Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Thiên Tỏa
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Chương 13: Lối Thoát Khỏi Địa Cung
C
hiếc hộp Hoa Hạp nhô từ dưới mặt đất lên, để lộ ra năm mặt phẳng, mỗi mặt đều được khắc một bông hoa. Tôi quyết định bắt tay vào mở mặt trên cùng trước.
Tôi chọn ra một chiếc kim móc mảnh và nhẹ nhất, vì mở loại khóa này phải rất cẩn thận, tỉ mỉ. Những cánh hoa được khắc rất phức tạp với rất nhiều đường viền, mũi kim dò theo đường viên nhất định không được ngừng lại, nếu không sẽ khiến lực tác động lên các cánh hoa không đồng nhất, rất dễ ảnh hưởng đến đoạn lò xo ở phía trong, đến lúc đó cả chiếc hộp Hoa Hạp sẽ tự động khóa vĩnh viễn.
Tôi ngó nghiêng quan sát rất lâu để nhận diện thật chính xác từng đường viền trên cánh hoa; hít một hơi dài để lấy bình tĩnh, tôi từ từ đặt mũi kim lên đầu cánh hoa.
Rồi bằng tất cả sự cẩn thận của mình, tôi đưa mũi kim men theo đường viền trên cánh hoa đến hết, rồi mới chuyển sang cánh tiếp theo. Cứ thế mũi kim chạy trơn tru một lượt qua tám cánh hoa, coi như mắt xích trọng yếu trong cỗ máy đã được vô hiệu hóa, cuối cùng tôi mới chọc đầu mũi kim vào điểm chính giữa của bông hoa để giữ cố định.
Phần chính giữa của mỗi bông hoa là tám sợi nhụy cuộn tròn với nhau tạo thành một khối rất khăng khít, phần chân nhụy lại được nối với một sợi dây thép màu trắng, cắm sâu vào bên trong lòng hộp và được cố định vị trí bằng một sợi dây đồng. Tôi lại đặt đầu kim vào lỗ sẹo trong lòng bàn tay rồi xoay một vòng. Chiếc kim móc lúc thì hơi uốn cong lúc thì lại duỗi thằng để ăn khớp với những đoạn dây bên trong, âm thanh truyền qua đầu mũi kim một lúc sau, những tiếng “tạch… tạch” liên hồi vang lên, từng sợi từng sợi nhụy hoa bị bật tung, những sợi thép trắng cũng theo đó tuột khỏi chân nhụy. Chiếc hộp rỗng khẽ rung rung, rồi tám cánh hoa từ từ nhô lên khỏi bề mặt chiếc hộp khoảng chừng một đốt ngón tay. Một bông hoa đã nở.
Vẫn áp dụng theo phương pháp này, tôi tiếp tục mở nốt bốn bông hoa còn lại.
Vậy là cả năm bông hoa đã nở.
Thấy mình thành công nhanh chóng, lòng tôi lâng lâng hạnh phúc. Còn nhớ ông nội đã từng nói, với khả năng hiện tại của tôi, may ra cũng chỉ mở được từ hai đến ba bông hoa, vậy mà tới giờ đã có năm bông hoa được mở một cách nhẹ nhàng, chứng tỏ tôi đã có sự tiến bộ vượt bậc. Nếu ông được tận mắt chứng kiến, không biết ông sẽ thích thú và tự hào đến nhường nào? Bỗng dưng tôi lại thấy nhớ ông nội da diết, khóe mắt cay cay, khiến mọi cảm giác hưng phấn trước đó lập tức biến mất.
Tôi từ từ thả người ngồi bệt xuống sàn, mặt đờ đẫn nhìn những cánh hoa đang nhô cao, những kỉ niệm về đêm giao thừa tết Nguyên đán năm 2005 bỗng dưng ùa về, giọng nói của ông nội như vẫn vang vọng bên tai: “Con bé ngốc này, ta không thể nuôi con cả đời được, giờ con không biết làm gì cả thì sau này khi không có ta, con sẽ sống như thế nào đây?”
Đúng thế, ông không thể ở bên tôi cả đời được, sẽ có ngày ông già và mất đi. Thế nhưng hiện giờ Lan Lan đã có đủ bản lĩnh để tự nuôi sống bản thân rồi, Lan Lan chỉ mong ông nội trở về để được tận hiếu với ông. Tôi quay sang nhìn cái xác khô vẫn đang ngồi im lìm một góc, trong lòng tràn ngập nỗi xót xa, ông nội nếu gặp nguy hiểm hoặc chết ở dưới này thì liệu có bị biến thành như thế không… Càng nghĩ ngợi tôi càng cảm thấy buồn vô hạn, hai dòng nước mắt cứ thế tuôn trào đầm đìa.
Thấy tôi bỗng dưng rơi nước mắt, chị Giai Tuệ vội vã hỏi thăm, còn Lão Ngũ thì nhìn tôi với vẻ khó hiểu:
- Đấy, lại nước mắt vòng quanh rồi. Cả năm bông hoa đã được mở ra, giờ còn khóc lóc cái nỗi gì?
Tôi như choàng tỉnh giấc, ngượng ngùng dùng mu bàn tay quệt nước mắt, rồi nhẹ nhàng nói:
- Không sao, cháu chỉ bị cay mắt thôi. À, giờ chắc là có thể mở được rồi, để cháu thử xem sao!
Một tay chống xuống đất, tôi lê người tới trước chiếc hộp, hai tay nhấc từng bông hoa ra khỏi bề mặt chiếc hộp, để lộ ra một khoảng trống hình cánh hoa, bên trong lòng hộp cất giữ một vật gì đó. Tôi gí ngọn đèn dầu ngay sát miệng cánh hoa, mắt mở to nhìn thẳng vào bên trong, thì ra là một quả cầu kim loại do vài chục vòng thép màu trắng lồng ghép lại với nhau. Về kết cấu, nó có phần hơi giống sân vận động Tổ Chim ở thế vận hội Olympic 2008 tại Bắc Kinh, thế nhưng lại có chút khác biệt trong sự phân bổ rất quy củ. Về bản chất thì đó là một quả cầu được lồng bằng những vòng tròn hoàn hảo, xung quanh là những sợi dây thép hình vòng cung, lần lượt cắm chặt xuống đáy hộp. Giữa hai vòng thép là một đường khe rất nhỏ, lúc ẩn lúc hiện. Nhìn kĩ hơn vào đường khe, tôi nhận ra trong lòng quả cầu kim loại có một vật hơi dẹt màu trắng đục, có lẽ nó mới chính là bảo bối mà chúng tôi đang tìm kiếm.
Lão Ngũ vội đưa tay tóm lấy quả cầu kim loại, ra sức lắc lắc, nhưng vật bên trong vẫn không hề chuyển động.
- Mẹ kiếp! Lại còn giở trò này nữa cơ đấy! Xem ra đây mới chính là ổ khóa cuối cùng.
Tôi nghiêng đầu ngắm nghía hồi lâu, rồi nói với hai người:
- Lão Ngũ, chị Giai Tuệ, hai người còn nhớ chiếc khóa tơ ba mươi sáu vòng với các vòng móc lại với nhau không? Chiếc khóa này cũng có kết cấu gần như thế, đều là một dạng khóa đa vòng.
Lão Ngũ ồ lên vỡ lẽ, vừa vân vê vài sợi râu lưa thưa dưới cằm vừa nói:
- Cái khóa đấy ta đã phải mất rất nhiều công sức mới mở được, bọn này thật là thâm độc, xem ra số lượng của những chiếc vòng kim loại này cũng không hề ít đâu.
Tôi gật đầu đồng ý với Lão Ngũ, rồi nói thêm rằng loại trước là theo kết cấu bề mặt với dây và tơ, còn loại này lại theo kết cấu hình lập thể, vốn dĩ được coi là dạng khó nhất.
- Trong những bí kíp mở khóa được truyền lại, với dạng khóa hình cầu này, một vòng là Thiên địa, hai vòng là Thí nhật, ba vòng là Hạo Nguyệt, bốn vòng là Phồn tinh, năm vòng là Thủy hỏa, sáu vòng là Phong lôi, bảy vòng là Sơn xuyên, tám vòng là Địa lý…
Trong khi tôi đang say sưa giảng giải về những kiến thức liên quan đến loại khóa vòng lập thể đầy hào hứng, thì Lão Ngũ lại sốt ruột phẩy mạnh tay rồi giục loạn lên:
- Nhóc con, đừng có lèm bèm nữa, mau bắt tay vào việc đi.
