Phần V - Chương 1: Người Con Gái Ra Tỉnh Bắc
ũ đến trọ học ở hàng cơm bà cụ Đỗ đã ba tháng rồi. Nhà chật chội, mái lợp tôn nên mùa hè rất nóng nực. Nhưng Vũ không muốn tìm chỗ trọ khác, bởi bà cụ Đỗ tính giá rẻ, phần vì mọi việc trong nhà cụ làm lấy, ít phải thuê mượn, phần vì chính gian nhà ấy, cụ cũng không phải mất tiền thuê.
Bà cụ Đỗ hồi cư rất sớm, thấy gian nhà bị chiến tranh tàn phá, chỉ còn trơ lại hai bức tường và một gian gác xép đằng sau, nên dựng mái tạm trú. Mãi, chủ nhà chưa thấy về nên cụ yên chí ở, tưởng chừng như đất của mình.
Gian gác xép ấy bỏ không. Có lẽ vì thấy có nhiều chiếc rầm gỗ bị cháy xém, sắp rơi, trần lại nhiều chỗ nứt lở nên chẳng ai dại gì hứng lấy tai nạn. Mùa hè đến, cùng với những kỳ thi Vũ cần phải học nhiều lắm, nhưng không được như ý. Nhà chật chội quá. Khách ăn hàng lại thường đông, ăn uống bi bô rầm rĩ.
Hơn nữa, mái tôn càng làm nắng hè gay gắt. Bởi vậy. Vũ đã nghĩ nhiều đến gian gác xép bỏ hoang ấy. Một chiều chủ nhật. Vũ mượn được thang dựng trèo lên xem. Gác tuy bỏ hoang nhưng không đến nỗi bẩn quá. Sàn vẫn còn nguyên vẹn chỉ có nhiều bụi cát cùng một ít vôi vữa long trên trần xuống.
Tưởng cũng còn khá sạch. Riêng các cánh cửa đều đã mất hết. Gió bên ngoài lùa vào mát rượi. Vũ suy tính nếu mình quét dọn qua loa, mỗi buổi tối trèo lên gác xép này, thắp nến mà học rồi giải (trải) chiếu ngủ thì tốt quá. Vừa yên tĩnh, vừa mát mẻ.
Cẩn thận Vũ hỏi qua bà cụ thì được ưng thuận ngay, bà chỉ dặn thêm rằng:
- Nhưng cậu phải coi chừng, nhà cửa ọp ẹp lắm, khéo mà oan giả.
Ngay buổi chiều. Vũ hì hục quét dọn. Gió lùa vào mát rượi. Gian gác bỏ hoang đã được Vũ đặt cho cái tên văn vẻ: Nghênh Phong Các. Mấy chồng sách, vừa để học, vừa để gối đầu, một ngọn nến, một manh chiếu đó là tất cả đồ đạc cần thiết trong căn gác đón gió này.
Tối đến. Vũ sung sướng trèo lên gác của mình. Lại rút luôn thang lên theo, vì e ngại mấy ông Tổng xã rượu say rồi lén phá quấy.
Thật là tĩnh mịch. Tiếng huyên náo trong hàng cơm vẳng xa hẳn, bên ngọn lửa nến lập lòe Vũ yên chí học.
Nhưng chưa ôn bài được mấy lần. Vũ đã thiu thiu ngủ gục. Cho đến lúc tiếng chuông đồng hồ nhà thờ dóng dả. Vũ mới choàng mở mắt. Trời bạch nhật, có lẽ đã sáu giờ sáng. Cây nến cháy đến gốc còn lưu lại vũng nến đọng. Cuốn sách đêm trước vẫn còn mở ở trang học dở.
Vũ bực mình quá vì thường rất tỉnh táo, có khuya, mệt thì đi ngủ, chứ không bao giờ ngủ gục như vậy.
Vũ cho đó là vì gác mát mẻ quá lại yên tĩnh nên dễ làm cho người ta chợp mắt.
Đêm hôm sau. Vũ đề phòng cẩn thận. Ăn cơm xong. Vũ uống một cốc cà phê thật đặc. Lại mang lên theo một bao thuốc lá nữa. Gió lùa mát rợi. Tiếng cười nói vang vang xa...
