Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Vô Gia Đình
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Chương 14: Mưa Tuyết Và Chó Sói
T
ôi lại bắt đầu, vai vác đàn, lẽo đẽo theo sau thầy tôi, dong ruổi trên những con đường dài, dưới trời mưa nắng cũng như trong cát bụi và bùn lầy. Tôi lại phải làm con vật trên những công trường và giả cười, giả khóc để mua vui cho “quý khán giả”.
Cuộc tiếp liên này có phần khó chịu cho tôi vì người ta dễ quen sung sướng hơn là kham khổ.
Sau khi nếm thú phong lưu, bây giờ tôi thấy toàn những buồn, chán, nhọc nhằn mà trước kia tôi không biết đến.
Khi tôi ở gần bà Mỹ-Lưu thì tôi nhớ ông Vỹ-Tiên, bây giờ được gần ông Vỹ-Tiên thì tôi lại nghĩ đến bà Mỹ-Lưu.
Đã hơn một lần, đi trên đường dài, tôi lùi lại đằng sau để được tự do nghĩ đến An-Tuyên, đến mẹ cậu, đến thuyền Thiên-Nga và đem óc tưởng tượng sống lại cuộc đời êm đềm ấy cho tiêu sầu.
Than ôi! Cuộc sống êm đềm ấy đâu còn nữa?
Khi đêm xuống, nằm trong quán trọ, tôi lại nhớ đến cái buồng con của tôi ở thuyền Thiên-Nga, và thấy cái vải giường tôi đang nằm nó gờn gợn như gai.
Sáng dậy, tôi thấy lòng tôi trống trải. Tôi không được chơi với cậu An-Tuyên nữa! Tôi không được nghe những tiếng êm ái của bà Mỹ-Lưu nữa!
Tuy nhiên, trong cơn buồn của tôi, tôi thấy có một điều an ủi: thầy tôi tỏ ra dịu hiền hơn bao giờ hết. Đó là một sự thay đổi rất lớn trong cách đối đãi với tôi. Tôi đỡ buồn tủi phần nào. Tôi thấy thân tôi không cô độc trên đời và cảm thấy thầy tôi tỏ ra ân cần thương hại tôi hơn là một ông thầy.
Lắm lúc tôi muốn ôm lấy thầy tôi, hôn thầy tôi và tôi cần phải phát lộ mối thâm tình chan chứa trong lòng tôi, nhưng tôi không dám vì thầy tôi không phải là người để cho ai nhờn được.
Ngày tôi mới theo ông, tôi rất sợ ông, lúc nào cũng giữ gìn và không dám đến gần ông. Nhưng bây giờ như có một mối thông cảm khiến cho tôi kính yêu ông.
Khi bước chân ra khỏi làng tôi, tôi coi ông như những người đàn ông khác vì lúc đó tôi chưa biết phân biệt.
Nhưng sau ngày lưu trú ở gần bà Mỹ-Lưu, mắt và trí khôn tôi được mở rộng ra, thì lạ quá! Khi tôi ngắm kỹ thầy tôi, tôi nhận thấy cử chỉ, dáng điệu và kiểu cách của thầy tôi có nhiều điểm tương đồng với cử chỉ, dáng điệu và kiểu cách của bà Mỹ-Lưu.
Tôi tự nghĩ có lẽ tôi nhận lầm chăng vì thầy tôi chỉ là một người diễn trò rong, còn bà Mỹ-Lưu là một bà khuê các. Nhưng đúng thế vì mắt tôi nhìn không sai. Khi nào thầy tôi muốn, thì thầy tôi tỏ ra trang trọng chẳng khác gì bà Mỹ-Lưu. Có chỗ khác nhau là bà Mỹ-Lưu lúc nào cũng trang trọng, còn thầy tôi thì tùy trường hợp, nhất là khi đối với những kẻ hung hăng, vô lễ.
Tuy tôi không hung hăng, không vô lễ, nhưng tôi vẫn sờ sợ, vì thế tôi không dám mạn phép thổ lộ những cảm tình nồng nàn của tôi, mặc dầu những lúc thầy tôi tỏ dấu thương yêu tôi.
Sau khi rời tỉnh Cette, trong nhiều ngày, chúng tôi không hề nói chuyện về bà Mỹ-Lưu và đến thuyền Thiên-Nga nữa. Nhưng dần dần vấn đề đó lại được nhắc đến trong những câu chuyện của chúng tôi mà bao giờ thầy tôi cũng là người nêu ra trước. Rồi cái tên của bà Mỹ-Lưu chẳng hôm nào không được nhắc tới.
Ông Vỹ-Tiên bảo tôi:
- Con mến bà ta lắm phải không? Ta biết lắm. Bà ta rất tốt với con. Con nên nhớ ơn.
Rồi thầy tôi thường nói thêm:
- Phải làm thế!
Phải làm thế là làm gì?
Trước tiên tôi không hiểu câu nói đó, sau dần dần tôi mới vỡ nghĩa ra rằng “phải làm thế” tức là phải từ chối bà Mỹ-Lưu về việc giữ tôi.
Chính mỗi khi nghĩ đến việc này mà thầy tôi đã thốt ra câu “phải làm thế”. Và hình như trong mấy tiếng đó có bao hàm một ý hối hận. Thầy tôi cũng muốn cho tôi ở với cậu An-Tuyên những không thể làm thế được.
Trong tâm khảm tôi, tôi rất cám ơn thầy tôi về sự hối hận đó, mặc dầu tôi chưa đoán được tại sao thầy tôi lại không thể nhận lời bà Mỹ-Lưu được, những lý do của thầy tôi đưa ra, bà Mỹ-Lưu đã nhắc lại cho tôi nghe nhưng tôi vẫn không sao hiểu được.
Một ngày kia thầy tôi có lẽ bằng lòng chăng? Đó là một hy vọng lớn cho tôi.
Chúng tôi lẽ nào lại không gặp thuyền Thiên-Nga?
Thuyền đó ngược sông Rôn, mà chúng tôi đương đi trên bờ sông này.
Vì thế, trong khi đi, mắt tôi chỉ nhìn xuống sông, không hề để ý đến những đồi, những ruộng phì nhiêu ở hai bên bờ.
