Chương 16 : Những Phản Ứng Chậm
áng sớm ngày 16 tháng Tám, một xe vận tải nhà binh chạy chậm qua những đường phố còn vắng vẻ ở Đông Kinh. Đường nhiều ổ gà khiến cỗ quan tài để sau xe bị lắc mạnh. Trong quan tài là thi hài một quân nhân lừng đanh, Đô đốc Okishi cha đẻ của lực lượng quyết tử Thần Phong.
Trong ngày hôm qua Okishi đã tự sát và coi đó là một hành động sám hối sự thất trận của Nhật. Ở những giờ cuối cùng của cuộc chiến,ông đã nỗ lực một cách tuyệt vọng để ngăn chặn cuộc đầu hàng. Mọi vận động của ông đều vấp phải sự thờ ơ, lạnh nhạt của đồng đội.
Sau khi nghe quyết định cuối cùng của nhà vua, Đô đốc Okishi lui về tư dinh đểHara-Kiri. Từ chối mọi sự giúp đỡ ở giờ phút lâm chung, ông gục nằm trên vũng máu gần 18 tiếng đồng hồ trước khi thở hơi cuối cùng. Thi hài ông lúc này được đưa hỏa táng, nhưng linh hồn ông có lẽ còn lâu mới được an nghỉ.
Cũng trong buổi sáng sớm ngày 16, hai người tới Bộ Chiến tranh trên đồi Ichigaya. Đại tá mật vụ Isu-kamoto dẫn cha đẻ của Đại tá Ida đến đây để khuyên giải con.
Sau khi rời bỏ hàng ngũ loạn quân, Đạị tá Ida đã sống hai mươi bốn giờ đồng hồ trong đau đớn. Bị choáng váng vì cái chết của Đại tướng Anami, anh trở về gia đình ngày hôm qua và tính đến việc tự sát. Suốt ngày anh nằm dài trên giường, cho đến 6 giờ chiều anh ngỏ lời vĩnh biệt vợ và dặn chị sáng hôm sau đến Bộ Chiến tranh đem xác anh về. Rồi anh tới đây quì xuống kêu khóc trước thi hài ba người anh vừa kính trọng vừa thương yêu: Anami, Hatanaka và Shizaki. Anh nhất định chết theo họ.
Khi Isukamoto và bố đẻ Ida tới Bộ Chiến chanh thì vợ của Ida đã có mặt tại đây để đóng vai quả phụ và xin xác chồng đem về làm đám táng.
Có tiếng cười nói ở hành lang, rồi Đại tá Arao, cựu phát ngôn viên của loạn quân xuất hiện. Đi bên cạnh anh là một sĩ quan đồng cấp bậc, đó là Đại tá Ida.
Thì ra anh vẫn còn sống. Thấy anh tươi cười, chị vợ anh nổi sùng: «Thế mà anh dám bảo anh tự sát. Đồ hèn».
Trong khi người quả phụ đó la hét thì Ida vẫn cười rất tươi rồi nói: «Chính anh Arao đây đã đem anh ra khỏi cõi chết». Anh cố giải thích cho vợ hiểu, anh không hèn, nhưng vợ anh nhất định không chịu hiểu cho anh. Hành lang Bộ Chiến tranh vang lên những tranh cãi về vấn đề danh dự gia đình. Ida quay gót, bỏ mặc vợ, cha đẻ và đồng đội, để đi ra khỏi Bộ Chiến tranh. Bây giờ anh không sợ cái sống, và anh muốn sống!
Tại Bắc Kinh thuộc miền Hoa Bắc, Đại tá mật vụ Hoa kỳ Kellis sau khi nghe bài diễn văn của vua Nhật, biết rằng giờ hành động đã đến. Ông báo cho viên tướng Tàu bù nhìn, ông cần tiếp xúc ngay với giới chức cao cấp Nhật ở Bắc Kinh.Sáng ngày16, một Đại tá Nhật đi tới tư dinh viên tướng Tầu để trao cho Kellis bức thư của Tướng Takahashi nói sẵn sàng gặp Kellis. Vội vàng mặc lại bộ quân phục. Đại tá Hoa Kỳ Kellis tới gặp ngay Tướng Takahashi.
