Vòng Đai Xanh epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 15
ó là một ngày tang tóc và đầy thảm hoạ cho những người lính Mũ Xanh ở Á châu. Cùng một ngày hai chuyến Air America bị rơi, một trên Cánh Đồng Chum với toán mười bốn người lính Mũ Xanh được coi như mất tích, còn chiếc hai máy kia bị hạ ở Bắc Miến có lẽ bởi súng phòng không từ dưới đất. Lại một xì-căng-đan mới bùng nổ giữa Rangoon và toà Bạch ốc. Chánh phủ Miến cực lực lên án và tố cáo những phi vụ lén lút của Mỹ nhằm yểm trợ tiếp tế cho các dân tộc thiểu số ly khai ẩn náu ở trong những khu rừng rậm ở Bắc Miến. Một lần nữa Mỹ bối rối không biết phải xử trí ra sao. Thoả mãn yêu sách công khai xin lỗi, bộ Ngoại giao Mỹ có thể làm dễ dàng nhưng nếu vậy là chánh thức xác nhận âm mưu khuynh đảo chánh phủ hợp pháp Miến và hậu quả ngoại giao sẽ không biết là thế nào. Mẩu tin rất nhỏ chìm đắm giữa bao nhiêu biến cố quốc nội khác nhưng với nhà báo như tôi lại có một giá trị khám phá đầy ý nghĩa về câu chuyện một Vòng Đai Xanh bao vây Hoa Lục. Tôi dần dà đi tới một cái nhìn khá chuẩn xác về tầm quan trọng của những biến chuyển tại cao nguyên trong một tương quan quốc tế rộng lớn. Hiểu như vậy tôi sẽ tránh được những phản ứng sôi nổi và đầy cảm tính khi phiêu lưu vào cuộc tìm kiếm ý nghĩa của những biến động mới.
Chiến tranh đổ máu trên cao nguyên, thiêu rụi đồng quê, biểu tình xáo trộn khắp thành phố nhưng nếu người ta thuộc vào thành phần la Haute Société, của một xã hội trên cao thì vẫn dễ dàng tìm ra một khoảng không gian yên tĩnh. Dưới hồ bơi nước lúc nào cũng trong xanh, các tàn cây cao vẫn rủ những bóng mát. Dù chẳng thuộc thành phần trưởng giả này, tôi vẫn lui tới đây vì những cần thiết giao tế của nghề báo. Sau cả một buổi sáng ngủ vùi, Davis hẹn tôi dùng cơm trưa tại CSS. Ở giờ này thường rất vắng bóng những người Việt. Trời nắng gắt và im gió, những lá cây mất nước đổ rũ xuống, vậy mà vẫn có những thiếu nữ nằm hở hang phơi nắng với nước da thuộc đến độ nâu bóng. Tôi và Davis chọn một bàn ăn trên bờ hồ tắm, đôi khi chúng tôi phải nheo mắt lại vì những tảng nắng phản chiếu lao xao trên một mặt nước có nhiều sóng. Một thiếu nữ khác thật khêu gợi bước lên từ hồ tắm, theo sau là một người Mỹ ngực đầy lông lá. Davis nhận ra Tacelosky trước nhưng vẫn giữ thái độ thản nhiên như không biết, anh quay lại bảo tôi:
“Tacelosky, tên đó thật kỳ lạ. Không phải chỉ mỗi lần gặp hắn khoác tay với một cô gái mới ở bất cứ đâu nhưng chính là huyền sử con người hắn ta: ba lần được thả dù ra Bắc cả ba lần hắn trốn thoát, không có ai mạng sống lớn hơn hắn. Hiểu rõ rừng núi Á châu và các sắc dân ở đây không ai bằng, hắn quả là một địch thủ đáng sợ, nếu phải đương đầu thật là nguy hiểm và đã từng gây khốn đốn cho ông tướng Thuyết.”
Tôi chợt nhớ ra và hỏi Davis:
“Có phải hắn là một trong hai người bị chánh phủ Việt Nam tống xuất hồi đó, còn tên kia là ký giả Martin?”
“Chính hắn, sau khi rời Việt Nam hắn lại sang Vientiane đặc trách tổ chức ở Thượng Lào và miền Bắc Thái Lan các đơn vị chiến đấu tinh nhuệ người Mèo, ngăn chặn hữu hiệu những cuộc xâm nhập của lính cộng sản Bắc Việt theo lối đường mòn Hồ Chí Minh. Đó là khúc của Vòng Đai Xanh được coi là kiên cố nhất. Đáng tiếc cho hắn là khi trở lại cao nguyên, Tacelosky không được toàn quyền làm mưa làm gió nên cho đến bây giờ hắn vẫn ghét cay ghét đắng ông tướng Thuyết.”