Khi chúng tôi đến một tỉnh nào như Arles, Tarascon, Avignon, Montélimar, Valence, Tournon, Vienne, cuộc đi thăm thứ nhất của tôi là ra bến tàu để kiếm thuyền Thiên-Nga, và mỗi khi nhìn xa xa thấy một con thuyền thấp thoáng ẩn hiện trong sương mù, tôi đợi cho đến khi con thuyền lớn dần xem có phải là Thiên-Nga không.
Nhưng không phải là Thiên-Nga.
Một đôi khi, tôi đánh bạo hỏi những người thủy thủ ở bến xem có ai trông thấy con thuyền lạ ấy đi qua không. Nhưng chẳng ai nhìn thấy cả.
Bây giờ thầy tôi nhất quyết nhường tôi cho bà Mỹ-Lưu – óc tôi nghĩ thế – thì tôi cũng không sợ người ta nói rõ lai lịch tôi hay viết thư cho bà Bảo-Liên. Nội vụ có thể giải quyết giữa thầy tôi và bà Mỹ-Lưu. Óc thơ dại của tôi dàn xếp như sau: bà Mỹ-Lưu muốn nuôi tôi, thầy tôi ưng thuận bỏ quyền của thầy tôi, thế là ổn.
Chúng tôi ở lại Ly-Ông trong mấy tuần lễ. Những lúc rãnh việc tôi lại ra bến sông Rôn và sông Sa-Ôn, tôi đi lại nhiều lần đến nỗi tôi thuộc cả tên cầu, tên khách sạn hơn cả người sinh trưởng ở thành Ly-Ông.
Tôi hết lòng đón mà không thấy thuyền Thiên-Nga đâu cả.
Rồi chúng tôi phải rời Ly-Ông để đi Dijon. Lúc đó cái mơ ước được gặp bà Mỹ-Lưu và cậu An-Tuyên bắt đầu tan, vì ở Ly-Ông tôi đã nghiên cứu các bản đồ nước Pháp ở những hiệu sách cũ, biết rằng thuyền Thiên-Nga sẽ bỏ sông Sa-Ôn ở tỉnh Chalon vào sông Trung để sang sông Loa.
Chúng tôi đến Chalon rồi lại rời Chalon không được gặp Thiên-Nga. Thế là hết hy vọng, hết mơ ước!
Nỗi khổ não trong lòng tôi lúc đó tả sao cho xiết!
Đúng lúc đó, thời tiết xấu lại đến làm tăng nỗi buồn sâu xa của tôi. Những ngày thu tàn, chúng tôi lặn lội trong mưa rất là vất vả. Chiều đến, chúng tôi áo ướt tận da, người lấm như chôn như vùi, nhọc mệt, vào lều vào quán tạm trú, đêm nằm không sao ngủ được.
Sau khi rời khỏi tỉnh Dijon, chúng tôi phải qua dẫy đồi Côte d’or, giá lạnh thấu xương, con Hảo-Tâm buồn rầu, nhăn nhó hơn tôi.
Mục đích của thầy tôi là phải tới Ba-Lê sớm ngày nào hay ngày ấy để có thể diễn trò trong mùa đông họa may mới có lợi. Nhưng hoặc vì thầy tôi không đủ tiền đi xe hỏa, hoặc vì một lẽ nào khác, chúng tôi cứ phải đi bộ hết ngày này sang ngày khác trên con đường từ Dijon đến Ba-Lê.
Cứ đi như thế, lúc nào thuận tiện, chúng tôi dừng lại ở các tỉnh các làng đi qua để diễn một hai buổi rồi lại đi ngay vì tại các nơi đó không thu nạp được mấy.
Từ Dijon đến Châtilon, các việc được điều hòa, mặc dầu mưa rét.
Khi chúng tôi ra khỏi tỉnh này thì trời hết mưa và gió quay về hướng bắc.
Thoạt tiên chúng tôi không phàn nàn gì về những luồng gió buốt mặt, vì dù sao cũng còn chịu được hơn là những cơn mưa tầm tã làm cho chúng tôi ủng người trong mấy tuần qua.
Không may, gió dần dần ẩm, trời bắt đầu kéo mây đen, mặt trời biến mắt. Đó là điềm tuyết sắp xuống.
Chúng tôi đủ thì giờ vào một làng lớn gần đó để tránh mưa tuyết. Nhưng ý thầy tôi lại muốn đi luôn đến tỉnh Troyes vì tỉnh này là một thành thị lớn, chúng tôi có thể kiếm ăn ở đó lâu ngày nếu thời tiết bắt chúng tôi phải lưu lại.
Tối đến, khi chúng tôi vào nhà trọ, thầy tôi liền bảo tôi:
- Con ngủ đi! Sáng mai chúng ta đi sớm, nếu chậm thì gặp mưa tuyết.
Thầy tôi không ngủ sớm. Thầy tôi ngồi bên cạnh lò sưởi, còn phải sưởi cho con Hảo-Tâm bị lạnh từ sáng đến giờ, co quắp và rên rỉ, mặc dầu chúng tôi đã cẩn thận lúc nào cũng ủ nó trong một cái chăn.
Sáng hôm sau, tôi dậy rất sớm. Bầu trời đen và thấp, không có một ngôi sao, trông như một cái vung lớn úp xuống đất đè bẹp mọi vật. Cánh cửa vừa mở, một luồng gió lạnh luồn vào lò sưởi làm hồng những miếng than vùi dưới tro tự đêm qua.
Người chủ quán bảo thầy tôi:
- Ông hãy ngồi lại. Không đi được đâu. Trời đổ tuyết bây giờ.
Vỹ-Tiên đáp:
- Tôi có việc cần khẩn phải đến tỉnh Troyes trước khi mưa.
- Ông không thể đi trong một giờ quãng đường dài 30 cây số.
- Thế mà chúng tôi vẫn cứ đi.
Vỹ-Tiên ủ Hảo-Tâm trong áo để truyền hơi ấm của mình cho nó. Mấy con chó không biết rét, mừng rỡ chạy trước chúng tôi. Thầy tôi đã mua ở Dijon cho một đôi áo da cừu. Tôi mặc cũng đỡ rét.
Gió thổi vù vù. Mở miệng ra rất khó chịu. Chúng tôi ai nấy đều lẳng lặng, bước vội vàng, vừa cho nhanh chóng đến nơi, vừa cho ấm người.
Tuy lúc đó là ban ngày mà bầu trời vẫn cứ tối om.