Tới Bộ Tư lệnh Nhật, Kellis được dẫn vào văn phòng của Tướng Takahashi. Hai người chào nhau rất lịch sự. Kellis tự giới thiệu:«Tôi là Đại tá James Kellis, sĩ quan liên lạc của Tướng Wedemeyer. Tôi đến đây để xin đương cuộc Nhật trả lại tự do ngay cho tù binh Đồng minh ».
Takahashi mỉm cười rồi nói: « Tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với Đại tá trong việc này ».
Họ bắt đầu thảo luận ngay về chi tiết hồi hương tù binh Đông Kinh.
Ở về phía Đông Bẳc Bắc Kinh, một chiếc máy bay trên vùng trời Mãn Châu. Chiếc máy bay này cất cánh từ ở căn cứ Hsian, phía Tây Nam Trung Hoa có nhiệm vụ cấp cứu tù binh Đồng minh tại trại Holen ở Phụng Thiên, thủ đô Mãn Châu. Cuộc hành binh nhẩy dù này gồm sáu nhân viên và được đặt dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Hennessy. Vùng này là trung tâm của Quân đoàn Quan Đông của Nhật, nổi tiếng dữ dội từ trên mười năm nay. Đoàn nhảy dù khi chạm xuống mặt đất đã gặp nhiều khó khăn về phía binh sĩ Nhật trấn đóng Phụng Thiên, và nhiều lúc tưởng lâm nguy đến tính mạng. Phải chờ cho đến sáng ngày 17/8, Thiếu tá Hennessy và nhân viên của ông mói được vào thăm tù binh Đồng minh trong trại Holen. Lúc này Hennessy mới biết Tướng Wainwright không có mặt ở đây, ông bị giam ở trại giam cách Phụng Thiên chừng 150 cây số về phía Đông Bắc.
Nhật Bản chưa kịp trả lời điện văn thứ nhất thì đã nhận được điện văn thứ hai của Mac Athur. Ở điện văn này, Tư lệnh tối cao lực luợng Đồng minh yêu cầu Nhật gởi gấp một phái bộ đi Manila để thương thuyết nhiều vấn đề quan trọng với Đồng minh. Mac Arthur muốn Nhật đệ trình tất cả những bí mật của quân Nhật, và tiếp nhận chương trình chiếm đóng của quân lực Đồng minh.
Ở Nhật không có ai ham hố công tác này. Tuy có thiện chí thỏa mãn yêu cầu của Mac Arthur, nhưng các cấp chỉ huy quân sự đều cảm thấy rùng rợn trước việc phanh phui cho địch biết cơ cấu quốc phòng. Đúng lý thì Đại tướng Umezu, Tham mưu trưởng quân lực Nhật phải cầm đầu phái Bộ đi Manila. Umezu tuyệt đối từ chức việc này, nên nhiệm vụ được trút xuống cho tướng Tham mưu phó Kawabé. Không có cách gì từ chối. Kawabé phải nhận công tác và bắt đầu tuyển lựa nhân viên phái bộ. Mười lăm nhân vật thuộc giới chính trị và quân sự bị chỉ định tham gia phái bộ, một số bỏ trốn vào rừng núi, và tướng Kawabé phải tìm người khác thay thế ngay. Phái bộ gấp rút chuẩn bị lên đường ngay ngày hôm sau.
Chiều ngày 16 tháng Tám, đài phát thanh JNP ở Đông Kinh đã trả lời điện văn số 1 của tướng Mac Arthur. Lời lẽ điện văn trả lời rất lễ phép và biểu lộ thiện chí hợp tác cao độ.
«... Hoàng đế Nhật lúc 16 giờ ngày 16 tháng tám đã hạ lệnh cho toàn thể quân lực phải ngừng bắn ngay lập tức.
