Chương 16: Tòa Án Khắc Nghiệt
iáo hội Tây Ban Nha bắt đầu lo ngại quyền lực đang từ từ rời khỏi tay mình từ sau lễ đăng quang của Hoàng đế Napoléon. Chính vì thế chúng giãy giụa một cách tuyệt vọng để cố giành lại ưu thế, bằng những hành động đàn áp khủng bố trắng trợn và tàn bạo. Giáo hội đã cho bọn mật vụ tiến hành những cuộc vây ráp, bắt bớ hàng loạt. Gần như ngày nào cũng có cuộc thiêu sống những mụ phù thủy và hành quyết bọn người được gán tội là tà giáo.
Giáo hội còn quyết định giáng đòn trừng phạt vào những nhân vật cao hơn. Một bản danh sách những người nguy hiểm đối với giáo hội đã được bí mật xét duyệt và cơ quan mật vụ đã đến gõ cửa cả những tòa dinh cơ đồ sộ nhất Madrid.
Francisco Goya là một trong số những người đầu tiên được ghi trên bản danh sách bí mật ấy. Một đêm kia, anh bị bắt giữ mà không tuyên bố vì lý do gì. Họ chỉ cho anh vài phút để mặc quần áo, sau đó anh bị nhốt xuống hầm kín của tòa án giáo hội.
Cái hầm anh bị nhốt ở sâu dưới lòng đất. Nó là một cái ngách hẻm ẩm thấp và hôi hám, không có khí trời và ánh sáng, trong hầm lúc nhúc chuột bọ, chỉ có một tấm ván dùng làm giường nằm. Bọn lính gác mặc toàn đồ đen, âm thầm lặng lẽ, một ngày hai lần chúng mang bữa ăn đến cho anh. Bữa ăn gồm nước súp loãng và bánh mì đen. Không một ai được phép đến thăm tù nhân. Anh biết là những hầm bên cạnh đều có người bị nhốt nhưng tường ngăn quá dày nên không một tiếng động nào vọng qua được. Tình cảnh giống hệt như nằm dưới đáy mộ sâu.
Trong màn tối âm u đó, chỉ có gương mặt trong sáng của Maria Cayettana ám ảnh anh. Anh tự nghiêm cấm mình không được nghĩ đến nàng, sợ sẽ hóa điên. Để duy trì sức sống, anh cố tưởng tượng đến những tác phẩm mà anh sẽ hoàn thành sau khi được phóng thích. Nhưng anh biết đó chỉ là hy vọng hão huyền. Giáo hội không buông tha những tù nhân của chúng. Những con người khốn khổ này chỉ còn một con đường để trốn chạy là cái chết.
Một ngày nọ, có ba người trùm vải đen kín mít đến dẫn anh lên mặt đất. Ánh sáng ban ngày đột ngột làm anh lóa mắt. Thân hình tiều tụy ốm yếu, hai mắt bị quáng lòa. Anh cảm thấy dửng dưng với tất cả. Anh biết là chúng đang sửa sang người ngợm và quần áo cho anh. Mấy tên lính cắt tóc, cạo mặt cho anh, mặc cho anh một chiếc áo bằng vải thô. Chúng đưa đến một miếng bánh và thịt cừu, nhưng anh chỉ ăn được vài miếng vì dạ dày bị co bóp không chịu nổi. Nghĩ đến những ngày bị cái đói triền miên dày vò, anh bỗng cất tiếng cười sằng sặc. Bọn quân lính lắc đầu ái ngại. Họ đưa mắt nhìn nhau như ngầm bảo: "Lại một tù nhân hóa điên vì bị quỷ ám".
Tuy vậy, bọn chúng vẫn im lặng và khi Goya ra hiệu không ăn nữa, thì chúng dìu anh vào một căn phòng rộng có vòm trần rất cao. Đó là tòa án giáo hội.