Chợt ở phương đông một giải trăng trắng hiện ra trong bóng đen, nhưng mặt trời không lên. Đêm hết rồi, nhưng sáng vẫn chưa tảng.
Tuy nhiên, một thứ ánh mờ ở chân trời phương đông như từ cái cửa hầm lớn phát ra, chiếu là là trên mặt đất. Trên cánh đồng, cảnh vật đều rõ dần dần. Những cây to trụi hết lá như giơ bộ xương khô. Gió thổi vào bờ giậu, bụi cây, qua những chiếc lá khô còn dính ở cành thành những tiếng xào xạc khô khan.
Không một bóng người trên đường cái. Không một bóng người trong cánh đồng. Không một tiếng xe chạy, không một tiếng quất roi. Những sinh vật duy nhất trong lúc đó là giống chim mà người ta chỉ nghe thấy tiếng hót chứ không thấy bóng hình, vì chúng ẩn cả dưới lá cây. Duy mấy con chim khách nhảy nhót trên mặt đường, đuôi cong, mỏ nghếch lên trời, khi chúng tôi đến gần thì bay vụt lên ngọn cây, ở đó chúng kêu khách khách như để rủa chúng tôi hay báo cho chúng tôi biết có điềm chẳng may.
Chợt ở phía bắc có một điểm trắng hiện ra to dần dần và tiến về phía trước mặt chúng tôi. Chúng tôi nghe thấy những tiếng xào xạc lộn xộn. Đó là những con ngỗng trời ở phương bắc chạy rét về trú ở miền nam. Chúng bay qua đầu chúng tôi, rồi phút chốc ngoảnh lại chúng tôi chỉ nhìn thấy còn bay trên không những nắm tơ trắng nổi bật nền trời đen.
Miền chúng tôi đang đi qua cảnh tượng buồn vắng, quạnh hiu. Hết tầm con mắt, nhìn thấy những cánh đồng hoang, những đồi trơ trụi và những rừng đỏ hoe.
Gió bắc vẫn thổi nhưng muốn đổi chiều. Từ chân trời phía ấy đổ đến những đám mây đỏ, nặng và thấp như muốn đè trĩu xuống ngọn cây.
Phút chốc, một vài cánh tuyết rơi xuống trước mặt chúng tôi, nhởn nhơ như những con bướm khi lên, khi xuống, lúc xoay tròn, không chấm mặt đất.
Chúng tôi chưa đi được bao nhiêu đường đất, tính ra không thể tới Troyes trước cơn mưa tuyết. Tuy vậy tôi chẳng lo ngại, yên trí rằng tuyết xuống sẽ cản gió bắc lại thì đỡ rét.
Đó là tôi chưa biết thế nào là một cơn bão tuyết.
Nhưng rồi tôi được nếm mùi ngay, đến nỗi không bao giờ quên được bài học đó.
Bỗng nhiên, những đám mây từ tây bắc kéo đến. Một thứ ánh trắng sáng lòa kèm theo. Rồi hai bên sườn đám mây tỏa ra: đó là tuyết.
Không phải là những cánh bướm trắng bay lượn trước mặt chúng tôi nữa, mà là một trận mưa rào bằng tuyết bao trùm chúng tôi.
Thầy tôi bảo tôi:
- Nhất định không đi đến được Troyes rồi. Bây giờ ta phải tìm nhà nào nghỉ vậy.
Đó là một ý kiến rất đẹp, rất hay, nhưng tìm đâu ra chỗ trú bây giờ? Trước khi tuyết xuống tôi đã nhìn rất xa mà cũng chả thấy nhà nào hoặc làng nào ở bên đường chúng tôi cả. Trái lại, chúng tôi sắp đi vào một cánh rừng sâu thẳm cũng như hiện giờ hai bên đường toàn là đồi cả.
Vì vậy cũng chẳng nên quá tin tưởng vào cái nhà mong ước ấy.
Tuyết vẫn xuống, mỗi lúc một nhiều hơn.
Chỉ trong giây lát, tuyết phủ đầy đường hay nói cho đúng hơn nó phủ tất cả những gì ngăn nó lại: đống đá, mô đất, vừng cỏ ở ria đường, bụi cây ở cạnh hố, đều hóa trắng ngần vì gió thổi ngang mặt đất dồn tuyết vào những vật đó.
Khổ cho chúng tôi vì chúng tôi cũng là thứ chướng ngại vật cho tuyết. Nó đánh vào mặt, vào người chúng tôi, lọt vào khe quần áo như bụi rồi tan ra.
Tôi thấy một làn nước lạnh từ cổ xuống mình tôi. Thầy tôi để hở áo cho Hảo-Tâm thở cũng bị tuyết thấm vào người không ít. Tuy nhiên, chống với gió, chống với tuyết, chúng tôi cứ im lặng tiến, thỉnh thoảng lại quay mặt sang bên cạnh cho dễ thở. Những con chó cũng không tranh đi trước nữa. Nó đi sau chúng tôi để tránh tuyết nhưng thân chúng tôi cũng không đủ che chở cho chúng.
Chúng tôi dò từng bước, mệt nhòa, mờ cả mắt, thân thể giá buốt, quần áo ướt đầm. Chúng tôi vào rừng đã sâu mà vẫn chưa tìm được chỗ trú.
May sao (không biết có phải may hay không?) những trận cuồng phong đã yếu dần. Nhưng tuyết lại xuống nhiều, đáng lẽ nhỏ như bụi, bây giờ là những hạt to và chắc. Chỉ trong vài phút, đường đã ngập một lớp tuyết dầy, chúng tôi bước lên không có tiếng động.
Thỉnh thoảng thầy tôi lại nhìn sang tay trái như để tìm gì, nhưng tôi chỉ nhìn thấy toàn một khoảng rừng thưa đã đốn từ đầu năm, những cây non chừa lại, cây nào cũng cong vì đeo nặng tuyết.
Thầy tôi định tìm cái gì ở phía đó?
Còn tôi, tôi cố nhìn thẳng trước mặt tôi, trên đường cái, xem sắp hết rừng chưa hay có một nhà nào không.
Nhưng nhìn qua những giọt mưa rào trắng làm sao được? Cách vài thước mọi vật đều mờ đi, chúng tôi chỉ nhìn thấy một màn tuyết dầy buông xuống khác nào như một cái lưới lớn vây lấy chúng tôi.
Chúng tôi vẫn phải đi không được nản chí mặc dầu tuyết lội đến đầu gối và mũ nặng như đội đá.
Chợt thầy tôi trỏ tay về phía bên trái ra hiệu cho tôi. Tôi nhìn lờ mờ thấy trong chỗ rừng thưa ấy có một cái lều làm bằng cành cây tuyết phủ trắng xóa.
Tôi không hỏi lại, hiểu rằng thầy tôi chỉ cho tôi cái lều đó không phải để cho tôi ngắm cảnh mà để bảo tôi tìm lối vào.
Khó vào quá. Tuyết dày đặc không tìm thấy di tích đường vào. Tuy nhiên chỗ tiếp giáp với rừng già hình như có lối để vào, nhưng phải qua cái hố đầy tuyết.
Tuyết không lún, chúng tôi đi thoát qua hố và không mấy lúc đã đến lều.
Lều bằng củi gỗ xếp chung quanh, trên mặt những cành cây làm mái. Mái đó khít và dày nên tuyết không lọt xuống được.
Đó là một lều trú vững chãi không kém gì nhà.
Nhanh chân hơn chúng tôi, những con chó chạy vào trước. Chúng lăn mình trên đất khô và cát bụi, sủa những tiếng kêu mừng rỡ.
Chúng tôi cũng vui mừng không kém những con chó. Nhưng chúng tôi không lăn lộn như chúng, chúng tôi tìm cách khác để biểu lộ nỗi vui, đồng thời cũng để làm cho khô ráo.
Thầy tôi nói:
- Ta biết chắc trong khu này thế nào cũng có lều của tiều phu. Bây giờ tha hồ cho tuyết xuống!
Tôi cũng đắc chí nói:
- Cứ mưa nữa đi. Không cần!
Tôi ra cửa, nói cho đúng hơn là chỗ hổng của mặt lều, vì nó không có cửa vào và cửa sổ, để giũ áo và mũ cho khỏi ướt trong lều.
Cái lều đó rất sơ sài về cách xây dựng cũng như về phương diện đồ đạc. Có một cái ghế dài đắp bằng đất và mấy viên đá dùng làm chỗ ngồi. Nhưng có vật này quý giá hơn cả là năm, sáu viên gạch xếp đứng trong góc lều thành một cái bếp.
Đốt lửa! Chúng tôi có thể đốt lửa được rồi. Muốn đốt lửa có một cái bếp cũng chưa đủ, cần phải có củi nữa mới được.
Ở trong một cái nhà như nhà chúng tôi đang ở, vấn đề củi không khó khăn gì. Chỉ việc rút ở vách hay ở mái ra mỗi nơi một cái cho đều để khỏi xiêu vẹo trống trải.
Chúng tôi vào việc luôn. Nên trong giây lát đã có một ngọn lửa hồng tỏa trên bếp, nổ những tiếng lẹt đẹt vui tai.
Ôi! Ngọn lửa đẹp biết bao! Ấm biết bao!
Bếp không có ống thông hơi, khói xanh tỏa đầy nhà. Nhưng chúng tôi không cần chi, miễn là có ánh sáng, có khí ấm.
Trong khi đang chống hai tay xuống đất thổi lửa, những con chó ngồi chồm hổm chung quanh lò, cổ vươn ra, bụng ướt lạnh ghé gần vào tia lửa.
Con Hảo-Tâm cũng vạch áo chủ, cẩn thận thò mũi ra xem đấy là chỗ nào. Nhận xét kỹ địa điểm rồi, nó mới nhảy xuống tìm một chỗ tối nhất bên cạnh lò, ngồi giơ hai bàn tay run run ra lửa.
Bấy giờ chúng tôi yên tâm không chết rét nữa. Nhưng còn vấn đề đói chưa được giải quyết. Trong lều, không có hũ bánh, không có lò hấp, không có chảo thơm.
Nhưng thầy tôi là người dày kinh nghiệm và biết lo xa nên sáng nay, lúc tôi chưa dậy đã mò đi mua thức ăn đường: một ổ bánh mì và một miếng phó-mát. Lúc này không phải là lúc tỏ ra khó tính, vì thế khi nhìn thấy bánh mì mắt mọi người đều lộ ra một tia mừng. Nhưng buồn thay phần bánh ít ỏi quá. Thầy tôi chỉ đem chia có một nửa ổ bánh thôi. Thầy tôi nói:
- Ta không biết rõ đường đi, vì thế không biết từ đây đến Troyes, có hàng quán nào không. Lại nữa, ta không biết phải qua rừng này, chỉ biết rằng miền này có nhiều rừng liên tiếp nhau: rừng Chaource, rừng Rumilly, rừng Ôthe, rừng Aumont. Có thể ta còn cách xa chỗ dân cư. Và cũng có thể ta phải giam ở lều này nhiều bữa. Vì thế phải giữ lại chút lương thực.
Đó là những lý do mà tôi nghe ra ngay vì trong thời gian thầy tôi bị giam và khi rời Tu-lu tôi đã phải ăn dè quen rồi. Nhưng những con chó không chịu, khi chúng nhìn thấy nửa bánh còn lại bỏ vào túi, chúng chìa chân ra xin hay gãi vào đầu gối chủ ra hiệu còn đói bụng.
Những kêu xin và vuốt ve đó vô ích. Túi của chủ vẫn thắt chặt.
Tuy nhiên, bữa ăn thanh bạch đó cũng làm cho chúng tôi lại sức phần nào. Chúng tôi được chỗ trú tốt, được sưởi ấm, chỉ còn việc đợi cho ngớt tuyết.
Ở trong lều đó, tôi không lo ngại gì: hơn nữa tôi nghĩ cũng không phải bị giam ở đây lâu như thầy tôi đã nói cốt để giữ chút lương thực lại, vì không thể nào tuyết cứ xuống mãi được. Tuy nhiên không có điềm gì báo là mưa sẽ tạnh cả.
Qua cửa lều, tôi nhìn thấy những hạt tuyết xuống nhanh và dầy.
Vì không có gió, nó rơi thẳng, hạt này đè lên hạt khác, không ngừng.
Người ta không nhìn thấy trời đâu cả. Ánh sáng đáng lẽ ở trên cao rọi xuống thì đằng này lại từ dưới đất hắt lên, nghĩa là từ những lớp tuyết phủ trên mặt đất.
Tôi nhìn những con chó nằm quanh lửa: con thì cuộn tròn, con thì nằm nghiêng, Lãnh-Nhi vùi mõm vào tro đang ngủ.
Tôi cũng muốn bắt chước chúng. Sáng nay tôi dậy sớm quá, bây giờ cũng nên chu du trong giấc mộng để tìm thuyền Thiên-Nga, còn hơn là ngồi nhìn tuyết tơi.
Tôi không rõ là tôi đã ngủ được bao lâu rồi. Lúc tôi dậy thì tuyết đã tạnh. Tôi nhìn ra ngoài. Lớp tuyết trước lều đã lên cao. Nếu ra đi lúc đó thì tôi phải lội quá đầu gối.
Mấy giờ rồi?
Tôi không dám hỏi thầy tôi. Mấy tháng gần đây, số tiền thu được không đủ bù lại những khoản phí tổn trong thời bị cáo vì ngồi tù. Thầy tôi túng đến nỗi khi qua Dijon, đã phải bán cái đồng hồ bạc to tướng của thầy tôi – mà con Lãnh-Nhi vẫn đọc giờ – để mua áo da cừu cho tôi và sắm một vài thứ cần dùng.
Như thế tôi chỉ có thể hỏi trời thay cho đồng hồ thôi.
Nhưng trông ra chẳng đoán được là giờ giấc nào vì dưới đất một giải trắng xóa, trong không, sương tỏa đen ngòm, trên một ánh sáng lờ mờ vẩn lên những màu vàng úa.
Tất cả những hiện trạng đó không thể cho tôi biết được là mấy giờ.
Những tai cũng không biết gì hơn mắt. Bốn bề lạnh ngắt. Cảnh đêm cũng không đến nỗi im bặt như cảnh ngày hôm đó.
Tuyết đã làm tê liệt mọi cử động. Tuyết đã hóa mọi thứ thành đá. Thỉnh thoảng có một tiếng động tắt ngay, người ta khó nghe thấy. Đó là một cành thông lung lay trước gió, chùm tuyết nặng giúi đầu nó xuống đất. Khi cành bị uốn găng quá, chùm tuyết phải tuột xuống, cành lá xanh đen được tự do, bật mạnh lên, quệt vào bộ áo tuyết của những cành bên cạnh làm cho rách thủng. Vì thế trông xa người ta thấy lỗ chỗ những hổng đen ở tấm áo khoác trinh bạch của nhiều cây.
Tôi đứng ở cửa lều mải nhìn cảnh lạ đó thì có tiếng thầy tôi gọi:
- Con muốn đi bây giờ không?
- Con không biết. Tùy thầy.
- Theo ý ta, ở lại thì hơn, ít nhất chúng tôi cũng có chỗ ẩn và có lửa.
Tôi nghĩ chỉ còn thiếu một thứ nữa là bánh mì nhưng không dám nói ra.
Thầy tôi nói tiếp:
- Ta chắc tuyết xuống chưa hết. Không nên phiêu lưu quá sợ không tìm được nhà trọ. Vả ở giữa bãi tuyết ban đêm thì rét không chịu được. Ở đây còn có cái lợi là chân không bị ướt.
Thầy tôi không nói gì về vấn đề ăn. Tuy nhiên, nếu đi ngay bây giờ thì đến chiều không biết có gặp được chỗ trú không. Hơn nữa lớp tuyết vừa xuống đường chưa rắn chắc phải lội thì khổ lắm.
Vậy phải thắt bụng mà ở lại lều, có thế thôi.
Đến bữa ăn thầy tôi đem nửa ổ bánh chia làm sáu. Chúng tôi phải bẻ thành những miếng rất nhỏ ăn cho được lâu.
Khi ăn xong, tôi tưởng các con chó lại giở trò đòi ăn như bữa sáng, vì trông chúng còn thòm thèm lắm. Nhưng không phải thế, và một lần nữa tôi lại được dịp nhận xét cái thông minh của chúng.
Thầy tôi bỏ dao díp vào túi quần, thế là xong bữa ăn. Lãnh-Nhi đứng dậy, lấy đầu ra hiệu cho hai bạn nó rồi lại ngửi cái túi đựng bánh và lấy chân nắn ngoài túi. Sau khi đã kiểm soát xong, nó biết là không còn gì, nó về cạnh lò lửa ra hiệu cho hai bạn nó lần nữa rồi nằm xuống thở dài:
- “Không còn gì nữa, đòi cũng vô ích!”
Điệu bộ nó đã nói rõ hơn là lời nói. Các bạn nó hiểu lời nói đó, cũng cùng nhau lại nằm bên lửa. Tuy vậy, con Hiệp-Nhi vẫn hậm hực vì nó có tính háu ăn, nên thấy khó chịu hơn là hai con kia.
Tuyết lại đổ xuống đã lâu. Mỗi giờ lớp tuyết lại dầy thêm khác nào một lớp triều bạc dâng lên, sắp trùm hết các chồi cây non.
Ăn xong chúng tôi nhìn ra ngoài lều, thì màn đen đã xuống.
Đêm cũng không cản được tuyết, từ trên trời cứ rơi xuống từng cuộn lớn xuống mặt đất trắng ngần.
Vì chúng tôi phải ngủ ở đây, thì tốt hơn hết là đi ngủ sớm.
Chiếc áo da cừu của tôi ban ngày sấy đã khô. Tôi mặc vào và cũng theo mấy con chó nằm dài bên lò lửa. Đầu gối vào một viên đá nhẵn.
Thầy tôi bảo:
- Bây giờ con đi ngủ đi. Lát nữa đến phiên ta ngủ, ta sẽ gọi con dậy, ở lều này tôi không sợ người hay vật đến hại nhưng ta phải giữ luôn luôn cho lửa khỏi tắt, vì khi tuyết rơi thì trời giá lạnh lắm.
Không để thầy tôi giục đến lần thứ hai, tôi đi ngủ ngay.
Khi thầy tôi đánh thức tôi thì lúc đó đêm đã khuya lắm rồi. Tuyết không xuống nữa và lửa của chúng tôi vẫn còn.
Thầy tôi bảo:
- Bây giờ đến lượt ta ngủ. Con chỉ có việc thỉnh thoảng bỏ thêm củi vào lò. Ta đã lấy sẵn một đống củi để kia.
Thực vậy, một đống củi lớn đã xếp ở cạnh lò. Thầy tôi rất tỉnh ngủ, sợ tôi rút củi ở vách làm động chăng nên đã chuẩn bị củi cho tôi dùng.
Đó là một sự cẩn thận rất hay, nhưng than ôi! Nó đã không đem lại những kết quả mà thầy tôi mong muốn.
Thấy tôi đã dậy và nhận việc rồi, thầy tôi ấp con Hảo-Tâm vào ngực; chùm chăn nằm cạnh lò lửa. Một lát, những tiếng thở to và đều báo cho tôi biết là thầy tôi đã ngủ. Tôi liền đứng dậy, gión gién ra cửa lều, nhìn ra ngoài.
Tuyết đã vùi lấp tất cả: cỏ, bụi gai, cây non, cây lớn. Đưa mắt nhìn xa, tôi chỉ trông thấy một lớp tuyết mấp mô, trắng xóa.
Trên trời, những ngôi sao lấp lánh. Dưới đất ánh tuyết xanh xanh chiếu lên cảnh vật. Bên ngoài, trời lạnh cóng, thỉnh thoảng lại đưa vào lều một ngọn gió cắt da. Trong bầu không khí buồn lặng ban đêm, người ta chỉ nghe thấy đó đây những tiếng nứt trên mặt tuyết đông.
Chúng tôi thật may mắn và sung sướng được gặp túp lều này, nếu không, bơ vơ giữa rừng chúng tôi sẽ trở nên thế nào trong cơn bão tuyết với cái rét thấu xương?
Tôi đã có ý, bước rất khẽ thế mà cũng làm thức những con chó. Hiệp-Nhi theo tôi ra cửa. Vì nó không biết ngắm ánh tuyết ban đêm như tôi nên chóng chán và muốn chạy ra.
Tôi lấy tay vẫy nó vào. Không biết nó nghĩ thế nào mà lại muốn ra ngoài chơi, trong lúc đêm lạnh này nằm bên lò lửa chả hay hơn sao? Nó tuân lời, nhưng cứ ngồi hếch mõm trông ra ngoài như muốn bảo thủ ý kiến.
Tôi còn đứng ở cửa một hồi lâu nữa để ngắm tuyết mặc dầu cảnh đó gây cho tôi một mối buồn xa xăm và làm cho tôi muốn khóc, tôi cứ thích đứng lặng ở đó.
Sau cùng tôi trở vào đống lửa, bỏ thêm mấy thanh củi gác chéo lên nhau rồi tôi ngồi lên hòn đá đã dùng để gối đầu.
Thầy tôi ngủ yên. Những con chó và con Hảo-Tâm cũng ngủ cả. Lò lửa được tiếp củi thêm bốc lên những ngọn lửa vàng đẹp và cao, phát ra những tia lách tách khua tan khí yên lặng trong lều.
Tôi nhìn những tia lửa đó thích lắm. Nhưng dần dần tôi thấy mỏi mệt rồi tê mê không biết gì.
Nếu tôi phải kiếm củi bỏ lò thì tôi phải đứng dậy đi quanh nhà luôn, tôi sẽ tỉnh táo. Nhưng đằng này chỉ có ngồi và thò tay ra bốc củi, nên tôi mơ màng dần đi, cứ tưởng mình thức nhưng rồi ngủ lại lúc nào không biết.
Chợt một tiếng sủa dữ dội làm tôi giật mình tỉnh dậy. Tối đen như mực. Có lẽ tôi đã ngủ được một giấc dài, vì lo lửa đã tắt, không còn chút ánh sáng nào.
Tiếng sủa vẫn tiếp tục: Đó là tiếng con Lãnh-Nhi. Có điều lạ là không thấy tiếng hai con Thùy, Hiệp đáp lại.
Thầy tôi cũng trở dậy, hỏi:
- Cái gì thế? Có việc gì xảy ra?
- Con không biết.
- Con đã ngủ và lửa tắt cả.
Lãnh-Nhi chạy ra cửa và cứ đứng đó sủa ran.
Câu hỏi của thầy tôi, tôi nhắc lại để tư hỏi tôi:
- Có việc gì xảy ra?
Có hai ba tiếng kêu bi thảm đáp lại. Tôi nhận ra tiếng con Thùy-Nhi. Tiếng đó ở sau lều và không xa lắm.
Tôi chực chạy ra, thầy tôi kéo lại và bảo:
- Cho củi vào lò đã!
Trong khi tôi dóm lửa, thầy tôi tìm một thanh củi chưa tắt lửa thổi lên cho đỏ. Rồi thầy tôi cầm thanh củi đó mà bảo tôi:
- Chúng ta đi xem. Con đi sau ta. Lãnh-Nhi! Đi trước đi!
Khi chúng tôi đang ra, một tiếng kêu dữ dội phát ra như xé bầu không khí yên lặng. Con Lãnh-Nhi chùn lại, chui vào chân chúng tôi, sợ hãi.
Thầy tôi bảo:
- Chó sói đấy! Hiệp-Nhi đâu? Thùy-Nhi đâu?
Tôi không biết trả lời thế nào. Có lẽ trong khi tôi ngủ quên đi, Hiệp-Nhi cố tình thực hiện ý muốn của nó mà tôi đã cấm, và con Thùy-Nhi cũng theo bạn nó.
Chó sói đã tha chúng đi rồi chăng?
Giọng nói của thầy tôi đã tiết lộ sự lo sợ đó. Thầy tôi bảo tôi:
- Vào lấy một que củi đỏ. Chúng ta đi cứu hai con chó.
Ngày còn ở làng, tôi thường nghe thấy người ta kể lại những chuyện ghê gớm về chó sói. Nhưng tôi không ngần ngại. Tôi lấy que củi và đi theo thầy tôi. Nhưng khi ra đến rừng, chúng tôi không thấy Thùy, Hiệp-Nhi mà cũng không trông thấy chó sói. Chúng tôi chỉ trông thấy trên tuyết những vết chân của hai con chó.
Chúng tôi theo vết chân đó đi: những vết chân đó đi chung quanh lều, rồi trong một chỗ tối gần đó có nhiều vết lõm sâu xuống như là những vết lăn lộn.
Thầy tôi bảo Lãnh-Nhi:
- Lãnh-Nhi! Tìm đi! Tìm đi!
Và thầy tôi cũng huýt còi gọi chúng.
Nhưng bốn bề vắng ngắt không có một tiếng sủa trả lời thầy tôi và con Lãnh-Nhi đáng lẽ phải theo lệnh đi tìm, nhưng nó cứ nép vào chân chúng tôi, vẻ hãi hùng, tuy nó là con chó vâng lời và can đảm hơn cả.
Ánh phản chiếu của tuyết không đủ ánh sáng để chúng tôi theo rõi vết tích. Nhìn xa một chút là mắt tôi đã lòa trong bóng tối.
Thầy tôi lại huýt còi, lại gọi to:
- Hiệp-Nhi! Thùy-Nhi!
Chúng tôi lắng tai nghe. Vẫn im lặng. Lòng tôi se lại.
Tội nghiệp cho Hiệp-Nhi! Tội nghiệp cho Thùy-Nhi!
Thầy tôi kết thúc:
- Chó sói đã bắt chúng rồi. Tại sao con lại để cho chúng ra?
Không biết trả lời thế nào, tôi chỉ nói:
- Để con đi tìm.
Tôi chạy lên, thầy tôi giữ tôi lại và hỏi:
- Con định tìm chúng ở đâu?
- Con chưa biết, con đi tìm mọi chỗ.
- Tối thế này thì biết lối nào mà mò? Và phải lội tuyết!
Thực vậy, việc tìm không phải dễ. Tuyết ngập gần đến đầu gối. Chúng tôi lại chỉ có hai cái que lửa thì soi làm sao mà đi được.
Thầy tôi nói tiếp:
- Nếu chúng không trả lời ta, tức là chúng đã… ở xa. Vả chúng ta cũng không nên mạo hiểm, chó sói có thể hại được chúng ta vì trong tay chúng ta không có khí giới gì.
Đau đớn thay phải bỏ hai con chó đó, hai bạn thân của tôi. Tôi hối hận vô cùng, tôi phải chịu cái trách nhiệm về lỗi của chúng. Nếu tôi không ngủ quên thì đâu đến nỗi này?
Thầy tôi trở về lều. Tôi đi sau. Mỗi bước, tôi lại quay lại nhìn đằng sau tôi và đứng lại nghe ngóng, nhưng mắt tôi chỉ nhìn thấy tuyết trắng, tai tôi chỉ nghe thấy tiếng tuyết nứt nẻ.
Về đến lều, một việc lạ nữa đã đợi chúng tôi. Trong khi chúng tôi đi vắng, những cành cây tôi đã bỏ vào lò cháy to và sáng rực cả lều. Tôi không nhìn thấy Hảo-Tâm đâu cả. Chăn nó đắp vẫn còn y nguyên bên cạnh lò, nhưng thấy bẹp xuống, biết rằng nó không ở trong chăn.
Tôi gọi nó. Thầy tôi cũng gọi nhưng chẳng thấy nó đâu.
Thầy tôi nói khi thầy tôi dậy thì nó vẫn còn nằm nguyên. Đúng là lúc chúng tôi ra ngoài thì nó đi mất.
Hay nó đã theo chân chúng tôi?
Chúng tôi lấy một nắm củi cành đang cháy ra cửa, cúi xuống soi trên tuyết xem có dấu vết gì của Hảo-Tâm hay không.
Chúng tôi không thấy gì cả. Đã hay rằng chúng tôi và con Lãnh-Nhi đi đi lại lại có thể giẫm lên vết tích của Hảo-Tâm, nhưng dù sao cũng không thể xóa hết được dấu chân của Hảo-Tâm.
Như vậy thì nó không hề ra cửa.
Chúng tôi trở vào xem nó nấp trong vách củi không.
Chúng tôi tìm kiếm khá lâu: chúng tôi đi tìm lại một chỗ đến cả mười lần; thầy tôi lại kiệu tôi lên vai để khám phá cả những cành khô dùng làm mái lều.
Thỉnh thoảng chúng tôi lại dừng lại để gọi nhưng vẫn chẳng thấy gì.
Thầy tôi tỏ ra buồn rầu, tôi cũng thất vọng. Khốn nạn cho con Hảo-Tâm!
Tôi hỏi thầy tôi:
- Chó sói có thể bắt nó chăng?
Thầy tôi trả lời:
- Không, những con chó sói không dám vào chỗ có ánh sáng. Chúng có thể vồ hai con chó của ta vì những con ấy ra ngoài, chứ không xông vào đây đâu. Chắc con Hảo-Tâm sợ, đi nấp chỗ nào trong khi ta ra ngoài. Chính vì lẽ đó ta buồn, trong thời tiết này, nó dễ bị nhiễm lạnh và cái lạnh rất nguy hại cho nó, chúng ta cố tìm đi.
Chúng tôi lại tìm, nhưng lần này cũng như lần trước, chẳng lượm được kết quả gì.
Thầy tôi bảo:
- Đành để đến sáng vậy.
- Độ mấy giờ nữa?
- Độ hai hay ba giờ nữa, ta phỏng chừng thế.
Rồi thầy tôi ngồi, hai bàn tay ôm lấy đầu.
Tôi không dám làm rối thầy tôi. Tôi ngồi im bên cạnh, thỉnh thoảng sẽ cầm cành củi bỏ vào lò. Thỉnh thoảng thầy tôi lại đứng dậy ra cửa, nhìn lên trời và nghiêng mình ra nghe. Rồi lại trở về chỗ. Giá thầy tôi mắng tôi thì tôi còn dễ chịu hơn là trông thấy thầy tôi rầu rĩ và im lìm.
Thời gian ba giờ mà thầy tôi nói đi chậm đến phát bực người, tưởng chừng như đêm kéo dài không bao giờ hết.
Nhưng rồi những sao cũng xanh dần, và trời bắt đầu trắng ra. Bình minh đến. Sáng rồi. Gió ban mai sao mà lạnh thế!
Nếu chúng tôi tìm được Hảo-Tâm, không biết nó còn sống không? Biết đâu trời sáng lại không kéo cả tuyết đến, thì làm thế nào để tìm con Hảo-Tâm?
May sao tuyết không kéo đến. Đáng lẽ âm thầm như hôm qua, bầu trời hôm nay nhuộm một ánh hồng báo một ngày tươi đẹp.
Đợi cho sáng rõ, chúng tôi đi tìm. Thầy tôi cầm một cái gậy lớn. Tôi cũng vác một cái không kém.
Lãnh-Nhi bây giờ không co ro sợ sệt như ban đêm, hai mắt nó nhìn chủ và đợi lệnh.
Chúng tôi đang cúi tìm vết chân của Hảo-Tâm ở dưới đất, Lãnh-Nhi ngẩng đầu và sủa lên những tiếng vui vẻ có ý bảo chúng tôi nên tìm ở trên không chứ kiếm ở dưới đất thì uổng.
Chúng tôi liền nhìn lên mái lều, nhiều chỗ tuyết đã lún xuống để lộ một cành cây lớn chấm mái lều.
Chúng tôi theo cành đó của cây sồi đâm sang, nhìn lên ngọn cây thấy ở một cái chạc có bóng một vật màu nâu sẫm.
Đó là Hảo-Tâm. Chúng tôi hiểu ngay: đêm qua nghe tiếng chó sói và chó nhà sủa vang, đáng lẽ phải nằm yên cạnh lửa, nó sợ quá lại thấy trong nhà đi vắng cả, liền nhảy tót lên mái lều, truyền sang cây sồi, leo lên ngọn nấp cho được chắc chắn, chủ gọi cũng không xuống nữa. Con vật khốn nạn phải bữa rét cóng.
Thầy tôi ngọt ngào gọi nó! Nó không động đậy, cứng đờ như chết. Thầy tôi gọi mãi đến cả mười phút mà nó vẫn không tỏ ra dấu hiệu gì là sống cả.
Tôi muốn chuộc lại cái lỗi đã sơ khoáng ban đêm liền bảo thầy tôi:
- Thầy để con trèo lên ôm nó xuống.
- Ngã thì khốn!
- Không nguy hiểm đâu, thầy ạ!
Thực ra rất nguy hiểm. Cây đã cao lại to. Thân và cành đều trát tuyết, rất khó trèo. May sao, từ thuở nhỏ tôi đã biết trèo cây và cái khoa trèo của tôi đã từng nổi tiếng là giỏi hơn mèo.
Tôi dùng mấy cành nhỏ ở dưới làm bậc leo lên. Tay bám làm tuyết rơi cả vào mắt hóa mờ. Thầy tôi đỡ tôi lên cho đến chạc thứ nhất. Từ đó trở lên trèo dễ hơn, tôi chỉ phải chú ý cho khỏi trượt.
Tôi vừa leo vừa ngửa mặt lên nói ngọt ngào với Hảo-Tâm. Nó không nhúc nhích nhưng hai mắt vẫn chừng chừng nhìn tôi. Tôi đến gần chỗ nó, vừa giơ hai tay ra bắt thì nó đã nhảy sang cành khác.
Tôi lại leo sang cành này nhưng, người lớn hay trẻ ranh dù tài giỏi đến đâu cũng vẫn kém xa giống khỉ về môn trèo cây. Vì thế tôi sẽ không thể nào với được nó nếu cành cây không có tuyết. Vì tuyết làm ướt tay chân nó, sức chạy của nó cũng chóng mệt và giảm đi một phần nào. Lúc đó nó dò cành này sang cành khác rồi nhảy phắt xuống vai thầy tôi và chui vào trong vạt áo.
Bắt được Hảo-Tâm đã vất vả nhưng nào đã hết đâu. Chúng tôi còn phải tìm hai con chó nữa.
Chúng tôi đi vài bước nữa đến chỗ tìm đêm qua.
Bây giờ sáng sủa, chúng tôi dễ nhận những điều đã xảy ra. Tuyết còn in sâu vết tích về cái chết của hai con chó.
Chúng đã ra ngoài lều, con trước, con sau, còn vết chân trên một quãng dài hơn 20 mét. Rồi những vết này biến mất trong đám tuyết bới lộn. Chỗ đó người ta nhìn thấy nhiều dấu vết khác: một bên là những vết nhảy dài của những con sói sang chỗ hai con chó, một bên là những vết tỏ ra rằng những con sói đã cắn chết những con chó mà tha đi. Những vết máu đào còn lang-lỗ trên tuyết.
Chúng tôi đành lộn lại. Hai con chó đã bị giống sói cắn chết và tha vào rừng rậm rồi. Bây giờ chúng tôi cần săn sóc và sưởi cho Hảo-Tâm.
Chúng tôi vào lều. Khi thầy tôi cầm tay chân Hảo-Tâm sưởi trên lửa như chăm chút cho con thơ, tôi đem hơ chăn của nó cho ấm. Rồi chúng tôi cuộn vào mình nó. Giá lại có giường êm và đồ uống nóng thì con HT cũng bớt mệt, nhưng ở lều này thì tìm đâu ra. May mà có lửa cũng cứu cấp được phần nào.
Thầy tôi và tôi ngồi chung quanh lò lửa, chẳng ai nói câu gì, im lặng nhìn lửa cháy. Chúng tôi tuy không dùng lời nói, không dùng đến con mắt nhưng cũng biểu lộ được lòng đau xót của chúng tôi lúc đó.
“Thương thay cho Hiệp-Nhi! Cho Thùy-Nhi! Những bạn thân mến của ta!” Đó là lời của chúng tôi đang lẩm nhẩm nếu không ít ra cũng là tiếng nói của lòng chúng tôi.
Thực vậy, chúng đã làm bầu bạn với chúng tôi, lúc vui cũng như lúc buồn đều có nhau. Đối với tôi, trong những ngày bơ vơ và hoạn nạn, chúng đã là nguồn an ủi cho tôi. Không những coi chúng là bạn, tôi còn thương chúng như em tôi nữa.
Nay vì tôi mà chúng đã thiệt mạng!
Tôi không thể nào chối cãi được, nếu tôi để ý coi chúng, nếu tôi không ngủ, chúng sẽ không ra ngoài. Chó sói dầu có đến cũng phải đứng xa vì e sợ ánh lửa.
Tôi chỉ muốn thầy tôi mắng tôi, đánh cho tôi một trận thì mới hả dạ. Nhưng thầy tôi chẳng nói năng gì, và cũng không hề nhìn tôi. Thầy tôi ngồi rũ bên cạnh lò lửa, chắc hẳn trong lòng đang nghĩ về ngày mai. Thiếu chúng, chúng tôi diễn trò làm sao?
Chúng tôi sống làm sao được?
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Vô Gia Đình
Hector Malot
Vô Gia Đình - Hector Malot
https://isach.info/story.php?story=vo_gia_dinh__hector_malot