Chương 16
ỘT LÀN HƠI LẠNH THỔI QUA LỖ KHÓA, liếm qua những ngón tay khi tôi tra chìa khóa. Cái chìa khóa mà Sefior Fortuny đã lắp vào căn phòng trống của con trai mình to gấp ba lần cái khóa trên cửa chính. Dofía Aurora lo âu nhìn tôi, cứ như thể chúng tôi sắp mở chiếc hộp Pandora. “Phòng này quay về phía trước ngôi nhà chứ ạ?” tôi hỏi
Bà bác coi giữ lắc đầu. "Có một cửa sổ nhỏ, để thông gió. Nó hướng về phía sân." Tôi đẩy cửa vào phía trong. Một khoảng tối mịt mùng không thấu mở ra trước mắt chúng tôi, ánh sáng lay lắt từ phía sau gần như chỉ đủ gãi ngứa cho màn đêm. Cửa sổ nhỏ trông ra khoảnh sân bị những tờ giấy báo ngả vàng bịt kín. Tôi xé chúng ra, liền đó một tia sáng yếu ớt đâm xuyên qua bóng tối.
“Ôi, chúa Giê-su, đức Mẹ Mary, thánh Joseph ơi!” bà bác coi giữ khu nhà lầm bầm. Cả căn phòng tràn lan những cây thánh giá. Thánh giá treo khắp trên trần nhà, lủng lẳng dưới những sợi dây, phủ khắp bốn bức tường, bị đinh ghim chặt. Có hàng tá thánh gái. Ta có thể cảm thấy chúng giăng khắp mọi ngóc ngách, được khắc bằng dao trên đồ gỗ, được cạo thành vệt trên gạch lát sàn, được quệt từ sơn đỏ trên các mặt gương. Những dấu chân dẫn chúng tôi tới cảnh cửa giờ thấy rõ lớp bụi sàn xung quanh chiếc giường trống huếch, chỉ là một bộ xương toàn dây thép và gỗ mọt ruỗng. Cuối căn phòng, bên dưới cửa sổ, là một chiếc bàn có nắp cuộn đang đóng kín, trên nóc bàn găm một bộ ba cây thập ác kim loại. Tôi khẽ khàng mở nắp bàn ra. Không thấy có bụi kẹt tại mối nối giữa các thanh gỗ, điều đó khiến tôi đoán chừng cái bàn này ắt hẳn đã được mở ra mới gần đây thôi. Nó có sáu ngăn kéo. Các khóa đã bị bẩy tung. Tôi soát kỹ từng ngăn một. Trống rỗng.
Tôi quỳ xuống ngang chiếc bàn và lần rờ ngón tay lên những dấu khắc phủ lên mặt bàn, tưởng tượng ra hình ảnh đôi tay của Julián Carax đang nguệch ngoạc những dòng ấy, các chữ viết tượng hình mà ý nghĩa đã hoàn toàn mờ tối theo thời gian. Trong hộc bàn, tôi để ý có một chồng vở viết và một chiếc lọ đầy chật bút chì, bút mực. Tôi rút ra một cuốn vở xem liếc qua. Vô số hình vẽ cùng các từ ngữ lẻ. Bài tập toán. Những cụm từ, lời trích dẫn không có liên hệ với nhau, rút ra từ trong sách. Các bài thơ viết dở. Tất cả các cuốn vở đều từa tựa nhau. Một vài hình vẽ lặp đi lặp lại từ trang này sang trang khác, mỗi hình chỉ khác đi đôi chút. Tôi bị ấn tượng bởi hình phác một người đàn ông trông như tạo ra từ lửa. Một hình khác trông có vẻ là thiên thần hoặc một con bò sát nào đó quấn lấy cây thánh giá. Những hình phác thô ám chỉ tới một toàn nhà hoang đường kiỳ dị, đang dệt với những ngọn tháp và vòm cung tựa như của thánh đường. Từng nét bút đầy tự tin cho thấy một năng khiếu nhất định. Chàng trai Carax tỏ ra là một họa sĩ đầy hứa hẹn, nhưng chẳng bức vẽ nào trong này tiến xa hơn ngoài phác thảo. Tôi vừa định đặt cuốn vở cuối cùng lại vị trí cũ mà không cần xem qua thì chợt thứ gì đó tuột khỏi những trang giấy rơi xuống chân tôi. Đó là bứa hình mà trong đó tôi nhận ra chính cô gái đã xuất hiện trong bức hình kia - bức hình chụp tại chân tòa chung cư này. Cô gái đang làm dáng tại một khu vườn xa hoa, và xa xa sau các ngọn cây, chỉ vừa đủ thấy, là hình dáng tòa nhà tôi đã thấy trong các bức phác thảo của chàng thiếu niên Carax. Tôi nhận ra nó ngay tức thì. Đó là tòa biệt thự với cái tên Thầy Dòng Trắng, nằm trên đại lộ Tibidabo. Đằng sau tấm hình là câu đề tặng chỉ nói đơn giản một điều:
Penélope, người yêu anh. Tôi cất bức hình vào trong túi áo, đóng nắp bàn lại, và cười với bà trông coi khu nhà.
“Thấy đủ chưa?” bà hỏi, vẻ bồn chồn muốn rời khỏi đây. “Gần hết,” tôi đáp. "Trước đây, bà có nói rằng ngay sau khi chú Julián rời đi Paris, có một bức thư gửi cho chú ấy, nhưng cha chú ấy bảo bà nám nó đi.”
Bà trông coi khu nhà do dự đôi chút, rồi gật đầu: "Ta để phong thư tại ngăn kéo chiếc tủ chia ngăn tại tiền sảnh, phòng trường hợp ngày nào đó bà người Pháp kia quay lại đây. Hẳn nó vẫn còn ở đó.” Chúng tôi quay lại chiếc tủ chia ngăn và mở ngăn kéo đầu tiên. Một phong thư màu nâu vàng nhạt nằm ngay trên bộ sưu tập những chiếc đồng hồ chết, khuy cúc và đám đồng xu đã thôi không còn là tiền pháp định từ hai chục năm về trước. Tôi cầm chiếc phong bì lên kiểm tra.
“Bà đã đọc nó chưa ạ?” “Cậu nghĩ ta là hạng người gì?”
“Cháu không có ý xúc phạm. Mà điều đó cũng khá tự nhiên thôi, tùy theo trường hợp, vì bà cho rằng chú Julian đã qua đời…" Bà trông coi khu nhà bèn nhún vai, nhìn xuống đất và bắt đầu bước về phía cửa. Tôi lợi dụng khoảnh khắc ấy nhét bức thư vào trong túi áo vét của mình.
“Nghe này, ta không muốn cậu hiểu lầm đâu," bà ta nói. “Đương nhiên không rồi, thế bức thư nói gì vậy?”
“Một lá thư tình. Kiểu như mấy truyện ngắn trên đài phát thanh, có điều buồn hơn, câu hiểu không, vì thực ra đọc nó lên nghe thật lắm. Tin ta đi, khi đọc nó ta đã rơi lệ đấy.” “Bà dạt dào tình cảm quá, Doña Aurora.”
“Còn cậu đúng là đồ quỷ sứ.” ***
CŨNG BUỔI CHIỀU HÔM ĐÓ, sau khi nói lời từ biệt với Doña Aurora và hứa sẽ cập nhật cho bà thông tin cuộc điều tra của tôi về Julián Carax, tôi bèn đi tìm người quản lý khu nhà chung cư. Señor Molins đã từng có những ngày tháng tươi đẹp hơn nhưng giờ đây ông đang sống vất vưởng trong một văn phòng tầng trệt bẩn thỉu trên phố Floridablanca. Dù vậy, Molins vẫn là một cá nhân vui vẻ, biết tự hài lòng với chính mình. Miệng ông ta như dính liền với điếu xì gà hút dở trông cứ tưởng mọc ra từ chòm ria mép. Thưc khó mà đoán ông ta đang ngủ hay đang thức, vì ông ta thở nghe cứ như người ta đang ngáy. Mái tóc Molins bóng nhẫy và nhẵn lì ở phía trên trán, và đôi mắt híp tịt của ông ta rõ là lanh lợi. Bộ vét của ông ta chắc không bán được hơn chục đồng peseta ở chợ Encantes Flea, nhưng ông bù lại cho bộ vét đó bằng một chiếc cà vạt sặc sỡ sắc màu nhiệt đới. Xét theo vẻ ngoải của khu chung cư, hẳn không còn gì nhiều để mà quản lý nữa, ngoại trừ đám sâu bọ và mạng nhện của một Barcelona bị quên lãng. "Chúng tôi đang trong quá trình sửa sang lại cho mới,” ông ta biện giải.
Để phá tan bầu không khí đóng băng, tôi nhắc đến tên Doña Aurora cứ như đang nói về một người bạn lâu năm của gia đình mình. “Hồi còn trẻ bà ấy trông được mắt lắm,” đó là lời nhận xét của Molins. “Với thời gian bà ấy dần héo tàn, nhưng tôi cũng có còn được như hồi trước đâu. Chắc cậu không tin, chứ hồi bằng tuổi cậu tôi đẹp như thần Adonis. Bọn con gái cứ gọi là quỳ gối cầu xin được tôi ngó ngàng đôi chút, hoặc là được có con với tôi. Trời ạ, thế kỉ 20 này chẳng có cái quái gì cả. Tôi có thể làm gì cho cậu đây, chàng trai?”
Tôi trình bày với ông ta một câu chuyện ít nhiều hợp lý về mối liên hệ họ hàng xa xôi với gia đình Fortuny. Sau năm phút chuyện trò, Molins lê thân về cái tủ ngăn chặt kín của mình và đưa tôi địa chỉ của tay luật sư phụ trách tất tật mọi thứ liên quan đến Sophie Carax, thân mẫu của Julián. "Để tôi xem nào... José María Requejo. Số năm mươi chín, phố León XIII. Nhưng một năm chúng tôi chỉ gửi thư cho nhau có hai lần qua một hòm thư tại bưu điện chính nằm trên tuyến Layetana.”
“Ngài có biết Señor Requejo?” “Thi thoảng tôi cũng nói chuyện với thư kí của ông ta qua điện thoại. Thực tế là bất kỳ sự vụ nào liên quan đến ông ta đều được giải quyết qua thư, và thư ký của tôi lo chuyện đó. Nhưng hôm nay cô ấy đang ở tiệm làm tóc. Cánh luật sư giờ chẳng còn thời gian cho những cuộc đàm phán đối mặt nữa rồi. Chẳng còn người đàn ông lịch lãm nào trong cái ngành ấy nữa.”
Mà dường như cũng chẳng có địa chỉ đáng tin cậy nào còn lại nữa. Nhìn thoáng qua vào tờ chỉ dẫn địa điểm trên bàn của ông quản lý cũng đủ chứng thực điều tôi đang ngờ vực địa chỉ của cái tay có vẻ là luật sư kia, Señor Requejo, không hề tồn tại. Tôi nói điều này cho ngài Molins, ông đón nhận cái tin ấy như thể đó là một trò đùa. “Trời, tôi ngỡ ngàng quá!” ông ta cười. “Tôi nói gì đây? Đúng là lừa đảo.”
Người quản lý duỗi lưng dựa vào ghế và lại khịt ra những tiếng khò khì nghe như ngáy. “Liệu ngài có biết địa chỉ của hòm thư đó không?”
“Theo như trên thẻ ghi địa chỉ thì nó là số 2837, nhưng thực tình tôi không đọc nổi các con số của cô thư ký đâu. Mà tôi chắc rằng cậu cũng hiểu đấy, phụ nữ đâu có giỏi tính toán. Điều mà họ giỏi là...” “Liệu tôi có thể xem tấm thẻ?”
“Được thôi. Xin cứ tự nhiên.” Ông ta đưa cho tôi tấm thẻ địa chỉ, tôi liền nhìn vào. Những con số trên đó khá ngay ngắn và rõ ràng. Số hiệu hòm thư là 2321. Tôi thấy rợn người khi nghĩ đến những con số thanh toán ắt đã bay biến vào trong hòm thư ấy.
“Ngài có thường xuyên dao du với Señor Fortuny lúc ông ấy còn sinh thời không?” tôi hỏi. “Cũng tàm tạm. Ông ấy thuộc loại khá khổ hạnh. Tôi nhớ là khi biết được bà vợ người Pháp đã bỏ rơi ông ấy, tôi có rủ ông ấy đi kiếm mấy ả bán hoa cùng vài tay bằng hữu, gần thôi, tại một trung tâm rất oách tôi được biết nằm kế bên vũ trường La Paloma. Chỉ là muốn ông ấy vui lên thôi mà. Chỉ có thế. Và cậu biết không? Ông ấy chẳng thèm nói chuyện với tôi, thậm chí chào qua lại trên phố cũng không, như thể tôi là vô hình ấy. Cậu coi đó là như thế nào?”
“Khá ngạc nhiên. Vậy ngài còn có thể cho tôi biết thêm điều gì khác về gia đình Fortuny? Ngài có còn nhớ kha khá về họ không?” “Thời ấy khác bây giờ,” ông ta lầm rầm vẻ lưu luyến. "Thực tế thì tôi chỉ biết ông cụ Fortuny, người sáng lập ra cái tiệm mũ ấy. Còn về cậu con trai, chẳng có nhiều để nói. À, bà vợ, bà ấy quả là rất đẹp. Phụ nữ phải thế chứ. Lại cũng đoan trang nữa. Bất chấp tất thảy mọi lời đồn thổi và chuyện ngồi lê đôi mách...”
“Kiểu như tin đồn rằng chú Julían thực ra không phải con trai của ông Fortuny?” “Cậu nghe điều đó từ đâu?”
“Thì tôi đã nói rồi, tôi cũng là họ hàng với họ mà. Chẳng điều gì giữ kín mãi được.” “Không lời đồn nào trong đó từng được minh chứng.”
“Nhưng người ta đã rỉ tai nhau như thế,” tôi nói bằng giọng khích lệ. "Người đời nói quá nhiều. Loài người chẳng phải có gốc gác từ lũ khỉ đâu. Mà là từ bọn vẹt.”
“Vậy người ta đã nói gì?” “Cậu có thích uống chút rượu rum không? Nó là rượu Cuba, như tất thảy những điều tốt đẹp đủ giết được ta.”
“Không cảm ơn, nhưng tôi sẽ tiếp chuyện ngài. Trong lúc đó, ngài có thể nói cho tôi biết...” ***
Antoni Fortuny, được mọi người quen gọi là người bán mũ, gặp Sophie Carax vào năm 1889 trên bậc tam cấp nhà thờ Barcelona. Anh ta đang trên đường trở về sau khi thực hiện một lời thề với Thánh Eustace - trong tất cả các thánh, Thánh Eustace được coi là vị cần mẫn và ít kiểu cách nhất trong việc ban phát phép mầu liên quan đến chuyện tình yêu. Antoni Fortuny, đã qua tuổi ba mươi và là một chàng độc thân kinh niên, đang tìm một cô vợ, anh ta muốn lấy Sophie ngay lập tức. Sophíe là một phụ nữ người Pháp hiện sống tại khu nhà trọ dành riêng cho thiếu nữ trên phố Riera Alta, cô nhận làm gia sư nhạc và dạy đàn piano cho con cái một trong những gia đình danh giá nhất Barcelona. Cô chẳng có gia đình hay tài sản để dựa vào, chỉ có tuổi trẻ và nền tảng giáo dục âm nhạc cô được nhận từ cha - vốn là nghệ sĩ piano tại một nhà hát ở Nimes - trước khi ông qua đời vì bệnh lao năm 1886. Antoni Fortuny, mặt khác, lại là người đàn ông đang trên con đường tiến đến thịnh vượng. Anh ta vừa mới thừa kế cơ sở kinh doanh của cha mình, một tiệm mũ khá có tiếng tăm nằm trên Đại Lộ San Antonio, nơi Antoni học được nghiệp kinh doanh và mơ ước rồi một ngày kia sẽ chỉ dạy cho chính con trai mình. Antoni thấy Sophie Carax mỏng manh, xinh đẹp, trẻ trung, dễ bảo, và có vẻ dễ dàng làm mẹ. Vậy là Thánh Eustace đã gia ơn. Sau bốn tháng trời Antoni kiên trì theo đuổi, Sophie đã chấp nhận lời cầu hôn của anh. Señor Molins, người vốn luôn là bạn của ông cụ Fortuny, đã cảnh báo Antoni rằng anh ta đang kết hôn với một người xa lạ. Ông nói rằng tuy Sophie có vẻ là một cô gái ngoan hiền, nhưng cuộc hôn nhân này có vẻ quá thuận lợi cho cô ta, và rằng Antoni nên chờ ít nhất một năm... Antoni Fortuny đáp rằng anh ta đã biết hết mọi điều cần biết về vợ chưa cưới của