Dưới ánh nến, chập chờn theo gìó. Vũ ngồi chăm chú học, nhưng không hơn gì đêm trước chốc lát đã thiu thiu buồn ngủ. Sực nhớ. Vũ với tay cầm lấy bao thuốc lá. Nhưng lại nghĩ: Hãy cố dùng nghị lực chống chọi đã, cùng lắm hãy nhờ đến thuốc lá, dùng ngay e sẽ thành thói quen. Và Vũ không bóc bao thuốc vội để bao lên chồng sách.
Nhưng chỉ một lát sau. Vũ đã ngủ gục cho tới khi tỉnh dậy thì đã thấy cây nến hao quá nửa. Vũ giận mình vô cùng.
Vũ nhất định lấy thuốc lá để chống lại cơn buồn ngủ lạ lùng. Nhưng bao thuốc lúc nãy để trên chồng sách đã không thấy nữa. Có lẽ khi ngả lưng xuống, tôi đã quơ tay làm rơi bao thuốc chăng. Vũ bèn nhìn quanh và quả nhiên thấy bao thuốc lá ở ngay sau lưng mình. Nhưng lạ thay bao thuốc lá đã bị bốc ra tự bao giờ. Một điếu thuốc lại kéo lui ra khỏi bao chút ít như sẵn sàng mời Vũ hút.
Vũ dụi con mắt kinh ngạc! Chàng cố nhớ lại và đinh ninh quả quyết lúc trước chàng chưa hề bóc bao thuốc mà chỉ để bao nguyên lên trên chồng sách. Vừa suy nghĩ Vũ vừa rút điếu thuốc ra ngậm lên môi. Ngay phía sau Vũ, bỗng một que diêm xòe lên. Một bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại đưa que lửa mời Vũ châm thuốc.
Vũ hoảng hốt nhìn lại. Và thấy đó là một nữ lang rất đẹp, tuổi khoảng 16, 17. Có vẻ như một nữ học sinh.
Vũ liếc mắt nhìn cái thang tre, thấy vẫn còn để nằm yên chỗ chân tường. Nữ lang mỉm cười và nhắc:
- Anh châm thuốc.
Tiếng nói nhẹ nhàng như gió thu Vũ ngập ngừng mãi mới thốt ra lời:
- Cô cô đến đây? Đêm khuya...
Nữ lang ngắt lời:
- Nhà em ở gần đây. Nhân nhìn qua cửa sổ, thấy cây nến bị anh quờ tay đổ nghiêng nên vào dựng lại. Vừa toan quay về thì anh chợt tỉnh...
Vũ nhìn lại quả nhiên thấy trên mặt chiếu có vết sáp nến loang. Nếu vậy. Không có nữ lang, lửa nến có thể bén dần qua chồng sách. Nhưng Vũ vẫn tò mò muốn biết:
- Xin cảm ơn cô. Nhưng cô là...
Nữ lang mỉm cười:
- Em tên là Ngọc Bách, nhà ở cạnh đây... Nhân đêm khuya trằn trọc không ngủ được thấy gian gác này trước bỏ không nay có ánh lửa và bóng người nên tò mò nhìn vào... anh tha lỗi cho em nhé!
Vũ hỏi tiếp:
- Nhưng cô làm cách nào mà vào đây được?
Nàng mỉm cười:
- Anh không nên hỏi nhiều. Em là phận gái, lại chưa hề quen anh bao giờ nên đột ngột đến đây thực quá ư trơ trẽn... Chính vì vậy mà em không muốn nói rõ, anh biết nhiều để làm chi.
Ngừng một lát, nàng lại tiếp:
- Chúng ta quả là tình cờ gặp gỡ, thời gian họp mặt chưa thể biết dài ngắn ra sao. Vậy tốt hơn hết là chúng ta cứ vui khi cùng nhau gần gũi.
Vừa nói xong, nàng đến ngồi xuống chiếu sát bên cạnh Vũ. Vốn tính người đứng đắn Vũ nghiêm sắc mặt nói:
- Trai gái gặp gỡ đêm khuya là một sự chẳng hay. Hơn nữa, cô và tôi lại chưa hề quen biết bao giờ. Vả lại tôi đang cần yên tĩnh để học vì kỳ thi đã tới nơi... Nếu cô có lòng mến, xin để trưa mai tôi có thì giờ rỗi rãi tôi sẽ tiếp chuyện với cô.
Nữ lang làm ra bộ hờn dỗi. Nàng đứng dậy, liếc nhìn chồng sách trên chiếu cười nhạt:
- Có lẽ anh tưởng chỉ có anh là học thôi ư? Và anh tưởng những môn hình học không gian. Phân tích hóa học kia của anh là ghê gớm lắm rồi sao? Có lẽ vì thế nên anh mới dám đem so sánh giữa Học với Tình!
Vũ sốt ruột:
- Cô muốn tranh luận gì xin cũng hãy để đến trưa mai.
Nữ lang không nói gì hơn nữa quay ngoắt đi. Vũ xiết nỗi ngạc nhiên khi thấy nàng không xuống lối cầu thang mà lại vượt qua cửa sổ.
Gió đêm khuya càng thêm lạnh lẽo. Vũ bất chợt thấy rùng mình nhưng được cái không buồn ngủ nữa. Đêm ấy chàng học được kỹ càng cho đến ba giờ sáng mới dọn dẹp đi ngủ.
Hôm sau, lúc đi học về, ngồi ăn cơm. Vũ lại lựa lời hỏi bà cụ Đỗ. Nhưng bà cụ cho biết hai bên hàng xóm không hề có một thiếu nữ nào. Và cả quanh đây không có cô con gái nào tên là Ngọc Bách giống như hình dáng của lời Vũ tả. Vũ ngạc nhiên nhưng chưa nói rõ sự thực ý muốn đợi xem trưa nay, người con gái kỳ dị ấy có đến gặp mình như lời đã yêu cầu không. Nhưng không thấy đến.
Buổi tối hôm ấy. Vũ lại lên căn gác của mình ngồi học. Chàng lại thấy thiu thiu buồn ngủ khi gió mát lùa vào. Tuy vậy, chàng đã biết trước việc xảy ra nên ung dung lấy thuốc lá châm hút. Rồi ngồi đợi.
Quả nhiên, chốc lát thấy Ngọc Bách đến. Lần này, Vũ thấy rõ ràng nàng do lối cửa sổ mà bước vào nhẹ nhàng như một cái bóng.
Ra chiều thân mật. Ngọc Bách ngồi ngay xuống cạnh Vũ, rồi lả lơi trách:
- Em hôm nay lại hơi muộn, anh có giận không?
Vũ lặng thinh không nói, chỉ lấy sách vở ra học. Nàng lại nhìn chăm chăm vào mặt Vũ rồi tiếp:
- Có lẽ không giận nhưng ý chừng cũng mong đợi lắm thì phải?
Vũ thẳng lời cự:
- Hôm qua tôi đã nói với cô rằng tôi bận học thi không tiện tiếp chuyện. Tôi đã hẹn buổi trưa muốn nói năng gì sao cô không lại?
Ngọc Bách ra vẻ phụng phịu:
- Anh tưởng con gái muốn gặp đàn ông một cách tự nhiên lúc nào cũng được hay sao? Anh không sợ người ta trông thấy dị nghị ư? Về phần em thì không ngại nhưng lo cho anh bị người chế diễu.
Vũ lắc đầu:
- Tôi không sợ. Việc làm đàng hoàng chẳng sợ ai cười hết, mặc cho có người ngờ vực nhưng lòng mình thẳng thắn thì dư luận sai lạc ấy tôi cũng chẳng quan tâm. Tôi ngại là ngại sự đêm hôm khuya khoắt cô lại đây, nguyên một sự gặp gỡ ấy cũng đã là bất chính rồi. Vậy mong từ sau, cô đừng đến đây nữa, muốn hỏi gì xin đợi ban ngày.