Davis cũng cho tôi biết qua về tông tích của hắn. Tacelosky xuất thân ở Fort Bragg, nguyên trung tá LLĐB Mỹ giải ngũ, đại diện cho USOM đặc trách cao nguyên. Fort Bragg là một trung tâm đào tạo các toán lính Mũ Xanh để tung vào khắp các ngõ ngách hoang vu của thế giới, từ rừng rậm Phi châu đến các vùng hẻo lánh của Nam Mỹ nhưng thí điểm chính của họ vẫn là lục địa Á châu với đủ mọi sắc dân thiểu số sống rải rác trên các núi cao và rừng xanh chạy suốt từ bờ biển phía đông tới giáp chân Hy Mã Lạp Sơn. Tại mỗi quốc gia họ đều tung vào những toán xung kích hoặc công khai hoặc bí mật, thông thạo phong tục và thổ ngữ, thích ứng nhanh chóng với các dân địa phương, giúp đỡ khai hoá họ để chinh phục cảm tình và sau đó nhiệm vụ chính là tổ chức cho bằng được những toán quân chiến đấu tinh nhuệ và dễ bảo dưới quyền điều khiển của các sĩ quan Mỹ. Tham vọng lớn lao của họ là làm sao thiết lập được một vòng đai an ninh kiên cố bao vây Hoa lục. Đó là một Vòng Đai Xanh mà họ tin rằng đủ sức đương đầu với mọi hình thức chiến tranh du kích và rừng rậm của cộng sản. Đó là một công trình thử thách bán công khai của cả CIA lẫn LLĐB Mỹ mà Hoa Thịnh Đốn và Ngũ Giác Đài vẫn chưa dám nhìn nhận. Họ là đám con cưng của tổng thống Mỹ với những ưu đãi và đặc quyền vô hạn nhưng cũng là một lũ con hoang khi bị đổ bể. Những dính dấp đổ bể trong các cuộc nổi dậy mới đây là một bằng chứng. Và thỉnh thoảng không lâu trên báo chí lại có đăng tải những tố giác về các hành động khuynh đảo của bọn này nhằm chống lại chánh phủ hợp hiến của các quốc gia bạn. Trở lại con người Tacelosky, Davis nói:
“Hắn gốc người Đông Âu mới vào dân Mỹ từ sau đệ nhị Thế chiến, sống ở Á châu và nhất là Việt Nam nhiều năm, có nhiều kinh nghiệm với du kích quân cộng sản. Sau nhiều nhiệm kỳ trở về Mỹ, hắn lại tình nguyện sang Việt Nam. Ít có mặt ở Sài Gòn nhưng hắn vẫn thuê phòng riêng ở Continental và buổi trưa nào hắn cũng thường ra đây. Ngoài khả năng ưu tú giết người bằng dao và súng như một tay thiện sạ, hắn còn là một tay chơi tennis và thục bi-da có hạng, lại thêm cái đức tính rất tàn nhẫn với đàn bà con gái.”
Từ phòng thay áo, Tacelosky bước trở ra, đối diện với chỗ ngồi của Davis. Hắn to lớn, gọn gàng trong bộ quần áo trắng ngắn, da mặt đỏ gay vì rượu và nắng. Hắn chạy lại, tống mạnh vào vai Davis, giọng ồn ào và thân ái:
“Tưởng đi Djakarta từ hồi nào, sao Martin ở Hồng Kông lại nói với tôi như thế.”
Davis đứng cạnh Tacelosky thật tương phản. Anh cho biết cũng sẽ đi Djakarta vào đầu tuần tới. Vừa lúc đó người đàn bà cũng trở ra, chân thẳng dài và những bước đi nhẹ. Thay cho những lời chào nàng chỉ mỉm cười, mắt nồng nàn đáp lại những cái nhìn nóng bỏng thèm khát. Đi với một đàn ông Tây phương, người đàn bà phải tự kéo ghế ngồi là điều trông rất chướng. Tacelosky như không mấy quan tâm tới điều đó, và sự hiện diện của người đàn bà hắn coi như không có. Hắn vẫn thản nhiên nói chuyện với Davis bằng tiếng Pháp, âm thanh rất nặng và có vẻ lai Đức. Tacelosky có bề ngoài thật chải chuốt, da mặt thì dầy cộm lún lỗ và không gợi một cảm giác, bù lại hắn có một cặp môi dầy chứa đầy vẻ tham lam nhục cảm, điểm thêm chút râu mép trông thật xỗ xược. Không cần được mời hắn tự động ngồi chung bàn, gọi thêm rượu và những món ăn. Như thường lệ, tôi chỉ uống một cognac soda loãng. Davis uống rượu chát, còn Tacelosky thì uống whisky như nước lã.
