III. Truyện Cổ Việt Nam Qua Các Thời Đại - 1. Thần Thoại, Truyền Thuyết, Loại Truyện Xưa Nhất Của Người Việt
rước khi kể truyện cổ tích Việt-nam, tưởng cũng nên giới thiệu sơ qua quá trình phát triển của nó trong lịch sử văn học truyền miệng của dân tộc.
Người Việt-nam đã có sẵn tâm hồn văn nghệ từ rất xưa. Với trí tưởng tượng chất phác ngộ nghĩnh, với trình độ kiến thức còn thô sơ họ đã biết đặt câu ca lời hát cũng như đặt truyện. Chưa có chữ, họ lưu hành các tác phẩm bằng miệng. Mãi cho đến sau này, tuy chữ viết đã xuất hiện và đã nhiều lần thay đổi, nhưng vì đại đa số quần chúng nói chung đều thất học nên những truyện cũ, truyện mới hầu như vẫn từ cửa miệng này sang cửa miệng khác mà còn lại.
Cũng như các dân tộc khác, người Việt-nam ngày xưa cũng có nghệ thuật thần thoại. Và những truyện thần thoại Việt-nam tuy đơn giản nhưng khá ý nhị, lý thú. Đây là truyền thống văn học dân tộc, là tài liệu về trạng thái sinh hoạt thời kỳ xưa nhất của người Việt. Nó là nguồn gốc của sử và truyện của chúng ta sau này. Tiếp theo thần thoại, người Việt vẫn không ngừng sáng tác. Từ những truyện hoang đường đầy màu sắc thần linh chủ nghĩa, tiến lên xây dựng những truyện anh hùng lực sĩ, những sự tích về con người nhưng đã được thần thánh hóa. Điều đặc biệt là ở Việt-nam, tín ngưỡng đa thần có từ thời cổ vẫn còn lưu tàn tích mãi cho đến sau này. Nhờ đấy, chúng ta có thể dễ dàng tìm hiểu nguồn gốc một số cổ tích và truyền thuyết. Hiện nay, trong thần tích của một số làng ở Bắc-bộ có ghi sự tích một số thần như Phù Đổng thiên vương, Sóc thiên vương, Cao Sơn đại vương, Quý Minh đại vương, ba anh em Linh, Minh và Cung, ba cha con Hầu, Đông và Vực, v.v... Đây có lẽ là những anh hùng lực sĩ thời khuyết sử có công với nhân dân, hoặc tập hợp dân chúng chống xâm lăng như Thánh Gióng (Phù Đổng thiên vương hay Sóc thiên vương), hoặc bày vẽ cho mọi người phương pháp sản xuất mới như Cao Sơn và Quý Minh, nên sau khi chết, họ được nhân dân thần thánh hóa sự tích và tôn thờ. Những huyền tích đã mang dạng truyền thuyết đó được lưu truyền bằng miệng. Cho đến lúc nhân dân địa phương ghi lại được bằng chữ viết thì câu chuyện đã trải qua không phải chỉ một lần sửa chữa; trái lại, chúng đã được đắp thêm rất nhiều lớp, rất có thể đã bị biến tướng hầu hết bởi ý thức và tâm lý xã hội đời sau. Mặt khác, vì không còn nhớ đích xác thời gian xuất hiện của từng nhân vật nên đối với nhân vật nào người ta cũng có khuynh hướng đẩy lên thời kỳ xa xăm nhất của lịch sử, cụ thể là thời Hùng Vương và Thục An Dương Vương.
Đồng thời, vô số những yêu ma quỷ quái được tôn thờ từ trước do tín ngưỡng đa thần cũng trở thành những mô hình đặc thù để nhân dân từng địa phương dựa vào mà xây dựng nên hàng loạt mẩu truyện. Thôi thì những truyện thần Rồng (Chàng Cả, Chàng Hai, Chàng Ba), thần Rắn (Hổ mang đại tướng quân), thần Lợn (ông Ỷ), thần Cọp (ông Ba Mươi), truyện Quỷ Xương Cuồng, truyện Ma cà-rồng, v.v... không sao tính xuể. Nhiều truyện yếu tố tưởng tượng được sử dụng khá dồi đào và tinh tế. Nhân tố kỳ ảo làm cho câu chuyện có những kết cấu biến hóa thú vị. Người, vật, ma, quỷ đều được chuyển hóa thành thần.
