Chương 15
au khi báo cáo trung tâm một số tình hình và xin ý kiến về việc đi Việt Nam của tôi, tôi nhận được chỉ thị đồng ý. Tôi sung sướng chuẩn bị đồ đạc, hồi hộp chờ đợi. Tất nhiên, trước bọn chúng, tôi vẫn giữ vẻ lo âu, sợ hãi việc gặp lại cộng sản.
Rồi ngày mong ước của tôi đã đến.
Khi chiếc phi cơ cất cánh, tôi chỉ muốn hét lên vì sung sướng. Tôi như một con chim xa đàn, nay đang được trở về. Hạnh phúc lớn lao nhất và sự mong đợi lớn lao nhất của tôi là trở lại với mẹ.
Máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài vào buổi chiều. Hà Nội đang là mùa thu. Khi bước ra khỏi khoang máy bay thì những ngọn gió mang hương lúa ùa vào tôi. Những cánh đồng ngút ngàn trải dài. Nắng vàng óng. Người tôi ngợp lên niềm hạnh phúc đến đau khổ. Tôi quỵ xuống bậc cầu thang máy bay và òa khóc nức nở. Nhân viên hàng không chạy đến đỡ lấy tôi. Tôi vừa khóc vừa bước xuống từng bậc cầu thang như mê man.
- Hãy để cho tôi được khóc - Tôi nói với nhân viên hàng không Việt Nam.
- Cô từ nước nào về hở cô? - Một nhân viên nữ hỏi tôi.
- Tôi từ Mỹ về - Tôi trả lời, thấy trái tim mình nhói đau.
- Chắc cô đi lâu lắm rồi? - Cô gái lại hỏi.
- Tôi đi hơn mười năm rồi.
Khi rời Trường Sơn xuống Sài Gòn, tôi còn rất trẻ, và khi tôi trở về Tổ quốc đã có người gọi tôi bằng cô. Sự xưng hô tôn trọng làm cho trái tim tôi nhói đau.
Giờ đây tôi đã trở về Tổ quốc sau bao năm xa cách. Tôi trở về với một dòng chữ ghi trong hộ chiếu “Quốc tịch Mỹ”. Tôi muốn gào lên trước bàn thủ tục rằng “Tôi là người Việt Nam. Tôi là một phụ nữ Việt Nam”. Khát khao được làm một người Việt Nam bình thường lại bỗng trỗi dậy cháy bỏng khiến tôi như mê mụ.
Từ sân bay về Hà Nội, tôi đi bằng xe của một cơ quan báo chí. Tôi là khách của họ trong thời gian ở Việt Nam.
Về đến khách sạn Thắng Lợi, người hướng dẫn làm việc với tôi về chương trình hoạt động của tôi. Anh đưa cho bản chương trình bằng tiếng Anh.
- Sao lại đưa tôi bản tiếng Anh? - Tôi hỏi, giọng hơi bực tức.
- Dạ, chúng tôi chưa biết rõ chị. Chỉ thấy trong fax đánh về ghi chị Cherie Phung quốc tịch USA. Dạ, xin lỗi chị. Và như thế chị không cần phiên dịch.
- Cám ơn anh, tôi chỉ cần một hướng dẫn viên tốt, tốt nhất là một nhà báo.
- Vâng, chúng tôi đáp ứng yêu cầu của chị.
Bữa cơm đầu tiên ở Tổ quốc hơn mười năm xa vắng làm tôi không cầm được nước mắt. Tôi ngắm nhìn mãi những món ăn được dọn ra. Tôi cầm thực đơn thấy gì quen thân thì gọi. Cơm gạo tám, giò, chả, nem, canh chua, nước mắm chanh ớt, v.v...
- Có cà pháo không em? - Tôi hỏi một cô gái phục vụ.
Cô nhìn tôi có vẻ lạ lùng rồi mỉm cười nói:
- Dạ, không có ạ.
Tôi còn hỏi bao thứ nữa, nhưng cũng không có. Đó là chuyện hết sức bình thường. Cả những cái nhìn lạ lẫm của cô gái cũng là bình thường, bởi các em được sống trong gió, nắng, mưa, bão và bà con, hàng xóm, bạn bè Việt Nam. Còn tôi phải sống xa những cái đó hơn mười năm nay rồi.
- Cô không ăn ư? Món ăn chắc không hợp khẩu vị của cô phải không? - Cô gái phục vụ nói.
- Không, không, cô chỉ nhìn thấy những thức ăn như thế này là cô sung sướng rồi.
Khi tôi rời phòng ăn ra ngoài thì lễ tân báo có người đang đợi tôi. Tự nhiên tim tôi đập loạn lên. Tôi vội vã bước ra. Một người đàn ông tóc đã bạc nhìn tôi một lát rồi đứng dậy đi về phía tôi, theo sau là một thanh niên chừng ba mươi tuổi.
- Phụng! Trời ơi! Phụng - Người đàn ông tóc bạc hấp tấp kêu lên.
Tôi sững người nhìn ông rồi kêu lên như thét:
- Chú Ba, trời ơi, chú Ba. Chú ơi!...
- Mày còn nhận ra tao ư Phụng?
- Con làm sao mà quên được chú - Nói xong tôi khóc.
- Thôi nín đi, lớn lắm rồi, anh hùng rồi, bộ còn khóc như con nít hoài vậy. Đi qua kia nói chuyện.
Ông dẫn tôi ra ven Hồ Tây, ở đó có một chiếc xuồng và một người chờ sẵn.
- Tao đưa mày đi xuồng chơi Hồ Tây coi.
Ông đỡ tôi xuống xuồng. Chiếc xuồng lặng lẽ rời bờ.
Hoàng hôn đã phủ tím mặt hồ. Gió mát rượi đổ lan trên mặt nước.
- Cho đến lúc này, cháu vẫn không thể ngờ được gặp chú. Kể từ ngày ở cứ...
- Gặp chớ. Tại sao lại không gặp? - Ông nói và cười lớn - Hồi sau khi cháu đi, chú bị thương tưởng chết. Thôi, chuyện cũ - Ông phẩy tay - Hôm nay thay mặt tổ chức, chú đến thăm cháu, và tuyên dương công trạng cháu.
- Chú! - Tôi khẽ kêu lên và mắt tôi nhòa ướt.
Có tiếng một con vịt trời đập cánh xuống mặt nước bay lên. Chiếc xuồng bồng bềnh trôi trên mặt hồ êm ả.
- Mẹ cháu ra sao rồi hả chú? - Tôi hỏi khẽ và đợi câu trả lời đến thắt tim.
- Hôm qua chú đến thăm mẹ cháu. Mẹ cháu vẫn khỏe. Song vì yêu cầu tổ chức, các chú không được phép nói sự thật cho mẹ cháu. Đến hôm nay, mẹ cháu chưa biết tin cháu về.
Trời ơi, bao năm trời mẹ phải đau khổ về sự phản bội Tổ quốc của tôi. Một khoảng thời gian khủng khiếp.
- Chú ơi, khi nào cháu được về thăm mẹ cháu?
- Cháu gắng đợi vài bữa nữa. Chú cần phải cho anh em kiểm tra những khách quanh nơi cháu ở để đảm bảo an toàn.
- Cháu hiểu.
- Công việc cụ thể cháu về Việt Nam ra sao?
- Cháu được giao nhiệm vụ rà soát và kiểm tra lại “Ủy ban hậu chiến”, trung tâm chỉ huy của nó ở Sài Gòn và chuyển tài trợ cho ủy ban.
- Đó là một yêu cầu rất lớn của ta. Chúng ta cần biết cái ủy ban này ra sao. Có nhiều nguồn tin chúng muốn gây nhiễu và thăm dò, nhưng cháu phải hết sức cẩn thận, mặc dù tổ chức sẽ có kế hoạch bảo vệ và giúp đỡ cháu.
- Cháu có mang theo mật hiệu bằng đồ vật. Theo chương trình của cơ quan báo chí Việt Nam, cháu sẽ làm việc ở Hà Nội và tỉnh khác chừng mười ngày.