mình. Những điều khác còn lại, anh ta không thấy đáng quan tâm. Hai người cử hành hôn lễ tại Thánh đường Pino và dự định dành ba ngày trăng mật tại con suối khoáng thuộc khu nghỉ dưỡng ven biển Mongat gần đó. Vào buổi sáng trước khi họ lên đường, người bán mũ đã hỏi Señor Molins, một cách lén lút, để được chỉ dẫn về những bí mật chuyện phòng the. Molins châm chọc bảo anh ta đi mà hỏi vợ ấy. Đôi uyên ương quay trở lại Barcelona chỉ sau hai ngày. Hàng xóm láng giềng kể rằng Sophie đã khóc rấm rứt lúc về tới khu chung cư. Nhiều năm sau Viçenteta thề rằng đã nghe Sophie kể lại như sau: rằng người bán mũ chẳng thèm đụng đến một ngón tay lên người cô và khi cô cố quyến rũ chồng, anh ta chửi cô là đồ điếm và nói mình thấy ghê tởm trước sự tục tĩu của cái thứ cô ta đang mời gọi. Sáu tháng sau, Sophie thông báo với chồng rằng cô đang có mang. Con của một người đàn ông khác. Antoni Fortuny đã từng chứng kiến cha mình đánh mẹ vô số lần không đếm xuể nên cũng thực hiện cái hành động anh ta cho rằng nên làm. Anh ta chỉ dừng lại khi sợ rằng chỉ bồi thêm một cú nữa thôi là giết chết vợ. Bất chấp những trận đòn, Sophie nhất quyết không khai ra danh tính cha của đứa trẻ. Dùng lý luận của mình để xem xét vấn đề, Antoni Fortuny quyết định rằng đó hẳn là ác quỷ, bởi đứa con đó là tội lỗi, mà tội lỗi thì chỉ có một người cha ác quỷ mà thôi:quỷ Satan. Đoán chắc theo suy nghĩ rằng ác quỷ đã lẻn vào nhà và chui vào giữa hai đùi vợ mình, người bán mũ bắt đầu treo thánh giá khắp mọi nơi: trên các bức tường, trên tất thảy các cánh cửa trong mọi căn phòng, cả trên trần nhà. Khi Sophie phát hiện chồng mình rải thánh giá khắp nơi trong phòng ngủ nơi cô đang bị giam hãm, Sophie dần phát hoảng, và, nước mắt ròng ròng, hỏi chồng liệu có phải anh ta đã nổi điên. Mù quáng vì điên giận, Antoni liền quay ra đánh đập vợ. “Một con điếm cũng như bao con điếm khác," anh ta chửi rủa khi ném vợ mình ra chỗ chiếu nghỉ, sau khi quất thắt lưng chán chê lên người cô. Ngày tiếp theo, khi Antoni Fortuny mở cửa căn hộ của mình để đi xuống tiệm mũ, Sophie vẫn nằm vật ở đó, máu khô bết đầy mình và run lập cập vì lạnh. Các bác sĩ không thể hoàn toàn cải thiện được những vết nứt trên tay phải cô. Sophie Carax không bao giờ còn có thể chơi piano được nữa, nhưng cô vẫn sinh ra được một bé trai mà sau này cô đặt tên Julián theo tên người cha cô đã mất của khi còn quá nhỏ - cũng như tất thảy những gì tốt đẹp trong cuộc đời cô. Fortuny đã cân nhắc việc quẳng vợ ra khỏi nhà nhưng lại sợ tiếng xấu lan truyền sẽ không tốt cho công việc kinh doanh. Sẽ chẳng ai mua mũ từ một gã đàn ông bị vợ cắm sừng - hai thứ đó không thể đi được với nhau. Kể từ ngày đó, Sophie bị tống vào một căn phòng tăm tối, lạnh lẽo tận cuối cùng căn hộ. Chính tại đó cô đã sinh con nhờ sự trợ giúp của hai người láng giềng. Mãi ba ngày sau đó Antoni mới quay về nhà. “Đứa con trai này là do Chúa đã ban cho anh,” Sophie lên tiếng. "Nếu anh muốn trừng phạt bất cứ ai, hãy giáng xuống tôi đây, xin đừng làm hại sinh linh vô tội này. Thằng bé cần một ngôi nhà và một người cha. Tội ác của tôi không phải là của thằng bé. Tôi van cầu anh hãy thương hại lấy mẹ con tôi.”
Những tháng đầu tiên thực vô cùng vất vả cho hai người. Antoni Fortuny đã giáng cấp vợ mình xuống tới mức người hầu. Họ hầu như không bao giờ chung giường hay bàn và rất hiếm khi trao đổi ngôn từ trừ khi giải quyết một số vấn đề nội trợ. Mỗi tháng một lần, thường là trùng với ngày trăng rằm, Antoni Fortuny thường xuất hiện tại cửa phòng Sophie lúc rạng đông và, chẳng nói một lời, đâm sầm vào vợ cũ của mình với sự hung hăng nhưng chẳng chút kỹ năng. Hòng tận dụng hết mức những giây phút thân mật hiếm hoi nhưng thô bạo này, Sophie nỗ lực chiếm lấy trái tim chồng bằng cách thì thầm những lời lẽ yêu thương và cố vuốt ve anh ta. Nhưng người bán mũ vốn chẳng phải loại người ưa những gì phù phiếm, nên sự háo hức ham muốn cũng bốc hơi nhanh chóng chỉ sau vài phút, thậm chí vài giây. Những cuộc chiếm đoạt ấy không đem lại đứa trẻ nào. Sau vài năm, Antoni Fortuny thôi hẳn, không bao giờ còn đến phòng ngủ của Sophie nữa và bắt đầu có thói quen đọc kinh Phúc âm cho đến tận gần sáng, tìm trong đó chút khuây khỏa cho những dày vò trong tâm hồn. Với sự giúp đỡ của kinh Phúc âm, người bán mũ nỗ lực nhen nhóm trong mình chút trắc ẩn với đứa trẻ có đôi mắt sâu thẳm vốn thích gây trò cười về đủ mọi thứ và sáng chế ra những bóng hình tại nơi hoàn toàn chẳng có bóng nào. Nhưng bất chấp mọi nỗ lực, Antoni Fortuny vẫn không sao cảm thấy cậu bé Julián là máu thịt của mình, cũng chẳng thể nhận ra chút dáng dấp nào của mình trong thằng bé. Julián, về phần mình, cũng chẳng hề tỏ ra hứng thú với mũ mão hay trong việc học giáo lý. Trong suốt kỳ Giáng sinh cậu thường giải khuây bằng cách thay đổi vị trí những hình hài nhỏ xinh trong khung cảnh Thánh Đàn[1] và sáng tạo lại kịch bản trong đó Cậu bé Giê-su bị ba tên đạo sĩ từ phương Đông đến bắt cóc với những ý đồ hiểm ác. Cậu mau chóng mê cuồng việc vẽ tranh thiên thần mang răng sói và sáng tác những câu chuyện về lũ linh hồn đội mũ trùm đầu bỗng đâu nhảy ra từ các bức tường và ăn sạch ý tưởng của mọi người nhân lúc họ say ngủ. Theo thời gian người bán mũ đánh mất hết hy vọng trong việc dạy dỗ uốn nắn thằng bé theo chính đạo. Thằng bé chưa bao giờ là một đứa nhà Fortuny và sẽ không bao giờ. Julián kiên định rằng cậu chán ngấy trường học và về nhà với những cuốn vở đầy chật hình vẽ các loại sinh linh quái đản, những con rắn to có cánh, những tòa kiến trúc như những sinh vật sống, có thể đi lại và nuốt chửng những người đang không chút nghi ngờ. Khi ấy đã quá rõ ràng rằng những gì huyền ảo và sáng tạo là thứ hấp dẫn cậu bé hơn nhiều so với thực tại xung quanh. Trong tất thảy những thất vọng dồn chất suốt cuộc đời mình, không gì làm thương tổn Antoni Fortuny hơn đứa con trai mà quỷ dữ đã gửi đến hòng nhạo cợt anh ta.