“Ông bà mục sư có hỏi thăm anh, ông có nhận được cuốn sách anh gửi cho nhưng xem ra có nhiều điều ông ta có vẻ không đồng ý nhất là quan điểm anh đưa ra về vấn đề cao nguyên. Với một tên salaut như tướng Thuyết, không thể đặt ra vấn đề giao ước và luân lý. Chắc anh cũng biết hắn lại vừa giải giới mấy đại đội CIDG - Dân sự Chiến đấu Thượng tại một trại LLĐB gần Đà Nẵng, sát nhập vào Địa phương quân nhưng tụi Thượng không chịu bỏ trốn gần hết. Nếu chúng ta không tìm cách ngấm ngầm giúp thì tụi nó biến thành Thượng cộng hết rồi còn gì. Tại sao Sài Gòn còn chần chờ gì mà không chịu tống thải hắn, một tên tướng bất tài ngu dốt lại kiêu căng kiểu quan lại của nhà vua. Mồm mép chống cộng nhưng thối nát thì không ai bằng, bao nhiêu đồ viện trợ giao xuống cũng mất hết không sao tới tay được bọn Mọi. Còn những tiểu đoàn lính và thiết giáp chẳng bao giờ thấy hành quân lần nào, tất cả ở lại thị xã để canh giữ bảo vệ cho cái tổng hành dinh vững như một pháo đài của hắn. Đã thế hắn còn tìm mọi cách gây khó dễ cho binh lính Mỹ, kể cả ông mục sư Denman. Cũng may là hắn bị tống cổ ra vùng hoả tuyến, nếu không là Phật giáo thì cộng sản cũng sẽ tiêu diệt hắn.”
Tôi không ngờ khi nhắc tới tướng Thuyết, Tacelosky đã nguyền rủa ông một cách thậm tệ. Davis có vẻ ngượng với tôi về ngôn ngữ của một người bạn như vậy. Vẫn bằng sự bình thản và dí dỏm rất Đông phương, Davis bảo đùa:
“Tướng Thuyết sẽ không bị tiêu diệt vì thanh thế của ông đang lên và có hy vọng trở thành tổng thống.”
Câu nói đùa của Davis gây nơi viên Trung tá nhiều giận dữ:
“Nếu vậy, người Mỹ chúng ta nên ký nhượng miền Nam này cho bọn cộng sản trước khỏi cần phải đổ máu các thanh niên và mất công chiến đấu.”
Như một tình cờ, Davis nói ra một nhận xét với tên Trung tá:
“Có một điều kể cũng lạ, tôi chưa từng nghe một viên chức Mỹ nào, kể cả ông mục sư Denman mà lại nói tốt cho đồng minh Việt Nam của họ ở cao nguyên. Mục tiêu chỉ trích gay gắt nhất vẫn là tướng Thuyết với đám sĩ quan tuỳ viên của ông. Với tướng Trị sau đó, hình như tình thế có đổi khác?”
“Anh có biết sao không, chỉ những bọn bất lực thối nát trên toàn quốc mới được gửi lên cao nguyên, đó là một biện pháp hành chánh đầy ải để thay thế cho những hình phạt của toà án. Và lúc này tôi mới hiểu tại sao chương trình thất bại sau nhiều tháng giao vào tay bọn nó. Đúng là một lũ lười biếng, chỉ biết ăn cắp và phản trắc, khác hẳn với bọn Thượng tuy ngu dốt nhưng lại rất dễ bảo và chất phác. Theo tôi, thối nát với Á châu đã trở thành một truyền thống vô phương cứu chữa, nếu người Mỹ không tự giành lấy quyền trách nhiệm và lãnh đạo thì không mấy chốc xứ sở này rơi vào tay cộng sản. Đến bao giờ toà Đại sứ và bọn tướng lãnh Mỹ của chúng ta ở đây mới bắt đầu hiểu lần hồi cái vô ích của những cam kết ràng buộc với Sài Gòn trong khi phải đương đầu với những khó khăn của một trận chiến tranh du kích vô quy ước như hiện tại. Với tầm quan trọng chiến lược của một xứ như cao nguyên, một ngã ba của biên giới, một bàn đạp xuống miền Cửu Long châu thổ và khắp vùng duyên hải; an ninh và quyền điều khiển trên đó phải được giao trọn vẹn vào tay chúng ta. Tôi có thể quả quyết rằng một xứ cao nguyên không có bọn người Việt, chỉ với những lính Thượng và các toán lính Mũ Xanh, sẽ không còn bóng dáng một tên cộng sản.”