Lệnh này được trù liệu sẽ tới tiền tuyến có hiệu lực sau thời gian được kể như sau:
- A. Tại chính quốc Nhật Bản sau 48 tiếng đồng hồ.
- B. Tại Trung Hoa, Mãn Châu, Triều Tiên,Nam Thái Bình Dương (không kể Bugainville), Tân Guiné, Phi Luật Tân, sau 6 ngày.....
Nhằm mục đích thực thi lệnh nói trên của Hoàng đế Nhật, những người trong Hoàng tộc sẽ đại diện Hoàng đế đích thân tới Bộ Chỉ huy của Quân đoàn Quan Đông, của các lực lượng viễn chinh ở các nơi...»
Trong khi nhà cầm quyền Nhật đang tìm cách tháo gỡ bộ máy chiến tranh thì nhiều khó khăn khác lại xẩy ra trên con đường dẫn tới hòa bình. Chương trình của phái bộ Kawabé đang bị đe dọa vì một âm mưu nhằm bắn phá chiếc phi cơ chở mười sáu người đi liên lạc với địch. Có tin đồn, phi cơ của phái bộ Kawabé sau khi cất cánh khỏi Đông Kinh sẽ bị một không lực thuộc căn cứ Atsugi tấn công trên không trung.
Được chết cái chết của một quân nhân, dù là chết dưới tay đồng bào, đối với nhiều người trong phái bộ vẫn còn là điều đang mơ ước hơn là làm cái việc đang chờ họ ở Manila. Nhưng dù sao họ vẫn hiểu cần phải thực hiện cuộc bàn giao quyền hành trong trật tự. Đại tá hải quân Ohmac, hai ngày trước đây chủ trương chiến đấu đến người cuối cùng, bây giờ cũng thấy cần phải thi hành đứng đắn những điều khoản đầu hàng.
Chập tối ngày 16, Đông Kinh gởi cho Manila một điện văn xin được hoãn ngày phái bộ khởi hành đi Manila 48 giờ đồng hồ vì những khó khăn nội bộ. Mac Arthur chấp thuận và ngày lên đường của phái bộ được chỉ định 19 tháng Tám.
Lãnh tụ nhóm mưu loạn tại căn cứ không quân Atsugi là Đại tá hải quân Kosono, một người Nhật thích tiếp tục cuộc chiến tranh đến cùng. Trong nhiều tháng qua anh đã nỗ lực một cách tuyệt vọng đế tránh bại trận.
Là một chiến thuật gia không quân lừng danh, Kosono được trao quyền chỉ huy căn cứ Atsugi để bảo vệ Đông Kinh chống lại những trận không tập của phóng pháo cơ B-29 Hoa Kỳ. Hàng ngày được chứng kiến những phi cơ Nhật bốc cháy trên vòm trời, Kosono rất lo âu cho sự sinh tồn của tổ quốc anh. Tự biết không có cách gì chặn đứng những trận đánh phá bằng B-29, anh đặt hết hy vọng vào việc đánh bại cuộc đổ bộ tương lai của địch quân. Có vậy Nhật mới có thể đòi hỏi một nền hòa bình có điều kiện. Anh khuyến khích các chiến hữu phải giữ vững tin tưởng và lạc quan. Nhiều người cười anh. Nổi sùng, Kosono quyết định: Những người yếu hèn có cần phải trục xuất ra những vị trí chỉ huy.
Ngày 7 tháng Tám, Đại tá Kosono yêu cầu đô đốc Okishi cho anh được về làm việc tại bộ Tổng tham mưu hải quân. Anh liền có một chương trình cải tổ các cấp chỉ huy hải quân. Chương trình đó anh chưa kịp thi hành thì đã có tin đồn Chính phủ Nhật vận động xin đầu hàng. Cuộc thuyên chuyển anh về Bộ tham mưu bị đình hoãn, anh lại phải duyệt xét lại chiến lược.
Bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau, Đại tá Kosono hoạt động trở lại, và tìm cách thuyết phục các nhà chỉ huy hải quân phải tiếp tục chiến tranh. Trong nhiều cuộc thảo luận những đề nghị của anh không được mấy người chú ý đến. Nhưng Kosono không chịu từ bỏ ý định. Với một số rất ít đồng chí, ngày đêm anh tận lực làm việc để hoạch định một chiến lược. Vào tuằn lễ thứ hai của tháng Tám anh đã thuyết phục được một nhóm người đáng kể tham gia mưu đồ của anh ở căn cứ không quân Atsugi. Để đề phòng sự xung đột giữa các phe phái trong hải quân, ngày 14 tháng Tám Kosono tới tiếp xúc với Đô đốc Kudo tại Bộ Tư lệnh hải quân ở Yokosuka.
Khi Kosono xông vào phòng, thì Kudo sẳp sửa dùng bữa. Kudo biết ngay anh này đang trong tình trạng tuyệt vọng, sắp gây chuyện nên ông hết sức thận trọng trong cuộc tiếp xúc.
Mở đầu Kosono giải thích những vấn đề mà anh đã nhiều lần đem ra thảo luận với các giới quân sự. Sau đó anh đi thẳng vào mục đích cuộc tiếp xúc này: «Thưa Đô đốc, thật tình tôi không muốn bắn giết đồng bào. Kẻ thù của tôi là Hoa Kỳ. Vậy tôi yêu cầu Đô đốc chớ có gởi quân đến đánh tôi ở căn cứ Atsugi».
Đô đốc Kudo ngồi nghe ông khách trẻ tuổi, rồi ông điềm tĩnh cam kết: «Kosono, việc đó sẽ không xảy ra đâu, anh khỏi lo!».
Kosono trở về Atsugi để chuẩn bị kéo dài cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ. Khi về tới nơi, một phụ tá báo cho anh biết, nhà vua triệu tập cuộc họp thứ hai trong Hoàng cung, để yêu cầu nội các chấp nhận tuyên ngôn Postdam. Tin này làm choáng váng viên Đại tá gần như kiệt lực vì bỏ ăn bỏ ngủ trong bẩy mươi hai tiếng đồng hồ vừa qua.
Nhưng rồi anh cũng phải lên giường nằm, rồi bệnh sốt rét rừng cứ lại tái phát để hành hạ cơ thể suy nhược của anh. Anh phải cho gọi y sĩ và y sĩ bảo bệnh tình anh nguy đến tánh mạng, phải tuyệt đối nằm dưỡng bệnh. Anh bất chấp lời khuyên của bác sĩ nên mấy tiếng đồng hồ sau anh vùng dậy đi vận động một số sĩ quan cao cấp ở Đông Kinh. Anh sung sướng ghi nhận mỗi người đều cam kết tham gia mưu đồ của anh. Trở về Atsugi, anh vững tin có thể trừng trị đích đáng bọn dối vua lừa nước bao quanh Hirohito.
Ngày hôm sau, 15 tháng Tám, sau khi nghe xong diễn văn của Nhật Hoàng, Kosono lên diễn đàn đặt gần phi đạo căn cứ Atsugi để ngỏ lời với anh em chiến sĩ không quân. Anh nói: «Tôi nhận định rằng, với việc chính phủ chấp nhận Tuyên ngôn Postdam, quân lực Nhật sẽ bị giải tán. Vì vậy từ lúc này trở đi sẽ có một cuộc chiến tranh nhân dân để bảo vệ đất nước. Nếu anh em nào muốn chiến đấu với tôi thì ở lại đây. Còn anh em nào không muốn chiến đấu thì có thể đi về nhà. Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu với sự tin tưởng tuyệt đối ở thắng lợi cuối cùng ».
Sau những lời ngắn ngủn Kosono bỏ đi, để mặc cho cả ngàn chiến sĩ không quân có dịp nghĩ về quyết định của họ. Mấy tiếng đồng hồ sau khi có việc đi qua trại, anh ghi nhận tinh thần binh sĩ rất cao, và anh cảm thấy khích lệ vô cùng.
Trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ sau, những truyền đơn in cấp tốc tại căn cứ Atsugi được trải xuống Đông Kinh. Đây là lời lẽ của Đại tá Kosono:
«Viên chức Chính phủ và chính khách già lão mắc bẫy địch đã khuyến dụ Hoàng thượng ban thông điệp chấm dứt cuộc chiến. Đây là một việc làm kinh khủng. Hoàng thượng là người của nhà trời. Không thể có việc Nhật Bản đầu hàng. Quân lực Hoàng gia không bao giờ đầu hàng. Những chiến sĩ không quân chúng tôi nhứt định sẽ toàn thắng».
Chính phủ Nhật lập tức có phản ứng. Chiều ngày 16, một chiếc xe hơi nhà binh tiến vào căn cứ Atsugi, phía trước có cắm kỳ hiệu của Đô đốc Teraoka, cấp chỉ huy trực tiếp của Kosono thuộc quân khu Đông Kinh.
Nghĩ Teraoka đến đây hẳn không phải để thăm viếng xã giao, nên Kosono cắt ba sĩ quan tiếp ông ở phòng ngoài. Rồi theo lời yêu cầu của Teraoka, anh dẫn ông vào phòng riêng để cùng mật đàm. Teraoka đòi anh phải giải thích những việc làm của anh. Kosono vui vẻ nói: «Hoàng thượng muốn hy sinh để cứu nước. Ngài như là cha muốn gánh chịu tiếng xấu của con cái. Bổn phận làm con, liệu Đô đốc có thể đứng yên nhìn cha làm việc đó không? Chúng ta phải chiến đấu». Kosono thao thao bất tuyệt trong khi Teraoka chăm chú nghe và quan sát anh. Kosono nói tiếp: «Lời tuyên bố của Hoàng thượng về việc chấm dứt chiến tranh chứng tỏ Ngài có điều buồn khổ trong tâm hồn. Chúng tôi phải nỗ lực để giải tỏa nỗi buồn khổ cho Ngài. Đó là bổn phận của chúng ta».
Konoso nói nhiều câu có thể khiến Đô đốc Teraoka nổi sùng, nhưng ông vẫn điềm tĩnh trả lời Kosono: «Anh nên trung với vua, hay bất trung chỉ cách nhau sợi tóc. Trong hiện tình đất nước, anh không nên hành động một cách khinh xuất». Nói rồi ông bước ra khỏi phòng, đi giữa hai hàng đồng chí của Kosono, tay cầm gươm tuốt trần.
Trở về Đông Kinh, Teraoka báo cáo tình hình ở căn cứ Atsugi lên Đô đốc Yonai, Bộ trưởng Bộ Hải quân, và ông này quyết định Kosono là thành phần nguy hiểm, cần phải thanh toán ngay tức khắc. Giữa nhiều biện pháp có thể thi hành, Yonai lựa chọn biện pháp ôn hòa nhất. Ông tới gặp ông Hoàng Takamatsu, em của Hirohito và là bạn thân của Kosono, và yêu cầu ông Hoàng này khuyên giải Kosono. Takamatsu nghe lời Yonai nhưng Đại tá Kosono từ chối nghe ông. Anh xúc tiến cuộc mưu loạn.
Nửa đêm hôm đó Kosono vẫn còn ngồi ở bàn giấy để hoàn tất chiến cuộc táo bạo. Đột nhiên bàn tay anh, rồi toàn thân anh run cầm cập. Phụ tá của anh vội vã đi gọi bác sĩ, và khi họ về đến nơi họ thấy Đại tá Kosono mình đẫm mồ hôi, phủ phục trên gối, miệng lẩm bẩm gọi tên những thần linh Nhật Bản. Người ta đưa anh vào bệnh viện và thế là cuộc chiến tranh đối với anh kết liễu thực sự.
Đế Quốc Nhật Giãy Chết Đế Quốc Nhật Giãy Chết - William Craig Đế Quốc Nhật Giãy Chết