[1. Cảnh Chúa Giê-su ra đời tại máng cỏ.] Ở tuổi lên mười, Julián tuyên bố cậu muốn trở thành một họa sĩ, giống như Velázquez[2]. Cậu mơ ước được dấn thân vào những bức vẽ mà bậc thầy hội họa kia không thể thực hiện lúc sinh thời bởi vì, Julián chỉ ra, ngài ấy đã phải nhận vẽ quá nhiều bức chân dung mất thời giờ cho những thành viên hoàng gia vốn chậm phát triển trí não. Càng khiến cho vấn đề trầm trọng hơn, Sophie, có lẽ vì muốn làm dịu nỗi cô đơn và nhung nhớ về cha mình, đã quyết định dạy con trai chơi piano. Julián, đứa trẻ vốn yêu âm nhạc, nghệ thuật và tất thảy những thứ gì không được coi là thực tế trong thế giới con người, mau chóng lĩnh hội được những nguyên lý cơ bản của hòa âm và kết luận rằng cậu thích tự sáng tác những bản nhạc riêng của bản thân hơn là bắt chước theo sách nhạc. Khoảng thời gian đó Antoni Fortuny vẫn nghi ngờ rằng cái phần thiếu hụt trong nhận thức của thằng bé là do tác động của chế độ ăn uống, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi khiếu nấu ăn Pháp của mẹ nó. Thời đó phổ biến một kiến thức rằng năng lượng thừa mứa trong thực phẩm làm từ bơ là nguyên nhân dẫn đến băng hoại đạo đức và thiếu hụt trí thông minh. Thế là Antoni cấm Sophie không bao giờ được nấu ăn với bơ nữa. Nhưng kết quả hoàn toàn không như Antoni đã đoán chờ.
[2. Diego Rodriguez de Silva y Velázquez (6/6/1599-6/8/1660): họa sĩ người Tây Ban Nha, là họa sĩ đứng đầu tại triều đình của Vua Felipe IV.] Năm lên mười hai Julián bắt đầu mất niềm hứng thú sôi nổi đối với hội họa và Velázquez, nhưng niềm hy vọng nhen nhóm trong tim người bán mũ chẳng tồn tại được bao lâu. Julián bỏ mặc giấc mơ cọ vẽ là vì một thói tật còn nguy hại hơn nhiều. Cậu khám phá ra thư viện trên phố Carmen, thế là bất cứ khoảng thời gian nào được phép rời tiệm mũ cậu dành hết cả cho việc thăm viếng thánh địa của sách và ngấu nghiến hàng tập hàng tập tiểu thuyết, thơ ca và lịch sử. Trước ngày bước sang tuổi mười ba, cậu tuyên bố mình muốn trở thành như ai đó tên là Robert Louis Stevenson, hiển nhiên là một gã nước ngoài. Người bán mũ nhận định rằng may ra thì thằng bé sẽ trở thành một gã thợ mỏ. Vào thời điểm ấy anh tin chắc con trai mình chỉ là một đứa ngớ ngẩn.
Hằng đêm Antoni Fortuny thường quằn quại trên giường vì tức giận và bức xúc, không ngủ được lấy một chút nào. Trong sâu thẳm trái tim, Antoni yêu đứa trẻ ấy, anh ta tự nhủ mình như thế. Và mặc dù thị kia không đáng chút nào, Antoni cũng yêu cái kẻ dâm đãng đã phản bội anh ta ngay từ ngày đầu tiên. Anh ta yêu thị với tất cả tâm hồn, nhưng theo cách của mình, vốn là cách đúng đắn. Tất cả những gì Antoni cầu xin ở Chúa là hãy cho anh ta thấy rằng ba người bọn họ có thể có hạnh phúc, tốt nhất là theo cách của anh ta. Antoni van xin Ngài hãy ban một tín hiệu, một lời thầm thì, một mẩu vụn từ hiện hữu của Ngài. Chúa, với sự hiền minh vô biên, và có lẽ bị choáng ngợp bởi dòng dòng thác lũ những lời khẩn cầu rừ khắp mọi linh hồn khổ đau, đã không hồi đáp. Trong khi Antoni Fortuny đang chìm đắm trong ăn năn và ngờ vực, thì ở phía bên kia tường, Sophie từ từ héo úa, đời cô vốn đã chìm đắm trong một biển tuyệt vọng, cô độc và mặc cảm tội lỗi. Cô không yêu người đàn ông mình đang phục vụ, nhưng cô cảm thấy mình thuộc về anh ta, và cái lựa chọn bỏ chồng, ôm đứa con của anh ta đi tới một nơi khác dường như nằm ngoài tầm ý niệm của cô. Cô cay đắng nhớ về người cha thực sự của Julián, và rốt cuộc trở nên căm ghét người đó cùng tất thảy những gì người đó đại diện. Trong cơn tuyệt vọn, cô bắt đầu cãi lại Antoni Fortuny. Những lời thóa mạ và tố cáo lạnh sắc phi khắp căn hộ như dao bén, phập thẳng vào bất kỳ ai chen vào đường bay của chúng, thường thì đó là Julián. Về sau người bán mũ chẳng bao giờ nhớ nổi chính xác lý do mình đánh vợ. Anh ta chỉ nhớ được cơn điên giận và sự nhục nhã. Sau đó Antoni thường tự thề rằng chuyện này sẽ không bao giờ lặp lại nữa, rằng nếu cần thiết, anh ta sẵn lòng tự nộp mình cho giới chức trách và nhốt mình lại trong tù. Antoni Fortuny đã chắc lòng rằng, với sự trợ giúp của Chúa, rồi anh sẽ trở thành một người đàn ông tốt hơn cha mình. Nhưng chẳng sớm thì muộn, những nắm đấm của anh ta lại một lần nữa giáng lên làn da nhạy cảm của Sophie, và với thời gian Fortuny cảm thấy nếu anh ta không thể sở hữu vợ mình như một người chồng, thì anh ta sẽ làm thế như một tên bạo ngược. Theo cung cách đó, một cách thầm lặng, gia đình Fortuny mặc cho những năm tháng trôi đi, khóa kín trái tim và linh hồn mình tới mức mà, vì giữ yên lặng quá nhiều, họ quên đi những từ ngữ giúp biểu lộ cảm xúc thật sự của bản thân và từng thành viên trong gia đình dần trở thành những kẻ xa lạ chung sống dưới cùng một mái nhà, cũng như vô vàn gia đình khác trong thành phố rộng lớn này.
*** Khi tôi trở về tiệm sách thì đã quá hai rưỡi chiều. Tôi vừa bước vào, Fermín liền tặng tôi một cái nhìn châm chọc từ trên đầu thang, nơi anh chàng đang lau bóng một bô tuyển tập bốn mươi sáu cuốn Tiểu thuyết Lịch sử của Don Benito.
“Tôi thấy ai trước mắt thế này? Chúng tôi cứ nghĩ giờ cậu phải lên đường đến Tân Thế giới rồi ấy chứ, Daniel.” "Tôi bị vướng vài chuyện trên đường đi. Cha tôi đâu rồi?”
“Vì cậu mãi chẳng thấy về, ngài ấy đã đi giao nốt mấy đơn hàng còn lại rồi. Ngài ấy dặn tôi bảo cậu là chiều nay ngài định sẽ tới Tiana để tính gía cho bộ sưu tập tư nhân của một góa phụ. Thân phụ của cậu đúng là cáo đội lốt cừu đấy nhá. Ngài ấy bảo không cần đợi ngài ấy về mà cứ đóng cửa tiệm đi.” “Cha tôi có khó chịu không?”
Fermín lắc đầu, đoạn leo dần xuống bậc cầu thang với sự lanh lẹ của loài mèo. “Không hề. Cha cậu là một vị thánh. Với cả, ngài ấy rất vui vì thấy cậu đang hẹn hò với một thiếu nữ.”
“Gì cơ?” Fermín nháy mắt với tôi rồi chép môi.
“Ôi, tay quỷ nhỏ này, ra trước giờ cậu vẫn giấu tiệt nghề gì đấy! Mà gái thế nào chứ, hả? Đủ hấp dẫn để gây tắc đường. Mà lại tầng lớp thế cơ chứ. Nhìn biết ngay nàng ấy toàn theo học trường xịn, dù vậy nàng ấy đúng là có lửa trong mắt... Nếu Bernarda không cướp mất trái tim này, và tôi vẫn chưa kể cho cậu tất cả về cuộc hẹn hò của chúng tôi thì phải - có đầy tia lửa tóe ra từ đôi mắt ấy, tôi bảo với cậu nhé, tia lửa ấy, giống như lửa hiên hoan trong Lễ Hội Đêm Hè ấy...” “Fermín," tôi chen lời. "Anh đang nói cái gì vậy?”
“Thì về vị hôn thê của cậu.” “Tôi làm gì có vị hôn thê nào, Fermín.”
“À, giới trẻ các cậu giờ đây gọi họ là bất cứ thứ gì, bánh đường, hay là...” “Fermín, anh làm ơn lên lại dây cót trong đầu được không? Anh đang nói về gì vậy?”