Ở ngôn ngữ và con người hắn, người ta dễ dàng nhận thấy hiện nguyên hình bản chất của một tên da trắng phiêu lưu của thế kỷ 19. Hắn có thủ đoạn thật đáng sợ và không mấy quan tâm giấu diếm. Davis nhận thấy Tacelosky như một chất xúc tác để tình thế có những chuyển động và sự có mặt của hắn trên cao nguyên gần đây chắc chắn sẽ đưa tới những sắp đặt và các biến cố mới.
“Chỉ được quyền cố vấn và tự do nhận lãnh những hậu quả của thất bại, chúng ta không thể nào chấp nhận được những điều kiện làm việc như thế. Hơn nữa danh dự quân đội và cả nước Mỹ đã gắn liền vào các biến chuyển tại đây, chúng ta không thể sa lầy và thất bại, vả lại hai chữ đó không có trong bọn lính Mũ Xanh chúng tôi.”
Talelosky vẫn đổ rượu vào đầy ly và nốc cạn liên tiếp. Người đàn bà can gián, nũng nịu gỡ chiếc ly còn đầy ắp rượu kẹp cứng trong tay hắn. Hắn ôm nàng vào lòng và cúi xuống hôn sâu trên môi. Người đàn bà khứng chịu, với đôi chút chiếu lệ phản kháng. Lần đầu tiên hắn quan tâm tới sự có mặt của tôi khi hắn xoay chiều câu chuyện qua hội hoạ:
“Nếu bạn của anh muốn vẽ tranh khoả thân thì tôi bảo đảm là nàng có một thân hình tuyệt mĩ.”
Mặt người đàn bà ngượng đỏ lên vì lối nói sống sượng của hắn. Như một tay chơi lão luyện, hắn giải thích cái triết lý thích gái Á châu của mình:
“Em không kiêu hãnh về nhan sắc của mình sao? Cái quyến rũ của gái Á châu có lẽ ở ngay nơi tính cả thẹn đó. Không phải là không tìm được cái đẹp trong số đàn bà Mỹ nhưng gái ở đây tôi thấy có một cái gì quyến rũ lạ lắm.”
Davis bảo đùa cái lạ đó là nơi khẩu vị thích đổi thay, cái goût exotique của hắn. Đột ngột Tacelosky quay sang hỏi vặn Davis:
“Nhà báo Mỹ các ông sẽ viết sao về bọn vô ơn cái gì cũng ngửa tay xin ăn mà vẫn biểu tình đốt xe đòi hoà bình và đuổi chúng ta về Mỹ. War Fuck Peace, chưa khi nào mà giới lãnh đạo Mỹ lại yếu đuối đến như vậy. Đường lối mệnh danh là dân chủ hiện giờ chứng tỏ họ chẳng hiểu một chút gì truyền thống cai trị của các dân tộc Á châu. Chỉ có sức mạnh và trừng phạt khiếp sợ mới thống trị được họ. Các dòng vua chúa tồn tại lâu đời trong lịch sử Trung Hoa đều thấu rõ điều đó. Chính sách hiện tại của Mao Trạch Đông cũng chỉ là một biến thái nhưng không ra ngoài cái triết lý sức mạnh này.”
Với những người như Tacelosky, bây giờ tôi mới hiểu phần nào lý do khiến tướng Thuyết phải nổi giận và có những phản ứng đến mức được coi là mù quáng và quá khích. Bản tính ông Tướng vốn không quen chịu được những yêu sách quá đà, ngay với đám sinh viên tranh đấu ngoài Huế.