- Đó là một thời gian cần thiết cho cháu chuẩn bị. Tối ngày kia, cháu sẽ tự về nhà mình. Có động tĩnh gì, chú sẽ thông báo cho cháu ngay. Mặc dù cháu đang ở Tổ quốc mình, nhưng phải cảnh giác.
Hai đêm ở khách sạn Thắng Lợi, tôi nôn nao không ngủ, tôi đứng bên lan can ven bờ Hồ Tây. Tôi sung sướng đón nhận những làn gió của Tổ quốc mình. Tôi lắng nghe tiếng cá ăn đêm quẫy mơ hồ trên mặt nước. Tôi yêu cả tiếng gà gáy từ những khu nhà gần đó vọng về.
Đến buổi tối thứ ba, tôi thuê xích lô về nhà mình. Nhà tôi ở trong một phố nhỏ. Tôi xuống xích lô đi bộ vào ngõ nhà. Chân tôi run lên tưởng không bước nổi. Hai bên ngõ phố nhà tôi có rất nhiều hàng quán. Những người ngồi trong quán nhìn theo tôi tò mò. Họ không biết tôi.
Bước đến gần cửa ngôi nhà quen thuộc thì tôi không thể bước được nữa.
Có ai đó trong nhà bước ra sân. Cô gái nghe thấy tiếng khóc, bước lại phía tôi:
- Ai mà đứng đây khóc thế này?
- Chị đây, chị đây mà - Tôi nghẹn ngào chỉ nói được có thế. Cô gái đó (sau này tôi mới biết đó là em dâu) chạy vào nhà gọi em trai tôi:
- Anh Trung, anh Trung ơi! Ra xem ai đứng ở ngõ nhà mình kia kìa.
Thằng em trai tôi bước ra. Nhà tôi hôm đó mất điện. Nó bật lửa và hỏi:
- Ai đấy?
- Trung - Tôi gọi nó - Chị Phụng đây, chị Phụng về đây mà, em ơi!
- Sao, sao - Nó hét lên, lập cập bước lại phía tôi. Nó soi bật lửa trước mặt tôi và kêu lên đến lạc cả giọng - Chị ơi, chị Phụng về, chị Phụng về mẹ ơi, Thanh ơi, Phương ơi, chúng mày ơi!...
Vừa kêu nó vừa lao vào tôi. Nó quáng quàng ôm lấy tôi khóc rống lên, dìu tôi đi vào. Đến giữa sân thì mọi người trong nhà chạy ra ôm lấy tôi. Cả một khối người ôm chồng lấy nhau, nức nở.
Khi tôi bước vào đến cửa nhà thì có đứa em tôi chợt kêu lên:
- Kìa mẹ, mẹ làm sao thế kia. Mẹ ngất rồi.
- Lấy cho mẹ cái khăn ướt.
- Mang cái quạt lại đây.
- Mẹ ơi, mẹ tỉnh lại đi. Chị Phụng về rồi đây này.
Tôi không bước được nữa. Tôi ôm lấy cánh cửa nhà khóc không thành tiếng.
Một lúc sau mẹ tôi tỉnh lại. Bà ngồi tựa lưng vào lòng thằng Trung em tôi. Mẹ tôi huơ tay về phía tôi, giọng thều thào:
- Phụng, con ơi!
- Con xin mẹ, mẹ ơi! Con đây, mẹ ơi!
Tôi quỳ xuống gục đầu vào lòng mẹ tôi khóc. Bàn tay mẹ khô gầy, run rẩy quờ khắp người tôi.
Hàng phố nghe tiếng ồn ào từ nhà tôi vọng ra. Mọi người kéo nhau chạy sang. Khi biết tôi trở về thì mọi người ồ lên vui vẻ. Họ ngỡ mẹ tôi có chuyện gì. Tôi ngồi ôm mẹ tôi, quanh tôi là các em, các cháu tôi và hàng xóm. Tôi trả lời hàng trăm câu hỏi về những năm tháng tôi đi xa biền biệt không một lá thư.
Khi hàng xóm đã về hết, thằng Trung kêu lên:
- Chết, đi mua cái gì cho chị Phụng ăn đi chứ, để chị Phụng đói lả ra rồi.