Chị Giai Tuệ tủm tỉm cười, nói đỡ cho tôi:
- Cũng hay mà, lão cứ để Lan Lan nói tiếp đi.
Lão trợn trừng mắt nhìn hai chị em tôi:
- Nói cái gì mà nói, giờ không phải lúc, nói đến vòng một trăm tám mươi thì Lão Ngũ ta chắc đã biến thành vòng thứ một trăm tám mươi mốt từ đời tám hoánh rồi.
Tôi bĩu môi cự lại:
- Lão Ngũ à, loại khóa này chỉ có tối đa bốn mươi tám vòng thôi, muốn hơn cũng không có nữa đâu.
Lão Ngũ nhanh chóng ăn miếng trả miếng:
- Bốn mươi tám hay tám mươi bốn vòng thì cũng mặc mẹ nó. Cái con nhóc này, nhanh nhanh mở ra đi, ta muốn biết trong đó cất giữ thứ gì lắm rồi.
Thực ra tôi cũng muốn mở thật nhanh chiếc vòng đó không kém gì lão, nên đành tạm dừng cuộc đôi co để cầm quả cầu kim loại kia lên. Đếm đi đếm lại, tôi mới phát hiện ra tổng cộng quả cầu kim loại có bốn mươi tám vòng thật. Tôi giật mình không dám tin vào sự thật này, liền cẩn thận đếm đi đếm lại thêm vài lần nữa, đúng là vừa đúng bốn mươi tám vòng. Tôi thất vọng buông thõng một câu:
- Haizzzz, cái này không thể mở được.
Chị Giai Tuệ sốt ruột hỏi lại:
- Vì sao vậy, có phải là nó quá khó không?
Lão Ngũ cũng lập tức ngồi thẳng dậy.
- Mi đừng lấp lửng nữa, mau nói vì sao lại không mở được đi.
Tôi lắp bắp giải thích:
- Vấn đề không phải là khó hay dễ, nhưng mà vì nó thực sự gồm có bốn mươi tám vòng. Trong giới mở khóa, người ta vẫn thường nói rằng: Bốn mươi tám vòng đổi mạng người.
Nghe tôi nói vậy, Lão Ngũ và chị Giai Tuệ đều ngẩn người ra trong giây lát, rồi vội vàng hỏi tôi vì sao lại như thế.
Tôi nhìn thẳng Lão Ngũ và nói ngắn gọn một câu:
- Lão Ngũ, đây là khóa bốn mươi tám vòng, nó áp dụng phép nhân sáu tám.
Lão Ngũ khẽ rùng mình, lắc lắc đầu như vẻ không tin, mắt mở to, hai con ngươi liên tục đảo xuôi ngược. Như sực nhớ ra điều gì đó, lão quay sang nhìn lại quả cầu kim loại, nói lớn:
- Thuật lục bát! Mẹ kiếp, nó chính là cỗ máy tuyệt môn. Hay đấy, hay đấy!
Thấy chị Giai Tuệ vẫn có vẻ chưa hiểu, tôi và Lão Ngũ thay nhau giải thích lại cho chị. Trong mắt của người Trung Quốc cổ đại, thế giới xung quanh được chia thành sáu chương gồm: Trên, dưới, trước, sau, trái, phải; hay nói đơn giản hơn thì đó chính là sáu mặt của chiếc hộp. Trong đó, tại điểm giao nhau của ba mặt phẳng sẽ tạo thành đỉnh góc, tổng cộng có tám đỉnh như thế, gọi là tám hướng xiên. Sáu mặt và tám đỉnh, cộng lại thành mười bốn hướng mang hàm ý “vũ trụ hồng hoang, như phong tự bế”. Tương truyền Lục hòa và Bát quái đều bắt nguồn từ đó mà ra, thế nhưng đó chỉ là kết cấu bề mặt, độ khó vẫn không thể bằng cấp độ của kết cấu lập thể.
Những loại khóa hay cỗ máy thông thường rất kị sử dụng thuật lục bát, và tránh dùng con số bốn mươi tám. Nếu như phải sử dụng chúng thì có nghĩa là đắc tội với thần thánh, trời không dung, đất không tha. Trước mặt chúng tôi chính là cỗ máy như thế, một khi đã được tạo ra thì đến người chế tạo ra nó cũng không thể mở được, nếu như vẫn cố tình mở thì cỗ máy sẽ tự động bị phá hủy, thậm chí còn gây ra những hiểm họa khôn lường.
Chúng tôi chỉ biết bất lực nhìn quả cầu kim loại mà thở dài, lòng vô cùng mâu thuẫn, rốt cuộc nên hay không nên mở đây?
Nếu quyết mở ra thì sẽ được nhìn thấy loại bảo bối được cất giữ trong đấy, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc tự đẩy mình xuống vực thẳm. Còn nếu như không mở thì thật áy này, đã sống chết vượt qua bao nhiêu cửa ải mới mò được tới đây, nhìn thấy thức ăn bày ra trước mắt mà không được dùng, quả thực cũng không cam lòng.
Cả ba người nhìn nhau đắn đo, không ai biết làm thế nào mới phải.
Lão Ngũ bỗng đứng bật dậy, xoay xoay quả cầu vài vòng, tay vừa mân mê chòm râu, miệng vừa nhẩm tính điều gì đó. Cuối cùng lão giậm mạnh chân, nói với vẻ đầy bất mãn:
- Cũng lắm là chết chứ gì! Dù gì thì cũng đã đến được đây còn gì phải do dự nữa.
Nói xong, lão ngồi sụp xuống, vỗ vai tôi như muốn khuyến khích và tiếp thêm sức mạnh:
- Nhóc con, mở đi! Trước khi banh xác mà được nhìn thấy bảo bối đó thì đời lão già này cũng coi như mãn nguyện.
Chị Giai Tuệ cũng nắm lấy tay tôi, bóp nhẹ và nói:
- Lan Lan, em mở đi. Hoàng đế Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã cho xây dựng địa cung hùng vĩ với vô vàn cạm bẫy như thế cũng chỉ với mục đích cất giấu nó, hoặc là một điều bí mật kinh thiên động địa nào đó thôi. Chẳng dễ gì chúng ta tới được đây, vẫn nên thử xem rốt cuộc đó là gì. Với lại, chúng ta hiện giờ cũng chưa tìm được cách thoát ra khỏi đây.
Thực ra tôi cũng đang nửa tò mò, nửa lưỡng lự, chưa biết quyết định ra sao, nhưng khi nghe hai người nói vậy, tôi cũng hạ quyết tâm, tháo chiếc balô đang đeo trên lưng xuống.
- Được, vậy để cháu mở!
Lão Ngũ và chị Giai Tuệ cùng gật đầu, rồi từ từ đứng lùi ra sau vài bước chừa cho tôi một khoảng trống vừa đủ.
Tôi lẩm nhẩm tính toán một chút rồi mở bộ kim móc ra, cẩn thận chọn lấy mười bốn chiếc kim, lần lượt cắm vào sáu mặt và tâm đinh. Tôi thận trọng nhìn lại một lần nữa, chỉnh sửa lại vị trí sao cho thật chuẩn. Những sợi thép bên trong chiếc hộp xoắn lại với nhau, tại những giao điểm lại được nối kết bằng vô vàn móc nhỏ, bánh răng và những sợi dây như vô hình. Mười bốn chiếc kim móc đều đã được cắm vào đúng vị trí giao nhau.
Để tránh cho kim bị lỏng và tụt ra, tôi lấy ngón tay búng mấy cái, thân kim không ngừng lắc sang hai bên, phát ra những tiếng tách tách, cắm cũng khá chắc.
Tôi lấy một sợi dây da lừa dài nhất, luồn qua những lỗ nhỏ ở phần chân kim, rồi nhanh chóng thắt nút lại, khiến cho mười bốn chiếc kim đều chụm lại thành một mối.
Loại khóa cầu lập thể này có một đặc tính rất cổ quái, đó là bắt buộc phải mở tất cả các mặt cùng lúc, tránh để lực tác động lên các mặt không đều nhau, dễ khiến cho kết cấu trong lõi khóa bị biến hình đổi dạng.
Khi mọi công đoạn chuẩn bị đã hoàn tất, tôi hít một hơi thật sâu, ngửa lòng bàn tay phải lên, tập trung hoàn toàn trí lực vào quả cầu kim loại rồi định sẵn trong đầu những thao tác và trình tự phải thực hiện.
