Trường Đời epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 15
gười đi lấy thư ở Pa-kha về, trong lúc mọi người ăn cơm xong. Khánh Ngọc trông thấy mừng reo vội vàng đỡ lấy cái bọc:
- Nào, xem họ viết những gì? Đố François biết tôi có tất cả bao nhiêu thư? Những ai gửi cho tôi nào? Ông Trọng Khang có chờ một bức thư nào khẩn cấp không?
- Hình như có.
- Sao lại hình như. Nếu thế thì hãy cất đi, mai chúng ta xem một thể.
Trọng Khang tỏ vẻ khó chịu:
- Cô ác thế, chắc từ trước đến nay, cô chưa bao giờ hiểu được cái khắc khoải của...
- Của một người chờ tin một người thân yêu chứ gì?
- Có lẽ.
Khánh Ngọc đang tươi cười, thoáng thấy lòng se lại, nàng gượng gạo hỏi Trọng Khang:
- Ông nói cho tôi biết cái tin tức mà ông khắc khoải chờ mong ấy của ai, rồi thì tôi sẽ mở cái gói này, không tin nhất định là sáng mai.
- Của ai, bất cứ của ai, một khi đã khắc khoải chờ mong thì cái người gửi thư ấy đối với ta cũng là thân thiết rồi.
Thấy Trọng Khang nói một cách bí mật như thế, Khánh Ngọc càng khó chịu:
- Ông không nói thì nhất định... mời ông chờ đến sáng mai.
- Kìa cô, sao cô lại độc ác thế? Tôi chờ một cái tin cần lắm mà.
- Tin cần mặc?
Ông Nam Long đặt điếu xì gà:
- Ồ, trẻ con nào, mở ra, ba cũng chờ mấy cái tin cần.
- Những tin của ba toàn về công việc và tiền nong cả, chẳng có cái gì là cần.
Trọng Khang thừa một khắc Khánh Ngọc không để ý, liền giật phăng lấy gói thư. Khánh Ngọc vội vàng choài qua bàn để giật lại, trong lúc hấp tấp va phải chén cà phê, rơi xuống vỡ tan.
- Ồ, cái con bé này trẻ con quá.
- Trẻ con, ba không có việc gì cần.
Rồi nàng nắm chặt gói thư không cho Trọng Khang cởi. Trọng Khang băn khoăn:
- Tôi đã thưa với cô rằng tôi chờ một cái tin cần lắm mà.
Cái vẻ băn khoăn ấy làm dội một lo sợ không căn cớ vào lòng Khánh Ngọc, nàng buông tay. Vừa lúc ấy, Giáp cũng nắm tay nàng kéo lại:
- Thôi đừng chơi ác thế nữa?
Nàng quay lại quắc mắt nhìn Giáp:
- Việc gì đến anh đấy.
Trọng Khang mở gói thư, lục lấy ba bức, rồi đi về phía giường. Một bức của Khôi và hai bức của em gái. Bức thứ nhất, em gái chàng trách chàng gặp tai biến như thế mà giấu không cho biết. Bức này gửi trước khi nhận được thư của Trọng Khang báo tin cái bè vỡ, đã phải buộc lòng đi làm công. Bức thứ hai có năm cái măng-đa hai trăm (ở những nhà dây thép nhỏ, người ta chỉ có quyền gửi một cái măng-đa nhiều nhất là hai trăm) và cái tin Lan đã đi lấy chồng.
Trọng Khang không yêu Lan, nên sự Lan đi lấy chồng không làm cho chàng đau đớn, nhưng chàng buồn vì nhân tình thế cố. Chàng đọc bức thư mà không cầm được thở dài.
Anh cả yêu quý.
Em nhận được thư của anh ngày hôm nay nói anh phải đi làm công cho người ta, mà em ứa hai hàng nước mắt. Anh đi làm công? Cứ nghĩ anh bị người ta sai khiến mà em thấy ruột em loạn cả lên.