° ° °
Anh đưa mắt nhìn quanh lo lắng.
Một hành lang dài chạy dọc theo gian phòng lớn, trong đó anh thấy đông đảo những nhà quý tộc, những mệnh phụ phu nhân, những ông lớn bệ vệ đứng chen chúc, cố vươn cổ ra nhìn bằng đôi mắt tò mò chăm chú.
Anh nhìn đám đông nhớn nhác ấy một lượt, khi biết rằng không có Maria Cayettana ở đây, anh không để ý đến họ nữa. Bọn lính dẫn anh đến trước bục của tòa án và ra hiệu cho anh quỳ lạy. Nhưng anh chỉ hơi cúi đầu chào ba vị quan tòa rồi lẳng lặng ngồi xuống chiếc ghế mà người ta để cho anh.
Sau đó, lão công tố viên trưởng bước tới trước bục, cúi chào các vị thẩm phán quan, rồi quay sang Francisco.
- Anh là Francisco Goya, nghệ sĩ tà giáo?
- Tôi là Goya, họa sĩ. - Anh trả lời với một vẻ bình tĩnh mà chính anh cũng phải kinh ngạc.
- Anh biết là nếu anh không khai đúng sự thật trước tòa thì anh sẽ bị phanh thây chứ?
- Tuy không biết rõ chi tiết ấy, nhưng tôi nghĩ sự việc này sẽ kết thúc một cách không lấy gì làm vui vẻ.
Lão công tố viên trưởng cau mày, rút ra dưới áo một tập ấn bản "Những chuyện kỳ quái":
- Tập sách này xuất bản mang tên anh. Anh có thú nhận anh là tác giả những bức họa này không?
- Sao phải thú nhận? Chính việc vẽ và in tranh ấy làm tôi sung sướng và hãnh diện chứ!
- Thưa quý tòa, - Lão công tố nói luôn - chính can phạm đã tự buộc tội rồi đấy. Tôi xin lấy một bức vẽ bất kỳ trong tập tranh này để chứng minh. Như bức tranh có nhan đề: "Lời vàng ngọc". Trong bức tranh thể hiện những giáo đồ đang say sưa nghe lời thuyết giáo của một con vẹt! Tại sao anh dám coi những giáo sĩ truyền đạo như những con vẹt?
- Không, tôi chỉ coi rằng có một số nào như vậy. Không ít những bọn mà chính chúng sẽ phát run lên vì sợ hãi nếu chúng phải ra trước những tòa án xử kín buộc những người lương thiện vào tội chết.
Đôi mắt lão công tố run lên vì tức giận, nhưng lão cố nén cơn phẫn nộ:
- Còn đây là một bức vẽ khác được đặt tên "Tác phẩm của anh hàng mã". Trong bức tranh, ta thấy một cái áo lễ với những phục sức của một giáo sĩ truyền đạo treo trên một cái cây, phía dưới là đám tín đồ quỳ gối. Nói khác đi, anh muốn chỉ ra rằng họ đều là bọn mù quáng điên rồ.
Francisco đứng bật dậy, bàn tay nắm chặt, nhưng anh phải cố nén để bình tĩnh lại.
- Tôi không cho phép ông diễn giải sai ý nghĩa những tranh vẽ của tôi. Những con người ấy không tôn thờ và quỳ gối trước những hình tượng ông giáo sĩ đâu. Họ quỳ gối trước một thằng bù nhìn.
- Thì một thằng bù nhìn mang lễ phục một giáo sĩ! Vậy mà anh dám nói là anh không nhạo báng nhà thờ.
- Trái lại chính là tôi tìm cách nâng cao uy tín của nhà thờ mà tôi yêu mến và tôn kính. Ngày sống ở Roma, tôi đã biết rõ nhà thờ, đã thấy nhà thờ cứu trợ, an ủi và nâng đỡ những người nghèo khổ, những kẻ bị đè nén. Nhưng tôi xin nói ngay rằng đó không phải là ở Tây Ban Nha. Ở đất nước này đây, dân chúng rên siết và quằn quại kêu gào vì những đau đớn bất hạnh của họ, song nhà thờ thì không nghe thấy gì hết.
- Thật thế không? Và tại sao lại như vậy?
- Chính là vì ảnh hưởng đen tối và quái đản của giáo hội. - Goya nói khẽ nhưng rành rọt, biết rằng nói thế là ký nhận vào bản án tử hình của mình, nhưng anh uất ức đến không còn kiềm mình được nữa. Biết bao nhiêu con người tài năng của đất nước, những con người đức độ, đầy lòng hy sinh bị ép chặt và mòn mỏi trong sự kìm kẹp của pháp chế và giáo luật. Những nỗi kinh hoàng đã xâm chiếm họ như một thứ tật bệnh, nếu họ vùng vẫy để thoát khỏi cái bóng tối của thời Trung cổ ấy thì tòa án, như kiểu tòa án pháp đình đây, sẽ có cách làm cho họ phải câm lặng vĩnh viễn.
Ba vị quan tòa chụm sát vào nhau và trao đổi thầm thì. Rồi vị thẩm phán ngồi bên phải tuyên bố:
- Cuộc thẩm vấn tiếp tục.
- Tôi xin tòa pháp đình lưu ý đến hai bức vẽ khác nữa, chúng là những bằng chứng mạnh mẽ nhất để kết tội tên họa sĩ tà đạo đang đứng trước tòa đây. Goya, có phải anh đã vẽ cái hội đoàn những mụ phù thủy này không? Bức tranh thể hiện một thứ lễ rao giảng ma quỷ do một con bò rừng đầu đội một vòng nguyệt quế chủ tọa?
Francisco hầu như quên mất tranh vẽ ấy, bức tranh mà hầu tước Doduna đã mua của anh từ lâu. Anh không nín cười được.
- Lời bình giảng của ông công tố hay thật! Tôi muốn tránh cho ông khỏi mất công đặt cho tôi nhiều câu hỏi khác về bức họa này. Tranh vẽ này đả kích những thói mê tín dị đoan của những người nông dân lạc hậu nước ta. Chính vì ông biết rõ đời hoạt động của tôi, nên chắc ông không thể quên rằng một Hồng y giáo chủ Italia đã từng viết cho tôi một bức thư dài, tỏ ý tán thành và ca ngợi bức vẽ này.
Lão công tố không nói gì, sắc mặt nhợt nhạt của ông ta càng tái thêm. Ông ta quay nhìn về phía cuối phòng và khoát tay ra hiệu. Hai người tiến lên, một người vác cái giá vẽ, người kia mang một bức họa cỡ lớn phủ một tấm vải đen. Những người dự phiên tòa đều chen lên phía trước để nhìn. Francisco nhận ra Don Manuel dé Godoi cũng có mặt trong phiên tòa. Goya chưa kịp nghĩ xem ông ta đến đây để làm gì thì lão công tố đã nói:
- Goya, dưới tấm vải che này, có chân dung một người mà anh đã vẽ. Bức họa này đã bị lên án là một họa phẩm đồi trụy mang tính chất tà dâm dơ bẩn. Đây là một hành động chống lại Thượng đế, chống lại con người.
- Tôi không bao giờ vẽ bức tranh nào mang ý nghĩa như thế.
- Anh có nhận là đã vẽ một người đàn bà khỏa thân?
- Dĩ nhiên. Có người họa sĩ nào lại không từng vẽ những người khỏa thân? Tôi đã vẽ đến cả hàng chục tranh khỏa thân ấy chứ.
- Goya, anh phải hiểu rằng vẽ người trần truồng là một tội đáng chết.
Tức giận đến nghẹn thở, Francisco lắp bắp:
- Ai nói vậy?
- Giáo hội.
