Báo Trước
rời rét khủng khiếp. Tôi nghĩ ngày chủ nhật đáng ra chả nên lạnh buốt thế này, vào ngày thường gặp thời tiết như thế thì đã có thể không phải đến trường học, mà chỉ vui chơi thôi. Tôi đi đến nhà Ô-lép được nửa đoạn đường đã phải đưa tay lên mũi xoa cho khỏi tê cóng. Rồi tôi nghĩ: không hiểu ở ngoài mặt trận bây giờ thế nào? Đâu có được ẩn vào chỗ ấm áp. Lại còn phải ngồi trong chiến hào, hoặc nằm trên nền đất nữa. Xung quanh đạn bay vèo vèo.
Cuộc chiến tranh chớp nhoáng của bọn Đức đã bị phá sản. Bọn phát xít không tiến thêm được một bước. Chúng ngồi trong chiến tuyến và chờ đợi mùa hè. Nhưng còn lâu mới tới mùa hè. Các tờ báo ở vùng bị chúng chiếm đóng đang kêu gọi giúp đỡ: nào là đan khăn quàng, nào là đan găng tay cho lính, những chiếc găng tay kiểu hai ngón để dễ bắn súng! Phải rồi, khi lập kế hoạch chiến tranh chớp nhoáng, bọn phát xít đã không tính đến chuyện phải đánh nhau vào mùa đông. Na-pô-lê-ông cũng đã từng như vậy. Lúc đầu thì rầm rộ như diễu binh, nhưng sau thì mất đà. Thế là bọn Pháp phải quay về. Mà chỉ có một số rất ít về được đến nhà. Bọn Đức cũng sẽ phải quay về như vậy. Nhưng vẫn còn chưa rõ sẽ có bao nhiêu đứa trong bọn chúng về được đến nơi.
Mải suy nghĩ và lấy găng tay len xoa mũi, tôi đã đi đến cửa nhà Ô-lép.
Ô-lép tự mình mở cửa cho tôi vào. Cậu ta hầu như đã hoàn toàn bình phục.
Cậu ta bảo:
- Bố mẹ tớ đều đi làm vắng.
Như thế thì thật hay. Sự có mặt của người khác trong công việc quan trọng: thảo một bức thư phòng ngừa là rất không tiện.
Chúng tôi ngồi vào bàn và bắt đầu suy tính.
Ô-lép nói:
- Bức thư báo trước cần phải ngắn và đi đúng trọng tâm. Lắm chữ thì rối nghĩa. Chúng ta phải nghĩ sao cho chỉ một câu thôi, nhưng có tác động mạnh.
Trong nửa giờ chúng tôi viết khoảng gần hai chục kiểu thư bào trước. Một số kiểu như sau:
“Đừng tin tên Giu-đa - Vê-li-ran-đơ!”
“Giọng lưỡi Vê-li-ran-đơ ngọt ngào, nhưng trong lòng lão là thuốc độc Đức!”
“Đằng sau cái mặt nạ hiền lành của Vê-li-ran-đơ là bộ mặt của con thú khát máu!”
“Vê-li-ran-đơ - tên chó săn Đức!”
“Vê-li-ran-đơ hoạt động dưới bóng cái thập ngoặc!”
“Hãy dè chừng tên Vê-li-ran-đơ khéo nói, tên của lão là anh em sinh đôi với chết chóc!”
Nhưng ngay sau đấy chúng tôi nhận thấy là hơi quá bốc. Một bức thư báo trước tuy chỉ cần ngắn thôi, nhưng phải đi vào đề. Và chúng tôi quyết định chỉ viết thế này:
“Vê-li-ran-đơ - tên khiêu khích!”
Bây giờ đến lượt phải nghĩ xem viết bức thư bằng cách nào. Những hiểu biết mà chúng tôi thu lượm được ở trong cuốn “Nét chữ và tính cách” của Ph.Vi-tơ-lích vẫn chưa bay khỏi đầu óc chúng tôi. Nếu như cần thiết phải giữ bí mật, thì dù thế nào cũng không được viết theo cách thông thường, biết đâu bất ngờ bức thư của chúng tôi rơi vào chính tay lão Vê-li-ran-đơ thì sao?
Ô-lép bàn:
- Chúng ta có thể dùng cách bốn tay viết.
- Thế nào? - tôi hỏi.
- Trong trường hợp này sẽ dùng lối chữ in, - Ô-lép giải thích. - Và làm như sau: cậu viết một chữ cái bằng tay phải, sau đó tớ viết bằng tay trái, rồi đến cậu bằng tay trái, tớ tay phải. Tớ đã đọc được điều đó ở trong một cuốn tiểu thuyết trinh thám nào đó.
