Trư Cuồng epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
P2 - C -
inh nói chuyện với tôi bằng một giọng còn bốc lửa hơn xưa, còn thâm trầm hơn xưa:
-Tôi nghĩ ra rồi anh ạ. Cuộc cách mạng của chúng ta mới chỉ làm được công việc phá vỡ xong cái vỏ. Thoái khỏi ách đế quốc mới chỉ là thoát cái vỏ nô lệ. Còn cái cốt lõi của sự nô lệ, nó nằm trong tâm hồn ta, trong suy nghĩ và việc làm của ta, trong nếp sống hàng ngày, trong không khí ta thở, trong miếng cơm ta ăn... Đập tan sự nô lệ bên trong ta mới là công việc cực kỳ khó khăn và hệ trọng và quá trình rối loạn, tan rã trong xã hội hiện nay chính là quá trình đập vỡ sự nô lệ bên trong ta, để cho những mầm mới nảy sinh.
Tôi buồn rầu:
-Anh nghĩ đến những điều đó làm gì nhỉ? Có lẽ ta nghỉ chút ít về thân ta. Ta cũng nên thương cái "bản thân ta" một chút chứ.
-Chẳng hạn, tôi nên nghĩ về cái gì?
-Ví dụ, về cháu Phượng. Hôm nọ, tôi vừa gặp cháu.
-Nó sống ra sao?
-Tôi gặp nó ngoài phố; cháu mời tôi về nhà chơi. Vợ chồng nó ở ngõ chợ Khâm Thiên. Sống cũng tàm tạm. Cháu hỏi nhiều về anh. Nó khóc anh Vinh ạ. Nó bảo: Chú xin với bố cháu cho cháu được trở về, đi lại thăm non.
-Tôi không cần sự thăm nom của nó. Tôi không thể cho phép nó bước chân vào túp lều của tôi, bởi vì đó là nguyên tắc. Xóa bỏ nguyên tắc tức là tôi tự xóa bỏ tất cả đời tôi, tự xóa bỏ những suy nghĩ và niềm tin của tôi. Tôi tin ở sự tinh khiết, sự trong sáng. Tôi vẫn tin nó là viên ngọc của đời tôi; tôi vẫn hy vọng nó là niềm an ủi của đời tôi. Bây giờ những điều đó đã tan biến đi. Thì cứ để cho nó tan biến. Níu lại làm gì? Vá víu làm gì? Tôi không biết nhân nhượng, thỏa hiệp. Tôi chỉ có thể tha thứ cho nó khi nào nó biến đổi. Ừ, nó có thể phục sinh được lắm chứ.
Xúc động quá, đầu Vinh lắc lư và anh lại ho. Dạo này Vinh ho nhiều. Tôi lo lắng nghe tiếng ho khan xé phổi, tôi lẩm bẩm:
-Có lẽ nào...
Túp lều của Vinh ít lâu nay lại lóe lên một niềm hy vọng mới. Sau ngày giải phóng miền Nam vài năm, Vinh bỗng nhận được lá thư của người chị gái đã thất lạc mấy chục năm.
Dạo này, Vinh ốm nặng. Trong những bãi đờm đã có những vệt máu hồng. Lồng ngực anh lúc nào cũng đau âm ỉ. Anh lại gầy thêm đi. Vinh không đi khám bệnh, anh không tin ở thuốc nữa. Anh cho rằng nếu đủ tiền ăn uống, bệnh anh sẽ khỏi. Khi nhận được thư, Vinh vui vẻ hẳn lên. Anh nói với tôi:
-Bây giờ mình lại ham sống rồi. Bà chị mình khá giả. Chắc chắn là sẽ gửi cho mình chút quà. Nghe tin mình ốm, có thể bà còn gửi thuốc. Mình cần phải lấy lại sức khỏe. Có thể mình sẽ vô Saigon, cái xứ đầy nắng... và người dân thì cởi mở...
Vinh viết một lá thư thắm thiết gửi cho chị gái. Rồi sau đó anh lại chờ đợi. Chiếc cửa sổ của Phượng bị đóng kín từ mấy năm, nay lại được mở toan để đón nắng và chờ tin vui. Phải nói rằng tình cảnh của Vinh rất bi đát. Ba chục bạc trợ cấp hàng tháng làm sao nuôi nổi một bệnh nhân phổi. Anh bán dần mọi thứ đi để sống. Gia tài của anh cuối cùng chỉ còn lại mấy chiếc nồi nhôm bẹp, hai bộ quần áo vá, một cái giường mọt và chồng sách nát. Con người ọp ẹp ấy hàng ngày vẫn nằm dài đọc sách, thỉnh thoảng lại ngó nhìn cửa sổ để chờ một tin vui từ cái xứ Sài Gòn đầy nắng tới.
Cuối cùng tin vui đến thật.
Người phát thư, một hôm, dắt xe đạp vào nhà. Anh ta hô to:
-Ông Nguyễn Văn Vinh. Ra nhận giấy báo có quà từ miền Nam.
Giấy báo Nguyễn Văn Vinh có một bưu kiện do bà Nguyễn Thị Ninh gửi từ Saigon. Một tờ giấy rất nhỏ đã mang lại niềm vui và sự sống. Cả đêm hôm đó, Vinh toàn nghĩ đến sự vui. Đêm đó, anh hết ho và không chợp mắt nổi, tuy nhiên sáng hôm sau anh vẫn tươi tỉnh.
Sáng sớm, anh đến trạm bưu điện phải chờ mãi mới đến giờ làm việc. Dĩ nhiên, anh là người nhận bưu kiện đầu tiên. Anh run run cầm trong tay một gói nhỏ dẹp đựng trong bìa cứng. Hình dáng gói như một quyển sách. Vinh không mở gói hàng tại chỗ, anh mang về nhà. Anh muốn tận hưởng cảm giác vui sướng mà từ lâu anh đã mất thói quen. Đi đường anh thầm đoán:
-Có thể đây là gói thuốc quý. Chị Ninh khi nghe tin ta mắc bệnh nên vội vàng gửi thuốc cho ta. Xem thư, chắc chị hiểu là ta bị bệnh trầm trọng. Xưa kia, hồi bé, hai chị em hay cãi nhau. Ta vẫn nghĩ rằng chị Ninh không yêu ta. Thật oan. Bây giờ mới hiểu tấm lòng của chị.
Về đến nhà, Vinh đóng chặt hết các cửa lại, đặt chiếc hộp lên giường và bắt đầu mở. Gói quà buộc rất kỹ. Ngoài là giấy xi măng, rồi đến lớp giấy báo, tiếp đó là túi ni lông, cuối cùng là một hộp các tông.
Vinh run run, từ từ mở nắp hộp... Bỗng nhiên lòng anh nặng trĩu. Thì ra đây không phải là gói quà. Đó là một sưu tập những ảnh cỡ lớn. Đủ các kiểu ản về gia đình bà Ninh. Toàn ảnh mầu đẹp. Đây là ảnh vợ chồng bà Ninh đứng bên ô tô riêng; đây là ảnh cậu con trai lớn chụp tại một trường đại học bên Mỹ; đây là ảnh cô cháu gái đeo kính mầu tay ôm con chó Nhật nhỏ xíu, đây là ảnh toàn thể gia đình chụp trên bãi biển Nha Trang...
Vinh toát mồ hôi. Anh vừa được xem một cuốn phim về một gia đình giàu có. Người đó chắc vô tình nhưng muốn khoe một cuộc sống tươi đẹp phồn vinh với anh. Đột nhiên, Vinh thấy tủi hổ. Trong lá thư gửi cho bà Ninh, anh không trực tiếp xin xỏ gì; nhưng anh đã nói đến bệnh tình và cuộc sống đạm bạc của mình. Nói cho cùng, hàm nghĩa của việc mô tả ấy là sự xin xỏ, xin mà không dám nói ra. Người được xin cũng không trả lời trực tiếp, nhưng lại bày biện sự giàu sang của mình ra trước mặt kẻ ăn mày.
"Trời ơi! Ta có cái tâm thể của một kẻ ăn mày. Vinh ơi! Mày ti tiện đến thế sao? Mày đã tự hạ trước sự giàu sang. Mày đã ngẩng đầu từ bao lâu nay, để rồi đến cuối cuộc đời lại đi đến còng lưng vô sỉ. Có thực tâm mày trong sáng không? Có thực mày đang đợi chờ một cái gì đẹp đẽ không? Hay chỉ là sự đợi chờ một bát cơm, một manh áo, một của bố thí.
Vinh đờ người chết lặng. Anh cảm thấy quá ư xấu hổ và tự sỉ vả mình như vậy. Anh ngồi như thế đến hàng tiếng đồng hồ, cho đến lúc cơn sốt ùa đến rừng rực. Lúc đó anh mới nằm lăn ra giường, vớ chiếc khăn trùm kín người.
Anh sốt nằm đấy hai hôm liền, không ngụm cháo, không thuốc thang.
Sáng hôm ấy, tôi đến chơi, thấy anh mê man bất tỉnh.
Tôi vội vã đi gọi cháu Phượng về. Hai ngày đêm liền, cô con gái luôn túc trực bên giường bệnh. Cô bé không khóc, mà cũng chẳng nói. Những lúc có tôi thay thế, Phượng lại lẳng lặng ra ngồi bên cạnh chiếc cửa sổ khi xưa.
Khi Vinh tỉnh lại, tôi lo lắng muốn ra hiệu cho cháu Phượng lánh đi nơi khác. Tôi sợ Vinh lại nổi cơn giận dữ rất nguy hại cho sức khỏe. Nhưng không kịp nữa, vì Vinh đã nhìn ra phía cửa sổ. Tôi ngạc nhiên thấy Vinh rất bình tĩnh. Anh hất hàm, hỏi tôi:
-Nó đã về?
-Nghe tin anh mệt, nó về ngay.
Phượng tiến lại gần bố, đầu cúi xuống. Anh ra hiệu cho con đến gần hơn. Hình như anh đã linh cảm thấy một điều gì đó trên gương mặt con gái. Anh thều thào:
-Con sống ra sao?
Cô gái trả lời bằng một câu khác:
- Anh ấy... đi tù rồi.
Tôi giật mình, nhưng Vinh lặng lẽ, hình như anh chẳng chút ngạc nhiên. Cứ như thể điều đó anh đã biết từ lâu. Vinh cầm tay con gái:
-Thôi, cũng được. Con đau khổ... Con tôi còn nhỏ bé quá. Hãy cố mà chịu đựng... Đau khổ... tức là con có thể phục sinh. Cha tha thứ cho con.
Khuôn mặt của anh ta bỗng trở nên hiền hậu, trong trẻo hơn bao giờ hết. Đôi con mắt đã hết ước vọng; và cũng hết cả sự đanh thép, những thù hận. Đôi con mắt hiền hậu ấy đang nhìn vào một cõi miền sâu thẳm và xa vời. Anh lẩm bẩm:
-Con trong trẻo của ta. Con cứ ngồi bên chiếc cửa sổ ấy là rất phải. Cứ đợi chờ con ạ. Cái gì rất đẹp ấy... rồi nó sẽ đến.
Nói xong, Vinh nhắm mắt. Khuôn mặt đợi chờ của cả một đời người vẫn còn đọng lại những nét mệt mỏi.
Xót thương, kính phục, giận dữ... đó la những tình cảm cùng nhen lên trong tôi một lúc. Chờ đợi vài giây, vài phút, vài giờ đối với trái tim con người đã là căng thẳng. Đằng này, anh đã chờ đợi cả một kiếp sống; anh đã trải hàng muôn triệu những phút căng thẳng của đời người.
Thôi! Xin vĩnh biệt con người thần thánh đã chết vì sự trong trắng. Anh đã khuân trên vai cả một hành lý khổng lồ của nhân loại. Cái hành lý trong trắng ấy là câu hỏi mà con người đã biết bao lần băn khoăn.
Đám ma của con người khổng lồ vác nặng ấy chỉ có hai người đi đưa: Tôi và cháu Phượng. Hành lý của anh nặng nề thế mà túi anh chẳng có một xu nhỏ.
Đám ma nghèo, không kèn, không trống, không hoa, không tiếng khóc, không điếu tang, không cúng vái... không tất cả. Nhưng không khí đám tang sầu nặng vô cùng.
Mưa. Mưa rơi ào ào. Cả vũ trụ đi đưa anh.
Người lái xe, một con người hàng ngày vẫn nhận được đút lót của những chủ tang, hôm nay chẳng nhận được chút gì. Nhưng anh ta chẳng phàn nàn một câu. Khuôn mặt anh ta cũng chẳng hề cáu kỉnh. Thậm chí anh còn lái xe rất khéo, rất nhẹ nhàng. Anh nói:
"Để cho vong linh ông ấy được yên ả lúc chết."
Anh lái xe thì thầm với tôi lúc hạ huyệt:
-Tôi chưa thấy đám ma nào buồn như đám ma này. Thưa ông, đây mới thật là đám ma.
Tôi đứng trước mộ Vinh chào anh lần cuối. Tôi nói:
-Thôi! Vĩnh biệt con người chờ đợi.
Trư Cuồng Trư Cuồng - Nguyễn Xuân Khánh Trư Cuồng