Ngọc Bách rưng rưng ngồi khóc. Một lát sau mới nói:
- Em biết khi người con gái tự tìm đến gặp người con trai, bao giờ cũng bị khinh rẻ. Nhưng em dám đường đột chẳng qua là tưởng anh khoáng đạt, không chấp nê những nhỏ nhặt thường tình. Không ngờ anh cũng chẳng hơn gì người khác...
Vừa nói nàng vừa gục xuống gối Vũ mà khóc nức nở. Nhưng Vũ gạt ra, nghiêm giọng bảo:
- Những lời tôi nói đã đầy đủ. Cô nên hiểu biết và đừng quấy rầy thêm nữa!
Rồi quay sang phía khác mà ngồi học lớn tiếng làm như không có ai ở cạnh mình. Ngọc Bích vùng đứng dậy. Nàng biến sắc nói:
- Số anh sắp chết đến nơi, ta thương tình đến cứu lại không biết thân, còn làm ra bộ kiêu kỳ, vậy hãy coi chừng.
Nói rồi bước ra cửa sổ biến mất.
Vũ vừa ngạc nhiên vừa bâng khuâng. Chàng không hiểu người con gái ấy là ai, ma quỷ chăng, người thực chăng? Trước lời dọa nạt kia chàng không sợ. Những cảnh chinh chiến đã làm cho Vũ tin tưởng ở số mệnh. Sống, chết chẳng phải là những thứ có thể tìm hoặc tránh được dễ dàng...
Vũ vừa toan gác bỏ những ý nghĩ vẩn vơ ấy để chuyên tâm ngồi học thì chợt cơn gió mạnh từ đâu ào ào tới làm cho ngọn nến tắt phụt. Vũ định sờ lấy bao diêm châm nhưng không thấy. Gió như lạnh hơn lúc trước làm cho Vũ chợt rùng mình. Ngoài trời không đến nỗi tối lắm. Những lùm cây rung động như những bóng đen hình dáng to lớn lạ kỳ...
Giữa khung cửa sổ. Vũ bỗng thấy hiện ra một bộ xương người trắng xóa dập dờn đi lại.
Vũ biết lời dọa nạt của người con gái kỳ dị đã thực hiện. Đã suy nghĩ từ trước nên Vũ không lấy làm kinh hoảng. Bộ xương ấy bước vào. Tiến đến trước mặt Vũ. Cái đầu nhe bộ răng trắng nhởn nhơ cười một cách rùng rợn.
Vũ ráng bình tĩnh, vẫn cứ ngồi yên giả bộ học.
Thoáng cái bộ xương đã biến đâu mất. Vũ cười thầm:
- Mi dọa ai thì được, chớ dọa ta sao nổi?
Chưa dứt lời một thanh xương tay bỗng từ trên trần nhà rơi xuống ngay trước mặt Vũ. Tiếp đó là thanh xương mỗi chốc thêm nhiều, đến mấy chiếc xương sườn... Thấy đống xương mỗi chốc thêm nhiều lù lù trước mặt... sẵn lọ mực trên bàn Vũ cầm ném luôn vào bộ xương. Mực đổ tung tóe, bộ xương vụt biến mất.
Vũ tưởng vậy là yên. Không ngờ Ngọc Bách lại hiện ra đứng cạnh chàng. Nghiêm giọng trách:
- Anh thực là tệ! Lại là người đã hấp thụ văn minh Tây Âu sao không biết quý người phái yếu?
Vũ thẳng lời cự lại:
- Người ta chỉ có thể lịch sự đối với người lịch sự. Quấy rầy làm mất tự do của kẻ khác, đó có phải là cách cư xử của hạng người có giáo dục hay không?
Nữ lang không nói lại được, tần ngần đứng lặng người, chốc lát mới thở dài. Vũ thấy sắc mặt nàng vô cùng buồn thảm cũng động lòng, hỏi:
- Cô là ai, xin nói thật. Nếu còn giấu diếm ta không bao giờ muốn nói chuyện.
Ngọc Bách hỏi lại:
- Nói thiệt liệu anh có khỏi sợ hay không?
Vũ cười:
- Hỏi thế là thừa, nếu là kẻ nhút nhát thì ngay từ đêm trước tôi đã không dám lên căn gác này ngồi mà học nữa.