- Nếu vậy tất cả họa sĩ bậc thầy từ thời xưa, dù họ có trung thành tận tụy đến thế nào cũng đều là những kẻ có tội và đồng minh của ma quỷ cả ư?
Một vị quan tòa cựa mình trên ghế, Goya nói tiếp:
- Nếu thế, tôi xin nói thêm rằng cả đức Chúa và tất cả những vị giáo chủ đều là những kẻ phạm tội vì đã khuyến khích và đồng tình với cái tội đáng chết ấy, nếu lời nói của ông công tố là đúng. Tôi đã từng nhìn thấy biết bao nhiêu hình tượng người khỏa thân ở tòa thánh Vatican và trong hầu hết các lễ đường ở Italia.
Một phút im lặng nặng nề đè nặng lên phiên tòa. Sau cùng lão công tố đưa tay lật tấm vải đen phủ trên bức họa, để lộ ra chân dung nàng công tước Alper trong bức họa, mà trước đây, đôi bạn tình đã đặt tên cho nó là "Maja khỏa thân".
Bằng một giọng dõng dạc, lão công tố viên trưởng nói lớn:
- Các bức tranh xấu xa, tục tằn này giúp tôi không phải bình luận gì thêm cả.
Francisco đứng lên, anh nói to át cả những lời cuối cùng của viên công tố:
- Chẳng có gì là xấu xa, tục tằn cả. Tôi đã vẽ nó để ngợi ca và tỏ lòng tôn kính cái đẹp, ngợi ca người đàn bà. Và cái đẹp của người đàn bà là một sáng tạo của Thượng đế.
Bao nhiêu con mắt đều đổ dồn vào nhìn anh, vị quan tòa ngồi ở phía bên phải, cúi hẳn xuống để nhìn anh rõ hơn. Rất rõ ràng là sự phẫn nộ của Goya hết sức chân thành, không có chút gì là cường điệu giả dối.
- Chính người buộc tội tôi đã tự lột bỏ bộ mặt nạ che trên cái phần đồi trụy trong ý tưởng và tâm hồn ông ta. Thưa các vị thẩm phán, phải chăng người ta thuyết phục các vị cũng phải suy nghĩ rằng bức họa này là sự khêu gợi về dục tính, là sự khuyến khích những sa đọa nhục thể?
- Đúng thế! - Lão công tố buộc tội quát lên - Đó là chân dung của sự dâm ô đồi trụy.
Francisco nhìn ông ta từ đầu đến chân.
- Sự dâm ô đồi trụy là những điều tội lỗi xấu xa chỉ có trong nhận thức của những người xem tranh. Thân thể tự nhiên của người đàn bà là tác phẩm của tạo hóa. Còn cái ý thức hổ thẹn về sự khỏa thân ấy là sản phẩm của tính gian manh.
- Ngài Goya, ngài tự bào chữa với những luận lý chặt chẽ và đúng chỗ. - Vị thẩm phán nhiều tuổi nhất nói tiếp lời anh. Qua giọng nói, không thể đoán được là ông ta có tán thành anh hay không? - Anh hãy trình bày thêm cho tòa biết về tín ngưỡng của anh.
Francisco nghĩ thầm, họ yêu cầu anh trình bày những quan điểm của anh về xã hội. Cái vẻ hiền từ giả tạo ấy là thứ cạm bẫy quen dùng của tòa án giáo hội. Nhưng anh sống với lòng tin của anh và sẵn sàng xả thân vì nó. Vả lại, anh cũng đã đi quá xa để có thể lùi bước trở lại.