- Chị Phụng ăn gì để em đi mua? - Thanh, cô em dâu tôi hỏi.
- Chị thèm phở quá.
- Úi giời, thế thì có ngay.
Chỉ một loáng sau, cô em dâu đã mang về một cặp lồng phở đầy tràn.
- Gớm, chúng mày làm như chị chúng mày sắp chết đói đến nơi - Mẹ tôi mắng yêu các em.
Tôi ngồi vào ghế ăn sung sướng.
- Ở Mỹ không có phở hả chị Phụng? - Một đứa em tôi hỏi.
- Có, nhưng là phở Mỹ.
Các em tôi cười ồ lên thích thú.
- Chúng mày có để cho chị nó ăn xong không đã - Mẹ tôi nói, tay vẫn không ngơi quạt cho tôi.
Ăn xong, tôi ôm mẹ tôi ngồi trên giường. Các em, các cháu tôi quây quần xung quanh. Gia đình tôi thức cho đến sáng.
Mới mờ sáng, các em tôi đã ríu ran phân công việc cho nhau. Đứa đi báo cho anh em, họ hàng, đứa đi chợ mua đồ làm liên hoan. Cả gia đình tôi sống trong một ngày hội lớn.
Đến đêm thứ ba, tôi mới được nằm nói chuyện với mẹ tôi. Tôi ôm siết tấm thân gầy khô của mẹ tôi vào lòng. Tôi khóc đẫm nước mắt trên lưng mẹ.
- Con có đi nữa không? - Mẹ tôi hỏi.
Nghe mẹ tôi hỏi, trái tim tôi như ngừng đập.
- Mẹ nhớ con nên ốm đau suốt - Mẹ tôi nói khẽ. - Tất cả hàng xóm, họ hàng và các em con đều nghĩ con đào ngũ và đi theo Mỹ ngụy rồi vượt biên. Có người còn độc mồm bảo con chết mất xác ngoài biển rồi. Đêm nào mẹ cũng mơ thấy con về. Cứ nghe động ngoài sân là giật mình không ngủ được. Mẹ nhớ và thương con quá. Nếu là con trai mẹ đỡ lo hơn. Thế chuyện chồng con thế nào rồi con?
Nghe mẹ tôi hỏi, tôi im lặng không nói gì. Mãi lâu sau tôi hỏi:
- Anh Hùng có đến thăm mẹ không?
- Nó tử tế lắm. Nó buồn lắm. Nó coi mẹ như mẹ đẻ. Nó lấy vợ và có hai đứa con rồi. Hai đứa bé ngoan đáo để. Sao con không cho các em đến báo cho nó một câu.
- Đừng, mẹ - Tôi ôm siết mẹ tôi - Đừng làm anh ấy buồn. Con có lỗi với anh ấy. Con sẽ gặp anh ấy sau.
- Con có phải đi nữa không?
- Có - Tôi trả lời rất nhỏ như sợ mẹ tôi nghe thấy - Vì nhiệm vụ mẹ ạ.
Mẹ tôi nằm im rất lâu. Tôi đưa tay quờ lên mặt mẹ tôi. Gương mặt héo khô của mẹ tôi đầy nước mắt.
- Mẹ đừng lo cho con. Mẹ tha thứ cho con mẹ nhé.
- Phụng ơi, mẹ thương con quá.
Hôm sau mẹ tôi giấu tôi đi chùa. Mẹ cầu khấn cho tôi gặp may mắn và sớm lấy chồng.
Tôi làm việc ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận mười ngày. Chú Ba với danh nghĩa một nhà báo đi cùng tôi. Trong thời gian đó, chúng tôi trao đổi với nhau những công việc quan trọng cho chuyến đi vào Sài Gòn.
o O o
Tôi trở lại Sài Gòn và cũng lạ lẫm trước sự đổi thay của thành phố. Tôi chuyển thư, quà cho những gia đình có thân nhân ở Mỹ mà tôi quen biết. Đến ngày thứ ba, tôi thực hiện nhiệm vụ của tổ chức Thoại và Kenđơ. Tôi đi xích lô đến địa chỉ Thoại đưa cho tôi.
Chủ nhà là một người đàn ông trạc sáu mươi tuổi, tóc bạc trắng, dáng đậm, thấp.
- Cô vừa ở Mỹ về? - Ông ta hỏi.
- Vâng, tôi về được gần nửa tháng. Tôi làm việc mười ngày ngoài Bắc theo chương trình.
Ông ta pha cà phê mời tôi. Chúng tôi uống cà phê và chuyện trò về Việt Nam và Mỹ. Giữa buổi, tôi tháo chiếc nhẫn đưa cho Hạnh (tên ông ta) và nói:
- Ông Đỗ gởi cho ông cái này - Tôi nói (Đỗ là bí danh của Kenđơ).
- Ông Đỗ ư? Có lẽ cô nhầm tôi với ai đó - Hạnh nhún vai - Tôi không quen ai tên là Đỗ. Nhưng ai cho cô địa chỉ này?
- Có lẽ tôi nhầm, tôi xin lỗi ông - Tôi nói - Không sao cả đâu, tôi sẽ mang trả lại cho ông Đỗ. Nó cũng nhẹ thôi mà. Xin chào ông.
Tôi nói và đứng dậy. Khi tiễn tôi ra đến cổng, ông Hạnh hỏi:
- Hiện giờ cô đang ở đâu?
- Tôi ở khách sạn Cửu Long. Buồng 216.
Tôi bắt xích lô trở về khách sạn. Tôi biết hắn chưa muốn lộ mặt ra với tôi. Mặc dù hắn đã nhận ra kỷ vật.
Sau này chú Ba cho biết là khi tôi lên xích lô thì ông Hạnh đã làm ám hiệu cho gã chủ quán cà phê bên cạnh phóng xe máy bám đuôi tôi.
Hai hôm sau ông Hạnh mời tôi đi ăn tối tại một nhà hàng đặc sản ở đường Đồng Khởi. Chúng tôi ngồi ở góc nhà hàng, nơi khuất ánh đèn.
- Bây giờ thì ông nhớ ra ông Đỗ rồi chứ?
- Cô thông cảm cho.
Tôi làm bộ lừ mắt nhìn hắn và tháo chiếc nhẫn đưa cho hắn. Hắn cầm lấy chiếc nhẫn xoay xoay ngắm nghía rồi đeo vào ngón tay.
- Ông Đỗ có gởi cho tôi tờ tạp chí Newsweek nào không? (Ý nói đô la).
- Có. Nhiều đấy. Nhưng tôi sẽ đưa cho ông khi tôi nhận được tấm tranh lụa - “quà” của ông gởi cho ông Đỗ.
- Khà... khà. Cô yên tâm. Chúng ta sẽ gặp nhau ở đâu?
- Tại đây. Đúng tám giờ tối ba ngày sau. Ông đến thẳng đây nhé, không phải đón tôi đâu. Nhớ thận trọng.
- Dạ.
Đúng ngày hẹn, tôi đi xích lô đến nhà hàng đặc sản. Ông Hạnh đã chờ tôi ở đó. Trong ruột chiếc nhẫn, tôi trao cho hắn toàn bộ chỉ thị của CIA gửi cho hắn, nội dung yêu cầu báo cáo về hoạt động của “Ủy ban hậu chiến” và lực lượng của “Ủy ban” này. Báo cáo của ông Hạnh sẽ được thu vào trong vi ảnh giấu trong một bức tranh lụa như một vật phẩm văn hóa thông thường mà những người nước ngoài hay mua mang về.
Ông Hạnh đưa tôi lên tầng hai. Chọn một bàn ăn ngay ở cửa sổ nhìn xuống đường.
- Mọi việc bên đó tốt đẹp chứ cô Phụng?
- Tất cả đều tốt đẹp, đang chuẩn bị cho “cuộc đánh lớn”.
- Bên này anh em vẫn ráo riết chuẩn bị và chờ đợi.
- Có lẽ ta nên nói chuyện khác - Tôi nói.
Chúng tôi nói sang chuyện khác vui vẻ như những khách ăn bình thường.
Tôi đặt một gói quà lên bàn.
- Toàn bộ “tạp chí” trong đó. Khi về ông cứ cầm luôn.
- Còn đây là “quà” của tôi. - Hạnh nói và để bức tranh lụa được cuộn chặt trong một lớp ni lông - Bao giờ cô rời Việt Nam?
- Có lẽ mươi ngày nữa. Nhưng tôi chỉ còn ở thành phố hai ngày nữa thôi. Tôi trở lại Hà Nội và đi Băng Cốc.
Trước khi chia tay hắn, tôi bắt tay Hạnh và nói: “Chúc ông may mắn và thành công”. Hắn ta cười và nói: “Tôi đợi cô và bà con ta bên đó trở về trong một ngày gần đây”.
Hai ngày sau tôi trở lại Hà Nội. Tôi chuyển bức tranh lụa cho cơ quan phản gián của ta và hồi hộp chờ đợi kết quả. Hai ngày sau, chú Ba đến gặp tôi ở một nhà hàng. Gương mặt chú như trẻ lại đến chục tuổi. Chú siết chặt tay tôi và nói:
- Tổ chức cám ơn cháu. Nhân dân cám ơn cháu. Kết quả cháu làm được thật không ngờ.
Tôi không nói được gì, nước mắt tôi trào ra xúc động.
- Thưa chú, nếu cháu được phép biết thì cháu xin hỏi, ta sẽ đối xử với cái gọi là Ủy ban hậu chiến ấy như thế nào?
- Đấy chính là một nỗi buồn lớn - Chú Ba nói khẽ - Bởi những con người này và chúng ta cùng chung dòng máu “con Lạc cháu Hồng”. Nỗi đau đớn vì những mất mát bởi bom đạn của chiến tranh chưa nguôi ngoai trong lòng chúng ta, thì một nỗi đau khác lại cào xé trái tim chúng ta. Đó là nỗi đau vì những con người đất Việt đã lạc nhau và hận thù nhau. Tất cả công việc của chúng ta là phải tìm cho ra, phải làm rõ cho mọi người biết để hiểu nhau và xích lại gần nhau, hướng về quê hương, hướng về Tổ quốc.
- Cháu hiểu. Đó chính là điều giày vò trong cháu. Thưa chú, theo kế hoạch ở bên kia, một tuần nữa cháu trở lại Mỹ.
- Đó cũng là vấn đề mà hôm nay chú thay mặt tổ chức, muốn nói chuyện với cháu. Tổ chức biết công việc của cháu hết sức phức tạp. Người tình báo trong giai đoạn mới khác rất nhiều người tình báo trong thời chiến tranh. Bây giờ, cháu không chỉ đơn thuần tìm hiểu diễn biến của một cuộc hành quân như trước kia mà phải tìm hiểu đến chính xác diễn biến của một xu thế chính trị quốc tế.
- Cháu cảm thấy mình nhỏ bé quá.
- Tổ chức hiểu cháu rất rõ. Những nhận xét và đánh giá của cháu là những thông tin mang tính chiến lược lớn. Tổ chức rất tin tưởng ở cháu. Chỉ có một điều...
Nói đến đó ông chợt im lặng. Trong ánh mắt ông nhìn tôi chợt tối một nỗi buồn. Rất lâu sau đó ông mới nói:
- Vì diễn biến vụ án này, tổ chức lại yêu cầu cháu trở lại Mỹ. Đấy là điều mà các đồng chí lãnh đạo vô cùng suy nghĩ. Mẹ cháu đã già, cháu đã quá lớn tuổi rồi, lẽ ra cháu phải ở lại Việt Nam để lo chuyện gia đình và trông coi mẹ cháu.
- Cháu hiểu. Các chú cứ yên tâm về cháu. Vài ba năm nữa, khi kết thúc vụ án, cháu sẽ xin tổ chức cho cháu trở về Tổ quốc.
- Tại sao trong thời gian ở Mỹ, cháu không tìm một người bạn trăm năm?
- Cháu quá buồn vì phải xa anh Hùng - Tôi nói - Mặc dù cháu biết anh ấy đã xây dựng gia đình. Cháu có yêu một người khác, nhưng anh ấy là một cựu binh Mỹ...
- Quay lại Mỹ lần này, cháu hãy đến tìm anh ấy - Chú Ba nhìn tôi động viên.
- Nhưng... anh ấy mất rồi, anh ấy chết vì ám ảnh của cuộc chiến tranh Việt Nam mà anh ấy tham gia. Anh ấy chết vì sự ân hận giày vò lòng anh. Anh ấy chết vì không hiểu rõ lý do vì sao bao lần cháu chối từ tình yêu của anh ấy.
- Chú hiểu, thế là chú hiểu - Chú Ba nói và khẽ thở dài - Gửi lại cháu tấm tranh lụa. Tất cả không có gì thay đổi.
Khoảng mười giờ đêm, chú Ba đưa tôi về nhà. Tôi ôm lấy mẹ tôi rất lâu:
- Con trở lại Mỹ mẹ ạ. Công việc còn dang dở lắm. Mẹ tha thứ cho con.
Mẹ tôi ôm chặt tôi im lặng. Mẹ không khóc được nữa. Mãi sau mẹ tôi mới nói:
- Con đi đi, đừng lo cho mẹ. Tất cả đã có các em con ở nhà và có chú Ba. Mẹ sẽ sống để chờ con về.
o O o
Đêm trước khi đi, tôi đi bộ trên những dãy phố thân yêu đầy kỷ niệm của tôi. Trời đã cuối thu. Những ngọn gió mỏng làm trái tim tôi cồn lên thương nhớ. Tôi muốn được đi mãi dưới vòm cây Hà Nội phủ đầy bụi kia, được hít thở không khí đầm ấm của thủ đô quê hương tôi. Mỗi một chiếc xe đạp đi qua, mỗi giọng nói thoảng bên tai, mỗi một khuôn mặt không quen biết và cả mùi phở đêm đều làm tôi muốn khóc. Tôi sẽ trở lại thành phố quê hương tôi để những đêm cuối hạ được ngồi trong khuya khoắt một mình nghe tiếng sấu chín rụng.
Tôi đi qua phố nhà Hùng. Tôi đứng bên lề đường trước cửa nhà anh nhìn vào. Trái tim tôi chợt nhói lên khi nhìn thấy anh. Anh đang uống trà và xem ti vi. Bên cạnh anh là một người phụ nữ trạc tuổi tôi, chắc đó là vợ anh. Chị là một người phụ nữ dịu dàng và đẹp. Tôi buồn, tôi hạnh phúc, tôi ngơ ngác, tôi bình tĩnh. Tôi đứng nhìn anh đôi mắt đẫm lệ. “Anh Hùng ơi, em đang đứng nhìn anh đây, từ bóng tối vòm cây bàng già. Anh có cảm thấy gì khác lạ lúc này không? Hơi thở của em đang phả vào anh đấy. Hơi thở ấy vẫn như ngày xưa ở rừng Trường Sơn, nóng bỏng và gấp gáp...”.
- Chị tìm nhà ai đấy?
Một cụ già đứng bên tôi từ lúc nào hỏi:
- Không, không, cháu... cháu đi qua thôi ạ. Xin lỗi cụ.
Tôi luống cuống bỏ đi. Tôi khóc.
Trước khi lên xe để đi ra sân bay, tôi ôm lấy các em, các cháu tôi và khóc. Sau cùng, tôi đến trước mặt mẹ tôi. Mẹ tôi ngồi trên giường im lặng, có lẽ từ lâu lắm rồi. Có lẽ mẹ ngồi như thế từ ngày nghe tin tôi bỏ chạy xuống Sài Gòn. Đôi mắt mẹ tôi lúc đó như đục hẳn đi. Mẹ ngồi như hóa đá từ lâu rồi.
Tôi bước đến trước mẹ tôi.
Tôi quỳ xuống trước mẹ tôi và lạy mẹ ba lạy.
Hà Đông, 19-4-1991
N.Q.
Vòng Nguyệt Quế Cô Đơn Vòng Nguyệt Quế Cô Đơn - Nguyễn Quang Thiều Vòng Nguyệt Quế Cô Đơn