Gỗ Mun epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Amin
ôi từng có ý định viết một quyển sách về Amin, bởi hắn là minh họa sặc sỡ nhất cho mối tương quan giữa tội ác và văn hóa thấp. Tôi đã đến Uganda nhiều lần, nhìn thấy Amin không ít. Tôi có một tủ sách nhỏ về hắn và hàng chồng ghi chép riêng của tôi. Hắn là tên độc tài được biết đến nhiều nhất trong lịch sử hiện đại châu Phi và là một trong những người nổi tiếng nhất trên thế giới thế kỷ XX.
Amin xuất thân từ một cộng đồng nhỏ mang tên Kakwa, lãnh thổ của họ bị ba nước phân chia: Sudan, Uganda và Zaire. Người Kakwa không biết mình thuộc nước nào, họ cũng chẳng quan tâm, vì họ bận lòng chuyện khác: làm thế nào sống sót được qua cái nghèo và nạn đói, vốn là đặc điểm của chốn hẻo lánh này ở châu Phi, nơi không có đường sá, không đô thị, không điện, không đất đai trồng cấy được. Ai có chút ý tưởng, chút khôn ngoan và may mắn, người đó sẽ bỏ nơi này mà đi càng xa càng tốt. Nhưng không phải đi về đâu cũng tốt. Người đi về hướng Tây sẽ gặp một số phận còn hẩm hiu hơn, bởi anh ta sẽ rơi vào khu rừng sâu rậm rạp nhất Zaire. Đi về hướng Bắc cũng thất sách, vì sẽ gặp vùng ngưỡng sa mạc Sahara đầy cát và đá. Chỉ duy nhất hướng Nam là mở ra cơ hội: người Kakwa sẽ tìm thấy ở đó đất đai màu mỡ miền Trung Uganda – khu vườn sum suê tươi đẹp của châu Phi.
Đó cũng chính là nơi sau khi sinh con trai, mẹ Amin đã đến, địu trên lưng đứa trẻ sơ sinh. Bà đến Jinja – thành phố (đúng ra là thị trấn) lớn thứ hai Uganda, sau Kampala. Như hàng nghìn người khác thời ấy (ngày nay đã là hàng triệu hàng triệu người), bà đến thành phố với hy vọng sẽ sống được ở đây, hy vọng mọi thứ sẽ khá hơn. Bà chẳng có nghề gì, không người thân thích, không một xu dính túi. Người ta có thể kiếm sống bằng nhiều cách khác nhau: buôn bán nhỏ, nấu bia, bán hàng ăn lưu động trên phố. Mẹ Amin có cái nồi và nấu kê để sinh nhai. Bà bán các khẩu phần kê bọc trong lá chuối. Thu nhập hằng ngày là một phần kê cho mình và con trai.
Người phụ nữ ấy, từ làng quê miền Bắc nghèo khó cùng con trai đến thành phố miền Nam thịnh vượng, đã trở thành một phần của bộ phận dân cư ngày nay là vấn đề nan giải nhất của châu Phi. Số dân cư này gồm những người, hàng triệu người, đã bỏ quê tràn vào các thành phố đang phình ra một cách khủng khiếp, nhưng không tìm được cho mình công việc hay nơi chốn nào. Ở Uganda, người ta gọi họ là bayaye. Anh sẽ thấy họ ngay, bởi chính là họ tạo ra các đám đông đường phố, rất khác ở châu Âu. Ở châu Âu, người đi trên phố thường hướng đến một cái đích nhất định. Đám đông có phương hướng và nhịp điệu, nhịp điệu thường mang tính chất vội vàng. Trong thành phố châu Phi chỉ một phần người dân hành xử như thế. Số còn lại không đi đâu hết: họ chẳng biết đi đâu và làm gì. Họ vật vờ, ngồi trong bóng râm, nhìn ngó, chợp mắt. Họ chẳng có việc gì để làm. Không ai chờ đợi họ. Thường là họ đang đói. Một sự kiện nhỏ nhất trên đường phố – cãi nhau, đánh lộn, bắt kẻ trộm – lập tức khiến họ xúm vào. Bởi ở đây, họ có mặt khắp nơi, vô công rồi nghề, chẳng rõ đang chờ đợi điều gì, chẳng rõ sống bằng gì – những kẻ lang thang vật vờ của thế giới.
Đặc thù thân phận họ là sự mất gốc. Họ sẽ không trở về quê nữa, nhưng ở thành phố lại không có chỗ cho họ. Họ kéo dài sự sống. Họ tồn tại bằng cách này cách khác. Cách này cách khác – đó là điều miêu tả rõ nhất tình cảnh của họ, sự mong manh và bất ổn của nó. Họ sống bằng cách này cách khác, ngủ cách này cách khác, thỉnh thoảng thì ăn cách này cách khác. Cái vô thường nhất thời này của sự tồn tại khiến cho bayaye luôn cảm thấy bị đe dọa, nỗi sợ hãi không ngừng hành hạ anh ta. Nỗi sợ hãi càng lớn hơn khi anh ta thường là người nơi khác đến, là kẻ nhập cư không mong đợi từ một nền văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ khác. Là kẻ cạnh tranh xa lạ thừa thãi, giành giật bát cơm vốn đã nhẵn thín, giành giật công việc vốn đã chẳng có.
Amin là một bayaye điển hình.
Hắn lớn lên trên đường phố Jinja, thị trấn có các doanh trại của tiểu đoàn quân đội thực dân Anh – King’s African Rifles. Mô hình quân đội này do tướng Lugard, một trong những người sáng lập ra Đế chế Anh, phát minh ra từ cuối thế kỷ XIX. Lugard mở các sư đoàn lính đánh thuê được tuyển mộ từ các bộ lạc xa lạ với dân cư vùng đất đóng quân – những kẻ chiếm đóng luôn siết chặt dây cương với người bản địa. Những người lính lý tưởng của Lugard là các thanh niên trẻ, cường tráng thuộc sắc dân Nilotic (người Sudan), nổi bật vì tính hiếu chiến, sức chịu đựng và sự tàn ác. Người ta gọi chúng là các Nubian – cái tên ở Uganda gợi lên sự chán ghét xen lẫn sợ hãi. Tuy vậy, suốt nhiều năm dài, các sĩ quan và hạ sĩ quan trong quân đội này chỉ toàn người Anh. Một lần, một người trong số họ để ý thấy một thanh niên châu Phi trẻ, to con, thân hình lực lưỡng đang quanh quẩn gần doanh trại. Đó là Amin. Hắn nhanh chóng được tuyển vào quân đội. Với những người như hắn – không việc làm, không tương lai – được phục vụ trong quân đội là trúng số độc đắc. Hắn mới chỉ học hết lớp bốn phổ thông cơ sở, song nhờ có tiếng là phục tùng và hăng hái đón ý thủ trưởng, hắn bắt đầu thăng tiến rất nhanh. Thêm nữa, là một võ sĩ quyền Anh, hắn đã tạo được tiếng tăm cho mình: trở thành nhà vô địch hạng nặng của Uganda. Trong thời thực dân, quân đội được sử dụng vào các cuộc viễn chinh đàn áp ngày càng mới mẻ hơn: chống các cuộc nổi dậy Mau Mau, chống các chiến binh của bộ lạc Turkana hay sắc dân Karimojong độc lập. Amin nổi bật trong các chiến dịch này, hắn tổ chức các cuộc phục kích và tấn công, không mềm lòng trước đối thủ.
Đó là những năm năm mươi, thời kỳ độc lập đang đến gần. Đã đến lúc Phi hóa cả trong quân đội. Nhưng các sĩ quan Anh và Pháp muốn trụ lại càng lâu càng tốt. Để chứng minh rằng mình là những người không thể thay thế, họ thăng cấp cho những người hạng ba trong số thuộc cấp ngoan ngoãn người Phi, không nhanh nhẹn lắm nhưng biết phục tùng, ngày một ngày hai biến họ từ binh nhì thành tướng tá. Ví dụ Bokassa ở Trung Phi, Soglo ở Dahomey, Amin ở Uganda.
Mùa thu năm 1962, khi Uganda trở thành quốc gia độc lập, Amin – được người Anh thăng cấp – đã là tướng và là phó tổng chỉ huy quân đội. Hắn nhìn trước ngó sau. Mặc dù có quân hàm và chức vụ cao, nhưng hắn xuất thân từ Kakwa, một cộng đồng nhỏ, hơn nữa lại không được coi là người Uganda chính gốc. Trong khi đó, trong quân đội chủ yếu là người bộ lạc Langi – nơi thủ tướng Milton Obote xuất thân – và những người Acholi thân thích với họ. Người Langi và Acholi nhìn người Kakwa một cách khinh miệt, xem họ là thứ dân tối tăm, lạc hậu. Ở đây, chúng ta đang di chuyển trong thế giới đầy ám ảnh và hoang tưởng của những định kiến, căm ghét và ác cảm sắc tộc trong lòng châu Phi: mọi loại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa sô vanh không chỉ hiện hữu trên các tuyến phân chia lớn, ví dụ giữa da trắng và da đen, mà cả trong những người cùng sắc tộc, giữa những người cùng màu da, thậm chí trong trường hợp này chúng thường quyết liệt, khó lay chuyển và cứng rắn hơn. Thực tế, phần lớn người da trắng trên thế giới không chết vì tay người da đen, mà chính vì tay người da trắng, còn phần lớn người da đen trong thế kỷ chúng ta chết vì tay người da đen, chứ không phải vì người da trắng. Sự mù quáng sắc tộc, ví dụ như ở Uganda, khiến không ai buồn quan tâm xem anh XY nào đấy thông minh, tốt bụng, thân thiện hay ngược lại – độc ác và đáng ghét, mà chỉ xem anh ta là người bộ lạc Bari, Toro, Busoga hay Nandi. Anh ta sẽ được phân loại và đánh giá duy nhất chỉ theo tiêu chuẩn này.
Suốt tám năm độc lập đầu tiên, Milton Obote – một người đặc biệt kiêu ngạo, tự tin và khoác lác – nắm chính quyền ở Uganda. Khi đột nhiên báo chí phanh phui rằng Amin biển thủ tiền bạc, vàng và ngà voi được quân du kích chống Mobutu ở Zaire ủy thác, Obote triệu Amin đến, bắt viết tường trình. Còn y thì bay đi Singapore dự hội nghị thủ tướng của Khối Thịnh vượng Chung, tin chắc không gì có thể đe dọa mình. Amin biết rõ khi thủ tướng trở về, y sẽ ra lệnh bắt hắn ngay. Hắn bèn đi trước một bước, tổ chức đảo chính quân sự và cướp chính quyền. Trên lý thuyết, Obote có thể yên tâm – Amin không đe dọa y, ảnh hưởng của hắn trong quân đội rất hạn chế. Nhưng ngay từ những giờ đầu tiên của đêm 25 tháng Giêng năm 1971, khi chiếm các doanh trại ở Kampala, Amin và những người mà hắn tin cậy đã áp dụng chiến thuật gây bất ngờ tàn bạo: nổ súng ngay. Chúng bắn vào mục tiêu được xác định rõ ràng – vào lính Langi và Acholi. Việc gây bất ngờ có hiệu quả làm tê liệt: không ai kịp chống cự. Ngay trong ngày đầu tiên đã có hàng trăm người chết trong các doanh trại. Và cuộc tàn sát vẫn tiếp tục. Từ khi đó, Amin luôn dùng phương pháp này: nổ súng ngay. Nhưng hắn không chỉ bắn các kẻ thù của mình. Điều này đối với hắn thật hiển nhiên và đơn giản. Hắn đi xa hơn: thanh toán không suy nghĩ tất cả những ai hắn cho rằng có thể trở thành kẻ thù. Thêm vào đó, nỗi kinh hoàng trong đất nước của Amin là việc áp dụng tra tấn phổ cập. Trước khi bỏ mạng, người ta bị đem đi tra tấn.
Mọi thứ xảy ra ở một xứ quê mùa, trong một thành phố nhỏ. Các phòng tra tấn nằm trong những toà nhà trung tâm. Cửa sổ luôn mở, vì đây là xứ nhiệt đới. Người đi ngang qua phố có thể nghe thấy những tiếng kêu thét, rên rỉ, tiếng súng bắn. Ai rơi vào tay những kẻ hành hình cũng đều biến mất. Số lượng những người mà ở châu Mỹ La tinh được gọi là desaparecido (những người đã bỏ mạng, đã biến mất) lớn lên nhanh chóng. Anh ta ra khỏi nhà và không trở về nữa. “Nani?” – cảnh sát thường hỏi khi người nhà yêu cầu giải thích – “Nani?” (tiếng Swahili nghĩa là “ai?”, con người chỉ là một dấu chấm hỏi).
Uganda bắt đầu biến thành sân khấu bi thảm đẫm máu của diễn viên duy nhất – Amin. Một tháng sau đảo chính, Amin tự phong mình là tổng thống, sau đó là nguyên soái, tiếp theo là đại nguyên soái và cuối cùng – đại nguyên soái vĩnh viễn. Hắn luôn luôn gắn cho mình thêm các huân chương, huy chương mới. Nhưng hắn cũng thích mặc quân phục chiến đấu bình thường, để lính nói về hắn: “Ông ta cũng dân dã như mình”. Hắn đi những chiếc xe hơi khác nhau tùy quần áo. Mặc com lê dự tiệc thì đi Mercedes sẫm màu. Mặc đồ thể thao và áo khoác thì xe Maserati đỏ. Mặc quân phục chiến đấu thì xe Range Rover quân sự. Chiếc xe này trông như trong phim viễn tưởng khoa học: cả rừng ăng ten mọc ra, các loại dây thép, dây điện, đèn pha. Trong xe hắn chở lựu đạn, súng, dao. Hắn vũ trang như vậy vì lúc nào cũng sợ bị ám sát. Hắn đã kinh qua vài bận. Những lần ấy, tất cả chết hết: các sĩ quan phụ tá và vệ sĩ của hắn. Amin thì chỉ phủi bụi, chấn chỉnh lại quân phục. Để đánh lạc hướng, hắn đi những chiếc xe hoàn toàn ngẫu nhiên. Người đi trên phố có thể thình lình trông thấy Amin ngồi sau tay lái một chiếc xe tải.
Amin không tin tưởng ai, vì vậy không có ai trong số những người thân cận nhất của hắn biết đêm nay hắn sẽ ngủ ở đâu, ngày mai hắn sẽ sống nơi nào. Trong thành phố, hắn có vài dinh thự, bên hồ Victoria có mấy cái khác, và những cái khác nữa ở các vùng quê. Xác định xem hắn ở đâu là việc vừa khó vừa nguy hiểm. Tự hắn liên lạc với thuộc cấp và quyết định sẽ nói chuyện với ai, muốn gặp ai. Hơn nữa đối với nhiều người, cuộc gặp gỡ này sẽ kết thúc một cách bi thảm. Nếu Amin nghi ngờ ai, hắn mời anh ta đến nhà. Hắn vui vẻ, thân mật, đãi khách uống Coca-Cola. Nhưng những kẻ hành hình đã chờ sẵn vị khách mời khi anh ta ra về. Không một ai sau đó biết được chuyện gì xảy ra với con người ấy.
Amin thường gọi điện thoại cho thuộc cấp. Hắn cũng sử dụng đài phát thanh. Khi tuyên bố các thay đổi trong chính phủ hay các chức vụ trong quân đội – mà hắn tiến hành các thay đổi liên tục – hắn phát ngôn điều đó trên đài.
Ở Uganda chỉ có một đài phát thanh, một tờ báo nhỏ (Uganda Argus), một camera quay phim cho Amin và một phóng viên nhiếp ảnh xuất hiện trong các buổi lễ. Tất cả đều chỉ duy nhất hướng tới hình ảnh của nguyên soái. Khi di chuyển, Amin dường như mang cả nước theo mình, ngoài hắn ra thì không có gì hoạt động, không có gì tồn tại. Không tồn tại quốc hội, không có các đảng chính trị, công đoàn hay các tổ chức khác. Tất nhiên là không tồn tại một phe đối lập nào – những người bị tình nghi là đối lập đều chết trong đau đớn.