Fermín Romeo de Torres nhìn tôi chưng hửng. “Để xem nào. Chiều nay, tầm một tiếng hoặc tiếng rưỡi trước, một cô nàng lộng lẫy đã ghé qua hỏi thăm cậu đấy. Cha cậu và tôi, người phục vụ cậu đây lúc ấy đang có mặt, và tôi dám đảm bảo nhé, không có lấy mảy may ngờ vực, rằng cô nàng không phải hồn ma gì sất. Tôi thậm chí còn có thể mô tả mùi thơm từ người cô nàng. Oải hương, nhưng ngọt ngào hơn. Cứ như một chiếc bánh nhân đường nhỏ xinh vừa ra khỏi lò ấy.”
“Thế chiếc bánh nhân đường nhỏ xinh ấy có bảo cô ấy là vị hôn thê của tôi không?” “Hừm, không nhiều lời như vậy đâu, nhưng đại khái cô nàng cười bẽn lẽn, đấy là nếu cậu hiểu ý tôi, và nói rằng chiều thứ Sáu này sẽ gặp cậu. Tất cả những gì chúng tôi làm là cộng hai với hai lại thôi.”
“Bea...” tôi lầm rầm. “Vậy là nàng ta có thực,” Femin thở phào nói.
“Phải, nhưng cô ấy không phải bạn gái tôi.” “Hừm, nếu vậy, tôi không biết cậu còn chần chờ gì nữa.”
“Cô ấy là em gái của Tomás Aguilar.” “Bạn cậu, tay sáng chế?”
Tôi gật đầu. "Lại càng thêm động lực. Dù có là cháu gái Giáo hoàng, cô nàng quá nóng bỏng. Tôi mà là cậu, tôi đã sẵn sàng rồi.”
“Bea có vị hôn phu rồi. Một tay thiếu úy đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.” Fermín cáu tiết thở dài. "A, quân đội, cơn tàn hại và chốn nương náu của những bản năng linh trưởng hạ đẳng nhất. Dù sao cũng hay, vì bằng cách này cậu có thể cắm sừng cho hắn mà chẳng cần phải áy náy gì.”
"Anh mê sảng rồi, Fermín. Bea sẽ kết hôn ngay khi anh chàng kia kết thúc đợt nghĩa vụ quân sự.” Fermín cười khẩy vào mặt tôi. "Buồn cười là cậu lại nói thế, vì như tôi cảm nhận thì cô nàng không như vậy đâu. Tôi không cho rằng quả bí ngô ấy sẵn sàng chịu chui đầu vào rọ sớm thế đâu.”
“Anh thì biết gì nào?” “Về phụ nữ và những vấn đề trần tục khác, nhiều hơn đáng kể so với cậu đấy. Freud đã nói, phụ nữ muốn những gì hoàn toàn ngược lại với điều mà họ nghĩ hoặc nói rằng họ muốn, và nếu cân nhắc đôi chút, ta sẽ thấy cái thói đó cũng chẳng tệ lắm, bởi thậm chí còn nhiều bằng chứng hơn rằng đàn ông chuyên phản ứng trái ngược, bất tuân theo mệnh lệnh của cơ quan sinh dục và tiêu hóa.”
“Đừng lên lớp tôi nữa, Fermín, tôi thấy được kiểu nói chuyện này đi tới đâu rồi. Nếu anh có gì để nói thì cứ nói luôn đi.” “Được, vậy, nói tóm lại: không có lấy khúc xương nào của một cô vợ-ngoan-hiền-dễ-bảo trên cơ thể tuyệt trần của nàng ấy đâu.”
“Không có ư, vậy kỹ năng chuyên môn của anh dò được ra cô ấy có loại xương nào trong người thế?” Fermín sán lại gần hơn, chuyển sang tông giọng cẩn mật. "Loại nồng nhiệt," anh chàng nói, nhướng đôi lông mày đượm chút sắc thái kỳ bí. "Và cậu có thể đoán chắc tôi nói như vậy với hàm nghĩa ngợi khen.”
Như thường lệ, Fermín luôn đúng. Cảm thấy bị thất thế, tôi quyết định rằng tấn công là mẫu thức tuyệt nhất của phòng thủ. "Nói đến chuyện nồng nhiệt, kể cho tôi về Bernarda xem nào. Liệu có hay không một cái hôn rồi đây?” “Đừng lăng mạ tôi, Daniel. Nhắc lại cho cậu nhớ rằng cậu đang nói chuyện với một tay lão luyện trong nghệ thuật quyến rũ đấy, và cái trò hôn môi ấy chỉ dành cho bọn gà mờ với mấy lão già chân đi dép lê thôi. Những người phụ nữ thực sự phải được chinh phục từng chút một. Tất thảy đều thuộc phạm trù tâm lý học, như một trận thư hùng tuyệt hảo lúc đấu bò khi đấu sĩ một mình đối mặt để tiêu diệt con bò.”
“Nói cách khác, chị ấy phủi anh đi.” “Người phụ nữ có khả năng chối từ Fermín Romeo de Torres này vẫn còn chưa ra đời đâu. Vấn đề là, đàn ông ấy, ở đây phải quay lại với Freud - và xin lỗi về phép ẩn dụ này - đàn ông, họ nóng hực lên như bóng đèn ấy: đỏ rực chỉ trong nháy mắt và lạnh ngắt trở lại trong giây lát. Phụ nữ thì khác - và so sánh này thuần túy khoa học - họ nóng dần lên như thanh sắt vậy, từ từ, với nhiệt lượng thấp, như một món hầm ngon tuyệt. Nhưng rồi, một khi đã nóng lên, chẳng gì có thể ngăn cô nàng lại. Y chang những lò luyện thép ở đỉnh Vizcaya ấy."
Tôi đánh giá cao cái lý thuyết nhiệt động học của Fermín. “Có phải đó là những gì anh đang làm với Bernarda? Nung nóng một thanh sắt?” Fermín nháy mắt với tôi. "Người phụ nữ đó là núi lửa gần tới lúc phun trào rồi, với dòng dục tình như nham thạch nóng chảy nhưng trái tim thì lại là của thiên thần,” anh chàng nói, liếm môi. "Nếu tôi phải thiết lập một mối liên hệ song song thực sự, nàng ấy gợi nhớ về cô gái da màu quyến rũ ở Havana, người vô cùng mộ đạo và tôn thờ những vị thánh của mình. Nhưng, vì sâu thẳm trong lòng tôi là một người theo típ truyền thống không thích lợi dụng điểm yếu của nữ giới, nên tôi tự thỏa lòng với một nụ hôn trong sáng lên má. Tôi không việc gì phải vội, cậu hiểu chứ? Thảy những điều tuyệt vời đều phải đợi chờ. Ngoài kia có những kẻ quê mùa tưởng rằng nếu chạm được vào mông một phụ nữ và cô ta không phàn nàn thì tức là hắn câu được cô ta rồi. Bọn gà mờ. Trái tim giới nữ là mê cung những điều tinh tế khó dò, quá thách thức đối với cái đầu thô lậu của cánh đàn ông kẻ cướp. Nếu cậu thực sự muốn sỡ hữu một người phụ nữ, cậu phải suy nghĩ như nàng, và điều đầu tiên phải làm là giành được tâm hồn nàng. Còn lại thì, cái sự ấp ôm ngọt ngào mềm mại cướp đi ý thức và đức hạnh của cậu ấy, nó là phần thưởng kèm theo.”
Tôi vỗ tay vả long trọng trước bài diễn thuyết vừa nghe. "Anh đúng là một nhà thơ, Fermín." “Không, tôi ủng hộ triết gia Ortega và tôi là người thực dụng. Thơ ca toàn nói dối, theo cái lối xấu xa đáng yêu của riêng nó, và điều tôi nói đây còn thực hơn một lát bánh mì với cà chua. Ngài triết gia đã nói đúng điều này: hãy chỉ cho tôi một gã Don Juan rồi tôi sẽ chỉ cho bạn một kẻ thất bại trá hình. Điều tôi nhắm đến là sự lâu dài, bền vững. Hãy làm chứng rằng tôi sẽ khiến Bernarda trở thành nếu không phải một phụ nữ trung thực, bởi nàng vốn đã như vậy rồi, thì cũng là một phụ nữ hạnh phúc.”
Tôi gật đầu cười. Nhiệt tình của anh chàng quả là đầy sức lây truyền, và cách chọn từ ngữ đã tiến bộ vượt bậc. "Hãy chăm sóc chị ấy, Fermín. Hãy làm thế vì tôi. Bernarda có trái tim vàng, và chị ấy đã phải chịu quá nhiều thất vọng rồi.” “Cậu nghĩ tôi không nhìn ra điều đó sao? Nó được viết cả lên mặt cô ấy, như một con dấu của cộng đồng góa phụ vì chiến tranh. Tin tôi đi: Trong mấy chuyện này tôi kinh nghiệm đầy mình. Tôi sẽ khiến người phụ nữ này hạnh phúc vô bờ bến dẫu cho đó là điều cuối cùng tôi từng làm trên thế gian này.”