- Tôi tin tưởng một cách vững chắc rằng Thượng đế vốn nhân từ. Nghĩa vụ những con người ở cõi đời này là phải làm mọi cách để học theo tấm lòng ưư ái vô cùng của đấng cao cả ấy. Nhưng để thực hiện được nghĩa vụ ấy, con người phải được tự do, và tất cả mọi người trong xã hội đều phải được bình đẳng. Tôi không phải là người đầu tiên suy nghĩ như vậy, thưa các quan thẩm phán. Các vị là những bậc thầy trong lĩnh vực thần học, hẳn các vị phải nhớ những lời của Hồng y giáo chủ Berlasman. Vị giáo chủ này đã nói quyền cai quản xã hội là do Thượng đế ban phát, nhưng lại phải được thực hiện với sự chấp thuận của đông đảo người đời. Ông cũng đi đến mức xác nhận rằng, khi dân chúng có những lý do chính đáng, họ có thể thay đổi cả chính thể bộ máy nhà nước theo ý muốn của họ.
Những tiếng trầm trồ ngạc nhiên thốt ra một cách lạ lùng thán phục. Nhiều tiếng ồn ào nổi lên trong đám đông. Một quan tòa, dùng cái búa nhỏ bằng ngà, đập xuống bàn để yêu cầu giữ trật tự.
Nhưng tiếng xôn xao ầm ĩ không dứt. Ông ta phải nói thật to để mọi người nghe rõ.
- Ngài Goya, tiếc cho ông đã chọn lầm đường, không đúng với thiên bẩm của ông. Đáng lẽ ông phải làm nghề trạng sư. Tôi thật ngạc nhiên thấy tại sao ông không công khai ủng hộ Bonaparte!
- Nếu Hoàng đế Napoléon thật sự mang đến cho chúng ta tự do và bình đẳng thì tôi ứng hộ ông ấy.
Phải dùng đến lực lượng lính cận vệ mới duy trì được trật tự và giữ cho công chúng khỏi náo động. Francisco quay đầu nhìn lại, anh thấy Don Manuel dé Godoi ngồi ở hàng ghế thứ nhất đang viết trên một tờ giấy xé trong một quyển sổ nhỏ. Ông ta gọi một lính cận vệ, đưa tờ giấy và ra lệnh chuyển lên cho các vị quan tòa.
Người cao tuổi nhất trong các vị thẩm phán đọc đi đọc lại, xong chuyển cho hai người kia cùng đọc kỹ nội dung viết trong tờ giấy nhỏ. Ba cái đầu chụm vào nhau thầm thì hội ý, trong khi ấy, lão công tố viên trưởng nhìn họ một cách kinh dị.
Khi vi chánh án cao tuổi nhất cất tiếng nói thì gian phòng xử án đã trở lại yên tĩnh.
- Ngài Goya! Ông có tài năng đặc biệt nên đã được bổ nhiệm vào chức vụ họa sĩ triều đình. Ông cũng có những bạn hữu ở cương vị cao của chính phủ, quan tâm đến ông. Triều đình gửi tới bản tòa một thông điệp yêu cầu sự khoan hồng đối với một tài năng của đất nước. Tòa án chấp nhận thỉnh cầu ấy.
Bàng hoàng, hồi hộp đến nghẹt thở, Francisco không thể tin rằng anh được tự do.
° ° °
Các quan tòa đứng lên và rời khỏi phòng xử án. Lão công tố viên trưởng âm thầm đi theo vẻ kinh ngạc lộ rõ trên nét mặt. Bọn lính cận vệ dắt Goya vào một căn phòng nhỏ và bảo anh ngồi chờ để chúng về nhà anh lấy quần áo. Đúng lúc đó, Godoi đi tới:
- Tôi đến chúc mừng ông được vô can, ngài Goya.
- Thưa ngài Thủ tướng, tôi biết tôi được tự do là nhờ ngài.
- Đó chỉ là cái màn che bên ngoài. Đúng thế, nhìn qua bề ngoài thì có vẻ như vậy. Sự thật, ông được vô can chính là do những quan điểm chính trị của ông về thời cuộc, và do những sự trùng hợp ngẫu nhiên rất may mắn cho ông.