Nhất định sẽ làm được. Tôi đưa hai tay ra trước, lần lượt dùng ngón cái, ngón trỏ bóp thật chặt hai chiếc kim; tay trái vặn chặt theo chiều kim đồng hồ một vòng, tay phải vặn thêm hai vòng nữa.
Lắng nghe âm thanh khẽ phát ra từ bên trong, tôi theo đà, tiếp tục thực hiện kế hoạch với hai chiếc kim, lần lượt vặn thêm ba vòng, rồi bốn vòng... Sau đó, tay phải đưa ra trước, tay trái chuyển sang sau, lần lượt vặn chặt hai chiếc kim thêm năm sáu vòng.
Mặc dù mỗi lần vặn số vòng không giống nhau, nhưng khi thao tác hai tay, tôi luôn giữ tốc độ nhanh chậm nhịp nhàng và co duỗi đồng nhất để lực tác động lên ổ khóa bên trong quả cầu không bị thay đổi.
Sáu mặt đã được mở thành công, tôi thấy trong lòng có phần nhẹ nhõm hơn. Tiếp sau đó tôi lại mở thêm được tám đỉnh, đồng thời vặn cùng lúc những chiếc kim móc để kích hoạt cỗ máy bên trong. Tôi nhét một đầu sợi dây da lừa vào lỗ sẹo trong lòng bàn tay, chọn ra một góc độ thích hợp nhất, năm đầu ngón tay vẫn giữ chặt sợi dây rồi giật mạnh, cả mười bốn chiếc kim cũng oằn mình cọ xát với nhau. Ngay lập tức, quả cầu kim loại đã được mở, điều gì xảy ra tiếp theo thì chỉ còn biết trông chờ vào ông trời mà thôi.
Tôi nhanh chóng lùi ra sau, đứng sát bên cạnh Lão Ngũ và chị Giai Tuệ, nắm chặt lấy tay của hai người, nhưng vẫn nghển cổ chăm chú nhìn vào quả cầu.
Ban đầu, quả cầu kim loại không có bất cứ phản ứng gì, nhưng chỉ một thoáng sau, nó dần dần chuyển động, mỗi lúc một nhanh hơn, trông giống như quả cầu pha lê lóng lánh ở các sàn nhảy; bên trong lòng quả cầu liên tục phát ra thứ âm thanh của những chiếc móc đang dần bị nới lỏng.
Tôi siết chặt lấy tay của chị Giai Tuệ, nhìn quả cầu không chớp mắt, không biết nó còn tiếp tục quay như thế đến bao giờ.
Nhưng chỉ một lúc sau, quả cầu bỗng nhiên dừng lại, ngay sau đó là những tiếng “cạch, cạch” rất khẽ phát ra từ bên trong. Quả cầu lúc này trông như một quả dưa hấu bị bổ đôi bằng một đường rạch rất ngọt, những vòng thép bọc xung quanh quả cầu cũng lần lượt trượt xuống hai bên, khiến đường rạch mỗi lúc một to hơn.
- Mở rồi, mở rồi! – Lão Ngũ hét toáng lên trong sung sướng.
Cả ba chúng tôi cùng lao tới trước để nhìn cho rõ hơn. Chẳng lẽ hoàng đế Nỗ Nhĩ Cáp Xích cho xây dựng hẳn một địa cung rộng lớn với những thiết kế và tầng khóa nguy hiểm như thế chỉ để cất giữ một thứ đơn giản? Nhưng biết đâu chính vật này mới mang đến sự kì diệu thì sao?
Nghĩ vậy, tôi vội vàng ngồi xuống, quan sát thật tỉ mỉ vật được cất giữ trong quả cầu kim loại. Lão Ngũ và chị Giai Tuệ cũng tò mò không kém, cả ba cùng chụm đầu vào nhau, chăm chú quan sát, không ai nói với ai câu nào, âm thanh duy nhất lúc này chính là hơi thở gấp gáp của mỗi người.
Vật được cất giấu bên trong quả cầu là một khay sứ dẹt, nó gần giống với chiếc khay sứ vẫn dùng để đựng thức ăn với đường diềm hơi lượn sóng giống như một cánh hoa mềm mại, lòng khay thì được in hoa văn màu xanh nhạt. Đó là một bức tranh sống động với những ngọn núi cao sừng sững, thấp thoáng đâu đó trên lưng chừng núi là một vài phong đình để dừng chân, nhìn hệt như thật, tựa như được dán một tấm ảnh vậy.
Tôi không chớp mắt, nhìn hồi lâu, ngoài việc cảm thấy rất đẹp ra, không thấy có gì đặc biệt; nhưng Lão Ngũ thì bỗng dưng trợn mắt, miệng lắp bắp như bị trúng tà:
- Cái… cái… này… mẹ kiếp… quá… quá hay, Khang Hy Thanh… Thanh Hoa sứ.
Chị Giai Tuệ “hả” một tiếng rồi từ từ đưa tay vuốt nhẹ lên khay sứ:
- Uhm, đúng là sứ Thanh Hoa! – Giọng của chị đầy mê đắm.
Vẻ mặt Lão Ngũ bỗng dưng sa sầm lại:
- Giai Tuệ, nếu như ta nhìn không lầm thì đây chính là chiếc khay Thanh Hoa Sơn Thủy, một tuyệt phẩm từ thời Khanh Hư.
Chị Giai Tuệ cũng rùng mình hoảng hốt hỏi lại:
- Khang Hy… nhưng… Lão Ngũ…
Lão Ngũ hít một hơi dài, ra hiệu cho chị Giai Tuệ bình tĩnh, rồi nhẹ nhàng nhấc khay sứ ra khỏi quả cầu kim loại, ngửa phần đáy lên. Chị Giai Tuệ vội giơ ngọn đèn dầu lên. Dưới ánh đèn, phần chính giữa của đáy đĩa có viết bốn chữ phồn thể màu xanh theo hàng dọc.
Những nét chứ phóng khoáng tuyệt mĩ, nhưng tôi lại không thể nhận ra một chữ nào, liền tò mò hỏi Lão Ngũ:
- Lão Ngũ, trên đó viết gì thế ạ?
Lão Ngũ nheo nheo đôi mắt, chậm rãi nói:
- Chúng có nghĩa là “do xưởng Mặc Văn Đường chế tạo”. Nói rồi lão miết ngón tay lên dòng chữ khắc, nói chắc như đinh đóng cột. – Không sai, chính là Khang Hy Thanh Hoa sứ.
Thấy hai người cứ nói câu được câu mất, thần sắc hết sức kì lạ, tôi không nén được sự tò mò đành nói chen vào:
- Khang Hy thì cháu biết, ông ta là một bậc hiền vương của nhà Thanh, đây cũng chính là Cố Cung của nhà Thanh, điều này rất bình thường mà.
Lão Ngũ liếc xéo tôi không nói năng gì, chỉ chau mày, hai con ngươi liên tục chuyển động, không biết lão đang nghĩ ngợi điều gì trong đầu. Chị Giai Tuệ thở dài, rồi quay sang kéo nhẹ tay tôi, giải thích:
- Cố Cung Thẩm Dương là do hoàng đế Nỗ Nhĩ Cáp Xích sau khi chiếm thành ra lệnh xây dựng, mà Khang Hy lại là vị vua sau đó bốn đời, tính ra chỉ là hàng cháu chắt, hai người sống cách nhau hàng trăm năm…
Nói đến đây, chị nhìn chằm chằm vào chiếc đĩa sứ với ánh mắt hoài nghi, rồi chậm rãi nói tiếp:
- Lan Lan, em thử nghĩ xem, dưới lòng Cố Cung được xây dựng từ thời hoàng đế Nỗ Nhĩ Cáp Xích tại sao lại cất giấu báu vật của thời Khang Hy?
Lúc này tôi mới ngớ người bởi sự vô lý đó, thứ đồ này đáng lẽ ra không thể xuất hiện ở đây. Cũng giống như việc ông nội làm một chiếc hộp gỗ từ khi tôi chưa được sinh ra, bên trong đựng một đôi giày tôi đã từng đi, thế nhưng lúc đó làm gì đã có tôi trên đời này.
Tôi đờ đẫn nhìn chiếc đĩa sứ, trong đầu hỗn độn rất nhiều giả thuyết khác nhau. Thực tình lúc đó tôi không sợ hãi, mà chỉ nhìn thấy mọi việc diễn ra quá sức tưởng tượng của mình.
- Xuyên việt, chính là Xuyên việt[1] đấy.
Sau một hồi suy đoán, trong đầu tôi bỗng bật lên một ý tưởng:
- Hồi cấp Hai cháu rất thích đọc loại tiểu thuyết này. Nhất định là người từ thời Khang Hy đã ngược dòng thời gian để trở về thời đại của hoàng đế Nỗ cái gì Xích ấy nhỉ, rồi để lại vật này.
- Cái gì? – Lão Ngũ vẫn chưa nghe rõ, quay lại nhìn tôi thắc mắc, - Xuyên cái gì việt, đó là tên một tuyệt kĩ mới sao?
Chị Giai Tuệ lắc đầu ngao ngán:
- Lan Lan, em đừng nói linh tinh. Đó chỉ là những điều hư cấu trong tiểu thuyết thôi, làm sao có thể tin được.
Nói xong, chị đưa mắt nhìn sang bốn phía, rồi dừng lại ở cái xác khô, lưỡng lự nói tiếp:
- Lão Ngũ, Lan Lan, hai người nghĩ xem liệu có thể có khả này không nhé: Hoàng đế Nỗ Nhĩ Cáp Xích xây dựng địa cung này nhất định là chôn giấu một loại bảo bối nào đó; tới thời vua Khang Hy, đã có người lén lút xuống đây, rồi dùng thủ đoạn lấy cắp bảo bối đó và đổi thành một vật khác… Nếu như điều đó thực sự xảy ra thì chứng tỏ cái khay sứ trong tay chúng ta chỉ là đồ ngụy tạo, cái xác này có khi nào chính là tên trộm đồ khi đó đã không thận trọng nên bị cỗ máy giết chết tại đây?
Mặc dù không hiểu lắm nghĩa của từ ngụy tạo, nhưng tôi đoán nó có nghĩa là đồ giả. Tôi ngồi xuống, đưa tay sờ quả cầu kim loại, nói với vẻ chắc chắn:
- Không thể nào, đây chính là loại khóa chế tạo theo luật lục bát, mở xong thì coi như đã bị phá hỏng hoàn toàn, không thể nào tiếp tục sử dụng nữa, đến cả ông nội em cũng khó có thể làm gì được.
Lão Ngũ khẽ gật đầu, nghiêm giọng nói:
- Đúng thế, cái cỗ máy khốn kiếp này… Mẹ kiếp, mở xong là coi như tự hủy luôn… Hừm… không hay rồi, sắp có chuyện xảy ra đấy, tốt nhất ba chúng ta hãy nhanh chóng rời khỏi đây mau.
Lão Ngũ đưa chiếc khay sức cho chị Giai Tuệ, nói tiếp:
- Mặc mẹ nó là hàng thật hay hàng giả, cái khay này cũng đáng giá không ít tiền đâu, đủ cho ba chúng ta xả láng một trận đấy. Giai Tuệ, cất nó đi!
Chị Giai Tuệ cẩn thận dùng một chiếc áo bọc chiếc đĩa lại rồi cất vào trong balô, Lão Ngũ tóm lấy tay hai chị em tôi lôi đi xềnh xệch.
- Hai đứa, nhân lúc cỗ máy chưa kịp khởi động, chúng ta hãy mau nghĩ cách chuồn khỏi đây thôi.
Lão Ngũ vẫn chưa dứt lời, tôi bỗng nghe thấy có tiếng nước chảy ầm ầm từ phía bên ngoài căn hầm, giống như một thác nước khổng lồ đang đổ từ trên xuống không ngừng nghỉ.
- Đ. mẹ, rắm vừa đánh là ị ngay luôn. Hay đấy!
Lão Ngũ vặn người lao thẳng tới cánh cửa, tôi và chị Giai Tuệ cũng chạy theo, bám lên cánh cửa ngó ra ngoài. Nước đang cuồn cuộn chảy từ những miệng lỗ trên bức vách đá, giống như những con rồng nước đang giận dữ lao tới; chỉ trong chốc lát, những “con mắt trắng dã” của lũ nấm đá đã bị chìm ngập trong lòng nước hung dữ. Toàn bộ những ngọn đèn dầu trên thạch nhũ cũng bị tắt ngấm, cả khoảng không gian trong lòng động trở nên tối đen như mực, chỉ còn duy nhất ngọn đèn dầu trên tay chị Giai Tuệ là vẫn đang tỏa chiếu những tia sáng leo lắt, yếu ớt.
Lão Ngũ giậm chân lo lắng:
- Không khéo chúng ta bị chết chìm mất. Dòng sông ngầm cuối cùng cũng bị vỡ rồi.
Qua ánh sáng của ngọn đèn, tôi nhận thấy nước mỗi lúc một dâng cao với những con sóng bạc đang cuồn cuộn tiến tới, đi kèm theo đó là những tiếng nổ lớn đinh tai. Tôi rối trí vô cùng, quay sang cố hét thật lớn để át đi tiếng ì ầm của dòng nước.
- Làm thế nào bây giờ? Nước sắp dâng tới nơi rồi!
Có vẻ như lúc này, chị Giai Tuệ vẫn là người điềm tĩnh nhất trong ba chúng tôi, chị vừa ngó ra ngoài vừa nói:
- Xuống thì cũng không xuống được, chi bằng chúng ta bám vào những tảng thạch nhũ để trèo lên trên để Lan Lan mở cánh cửa đá phía trên đỉnh, quay trở lại Thiên Cung Cách sát trận.
Lão Ngũ vuốt mấy sợi râu lưa thưa dưới cằm, đăm chiêu một lúc rồi vừa khẽ gật đầu vừa nói:
- Chỉ còn cách đó thôi, thế nhưng ngọn đèn này có lẽ không đem theo được nữa.
Nghĩ tới màn đêm tối đen như mực trong Thiên Cung Cách sát trận, đến một tia sáng heo hắt cũng không có là tôi đã không muốn quay lại. Nhưng tình thế trước mắt vô cùng khẩn cấp, nên giờ cũng chỉ biết tới đâu hay tới đó thôi. Vì vậy, chúng tôi nhanh chóng cất hết đồ đạc vào balô đeo lên vai rồi tiếp tục trèo lên cao.
Chiều cao của cả cái động này ước chừng một trăm mét, chỗ chúng tôi đang đứng là ở khoảng giữa, thế nhưng dòng nước từ phía trên đỉnh không ngừng đổ xuống, lực cản rất lớn. Lão Ngũ đã trèo thử vài bận mà không thể nào thoát ra được, lão xoa xoa mặt, rủa ầm ĩ:
- Không được rồi, không được rồi. Mẹ kiếp! Trơn như mỡ lợn thì trèo thế nào được?
Chị Giai Tuệ đăm chiêu suy tính một lúc, rồi bỗng nhiên lên tiếng:
- Vẫn còn một cách khác. Đợi tí nữa nước dâng lên đến miệng động, chúng ta cứ bơi ra, đợi động ngập nước, chỉ cần Lan Lan nhanh tay mở khóa là có thể…
Hiểu được ý của chị Giai Tuệ, tôi vội vàng lên tiếng:
- Nhưng em không biết bơi!
Chị Giai Tuệ nắm chặt vai tôi động viên:
- Không sao, lúc đấy chị sẽ dìu em…
Lão Ngũ tỉnh queo tiếp lời:
- Thế nếu nó mở chậm thì coi như ba người chúng ta được một thể uống nước đẫy bụng à? Hay đấy, hay đấy!
Chúng tôi tranh cãi một lúc, vẫn chỉ có cách đó là khả thi nhất nên đành ngồi ở miệng hầm đợi nước dâng lên.
Chị Giai Tuệ quay lại nhìn cái xác khô, nói rằng muốn đem một vài thứ về nghiên cứu. Chị lập tức đứng dậy đi về phía cái xác, lôi ra một con dao nhỏ, cắt lấy một mảnh da đen thui đã bị khô teo, nhổ lấy một vài sợi tóc. Rồi chị nhờ tôi cởi bộ quần áo đã mục nát trên cái xác khô ra, đặt nằm thẳng xuống sàn, và lôi chiếc máy ảnh nhỏ xíu ra chụp lại.
Mặc dù có chút dã man, nhưng tôi vẫn cố làm theo. Khi cởi bỏ quần áo cho cái xác, tôi bỗng nhiên phát hiện trên cổ anh ta có một sợi dây màu trắng thít sâu vào trong thịt, chỉ để lòi ra hai đầu dây ngắn cũn. Nhìn kĩ hơn, tôi bỗng giật mình, đó chính là sợi dây da lừa của phái Kiện môn, lẽ nào người này lại bị một người mở khóa khác siết cổ cho tới chết?
Chị Giai Tuệ chau mày, sờ tay vào cổ cái xác rồi đưa ra kết luận cổ họng đã bị cứa đứt, chứng tỏ là bị người khác siết cổ cho tới chết. Chị từ từ lôi sợi dây da lừa ra, đưa cho tôi tiếp tục lục lọi quần áo của anh ta, nhưng không phát hiện thêm thứ gì khác.
Sau khi đã hoàn tất mọi việc, chúng tôi vẫn phải đợi thêm khoảng hơn nửa canh giờ nữa dòng nước mới ngập tới miệng hầm, dòng nước cuốn theo bùn đất lao mình vào vách đá, chỉ trong nháy mắt nước đã ngập cao hơn chục centimet. Lão Ngũ hét lên một tiếng rồi nhảy xuống dòng nước cuồn cuộn, tay vẫn cố giơ cao ngọn đèn dầu để không bị tắt. chị Giai Tuệ cũng lập tức nhảy theo, hai người đạp nước quay lại gọi tôi cùng xuống.
Mặc dù trong lòng rất sợ hãi nhưng tôi vẫn cắn răng, ngồi vắt vẻo trên miệng hầm một lúc, rồi lấy can đảm từ từ thả mình xuống dòng nước. Chị Giai Tuệ vội bơi tới ôm lấy thắt lưng tôi rồi kéo tôi ra xa hơn để tránh một ngọn sóng đang ào ạt xô tới.
Chúng tôi giữ chặt chiếc balô làm phao để nổi trên mặt nước. Tôi lo lắng nhìn những “con rồng nước” dữ dội lao xuống, trong lòng thấp thỏm không yên, chỉ mong sao dòng nước nhanh nhanh ngập tới đỉnh, mở được cánh cửa đá kia là coi như thoát khỏi đây an toàn.
Nổi lênh đênh trên mặt nước gần một tiếng đồng hồ khiến cả người tôi ướt sũng, lạnh cóng, hai hàm răng va vào nhau lập cập rất khó chịu. Cũng may là mực nước dâng lên khá nhanh, giờ đây tôi đã có thể giơ tay chạm tới đỉnh động.
Trên đỉnh là những tảng đá vuông vức xếp ngay ngắn cạnh nhau, đó chính là mặt dưới của Thiên Cung Cách sát trận. Nhưng loay hoay một lúc lâu, tôi mới phát hiện ra những tảng đá này đều được thiết kế một chiều, tức là chỉ có thể xoay theo chiều từ trên xuống, còn từ dưới thì hoàn toàn bó tay, trừ khi có một mũi khoan để khoan thủng phiến đá thì may ra.
Lão Ngũ cũng đã nhìn ra vấn đề, lão không nhịn được chửi ầm lên:
- Mẹ kiếp! Đúng là bọn khốn nạn thâm hiểm!
Chị Giai Tuệ để Lão Ngũ giữ tôi rồi tự mình tìm hiểu đỉnh động. Chị bơi một vòng rồi bất ngờ dừng lại ở phía bên trái, gõ gõ sờ sờ mãi mới vẫy tay gọi chúng tôi đến. Từ chỗ chị Giai Tuệ dừng lại, tôi nhìn thấy ngay sát đỉnh động có một cái hang nhỏ hơi dẹt, điều đặc biệt là dòng nước không lọt được vào đó, mặc dù mực nước ở xung quanh vẫn không ngừng ì oạp dâng lên.
Phát hiện thấy sự khác thường, Lão Ngũ lập tức giơ đèn ra soi. Miệng hang vừa đủ một thân người chui qua, bên trong là một màu đen kịt nên không thể nhận biết nó sâu cỡ nào. Lão Ngũ vội quay sang nói với chúng tôi:
- May mà còn có một cái lỗ thoát thân, chui qua đi, hai đứa.
Lúc đầu dòng nước vẫn chưa ngập quá cổ, vậy mà giờ nó đã mấp mé miệng tôi. Không còn thời gian suy nghĩ nữa, Lão Ngũ và chị Giai Tuệ đẩy tôi chui qua trước, rồi luồn ngọn đèn dầu theo sau.
Lòng hang tôi vừa trèo vào rất hẹp, chỉ vừa đủ cho một người bò sát xuống sàn. Tường xung quanh chỗ lồi chỗ lõm, trên vách hang gồ ghề là rất nhiều những viên đá lóng lánh, dưới ánh sáng của ngọn đèn, chúng phản chiếu lấp lánh như một bầu trời sao.
Tôi còn đang say sưa ngắm nghía hiện tượng kì thú, thì có tiếng Lão Ngũ sặc sụa hét lên:
- Lan Lan, mẹ kiếp! Đang mơ màng gì đấy? Còn không mau bò lên trước đi, Lão Ngũ ta sắp bị mi nhấn chìm rồi.
Tôi sực tỉnh, cố gắng ép mình vào sát vách để lấy khoảng trống cho hai người leo lên. Lão Ngũ vẫn cuống cuồng thúc giục:
- Nhanh… nhanh… nhanh… cố lên… cố lên… nước dâng tới nơi rồi!
Lão chưa dứt lời, tôi đã thấy phía dưới người ươn ướt, thì ra dòng nước lạnh buốt đã bắt đầu tràn đến. Tôi đoán nước đã hoàn toàn nhấn chìm động đá phía sau lưng, tạo nên một áp suất lớn đẩy nước tràn vào lỗ hang này. Chỉ trong nháy mắt, mực nước đã tăng lên vài centimet, và vẫn không ngừng dâng lên nhanh chóng.
Cả nửa thân người ngập trong nước, vừa lạnh vừa sợ, một tay cầm ngọn đèn dầu giơ lên thật cao, tôi cố gắng leo lên chỗ cao nhất có thể.
Đó là một địa đạo dài vô tận, thẳng tắp theo hướng cao dần lên, hầu như không có khúc cua. Cả ba chúng tôi không ai nói với ai câu nào, chỉ cúi đầu hùng hục bò về phía trước. Không biết chúng tôi đã bò như thế trong bao lâu, chỉ biết dòng nước ở phía sau lưng đang từ từ rút xuống, nhưng vẫn ở mức cao.
Tiến thêm được một đoạn nữa thì tôi mệt tới mức thở không ra hơi, lòng bàn tay và hai đầu gối đều bị trầy xước đau rát do bò trên mặt đá gồ ghề. Tôi liền dừng lại một lúc, hổn hển nói:
- Mệt quá… mệt chết mất! Lão Ngũ ơi, nghỉ một lúc đã!
Chị Giai Tuệ ở phía đằng sau cũng đồng tình:
- Đúng đấy, nước không còn dâng cao nữa, chúng ta dừng lại nghỉ một chút đi!
Lão Ngũ ậm ừ đồng ý rồi nói thêm:
- Vậy thì nghỉ một chút. Lan Lan, đưa ngọn đèn để ta soi một chút.
Tôi vòng tay chuyền ngọn đèn ra phía sau lưng để chị Giai Tuệ chuyển cho Lão Ngũ, trong lòng băn khoăn không biết lão dùng đèn soi thứ gì. Chợt một vài tia sáng lấp lánh sau lưng chiếu xiên lên phía trước, kèm theo đó là giọng nói đầy phấn khích của Lão Ngũ.
- Khá lắm, thì ra đây là kênh Thiết Trân. Hay đấy, hay đấy… Chết mẹ! Không ổn rồi, không ổn rồi, hình như có người đã đến đây trước chúng ta.
Tôi và chị Giai Tuệ đồng thanh hỏi lại:
- Kênh Thiết Trân là cái gì ạ?
Lão Ngũ liền hắng giọng cắt nghĩa:
- “Thiết” là ăn trộm, “Trân” là của báu, Thiết Trân chính là con kênh đào do bọn trộm mộ tạo ra. Giai Tuệ, mi cũng thử ngó lên vách tường đá hai bên mà xem. – Nói rồi lão đưa ngọn đèn tới đoạn tường đá gần chỗ chị Giai Tuệ.
Không lâu sau, chị Giai Tuệ bỗng thốt lên đầy kinh ngạc:
- Đúng rồi, bề mặt vách đá đều mang dấu vết chạy theo hướng từ trên xuống dưới. Chắc chắn là đã có người đào con kênh này.
Nghe thấy vậy, tôi cũng lập tức đưa tay ra sờ lớp vách đá bên cạnh mình, quả nhiên là có vô số những vết cào chạy từ trên xuống.
Lão Ngũ nói với chúng tôi, kĩ thuật của phái Đạo gia cũng chia thành hai loại là Nhuyễn Đạo và Ngạnh Đạo. Nếu như dùng kĩ thuật của bàn tay để lấy đồ của người khác thì gọi là Nhuyễn Đạo, còn nếu như dùng công cụ để khoan cắt hay là bất cứ một cung hoặc lăng mộ thì gọi là Ngạnh Đạo, và những con kênh đào xuyên lòng đất để vào bên trong cung như thế này được gọi là kênh Thiết Trân. Do đó, chắc chắn một điều rằng, trước đây đã từng có người đào kênh Thiết Trân để chui xuống dưới địa cung ăn cắp báu vật, nhưng người đó là ai, đào vào thời gian nào thì không thể biết được.
Tôi lập tức hỏi Lão Ngũ, vậy cái xác khô lúc này có phải là do những tên ăn trộm đó để lại? Liệu có phải chúng đã gặp phải cái bánh chưng[2] ấy không? Thấy Lão Ngũ không hiểu, tôi liền giải thích rõ hơn.
Lão Ngũ nghe xong liền phì cười, chế giễu:
- Đừng có ngồi đó mà tưởng tượng vớ vẩn, Trung Quốc lấy đâu ra nhiều lăng mộ thế cho mi đào? Lại còn bánh chưng bánh dầy cái nỗi gì, đưa ta miếng bánh gạo còn tốt hơn.
Chúng tôi cứ thế ngồi đoán già đoán non, nhưng cũng không tìm ra được một lí do thuyết phục. Những phút nghỉ ngơi quý báu đã giúp hồi phục sinh lực, nên chúng tôi tiếp tục bò về phía trước. Được khoảng hơn hai trăm mét, tôi bỗng nghe thấy có tiếng gió ù ù thổi đến, hình như chúng tôi đã tới đầu bên kia của kênh Thiết Trân, trước mặt tôi lúc này là một khoảng trống không rộng lớn và thoáng đãng.
Tôi mừng rơn, vội vàng báo cho hai người kia biết, rồi lập tức bò thật nhanh về phía trước, đến một nơi có vẻ như là miệng hang. Tôi lấy ngọn đèn ra giơ cao lên phía trước để nhìn rõ hơn. Mặc dù vẫn là một khoảng tối om om, nhưng tôi có thể cảm nhận thấy trước tầm mắt mình hoàn toàn không có vật cản nào, chứng tỏ đây là một không gian rất rộng lớn. Ánh sáng của ngọn đèn có hạn, nhưng may thay, ngay phía dưới chỗ tôi đang ngồi là một dải cát trắng phau, ánh đèn đã làm chúng phản chiếu ra những tia sáng lấp lánh, soi rọi cả một vùng mờ ảo.
Tôi vội ngoảnh đầu lại, sung sướng thông báo:
- Tới nơi rồi, Lão Ngũ, chị Giai Tuệ, chúng ta tới nơi rồi!
Không để cho chị Giai Tuệ kịp lên tiếng, Lão Ngũ đã cướp lời:
- Phì, tới cái đầu mi ấy, toàn nói lời đen đủi.
Tôi quá sung sướng nên cũng chẳng thèm để ý đến lão nói gì nữa, hai tay vịn chắc vách tường từ từ tụt người xuống. Tôi đặt cây đèn dầu sang một bên, vươn vai, vặn vẹo tay chân cho đỡ mỏi, cảm giác thật thoải mái dễ chịu vô cùng.
Ngay sau đó, chị Giai Tuệ và Lão Ngũ cũng tụt xuống, cả ba chúng tôi đứng cạnh nhau, chẳng thèm nhìn ngang ngó dọc như mọi bận mà chỉ tranh thủ nghỉ ngơi, tận hưởng cảm giác được thoát khỏi nơi tù túng.
Sau khi nghỉ ngơi thoải mái, chúng tôi soi ngọn đèn về bốn phía xung quanh và nhận ra đây là một không gian mênh mông có dạng kết cấu thẳng đứng. Nơi chúng tôi vừa thoát ra nằm gần chân vách đá, còn phía trên đầu, cách chúng tôi chừng ba mét là một vòm nham thạch khá xù xì với những mỏm đá nhô ra chi chít. Dưới ánh đèn dầu, những mỏm đá nhấp nhô không ngừng phản chiếu ra những tia sáng lấp lánh, lung linh màu sắc, thỉnh thoảng lại có những giọt nước mát lạnh nhỏ xuống.
Chị Giai Tuệ liền bước tới, quan sát một lượt xung quanh rồi nói với chúng tôi, đây có lẽ là phần đáy của một khe nứt được tạo thành trong quá trình địa chấn kiến tạo vỏ trái đất từ hàng nghìn năm trước. Hầu hết dưới lòng đất vùng Đông Bắc đều mang cấu tạo như thế, chúng được phân bổ khắp nơi với độ nông sâu khác nhau, có tác dụng làm giảm nguy cơ các tầng đất đá dưới lòng đất bị đè nén, do vậy ở đây ít khi bị động đất như ở khu vực Tứ Xuyên và Thanh Đảo.
Nghe chị giải thích tường tận như vậy, trong lòng tôi không tránh khỏi lo lắng, sợ hãi.
Lão Ngũ cũng lắc đầu, cứng cỏi đáp:
- Mặc mẹ nó có động đất hay không, mà nếu có thì cũng là ý Trời.
Chị Giai Tuệ mỉm cười, một tay giơ cao ngọn đèn, một tay vỗ vào thành đá, chị nói:
- Ngày xưa cô giáo từng giải thích hiện tượng động đất đã tạo ra những đứt gãy về mặt liên kết, hay chính xác hơn là tạo ra những thềm địa tầng nhấp nhô, chạy dọc lên mặt đất. Nếu như chúng ta tìm ra được những thềm địa tầng này thì cũng có thể thoát ra khỏi đây.
Mặc dù không hiểu lắm về kiến thức địa lý, nhưng nghe đến việc có thể thoát ra ngoài, tôi và Lão Ngũ vô cùng hào hứng, dù sao cũng còn có chút hi vọng. Cả ba chúng tôi lập tức bắt tay vào việc tìm lối ra dưới sự hướng dẫn của chị Giai Tuệ.
Trên đường đi, những mỏm đá nhọn hoắt chi chít chen lẫn với nhau, luôn rập rình đâm vào chân khiến chúng tôi luôn phải dò dẫm từng bước khó nhọc. Đi được chừng vài trăm mét, tôi chợt nhìn thấy có cái gì đó trăng trắng lấp ló phía trước, hình như nó còn hơi chuyển động thì phải. Bị cơn tò mò thúc giục nên tôi đã bước thật nhanh về phía trước, gần tới nơi, tôi mới phát hiện ra trước mắt mình là một con sông mênh mông với mặt nước phẳng lặng như tờ, trông rất giống chiếc gương soi lấp loáng, dòng nước lững lờ trôi mà không hề gây ra tiếng động nào dù là nhỏ nhất.
Đang lúc tò mò khôn xiết, bỗng nhiên tôi nghe giọng chị Giai Tuệ từ đằng sau hét lớn:
- Nhìn kìa, kia là cái gì thế?
Theo hướng tay chị chỉ, tôi nhìn thấy một vật màu trắng nhờ nhờ nổi trên mặt nước cách bờ chừng mười mét, đang từ từ trôi dạt về phía chúng tôi.
Lão Ngũ “hừm” một tiếng, rồi bì bõm lội xuống nước, vớt được vật kia lên, lão liền chửi thề một câu trước khi quay vào bờ. Thì ra đó là vỏ chai nước khoáng, lớp giấy nhãn bọc bên ngoài đã bị tuột mất.
Tôi vô cùng sửng sốt, lẽ nào đã có người tới đây trước chúng tôi thật? Tôi sực nghĩ đó có thể là ông nội lắm chứ, ông đi bằng con đường khác và cũng đã tới đây, uống nốt chai nước cuối cùng rồi vô tình ném xuống sông?
Càng nghĩ tôi càng cảm thấy phấn khích vô cùng, lao nhanh về phía trước, hớt hải ngó nghiêng xung quanh, rồi chạm hai tay trước miệng hét lớn:
- Ông ơi, ông ơi, cháu là Lan Lan đây, ông đang ở đâu?
Thấy tôi gọi ông nội, Lão Ngũ như cũng sực nhớ ra và lập tức cất tiếng gọi lớn:
- Lão Sở, lão Sở… cái lão già chết tiệt này, mau chui ra đi…
Tôi và Lão Ngũ cùng ra sức hò hét, người này cố át đi tiếng của người kia, âm thanh liên tục dội tới tường đá rồi vọng lại khắp nơi, khiến những giọt nước đang đọng trên thạch nhũ cũng rơi xuống nhanh hơn tạo nên một cơn mưa nhỏ phía dưới vòm đá. Thế nhưng, dù chúng tôi gọi khàn cả cổ nhưng vẫn không có một tiếng trả lời nào, mọi thứ vẫn lặng im như tờ. Tôi bắt đầu cuống lên, quay người lại nắm chặt lấy tay chị Giai Tuệ.
- Chị Giai Tuệ, chúng ta phải nhanh lên thì mới có thể đuổi kịp ông em.
Vẻ mặt của chị Giai Tuệ rất lạ, chị lặng lẽ nói với vẻ hoài nghi:
- Không phải đâu, chai nước này là của hãng Băng Lộ, hơn nữa vỏ chai đã rất cũ rồi, không thể có chuyện vừa mới được vứt xuống đây.
Chị vặn chiếc nắp chai ra, nhìn vào mặt phía trong, nói:
- Ngày sản xuất là tháng Hai năm ngoái, tới giờ đã hơn một năm rồi. Hơn nữa, Cơ quan Cảnh sát có mối quan hệ làm ăn với công ty Robust Thẩm Dương từ rất lâu rồi, nên từ trước đến nay mọi người đều dùng nước của hãng này.
Nghe chị Giai Tuệ nói tôi đã hiểu ra, cái vỏ chai này không phải là do ông nội ném lại, nhưng chắc chắn đã có một người khác từng ở đây. Lẽ nào, một năm trước đã có người xuống dưới địa cung, và cũng mò tới được thềm địa tầng như chúng tôi?
Nghĩ đến đây, tôi chợt có một linh cảm rất lạ: Nếu như đã có người đến đây, vậy tại sao những cỗ máy kia đều không có dấu vết của việc đã từng bị mở, và họ đến đây với mục đích gì?
Lão Ngũ vỗ mạnh lên đầu mình tự giễu:
- Tóm lại chúng ta vẫn không phải là người đầu tiên, bảo bối cũng đã bị lấy mất rồi. Mẹ kiếp, đến muộn rồi… đến muộn rồi. Hay đấy, hay đấy!
Tôi đang định hỏi chị Giai Tuệ rốt cuộc chuyện gì xảy ra, thì bỗng thấy chị cười, chỉ tay lên đỉnh đầu nói:
- Thẩm Dương đang mưa rất to đấy.
Không hiểu vì sao lúc này chị Giai Tuệ lại có thể buông ra một câu không đầu không cuối như thế. Trong khi chúng tôi vẫn đang bị chôn chân dưới lòng đất hàng nghìn mét, kể cả khi bên trên mặt đất có bom nguyên tử nổ thì chưa chắc chúng tôi đã biết, vậy mà chị lại có thể nghĩ đến việc trăng sao mưa gió như thế.
Thấy chúng tôi vẫn ngơ ngác chưa hiểu ra vấn đề, chị Giai Tuệ mới từ từ giải thích. Chị nói, dòng sông lớn trước mặt chúng tôi gọi là Phục lưu[3], được tạo thành bởi các mạch nước ngầm tập trung lại, hoặc do các mạch nước men theo những khe nứt trong lòng địa tầng, qua thời gian, các tầng đá dần bị bào mòn tạo thành lòng sông. Hiện tượng Phục lưu này nếu được phân bố tại những vị trí có độ nông sâu, to nhỏ, lưu lượng dòng chảy khác nhau sẽ phân thành hai loại dòng chảy là dòng chảy xiết và dòng chảy lặng. Theo như chị quan sát, thì nhánh sông này thuộc nhóm dòng chảy lặng.
Lão Ngũ nghe chị giải thích phức tạp quá nên phẩy tay, nói:
- Thôi, thôi! Phục gì thì phục, cũng chỉ là sông ngầm mà thôi. Lão Ngũ ta đã băng sông vượt biển chán rồi, số sông ngầm ta đã vượt qua còn nhiều hơn những dòng chảy chúng bay từng thấy đấy. Nhanh nhanh nói rõ rốt cuộc là có chuyện gì đi.
Chị Giai Tuệ mỉm cười, cúi người ngồi bên bờ sông, thò tay xuống dòng nước rồi nói:
- Chai nước không phải do ai đó ở đây ném xuống, hơn nữa ngày sản xuất khá lâu rồi, vậy thì chỉ có thể giải thích rằng, nó đã trôi nổi theo dòng sông chảy tới đây…
Tôi vỡ lẽ đôi chút nhưng vẫn còn khá hồ nghi:
- Em biết rồi, lúc nãy chị vừa nói về mấy vết nứt, về tảng đất đá gì gì đó, giờ lại nói về mặt nước, dòng chảy… Liệu ý của chị có phải là chai nước đã rơi xuống một vách đá nào đó rồi trôi nổi xuống tận dưới này không?
Chị Giai Tuệ gật đầu.
- Không sai, chị nghĩ rằng chúng ta chỉ cần men theo dòng chảy này là sẽ tìm ra… vách đá mà em vừa nói đến. Chị nghĩ phía trên chúng ta chắc chắn phải có rất nhiều mạch nước ngầm, kết hợp với vị trí đang đứng, chị đoán đây chính là dòng Hỗn Giang của Thẩm Dương.
Chị giải thích cặn kẽ thêm là, vị trí này cách mặt đất rất xa, nếu như phía trên không có dòng chảy mạnh và áp suất lớn thì chiếc vỏ chai này khó có thể lọt xuống đây, cho nên chị đoán rằng tại Thẩm Dương chắc hẳn đang mưa rất to. Sau đó chị còn cắt nghĩa thêm về mấy thứ đại loại như đường dẫn nước, chân không hay áp suất gì gì đó, nhưng dĩ nhiên là tôi nghe như vịt nghe sấm; cuối cùng chị kết lại một câu, đó là cứ theo ngược dòng, chắc chắn sẽ tìm thấy lối ra.
Nghe tới đó, Lão Ngũ lập tức cởi chiếc áo đang mặc trên người ra rồi xé toạc thành hai mảnh, lần lượt buộc tay tôi vào tay lão và chị Giai Tuệ. Thấy chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau, lão cười khoái chí rồi nói:
- Hai đứa còn nhìn cái gì nữa, không mau đi thôi. Có ra được khỏi đây không còn phải trông chờ vào số mệnh của ba chúng ta. Nếu chìm thì coi như là được chết có nhau, còn nếu qua được cửa tử thì có thêm bạn đồng hành.
Chúng tôi nắm chặt tay, cố trao nhau ánh mắt khích lệ. Sống mũi cay cay, tôi bỗng thấy ngoài ông nội ra, hai người này đã trở thành những người thân thiết nhất của tôi.
Ngay sau đó, hai người để tôi đi ở giữa, rồi cùng lội xuống dòng nước mát lạnh. Ban đầu, nước chỉ ngập quá bắp chân tôi, nhưng càng tiến ra xa mực nước càng dâng cao hơn, khi ra tới giữa dòng thì nước đã ngập ngang ngực. Người tôi khẽ chao đảo theo từng nhịp sóng nước. Lão Ngũ và chị Giai Tuệ nhẹ nhàng kéo tôi nổi theo, cứ thế từ từ bơi ra xa.
Dòng sông phẳng lặng, bốn phía đều yên tĩnh một cách kì lạ, chỉ có tiếng tay chân chúng tôi rẽ nước ì oạp. Mặc dù độ sáng của ngọn đèn dầu khá yếu ớt, nhưng chúng tôi vẫn có thể lờ mờ nhìn thấy bức tường đá hai bên bờ xám xịt với những hình dạng hết sức cổ quái, kèm theo những tia sáng lóng lánh, phản chiếu qua ánh đèn lúc sáng lúc tối như có hàng trăm đôi mắt đang dõi theo, khiến tôi sởn hết tóc gáy.
Chúng tôi bơi được chừng ba trăm mét thì phát hiện bờ sông bỗng nhiên hẹp dần, bức tường đá phía trên mỗi lúc một thấp xuống cho tới khi chỉ còn cách mặt nước chừng vài centimet tạo thành một khe hở rất nhỏ. Chúng tôi phải trầm mình dưới nước, ngửa cổ lên để mũi và miệng lấy được chút không khí, rồi lại tiếp tục bơi về phía trước, tôi cảm thấy người rã rời và đói vô cùng. Chị Giai Tuệ mò trong balô ra gói lương khô, giơ cao lên đầu xé lớp túi bọc rồi bẻ nhỏ chia cho mỗi người một miếng. Do khoảng không quá nhỏ không đủ để nhô hẳn đầu lên, nên mọi người phải khó khăn lắm mới hoàn thành được bữa ăn trên mặt nước.
Cả một đoạn đường dài, lúc trôi theo dòng nước, lúc thì tạm dừng nghỉ, nên không rõ chúng tôi đã đi được bao xa; cho tới khi tôi nghe thấy tiếng ầm ầm vọng tới, dòng nước êm đềm bỗng chuyển dòng chảy xiết.
Chị Giai Tuệ hào hứng giải thích, dưới áp lực của dòng nước, nơi dòng chảy xiết và dòng chảy lặng giao nhau chính là vị trí thềm địa tầng bị đứt đoạn, hay chính là những khe đá sau khi địa tầng được hình thành đã tạo nên dòng thác chảy xiết. Vượt qua chúng sẽ lại tới một dòng chảy lặng. Rồi tiếp tục dâng lên, cho tới khi có đường thoát ra ngoài.
Nghĩ đến việc sẽ thoát được ra ngoài, chúng tôi hào hứng bơi ngược dòng thêm một đoạn khoảng hơn trăm mét nữa. Lúc này lực cản của dòng nước đá rất lớn, nếu không phải ba người chúng tôi chụm lại với nhau, thì có lẽ đã sớm bị đẩy ngược lại rồi.
Không lâu sau đó, quả nhiên đúng như lời dự đoán của chị Giai Tuệ, tôi nhìn thấy một vách đá rất lớn đang ầm ầm tung bọt trắng xóa, tiếng thác đổ như những hồi trống giục giã nhấn chìm cả bầu không gian yên tĩnh.
Lão Ngũ cố át tiếng ầm ầm của dòng nước:
- Hai đứa, sống hay chết chính là ở đây, giờ thì vào thôi! – Nói rồi, lão gắng sức lôi mạnh tôi và chị Giai Tuệ tiến vào dòng thác hung hãn.
Vừa vào lòng thác, ngọn đèn dầu trong tay tôi đã tắt phụt, bốn phía xung quanh tối om om. Tôi cảm thấy như mình đang bị vô số xoáy nước cuồn trôi, những đợt sóng liên tiếp ào đến tối tăm mặt mũi.
Tôi cố gắng nín thở, vùng vẫy điên cuồng để người nổi lên, rồi bám chặt vào một mỏm đá kề ngay miệng thác, cùng với sự giúp sức của hai người đồng hành, tôi dồn sức trèo qua, sống chết bơi ra một quãng xa, nơi dòng nước đã hiền hòa trở lại. Mặc dù không thể nhìn thấy xung quanh, nhưng cảm giác của tôi cho thấy đây chính là dòng chảy lặng, khác hẳn chặng đường vừa rồi. Chúng tôi lại cần mẫn bơi ngược dòng thêm một đoạn rồi tiếp tục oằn mình chống chọi với dòng chảy xiết thứ hai…
Cứ hết dòng thác này lại tới dòng thác tiếp theo, cho tới khi tôi không thể nhớ mình đã vượt qua bao nhiêu tầng thác, chỉ biết rằng lực đã cùng sức đã kiệt, ba chúng tôi đều rét run cầm cập.
Tiếp tục vượt qua thêm một tầng thác nữa, tôi bỗng thấy lẫn trong dòng nước là lớp bùn cát đục ngầu đang kéo chúng tôi vào giữa trung tâm cơn xoáy rồi ùa vào tai vào mũi, khó chịu vô cùng.
Sự lo sợ dâng lên cực đỉnh khi mảnh vải buộc tay tôi vì bị giằng kéo quá lâu nên đã đứt lìa, dòng nước lập tức đẩy Lão Ngũ và chị Giai Tuệ ra xa. Do không thể mở mắt và cũng không kịp mở miệng lấy hơi, nên tôi chỉ có thể vùng vẫy theo bản năng.
Khoảng hai phút sau, ngực tôi đau tức như muốn nổ tung, toàn thân bị kéo mạnh xuống dưới làn nước đục ngầu. Không chịu được nữa, tôi đành há miệng lấy hơi, lập tức một dòng nước lạnh buốt kèm theo cả bùn đất chui tọt vào trong cổ họng. Trong đầu không nghĩ được điều gì, tôi chỉ biết mình đã bị sặc nước, hai lỗ mũi cũng trở nên cay xè khó chịu. Bỗng nhiên tôi thấy đầu đau nhói, hình như có ai đó túm tóc tôi giật mạnh lên. Chỉ một lúc sau, đầu tôi đã nhô lên khỏi mặt nước, không khí lại được lấp đầu lá phổi; tôi nhận thấy có một bàn tay đang vòng qua eo ôm thật chặt.
Tôi như từ cõi chết trở về, mệt mỏi hé mắt, một tay chị Giai Tuệ ôm chặt lấy tôi, tay còn lại đang sải rộng cố bơi theo dòng nước.
Tôi bám chặt tay chị, mừng rỡ khóc òa lên:
- Chị… chị Giai Tuệ, chúng… chúng ta thoát ra rồi!
Tôi quay đầu nhìn xung quanh, vẫn là một vùng tối đen với từng đợt sóng đang nhẹ nhàng vỗ bờ, bầu trời bên trên xám xịt trong cơn mưa tầm tã, từng tia chớp chói lóa thỉnh thoảng rạch qua bầu trời, kèm theo những tiếng sấm ì ầm từ xa.
Đây chính là dòng Hỗn Giang thật sao, vậy mà tôi lại thấy nó rất giống với mặt biển thường thấy trên tivi. Tôi bất giác vòng tay ôm thật chặt chị Giai Tuệ.
Chị Giai Tuệ vẫn sải tay bơi, được một lúc, chị đánh mắt ra hiệu cho tôi nhìn về phía Tây, từ phía xa xa có một vật nhọn hoắt chĩa thẳng lên trời, càng nhìn càng thấy nó giống chiếc đũa bạc đang tỏa chiếu những tia sáng lóng lánh, trông rất đẹp mắt.
Chị Giai Tuệ reo lên đầy phấn khích, tay vẫn ôm chặt eo tôi:
- Lan Lan, đó là tháp truyền hình tỉnh Liêu Ninh đấy. Với khoảng cách này, có lẽ chúng ta đang ở khu Đông Lăng, đây chắc chắn là Hỗn Giang rồi, thì ra dòng sông ngầm nối liền với sông Hỗn Giang thật.
Vừa thoát cơn nguy hiểm, tôi sung sướng định reo lên thật lớn thì sực nhớ tới Lão Ngũ, tại sao lão vẫn chưa ngoi lên, không lẽ đã bị nhấn chìm rồi sao? Nghĩ tới đó, lòng tôi bỗng đau tê tái, nước mắt chực trào ra.
Thấy tôi hỏi về Lão Ngũ, chị Giai Tuệ cũng lắc đầu buồn bã.
- Chị không biết, nhưng Lão Ngũ bơi rất giỏi, chắc sẽ không xảy ra chuyện gì đâu.
Chị Giai Tuệ chưa nói dứt lời thì bất chợt từ dưới mặt nước bỗng nhô lên một mái đầu bạc trắng, ướt sũng, cùng một giọng nói hết sức quen thuộc vọng tới:
- Mẹ kiếp, hay… hay đấy, cuối cùng thì… cũng ngoi lên được. Mẹ kiếp!
Thấy Lão Ngũ cũng bình an vô sự, tôi và chị Giai Tuệ vội vàng bơi tới ôm chầm lấy lão. Lão Ngũ cười sảng khoái:
- Lão già này đúng là có số đào hoa, tự nhiên lại được hai đứa con gái chủ động đến ôm cơ đấy.
Sau khi xác định được phương hướng, Lão Ngũ và chị Giai Tuệ cố gắng kéo theo tôi vượt sông, bám vào hàng rào ngăn cách leo lên bờ.
Chú thích
[1] Tức là ngược dòng thời gian. Đây chính là một trào lưu tiểu thuyết, phim truyền hình mới của Trung Quốc.
[2] Từ lóng của dân trộm mộ chỉ xác chết.
[3] Sông ngầm
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Thiên Tỏa
Tang Thượng
Thiên Tỏa - Tang Thượng
https://isach.info/story.php?story=thien_toa__tang_thuong