Anh ngỏ ý lo cho hậu vận của em. Điều đó, anh đừng nghĩ. Có lẽ chúng ta nghèo là một cái phúc. May ra em lấy được một người chồng yêu em vì em, chứ không phải yêu em vì tiền. Lúc còn thầy mẹ, em đã nhờ thầy mẹ mà được sung sướng. Thầy mẹ mất đi, em lại được nhờ anh mà không phải lo lắng một tí gì về mọi thứ cần dùng hàng ngày. Ngày nay bè vỡ, anh hết vốn. Người ta cho là một cái chẳng may, nhưng riêng em cho đó là một cái may, vì em đã có một cơ hội để tỏ cho anh biết em cũng thương yêu anh chẳng kém tấm lòng anh thương yêu em. Anh đừng có lo gì về em cả. Em có thể sống được ở Hà Nội một cách ung dung, mặc dầu anh không có tiền gửi cho em nữa. Em đã nhận một chỗ dạy học ở trường của một người bạn, tháng ba mươi lăm đồng. Nếu anh có cần, em có thể gửi cả lên cho anh, vì em ở với cô, một tháng chẳng phải tiêu đi đâu một xu. Cô được tin bè vỡ, khóc sướt mướt. Lúc ấy, em thấy yêu cô hơn trước, bởi vì em biết được rằng cô yêu anh, yêu chúng ta một cách tha thiết. Cô vội vàng đi thu nhặt tiền nong được 300 đ bảo gửi lên ngay cho anh. Em cũng nhờ cô bán đồ vàng của em, nhưng cô nhất định không bán, cô chỉ đem cầm được 700 đ. Nếu anh có cần dùng tiền nữa thì anh viết giấy về cho em. Em sẽ bán đi cũng được năm ba trăm nữa. Anh đừng nên để tâm đến chỗ em không có đồ vàng đeo. Chính ra từ ngày anh sắm cho em, em cũng để đấy chứ có đeo đến bao giờ đâu. Lòng sở nguyện của em là cầu sao cho anh được mạnh khỏe thế thôi. Em tin rằng đối với những người như anh, hoạn nạn chỉ làm cho anh to lớn và tài giỏi thêm ra. Thế cho nên dù thế nào, em cũng vẫn nhìn tương lai bằng một con mắt trong trẻo. Em chỉ xin anh đừng có áy náy gì về em bởi em biết lòng anh thương em lắm, anh chỉ áy náy về chỗ đó thôi.
- À, còn cái tin này hơi buồn, chị Lan đi lấy chồng rồi!
Thì ra chỉ khi nào hoạn nạn, người ta mới biết bụng người. Và bọn con gái trưởng giả toàn là một lúc hèn chỉ biết sống cho đồng tiền, địa vị. Họ không có đủ trác kiến để biết giá trị một con người như anh. Cái đó cũng là một cái vô phúc cho họ. Họ không bao giờ có được cái vinh dự sống với một con hổ trong loài người. Em chắc anh cũng như em, không giận, mà chỉ thấy thương hại cho họ.
Hôm em báo cái tin anh bị phá sản, em thấy mặt chị ấy tái hẳn đi. Rồi năm hôm sau, có một người bạn em nói cho em biết chị ấy đã vâng lời cha mẹ, thuận lấy một ông Tham. Rồi từ đấy, chị ấy không gặp em nữa. Thì ra anh xét người tài hơn em thật. Anh vẫn bảo với em rằng anh không tìm thấy ở chị ấy một điều gì đáng yêu cả, nhưng vì em quý mà anh bằng lòng lấy làm vợ. Em cũng nhất quyết không bao giờ lấy một người, yêu em, chỉ vì đồng tiền của em. Vì nghèo như thế này, em cho là một cái may mắn.
À, trong thư em xem đến đoạn anh nói ông Phó nhất định theo anh mà em cảm động quá. Con trai ông ấy hôm nọ cũng có ra đây, đem biếu em đôi gà sống thiến. Thì ra thầy mẹ chúng ta đã có cái đức cảm hóa được lòng người. À, kỳ giỗ hôm này, anh chắc không về được, thôi để em cúng lấy vậy.
Anh cả, anh đừng có băn khoăn gì về em nhé. Em bây giờ ngày hai buổi đi dạy học, vui vẻ lắm. Âu cũng là một cơ hội để em khỏi ăn dưng, ngồi rồi. Thôi em xin cầu chúc cho anh mạnh khỏe. Anh mà mạnh khỏe thì em tin rằng cái nguy cơ đến đâu anh cũng lại chuyển lại được như thường.
Em gái nhỏ của anh.
TUYẾT VI
T.B. - Đây theo lời yêu cầu của anh, em gửi cho anh cái ảnh mới chụp, để anh treo ở đầu giường. Đấy anh trông, em có buồn một tí nào đâu.
Chiếc đồng hồ báo thức đánh tám tiếng, Trọng Khang cất bức thư xuống dưới gối, rồi đứng dậy sang buồng bên, cắt gác cho mọi người. Chàng cầm chiếc đèn bấm ra soi chung quanh nhà, tàu ngựa, chỗ lính đóng.
Lòng nặng trĩu những cảm giác, đi qua chiếc ghế dài kê ở mé trước sân, dưới một gốc cây, chàng ngồi xuống. Ông Phó rón rén lại gần:
- Cậu nhận được thư của cô. Cô có nói gì không?
- Nó gửi cho tôi một nghìn bạc. Và bảo tôi đừng nghĩ ngợi gì. Bây giờ, nó đã đi dạy học. À, anh chưởng bạ gần đến ngày giỗ, có đem ra biếu đôi gà sống thiến.
- Thưa cậu, thế hôm nay giỗ ở đây, con cũng định làm cỗ xôi gà, cậu nghĩ thế nào?
- Tôi cũng định bảo ông thế.
Ông Phó đứng im một lúc lâu, rồi vùng hỏi:
- Thưa cậu, con không hiểu tại sao ông Giáp ông ấy ghét gì con và ông ấy hay hạch con quá.
- Thôi, mọi việc nhẫn nại đi, chỉ dăm bảy tháng nữa là công việc xong.
- Không, con có nói gì đâu. Con thấy hình như ông ấy có... điều gì bất bình với cậu. Những hôm cậu đi vắng, con thường nghe ông ấy nói xấu cậu với cụ chủ. Cậu cũng nên để tâm về chỗ ấy.
- Thế cô Khánh Ngọc có đấy không?
- Không. Bởi vì lần nào có cô Khánh Ngọc đấy, cô ấy cũng bênh cậu. Sáng hôm qua, hai người cãi nhau vì cậu, nhưng rồi sau họ nói tiếng Tây, con chẳng hiểu gì. Khánh Ngọc đối với con cũng tốt lắm.
- Thế là đủ rồi. Từ giờ, ông cứ giả câm giả điếc đi là êm hết mọi chuyện. Vào lấy cái "píp" ra đây cho tôi. Rồi xem trong ấy có sai gì không. Ông nên nhớ bây giờ ông ở với người ta, chứ không phải ở với tôi.
Trọng Khang đánh diêm hút được mấy hơi thì bỗng có cái cảm giác như có ai ở đằng sau nhìn mình. Rồi chàng nghe có tiếng chân người lại, chàng cũng cứ ngồi lặng im.
Một bàn tay đặt lên vai, Trọng Khang quay lại. Khánh Ngọc ngập ngừng, rồi nói thẳng một hơi:
- Tôi xin lỗi ông vì lúc nãy tôi đã làm cho ông phải đợi một cái tin.
Trọng Khang mời Khánh Ngọc ngồi:
- Gớm, cô hay vẽ chuyện lắm.
Khánh Ngọc ngồi xuống ghế, trỏ tay ra khoảng không đen mù mù:
- Gớm, trông âm thầm quá nhỉ?
- Ghê rợn là khác nữa. Biết đâu bây giờ ở những đầu núi mà ta không nhìn rõ kia, chẳng có những bọn giặc cỏ đang bàn tính với nhau để sang cướp nhà chúng ta?
- Tiền để cả ở Mai-lin Phố thì còn gì mà cướp?
- Họ cướp được cô, được cụ, được ông Giáp thì là được tiền chứ còn gì.
- Thế còn ông?
- Tôi thì họ cướp để làm gì? Họ bắt cóc tôi để nuôi ăn không à?
- Ông tưởng thế chứ.
Rồi nàng vùng hỏi:
- Ông hình như được tin buồn ở nhà?
- Không?
- Ông giấu tôi. Tôi rất khó chịu một điều là... chúng tôi thì chẳng có cái gì giấu ông mà ông... thì bí mật với chúng tôi quá.
- Thế nghĩa là tôi cũng chẳng có cái gì để giấu cả. Kìa tiếng ai như tiếng ông Giáp gọi cô.
- Gọi gì tôi?
Trọng Khang cảm thấy Khánh Ngọc sắp nói với mình những câu mà mình không muốn nghe, bởi vì nếu nghe thì sẽ phải có những câu từ chối tàn nhẫn nó làm vẩn đục cái giao tình của đôi bên, đôi bên, chàng liền gắm mồm Khánh Ngọc bằng một câu hỏi:
- À thế nào, sau khi xong công việc này về đến Hà Nội, chắc cô cùng ông Giáp làm lễ cưới. Cô nên tin thế nào cũng sẽ có mặt tôi ở đấy để uống rượu mừng cô.
Khánh Ngọc vụt có cái cảm giác như ai dí lửa vào da mình. Nàng nghẹn thở, không nói được, Trọng Khang biết thế, nhưng vẫn cứ cười:
- Thật tôi chưa thấy một đôi vợ chồng nào được nhiều cái may mắn như thế. Đem nhau đi thiên sơn vạn thủy, cùng chịu nguy hiểm gian lao với nhau. Đến khi cưới nhau thật là đầy đủ hạnh phúc.
Khánh Ngọc đứng phắt dậy.
Nàng toan quay vào thì vừa lúc ấy, Giáp cũng đi ra:
- Marie còn làm gì đấy, chưa đi ngủ cơ à?
- Chưa. Tôi còn ngồi nói chuyện với ông Trọng Khang. François ra đây.
Giọng nói có vẻ bực tức. Cái bực tức ấy duy có Trọng Khang biết.
François có biết tôi với ông Trọng Khang nói chuyện gì với nhau không?
François nói bằng giọng mát mẻ:
- Ai nghe trộm mà biết được.
- Ông ấy bảo chúng mình một khi đã đưa nhau đi thiên sơn vạn thủy, cùng chịu gian lao, cùng chịu nguy hiểm thì lúc lấy nhau hẳn là hoàn toàn hạnh phúc. Tôi cũng nghĩ thế...
Giáp ngơ ngác không hiểu.
- Ông ấy lại bảo thế nào đến khi chúng mình cưới nhau ông ấy cũng đến uống rượu mừng.
Giáp nói với Trọng Khang bằng một giọng mỉa mai:
- Xong công việc này, thì ông với chúng tôi đã gần thành người nhà rồi. Thế nào lúc ấy tôi cũng mời ông. Ông sẽ được uống rượu cả hai nhà.
- Tôi cũng chỉ mong có thế thôi.
Khánh Ngọc cười khanh khách:
- Thế thì ông là người tham uống quá nhỉ.
Nàng nói xong, khoác tay Giáp đi vào trong nhà.
Tiếng cười của Khánh Ngọc làm cho Trọng Khang thương hại: "Cô ả bực lắm, nhưng biết làm thế nào". Rồi vùng nghĩ đến Lan "những cô con gái nhà giàu đều có thứ tình cảm nông nổi như thế cả. Họ chỉ biết chạy theo cái thích một lúc. Chứ trong lòng họ, còn có cái gì là sâu và bền. Thế cũng xong, khỏi lôi thôi. Từ nay, mình cũng đỡ bị họ quấy rầy".
Chàng đứng dậy, vào nhà. Ở bàn chỉ có ông Nam Long và Giáp đang ngồi xem nhật trình mới ở Pakha đưa lại, Khánh Ngọc thì đã vào giường. Không hiểu sao, chàng thấy cần phải hỏi:
- Cô Khánh Ngọc đi ngủ sớm thế cơ à?
Một câu trả lời buông sõng ở trong màn đưa ra:
- Chẳng đi ngủ thì còn thức để làm gì?
Trường Đời Trường Đời - Lê Văn Trương Trường Đời