- Dù sao tôi cũng cảm ơn ngài Thủ tướng. - Francisco nói một cách thận trọng, vừa tự hỏi không hiểu ông ta đòi hỏi điều gì ở mình để đánh đổi lại.
- Tôi biết ông đang ngần ngại chuyện gì. Ông không phải bận tâm, vì ông đã trang trải xong món nợ ấy của tôi đối với ông rồi. Và tiện đây, tôi xin thông báo chính thức để ông biết rõ tình hình. Việc Napoléon chuẩn bị xâm lược Tây Ban Nha không còn là chuyện bí mật nữa. Theo như tôi được biết, nếu không có gì thay đổi, thì quân đội Pháp sẽ tiến vào Madrid vào cuối mùa hè này.
- Tôi hiểu.
- Tôi đang băn khoăn tự hỏi. Tại sao đồng bào ta lại tỏ ra không chấp nhận cái việc không thể tránh khỏi ấy? Tôi cũng rất ngạc nhiên vì một số đông sĩ quan đã xin giải ngũ mà không chịu thỏa hiệp trong chiến lược liên minh với nước Pháp. Sự ngu xuẩn của họ làm tôi chán ngán. Nhưng dù sao tình hình này cũng chính là một lợi điểm trong kế sách của chính quyền đang dùng để khuất phục giáo hội.
Francisco nhướng mày, vẻ kinh ngạc.
- Rất nhiều nhân vật trong tầng lớp đại quý tộc đã đến dự phiên tòa xử vừa rồi. Có những tin đồn về việc ông tán thành, và bênh vực Napoléon. Có thể ông không hề có chủ ý ấy, nhưng với những lời lẽ biện luận của ông trước tòa án, ông đã trở thành một "người hùng" trên trận tuyến ủng hộ Bonaparte. Bản thân Hoàng đế Napoléon Bonaparte sẽ rất cảm ơn ông, tôi có thể cam đoan với ông điều ấy. Trong khi chờ đợi một cuộc chuyển biến lớn của đất nước, tôi rất sung sướng được sự ủng hộ và cộng tác của ông vào cuộc liên minh này. Chao ôi! Thật có ít người Tây Ban Nha suy nghĩ được như ông.
Francisco chợt có ý nghĩ là các bạn hữu của anh sẽ tưởng lầm rằng anh đã mua tự do bằng những lời lẽ biện thuyết bênh vực Napoléon Bonaparte trước tòa án. Giờ đây anh hiểu là anh đã điểm trúng yếu huyệt của pháp đình vì nếu người Pháp xâm chiếm Tây Ban Nha thì giáo hội sẽ không muốn chọc giận một vị Hoàng đế có khả năng xóa bỏ pháp đình chỉ bằng nét bút gạch ngang ấy.
Thủ tướng Don Manuel nhận thấy những cảm xúc thay đổi trên nét mặt Goya, ông ta cười một cách dịu dàng:
- Cũng còn một lý do nữa hết sức quan trọng, đã giúp ông trở lại cuộc sống ở Madrid, thưa ngài Goya. Có một người mà cả hai chúng ta đều quen biết đã trở thành một biểu tượng của lòng ái quốc, như là ngọn cờ tập hợp những lực lượng đối kháng của dân tộc Tây Ban Nha chống lại người Pháp. Tất cả bọn người mang danh là yêu nước đó đã bám vào váy người đàn bà ấy...
Ông Thủ tướng ngừng lại một lát tỏ vẻ rất thỏa mãn về mình. Rồi ông ta nói tiếp bằng giọng đạo đức giả.
- Thiên hạ đã bàn tán rất nhiều về quan hệ yêu đường giữa ông và bà công tước. Chuyện đó là tất nhiên... Người ta nói một cách mập mờ, có một cuộc liên minh giữa hai người... Nhưng hôm nay những kẻ nhiều chuyện ấy cũng có mặt trong phòng xử án. Việc đó hẳn cũng chỉ là chuyện tình cờ, họ đã tận mắt nhìn thấy vật chứng của câu chuyện tình ái được xầm xì bàn tán bấy lâu. Không còn ai nghi ngờ gì nữa...
