Tứ Thư epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 13
ON TRỜI - LỐI CŨ
1. CON TRỜI
Việc đã không thành.
Con Trời đập bát, đập đĩa, đập nồi trong nhà ăn. Con Trời quát:
- Đứa nào nộp bông mạch, ta sẽ cho năm ngôi sao to.
Không ai trao bông mạch. Con Trời lấy súng, chĩa nòng súng vào huyệt thái dương mình:
- Không giao nộp bông mạch ta không sống nữa, các ngươi đã lấy mất mạng ta.
Không ai giao nộp bông mạch.
Con Trời khóc hu hu trước đám đông. Mấy hôm liền bầu trời u ám. Mặt Con Trời tối sầm. Mạch chín thu hoạch xong. Con Trời lại lên thị trấn Tổng bộ họp. Họp xong Con Trời không được thưởng hoa hồng và quà tặng. Càng không hoàn thành chỉ tiêu báo lên năm ngoái sản lượng mẫu một vạn năm ngàn cân. Trồng một mẫu ruộng thí nghiệm sản lượng mẫu vạn cân, riêng hạt giống đã gieo hàng ngàn cân, cứ tính một hạt giống một bông mạch, trên mỗi bông mạch kết ba mươi hạt, sản lượng mẫu ba vạn cân, hai mươi hạt, sản lượng mẫu là hai vạn, kết mười hạt, khoảng một vạn cân. Nhưng dưới gầm trời làm gì có một bông mạch chỉ kết mười hạt? Cho dù hạt lép, hai mươi hạt cũng là hơn một vạn cân mạch. Vốn cứ tưởng, sản lượng mẫu vạn cân là chuyện dễ ợt như sấp ngửa bàn tay, cây giống mạch mọc lên, cây nọ chen cây kia, nhưng khi cây mạch cao đến đùi gối, mưa gió suốt một đêm, cây mạch đổ rạp xuống như ngả rạ, không bao giờ thẳng lên nữa.
Tưới tát nước liên tục không dừng nghỉ. Cây mạch dầy đặc, kim chọc không vào, nước chảy không qua.
Dăm ba hôm, cây mạch úa vàng héo chết, không còn lấy một cây.
Không có hoa hồng, không có bằng khen đỏ, Con Trời đau lòng bỏ ăn ba ngày liền, gầy rộc đi như cây mạch ruộng thí nghiệm. Đi tham quan, thấy các khu và thôn trang khác, số sản lượng mẫu vốn báo lên, một ngàn cân, hai ngàn cân, năm ngàn cân, tám ngàn cân đều đạt được, nhà kho chứa mới xây từng dẫy, từng dẫy ở đầu làng, bờ ruộng. Trong kho bao tải lương thực xếp chạm xà nhà.Cấp trên xuống kiểm tra kho chứa, lấy ống nứa vót nhọn xọc vào những bao xếp ở cửa, hạt mạch từ ống nứa chảy ra à à. Cấp trên từ tổng bộ, huyện, địa khu, đến tỉnh,bởi lấy khu chín trăm mười chín làm trọng điểm, sản lượng mẫu báo lên một vạn năm ngàn cân, về sau bảo đảm chắc chắn giảm còn một vạn cân, lại phát minh ra thuật luyện gang cát đen, đã luyện ra gang sao năm cánh, suýt nữa đại diện toàn tỉnh lên Kinh hiến lễ. Cấp trên với một ngàn người kéo đàn kéo đống đến nơi xa nhất - khu chín trăm mười chín tham quan.
Trước khi tham quan, Tổng bộ cử người đến, bắt người đang ở dẫy trước chuyển sang ở dẫy sau, lấy chỗ làm kho lương thực, chuyển đến rất nhiều bao tải không, đựng cát vào trong bao, chất bao cát vào nhà kho, chất cao đến xà nhà. Ngay trong đêm lại chở lương thực từ kho khác đến, cho đầy bao tải tiểu mạch, xếp lên nóc bao cát, xếp bên ngoài bao cát, chắn ngay cửa ra vào, cửa sổ và chung quanh. Cấp trên đến kiểm tra tham quan, cấp địa khu, cấp tỉnh đều ngồi xe con, xe to chở chật ních cán bộ cấp các huyện, các địa khu. Mở cửa kho lương thực, người nào cũng há mồm ngạc nhiên nhìn lương thực chất thành núi, có người chọc ống nứa vào bao tải xếp ở cửa, hạt mạch rào rào chảy ra, từ cửa sổ chọc vào bao tải, rào rào chảy ra toàn là mạch, từ khe bao tải leo lên nóc, hạt mạnh chảy ồ ồ.
Cấp trên cảm động thốt lên.
- Trời ơi! Trời ơi!
Khen Con Trời. Khen tất cả khu chín mười chín. Bầu trời có ánh sáng.
Mọi người xếp hàng đứng bên ngoài kho. Hạt mạch chảy ra luôn luôn vỗ tay. Mãi cho đến khi cấp trên kiểm tra kho lương thực, người đem lòng hoài nghi từ nóc kho trèo xuống, hết nghi ngờ, vui vẻ nói:
- Giỏi quá! - Ghê gớm quá!
Vậy là việc đã thành.
