lần, dán nó lại, chìa một mẩu cho Camille. Camille đưa miếng giấy lên môi, chợt nghĩ đến Lawrence.
— Điều liên quan đến sự sùng đạo của Massart, Soliman nói tiếp, hành động thắp nến của hắn. Có thể Massart không bỏ qua nổi nhà thờ cũng như những cây nến, nhất là sau khi đã giết chóc. Có thể hắn đã thắp nến đó để chuộc tội.
— Làm sao biết được là nến của hắn?
— Michelet nói hắn luôn xếp chúng thành hình chữ M.
— Cậu định kiểm tra tất cả những nhà thờ trên đường đi ư?
— Đó cũng là một cách để xác định vị trí của hắn. Hắn chắc không thể ở cách xa đây. Mười, mười lăm kilômét là cùng.
Camille im lặng suy nghĩ, tay chắp trên gối, rít một hơi thuốc.
— Tôi thì tôi nghĩ rằng anh ta đã đi xa, cô nói. Tôi nghĩ rằng chính anh ta đã giết người về hưu ở Sautrey ấy.
— Thôi đi, Soliman nói, hắn đâu phải kẻ điên duy nhất trên đất nước này. Thế quái nào mà chị lại nghĩ rằng hắn có thù oán với cái ông về hưu đó?
— Cũng như anh ta có thù oán với Suzanne.
— Suzanne đã nhìn ra chân tướng hắn, và hắn đã cài bẫy bà. Sao chị lại nghĩ rằng một ông về hưu ở tỉnh Isère nhận ra chân tướng con ma sói? - Ông ta có thể đã bắt gặp anh ta.
— Ma cà rồng chỉ giết phụ nữ thôi, ông Canh Đêm làu bàu. Massart không để ý đến các lão già. Hoàn toàn không, cô gái trẻ ạ.
— Phải, Lawrence cũng nói vậy.
— Vậy coi như đã quyết, Soliman nói. Ta sẽ lục tìm trong các nhà thờ.
— Tôi thì tôi sẽ đi Sautrey, Camille nói, lấy chân gí đầu mẩu thuốc lá lên cái nền đen của chiếc xe thùng.
— Này, Soliman nói. Không được vứt xuống sàn.
Camille nhặt đầu mẩu lên, vứt nó qua hàng chấn song.
— Ta sẽ không đi Sautrey, Soliman nói.
— Ta sẽ đi, bởi vì tôi là người lái xe. Tôi nghe bản tin lúc hai giờ. Semot bị cứa họng một cách bất thường, không biết được phần cuống họng bị cứa bằng vật gì.
— Họ nói về một con chó hoang. Họ chưa liên hệ được sự việc với con sói vùng Mercantour.
— Điều này làm thay đổi kha khá một số thứ, ông Canh Đêm thầm thì.
— Lúc đó là mấy giờ? Soliman đứng dậy hỏi. Không thể trước ba giờ được.
— Lũ cừu bị cứa họng vào tầm hai giờ sáng ở đây, theo lời ông bác sĩ thú y.
— Họ không nói đến điều này.
— Thế còn ông về hưu? Ông ta làm gì bên ngoài vào giờ đó?
— Ta sẽ hỏi họ, Camille nói.
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Ma Sói
Fred Vargas
Ma Sói - Fred Vargas
https://isach.info/story.php?story=ma_soi__fred_vargas