Nữ lang gật đầu:
- Chính đó là một điều mà em lấy làm kính phục. Em không phải là người. Chính là ma.
Vũ thản nhiên:
- Tôi cũng đã đoán biết ngay.
Rồi Vũ lại nói:
- Thường thường tôi nghe thấy nói đến oan hồn song chưa tin là thực: hồn ma còn ẩn hiện lẩn quất nơi đây, ý hẳn cũng có điều oan khuất chứ chẳng không?
Ngọc Bách rơm rớm nước mắt thưa:
- Sự đời man mác nhưng nỗi oan khiên nhiều không kể xiết, nhất là trong thời chiến tranh ly loạn này, chẳng phải là trường hợp riêng em. Có điều kẻ chết đi dù sao cũng mong nắm xương tàn được vùi sâu chôn chặt, thế mà em thì bộc lộ gián nhấm, chuột gặm, thê thảm vô cùng...
Vũ thấy nàng từ nãy giờ vẫn đứng trước mặt mình chứ không dám suồng sã như trước, nên dịu dàng bảo:
- Dù sao nữa cũng xin mời cô ngồi xuống đây. Theo luân lý Khổng Mạnh, trai gái bất tương thân nhưng trộm nghĩ: đã là âm dương cách biệt, thì hai thế giới khác nhau chúng ta là ngay thẳng nói chuyện, tất cũng không ai chê trách vào đâu được!
Nữ lang bùi ngùi nói:
- Nghe lời anh, em chợt nhớ đến ba em ngày xưa. Tuy là người Tây học mà vẫn giữ được nề nếp Đông Phương, quả thực cũng là hiếm có vậy. Càng nhớ lại trong mấy hôm nay có biết bao nhiêu cử chỉ hành động suồng sã, thẹn chết đi một lần nữa được.
Vũ gật gù tán thưởng:
- Nghe lời, thấy rõ ràng là người có học thức. Mong rằng đừng giấu diếm. Xin cô kể rành mạch câu chuyện từ đầu.
Ngọc Bách lau nước mắt thưa:
- Nguyên những lời vàng ngọc ấy cũng đủ an ủi em được ngàn phần. Em tên thật là Ngọc Bách, họ Nguyễn vốn quê ở tỉnh Bắc, con của một ông Tham tá, đã từ trần từ lúc em mới lên 15 tuổi...
Mỉm cười chua chát. Ngọc Bách lại tiếp:
- Năm nay em 18 tuổi! Nói như vậy nghĩa là: khi chết thì em mới 18 tuổi nhưng nếu tính theo người sống, qua mấy năm tao loạn thì hiện nay em đã ngoài 20... già mất rồi.
Vũ nghĩ thầm trong bụng:
- Khi đã là đàn bà, dù chết đi rồi, cũng vẫn còn lo lắng đến sắc đẹp tàn phai.
Nữ lang lại kể tiếp:
- Trong gia đình, tuy em là lớn nhất nhưng vì em theo lời trối trăn của cha em dặn lại, nhất định cho em đi học đến nơi đến chốn. Bởi vậy. sau khi đỗ bằng cơ-thủy ở tỉnh Bắc, em được mẹ em cho về học bậc Trung học tại Hà Nội, cẩn thận mẹ em cho em ăn trọ tại nhà bà Phán Tâm ở ngay liền vách nhà này.
Ngừng lại giây phút. Ngọc Bách lại kể:
- Nếu không có chiến tranh thì không đâu đến nỗi... Khi được lệnh tản cư, bà Phán cùng những trẻ nhỏ đều về quê cả, chỉ còn lại một người con trai lớn, đi làm công sở và em cùng một người vú già ở lại. Bỗng đô thành khói lửa mù trời, căn nhà bên cạnh này (tức là nhà em ở) bị sụp đổ. Người vú già cũng như con trai bà Phán đều bị chết vùi trong đống gạch ngói, riêng có em là may mắn núp dưới chân cầu thang được thoát chết. Nghe tiếng bom đạn rầm rầm, em sợ hãi vô cùng, bò lần sang hàng xóm tức là căn nhà này, lúc đó bỏ không vì người trong nhà đều đã tản cư từ trước. Sợ hãi, em tìm được chiếc thang treo ẩn lên trên trần cái gác này, vì em cho đó là chỗ ẩn náu kín đáo nhất. Thân gái trong thời binh lửa, may ra nhờ đó mà được an toàn chăng. Thường lệ, mỗi khi tìm kiếm thức ăn, nước uống đầy đủ rồi thì em lại trèo lên trần nhà và rút thang lên theo. Em có ngờ đâu chính gian nhà này cũng bị sụp đổ, chiếc thang em vừa trèo lên bị rơi xuống. Thế là bỗng dưng bị giam trọn trên trần gác với một số lượng thức ăn đủ chừng ba ngày. Em chỉ còn một hy vọng có thấy bóng người nào thì kêu cứu, không những trong lúc khói lửa tơi bời, ai cũng lo lẫn trốn nên em ngồi yên trên trần đã bốn ngày liền mà cũng không hề thấy có một bóng người nào... Vừa đói và khát em đành phải chịu cực hình giống hệt như người bị lạc giữa nơi sa mạc. Cho đến khi sức một yếu dần em thở hơi cuối cùng, thiệt oan một đời xuân xanh đầy hứa hẹn.
Vũ nói tiếp:
- Rồi sao nữa, xin cô cứ kể tiếp cho tôi nghe!
Ngọc Bách thở dài:
- Rồi ngày tháng trôi qua. Cảnh đô thành dần dần trở lại đông đúc, vui vẻ hơn xưa. Riêng có tấm oan hồn của em vẫn bị ngậm ngùi, đáng thương hại nhất là một nắm xương tàn rụi vẫn bị bộc lộ trên trần nhà này làm mồi cho gián, chuột.
Vũ ngắt lời:
- Nhưng tại sao thấy tôi lên học trên đây cô lại hiện hình bỡn cợt? Hồn oan đau tủi, há lại còn ưa thích những chuyện cợt đùa...
Ngọc Bách rơm rớm nước mắt:
- Anh quở trách như vậy em xin nhận lỗi nhưng chỉ vì em ngu muội, lóng nghe thấy bọn yêu quái thường bàn nhau rằng nếu chúng tìm được người thế mạng thì sẽ được đầu thai thành kiếp khác! Thoạt đầu thấy anh lên học trên căn gác trống này em dùng tà khí làm cho tinh thần anh bị hôn quyện, rồi sau đó định hiện nguyên hình người con gái đẹp để nhờ nhan sắc mà quyến rũ anh. Nhưng anh không hề vì sắc đẹp mà động tâm. Em lại định tác quái để cho sợ hãi... nhưng kết cục cũng bị thất bạị... Em thực đã đắc tội với anh nhiều lắm.
Vũ ngắt lời hỏi:
- Bây giờ cô muốn gì?
Ngọc Bách gạt nước mắt, thưa:
- Em chỉ mong anh vì thương người bạc phận ra tay tế độ, chôn cất cho yên đẹp nắm xương tàn của em mà thôi. Như vậy em không còn phải oán hận gì nữa...
Vũ nhận lời, Ngọc Bách sụp lạy tạ ơn nhưng Vũ giục nàng hãy ra đi vì âm dương cách biệt, lần lữa lâu dài. Cũng e hại cho cả đôi bên.
Ngay sáng hôm sau. Vũ hỏi thăm những người ở gần đấy họ đều nhận rằng có thực, tại nhà bà Phán Tâm khi xưa có cô con gái tỉnh Bắc trọ học nhưng hình như đã thiệt mạng trong những ngày khói lửa đô thành. Vũ lại tìm thang trèo lên trên trần nhà lục lạo khắp nơi, quả nhiên có một đống xương người, nhện chăng, bụi phủ, riêng lạ một điều là có mấy khúc xương rõ ràng có vấy mực. Sau khi tìm được xương cốt của cô gái Vũ bèn nhờ người chôn cất cho đúng lời hẹn với hồn ai!
Tổng Tập Truyện Ma Tổng Tập Truyện Ma - Người Khăn Trắng Tổng Tập Truyện Ma