Như vậy rõ ràng là Thủ tướng Don Manuel đã biết trước việc công tố viên công khai đưa bức họa "Maja khỏa thân" ra trước tòa và ông ta đã cẩn thận lựa chọn những người đến tham dự trong phiên xử án. Francisco muốn tung một cú đấm vào giữa bộ mặt gian xảo và thỏa mãn của ông ta, nhưng anh cố kìm lại. Anh nhớ rằng anh còn đang đứng trong tòa án giáo hội, vẫn còn đang mặc bộ quần áo tù, và nếu anh đánh Don Manuel lúc này thì lập tức sẽ lại bị bắt và ném xuống hầm kín.
- Tôn ông thấy đấy. - Thủ tướng Godoi nói tiếp - Tôn ông đã giúp một tay đắc lực vào việc hạ uy tín bà công tước ấy. Dù sao bà ta cũng sẽ trở thành một trò cười cho thiên hạ. Chẳng còn ai tin bà ta nữa, khi toàn thể đất nước này, biết rõ người tình cũ của bà ta, nhà họa sĩ vẽ bà ta hoàn toàn lõa lồ là một người tín nhiệm Napoléon Bonaparte, lại là người thù địch gần gũi nhất của bà ta...
Ngừng lại một lúc. Thủ tướng Godoi nói tiếp với nhiều hàm ý:
- Tôn ông thấy đấy. Quả là không đơn giản chút nào cả!
Vẻ mặt mệt nhọc uể oải, Thủ tướng Godoi cáo từ ra về. Trước khi quay bước, ông ta còn nói thêm:
- Chúc tôn ông mạnh giỏi, ngài Goya.
Bọn vệ binh đứng nghiêm chào Thủ tướng và hộ tống ông ta ra xe.
Chỉ khi gieo mình xuống những nệm gối trong xe, ông ta mới để tắt nụ cười trên môi. Ông ta thở dài nói với người tùy viên ngồi chờ ông trong xe:
- Ta đã tước bỏ hết nọc độc của nó nhưng con điếm ấy vẫn còn nguy hiểm. Bây giờ là lúc phải hành động, hành động ngay lập tức. Hãy trình lại cho ta biết Dona Anita vẫn đang làm việc theo chỉ thị của ta?
- Dạ vẫn còn đấy.
- Tốt lắm. Gọi cô ta đến ngay. Nhưng phải cẩn thận, ta không muốn gây thêm những vụ rắc rối. Anh còn giữ thứ bột hóa học mà ta tịch thu của nhà bào chế dược phẩm ở Gremade, bị tình nghi là đầu độc vợ không?
- Dạ thưa ngài Thủ tướng, còn.
- Được! Phải kết thúc như là một căn bệnh tự nhiên... Phải, một cái chết từ từ... không gây một phản ứng nào trong đời sống xã hội... Đúng là phải thế.
Don Manuel ngả đầu trên những chiếc gối mềm trong xe, rồi lau mũi bằng chiếc khăn tay có tẩm nước hoa thơm ngát. Đoạn ông ta nói tiếp giọng mơ màng:
- Có biết bao nhiêu thủ đoạn tinh vi để loại bỏ một kẻ thù! Ta không thể ca ngợi những tiến bộ tuyệt vời của nền văn minh khoa học. Ôi! Thật đáng tiếc biết chừng nào, nàng là con người nhan sắc! Ta vẫn ân hận là riêng ta đã không có những thành công về mặt tình cảm đối với nàng.
Bức Tranh Maja Khỏa Thân Bức Tranh Maja Khỏa Thân - Samuel Edwards Bức Tranh Maja Khỏa Thân