“Tôi có lời đảm bảo của anh rồi đấy chứ?” Anh chàng dang tay với phong thái điềm tĩnh của một hiệp sĩ dòng Đền. Tôi nắm lấy bàn tay ấy.
“Phải, lời đảm bảo của Fermín Romeo de Torres.” ***
HÔM ĐÓ SÁCH BÁN ŔT CḤM, gần như chỉ có vài ba người lùng sách. Thấy tình hình như vậy, tôi gợi ý Fermín nghỉ cho hết ngày. “Đi đi, đi kiếm Bernarda rồi đưa chị ấy tới rạp chiếu phim hay đi ngắm hàng trưng bày trên phố Puertaferrissa, tay trong tay nhé, chị ấy thích như thế lắm.”
Fermín không ngần ngại nhận lời đề nghị của tôi rồi vội vã lao vào phòng trong đặng chải chuốt vẻ ngoải, trong ấy anh chàng để sẵn đống quần áo để thay và đủ loại nước hoa cũng như kem thoa nhét trong túi nhỏ cá nhân dễ thường khiến cả Veronica Lake cũng phải ghen tị. Khi xuất hiện, trông Fermín chẳng khác gì siêu sao điện ảnh, có điều phải nhẹ dễ hơn cả ba chục kí. Anh chàng bận bộ com lê vốn là của cha tôi cùng một cái mũ phớt quá khổ dễ đến vài cỡ, vấn đề được anh chàng giải quyết bằng cách nhét mấy cuộn giấy báo trong vành mũ. “À này, Fermín. Trước khi anh đi... tôi muốn nhờ anh một việc.”
“Đừng nói gì nữa. Cậu cứ ra lệnh. Tôi đã sẵn sàng rồi.” “Tôi muốn anh giữ điều này là bí mật giữa hai chúng ta, OK? Không một lời với cha tôi.”
Fermín cười rạng rỡ. "A, cậu chàng tinh quái tính làm gì với cô nàng đó, phải không?” "Không. Chỉ là vấn đề đáng tò mò thôi. Chuyên môn của anh đấy.”
“Hừm, tôi cũng biết nhiều về các cô gái. Tôi bảo cậu thế là bởi nếu có bất cứ thắc mắc về kỹ thuật thì cậu biết hỏi ai rồi đấy. Đảm bảo riêng tư. Gặp những vấn đề như thế thì tôi chẳng kém gì bác sĩ cả. Không cần phải cả thẹn” “Tôi sẽ nhớ điều đó. Giờ điều tôi muốn biết ai là người sỡ hữu hòm thư trước bưu điện chính trên Đại lộ Via Layetana. Số hiệu 2321. Và, nếu có thể, ai ra đó thu nhập thư từ hằng ngày. Anh nghĩ xem có giúp được tôi một tay không?”
Fermín dùng bút bi viết lại số hiệu lên lòng bàn chân mình, dưới lớp tất. "Dễ ợt. Tất thảy các cơ quan chính quyền đều không cưỡng lại nổi tôi đâu. Cho tôi vài ngày rồi tôi sẽ cung cấp thông báo đầy đủ cho cậu.”
“Đồng ý là không nói gì với cha tôi chứ” “Đừng lo. Tôi sẽ im lặng như tượng Nhân sư.”
“Tôi thực cảm tạ. Giờ thì đi đi, mau lên, hãy có những giây phút đẹp đẽ nhé.” Tôi nói lời tạm biệt với lối chào quân đội và nhìn anh chàng ra đi hớn hở như một chú trống đang trên đường đến chuồng gà mái.
Fermín vừa mới đi được hơn năm phút thì tôi nghe tiếng chuông leng keng ở cửa ra vào bèn ngẩng đầu lên khỏi những cột số và dấu má. Một người đàn ông vừa bước vào, giấu mình đằng sau chiếc áo mưa xám và mũ phớt. Gã ta có bộ râu con kiến và đôi mắt xanh vô cảm. Gã ta cười như một tay bán hàng lưu động, một nụ cười gượng gạo. Tôi thấy tiếc vì Fermín không ở đây lúc này, bởi anh chàng là chuyên gia trong việc đuổi khéo những tay hàng rong bán long não kèm những thứ rác rưởi khác mỗi khi bọn họ luồn được vào cửa tiệm, Vị khách vừa vào nở nụ cười ngọt xớt với tôi, hờ hững cầm một cuốn sách từ chồng xếp cạnh cửa ra vào đang chờ được sắp xếp và định giá. Mọi thứ ở gã đều truyền đạt thái độ khinh khỉnh với thảy những điều gã thấy. Ông thậm chí không định bán cho tôi một "buổi chiều tốt lành”, tôi nghĩ. “Nhiều chữ quá ha?”gã nói.
“Đó là sách mà; chúng thường có kha khá chữ bên trong. Tôi có thể làm gì cho ngài không?” Gã đàn ông đặt cuốn sách trở lại chồng, lãnh đạm gật đầu và làm ngơ câu hỏi của tôi. "Ta nói việc đọc là dành cho mấy kẻ dư quá nhiều thời gian và chẳng có gì làm. Như đàn bà ấy. Những người như chúng ta phải làm việc, thì giờ đâu cho mấy trò kiểu cách. Chúng ta quá bận rộn mưu sinh rồi. Cậu có đồng ý không?”
“Đó chỉ là một quan điếm. Ngài có phải đang tìm kiếm thứ gì đó cụ thể chăng?” “Đó không phải một quan điểm. Đó là sự thật. Đó chính là vấn đề với cái đất nước này: người ta không muốn làm việc. Có quá nhiều kẻ lang thang vô công rồi nghề khắp nơi. Cậu có đồng ý không?”
“Tôi chịu thôi, thưa ngài. Có lẽ. Ở đây, ngài thấy đó, chúng tôi chỉ bán sách.” Gã đàn ông tiến về phía quầy tính tiền, mắt đảo quanh khắp tiệm, đôi lúc dừng lại nhìn tôi. Vẻ ngoài và phong thái của gã dường như mơ hồ quen thuộc, dù tôi không thể nói tại sao. Điều gì đó ở gã gợi tôi nhớ đến những nhân vật vẽ trong các bộ bài kiểu xưa hay đại loại gì đó hay được cánh bói toán sử dụng, một bản in lấy thẳng ra từ những trang trong một cuốn sách cổ trước thế kỉ 15[3]: sự tồn tại của gã vừa buồn thảm vừa nhức nhối, như một lời nguyền khoác bộ cánh đẹp nhất ngày Chủ nhật.
[3. Nguyên gốc: Incunabulum (hoặc Incunable), một loại sách cổ được in - chứ không phải viết tay - trước năm 1501 tại Châu u.] “Nếu ngài nói cho tôi biết tôi có thể làm gì cho ngài.”
“Thực ra thì ta là kẻ được cử đến để phục vụ cậu. Cậu có phải chủ sở hữu cơ ngơi này?” “Không. Ông chủ là cha tôi.”
“Và tên ngài là?” “Tên tôi hay tên cha tôi?”
Gã đàn ông lộ ra một nụ cười nhạo cợt. Một tiếng khúc khích, tôi nghĩ. “Vậy ta hiểu rằng dòng chữ trên biển đề Sempere và con trai dùng cho cả hai cha con nhà cậu nhỉ?”
“Ngài thực khéo chú ý. Liệu tôi có thể hỏi lý do chuyến viếng thăm này, nếu ngài không hứng thú với sách?” "Lý do cho sự viếng thăm của ta, coi như lễ chào xã giao đi nếu cậu thích, là để cảnh báo cậu. Ta để ý rằng việc làm ăn của nhà cậu có dính đến những nhân cách chẳng ra gì, đặc biệt là loại đồng tính và dây dưa với tội ác.”
Tôi ngỡ ngàng nhìn gã. "Xin lỗi?” Gả đàn ông đóng cái nhìn lên tôi qua đôi mắt. “Ta đang nhắc đến bọn đồng tính và trộm cắp. Đừng có nói rằng cậu không biết ta đang nói về đề gì.”
“Tôi e mình chẳng có lấy chút ý niệm nhỏ nhất nào, cũng như tôi chẳng mảy may hứng thú nghe ngài nói lâu hơn nữa.” Gã đàn ông gật đầu với vẻ đầy thù địch và hung hãn. "Nếu vậy cậu phải chịu đựng ta thôi. Ta đồ chừng cậu biết về những hoạt động của gã công dân Federico Faviá.”
“Don Federico là thợ đồng hồ tại khu này, một người xuất chúng. Tôi vô cùng ngờ rằng ông ấy sao có thể là tội phạm." “Ta đang nói về bọn đồng tính. Ta có chứng cớ chỉ ra rằng lão biến thái đó thường ghé qua tiệm này, đoán chừng là để mua mấy cuốn tiểu thuyết lãng mạng vớ vẩn và văn hóa phẩm khiêu dâm.”
“Liệu tôi có thể hỏi sự vụ của ngài ở đây là gì?” Gã đáp lời bằng cách rút ví đặt lên quầy thanh toán. Tôi nhận ra tấm thẻ cảnh sát cáu bẩn với hình gã bên trên, trông trẻ hơn đôi chút. Tôi đọc tới chỗ dòng chữ in “Thanh tra Trưởng Francisco Javier Fumero”.
“Hãy nói chuyện lễ phép với ta, nhóc ạ, không thì cả cậu và cha cậu đều gặp rắc rối vì bán mấy thứ rác rưởi đấy. Nghe rồi chứ?” Tôi muốn đáp lại, nhưng từ ngữ cứ đông cứng lại trên môi.
“Dù sao lão đồng tính không phải kẻ khiến ta đến đây ngày hôm nay. Sớm muộn lão ấy cũng sẽ phải vào đồn cảnh sát, như hết thảy cánh đồng loại với lão, và ta đảm bảo sẽ cho lão nhận được một bài học. Điều khiến ta lo lắng là, theo như nguồn tin của ta, nhà cậu đang thuê một thằng trộm có nhiều tiền án, loại tởm lợm nhất trong tất cả những loại tệ hại." “Tôi không hiểu ngài đang nói gì, ngài Thanh tra.”
Fumero rúc rích cái điệu cười nhơ nhớp đê tiện cuả gã. “Chúa mới biết giờ thằng đó dùng cái tên gì. Nhiều năm trước nó tự gọi mình là Wilfredo Camagũey, Vua Mambo, nó còn khoe mình là một tay phù phép điêu luyện, giảng viên khiêu vũ cho người thừa tự của hoàng gia Bourbon và là người tình của Mata Hari[4]. Những lần khác thì nó lấy tên các vị đại sứ, đủ loại nghệ sĩ hoặc đấu sĩ. Tới giờ bọn ta chẳng thể đếm nổi là bao nhiêu lần rồi.”
[4. Mata Hari là nghệ danh của Margaretha Geertruida (1876-1917), một vũ nữ người Hà Lan. Bà làm điệp viên nhị trùng cho các đế quốc Pháp và Đức trong Thế chiến thứ nhất. Mata Hari bị Pháp xử bắn vì tội gián điệp năm 1917.] “Tôi e là tôi không thể giúp ngài được đâu. Tôi chẳng biết ai tên là Wilfredo Camagũey cả.”
“Ta đoán chắc là cậu không biết, nhưng cậu biết ta đang nói đến ai mà, đúng không?” “Không.”
Fumero cười lần nữa, cái điệu cười gượng ép, giả tạo như tóm gọn hắn lại trong vài dòng quảng cáo in trên tờ bọc sách. "Cậu thích làm mọi chuyện phức tạp hơn phải không? Này, ta tới đây với tư cách bạn bè, để cảnh báo cậu rằng bất cứ ai dính dáng đến cái kẻ bại hoại nhân cách như thằng đó rốt cuộc đều trầy trụa hết cả, thế mà cậu lại cư xử như thể ta là kẻ nói dối.” “Không hề. Tôi cảm kích trước chuyến viếng thăm và lời cảnh cáo của ngài, nhưng tôi dám đảm bảo với ngài rằng không hề có...”
“Đừng có nói tào lao với tao, bởi tao mà thấy thích, tao sẽ đập mày nhừ tử và nhốt mày trong tù, nghe rõ chưa? Nhưng hôm nay tao đang thoải mái, nên tao chỉ cảnh báo mày thế thôi. Mày cứ tùy ý mà lựa chọn bằng hữu. Nếu mày thích bọn đồng tính với phường trộm cướp, ắt trong mày cũng chứa đôi phần của cả hai cái ngữ ấy. Mọi thứ đều phải rõ ràng một khi tao đã để tâm đến. Hoặc mày theo tao hoặc đối đầu với tao. Đời là vậy. Đơn giản thế thôi. Thế mày định thế nào?” Tôi không đáp gì, Fumero gật đầu, rúc rích thêm tiếng cười khác.
“Được lắm, Señor Sempere. Chính mày chọn đấy nhé. Không phải một khởi đầu tốt giữa hai chúng ta. Nếu mày muốn rắc rối, mày sẽ có ngay. Đời đâu phải tiểu thuyết, mày thừa biết. Ở đời mày phải chọn phe. Mà rõ ràng là mày đã quyết phe nào. Phe của bọn trì độn, phe thảm hại.” “Tôi định bụng mời ngài ra khỏi đây, thưa ngài.”
Gã quay trở lại về phía cửa, theo sau là tiếng cười đầy ẩn ý. "Chúng ta sẽ còn gặp lại. Và bảo bạn mày là Thanh tra Fumero vẫn đang trông chừng nó đấy, gửi tới nó lời hỏi thăm tốt đẹp nhất của tao.” Cuộc viếng thăm của gã thanh tra và âm vang những lời hắn nói làm tàn hại cả buổi chiều của tôi. Sau mười lăm phút cuống quýt tới lui sau quầy tính tiền, dạ dày tôi như quặn lại thành gút, tôi quyết định đóng cửa tiệm sách sớm hơn thường lệ và ra ngoài đi dạo. Tôi loanh quanh vô chủ đích, không tài nào rũ bỏ khỏi tâm trí những lời ám chỉ và dọa nạt từ tên vô lại hiểm ác kia. Tôi phân vân liệu mình có nên cảnh báo cha và Fermín về cuộc thăm hỏi vừa rồi, nhưng tôi đoán chắc đó hẳn chính là chủ đích của Fumero: hòng gieo ngờ vực, thống khổ, sợ hãi và bất an trong lòng chúng tôi. Tôi quyết định không chơi trò của hắn. Mặt khác, những lời hắn ám chỉ về quá khứ của Fermín khiến tôi giật mình. Tôi tự thấy xấu hổ khi phát hiện ra rằng, trong chốc lát, tôi đã tin những lời của gã cớm. Rốt cuộc, sau nhiều cân nhắc, tôi quyết định trục xuất hoàn toàn vấn đề khỏi đầu óc.
Trên đường về, tôi đi qua tiệm đồng hồ. Don Federico đang ở sau quầy tính tiền liền chào tôi, ra hiệu bảo tôi vào. Ông thợ đồng hồ là một người nhã nhặn, luôn tươi cười và chẳng bao giờ quên ngày sinh của ai, là kiểu người ta luôn có thể đến cầu cứu với một song đề nhức óc, thầm biết rằng bác sẽ chỉ ra được lối thoát. Tôi không khỏi rùng mình trước cái ý nghĩ tên bác nằm trong danh sách đen cuả Thanh Tra Fumero, tự phân vân liệu mình có nên cảnh báo bác về điều đó, dù tôi không sao mường tượng được sẽ cảnh báo thế nào sao cho không bị vướng vào những vấn đề vốn chẳng phải chuyện của tôi. Cảm thấy bối rối hơn lúc nào hết, tôi bước vào cửa tiệm và cười với bác. “Cháu thế nào, Daniel? Cái mặt đó là sao?”
“Một ngày không trôi chảy," tôi nói. "Mọi việc thế nào, Don Federico?" “Trơn như lụa. Giờ chẳng ai còn làm đồng hồ tốt như hồi xưa nữa rồi, nên bác có ối việc để làm. Nếu cứ đà này, chắc bác phải thuê một phụ tá. Bạn cháu, nhà sáng chế ấy, có hứng thú không? Chắc cậu ấy phải giỏi mấy chuyện thế này lắm.”
Chẳng khó khăn gì để tưởng tượng ra phản ứng của cha Tomás khi ông nghĩ về chuyện con trai mình nhận việc tại cơ sở của ông bạn hàng xóm đồng tính chính hiệu. "Cháu sẽ bảo cậu ấy xem.” “Tiện đây, Daniel, bác có cái đồng hồ báo thức mà cha cháu mang tới độ hai tuần trước. Bác không biết ông ấy đã làm gì với nó, nhưng tốt hơn là nên mua hẳn một cái mới thay vì sửa.”
Tôi nhớ ra rằng thi thoảng, vào những đêm hè bức bối, cha tôi hay ra ngủ ngoài ban công. “Có lẽ nó bị rơi xuống phố,” tôi nói.
“Thế là đủ hiểu. Nhắc cha cháu bảo bác xem nên làm gì với nó nhé. Bác có thể kiếm một chiếc hiệu Radiant cho ông ấy với giá phải chăng. Đây, cháu cầm cái đồng hồ này về nếu muốn, và bảo ông ấy thử dùng xem. Ông ấy mà thích thỉ trả tiền sau cũng được. Nếu không cứ việc đem trả lại.” “Cảm ơn rất nhiều, Don Federico.”
Người thợ đồng hồ bắt đầu bọc lại cái sản phẩm kỳ dị vừa nhắc đến. “Kỹ thuật tân tiến nhất đấy,” bác nói. "Mà, bác thích cuốn sách mà hôm nọ Fermín bán cho bác. Nó là của Graham Greene. Cái cậu Fermín đó đúng là một chàng làm công xuất chúng.”
Tôi gật đầu. "Vâng, anh chàng đó đáng giá số vàng nặng gấp đôi trọng lượng của mình.” “Bác để ý cậu ấy chẳng bao giờ đeo đồng hồ. Bảo cậu ấy đến đây rồi chúng ta sẽ chọn lấy cho cậu ấy một cái.”
“Cháu sẽ bảo. Cảm ơn nhiều, Don Federico.” Khi đưa tôi chiếc đồng hồ báo thức, người thợ đồng hồ tỉ mỉ quan sát đoạn nhướng mày. "Cháu có chắc không có vấn đề gì không đấy, Daniel? Chỉ là một ngày không tốt thôi sao?”
Tôi gật đầu lần nữa rồi cười. "Chẳng có vấn đề gì đâu, Don Federico. Bảo trọng nhé.” “Cháu cũng vậy, Daniel.”
Khi về nhà, tôi thấy cha đang ngủ gục trên sofa, tờ báo phủ lên ngực. Tôi đặt chiếc đồng hồ lên bàn với một tờ giấy ghi rằng: "Don Federico khuyên nên tống khứ cái cũ đi." Sau đó tôi lẳng lặng về phòng mình. Tôi nằm trên giường trong bóng tối và thiếp ngủ trong lúc nghĩ ngợi về tay thanh tra, Fermín, và ông làm đồng hồ. Khi tôi thức dậy lần nữa thì đã hai giờ sáng. Tôi dòm ra ngoài hành lang thì thấy cha tôi đã rời về phòng ngủ với chiếc đồng hồ báo thức mới. Căn hộ của chúng tôi giờ ngập những bóng đen, và thế giới dường như thành một nơi u ám cũng như hiểm ác hơn so với chỉ một đêm trước đây. Tôi nhận ra rằng, trên thực tế, tôi chưa bao giờ thực sự tin rằng Thanh tra Fumero có tồn tại. Tôi đi vào bếp, rót cho mình một cốc sữa lạnh, và tự hỏi liệu Fermín có đang an toàn vô sự trong căn hộ thuê của anh không. Trên đường về phòng ngủ, tôi cố xua đuổi hình ảnh tay cớm kia khỏi tâm trí. Tôi cố thiếp đi trở lại nhưng nhận ra rằng việc đó không thể. Tôi bật đèn lên và quyết định kiểm tra phong bì gửi tới Julián Carax mà tôi đã thó được từ Doña Aurora sáng nọ, nó vẫn nằm yên trong túi áo vét. Tôi đặt nó lên bàn, dưới luồng sáng của đèn đọc sách. Đó là một tấm giấy da tạo hình phong bì, với bốn góc răng cưa ngả vàng xỉn, bề mặt chạm vào sờn nhám như đất sét. Dấu bưu điện, chỉ là một vệt mờ, in “ngày 18 tháng 10 năm 1919”. Phần dấu sáp phong kín đã bong mất, rất có khả năng nhờ sự can thiệp của bên thứ ba là Doña Aurora. Tại chỗ trước kia là dấu sáp chỉ còn một vệt đỏ bầm, như dấu son môi từng hôn lên nếp gấp phong bì tại nơi địa chỉ hồi đáp được điền lên.
Penélope Aldaya số 32 Đại lộ Tibidabo, Barcelona
Tôi mở phong bì và rút lá thư ra, một tờ giấy màu đất sơn được gấp đôi gọn gàng. Nét chữ, với màu mực xanh dương run rẩy lướt trên mặt giấy, chầm chậm lọt dần đi cho đến khi phục hồi được nét mãnh liệt sau mỗi vài từ. Mọi điều trên trang thư đều toát lên thần thái một thời đại khác: những nét bút lệ thuộc vào mực viết, những chữ cào trên lớp giấy dày bởi đầu ngòi bút nhọn, cảm giác sần ráp của mặt giấy. Tôi trải lá thư lên trên bàn mà đọc, nín thở. Julián thương yêu:
Sáng nay em được biết qua Jorge rằng chàng đã rời Barcelona nhằm đeo đuổi những mộng ước của mình. Em luôn sợ rằng những mộng ước đó sẽ không bao giờ cho phép chàng trở thành của em, hoặc của bất kỳ ai khác. Em muốn được ngắm chàng thêm lần cuối, để có thể nhìn vào đôi mắt chàng và thốt lên những điều em không tài nào biết sao có thể nói được qua thư. Không gì thành được như hai ta đã dự định. Em biết chàng quá rõ, và em biết rằng chàng sẽ chẳng viết cho em đâu, rằng chàng thậm chí cũng chẳng cho em địa chỉ của chàng, rằng chàng sẽ muốn trở thành ai đó khác. Em biết chàng sẽ hận ghét em vì không thể tới đó như em đã hứa. Rằng chàng sẽ nghĩ em đã dối lừa chàng. Rằng em không có đủ dũng cảm. Em vẫn hình dung chàng biết bao lần, một mình trên chuyến tàu đó, đoán chắc rằng em đã phản bội chàng. Đã bao lần em cố tìm kiếm chàng qua Miquel, nhưng anh ta bảo chàng chẳng hề muốn dính dáng gì đến em nữa. Họ đã cho chàng những lời dối trá gì vậy, Julián? Họ đã nói gì về em? Sao chàng lại tin bọn họ?
Giờ em biết em đã mất chàng. Em đã mất tất thảy. Dẫu sao, em không thể mặc chàng ra đi mãi mãi và để chàng lãng quên em mà không báo chàng biết rằng em không hận chàng chút nào đâu, và em biết ngay từ đầu, em biết rằng em sẽ mất chàng và em trong mắt chàng sẽ chẳng bao giờ như chàng trong mắt em. Em muốn chàng biết rằng em yêu chàng từ ngày đầu tiên đó và vẫn yêu chàng, giờ đây càng yêu hơn bao giờ hết, dẫu chàng không hề muốn vậy. Em đang lén viết thư cho chàng, chẳng ai hay biết. Jorge đã thề rằng nếu gặp chàng lần nữa, anh ấy sẽ giết chàng. Em chẳng còn được phép ra khỏi nhà nữa rồi, còn chẳng được phép nhìn ra ngoài cửa sổ. Em không tin rằng rồi về sau họ sẽ tha thứ cho em. Một người em tin tưởng đã hứa sẽ gửi lá thư này cho chàng. Em sẽ không nhắc đến tên người đó để không gây nguy hiểm cho người đó. Em không biết liệu những lời này của em liệu có thể đến tay chàng. Nhưng nếu có, và nếu chàng quyết định quay trở lại đón em tại nơi đây, em biết chàng sẽ tìm ra cách. Khi viết những dòng này, em hình dung chàng trên chuyến tàu đó, đầy những mơ ước cùng với một tâm hồn tan vỡ bởi sự bội phản, tránh xa khỏi tất thảy chúng em và chính bản thân chàng. Có biết bao điều em không thể nói với chàng, Julián. Những điều hai ta chẳng bao giờ biết và tốt hơn là chàng đừng bao giờ nên biết.
Tất thảy những gì em mong ước là cho chàng được hạnh phúc, Julián, rằng mọi điều chàng khát khao đạt được đều thành sự thực, và rằng, dù cho rồi sau đây chàng có thể quên em, một ngày nào đó rốt cuộc chàng sẽ hiểu em yêu chàng nhường nào. Mãi yêu,
Penélope.
Bóng Hình Của Gió Bóng Hình Của Gió - Carlos Ruiz Zafón Bóng Hình Của Gió