Do đấy, cũng có thể dễ dàng phân biệt thần thoại với những truyện cổ nói về thần linh. Nếu thần trong thần thoại do tưởng tượng của con người nguyên thủy muốn cắt nghĩa bản thân và ngoại giới mà có; thì thần trong thần tích lại do sự thờ cúng và tín ngưỡng phức tạp tạo nên. Sự phân biệt này giúp ta xác định tính loại biệt về sắc thái và tâm lý của hai loại thần. Loại thần sau hiển nhiên sẽ có hình dạng và tâm lý như người chứ không còn chất phác và vô tư như thần của thần thoại.
Cho đến suốt cả thời Bắc thuộc, trên đà tiến triển, xâm nhập lẫn nhau của các thứ tôn giáo, tín ngưỡng phức tạp khác, càng ngày càng xuất hiện nhiều những truyện thần thánh hoang đường. Các truyện Man Nương, Cao Biền dậy non, Thần Tô-lịch, v.v... phản ánh hiện tượng đạo Phật, đạo Lão bấy giờ đã ăn sâu vào tâm lý dân tộc và dung hòa với tín ngưỡng gốc của dân gian.
Ngoài loại truyện hoang đường nói trên, người Việt lúc ấy còn có loại truyện cổ nói về lịch sử, về sự tích những anh hùng lực sĩ như Lý Ông Trọng, Hai bà Trưng, Bà Triệu, Bố Cái đại vương, v.v... Loại truyện ấy phần lớn còn lại dưới dạng những kết cấu mộc mạc, phân đoạn, có thể liệt nhập làm một với truyền thuyết lịch sử. Như trên đã nói, truyền thuyết của ta xuất hiện nhiều nhất vào thời kỳ Bắc thuộc. Truyền thuyết phản ánh cuộc đấu tranh tích cực của nhân dân nhằm giải phóng khỏi ách áp bức dị tộc. Nó là bài ca biểu dương sự nghiệp chống xâm lăng. Nó cũng là lời than vãn, là tiếng vọng buồn rầu, phẫu uất của cả bộ tộc Việt trong điều kiện sống cùng cực dưới nanh vuốt kẻ thù.
Mặc dầu ngày nay, trong quần chúng nhân dân chỉ còn truyền từng mẩu chuyện rời rạc nhưng có thể ngờ rằng đây là những truyện vốn có đầu có đuôi có hệ thống và chắc được đặt bằng văn vần như một số truyền thuyết của đồng bào thiểu số. Nếu cố gắng khôi phục cho thật đầy đủ theo đúng phương pháp văn bản học dân gian thì truyện Hai bà Trưng chắc có thể dồi dào tình tiết hơn nhiều. Đó sẽ là một truyện có đủ các nhân vật, từ hai bà cho đến một đoàn nữ tướng đông đảo và gan dạ như các bà Bát Nàn, Lê Chân, Thiều Hoa, Thánh Thiên, v.v... trong đó, diễn ra biết bao nhiêu trận ác chiến giữa các bà và tướng địch mà chỉ có thần tích là còn có ghi lại. Bà Triệu hiện lên qua một vài ghi chép như là một cô gái kỳ lạ: cưỡi đầu voi, chân đi guốc vàng (có khi vú buộc ra sau lưng), khảng khái hiên ngang, còn tài đánh trận thì thật là vô địch đến nỗi kẻ thù không dám "đối mặt". Bố Cái đại vương trong truyền thuyết còn được gắn liền với hình ảnh một con voi có nghĩa mà các bộ lịch sử không hề nói đến, và cũng không nhất thiết phải nhắc đến, v.v...
Nói chung, tất cả những truyền thuyết sáng tác trong thời Bắc thuộc đều có gửi gắm một tinh thần bất khuất, một ý nghĩa thương yêu nòi giống, căm thù quân giặc xâm lăng giày xéo đất nước.
Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam - Nguyễn Đổng Chi Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam