Chương 11
ậy là tình hình như sau: mọi thứ phụ thuộc vào một con bồ câu. Qua đêm nay không biết chúng tôi sẽ được an toàn dưới sự chăm lo của một Chủ Vòng Thời Gian hay bị tiêu hóa dở dang trong bộ ruột tối om của một con hồn rỗng; không biết cô Peregrine có được cứu chữa không hay chúng tôi sẽ lang thang vô định trong cảnh địa ngục này cho tới khi thời gian của bà cạn kiệt; không biết tôi có được sống để thấy lại ngôi nhà hay bố mẹ mình hay không – tất cả đều phụ thuộc vào một con bồ câu hom hem đặc biệt.
Tôi bước đi dẫn đầu nhóm, cảm nhận xem có hồn rỗng hay không, song con bồ câu mới là nhân vật thực sự dẫn đường cho chúng tôi, nó kéo mạnh sợi dây buộc như một con chó săn lần theo hơi mồi. Chúng tôi rẽ trái khi con chim bay sang trái, và sang phải khi nó ngoặt sang phải, ngoan ngoãn như một bầy cừu, thậm chí cả khi làm thế đồng nghĩa với việc dò dẫm đi theo những con phố lỗ chỗ hố bom khiến khúng tôi trật mắt cá hay ngổn ngang mảnh vỡ của những tòa nhà bị phá tan tành, những đầu mũi sắt nhọn lởm chởm của chúng hiện lên lờ mờ trong ánh lửa chập chờn lay động, chĩa về phía cổ họng chúng tôi.
Trải qua những biến cố kinh hoàng của tối hôm đó, tôi còn vượt quá cả cái ngưỡng kiệt sức. Đầu tôi ong ong thật lạ lùng. Đôi chân tôi kéo lê nhọc nhằn. Tiếng bom nổ rầm rầm đã lặng xuống, những chiếc còi cuối cùng cũng im hẳn, và tôi tự hỏi liệu có phải tất cả những âm thanh của ngày tận thế đó đã giúp tôi tỉnh táo. Giờ đây, trong không trung mù mịt khói đầy ắp những âm thanh nhẹ nhàng hơn: nước phun ra từ các đường ống vỡ, tiếng tru rên rỉ của một con chó bị mắc kẹt, những giọng nói khản đặc than vãn cầu cứu. Thỉnh thoảng những người đồng hành lại hiện ra từ bóng tối, những thân hình trông như những hồn ma trốn thoát từ một thế giới nào đó ở sâu bên dưới, đôi mắt mắt rực lên đầy sợ hãi và ngờ vực, cắp chặt dưới cánh tay những món đồ vật khác nhau – máy thu thanh, đồ bạc khoắng được, một cái hộp mạ vàng, một bình tro cốt. Người chết bê người chết trên tay.
Chúng tôi tới chỗ một ngã ba đường thì dừng lại, con bồ câu đang cân nhắc xem sang trái hay phải. Cô gái thì thầm cổ vũ, “Thôi nào, Winnie. Cô bồ câu ngoan. Chỉ đường cho chúng ta đi.”
Enoch chen vào thì thầm, “Nếu mày không tìm thấy cô Wren, tao sẽ tự tay xiên mày lên nướng.”
Con chim vụt lên không, nhao về bên trái.
Melina nhìn trừng trừng Enoch. “Cậu là đồ khốn,” cô nói.
“Quan trọng là kết quả,” cậu ta đáp.
Cuối cùng, chúng tôi tới một ga tàu điện ngầm. Con bồ câu dẫn chúng tôi qua lối vào vòm cuốn tới một phòng vé, và tôi đang chực nói: Chúng ta sẽ đi tàu điện ngầm, con chim khôn ngoan đấy, thì nhận ra phòng vé vắng tanh và quầy bán vé đóng cửa. Mặc dù không có vẻ gì sẽ sớm có chuyến tàu ghé qua nhà ga này, chúng tôi vẫn dấn bước tiến tới qua một cái cổng không bị chăng xích khóa, đi theo một hành lang đầy những tờ thông báo đang bong dần ra và những viên gạch men trắng sứt mẻ, tới một cầu thang chạy sâu xuống, tại đây chúng tôi đi theo vòng xoáy trôn ốc xuống sâu mãi lòng đất được thắp sáng bằng điện đang rì rầm của thành phố.
Tại mỗi chiếu nghỉ, chúng tôi đều phải bước vòng quanh những người đang ngủ, quấn mình trong chăn: ban đầu là từng người riêng, rồi tới từng nhóm nằm như những que diêm bị rải ra, rồi sau nữa, khi chúng tôi xuống tới nơi sâu nhất, cả một biển người chật ních tràn ra khắp ke ga tàu điện ngầm – hàng trăm người chen chúc giữa một vách tường và các đường ray, nằm co ro trên sàn, nằm dài trên các băng ghế, lún người vào những chiếc ghế gấp. Những người nếu không phải đang ngủ thì cũng đu đưa ru những đứa trẻ trên tay, đọc những cuốn sách bìa mềm, chơi bài, cầu nguyện. Không phải họ đang đợi tàu; chẳng có chuyến tàu nào sắp đến. Họ đang tránh bom, và nơi này là hầm trú ẩn của họ.
Tôi cố dùng trực cảm tìm hồn rỗng, nhưng có quá nhiều khuôn mặt, quá nhiều hình dáng. May mắn, nếu như chúng tôi có còn lại ít nhiều may mắn, biết đâu sẽ giúp chúng tôi tồn tại thêm trong một thời gian.
Giờ thì sao đây?
Chúng tôi cần con bồ câu định hướng giúp, song nó có vẻ hơi bối rối – giống như tôi, nó có vẻ bị đám đông làm rối trí – vì thế chúng tôi đành đứng đợi, tiếng thở, tiếng ngáy, tiếng ú ớ lẩm bẩm của những người đang ngủ vang lên rì rầm thật kỳ lạ quanh chúng tôi.
Sau một phút, con bồ câu cứng người lại và bay về phía các đường ray, rồi làm căng dây buộc ra và nhào trở lại đậu trên bàn tay Melina như một con quay.
Chúng tôi rón rén đi vòng qua các thân người tới rìa ke ga, rồi nhảy xuống khe sâu nơi đặt các đường ray. Các tuyến ray mất hút vào trong các đường hầm ở hai đầu nhà ga. Tôi có cảm giác nặng nề là tương lai của chúng tôi nằm đâu đó ở một trong những cái miệng khổng lồ tối om đang há ngoác ra này.
“Ồ, tớ hy vọng chúng ta sẽ không phải mò mẫm vào trong kia,” Olive nói.
“Tất nhiên là phải,” Enoch nói. “Chúng ta phải dò dẫm mọi cống rãnh sẵn có thì mới gọi là một kỳ nghỉ đúng nghĩa chứ.”
Con bồ câu nhao về phía bên phải. Chúng tôi bắt đầu lần đi theo đường ray.
Tôi nhảy tránh một vũng nước đọng váng dầu và một đoàn chuột cống rào rào chạy tránh khỏi hai bàn chân tôi, khiến Olive kêu thét lên nhào vào vòng tay Bronwyn. Đường hầm há hoác ra trước mặt chúng tôi, tối đen đầy đe dọa. Tôi cảm thấy sẽ rất bất lợi nếu chạm trán một con hồn rỗng ở nơi này. Ở đây chẳng có bức tường nào để leo lên, không có ngôi nhà nào để chui vào trú, không có nắp mộ nào để đậy lại sau lưng chúng tôi. Đường hầm dài hun hút, thẳng tắp và chỉ được chiếu sáng bằng vài bóng đèn đỏ yếu ớt ở từng quãng cách xa nhau.
Tôi bước nhanh hơn.
Màn đêm khép lại quanh chúng tôi.
***
Khi còn bé, tôi hay chơi trốn tìm với bố. Tôi luôn là người đi trốn, còn ông đi tìm. Tôi thực sự giỏi trò đi trốn, chủ yếu vì không như phần lớn những đứa trẻ bốn năm tuổi, tôi có khả năng – mà hồi đó cũng kể là đặc biệt – giữ mình cực kỳ im lặng trong một khoảng thời gian dài, và cũng vì tôi không hề bị ám ảnh bởi bất cứ thứ gì giống như hội chứng sợ bị giam giữ: tôi có thể thu mình chui rúc vào khoảng không gian chật chội nhất trong buồng kho sau nhà và ở yên đó trong hai mươi hay ba mươi phút, không phát ra một âm thanh nào, tận hưởng một thời gian tuyệt vời chưa từng có.
Đó là lý do hẳn sẽ khiến bạn nghĩ tôi không có rắc rối nào với những không gian khép kín tối mò. Hoặc là lý do ít nhất cũng làm bạn nghĩ một đường hầm vốn dùng để chứa các đoàn tàu, đường ray và chẳng có gì khác sẽ giúp tôi dễ xoay xở hơn so với nơi về cơ bản là một nghĩa địa mở, mọi thứ mang âm hưởng Halloween tràn ngập khắp ngóc ngách. Ấy thế nhưng, càng đi sâu vào đường hầm, tôi càng bị đè nặng bởi cảm giác sợ hãi lành lạnh ướt át cứ từ từ dâng lên – một cảm giác khác hẳn thứ cảm giác tôi dùng để phát hiện đám hồn rỗng; đây chỉ đơn giản là một linh cảm xấu. Và thế là tôi hối hả dẫn cả đám đi nhanh hết mức mà người chậm nhất trong chúng tôi có thể bước đi, thúc giục Melina cho tới khi cô gắt tôi lùi lại, một dòng adrenaline đầy kích động đều đều tiết ra giúp kìm chân cơn kiệt sức của tôi.
Sau một cuốc đi bộ dài và vài chỗ rẽ hình chữ Y trong đường hầm, con bồ câu dẫn chúng tôi tới một đoạn đường ray không được sử dụng, gạch đã bung vỡ, những vũng nước tù đọng trải rộng trên sàn hầm. Áp lực của những đoàn tàu chạy qua các đường hầm ngoài xa đẩy vào không khí xung quanh như những hơi thở từ khí quản một sinh vật khổng lồ nào đó.
Thế rồi, từ xa phía trước chúng tôi, một chấm sáng nhỏ xíu chập chờn hiện ra, nhỏ xíu nhưng lớn lên rất nhanh. “Tàu!” Emma la lên, và chúng tôi tản ra tựa dán lưng vào các vách tường. Tôi bịt hai tai lại, cứ ngỡ phải nghe tiếng ầm ầm điếc tai của động cơ tàu điện ngầm ở cự ly gần, nhưng âm thanh đó chẳng bao giờ vang lên – tất cả những gì tôi có thể nghe thấy là một tiếng rên rỉ khe khẽ, mà tôi khá chắc chắn đang vang lên từ trong đầu mình. Đúng lúc ánh sáng tràn ngập đường hầm, quầng sáng trắng lóa của nó bao trùm lấy chúng tôi, tôi đột nhiên cảm thấy áp lực trong tai mình và ánh sáng biến mất.
Chúng tôi loạng choạng ngơ ngẩn rời khỏi vách tường. Giờ đây đường ray và gạch lát dưới chân chúng tôi đều mới tinh, như thể vừa mới được lắp đặt. Đường hầm có vẻ ít đậm mùi nước tiểu hơn. Những bóng đèn lắp dọc đường đã trở nên sáng hơn, và thay vì cung cấp thứ ánh sáng ổn định, chúng chập chờn – vì đó không phải là các bóng đèn điện mà là những ngọn đèn ga.
“Chuyện gì vừa xảy ra vậy?” tôi hỏi
“Chúng ta đã vào một Vòng Thời Gian,” Emma nói. “Nhưng thứ ánh sáng kia là gì vậy? Tớ chưa bao giờ thấy cái gì tương tự.”
“Lối vào mọi Vòng Thời Gian đều có đặc trưng của chúng,” Millard nói.
“Có ai biết chúng ta đang ở đâu không?” tôi hỏi.
“Tớ đoán là nửa sau thế kỷ mười chín,” Millard nói. “Trước năm 1863, không hề có hệ thống đường tầu ngầm nào ở London cả.”
Thế rồi, từ đằng sau chúng tôi, một quầng sáng nữa xuất hiện – lần này cùng với một luồng gió nóng bỏng và tiếng gầm như sấm động. “Tàu kìa!” Emma lại la lên, và lần này thì đúng thật. Chúng tôi tựa mình áp sát vào các vách tường trong khi đoàn tàu vùn vụt lao qua trong một cơn cuồng phong của tiếng ồn, ánh sáng và khói phụt ra mù mịt. Trông nó giống một đoàn tàu với đầu máy hơi nước thu nhỏ hơn là một đoàn tàu điện ngầm hiện đại. Thậm chí còn có cả một toa dành cho nhân viên ở cuối đoàn tàu, tại đó một người đàn ông có bộ râu đen rậm cầm một cây đèn lồng cháy leo lét trên tay há hốc miệng kinh ngạc nhìn chúng tôi trong khi đoàn tàu rầm rầm lao đi rồi biến mất sau khúc quanh kế tiếp.
Cái mũ lưỡi trai của Hugh đã bị thổi bay khỏi đầu cậu và bị xéo nát. Cậu tới nhặt cái mũ lên, phát hiện ra nó đã rách tan, cậu giận dữ ném nó xuống. “Tớ chả quan tâm đến cái Vòng này,” cậu ta nói. “Chúng ta mới chỉ ở đây có mười giây mà nó đã tìm cách giết chúng ta rồi. Hãy làm những gì chúng ta cần làm rồi xuốn xéo khỏi đây thôi.”
“Tớ không thể tán thành hơn,” Enoch nói.
Con bồ câu dẫn chúng tôi đi tiếp theo đường ray. Sau chừng mười phút, nó dừng lại, kéo dây hướng về một thứ trông như bức tường trơn. Chúng tôi không hiểu tại sao cho tới khi tôi nhìn lên và phát hiện thấy một cái cửa bị ngụy trang một phần nằm nơi vách tường tiếp giáp trần đường hầm, ở trên cao sáu mét. Vì dường như không còn cách nào khác để tới chỗ cái cửa, Olive liền tháo giày ra và bay lên để quan sát gần hơn. “Trên cửa có một cái khóa,” cô nói. “Một cái khóa mã số.”
Cũng có một cái lỗ vừa cỡ một con bồ câu được khoét qua góc dưới tấm cửa, nhưng chẳng ích gì với chúng tôi – chúng tôi cần mã số.
“Có ý tưởng nào về mã số không?” Emma hỏi, hướng tới tất cả mọi người.
Cô được đáp lại bằng những cái nhún vai và những ánh mắt ngơ ngác.
“Không,” Millard nói.
“Chúng ta sẽ phải đoán,” Emma nói.
“Biết đâu lại là sinh nhật tớ,” Enoch nói. “Thử ba – một – hai – chín – hai xem.”
“Tại sao lại có ai đó biết sinh nhật cậu nhỉ?” Hugh lên tiếng.
Enoch cau mày. “Cứ thử đi.”
Olive quay vòng nhập số hết tới lại lui, rồi thử mở khóa. “Xin lỗi nhé, Enoch.”
“Thế còn ngày Vòng Thời Gian của chúng ta thì sao nhỉ?” Horace đề xuất. “Chín – ba – bốn – không.”
Cũng không phải.
“Sẽ không phải là một thứ dễ đoán như ngày tháng đâu,” Millard nói. “Như thế sẽ làm hỏng mục đích lắp khóa.”
Olive bắt đầu thử những cách phối hợp ngẫu nhiên. Chúng tôi đứng dưới quan sát, mỗi lần thử thất bại lại thêm lo lắng. Trong lúc đó, cô Peregrine lặng lẽ chui ra khỏi áo khoác của Bronwyn và nhảy tới chỗ con bồ câu, vốn đang lạch bạch đi đi lại lại quanh đầu sợi dây buộc vào chân nó, mổ mổ xuống đất. Khi trông thấy cô Peregrine, con chim cố nhảy tránh đi, nhưng cô phụ trách bèn đuổi theo, cổ họng phát ra những tiếng gừ gừ mơ hồ đầy đe dọa.
Con bồ câu đập cánh bay lên vai Melina, tránh khỏi tầm với của cô Peregrine. Cô Peregrine đứng dưới chân Melina, kêu quang quác về phía nó. Hành động này có vẻ làm con bồ câu cực kỳ bất an.
“Cô P, cô định làm gì thế?” Emma nói.
“Tớ nghĩ bà ấy muốn biết gì đó từ con chim,” tôi nói với Melina.
“Nếu con bồ câu biết đường,” Millard nói, “có lẽ nó cũng biết cả mã số nữa.”
Cô Peregrine quay sang cậu ta và kêu ré lên, sau đó lại nhìn con bồ câu và kêu to hơn nữa. Con bồ câu cố trốn sau gáy Melina.
“Có lẽ con bồ câu biết mã số nhưng không biết cách nói cho chúng ta,” Bronwyn nói, “nhưng nó có thể nói với cô Peregrine, vì cả hai đều nói ngôn ngữ của chim, và sau đó cô Peregrine có thể cho chúng ta biết.”
“Hãy để con bồ câu của cậu nói chuyện với con chim của bọn tớ,” Enoch nói.
“Chẳng có gì phải sợ cả,” Emma nói. “Cô P sẽ không bao giờ làm hại một con chim khác. Điều đó vi phạm quy tắc của các Chủ Vòng.”
Đôi mắt Melina mở to, sau đó nheo lại. “Con chim đó là một Chủ Vòng sao?”
“Cô ấy là cô phụ trách của bọn tớ!” Bronwyn nói. “Alma LeFay Peregrine.”
“Đầy rẫy ngạc nhiên, phải không nào?” Melina nói, rồi phá lên cười với vẻ khó có thể nói là thân thiện. “Các cậu có Chủ Vòng của mình ở ngay đây, vậy còn cần tìm một người khác làm gì?”
“Đó là một câu chuyện dài,” Millard nói. “Tóm lại chỉ cần biết rằng Chủ Vòng của bọn tớ cần sự giúp đỡ mà chỉ một Chủ Vòng khác làm được.”
“Chỉ cần để con bồ câu đó xuống đất để cô P có thể nói chuyện với nó!” Enoch nói.
Cuối cùng, đầy miễn cưỡng, Melina đồng ý. “Thôi nào, Winnie, cô gái ngoan.” Cô nhấc con bồ câu khỏi vai và nhẹ nhàng đặt nó xuống dưới chân, rồi để dây buộc con chim xuống dưới giày và giẫm lên để nó không bay đi được.
Tất cả mọi người vây quanh để quan sát trong khi cô Peregrine tiến tới chỗ con bồ câu. Nó tìm cách bỏ chạy nhưng bị sợi dây giữ lại. Cô Peregrine sấn tới trước mặt nó, hết cùng cục lại quàng quạc. Cảnh tượng hệt như quan sát một cuộc hỏi cung. Con bồ câu rúc đầu vào dưới cánh và bắt đầu run bần bật.
Sau đó, cô Peregrine mổ vào đầu nó.
“Này!” Melina nói. “Dừng lại!”
Con bồ câu vẫn rúc đầu như cũ và không trả lời, vật là cô Peregrine lại mổ nó, mạnh hơn.
“Đủ rồi!” Melina la lên, và vừa nhấc giày lên khỏi sợi dây, cô vừa cúi xuống con bồ câu. Song cô còn chưa kịp chạm tay vào con chim, cô Peregrine đã nhanh chân chộp lấy sợi dây, kẹp chặt nó xuống trong khi lấy mỏ ngậm chặt một bên chân thanh mảnh của con bồ câu rồi nhảy đi, con bồ câu không ngớt kêu rít lên và vùng vẫy.
Melina nổi cáu. “Quay lại đây!” cô tức giận la lên, định đuổi theo hai con chim thì bị Bronwyn giữ lại.
“Đợi đã!” Bronwyn nói. “Tớ tin chắc cô P biết mình đang làm gì…”
Cô Peregrine dừng lại xa hơn một quãng phía dưới đường ray, tránh xa tầm với của bất cứ ai. Con bồ câu vùng vẫy trong mỏ bà, còn Melina vủng vẫy trong tay Bronwyn, cả hai đều vô vọng. Cô Peregrine có vẻ đợi con bồ câu mệt mỏi và khuất phục, nhưng sau đó bà trở nên nóng nảy và bắt đầu ngậm lấy chân con bồ câu và vung nó quay tít trong không khí.
“Làm ơn, cô P!” Olive la lên. “Cô sẽ giết nó mất!”
Tôi định lao tới và tự gỡ chúng ra, nhưng hai con chim đã biến thành một đám lờ mờ chỉ thấy chân với mỏ, và không ai có thể lại đủ gần để tách riêng chúng ra. Chúng tôi kêu lên, nài nỉ cô Peregrine dừng lại.
Cuối cùng, bà cũng dừng. Con bồ câu rơi khỏi mỏ bà và lảo đảo đứng trên hai chân, quá choáng váng để có thể bay lên nổi. Cô Peregrine quàng quạc với nó hệt như lúc trước, và lần này con bồ câu chiêm chiếp trả lời. Sau đó, cô Peregrine lấy mỏ mổ xuống đất ba lần, rồi mười lần, rồi năm lần.
Ba – một – không – năm. Olive thử tổ hợp số. Cái khóa kêu tách rồi mở ra, cánh của mở vào trong, rồi một chiếc thang dây tuột xuống vách tường chạm tới tận sàn.
Cuộc hỏi cung của cô Peregrine đã có hiệu quả. Bà đã làm những gì cần làm để giúp tất cả chúng tôi, và vì thế, chúng tôi có thể bỏ qua cách hành xử của bà – nếu như không vì chuyện xãy ra tiếp theo. Bà lại xách chân con bồ câu đang đờ đẫn lên, có vẻ nổi cáu, và quăng mạnh nó vào tường.
Tất cả chúng tôi đều thảng thốt kêu lên kinh hoàng. Tôi bị sốc đến nỗi không nói nên lời.
Melina vùng ra khỏi Bronwyn để chạy tới nhặt con bồ câu lên. Con chim oặt xuống từ trên tay cô gái, cổ bị gãy.
“Ôi con chim của tôi, cô ấy đã giết nó!” Bronwyn kêu lên.
“Chúng ta đã phải trải qua từng ấy chuyện để bắt được nó,” Hugh nói, “và giờ nhìn xem.”
“Tôi sẽ vặn cổ Chủ Vòng của các người!” Melina rít lên, phát cuồng vì phẫn nộ.
Bronwyn lại tóm lấy tay cô. “Không, cậu không được làm thế! Dừng lại!”
“Chủ Vòng của các người là đồ man rợ! Nếu bà ta cư xử kiểu đó, chẳng thà chúng ta sống cùng lũ xác sống còn hơn!”
“Thu lại câu cậu vừa nói ngay!” Hugh gắt lên.
“Không đời nào!” Melina nói.
Thêm nhiều lời lẽ gay gắt trao qua đổi lại. Thiếu chút nữa đã có một cuộc ẩu đả. Bronwyn giữ lấy Melina, Emma và tôi giữ Hugh, cho tới khi cơn hăng máu của họ dịu xuống, cho dù sự phẫn nộ thì chưa.
Không ai tin nổi điều cô Peregrine vừa làm.
“Có gì ghê gớm đâu nhỉ?” Enoch nói. “Đó chỉ là một con bồ câu ngu ngốc.”
“Không, không phải,” Emma nói, thẳng thừng trách cứ cô Peregrine.
“Con chim đó là bạn của cô Wren. Nó đã hàng trăm tuổi rồi. Nó đã được nói tới trong Những truyện kể. Và giờ nó chết rồi.”
“Bị giết hại,” Melina nói, và cô nhổ nước bọt xuống đất. “Người ta gọi như thế khi có kẻ giết ai đó mà không có lý do.”
Cô Peregrine thản nhiên nhặt một con ve dưới cánh, như thể bà không hề nghe thấy những lời vừa rồi.
“Có gì đó xấu xa đã xâm nhập vào cô ấy,” Olive nói. “Thế này không giống cô Peregrine chút nào.”
“Cô ấy đang thay đổi,” Hugh nói, “trở nên nhiều chất động vật hơn.”
“Hy vọng trong cô ấy vẫn còn chút nhân tính để mà cứu vớt,” Millard ảm đạm nói.
Tất cả chúng tôi cũng đều hy vọng như thế.
Chúng tôi leo lên khỏi đường hầm, mỗi người đều chìm trong những suy nghĩ đầy âu lo của riêng mình.
***
Đằng sau cánh cửa là một hành lang dẫn tới một dãy bậc thang đưa đến một hành lang khác và một cánh cửa khác, mở vào một căn phòng tràn ngập ánh sáng ban ngày và chất đầy quần áo: những chiếc giá, tủ tường, tủ đứng đầy ắp quần áo. Cũng có hai tấm bình phong gỗ để đứng sau thay đồ, vài tấm gương gắn trên giá đứng, và một bàn may với máy khâu và những xấp vải. Nơi này nửa như cửa hiệu, nửa như xưởng may – và là một thiên đường với Horace, cậu ta nhào lộn lại vào trong và reo lên, “Tôi ở trên thiên đường rồi!”
Melina lầm lì đi sau củng, không nói gì với ai.
“Nơi này là gì vậy?” tôi hỏi.
“Một phòng cải trang,” Millard trả lời, “được thiết kế để giúp các vị khách đặc biệt tới thăm hòa lẫn vào những người bình thường của Vòng này.” Cậu ta chỉ ra một tấm hình minh họa được đóng khung mô tả cách mặc trang phục của thời kỳ đó.
“Nhập gia tùy tục!” Horace nói, đồng thời hăm hở lao về phía một giá treo quần áo.
Emma yêu cầu tất cả thay quần áo. Ngoài việc giúp chúng tôi hòa lẫn vào thực tại, quần áo mới có thể đánh lạc hướng tất cả những gã xác sống đang săn lùng chúng tôi. “Nhưng giữ áo len của các cậu lại bên trong, đề phòng có thêm rắc rối tìm đến với chúng ta.”
Bronwyn và Olive thay sang những bộ váy giản dị ở sau một tấm bình phong. Tôi đổi cái quần bê bết tro và ướt sũng mồ hôi của mình cũng như cái áo khoác lấy một bộ đồ hơi cọc cạch nhưng tương đối sạch sẽ. Ngay lập tức cảm thấy không thoải mái, tôi tự hỏi làm thế nào suốt bao thế kỷ người ta có thể liên tục mặc những thứ quần áo cứng nhắc, bó buộc kiểu này được.
Millard mặc vào một bộ đồ nom khá bảnh bao và ngồi xuống trước một cái gương. “Trông tớ thế nào?” cậu ta hỏi.
“Như một anh chàng vô hình mặc quần áo,” Horace đáp.
Millard thở dài, nấn ná lại trước gương thêm một chút, rồi cởi đồ ra và lại biến mất.
Cơn hào hứng ban đầu của Horace đã nguội xuống. “Bộ sưu tập ở đây thật kinh khủng,” cậu ta phàn nàn. “Nếu như quần áo không bị nhậy cắn thì cũng bị vá víu bằng những mảnh vải chẳng ăn nhập gì! Tớ chán ngấy cảnh trông như một đứa nhóc lang thang ngoài phố rồi.”
“Những đứa trẻ đường phố sẽ hòa lẫn vào quang cảnh xung quanh,” Emma nói từ sau màn chắn thay đồ của mình. “Những quý ông nhóc con đội mũ chóp cao thì không.” Emma trở ra đi một đôi giày bệt màu đỏ sáng bóng và một chiếc váy ngắn tay màu xanh lơ dài vừa quá gối.
“Cậu nghĩ thế nào?” cô nói, xoay người làm chiếc váy bay phồng lên.
Trông cô giống như Dorothy từ Phù thủy xứ Oz, chỉ có điều dễ thương hơn. Song tôi không biết phải nói với cô điều này thế nào trước mặt mọi người, nên thay vì thế tôi dành cho cô một nụ cười toe ngượng nghịu và giơ ngón tay cái lên.
Cô bật cười. “Cậu thích à? Chậc, thế thì quá tệ,” cô nói kèm theo một nụ cười bẽn lẽn. “Tớ sẽ chịu đựng nó như một cái ngón tay đau vậy.” Rồi một thoáng buồn bã lướt qua trên khuôn mặt cô, như thể cô cảm thấy có lỗi vì đã cười – vì đã có cho dù chỉ một khoảnh khắc vui vẻ sau những gì đã xảy ta với chúng tôi và những gì còn phải giải quyết – và cô lại chui vào sau bình phong.
Tôi cũng cảm thấy thế: nỗi sợ hãi, sức nặng của những cảnh kinh hoàng chúng tôi đã thấy, những cảnh tượng cứ liên tục lặp đi lặp lại thành một vòng tròn bất tận khủng khiếp trong tâm trí tôi. Nhưng người ta không thể từng giây từng phút đều cảm thấy khổ sở, tôi muốn nói với cô như thế. Cười không làm những điều tồi tệ trở nên tệ hơn, và khóc cũng chẳng làm chúng bớt đi. Cười không có nghĩa là bạn không quan tâm hay bạn đã lãng quên. Nó chỉ có nghĩa bạn là con người. Nhưng tôi cũng không biết phải nói ra ý nghĩ này thế nào.
Khi quay ra, Emma mặc trên người một chiếc áo trông như bao tải, tay áo rách tươm và một cái váy dài chấm bàn chân. (Trông giống những đứa trẻ đường phố hơn nhiều.) Song cô vẫn giữ lại đôi giày đỏ. Emma sẽ không bao giờ cưỡng lại được sự cám dỗ của một chút lấp lánh, dù là rất nhỏ.
“Thế còn cái này?” Horace nói, vung vẩy một bộ tóc giả phồng màu cam cậu ta tìm thấy. “Nó thì giúp ai đó hòa lẫn vào những người bình thường kiểu gì được đây?”
“Vì có vẻ như chúng ta sẽ tới một lễ hội hóa trang,” Hugh nói, ngước mắt nhìn lên một bức áp phích trên tường quảng cáo cho một lễ hội.
“Đợi chút!” Horace nói, tới cạnh Hugh đứng dưới tấm áp phích. “Tớ đã nghe nói tới nơi này rồi! Một Vòng Du Lịch cũ!”
“Vòng Du Lịch là cái gì vậy?” tôi hỏi.
“Trước đây cậu có thể tìm chúng trong khắp thế giới người đặc biệt,” Millard giải thích, “chúng được đặt theo chiến lược tại những thời điểm, địa điểm quan trọng về mặt lịch sử. Chúng tạo thành một Chuyến Tham Quan Lớn, từng có thời được coi là một phần thiết yếu trong việc giáo dục bất cứ người đặc biệt được nuôi dạy tử tế nào. Tất nhiên, đó là chuyện của rất nhiều năm trước rồi, khi việc ra ngoài vẫn còn tương đối an toàn. Tớ không nghĩ là vẫn còn cái Vòng nào kiểu này xót lại.”
Thế rồi cậu ta im bặt, chìm trong ký ức về một thời tươi đẹp hơn.
Khi ai nấy đều đã thay đồ xong, chúng tôi để quần áo thế kỷ hai mươi của mình dồn lại thành một đống và đi theo Emma qua một cánh cửa khác, ra ngoài một con hẻm đầy ắp rác và những cái thùng rỗng. Tôi nhận ra âm thanh của một lễ hội hóa trang ngoài xa: những tiếng hỗn độn chẳng thành giai điệu gì của đàn ống, tiếng reo hò ầm ĩ của một đám đông. Ngay cả trong trạng thái căng thẳng và kiệt sức, tôi vẫn cảm thấy phấn khích. Từng có lúc đây là một nơi những người đặc biệt từ những nơi xa xôi trên khắp hành tinh tìm đến để chiêm ngưỡng. Bố mẹ tôi thậm chí còn chưa bao giờ đưa tôi tới công viên Disney.
Emma đưa ra yêu cầu quen thuộc: “Ở sát nhau. Quan sát Jacob và tớ để nhận tín hiệu. Không nói gì với ai hết, và không nhìn vào mắt ai cả.”
“Làm thế nào chúng ta biết phải đi đâu?” Olive hỏi.
“Chúng ta sẽ phải nghĩ như các Chủ Vòng,” Emma nói. “Nếu cậu là cô Wren, cậu sẽ ẩn náu ở đâu?”
“Còn ở đâu nữa ngoài London?” Enoch nói.
“Giá như ai đó đứng có giết hại con bồ câu,” Bronwyn nói, cay đắng nhìn chằm chằm vào cô Peregrine.
Cô phụ trách đứng trên các viên đá lát ngước nhìn lên chúng tôi, song không ai muốn chạm đến bà. Nhưng chúng tôi vẫn phải giữ cho bà khuất khỏi tầm mắt, vì thế Horace quay lại căn phòng cải trang và lấy một cái túi vải bạt. Cô Peregrine không mấy hào hứng với cách thu xếp này, nhưng khi đã nhận ra rõ ràng là không ai chịu nhấc bà lên – và Bronwyn, giờ đây dường như hoàn toàn ghê tởm bà, lại càng không – bà bèn chui vào trong và để Horace buộc túi lại bằng một sợi dây da.
***
Chúng tôi theo những âm thanh chếch choáng của lễ hội qua một mớ bòng bong những đường hẻm chật chội, nơi những người bán hàng từ trên những chiếc xe gỗ thả xuống nào rau củ, nào những bao ngũ cốc bụi bặm và cả những con thỏ vừa giết thịt; những đứa trẻ và những con mèo gầy trơ xương lẩn lút rình mò với đôi mắt cồn cào đói, và những người phụ nữ với khuôn mặt nhem nhuốc kiêu hãnh ngồi chồm hỗm bên các rãnh nước gọt khoai tây, tạo ra từng núi vỏ ngồn ngộn. Dù chúng tôi đã cố hết sức lách qua mà không gây chú ý, tất cả họ dường như đều quay lại nhìn chăm chăm khi chúng tôi đi qua: những người bán hàng, lũ trẻ, những người phụ nữ, đám mèo hoang, những con thỏ đã chết với đôi mắt trắng dã bị treo ngược đu đưa.
Thậm chí trong bộ quần áo mới phù hợp với thời đại của mình, tôi vẫn cảm thấy rõ ràng mình không ở đúng nơi đúng chỗ. Tôi chợt nhận ra rằng, muốn hòa lẫn vào một nơi nào đó, không những trang phục mà cả tác phong cư xử cũng phải ăn nhập, mà cả các bạn tôi lẫn tôi đều không có dáng vẻ buông thõng vai và ánh mắt đảo lia lịa như những người này. Trong tương lai, nếu muốn giấu mình hữu hiệu như đám xác sống, tôi sẽ phải trau dồi thêm kỹ năng diễn xuất của mình.
Chúng tôi càng đi xa, lễ hội càng trở nên ầm ĩ hơn, và các thứ mùi cũng trở nên nặng hơn – thịt nấu quá lửa, hạt nướng, phân ngựa, phân người, và khói từ những cái bếp than, tất cả trộn lẫn vào nhau thành thứ mùi ngọt ngào một cách nôn mửa tới mức làm cả không khí đặc quánh lại. Cuối cùng, chúng tôi tới một quảng trường rộng, lễ hội đang diễn ra đúng cao trào rộn rã, đầy ắp người và những căn lều màu sắc rực rỡ, nhiều hoạt động tới mức đôi mắt tôi khó có thể thu vào cùng một lúc. Toàn bộ khung cảnh ập vào các giác quan của tôi như một đợt công kích. Có những người làm trò nhào lộn, đi trên dây, các nghệ sĩ phóng dao, người diễn trò nuốt lửa cũng như các hình thức tạp kỹ đường phố đủ loại. Một tay lang băm rao bán các loại thuốc độc quyền từ sau một chiếc xe: “Một loại thuốc bổ quý hiếm để bảo vệ đường ruột chống lại các loại ký sinh, nấm mốc có hại và mùi khó ngửi đây!” Tranh giành sự chú ý trên một sân khấu đó là một nhà trình diễn to mồm mặc áo đuôi tôm và một con vật to tướng với bộ dạng thời tiền sử, làn da xám xịt của nó rũ xuống bên ngoài bộ xương thành từng nếp nhăn nheo. Trong lúc chúng tôi len lỏi thành một hàng trong đám đông đi ngang qua trước sân khấu, tôi phải mất đúng mười giây mới nhận ra đó là một con gấu. Nó đã bị cạo lông, trói vào một cái ghế và bắt mặc một cái váy phụ nữ, và trong khi đôi mắt con gấu lồi ra trên đầu, người đàn ông cười nhăn nhở và giả bộ phục vụ trà cho nó, đồng thời ngoạc mồm hét, “Thưa quý bà quý ông! Xin giới thiệu quý bà xinh đẹp nhất trên toàn xứ Wales!” – câu giới thiệu giúp ông ta giành được một tràng cười ầm ĩ từ đám đông. Tôi có phần hy vọng con gấu sẽ bứt được xích ra và chén ông ta ngay tại đó, trước mặt bàn dân thiên hạ.
Để cự lại cái cảm giác chóng mặt do toàn bộ cơn điên loạn như trong mơ này gây ra, tôi thò tay vào túi để áp lên màn hình phẳng nhẵn của chiếc điện thoại, nhắm mắt lại trong giây lát, rồi lẩm bẩm với chính mình, “Ta là một nhà du hành vượt thời gian. Đây là thực. Ta, Jacob Portman, đang du hành thời gian.”
Ngay thực tại này cũng đã đủ kinh ngạc. Có lẽ còn đáng kinh ngạc hơn nữa, việc du hành vượt thời gian đã không làm đầu óc tôi vỡ tung; và nhờ một phép mầu nào đó tôi vẫn chưa biến thành một gã điên không ngừng huênh hoang lảm nhảm ở góc phố. Tâm lý con người linh hoạt hơn nhiều so với những gì tôi hình dung, có khả năng mở rộng để thu nhận đủ loại nghịch lý và cả những điều dường như bất khả thi. May thay cho tôi.
“Olive!” Bronwyn la lên. “Rời khỏi đó ngay!” Tôi ngước nhìn lên và thấy cô lôi Olive rời khỏi chỗ một anh hề đang cúi xuống nói chuyện với cô bé. “Tớ đã bảo cậu không biết bao nhiêu lần rồi, đừng bao giờ nói chuyện với người bình thường!”
Nhóm chúng tôi đủ đông để việc giữ mọi người bên nhau có thể trở thành một thách thức, nhất là tại một nơi như nơi này, đầy ắp những trò giải trí được bày ra rất đúng tủ để mê hoặc trẻ con. Bronwyn vào vai bà mẹ nghiêm khắc, dồn chúng tôi lại bất cứ khi nào một ai đó trong chúng tôi tách ra để tới ngắm nghía kỹ hơn một dãy những chiếc chong chóng màu sắc sực sỡ hay những chiếc kẹo vừa làm xong còn bốc hơi nghi ngút. Olive là người dễ bị phân tâm nhất, và thường xuyên có vẻ quên mất rằng chúng tôi đang trong cảnh nguy hiểm vô cùng. Chỉ có thể giữ nhiều đứa trẻ đến thế trong hàng vì họ thực sự không phải là những đứa trẻ - vì có một bản chất nào đó già dặn hơn bên trong họ, tranh đấu lại và giữ cân bằng với những thôi thúc trẻ con của họ. Với những đứa trẻ thực sự, tôi tin chắc việc duy trì kỷ luật hẳn đã là vô vọng.
Suốt một hồi chúng tôi lang thang vô định, tìm kiếm bất cứ ai trông giống như cô Wren, hay bất cứ nơi nào có vẻ là chỗ những người đặt biệt có thể dùng để ẩn náu. Nhưng cái gì ở đây cũng có vẻ đặc biệt – toàn bộ Vòng Thời Gian này, với tất cả sự lạ lùng hỗn loạn của nó, là màn ngụy trang hoàn hảo cho những người đặc biệt. Ấy thế nhưng, ngay cả ở đây, người ta vẫn hướng sự chú ý vào chúng tôi, đầu họ thoáng quay theo khi chúng tôi đi ngang qua. Tôi bắt đầu bị hoang tưởng. Có bao nhiêu người trong đám đông quanh chúng tôi là gián điệp cho đám xác sống – hay chính là xác sống? Tôi đặc biệt cảnh giác anh hề, kẻ Bronwyn đã kéo Olive rời khỏi. Hắn cứ liên tục xuất hiện trở lại. Chúng tôi chắc chắn phải gặp hắn đến năm lần chỉ trong từng ấy phút: tha thẩn ở đầu một con hẻm, nhìn chằm chằm xuống từ một ô cửa sổ, dõi theo chúng tôi từ một căn lều chụp ảnh, mái tóc rối bù và lớp hóa trang kinh khủng tương phản một cách lạ lùng với phông nền vẽ cảnh đồng quê yên bình. Có vẻ như hắn có mặt khắp nơi trong cùng lúc.
“Lang thang ngoài nơi trống trải thế này chẳng tốt chút nào,” tôi nói với Emma. “Chúng ta không thể cứ lòng vòng mãi. Mọi người đang để ý tới chúng ta. Những tên hề.”
“Hề ư?” cô hỏi lại. “Dù sao đi nữa, tớ đồng ý với cậu – nhưng thật khó biết phải bắt đầu từ đâu giữa cảnh điên rồ này.”
“Chúng ta nên bắt đầu tại nơi luôn là phần đặc biệt nhất của bất cứ lễ hội nào,” Enoch nói, chen vào giữa hai chúng tôi. “Màn biểu diễn phụ.” Cậu ta chỉ tay về phía một mặt phông cao trang trí lòe loạt ở góc quảng trường. “Những màn biểu diễn phụ và những người đặc biệt đồng hành với nhau chẳng khác gì sữa và bánh giòn. Hay hồn rỗng và xác sống.”
“Họ hay làm vậy,” Emma nói, “những đám xác sống cũng biết thế. Tớ tin chắc cô Wren không giữ được tự do lâu đến thế bằng cách ẩn náu ở những nơi hiển nhiên như vậy.”
“Cậu có ý tưởng nào hay hơn chăng?” Enoch nói.
Chúng tôi không có, và vì thế chúng tôi chuyển hướng về phía màn biểu diễn phụ. Tôi nhìn lại sau để tìm kiếm tên hề đáng ngờ, nhưng hắn đã khuất dạng vào đám đông.
Ở vị trí cuộc biểu diễn phụ, một tay hoạt náo viên lễ hội tóc đầy gàu đang gân cổ lên qua một cái loa, hứa hẹn hình ảnh “những sai lầm kinh khủng nhất của thiên nhiên mà luật pháp cho phép mang ra trình diễn” với giá tiền cực rẻ. Màn trình diễn được gọi là Đại Hội Những Điều Kỳ Dị Của Nhân Loại.
“Nghe như vài dạ tiệc tớ từng tham dự,” Horace nói.
“Một số trong những ‘điều kỳ dị’ này có thể là năng lực đặc biệt,” Millard nói, “trong trường hợp đó họ có thể biết ít nhiều về cô Wren. Theo tớ như thế cũng đáng tiền mua vé vào xem.”
“Chúng ta làm gì có tiền mua vé vào,” Horace nói, moi một đồng xu xây xước từ trong túi áo ra.
“Từ khi nào chúng ta phải trả tiền để vào xem một màn biễu diễn phụ nhỉ?” Enoch nói.
Chúng tôi đi theo Enoch vòng ta đằng sau nơi trình diễn màn biểu diễn phụ, tại đây mặt tiền trông như một bức tường đã nhường chổ cho một cái lều to phồng phềnh. Chúng tôi đang tìm một kẽ hở để chui qua thì một cánh cửa vải được kéo vào, một người đàn ông và một người phụ nữ mặc lịch sự lao ra, người đàn ông đỡ người phụ nữ, người phụ nữ đang quạt lấy quạt để.
“Tránh ra!” người đàn ông hét to. “Người phụ nữ này cần không khí!”
Trên cửa có một tấm biển ghi: CHỈ DÀNH CHO NGƯỜI BIỂU DIỄN.
Chúng tôi lách vào trong và lập tức dừng lại. Một cậu bé mặt mũi bình thường ngồi trên một cái ghế đẩu mặt bọc múi phồng gần lối vào, có vẻ giữ vai trò chính thức nào đó. “Các cậu là người biểu diễn à?” cậu ta hỏi. “Không được phép vào trừ phi là người biểu diễn.”
Emma vờ làm ra vẻ phật ý nói, “Tất nhiên chúng tớ là người biểu diễn,” và để thể hiện, cô tạo ra một ngọn lửa nhỏ xíu trên đầu ngón tay mình rồi gí nó vào mắt để dập tắt.
Cậu nhóc nhún vai, không hề bị ấn tượng. “Vậy thì vào đi.”
Chúng tôi đi qua trước mặt cậu ta, chớp mắt, mắt chúng tôi chậm chạp thích nghi với bóng tối. Nơi diễn ra màn trình diễn phụ là một mê lộ trần thấp tạo thành từ những tấm vải bạt – một hành lang được thắp sáng bằng đuốc tạo thành hiệu ứng thật huyền ảo cứ sau hai mươi hay ba mươi bước chân lại rẽ ngoặt, để cứ sau mỗi góc rẽ chúng tôi lại đối diện với một “sự ghê rợn của tự nhiên” mới. Một dòng khán giả, một số phá lên cười, một số khác tái mét run lẩy bẩy, loạng choạng đi qua bên cạnh chúng tôi theo hướng ngược lại.
Vai trò dọa nạt đầu tiên đều là những màn trình diễn điển hình cho các cuộc trình diễn phụ ở hội chợ, và không có gì thực sự đặc biệt: một người “minh họa” cả người kín mít hình xăm; một phụ nữ có râu vuốt bộ râu cằm dài của mình và cười khúc khích; một người đàn ông vào vai cái gối đâm kim, dùng những chiếc kim đâm xuyên vào mặt mình, rồi dùng một cái búa đóng đinh vào hai cái lỗ mũi mình. Trong khi tôi nghĩ cảnh này thực sự ấn tượng, các bạn tôi, một số từng đi khắp châu Âu để biểu diễn cùng cô Peregrine, không kìm nổi ngáp vì chán.
Dưới tấm biển ghi NHỮNG NGƯỜI DIÊM KỲ DIỆU, một người đàn ông với hàng trăm hộp diêm dán trên bộ đồ đang mặc cọ người vào một người đàn ông khác dính đầy que diêm trên quần áo, làm lửa cháy bùng lên trên đám que diêm trước ngực ông này trong khi ông ta loạng choạng giả bộ kinh hoàng.
“Toàn nghiệp dư,” Emma lẩm bẩm trong lúc dẫn chúng tôi tới chỗ màn trình diễn tiếp theo.
Những sự kỳ lạ ngày càng trở nên lạ lùng hơn. Có một cô gái mặc chiếc váy dài có tua quấn một con trăn khổng lồ quanh người, con trăn trườn đi và uốn mình múa theo lệnh cô gái. Emma thừa nhận rằng việc này ít nhất cũng gần đến mức đặc biệt, vì khả năng thôi miên rắn là một điều chỉ các syndrigasti mới có thể làm được. Nhưng khi Emma có nói về cô Wren với cô gái này, cô ta lừ mắt nhìn chúng tôi đầy thù địch và con trăn của cô ta phì phì nhe nanh ra, còn chúng tôi đành đi tiếp.
“Chuyện này chỉ phí thời gian,” Enoch nói. “Thời gian của cô Peregrine đang cạn kiệt mà chúng ta lại đang lượn lờ tại một lễ hội! Thế sao không mua ít kẹo rồi ăn cho thỏa thích luôn nhỉ?”
Song chỉ còn thêm một trò kinh dị nữa để xem, vì thế chúng tôi đi tiếp. Sân khấu cuối cùng gần như trống trơn, ngoại trừ một cái phông trơn, một cái bàn nhỏ có bày hoa, và một tấm bảng đặt trên giá ghi: NGƯỜI GẤP NỔI TIẾNG THẾ GIỚI.
Một người phục vụ bước lên sân khấu, kéo theo một chiếc va li. Ông ta đặt va li xuống rồi rời đi.
Một đám đông tập trung lại. Cái va li nằm đó, giữa sân khấu. Khán giả bắt đầu la lối, “Bắt đầu diễn đi!” và “Mang trò kinh dị ra đây!”
Cái va li nhúc nhích. Rồi nó bắt đầu lắc lư, lắc tới lắc lui cho tới khi lật nghiêng sang một bên. Đám đông dồn lại gần sâu khấu, dán mắt vào nó.
Các chốt khóa va li bật ra, và thật từ từ, chiếc va li bắt đầu mở. Một đôi mắt trắng dã hé lộ khuôn mặt – của một người đàn ông trưởng thành, với bộ ria được xén tỉa gọn gàng và một đôi kính mắt tròn nhỏ, bằng cách nào đó ông đã gập mình vào trong một chiếc va li to không hơn thân mình tôi.
Đám đông vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, tràng hoan hô mỗi lúc một to khi nhân vật kỳ dị kia lộ diện, từng chi một, và bước ra khỏi chiếc va li nhỏ tới mức khó tin. Ông ta rất cao và gầy nhom như một cây cọc trồng đậu – quả thực là gầy đến mức báo động, như thể xương ông ta sắp chọc qua da đến nơi. Ông ta quả là một dấu chấm than hình người, nhưng thể hiện phong cách đường hoàng tới mức tôi không thể cười ông ta được. Ông ta nghiêm nghị quan sát đám đông đang reo hò đoạn cúi chào thật thấp.
Sau đó, người đàn ông dành một phút để cho thấy tứ chi của mình có thể uốn cong theo mọi cách kỳ lạ - đầu gối ông ta gập lại tới mức mũi bàn chân chạm tới tận môi, rồi hông ông ta gập lại để đầu gối chạm ngực – sau nhiều tràng hoan hô và nhiều cái cúi chào nữa, màn trình diễn kết thúc.
Chúng tôi nấn ná lại sau khi đám đông tản đi. Người Gấp đang xuống khỏi sân khấu thì Emma nói với ông ta, “Ông là người đặc biệt, phải không nào?”
Người đàn ông dừng lại. Ông ta từ tốn quay sang nhìn cô với vẻ khó chịu cao ngạo. “Cháu nói gì cơ?” ông ta nói với khẩu âm Nga đặc sệt.
“Xin lỗi phải làm phiền ông thế này, nhưng chúng tôi cần tìm cô Wren,” Emma nói. “Chúng tôi biết bà ấy ở đâu đó tại đây.”
“Hừ!” người đàn ông nói, gạt cô đi bằng một âm thanh nửa cười cợt nửa khạc nhổ.
“Đây là chuyện khẩn cấp!” Bronwyn năn nỉ.
Người Gấp khoanh tay lại thành một chữ X xương xẩu và nói, “Tôi hông hỉu các cháu nói gì,” rồi rời khỏi sân khấu.
“Giờ thì sao đây?” Bronwyn hỏi.
“Chúng ta tiếp tục tìm,” Emma nói.
“Thế nhỡ không tìm thấy cô Wren thì sao?” Enoch hỏi.
“Chúng ta tiếp tục tìm,” Emma nói qua hai hàm răng siết chặt. “Mọi người hiểu chứ?”
Mọi người đều hiểu quá rõ. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Nếu khả năng này không thành công – nếu cô Wren không ở đây hoặc chúng tôi không sớm tìm thấy bà – thì tất cả nỗ lực đã bỏ ra đều là công cốc, và chúng tôi sẽ đánh mất cô Peregrine, hệt như thể chúng tôi chưa bao giờ tới London.
Chúng tôi ra khỏi khu biểu diễn phụ theo đường đã vào, ủ rũ, đi qua các sân khấu giờ đã trống không, qua trước cậu nhóc có khuôn mặt tẻ ngắt, rời khỏi cái lều để bước ra ánh sáng bên ngoài. Chúng tôi đang đứng bên ngoài lối ra, không biết nên làm gì tiếp theo, thì cậu nhóc có khuôn mặt tẻ ngắt ló ra khỏi tấm cửa vải. “Gặp rắc rối à?” cậu ta hỏi. “Màn trình diễn không hợp khẩu vị sao?”
“Nó… rất được,” tôi nói để tống khứ cậu ta đi.
“Không đủ đặc biệt với các cậu à?” cậu ta hỏi.
Câu hỏi thu hút được sự chú ý của chúng tôi. “Cậu nói sao?” Emma hỏi.
“Wakeling và Rookery,” cậu nhóc nói, chỉ tay ra đằng sau chúng tôi, về phía góc xa của quảng trường. “Đó là nơi diễn ra màn trình diễn thực sự.” Rồi cậu ta nháy mắt với chúng tôi và chui trở vào trong lều.
“Thật bí hiểm,” Hugh nói.
“Có phải cậu ta nói đặc biệt không?” Bronwyn hỏi.
“Wakeling và Rookery là gì vậy?” tôi hỏi.
“Một địa điểm,” Horace nói. “Nơi nào đó trong vòng này, có lẽ vậy.”
“Có thể là một ngã ba,” Emma nói, và cô nhấc tấm cửa lều lên để hỏi cậu nhóc xem ý cậu ta có phải vậy không – song cậu ta đã đi khỏi.
Thế là chúng tôi lên đường chen qua đám đông, hướng về phía góc quảng trường đằng xa cậu nhóc đã chỉ, chút hy vọng mong manh cuối cùng của chúng tôi bấu víu cả vào hai cái tên phố lạ lùng thậm chí chúng tôi còn chẳng dám chắc có tồn tại hay không.
***
Có một nơi, nằm quá quảng trường vài khối nhà, tại đó tiếng ồn ào của đám đông lắng hẳn và được thay thế bằng tiếng loảng xoảng chan chát của xưởng thợ, và thứ mùi đặc quánh của thịt nướng và chất thải động vật được thay thế bằng một thứ mùi còn kinh khủng hơn nhiều và không định nổi tên. Băng qua một dòng chất thải đặc sệt có tường chắn, chúng tôi đi vào khu vực của các nhà máy và công xưởng, của các ống khói đang tống thứ vật chất đen ngòm lên bầu trời, và đây là nơi chúng tôi tìm thấy phố Wakeling. Chúng tôi đi bộ theo một chiều xuống phố Wakeling, để tìm Rookery cho tới khi phố này kết thúc tại một đường cống lộ thiên khổng lồ được Enoch cho hay là sông Fleet, rồi quay lại đi theo chiều ngược lại. Khi chúng tôi đi quá vị trí chúng tôi rẽ vào phố Wakeling ban đầu, con phố này bắt đầu uốn cong và chạy ngoằn ngoèo, các nhà máy, công xưởng thu dần lại thành các văn phòng chật chội và những tòa nhà khiêm nhường với mặt tiền vô hồn và không có biển hiệu gì, cứ như thể một khu vực được xây dựng có chủ ý để trở thành vô danh.
Cảm giác bất an tôi bị ám ảnh nãy giờ càng trở nên trầm trọng hơn. Sẽ thế nào nếu chúng tôi bị giăng bẫy – bị lừa tới khu vực khuất nẻo này của thành phố để bị phục kích mà không ai nhìn thấy?
Con phố uốn éo rồi chạy thẳng trở lại, thế rồi tôi đâm sầm vào Emma, cô vẫn đi ngay trước tôi song vừa đột ngột dừng lại.
“Có chuyện gì vậy?” tôi hỏi.