Hậu thuẫn của Amin là quân đội mà hắn lập ra theo khuôn mẫu quân đội thực dân, hình mẫu duy nhất mà hắn biết. Trong quân đội chủ yếu là dân các cộng đồng nhỏ sống ở những vùng ngoại biên hẻo lánh của châu Phi, các vùng biên giới Uganda và Sudan. Họ nói các thứ tiếng Sudan, khác với dân Uganda chính gốc nói tiếng Bantu. Những người bình thường ít học thì không thể giao tiếp với nhau. Nhưng đó cũng chính là mục đích: để họ cảm thấy xa lạ, để họ bị cô lập và hoàn toàn phụ thuộc vào Amin. Khi có chiếc xe tải chở họ đến, người người hoảng sợ, phố phường vắng ngắt, làng quê không còn một bóng người. Lũ lính dã man, điên khùng và thường say rượu cướp bóc tất cả những gì có thể cướp được và đánh đập bất cứ ai rơi vào tay chúng. Không có bất cứ lý do gì, không rõ tại sao. Chúng tịch thu hàng của người bán (nếu có, vì những năm Amin cầm quyền là thời các giá hàng trống trơn. Khi tôi đến Kampala vào những năm ấy, có người khuyên tôi mang bóng điện theo. Bởi vì ở khách sạn có điện, nhưng không có bóng đèn). Chúng cướp mùa màng, gia súc, gia cầm của nông dân. Lúc nào cũng nghe thấy bọn lính này gào lên “Chakula! Chakula!” (tiếng Swahili nghĩa là “ăn, thức ăn”). Thật nhiều thức ăn, cả tảng thịt, cả nải chuối, cả tô đậu – chỉ có thế mới làm chúng đỡ đói trong chốc lát.
Amin có thói quen đi thăm các đơn vị nằm rải rác khắp nơi trong nước. Khi đó, các binh sĩ tập trung ở quảng trường. Nguyên soái phát biểu. Hắn thích nói hàng giờ liền. Để tạo bất ngờ, hắn đem theo mình một nhân vật có tiếng nào đó trong giới quân sự hoặc dân sự, người bị hắn tình nghi về tội phản bội, âm mưu hay đảo chính. Bị cáo, trước đó đã bị đánh đập và làm cho bất tỉnh vì khiếp đảm, bị trói bằng dây và bắt đứng lên bục cao. Đám đông bị cảnh tượng này kích động, hú lên như bị ma nhập. “Tôi phải làm gì với hắn đây?” Amin hỏi, cố gắng át tiếng họ. Đám đông gào lên: “Kill him! Kill him now!”.
Quân đội luôn luôn sẵn sàng chiến đấu. Amin từ lâu đã tự phong cho mình danh hiệu Người Chinh phục Đế quốc Anh, giờ đây quyết định sẽ giải phóng những người anh em còn đang rên xiết dưới ách thực dân. Hắn bắt đầu hàng loạt các cuộc diễn tập quân sự khó khăn và tốn kém. Quân đội của hắn tập bài giải phóng Cộng hòa Nam Phi. Các tiểu đoàn tấn công “Pretoria” và “Johannesburg”, pháo nã vào các vị trí của quân thù trên cảng “Port Elizabeth” và “Durban”. Amin theo dõi chiến sự qua ống nhòm từ trên hàng hiên biệt thự mang tên Command Post, giận dữ vì sự chậm chạp của tiểu đoàn Jinja đáng lẽ đã phải chiếm được “Cape Town” từ lâu. Vậy là hắn lên xe, đầy kích động, đi từ điểm chỉ huy này đến điểm chỉ huy khác, mắng nhiếc đám sĩ quan, khích động tinh thần chiến đấu của các tiểu đội. Các trái đạn pháo rơi xuống Hồ Victoria, làm bắn lên những cột nước và khiến cho dân chài hoảng sợ.
Hắn là con người có sinh lực bất tận, luôn luôn sôi nổi, luôn luôn hoạt động. Nếu thỉnh thoảng có triệu tập phiên họp chính phủ với tư cách tổng thống, thì hắn cũng chỉ có thể ngồi ở đó không lâu. Nhanh chóng cảm thấy chán, hắn đứng dậy khỏi ghế và đi ra ngoài. Hắn có những suy nghĩ bốc đồng, nói năng lộn xộn, không hết câu. Hắn đọc tiếng Anh chật vật, biết tiếng Swahili tàm tạm. Hắn làm chủ tốt thổ ngữ Kakwa của mình, nhưng không mấy người biết thổ ngữ này. Chính các thiếu sót ấy khiến hắn được yêu thích trong giới bayaye: hắn giống như họ, máu giống máu, xương giống xương.
Amin không thân thiết với ai hết, cũng không cho phép ai biết hắn lâu và sâu. Hắn sợ mối quan hệ như thế sẽ giúp người khác tổ chức âm mưu chống lại hay lật đổ hắn. Hắn thường thay chỉ huy của hai đơn vị cảnh sát ngầm mà hắn lập ra để khủng bố đất nước: Public Safety Unit (Đơn vị An ninh Công cộng) và State Research Bureau (Cơ quan Nghiên cứu Nhà nước). Trong đơn vị thứ hai này có bayaye của các sắc dân Sudan có quan hệ với nhau: Kakwa, Lugabra, Madi, và người Nubian bà con của họ. SRB gieo rắc kinh hoàng ở Uganda. Sức mạnh của nó là ở chỗ mỗi thành viên đều có thể liên lạc trực tiếp với Amin.
Một lần tôi đi loanh quanh trong khu chợ ở Kampala. Vắng tanh, nhiều sạp hàng bị sập, nằm chỏng chơ. Amin đã vắt kiệt và tàn phá đất nước này. Ngoài phố không thấy người đi lại, các cửa hàng mà trước đây Amin tịch thu của người Ấn thì mốc meo hoặc đơn giản là bị niêm lại bằng các tấm gỗ, tấm tôn hay gỗ dán. Thình lình, một đám trẻ con vừa kéo nhau chạy từ hồ lên vừa kêu to: “Samaki! Samaki!” (tiếng Swahili nghĩa là cá). Mọi người chạy lại ngay, mừng rỡ vì sẽ có gì đó để ăn. Các dân chài ném chiến lợi phẩm của mình lên cái bàn và khi mọi người nhìn thấy nó, họ đột nhiên im bặt, bất động. Con cá béo và lớn. Hồ này từ xưa vốn không có cá to và béo nứt như vậy. Mọi người đều biết các tay sai của Amin từ lâu luôn luôn ném xác các nạn nhân của mình xuống hồ. Cá sấu và các loài cá ăn thịt khác lấy đó làm thức ăn. Im lặng bao trùm quanh cái bàn. Bất ngờ và vô tình, một chiếc xe tải quân sự đi tới. Tụi lính nhìn thấy đám đông, thấy cả con cá trên bàn và dừng lại. Chúng trao đổi với nhau một lát. Rồi chúng lùi đuôi xe vào cái bàn, nhảy xuống đất và mở thùng xe ra. Chúng tôi, những người đứng gần, nhìn thấy trên sàn thùng xe một cái xác đàn ông. Chúng tôi thấy bọn chúng khiêng con cá ném vào thùng xe, còn con người trần truồng đã chết thì chúng quẳng lên bàn, và chúng lên xe đi ngay. Rồi chúng tôi chỉ còn nghe thấy giọng cười thô lỗ, điên dại của chúng.
Chính quyền Amin kéo dài tám năm. Theo các nguồn khác nhau, đại nguyên soái vĩnh viễn đã giết từ 150 đến 300 nghìn người. Sau đó hắn tự gây ra sự diệt vong của mình. Một trong những điều ám ảnh hắn là lòng căm thù đối với tổng thống nước Tanzania láng giềng – Julius Nyerere. Cuối năm 1978, Amin tấn công Tanzania. Quân đội nước này đáp trả. Quân đội Nyerere tiến vào Uganda. Amin trốn sang Libya, sau đó hắn được Ả rập Xê út cho định cư để thưởng công cho việc truyền bá đạo Hồi. Quân đội của Amin tan rã, một phần trở về nhà, một phần sống tiếp bằng nghề cướp bóc. Tổn thất của quân đội Tanzania trong cuộc chiến này: một chiếc xe tăng.
Gỗ Mun Gỗ Mun - Ryszard Kapuściński Gỗ Mun