Buổi tối, nhà văn tự lái xe tới đón tôi ở toà soạn. Ông cho biết tướng Thuyết muốn gặp tôi vì mối cảm tình sẵn có từ những bài báo tôi viết về cao nguyên. Gặp nhà văn, tôi nhắc tới bài diễn văn tuyệt hảo của ông Tướng đọc trên đài phát thanh hôm qua và tỏ ý ca ngợi ông đó là một kỳ công của ngôn ngữ. Lần đầu tiên nhà văn từ chối cái vinh hạnh đó. Ông bảo tiểu xảo chữ nghĩa chẳng thể tạo được những áng văn hay, điều quan trọng là ngòi bút phải có lửa mà cái đó chỉ có trong lớp người trẻ đang đi tới. Thực sự chính cái brain trust đã thảo bài diễn văn vừa qua cho ông Tướng, phần của tôi không quá giới hạn là sự góp ý. Nhà văn kiêu hãnh nói với tôi:
“Để rồi anh coi bọn trẻ đó khá lắm, phải cái chịu ảnh hưởng nặng của thứ dân chủ Mỹ.”
Tôi nhớ lại những số báo đen vẫn nhận được đều đặn ở toà soạn qua đường bưu điện mà không rõ xuất xứ. Tôi đồng ý với nhà văn về một ảnh hưởng nặng nề của Mỹ trên lớp người trẻ này. Đài VOA chấm dứt bản tin buổi tối, tiếp theo phần nhạc chuyển mục là cuộc phỏng vấn các lãnh tụ sinh viên Việt Nam đang có mặt ở Hoa Thịnh Đốn. Bốn sinh viên của bác sĩ Ross đã tới Mỹ, khởi đầu một cuộc hành trình dài băng qua khắp các tiểu bang và những campuses đại học. Lại vẫn mấy giọng hùng hồn và quen thuộc bênh vực sự can thiệp của quân đội Mỹ vào chiến trường miền Nam và sự gia tang oanh kích miền Bắc. Tôi nhấn nút đổi sang chương trình nhạc của băng FM buổi tối. Nhà văn thắc mắc quay sang hỏi tôi:
“Họ sang Mỹ hồi nào mà tôi không nghe nói?”
“Tôi có gặp họ cách đây ít hôm ở Thông tin với bác sĩ Ross. Không chuyện gì mà thiếu bàn tay ông ta.”
“Giáo sư Ross cũng là bạn rất thân của tướng Thuyết nhưng xem chừng có rạn nứt khi hai ông đụng nhau về vấn đề cao nguyên. À, tôi nghe nói sắp có ba sinh viện Thượng được bác sĩ Ross cho du học năm năm ở Mỹ mà không cần qua Hội đồng Du học Việt Nam.”
Tôi đưa ra một nhận định với nhà văn:
“Không có chức vụ gì chính thức nhưng xem ra không có chuyện gì mà lại không qua tay ổng.”
Nhà văn trầm ngâm nói trước tay lái:
“Theo tôi ông Diệm đã can đảm và có lý khi có một chánh sách cứng rắn đối với ông ta, nhất là sau vụ dính dấp tới các biến động trên cao nguyên.”
Đoạn đường tới tư dinh ông Tướng bị những người lính và hàng rào dây kẽm gai phong toả. Nhà văn cho xe chạy chậm lại. Người lính Dù khom lưng nhìn vào xe nhận ra nhà văn, hắn lễ độ chào tay và mời xe đi qua. Tôi lại nghĩ tới những chỉ trích của báo chí Mỹ với tướng Thuyết khi ông còn tại vị trên cao nguyên: tổng hành dinh của ông lúc nào cũng như một pháo đài kiên cố được yểm trợ bởi những phương tiện quân sự ưu tú nhất. Ở một giới hạn nào đó điều này có lẽ đúng ngay với tư dinh của ông ở thủ đô. Khu biệt thự thật sang trọng, ngăn cách với bên ngoài bởi những tấm cót và hàng rào cây xanh. Hôm nay ông Tướng ăn mặc thường phục, ông không còn cái vẻ hùng dũng của một võ tướng mà trái lại hiền lành như một con hổ bị lột da. Gặp lại nhà văn, tướng Thuyết có vẻ mừng rỡ, ông cũng vui vẻ bắt tay tôi và ngợi khen những ý kiến xây dựng trong các bài báo. Ông bảo:
“Tình hình trên toàn quốc dần dần trở lại khả quan, tôi đã ra lệnh nới tay với các phong trào tranh đấu nhất là ở Huế. Bắt đầu từ sáng nay, lực lượng Cảnh sát Dã chiến rút vô Đà Nẵng, tôi cũng đang can thiệp với chánh phủ chấm dứt biện pháp bảo vệ với thầy Pháp Viên, miễn sao thầy không trở lại ngoài đó.”
Rồi ông Tướng tỏ vẻ thanh minh cho việc làm đã qua của mình. Ông bảo, ở địa vị chánh quyền, bổn phận của ông phải đem lại an ninh và trật tự công cộng nhưng ước vọng của ông vẫn là mong tiến tới một thể chế thật sự dân chủ. Riêng với nhà sư Pháp Viên, ông Tướng vẫn mang lòng cảm phục và ở thế kẹt với trung ương, ông không thể làm khác hơn. Tôi cũng gặp lại viên Trung tá trưởng phòng Năm và thiếu tá Y Ksor vừa ở cao nguyên xuống. Xem ra tướng Thuyết vẫn còn nhiều ảnh hưởng với cấp thuộc hạ của mình. Hướng về Y Ksor, ông Tướng bảo:
“Tôi đang làm áp lực đề nghị với trung ương nâng Nha Thượng vụ lên ngang hàng một Bộ trong chánh phủ, có thể ông Y Ksor sẽ trách nhiệm giữ Bộ đó.”
Y Ksor chỉ biết tỏ vẻ thần phục. Hướng về viên Trung tá phòng Năm, tướng Thuyết hỏi giọng nóng nảy:
“Sao ông Trung tá, trên đó làm ăn sao mà để tụi nó chặn cướp xe đò và giết chết hành khách luôn như vậy? Còn sự thật về vụ Địa phương quân Thượng mới đây giết hai người lính Việt Nam và kéo cả đại đội với khí giới trốn sang Cao Miên là sao? Ông tướng Trị làm ăn gì mà kỳ vậy?”
Viên Trung tá xác nhận tin trên và giải thích nguồn gốc là từ những toán Dân sự Chiến đấu Thượng nuôi dưỡng bởi các lính Mũ Xanh Mỹ. Ông Tướng không tránh được vẻ giận dữ nói:
“Cách đây hai năm tôi đã nói điều đó với chánh phủ Sài Gòn là phải giải giới hết bọn nó để tiến tới một quân lực với bộ Tư lệnh Việt Nam duy nhất.”
Mắt ông Tướng giận long lên, ông hẹn sẽ gặp lại họ ngày mai trước khi những người này trở lại cao nguyên. Khi Y Ksor và viên Trung tá đi khỏi, nét mặt ông Tướng dịu hẳn xuống. Nhà văn đã làm vui tướng Thuyết đúng lúc khi nhắc tới dư luận tốt về bài diễn văn truyền thanh hôm qua. Ông Tướng cười và quên đi những khó khăn khi nãy. Bàn ăn xếp cho mười hai người, bên phải ông Tướng là nhà văn, tôi ngồi tiếp sau đó. Những người còn lại đều rất trẻ, được coi là thành phần cốt cán trong bộ tham mưu ông Tướng. Lại vẫn ông Giáo sư luật khoa, một sĩ quan Hải quân cấp tá, hai đại uý thuộc bộ Tổng tham mưu, một Ph.D. về khoa xã hội, một nhà báo, hai chuyên viên và đặc biệt có thêm một lãnh tụ sinh viên. Tướng Thuyết có thái độ hoà mình dễ dãi. Lớp người trẻ thì không mặc cảm nên lối nói chuyện khá tự do. Nhà xã hội học nói về sự thiết yếu phải có một Social Justice trong cuộc cách mạng. Nhà báo nhận định rất xác đáng về nỗi hoang mang của người dân khi cảm thấy mất cái Identity, căn cước để hiện diện và sống với người khác. Viên sĩ quan trẻ đề cập tới triết lý của cuộc cách mạng quân đội qua kinh nghiệm bên Trung Đông của Nasser mà mỗi người lính trong tương lai phải là một cán bộ chánh trị, một nhà giáo dục và sản xuất canh tác. Gã sinh viên thì tích cực tấn công chỉ trích nền móng giáo dục hiện tại, đòi có cải tổ đại học để đi tới xây dựng những nấc thang giá trị mới. Mọi tranh luận đều hướng về ông Tướng để khiến ông hiểu rằng đã đến lúc phải trao quyền lãnh đạo vào tay lớp người trẻ nếu muốn có một xã hội canh tân trong tương lai.
Vòng Đai Xanh Vòng Đai Xanh - Ngô Thế Vinh Vòng Đai Xanh