Nhưng tôi lại cũng nhớ ra một phương pháp mà tôi đã đọc được của một nhà trinh thám.
- Ôi, tốt hơn hết là ta cắt chữ ở trong báo, rồi dán lên giấy, - tôi phản đối Ô-lép.
- Được đấy, - Ô-lép tán thành. - Nhưng không được để lại dấu ngón tay trên giấy. Một khi đã bí mật thì phải bí mật hoàn toàn.
Tất nhiên tôi cũng tán thành phải bí mật hoàn toàn.
- Mẹ tớ có găng tay cao su, Ô-lép nói tiếp. - Mẹ tớ đi găng tay để gọt khoai. Găng tay cao su là tốt nhất.
Cậu ta vào bếp lấy ra đôi găng tay cao su của mẹ.
Tôi đi găng tay vào với vẻ cảm phục. Những chiếc găng tay cao su cứ y như của chính tôi vậy. Quả thật tôi chưa hề trông thấy đôi găng tay nào như thế.
- Nhà tớ chắc chắn thế nào cũng có vài tờ báo cũ ở đâu đó, - Ô-lép lục lọi khắp phòng.
- Báo cũ không được, - tôi nói. - Sẽ có nhiều dấu tay. Bây giờ để tớ đi găng tay cao su ra mua báo mới.
- Đi đi, - Ô-lép đồng ý. - Phải giưc bí mật đến cùng. Và cậu đừng có quên mua một chiếc phong bì mới đấy.
Và tôi nhanh chóng hiểu ra rằng không thể dùng găng tay cao su thay cho găng tay len được. Những ngón tay tôi tê đi vì lạnh. Thật tiếc là tôi đã để găng tay len ở nhà Ô-lép. Không biết cho tay vào đâu: cái áo bành-tô của tôi lại không có túi. Đây là chiếc áo chữa lại từ áo của mẹ. Những ngón tay cứng đờ đến nỗi ở bên quán bán báo mại tôi mới lấy được túi tiền kẹp ở nách ra.
- Cậu bé thật tội nghiệp, - bà cụ bán báo kém mắt đưa cho tôi tờ báo “E-e-xti-xư-na” và chiếc phong bì có in sẵn con tem, nói. - Trời rét như thế mà để tay trần chạy ra đường. Đến đôi găng tay cho trẻ con mà bây giờ cũng không có.
Bỗng sau lưng tôi vang lên một giọng đàn ông thô lỗ:
- Việc của mụ là bán báo chứ không phải là tuyên truyền.
Không dám nhìn gã đàn ông thô lỗ đó, tôi sợ hãi chạy thẳng. Cái giọng dọa dẫm này đưa tôi về với thực tại. Tôi và Ô-lép quá say mê, tưởng như đã lao vào một trò chơi mà những người khác cũng sẵn sàng chơi. Lẽ nào việc tôi đi găng tay cao-su chạy ra phố lại không phải là một trò chơi? Găng tay len cũng có để lại dấu vết đâu. Và tất cả sự bí mật vĩ đại của chúng tôi cũng biến thành trò chơi. Nhưng sự sống đâu phải trò chơi. Và ở ngoài kia, nơi cái chết đang túc trực, thì trò chơi lại ít tác dụng nhất. Bức thư của chúng tôi sẽ gửi đến nơi nào cái chết đang túc trực, còn như là để giải trí, chúng tôi đã từng bày ra một trò ảo thuật. Tiếng quát thô lỗ: “Việc của mụ là bán báo, chứ không phải tuyên truyền!” đã khiến tôi có những suy nghĩ ấy.
Thật là lạ lùng trong lúc vắng tôi, Ô-lép cũng có những suy nghĩ như vậy.
- Nào dán nhanh lên, - cậu ta nói. - Làm cái việc này không được quá dềnh dàng. Chúng mình đùa nghịch cứ như làm báo tường ấy. Mà cậu nên nhớ rằng bức thư của chúng ta sẽ có ý nghĩa với cậu Khên-đu và mẹ cậu ấy lắm đấy.
Buổi chiều, khi trời sẩm tối, tôi đi đến nơi cậu Khên-đu rủ tôi đến. Đó là phố Công viên, số nhà 14 ở trong sân, căn hộ số 5. Nhưng tôi không gõ cửa. Tôi chỉ bỏ bức thư vào thùng thư.
Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối - Eno Raud Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối