Chương 15
gày 15 tháng Năm năm 1918
Cách Vida ba dặm về hướng Tây Bắc, Montana
Cậu Holt yêu kính!
Giá mà cậu thấy cánh đồng nhà cháu. Chưa bao giờ cháu nghĩ màu xanh lại đẹp đến thế. Nhưng đó là do cháu chưa có riêng một trang trại như bây giờ. Jim Gà Trống bảo như tình hình hiện nay mà đoán, chắc chắn cháu sẽ bội thu mùa này. Đương nhiên, cháu cũng mong thế. Cái hầu bao nhỏ nhoi của cháu không thể chịu đựng nhiều hơn một chế độ ăn đạm bạc.
Thư trước, cậu có hỏi về cô Leafie Purvis, láng giềng của cháu. Cô ấy khá ngang tang nhưng khi có ai cần giúp đỡ, cô xắn tay áo góp một tay không ngần ngừ. Cô là người Chicago nhưng theo chị Perilee, cô ở Vida từ lâu lắm rồi. Cô nuôi vài con bò cái và huấn luyện ngựa. Jim Gà Trống bảo quang vùng này, chỉ có cô Leafie thuần ngựa giỏi nhất, nhiều người từ Havre đến tận đây thuê cô huấn luyện ngựa cho họ. Cô cũng giỏi nghề thuốc nữa. Có cô rất tiện vì bác sĩ gần nhất ở tận Woft Point, cách đây ba mươi dặm. Khi thời tiết chuyển sang xuân, cháu có bị cảm. Chỉ uống vài ngụm trà thảo dược của cô, cháu lành bệnh ngay. Mấy ngày trước, cháu cũng phụ giúp cô chữa bệnh cho cậu bé hàng xóm bị ngã gãy tay.
- May mà có cháu đi cùng.
Cô Leafie chuyển giỏ xách từ vai trái sang vai phải.
- Để cháu mang đỡ cho cô.
Cô trao giỏ cho tôi, tay xoa xoa vai trái. Lát sau, cô ngẩng mặt chăm chú nhìn bầu trời xanh ngắt:
- Lại sắp trở trời rồi. Thấy nhức nhối trong xương khớp là biết ngay. Thể nào cũng mưa cho xem.
Tôi máy móc nhìn theo, cũng nhìn trời nhưng thực ra hoàn toàn mù mịt, không biết nên tìm dấu hiệu nào.
- Thế thì nhất rồi, cây cối đang cần mưa.
Cô Leafie lục lọi tìm đồ vấn thuốc lá trong túi áo. Bây giờ tôi đã quen thấy cô hút thuốc. Mùi thuốc lá thơm, ấm áp làm tôi nhớ đến cậu Holt.
- Đi vòng một chút được không cháu?
Hai cô cháu tôi đang trên đường đến thăm chị Perilee. Mấy hôm rồi, chị mắc chứng ho nặng.
- Đi đâu ạ?
Cô chỉ về hướng gò đất nhỏ cách đó chừng một dặm:
- Cô muốn ghé qua nhà Mabel Ren xem thế nào. Cô ấy có sáu con nhỏ, trong đó bốn đứa dưới sáu tuổi. Elmer “con” là cả. Thằng bé năng nổ hơn người. Nó không biết sợ là gì, lại có tài suy xét hợp lý. (Cô bật cười) Hè năm ngoái, nó suýt gãy cổ vì muốn thử xem heo có bay được không. Nó cưỡi một con heo vừa bỏ bú mẹ trong đàn nhà Elmer nhảy cắm đầu từ mái nhà kho xuống đất.
Tôi cũng cười theo:
- Chuyện ấy làm cháu nhớ Chase. Vừa rồi nó ghé nhà cháu chơi. Thấy cháu rửa bát đĩa, nó cũng đòi giúp. Cháu gần rụng tai khi nghe nó thao thao bất tuyệt rằng sau này nó sẽ phát minh máy rửa bát. (Tôi xua tay đuổi conn nhặng vo ve trên đầu). Tất nhiên cháu biết tính Chase, thể nào nó cũng làm thật cho coi.
- Thằng ấy sáng dạ đấy.
Vừa nói cô Leafie vừa cắm cúi leo lên gò đất cao. Hai chúng tôi im lặng giây lát, rõ ràng cùng nghĩ về một chuyện. Tập hợp cả đám con trai ở Dawson này lại cũng không tìm nổi một người thông minh hơn Chase. Nhưng kể từ sau sự cố chuyện cổ tích, Chase không đi học nữa. Chị Perilee có khuyên nhủ, thậm chí van vỉ thế nào nó cũng không đổi ý. Tôi cũng cố phân tích phải trái với nó nhưng nào có được đâu. Chase chỉ bảo: “Ở nhà em còn học nhiều hơn. Tự học ấy”. Về chuyện ấy, có thể nó đúng. Nhưng điều khiến tôi trăn trở là: Ai cho phép một nhóm thiếu niên chuyên gây gổ bắt một thằng bé như Chase phải bỏ học?
- Nhà Elmer ngay dưới kia.
Nhà chị Ren chắc chắn hơn lều của tôi. Nhìn từ xa, tôi tưởng nhà có nhiều phòng. Nhưng khi đến gần, tôi mới thấy đó là ba căn lều ghép lại với nhau, tạo nên một căn nhà kì quái nhất trên đời. Được cái nhà này sơn sửa, chưa kể cửa sổ nào cũng có rèm vải hoa.
Chị Mabel Ren rất nhanh nhẩu. Để đón hai cô cháu tôi thật chu đáo. Cô Leafie quở:
- Thôi nào Mabel, ngồi uống cà phê đã. Cô cháu tôi không đến đây để ngồi đợi đâu đấy.
- Lâu lắm rồi em không có khách đến chơi.
Chị vừa nói vừa đem tấm chăn ghép định mang đến hội chợ vùng ra khoe. Tôi bảo:
- Chị Perilee đang may chăn với em. Cho em bé ấy mà.
Tôi thầm thán phục đường kim mũi chỉ chặt tay của Mabel. Các mảnh ghép đều theo hoa văn lạ mắt, độc đáo:
- Mẫu này lạ quá chị ạ. Em chưa thấy ở đâu có.
Mabel đáp:
- Chị tự nghĩ ra đấy. Theo chị, hoa văn này na ná giống màu lông chim dẽ.
Cô Leafie nhận xét:
- Giống thật. Chăn em sẽ đoạt giải nhất ở hội chợ năm nay cho xem.
Tôi gật đầu đồng tình. Mabel cười bẽn lẽn. Chị với tay lấy bình cà phê:
- Mọi người uống thêm cà phê nhé?
Leafie lấy tay che miệng cốc:
- Thôi, cảm ơn. Cô cháu tôi đang định đến nhà Perilee (Cô đập đập vào giỏ xách). Tôi có làm ít trà ngải đắng với sirô thông cho cô ấy đây.
Mabel gói mấy cái bánh bích qui và ít thịt muối:
- Cảm phiền chị mang cho Perilee hộ em. Khi Bernice nhà em ốm, chị ấy tốt với em quá cơ.
Chợt có tiếng lao xao ngoài cửa. Mabel nhìn qua cửa sổ:
- Elmer!
Chị buông cái gói định gửi cho Chị Perilee rồi chạy biến ra ngoài. Cô Leafie hối hả chạy theo chị chủ nhà:
- Lũ quỷ con. Giờ lại thêm chuyện gì nữa đây?
Chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao, tôi cứ chạy theo hai người họ. Chỉ biết lần này người gây rắc rối không phải Elmer “con”. Anh chủ nhà, Elmer “bố” đang đứng cùng Phó Hội đồng Tự vệ Patton trong sân. Ngoài ra còn có một người khác tôi không quen. Ông Patton la lối:
- Khốn khiếp! Này Elmer, anh thừa biết anh phải đăng ký nghĩa vụ quân sự mà.
Anh Elmer hét trả:
- Tôi còn vợ con, còn công việc đồng áng phải lo.
- Thiếu gì người như anh. Nhưng quốc pháp như sơn. Tuổi từ hai mươi mốt đến ba mươi mốt, không thay đổi được. Bất cứ ai không đăng ký đi lính, tôi buộc phải bắt giữ.
Anh Elmer cãi:
- Nhưng tôi ba mươi hai rồi.
Người đi cùng ông Patton lên tiếng:
- Theo tài liệu trong tay tôi đây thì anh hai mươi chín tuổi khi đăng ký danh sách cử tri. Lần bầu cử năm 1916, cách đây hai năm.
Phó Hội đồng Patton phun mạnh chum nước bọt trộn lẫn bã thuốc lá nhai, tí nữa trúng vào ủng anh Elmer:
- Dù mới học hết lớp sáu, tôi cũng biết hai chin cộng hai bằng ba mươi mốt.
- Tôi còn gia đình mà ông. Vả lại, sau khi sanh đứa út, vợ tôi vẫn còn yếu lắm.
Chị Mabel hiện ra nơi ngưỡng cửa, kêu thất thanh:
- Anh Elmer.
Chồng chị ngoái lại:
- Vào nhà đi em.
Không bỏ lỡ một giây, hai người kia xuống ngựa chộp lấy anh. Từ nhà kho, Elmer “con” chạy ra, hua hua cây xẻng trong tay:
- Buông ra! Thả bố tôi ra!
Phó Hội đồng trấn an:
- Này cháu, lùi lại ngay. Chúng ta chỉ đưa bố cháu lên thị trấn thôi mà.
- Để bố tôi yên!
Thằng bé lao bổ vào hai người lạ, thứ vũ khí thô sơ trong tay nó chém mạnh vào không khí. Bố mẹ nó cùng gào lên:
- Đừng con!
Bố nó ra lệnh:
- Bỏ ngay cái xẻng xuống.
Thằng bé buông cây xẻng:
- Bố ơi, đừng bỏ chúng con. Con xin bố mà.
Nó giơ tay về phía bố nó kêu gào. Lúc này, anh Elmer và bị trói và bị lôi lên ngựa của Phó Hội đồng.
Anh Elmer cố ngồi thẳng trên lưng ngựa. Khi con ngựa phóng đi, mắt anh vẫn không rời chị Mabel. Con anh cuống cuồng chạy theo:
- Bố ơi! Bố!
Con ngựa bắt đầu phóng như bay. Chị Mabel quẫn trí gào lên:
- Con ơi! Về đây ngay! Có nghe mẹ không hả?
Thằng bé càng chạy nhanh hơn. Mẹ nó vội vã xuống thềm, đuổi theo:
- Con! Lại đây mau!
Khoảng cách giữa thằng bé và con ngựa ngày càng xa. Hai người kia thúc ngựa chạy lên gò đất cao. Elmer “con” vẫn tiếp tục chạy. Hai cánh tay rắn chắc của nó vung lên hạ xuống như hai pít tông máy kéo. Tuy hai người cưỡi ngựa đã khuất dạng, nhưng thằng bé vẫn chạy theo. Khi lên đỉnh gò, nó ngã lộn nhào. Chắc nó thụt chân xuống hố do chó hoang trên đồng cỏ hay bới đào. Elmer ngã và lăn lông lốc xuống chân gò nhỏ.
Khi chạy đến nơi, mẹ nó ôm con vào lòng. Thằng bé kêu thét khiến chúng tôi cách đó khá xa vẫn nghe thấy rõ.
- Nghe có vẻ không ổn.
Cô Leafie hối hả chạy về phía hai mẹ con. Tôi vơ vội túi thuốc của cô, chạy theo. Khi bắt kịp Mabel, cô quì xuống cạnh Elmer “con”:
- Để cô Leafie xem cho.
Giọng chị Mabel giống hệt lúc anh Karl vỗ về hai con ngựa quý của anh là Star và Joey. Tiếng nức nở của thằng bé nhỏ dần, thành tiếng nấc nghe rất thương tâm. Nhưng khi cô Leafie chạm vào tay nó, Elmer thét lên đau đớn.
- Gãy rồi.
Cô nói nhỏ. Tôi mở túi, cô bảo gì tôi đưa thứ đó. Loáng cái, cô đã bó xong nẹp vào cánh tay gãy của Elmer. Chị Mabel vuốt mãi tóc con:
- Con trai mẹ dũng cảm ghê.
Elmer sụt sịt:
- Nhưng có ngăn được người ta đâu. Bố bị bắt đi rồi kìa.
Bà mẹ hôn trán con:
- Rồi sẽ ổn thôi. Chắc bố hãnh diện vì con lắm.
Elmer chùi mũi bằng ống tay áo:
- Mẹ ơi, bố đi lâu không ạ?
Mẹ nó và cô Leafie đưa mắt nhìn nhau. Cô bóp nhẹ cánh tay chị Mabel, vui vẻ nói:
- Sao cháu lại hỏi thế? Cháu chưa kịp nhớ bố, ông ấy đã về rồi ấy chứ. Ăn kẹo bơ không? À này, hay cô cháu mình cùng làm mẻ kẹo bơ cứng trong lúc chị Hattie đưa mẹ cháu đến gặp cha Schatz nhé, được không?
Tôi tưởng mình nghe lầmm. Tôi có thân với chị Mabel đâu nhỉ? Còn nữa, tôi không muốn dính vào chuyện này. Đáng lẽ anh Elmer phải đăng ký…
Chị Mabel lau tay vào tạp dề:
- Không nên phiền em Brooks, chị ạ.
Cô Leafie nghiêm mặt nhìn tôi. Tôi cầm tay chị Mabel. Chị gầy đến nỗi da tay chị như lớp vải mỏng nhúng nước.
- Không sao đâu. Em đi được mà.
Elmer “con” giơ cánh tay bó nẹp lên:
- Con giúp gì được không ạ?
Cô Leafie bảo:
- Sao thế? Cháu sẽ là giám sát viên. Cháu vừa được giao nhiệm vụ quan trọng đấy nhé.
Thằng bé ngoái đầu, nhìn đăm đăm về hướng Phó Hội đồng Patton đã đưa bố nó đi. Nó ngồi như thế một lúc lâu:
- Bố cháu thích kẹo bạc hà. Hay mình nấu kẹo bạc hà đi.
- Đồng ý cả hai tay.
Cô Leafie phủi váy áo, còn tay chìa tay đỡ cô đứng lên.
*
Mấy tiếng đồng hồ sau, chị Mabel và tôi mới về tới. Cha Schatz định quyên tiền bảo lãnh cho anh Elmer. Ông hứa:
- Ngày mai, ta sẽ tác động để họ thả Elmer.
Cô cháu tôi ở lại chuyện trò an ủi Mabel. Sau khi uống thêm bình cà phê, cô Leafie và tôi dọn vén đồ đạc, chuẩn bị sang nhà chị Perilee. Tôi ước sao mình được như cô Leafie. Đây là những suy nghĩ được cô phát biểu thành lời lúc chia tay:
- Dù có chuyện gì chăng nữa, em vẫn còn bạn bè. Hãy nhớ bạn bè là để giúp đỡ nương tựa lẫn nhau.
Chị Mabel gật đầu rồi quay quả vào nhà với con. Suốt dọc đường đến nhà chị Perilee, tôi chỉ nghiền ngẫm bài viết mới nhất gửi ông Miltenberger. Sau khi đọc bài báo có nội dung ghê sợ về những hành động tàn ác của giặc Đức, lòng tôi cũng sôi sục căm phẫn. Lúc trước, tôi đã viết nháp như sau: “Mỗi người dân phải biết làm tròn bổn phận của mình. Xa gia đình người thân chỉ là 1 sự hy sinh nho nhỏ, có đáng gì! Xin hãy nhớ tới bao em nhỏ bơ vơ trên đất Bỉ, bao người Pháp đang chết dần vì đói.” Nói chung chung, không cụ thể từng cái tên khuôn mặt thì dễ. Nhưng nếu phải kể đến Elmer Ren, người buộc phải bỏ lại đàn con nheo nhóc, bỏ lại người vợ ốm đau bệnh tật, bỏ mảnh đời gắn bền chặt với 320 mẫu đất Montana… thì lại là chuyện khác.
- Thắng được cô chẳng thích thú gì. Sao cô chẳng cố thắng lấy một ván?
Jim Gà Trống đưa tôi vào thế “chiếu tướng hết cờ”.
- Xin lỗi anh nhé!
Hồi này, đầu óc tôi chằng còn cờ với quạt. Tôi nghe nói cánh tay của Elmer “con” đang lành, tiền quyên góp để bảo lãnh cho bố nó cũng đang tăng từng ngày. Đó chỉ là niềm an ủi nhỏ bé so với bao tin tức hằng ngày đầy tin xấu. Ba công nhân hỏa xa bị bỏ tù vì chế nhạo tờ áp phích kêu gọimua Trái phiếu Tự do. Một người phụ nữ bị phạt vì gửi hai mươi đô la cho mẹ già hiện sống ở Đức. Dường như người ta thấy gián điệp và quân tạo phản Đức đang ẩn trong từng bụi cỏ trên đất này. Như thể thấy tôi lo bấy nhiêu còn chưa đủ, ông trời còn không cho mưa cả tháng nay. Tôi nhấp từng ngụm trà mát lạnh, nhìn người hàng xóm ngồi phía bên kia bàn cờ:
- Thời tiết định làm tôi điêu đứng hay sao ấy. Cây cối ngoài đồng đang cần mưa.
Jim ngả ghế chênh vênh trên hai chân ghế phía sau:
- Ở đây, chuyện như thế là thường. Đất này đầy rẫy những thứ ta không thích. Chính vì thế bà con quen gọi vùng này là “năm sau”, bởi họ cầu năm sau sẽ khấm khá, tốt đẹp hơn. (Anh lắc lư cái ghế, đưa nó vững vàng trên bốn chân như trước). Cứ đợi đến hè mà xem. Nói “nóng” thôi chưa đủ. Bố tôi thường bảo với người sống ở miền Đông Montana, địa ngục còn là nơi nghỉ mát nữa kìa.
Sau bữa đó một tuần, trời vẫn không có mưa, dù chỉ một giọt. Tin tức đưa về cho biết trong vùng có thêm nhiều người bị bắt vì tội làm loạn. Qua những cái tên, tôi không thể không nhận ra người bị bắt hoặc bị phạt tiền đều là kiều bào Đức. Trên báo nhan nhản bài như bài báo tôi vừa đọc: “Ngày thứ hai, Algot và Gudrun Solomonson đến thành phố, hướng dẫn Otto, con trai họ, mua một con tem tiết kiệm trị giá một đô la. Hãy noi theo tấm gương sáng ấy và dạy con mình hai bài học lớn: quên mình vì sự nghiệp chung và tinh thần trung quân ái quốc”. Tôi tự hỏi liệu mọi kiều bào Đức sống trên đất này mua Trái phiếu Tự do và Tem Thư Vì Tiền Tuyến có đủ chứng minh lòng trung thành của họ hay chăng.
Suy nghĩ đó càng làm cho núi lo âu về mùa màng trong tâm trí tôi thêm cao ngất. Suốt ngày, tôi lang thang ngoài đồng, chân bồn chồn đá tung bụi đất. Mỗi vầng bụi đất bốc lên lại khiến cơn đau thường trực trong bụng tôi thêm quặn thắt. Mọi nông dân tôi quen đều thoải mái dùng soda bicarbonate để làm dịu cơn đau giống tôi đang hành hạ bao tử họ. Nếu trời không mưa sớm thì…
Tôi cúi xuống, nhổ bật gốc một cụm cỏ dại. Cả ngày nay, tôi chỉ làm mỗi việc nhổ cỏ. Mấy thúng đầy cỏ chứng minh công sức lao động của tôi. Bình nước tôi mang theo ra đồng đã cạn khô từ mấy tiếng trước. Đáng lý tôi phải quay về giếng múc bình nước khác.
Nhưng cái bụi cỏ dại trước mặt như cái gai đâm vào mắt tôi. Nó như đang đắc thắng: “Thể nào ngươi cũng phải chịu thua bọn ta”. Chỉ lát nữa thôi, tôi sẽ phải quay về lều nghỉ và uống nước. Tôi hít một hơi thật sâu, vươn vai rồi lại cúi xuống đám cỏ, mặc dù đầu nhức như búa bổ. Cái mũ không vành trên đầu tôi chỉ là tấm chắn mỏng manh, chống chọi với cái nắng như đổ lửa, hai mắt tôi nảy đom đóm, hai tay run lên bần bật. Có lẽ tôi nên về nghỉ một chút. Phải. Về nhà. Tránh nắng. Tôi lảo đảo bước lên. Nhà tôi như một ảo ảnh chòng chành, chao đảo ở cuối cánh đồng. Có phải tôi đang về đó không nhỉ? Hai chân khuỵu xuống, tôi ngã chúi mặt xuống luống đất trồng lanh.
***
- Cô Brooks! Tỉnh dậy đi, Hattie.
Tiếng một người con trai như từ rất xa vẳng đến tai tôi. Cái trán bỏng rẫy của tôi cảm nhận được mảnh khăn ẩm mát rượi vắt ngang.
- Tôi… không sao mà.
Nếu cứ nhắm nghiền mắt, nằm yên không nhúc nhích thì đúng là ổn thật.
- Nhấp thử cái này đi.
Hai cánh tay mạnh mẽ nhấc đầu tôi lên. Một ngụm nước mát bò dần xuống cổ họng bỏng rát. Tôi mở mắt. Khuôn mặt của Traft Martin đang cúi sát mặt tôi.
- Sao lại…
Tôi ngọ nguậy trên giường, tính ngồi dậy, nhưng một cơn choáng ập đến buộc tôi phải nằm xuống. Traft đặt ly nước xuống bàn:
- Tôi thấy cô ngã. Chắc là do say nắng.
Tôi lắc đầu. Ôi! Đau quá!
Không phải đâu. Do cứng đầu thôi.
Traft mỉm cười. Một nụ cười quyến rũ:
- Tôi có pha sẵn chút nước dấm đây. Đắp nước ấy lên chỗ da cháy nắng cho đỡ nóng.
Tôi nhìn hai cánh tay đỏ rần, nhận miếng khăn mát lạnh từ tay Traft đắp lên da bỏng rát:
- Cám ơn anh!
- May mà tôi thấy cô. Cô mà nằm đó cả đêm sẽ không hay đâu.
Tôi thoáng rùng mình:
- Vâng, may mà anh đi qua đúng lúc tôi ngã.
- Cô đỡ hơn chưa?
Tôi gật đầu. Traft nhìn quanh:
- Trước khi đi, tôi làm món gì cho cô ăn nhé? Hay cô uống trà?
- Có trà tốt rồi ạ.
Nếu biết người chăm sóc tôi hôm nay, cô Leafie và chị Perilee sẽ nói gì? Traft để tôi một mình (chắc có lẽ tôi cũng thiếp đi một lát) trong lúc anh ta nấu nước pha trà.
- Trà của cô đây.
Tôi gượng ngồi dậy, dựa lưng vào tường, đưa tay đón ly nước.
- Hy vọng cô không phiền nếu tôi tự ý pha một ly cho mình.
- Không đâu, anh cứ tự nhiên.
Tôi ngỡ ngàng. Đàn ông hiếm người uống trà lắm. Hầu hết họ đều thích cà phê. Tôi nhấp một ngụm trà:
- À mà cơn gió nào đưa anh đến đây vậy?
Anh ta nở nụ cười của minh tinh màn bạc:
- Ý cô là ngoài chuyện “cứu nàng thoát hiểm” ư?
Tôi đỏ bừng mặt. Chắc sắc mặt tôi đỏ không kém hai cánh tay. Traft thổi ly trà nóng:
- Thực ra, tôi định sang gặp cô. Bàn công việc ấy mà. Nhưng hôm nay chắc không được rồi…
Tôi hạ ly trà xuống:
- Người ta vẫn hay bảo: Không lúc nào tiện bằng lúc này.
Traft gật đầu, chậm rãi nhấp một ngụm, mắt nhìn xa xăm như muốn cật vấn tương lai:
- Tôi sẽ đi thẳng vào vấm đề. Tôi dự định sẽ phát triển trang trại Tipped M thật lớn. Lớn hơn cả Trang trại Circle thời cường thịnh. (Anh ta quay sang nhìn thẳng tôi). Có lẽ sẽ còn lớn hơn cả cái trang trại bang Texas mà người ta thường trầm trồ với nhau.
Mắt anh ta sáng rực lên trước hình ảnh tương lai ấy.
- Một hoài bão lớn.
Giọng tôi nghe như một lời thắc mắc:
- Chắc cô đang thắc mắc không hiểu sao tôi lại đem chuyện đó ra nói với cô.
- Vâng, quả thật có thế.
- Tôi xin đề nghị thế này. Mảnh đất ba trăm hai mươi mẫu của cô giáp ranh góc Tây Nam của Trang trại Tripped M. Dù năm nay cô có gỡ gạc được chút gì ngoài kia (anh ta hất hàm về cánh đồng đang khô hạn bên ngoài) ai biết năm sau sẽ ra sao? Năm sau nữa sẽ thế nào?
- Tôi…
Sự thật là tôi dồn toàn lực vào mốc tháng Mười một tới nên chưa dám nghĩ xa đến thế.
Traft ghé lại gần hơn:
- Tôi định cho cô vay tám trăm đô la để cô khỏi đau đầu về chuyện chứng minh quyền sở hữu. Cô cầm tám trăm đô la đi làm giấy tờ. Không phải đóng thêm hàng rào. Không phải làm việc chi cho cực nữa.
- Nhưng tôi không quen vay mượn.
Traft đặt ly xuống:
- Cách này hay ở chỗ: Cô mang bốn trăm đô la đến chỗ ông Ebgard trả mọi khoản lệ phí. Tiền ấy là của cô một cách hoàn toàn hợp lý. Sau đó, cô trở lại và tôi xóa nợ cho cô.
Những con số nhảy múa loạn xạ trong đầu tôi:
- Tôi không hiểu gì cả. Sao anh lại làm thế?
Mắt Traft sáng rực:
- Bởi vì cô sẽ giao đất cho tôi. Cô không phải gánh trách nhiệm nặng nề của một chủ đất, thoải mái ra đi với hầu bao vừa có thêm bốn trăm đô la.
- Tôi cho anh đất của tôi ư?
- Không, cô bán cho tôi đấy chứ.
Câu chuyện giữa hai chúng tôi quá phức tạp đối với cái đầu đang buốt thon thót:
- Nhưng tại sao? Ý tôi là tại sao anh lại muốn mua mảnh đất này?
Traft nôn nóng:
- Tôi nói rồi mà. Để chăn thả gia súc.
- Nhưng ruộng tôi, nhà tôi…
- Với bốn trăm đô la, cô thừa sức mua được một căn nhà nhỏ xinh xắn chốn thị thành. Quan trọng là cô muốn đi tỉnh nào cũng được. Cô không cần phải làm việc cực nhọc như công nhân đường sắt nữa.
Cuối cùng tôi cũng vỡ lẽ:
- Rời bỏ trang trại của tôi ư? Còn anh sẽ thả gia súc trên đất của tôi?
Traft dọn giọng:
- Cô đừng nghĩ ngợi nhiều quá. Đơn giản nó thành đất của tôi. Của trang trại Tripped M.
Tôi cố nuốt cục giận bỏng rát đang chẹn lấy cổ họng. Nhưng suy cho cùng, đề nghị của anh ta rất đáng để tôi cân nhắc. Công việc đồng áng quả nặng nhọc thật. Suốt ngày chỉ biết lôi, kéo, mang vác rồi lại trần lưng làm việc nhà khiến tôi gầy đi trông thấy. Người lạc quan đến mấy cũng phải hiểu mùa màng năm nay không thuận lợi. Trước mắt tôi còn phải lo chi phí thu hoạch, kèm với việc trả xong món nợ của cậu Chester. Chấp nhận đề nghị của Traft, tôi sẽ giải quyết ổn thỏa mọi việc rồi tìm một nơi yên ổn mà sinh sống. Một ngôi nhà đúng nghĩa, có rèm cửa, có kệ sách tươm tất cho sách của tôi, vài cái ghế hẳn hoi chứ không phải ngồi trên mấy cái thùng úp ngược thế này. Hoặc tôi có thể an cư lạc nghiệp ở một khu phố thân thiện, hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, không bao giờ phải chuyển nhà đến nơi lạ lẫm nào khác nữa. Chưa bao giờ tôi cho phép mình mơ đến một mẫu hình cuộc sống đúng như mong muốn. Lời đề nghị của Traft tạo thuận lợi cho cả đôi bên, thậm chí có thể coi là hào phóng nữa. Nghe có vẻ khá hợp tình.
- Anh nói nghe rất có lý.
Traft vuốt vuốt mái tóc lượn sóng:
- Tôi cũng nghĩ thế.
- Tiếc là tôi phải từ chối thôi.
- Nhưng vì cớ gì mới được?
Tôi lắc đầu:
- Biết giải thích với anh thế nào đây. Ngay chính tôi cũng không hiểu rõ nguyên do. (Một cơn gió nóng mang theo mùi cỏ ngọt ngào thổi vào cánh cửa rộng mở). Nhưng tôi rất cả kích trước lời đề nghị của anh.
Traft đứng phắt dậy khiến cái ghế đổ nghiêng ngả. Anh ta vơ lấy mũ, chụp mạnh vào đầu:
- Hattie này, cô quyết định dở lắm. Giống như cô quyết định kết bạn với những người không nên coi là bạn.
Một múi cơ ngay dưới quai hàm trái của anh ta giật giật. Traft đang giận dữ. Nhưng giận đến mức nào thì tôi hy vọng mình đừng bao giờ biết.
- Có lẽ sau khi thu hoạch, cô sẽ đổi ý.
Tôi dịu giọng:
- Vâng, có lẽ vậy.
Anh ta xăm xăm đi ra cửa. Tôi nói với theo:
- Cảm ơn anh!
- Cô bảo gì?
Tôi giơ cánh tay cháy nắng lên:
- Vì đã mang tôi vào nhà chăm sóc.
Traft quay ngoắt, bước qua ngưỡng cửa với tiếng dậm chân nặng nề. Từ trong nhà, tôi còn nghe rõ tiếng yên cương rít lên lúc anh ta trèo lên lưng con Rắc Rối và phóng vọt đi.
Ngồi bó gối trên giường, tôi thầm mong mình vừa làm đúng. Mong rằng biết tự lượng sức mình.
Khoảng Trời Mênh Mông Khoảng Trời Mênh Mông - Kirby Larson Khoảng Trời Mênh Mông