Người của cấp trên ăn cơm thịt, uống rượu bia trong khu, chúc mừng Con Trời đạt sản lượng mẫu quá vạn cân, đã có cống hiến lớn cho Tổ quốc. Sau khi ăn cỗ sai mọi người xếp thành ba hàng, trên địa khu, trên tỉnh biểu dương việc làm vì nước của Con Trời, phát bằng khen, cài hoa hồng.
Con Trời tươi cười, bầu trời sáng láng.
Phát bằng cài hoa diễn ra sau bữa ăn trưa, trời nắng gay gắt, mặt trời như lửa như lò luyện thép.
Cấp trên ở trong bóng râm mái nhà, mọi người đứng dưới trời nắng, mặt toá mồ hôi.
- Trời có nóng không? - Cấp trên hỏi.
- Không nóng đâu! – Có gió thổi! - Đám đông hét to đồng thanh trả lời.
- Anh chị em có quyết tâm trồng ngô đạt sản lượng mẫu năm vạn cân không?
Đám đông im lặng.
- Không quyết tâm phải không?- Cấp trên nhìn khu chín mười chín – Anh chị em không muốn cống hiến cho Tổ quốc hay sao, không muốn để bắp ngô của Tổ quốc to như cái vồ sao?
Nhìn mồm cấp trên. Nhìn thấy cấp trên, mồm tròn xoe, mắt trợn trừng, nhìn mặt Con Trời. Con Trời nhìn mọi người, ánh mắt buồn rười rượi. Có người quay đầu kéo người bên cạnh ra hiệu nói đi. Khi cấp trên lại hỏi liệu có trồng được sản lượng năm vạn cân không, liệu có trồng được bắp ngô to bằng cái vồ, to hơn cái vồ, hạt ngô còn to mẩy hơn quả táo hồng, liền có người vung nắm tay phải lên trời đáp “Được! - Nhất định được!”
Tất cả đều nói “Được - Nhất định được!”
Học giả, giáo sư tôn giáo, bác sĩ, nghệ sĩ piano, tất cả đều giơ cánh tay cao hô “Được! - Nhất định được”.
Tiếng hô to rung động làm con chim đậu trên nóc nhà giật mình bay đi.
Cấp trên hài lòng, nét mặt tươi cười.
Con Trời hài lòng, nét mặt tươi cười.
Liền cài cho Con Trời bông hoa lụa hồng to bằng miệng bát ô tô, đặt lên mặt bàn tấm bằng khen chuẩn bị sẵn, đã đóng dấu, chữ đều in, lấy bút mực chuẩn bị sẵn đem theo người và khung kính sai nhà thư pháp giỏi điền tên Con Trời vào. Trong tiếng vỗ tay nhiệt liệt, trong ánh nắng, cấp trên tỉnh cài hoa hồng, phát bằng khen to lồng trong khung kính cho Con Trời.
Đoàn người ra về.
Con Trời lại cười.
Đội hình vỗ tay tiễn cấp trên. Khi đi khỏi khu chín mười chín, ra đến cổng, Con Trời chạy vào nhà cầm một nắm thân cây mạch to như cây sậy, lá mạch rộng còn treo ở đầu cành như lá sậy mọc trên cây sậy. Con Trời nói:
- Năm nay chúng tôi đã trồng được bông mạch to như bông thóc, nhưng bị kẻ cắp lấy mất.
Con Trời tặng cho cấp trên mỗi người một cây làm vật chứng để kỉ niệm, chứng minh chính xác đã trồng được bông mạch to hơn bông thóc, đồng thời nói mùa thu năm nay sẽ trồng được ngô, bắp ngô nhất định to bằng củ cải, to hơn cả cái vồ, to bằng bắp chân nhỏ của người béo, nặng bằng bắp chân người gầy. Hạt ngô bằng quả nho, quả táo hồng. Cây ngô thật sự bằng cây gỗ. Cho dù cấp trên không tin sẽ phát cây ngô ra làm vật chứng, làm lưu niệm. Cấp trên ai cũng cầm cây mạch, cúi xuống ngửi thân cây, nhìn Con Trời cười, vị nào cũng giơ tay xoa đầu, xoa vai Con Trời, cười bảo.
- Cậu trồng được bắp ngô to bằng bắp chân, chúng tôi sẽ gói mười lần lụa đỏ khiêng lên Kinh thành.
Đoàn ra về, xe con, xe to nổ máy ầm ĩ, phụt khói dọc đường. Nắng sáng đỏ, mặt đất đỡ bánh ô tô quay tít. Sau khi đi, họ đều vứt cây mạch sang bên đường. Những cây mạch vứt đi,ConTrời không trông thấy phơi giữa bãi cỏ, dầm mưa, khô mục thành cành cây cỏ dại, toả mùi máu và hơi mạch nhàn nhạt.
Sau khi mọi người đã đi cả, học giả ngồi bần thần ở cửa kho. Ông nhìn ống nứa vứt ra đất, cầm lên xọc vào một góc bao tải ở cửa, cát đỏ chảy ra. Nhìn đống cát, học giả rầu rĩ ngồi trên đất ngây người liền vả vào má mình. Ông cũng tham gia cho cát vào bao tải. Ông cũng vỗ tay trước mặt cấp trên. Ông cũng hô to ngô vụ thu nhất định đạt sản lượng mẫu năm vạn cân, sẽ trồng được bắp ngô to bằng cái vồ, còn to bằng bắp đùi.
Tát vào mặt mình, học giả còn mắng:
- Mẹ kiếp, mày cũng xứng đáng gọi là trí thức ư!
Sau đó ông ngẩn ngơ nhìn kho lương thực, nhìn trời, khẽ lẩm bẩm, nước sắp nạn rồi, nhà nước sớm muộn sẽ có hoạ lớn.
Giáo sư tôn giáo, nữ nghệ sĩ, bác sĩ, rất đông người đi đến trước kho lương thực, kẻ đứng người ngồi, ngẩn ngơ, im lặng, vây quanh học giả không nói gì. Quây xong, người thì cười, người thì thở dài, người thì huýt sáo mồm bỏ đi.
Con Trời không có mặt ở đây, Con Trời còn mải về nhà mình, treo cái bằng khen, treo hoa hồng lên tường.
2. CON TRỜI
Vụ ngô thu, cuối cùng không trồng được bắp ngô bằng cái vồ, bằng bắp đùi. Cây ngô thi thoảng mọc thành cây, cuối cùng không kết ra hạt như quả nho, quả táo đỏ. Mảnh đất trống khu doanh trại được vỡ hoang trồng ngô, trở thành ruộng thí nghiệm. Cây giống ngô lên cao bằng cái đũa, cắm biển gỗ trước cây, biển viết tên người, giao cho mỗi phạm nhân chịu trách nhiệm một cây, yêu cầu dăm ba ngày, người nào cũng phải cắt đầu ngón tay, cổ tay tưới một lần máu vào gốc.
Đã giao ước tử tế, đến mùa thu, bắp ngô của ai bằng cái vồ, hạt ngô như quả nho, quả táo hồng, người đó sẽ được năm ngôi sao về nhà. Người nào cũng đi xả máu, ngô giống lớn thành cây rất nhanh. Ai cũng nhìn thấy nhà văn dùng máu trồng mạch, hạt mạch to bằng hạt ngô hạt đậu, hạt lạc. Cây mạch như cây trúc, ai cũng tin. Nhưng máu nuôi cây lương thực khác. Trong cả mùa thu toàn khu 919 đều loang mùi tanh máu. Ruộng thí nghiệm trồng ngô rộng nửa mẫu, hình vuông như năm gian nhà, từng mảnh từng mảnh, chất đất tốt, bón đủ nước tiểu, phân người, khi mọc thành cây giống lại bón thúc tro bếp. Cây giống vừa mọc, đêm ngày kêu nheo nhéo, chẳng khác gì trẻ thơ khóc đòi mình thành người lớn. Sang tháng tám, khi ngô trồng đại trà cao bằng cái đũa, thì ngô ở đây cao đến đùi gối. Sang tháng chín, khi ngô trồng đại trà cao ngang thắt lưng, ngô ở đây cao vượt vai người. Thân cây vừa xanh vừa thô, thân to nhất bằng cánh tay trẻ em. Lá vừa đen biếc vừa soi được bóng người. Đức Chúa Trời quan tâm ngô, khiến ngô mọc thành cây. Đức chúa Trời giận lây sự ngông cuồng của con người, khiến ngô lên thành cây, nhưng không ra bông, không có bắp. Tháng chín ngô trồng đại trà nhả bông ra râu, thì ngô ruộng thí nghiệm chỉ lớn, không trổ bông. Cây nào cũng như cây gai to lá rộng. Đức Chúa Trời phán, “có người là tốt”. Có người không phải tốt ở chỗ để xả máu của mình xuống gốc ngô, như nhà văn như học giả. Nhà văn được Con Trời cho phép không phải cứa đầu ngón tay trồng ngô nữa. Anh ta mất quá nhiều máu. Nét mặt ngày nào cũng nhợt nhạt vì thiếu máu. Nhưng học giả từ khi cấp trên về kiểm tra kho lương bao cát, đã rất ít nói chuyện với mọi người. Ăn cơm im lặng. Đi đường im lặng. Ngay đến nữ nghệ sĩ nói chuyện với ông, ông cũng im lặng. Chỉ khi Con Trời tìm gặp, ông mới gật đầu và lắc đầu, hoặc mở mồm đáp mấy câu.
Con Trời hỏi.
- Ngươi không phục tùng phải không?
Ông lắc đầu.
Con Trời hỏi:
- Tại sao ngươi không tưới máu cho ngô?
Ông im lặng.
- Tại sao? – Con Trời hỏi – Ngươi định ở đây suốt đời thật sao?
Ông cười gằn:
- Thượng Đế đang trố mắt nhìn chúng ta kia kìa.
Giáo sư tôn giáo không gọi Thượng Đế. Ông lại bảo Đức Chúa Trời thanh sáng. Đức Chúa Trời phán:
- Kẻ nào cũng ngông cuồng, cứ để họ lao động nhỏ máu vô ích.
Trong khu doanh trại, mạn đông, phía tây, trên đất mầu mỡ, ngày nào cũng có người cứa ngón tay nhỏ máu xuống gốc ngô. Đêm nào cũng có người đại tiểu tiện xuống gốc ngô vào lúc đêm khuya. Cắt động mạch chảy máu nuôi ngô, ngô lên như cây rừng, nhưng đến mùa thu, khi nên trổ bông, thì trên lưng chừng cây chỉ phồng lên một đốm xanh bằng đầu ngón tay.
Mấy tháng liền, người nào cũng cứa đầu ngón tay lấy máu rồi buộc dây vải và ni lông. Mặt trời như cũ, gió cũng như cũ, mưa như cũ, nhưng sang cuối tháng 9, vạn tượng không còn như cũ, mưa âm u liên miên, ngày dài trống vắng. Thế giới mênh mông, nước từ thượng nguồn sông Hoàng Hà đổ về ào ào cuồn cuộn.
Con Trời cũng trồng một cây ngô bằng máu của Ngài. Bên ngoài khu,các lò luyện thép trước kia đã thôi luyện, nhà văn đến đó coi lò dưỡng thân. Con Trời trồng một cây ngô bằng máu ở giữa các lò luyện. Cứ cách dăm ba hôm Con Trời đến đó dựa theo kinh nghiệm của nhà văn, cứa đầu ngón tay lấy máu nuôi ngô, đề phòng trong doanh trại, khi ngô thu chín, có kẻ xấu phá hoại bắp ngô to như cái vồ. Nếu ở đó còn có một bắp to bằng bắp đùi, vẫn có thể dùng lụa đỏ gói bắp ngô to như bắp đùi lên Kinh tiến cống. Nhà văn trông coi lò không, để phòng lúc nông nhàn cấp trên lại yêu cầu luyện gang. Đương nhiên, nhà văn cũng nhổ cỏ nuôi ngô trông coi ngô cho Con Trời. Thi thoảng thấy lá ngô héo vàng, cũng thay Ngài nhịn đau cắt máu tưới ngô. Cây ngô này cũng mọc khoẻ lên cao, xanh đen xanh lục như ngô trồng trong khu. Nhưng sang thu, khi cần ngô ra bông mẩy chín, thì trên lưng chừng cây, lại phồng lên một cục như con sâu xanh to.
Nhà văn về khu doanh trại ăn cơm, mọi người đứng giơ ngón tay cứa lấy máu băng bó đầy vải trắng hỏi nhà văn:
- Tại sao không trổ bông?
Nhà văn ra ruộng xem, muỗi nuôi bằng khí huyết, to như con nhặng. Nhặng như con chim nhỏ. Ai cũng giơ ngón tay chảy máu chỉ vào mũi nhà văn hạch sách:
- Tại sao? Tại sao?– Người thì nhổ bọt, kẻ thì khạc đờm vào mặt, lên người nhà văn, lại có kẻ ném đá vào lưng nhà văn. Con Trời nhìn thấy, hỏi nhà văn:
- Ngươi hãy giải thích, tại sao cây ngô này uống máu người, thân ngô như cây gỗ, nhưng ngay một bông to bằng đầu ngón tay cũng không có?
Nhà văn tịt ngóp. Đám đông nhổ bọt lên mặt nhà văn.
Đức Chúa Trời đã nhìn thấy. Chê con người cuồng ngông, đổ mưa lớn, nước dâng cao. Sau một đêm mưa tầm tã, sáng hôm sau khi thức dậy, tất cả đều chạy đến trước cây ngô của mình, trông thấy cây ngô to bằng cánh tay đổ trong nước, trôi trên mặt nước. Tấm biển giấy viết tên từng người treo trên cây ngô trôi trong nước như cái thyền bé xíu. Mọi người không buồn cho lắm, dù sao cũng biết không ra được bông to như bắp đùi, chỉ tiếc mấy tháng trời luôn luôn cắt ngón tay lấy máu. Chỉ có Con Trời khóc, thương trời thương người, nỗi đau như mây bao phủ lên trái tim Ngài. Ngài đã kêu khóc:
- Ta làm thế nào lên Kinh Thành?
- Ta còn biết lên Kinh Thành sao đây?
Không ra khỏi nhà,Con Trời ở lì bên trong. Khi ra ngoài, Con Trời đứng nhìn chung quanh khóc hu hu, thương đất thương trời. Khóc ngày khóc tháng, đột nhiên Con Trời không khóc nữa. Con Trời nghĩ đến một việc, lội nước mưa đi ra ngoài khu doanh trại, đi một mình đến cạnh lò luyện gang phía nam khu xem cây ngô tưới máu của mình.Cây ấy cũng gẫy, cũng to bằng cánh tay, lá cũng rộng như lá chuối, cao hơn ba mét. Một cây ngô thật sự, cũng không trổ bông. Cây ngô to đen xanh nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Nhà văn đứng trong nước mưa, mưa dội từ đầu đến mặt đến thân. Nhà văn nhìn cây ngô nổi trong mưa, đỡ lên, dựa vào một lò luyện gang, quay lại trông thấy Con Trời chạy đến, đứng đằng sau nhà văn định nói, lại ngồi trong mưa khóc hu hu.
Buồn trời thương đất, cứ thế khóc mãi.
- Tôi biết tại sao ngô này chỉ mọc cây không trổ bông, là bởi vì đất này không phải lăng vua – Nhà văn nói - Chỗ doi cát không chỉ là lăng vua, có khả năng còn là mộ Hoàng Đế thời xưa. Ngài yên tâm, sau vụ thu sẽ trồng lú bú, rau cải, khoai lang. Tôi sẽ đến đất lăng này trồng củ cải cho Ngài, bảo đảm còn to hơn bắp đùi người. Trồng ra loại khoai lang, một cụm không biết ra bao nhiêu củ, nhưng dám chắc sẽ có một củ to bằng quả bóng rổ. người bế khoai lang như bê hòn đá sỏi to kềnh.
Con Trời thôi khóc, nhìn nhà văn không nói gì, mắt sáng bừng.
Nhà văn nói:
- Trước khi vào đông, tôi sẽ trồng được, Ngài phát cho tôi năm ngôi sao to. Tôi về nhà, Ngài đem củ quả lên Kinh Thành, nhưng khi tôi đi khỏi khu 919, ngài phải bảo vệ tôi, đưa tôi ra thị trấn lên tàu.
Mắt Con Trời sáng lên như tấm kính được nước mưa xối rửa. Mưa cứ thế rơi tầm tã, mưa hẳn một lèo mấy ngày đêm. Ầm ầm sóng dậy, hai bờ sông Hoàng Hà và tất cả dưới gầm trời đều ngập trắng băng trong biển lớn mênh mông.
3. CON TRỜI
Trận mưa này mưa liền bốn mươi ngày, dưới gầm trời biển nước mênh mông.
Ngài Nô-ê đã kiên trì đóng tầu, mới cứu được người và các động vật.
Sông Hoàng Hà ngập lênh láng. Từ các hố sâu hoắm đào cát đen luyện thép mùa đông năm ngoái trên bờ đê, nước rò rỉ làm vỡ đê lớn Hoàng Hà. Trên lối cũ Hoàng Hà trước kia và bãi đất chua phèn đều trắng băng, cây cối hoa màu chìm nghỉm chết hết. Ngô đổ gục, các loại đậu, dưa quả, rau xanh nổi lềnh phềng trên mặt nước. Nước ngập hết nhà ở của các khu dục tân. Giầy dép nổi lều phều trên mặt nước. Sách trôi trên mặt nước. Người bị quây trong nước. Mưa tạnh, mặt trời chiếu chênh chếch, mặt nước loang loáng óng ánh. Đống rơm rạ, xà nhà, xác gia súc trôi như thuyền.
Bảy ngày sau, nước rút đi. Trời nắng như đổ lửa.
Đất bãi cát bảy ngày bảy đêm nước rút hết. Người đã đi được trên mặt đất. Nắng lửa lại thiêu đốt bảy ngày. Trên mặt đất bùn đọng nỏ cong vênh hẳn một lớp, lỗ nẻ rộng bằng ngón tay, hai ngón tay, rộng một tấc. Mọi người đều không có lương ăn. Trên cung cấp lương thực, trước kia nửa gạo nửa màu, mỗi người mỗi ngày, một cân hai lạng, mỗi tháng ba mươi sáu cân lương thực. Khi có thiên tai thật, trên cung cấp mỗi người mỗi ngày một cân hai lạng, giảm còn mỗi ngày mỗi người tám lạng, sáu lạng màu khoai lang khô, hai lạng bột mì trắng. Khu dục tân, từ đó mỗi ngày ba bữa đổi còn hai bữa.
Ba tháng sau, thiên hạ càng khó khăn. Khi mùa đông đến, hết gạo mì, mỗi người mỗi ngày chỉ cung cấp khoai lang khô hoặc bột ngô.
Thiếu lương thực, nạn đói nhao nhác náo trời động đất.
Cấp trên hô hào tiết kiệm lương thực, khiến mùa đông con người nằm khoèo trong nhà không làm gì, mỗi ngày mỗi người một bữa cơm. Một bữa cơm, mỗi ngày chỉ ăn một hai cái màn thầu đen sì, uống một bát cháo cám ngô lõng bõng soi rõ bóng người. Rất nhanh chóng, mọi người bước đi đều phải bám vịn tường, đói đến mức mặt và chân đều phù thũng. Mùa đông khi mặt trời lên, chân phù thũng nước loang loáng, ngồi sưởi dưới nắng, mặt người sáng loang loáng. Cả ngày con người đều phơi nắng, phù thũng sáng loáng suốt lượt. Con Trời đi đến, Con Trời không phù mặt, nhưng hố mắt trũng xuống, sắc mặt xanh xao.
- Cấp trên thông báo – Con Trời nói - Từ tháng sau, mỗi người mỗi ngày giảm chỉ còn có hai lạng, lương thực do ta quản, giải tán bếp ăn, mỗi người tự nấu lấy.
Ai cũng ngồi phơi nắng. Ánh mắt trắng bệch và vô vọng. Học giả không sưởi nắng. Ông kiếm đâu ra một tấm bản đồ. Tấm bản đồ to bằng hai cuốn sách, đỏ xanh, vàng, mầu sắc vẽ trên giấy. Ông xem tấm bản đồ lâu lắm, bước đến đứng trước mặt Con Trời hỏi:
- Hãy nói thật với mọi người, nạn đói này chỉ hai bên bờ Hoàng Hà, hay là toàn tỉnh toàn quốc?
Con Trời lắc đầu.
- Dù sao thì cấp trên đã nói, người chết đói cũng phải giữ nguyên chỗ, không được đi nơi khác, đi là tội phản quốc.
Giáo sư tôn giáo, nhà văn và nhiều người khác đều xúm lại. Đã mấy hôm nay họ không thấy Con Trời, cứ đoán Con Trời lên trên họp, biết nhiều việc. Họ hỏi.
- Những nơi bị nước lũ có rộng không? Những địa phương bị hạn hán có rộng không?
Con Trời lắc đầu.
- Thế nào cũng phải biết mùa đông năm ngoái có bao nhiêu tỉnh luyện thép chứ?
- Cả nước đều luyện thép. Không tỉnh nào không luyện. Người ta kể trong Trung Nam Hải cũng có lò luyện thép. Dưới Thiên An Môn cũng xây lò luyện thép.
Học giả cuộn tấm bản đồ vào:
- Náo thiên náo địa luyện gang thép qui mô lớn là cả nước làm, là sức mạnh cả nước. Phàm nơi nào luyện gang thép qui mô lớn đều chặt phá hết cây trên núi, bờ sông, đầu làng. Phàm nơi nào chặt sạch cây cối, không nơi nào là không lũ lụt, không bị hạn hán.Phàm nơi nào bị lũ lụt hạn hán, sống chết đều không tránh khỏi nạn đói này.Hiện nay mỗi người mỗi ngày còn có hai lạng lương thực, nhưng mùa đông năm nay, có thể hai lạng này không còn nữa.Chẳng ai quản chúng ta sống chết thế nào đâu. Trước mắt mỗi người mỗi ngày hai lạng lương thực, ai ăn thế nào thì ăn, từng người phải tự lo liệu.
Học giả vừa nói, vừa nhìn anh chị em phạm nhân, nhưng anh chị em phạm nhân không ai tin lời ông, đều tin Con Trời, đều quay nhìn mặt Con Trời. Ai cũng thấy Con Trời đã cao lớn, trên mép đã có râu tơ, tóc cũng khô dài, như một chàng trai làng nào đó chạy nạn trở về. Ai cũng nhìn thấy Con Trời liếc mắt nhìn đám đông.
- Đào rau dại mà ăn – Con Trời nói – Ngày trước chúng ta đói đều đào rau rừng ăn qua mùa đông.
Có việc như thế.
Thành rồi laị bại.
Người người đều nằm khườn trong nhà. Không cày ruộng. Không làm việc. Đại đa số đều nằm trên giường tiết kiệm sức. Không có nhà bếp, ai cũng đến chỗ Con Trời lĩnh lương thực tự nấu. Người thì kết hợp dùng nồi nấu, kẻ thì nấu trong bát tráng men của mình, hoặc dùng ca đánh răng nấu trên lửa. Không biết lại từ đâu,kiếm được bát sứ và ca uống trà tráng men.
Đã lâu lắm không có ai đánh răng. Không đánh răng thì không đánh răng!.
Không ai giặt quần áo, không giặt thì không giặt!
Cả mùa đông không rửa chân giặt tất, không rửa không giặt thì không rửa không giặt!
Khi mặt trời lên,hàng bầy hàng đàn túa ra bải cỏ khô hái rau dại, dù sao cũng đang sống. Rất hiếm thấy ai nói chuyện với ai. Người thì mỗi ngày một bữa, kẻ thì hai ngày mới một bữa. Hái rau dại về, kê ba hòn đá làm bếp, đặt ca đánh răng, bát sứ lên, bốc một nắm bột đen khoai lang quấy đều, châm lửa, đổ nước, lại rửa rau dại bỏ vào luộc chín ăn.
Chưa có người chết.
Một mùa đông như thế đã trôi qua.
Nhưng mùa đông, cái rét khó chịu hơn cái đói. Luyện thép đã đốt hết cây cối. Trên thế giới, ngay đến củi, rơm rạ nấu cơm cũng không có, phải đốt cỏ dại và cọng cây. Mùa đông lạnh không ai dám hơ lửa. Mọi người đều quí rơm rạ kiếm được để dưới gầm giường, có người còn trải ở phía cuối giường ngủ cho ấm. Lương thực lĩnh về không ai biết ai cất ở đâu, y như không ai biết hoa hồng và sao năm cánh của người khác cất ở đâu.
Ngày ngày trôi qua.
Thi thoảng người dẫy nhà trước gặp người nhà dẫy sau, đứng lại ngạc nhiên chỉ mặt hỏi:
- Eo ơi, sao sắc mặt anh vàng như nến thế? Lương thực được cấp đừng cất giấu không ăn nhé!
Người dẫy nhà sau chỉ người dẫy nhà trước nói:
- Anh mới cất giấu thì có, nhìn cổ chân anh kìa, cất giấu không ăn cổ chân đói sưng vù lên thế kia?
Chưa ai chết đói là phúc lớn lắm rồi. Có người đi đào rau đắng khô, đi nhặt cây cỏ khô về đun, nhìn thấy khu dục tân khác và trong thôn trang hoang dã có người chết đói, lấy gỗ tấm khiêng ra đồng, đào lỗ nông choèn choẹt vùi xuống, lại bị chó hoang, sói hoang bới lên ăn.
Khu 919 không ai chết đói là phúc tổ mả dầy.
Nhưng cấp trên ban xuống, nhà nước gặp tai hoạ là do bị người nước ngoài, người phương Tây bóp chẹt cổ nhà nước mới bị nạn đói lớn. Quốc dân đồng bào ai ai cũng phải hận bọn mũi lõ mắt xanh phương Tây, ai ai cũng phải chịu khó thắt lưng buộc bụng vì nhà nước. Khu dục tân, từ mỗi ngày hai lạng đổi thành mỗi ngày cấp một lạng. Con Trời cai quản lương thực, mỗi tuần cấp một lần, mỗi người một ca đánh răng bột khoai lang, khoảng sáu bảy lạng. Có mỗi người mỗi ngày một lạng lương thực, người sẽ không chết đói. Không chết đói, cũng tuyệt nhiên khó mà sống. Gía rét căm căm, trong nhà y như ngoài đồng vắng. Gió lùa vào tận xương tuỷ, tận lòng người. Vừa lạnh vừa đói, có người đi ra nhìn bầu trời u ám Trên trời chỉ có mây. Gía lạnh thâm sì, mặc hết quần áo lên người, có người khoác chăn, đi đâu cũng phải cuốn chăn vào người. Bởi vì lạnh, đói kinh khủng, nên có người sống hôm nay, không biết ngày mai ra sao. Ngày mai chết, hôm nay cũng không muốn đói lạnh đến cùng cực, lấy nửa ca đánh răng, đem ra chỗ kín gió vắng người nấu hết, nấu thành hồ uống sạch, lấy đầu ngón tay nạo vét cho bằng sạch, còn lè lưỡi ra liếm bát. Ăn xong bữa này, người ấm lên. Hôm sau người khác nấu cháo anh ta đành phải trơ mắt nhìn:
- Giáo sư ơi, cho tôi vay một miếng được không?- Cứ thế khóc cầu xin.
Vị giáo sư đang nấu cháo quay đầu nhìn anh ta, ngoái cổ lại không nhìn, không nói, coi như không nghe thấy. Nhưng mình thì nuốt ngấu nuốt nghiến, sợ anh ta đến giằng mất cái bát trước mặt.
Lại một ngày.
Lại một ngày.
Đói đến ngày thứ ba hoặc thứ tư, có người ôm trong lòng một vật ra khỏi nhà, nhìn trước ngó sau, đi ra ngoài cổng khu, gõ cửa Con Trời. Thấy con Trời trong nhà có bếp sưởi, có mùi cháo thơm thơm. Người vào quì trước mặt con Trời khấu đầu:
- Tôi cho Ngài một quyển sách, Ngài có thể cho tôi một lạng mì đen không?
Ông ta rút quyển sách trong bụng ra, sách đóng dây, đã vàng lại dòn:
- Đây là một quyển “Văn hiến đại thành” gia truyền của tôi, truyền đến đời này là năm trăm năm mươi năm, tôi đi đến đâu đều cất giấu đem theo đến đó.
Vừa nói, ông ta vừa đưa quyển sách cho Con Trời. Nhìn quyển sách đều viết bằng bút lông thể chữ Khải nhỏ lí nhí, giấy vừa mềm vừa nhẹ như bay, Con Trời không biết “Văn hiến đại thành” là sách gì, nhưng biết nó là vật quí. Ngài nhận sách và đong cho ông ta một nửa ca sứ bột khoai lang, không chỉ là hai lạng, độ ba lạng. Ông này sáu mươi tuổi, là người của Sở nghiên cứu lịch sử quốc gia. Nhà lịch sử gia nhận bột mì như bưng lịch sử nặng trịch, cẩn thận, lại khấu đầu cảm ơn giấu bột vào lòng lui ra.
Hôm nay, đến tối lại có mấy người đến. Mặt trăng như băng giá trên bầu trời. Gió khô hanh vù vù thổi. Con Trời có củi đốt sưởi ấm. Năm sáu người đều quì trong nhà Con Trời. Thấy Con Trời xé một nửa quyển sách “Thần khúc”đốt làm mồi, nửa còn lại vứt dưới chân bàn. Trong tay người nào cũng bưng sách, đầu tiên nhận tội, nói trước kia không nộp sách, bời vì thật tình sách này không phản động, nhưng cũng là sách vốn không nên xem như văn bản trên quy định. Có một quyển “Vật lý học” nhập của nước ngoài từ năm mươi năm trước, một quyển khác là “Thiên thể luận” của nước Anh nhập sớm hơn. Còn mấy quyển đều là sách của Tổ tiên, trong đó mấy quyển là “Sử ký”, “ Tam quốc chí” bản cổ đóng sợi. Người hiến sách ai cũng bảo sách này tuyệt bản, cả nước ta hiện chỉ còn một vài cuốn cuối cùng. Con Trời không biết xét đến cùng sách quí hiếm như thế nào. Con Trời nhận sách, cho mỗi người một hai lạng bột khoai lang.
Lại có rất nhiều người đến trước mặt Con Trời hiến sách. Lúc đầu một quyển sách đổi hai lạng hoặc một lạng, cuối cùng một quyển chỉ đổi một nắm hoặc nửa nắm. Sau nửa tháng không ai đến hiến sách nữa. Mọi người đã hết sách, nhưng Con Trời lại có rất nhiều sách, đều được đưa vào trong nhà xưa nay không ai vào. Muốn sưởi lửa lại đi vào nhặt mấy cuốn. Hôm nay Con Trời đang điểm sách sưởi lửa, giáo sư tôn giáo đi vào. Hôm nay trời mưa tuyết, mọi người đều nằm khườn đắp chăn trong nhà, ông đi ra, không cầm thứ gì.Vào nhà Con Trời ông cũng không quì, cứ đứng thẳng giữa nhà. Đầy nhà sáng đỏ rực, Con Trời đang xem truyện tranh trong ánh sáng, trong tay còn có bánh bột chín. Bánh như tờ giấy, mỏng, dòn, mồm nhai kêu rau ráu. Tuy là bột đen, nhưng mùi thơm lương thực bay ngào ngạt trong nhà.
Nhìn bánh bột đen, giáo sư tôn giáo nuốt nước bọt. Ngoài trời tuyết rơi, âm u, nhưng trông rõ. Con Trời bỏ quyển truyện tranh xuống, để miếng bánh lên trang sách đã xé, nhìn mặt ông như vệt nước trong ánh sáng. Ông kéo ông quần lên cho Con Trời xem. Con Trời nhìn chân ông, thô bóng như một cột nước dựng đứng. Ngài thốt lên:
- Trời ơi!
- Tôi chết đến nơi rồi. – Giáo sư tôn giáo nói - Bốn ngày nay, ngoài uống nước tôi không ăn gì. Tôi đến chỗ Ngài phải bám tường dò từng bước.
- Ta cho ngươi một lạng bột – Con Trời nói - Nhưng ngươi không được để ai biết ta cho không ngươi nửa ca bột.
Con Trời vào nhà xé sách lấy giấy gói cho ông một dúm bột. Ông mở ra cứ thế nuốt luôn dúm bột sống. Ông bị nghẹn ứ cổ. Con Trời lại rót nước cho ông nuốt trôi. Đã có sức, ông ôm bột để lên góc bàn, thè lưỡi liếm môi trên môi dưới, vươn cổ nói:
- Tôi không lấy không của Ngài.
Vừa nói ông vừa rút túi lấy ra một bức tranh Thánh Mẫu Ma-ri-a như đã nộp trước kia, trải dưới đất, lấy chân dẫm lên đầu, lên mặt Thánh Mẫu, lại còn dí mũi ngón chân vào mắt, dí thủng con ngươi, dí mù mắt, thành cái lỗ đen, sau khi dẫm dí tranh nát bét, ông nhặt lên vò thành một cục, như nhặt giấy rác, quì xuống khấu đầu với Con Trời, cầm dúm bột đen để trên bàn bám tường ra về.
Đến lúc này Con Trời mới tỉnh hẳn, mới rõ sự việc vừa xảy ra. Nhìn mẩu giấy giáo sư tôn giáo lấy mũi chân dí thủng con ngươi mắt đen láy của Thánh Mẫu còn để lại trên đất, nét mặt Con Trời vô cùng ngạc nhiên. Ngài lại nhìn giáo sư tôn giáo. Ông đã ra khỏi nhà. Ngoài trời mưa tuyết lay phay. Khi định đóng cửa, trông thấy nhà văn ngồi chồm hỗm ở cửa. Lúc giáo sư tôn giáo ra về, nhà văn trông thấy trong tay ông cầm gói giấy, mắt sáng lên, nhưng khi nhà văn định đứng dậy đi vào nhà Con Trời, mắt bỗng tối sầm, liền ngồi xuống, lê dần vào trong nhà, rồi thuận tay đóng cửa, ngẩng lên thều thào nói:
- Ngài hãy để tôi sống. tôi còn phải viết quyển “Tội nhân lục”. Mùa đông này tôi viết mọi lời nói và việc làm của tất cả phạm nhân, mùa xuân tới tôi vẫn đến doi cát trồng cho Ngài bông mạch to bằng bông thóc. Tôi khảo chứng,dưới doi cát đúng là đã từng chôn Hoàng Đế cổ xưa. Tôi trồng tiểu mạch ngay trên thân mộ Hoàng Đế, tôi sẽ tưới bằng máu động mạch của mình, bảo đảm bông mạch nào cũng như bông ngô, hạt tiểu mạch sẽ to hơn hạt lạc. Ngài đem mạch đó lên Bắc Kinh, vào ở Trung Nam Hải. Tôi không cần năm ngôi sao to, cả đời ở đây với Ngài. Kiếp này Ngài sai tôi làm gì tôi làm nấy – Nhưng ngài phải để tôi sống qua mùa đông này.
Con Trời cảm động, đầu tiên cầm bánh để trên bàn đưa cho nhà văn. Trong lúc nhà văn ăn, Con Trời vào trong buồng múc đầy một ca đánh răng bột khoai lang, tối thiểu nặng một cân hai lạng. Nét mặt vàng vọt của nhà văn nở nụ cười, mắt sáng bừng lên.
- Càng là lúc này – Con Trời nói - Cấp trên càng muốn biết mỗi người đều đang nghĩ gì, nói gì, làm gì. Ta không để ngươi đói, ngươi nhất định phải viết lại mọi lời nói hành động của tất cả phạm nhân, nhất định sang năm ngươi phải trồng cho ta những bông mạch to hơn bông thóc.
Nhà văn gật đầu, ngay trong hôm ấy lại bắt đầu viết sách “Tội nhân lục”.
Tứ Thư Tứ Thư - Diêm Liên Khoa Tứ Thư