Thay vì trả lời, cô chỉ chỉ tay. Đằng trước, tại một ngã ba, có một đám đông. Cho dù ở chỗ lễ hội trời nóng đến phát ngốt, rất nhiều người trong đám đông vẫn xúng xính trong áo khoác và khăn quàng. Họ đang tập trung lại quanh một tòa nhà, và đứng đó ngước nhìn lên tòa nhà trong tâm trạng ngỡ ngàng đến sững sờ - cũng hệt như chúng tôi vào lúc này. Bản thân tòa nhà chẳng có gì đặc biệt – bốn tầng, ba tầng trên chỉ là những dãy cửa sổ tròn, hẹp, như một tòa nhà văn phòng cũ. Kỳ thực, tòa nhà này gần như giống hết các tòa nhà gần nó, với một ngoại lệ: nó hoàn toàn chìm ngập trong băng. Băng bao bọc ngoài các cửa sổ và cửa ra vào. Những trụ băng rủ xuống như những chiếc răng nanh từ tất cả các khung cửa và gờ tường. Tuyết tràn ngập trên các bậc cửa, dồn thành từng đống lớn trên vỉa hè. Trông như thể một cơn bão tuyết đã giáng xuống tòa nhà – từ bên trong.
Tôi nhìn chăm chăm vào một tấm biển tên phố bị tuyết phủ lên: PH… R… KERY.
“Tớ biết nơi này,” Melina nói. “Đây là văn khố đặc biệt, nơi lưu trữ tất cả các hồ sơ chính thức của chúng ta.”
“Làm thế nào cậu biết được?” Emma hỏi.
“Cô Thrush đang chuẩn bị cho tớ trở thành trợ lý thứ hai của nữ thủ thư tại đây. Kỳ thi rất khó khăn. Tớ đã học trong suốt hai mươi mốt năm.”
“Và đây cũng là nơi Hội đồng Chủ Vòng Thời Gian được triệu tập để xem xét chi li các quy định hằng năm,” Millard nói.
“Hội đồng Chủ Vòng họp ở đây à?” Horace hỏi. “Thật xoàng xĩnh quá. Tớ cứ nghĩ phải là một lâu đài hay nơi nào tương tự cơ.”
“Nơi được chọn phải không nổi bật,” Melina nói. “Nó được chọn để cậu không thể phát hiện ra được.”
“Thế thì họ đã che giấu nó quá dở rồi,” Enoch nói.
“Như tớ nói rồi, nơi này không phải lúc nào cũng bị băng bao phủ.”
“Vậy theo cậu chuyện gì đã xảy ra ở đây?” tôi hỏi.
“Không gì tốt đẹp,” Millard nói. “Không gì tốt đẹp hết.”
Chắc chắn chúng tôi cần phải lại gần và khám phá, song như vậy không có nghĩa là chúng tôi cần hối hả lao tới như một lũ ngốc. Chúng tôi nán lại quan sát từ ngoài xa. Người ta tới rồi đi. Một số thử cạy cửa nhưng nó đã đóng băng cứng ngắc. Đám đông thưa đi ít nhiều.
“Tích, tích, tích,” Enoch nói. “Chúng ta đang lãng phí thời gian đấy.”
Chúng tôi len qua những người còn lại trong đám đông và đặt chân lên đoạn vỉa hè đóng băng. Tòa nhà phả ra hơi lạnh, chúng tôi rùng mình, đút hết tay vào túi để chống lại cái lạnh này. Bronwyn dùng sức mạnh của cô để kéo mở cửa, và cánh cửa bị giật bung ra, bản lề bay tung – nhưng hành lang mở ra sau đó đã hoàn toàn bị băng che kín. Khối băng trải kín từ bức tường này đến bức tường kia, từ sàn tới trần, và ăn sâu vào trong tòa nhà thành một màu xanh mờ đục. Tình hình tương tự với các cửa sổ: tôi lau lớp sương đọng trên một khung kính rồi một khung kính khác, và qua cả hai khung kính tôi cũng chỉ nhìn thấy băng. Cứ như thể một dòng sông băng đã hình thành đâu đó trong lòng nơi này, và những cái lưỡi băng giá của nó thè ra bất cứ chỗ nào có khoảng mở.
Chúng tôi thử đủ cách có thể nghĩ ra được để chui vào trong. Chúng tôi đi vòng quanh tòa nhà tìm xem có cửa ra vào hay cửa sổ nào không bị băng chặn, nhưng mọi lối vào tiềm tàng đều đầy ự băng. Chúng tôi nhặt đá và gạch lên, cố đập vỡ băng, nhưng thứ băng này có độ cứng gần như siêu nhiên – thậm chí cả Bronwyn cũng không thể khoét sâu được vào nó hơn vài phân. Millard lục lọi trong cuốn Những truyện kể để tìm xem có thông tin nào về tòa nhà không, song chẳng có gì, chẳng thấy bí mật nào.
Cuối cùng, sau khi cân nhắc, chúng tôi quyết định chấp nhận một rủi ro. Chúng tôi đứng chụm thành nửa vòng tròn quanh Emma để che kín cô khỏi tầm mắt, và cô đốt nóng hai bàn tay mình, áp chúng lên bức tường băng che kín lối vào. Sau một phút, hai bàn tay bắt đầu ngập vào trong băng, nước tan ra chảy xuống thành vũng dưới chân chúng tôi. Nhưng quá trình này diễn ra chậm chạp kinh khủng, và sau năm phút, cô cũng chỉ tiến sâu vào được tới khuỷu tay.
“Với tốc độ này, sẽ phải mất hết tuần mới đi tới cuối hành lang được,” cô nói, rút hai cánh tay ra khỏi băng.
“Cậu có nghĩ cô Wren thực sự ở trong đó không?” Bronwyn hỏi.
“Chắc chắn phải vậy,” Emma kiên quyết nói.
“Tớ thấy cơn lây lan sự lạc quan này thực sự đáng kinh ngạc,” Enoch nói. “Nếu cô Wren ở trong kia, thì bà ấy hẳn là đông cứng rồi.”
Emma nổi xung lên với cậu ta. “Tận thế và u ám! Sụp đổ và tan hoang! Tớ nghĩ hẳn cậu sẽ thấy hạnh phúc nếu thế giới chấm dứt vào ngày mai, chỉ để cậu có thể nói Tớ đã bảo mà ấy nhỉ!”
Enoch chớp mắt nhìn cô, kinh ngạc, rồi nói rất bình thản, “Cậu có thể chọn sống trong một thế giới tưởng tượng nếu cậu thích, cô bạn thân mến, nhưng tớ là một người thực tế.”
“Nếu có lúc nào đó cậu từng đưa ra không chỉ là sự chỉ trích đơn thuần,” Emma nói, “nếu có lúc nào đó cậu từng đưa ra dù chỉ một đề xuất hữu ích trong lúc khó khăn, thay vì chỉ nhún vai trước viễn cảnh thất bại và chết chóc, thì chắc tớ có thể chịu đựng được thái độ lúc nào cũng bi quan của cậu! Nhưng vì đã như thế…”
“Chúng ta đã thử mọi cách rồi!” Enoch chặn ngang. “Tớ còn có thể đề xuất gì đây?”
“Có một điều duy nhất chúng ta chưa thử,” Olive lên tiếng, xen vào từ phía sau nhóm của chúng tôi.
“Là gì?” Emma hỏi.
Olive quyết định làm thay vì nói với chúng tôi. Rời khỏi vủa hè, cô bé đi vào giữa đám đông, quay mặt về phía tòa nhà, rồi lấy hết sức gọi to, “Xin chào, cô Wren! Nếu bà ở trong đó, làm ơn hãy ra đi! Chúng cháu cần bà…”
Không để cô bé kịp nói hết, Bronwyn đã ngăn lại, và phần cuối câu nói của Olive được hét vào cánh tay cô gái mạnh mẽ. “Cậu mất trí à?” Bronwyn nói, ôm Olive lôi trở lại chỗ chúng tôi.
“Cậu sắp làm tất cả chúng ta bị bại lộ đấy!”
Cô để Olive đứng xuống vỉa hè và định trừng phạt cô bé thêm nữa thì nước mắt bắt đầu ròng ròng chảy xuống trên khuôn mặt cô bé. “Chúng ta bị phát hiện thì đã làm sao?” Olive nói. “Nếu chúng ta không thể tìm được cô Wren và không thể cứu cô Peregrine, thì dù cả một đội quân xác sống ập tới chúng ta ngay bây giờ cũng có quan trọng gì?”
Một người phụ nữ bước ra khỏi đám đông và lại gần chúng tôi. Bà đã lớn tuổi, lưng còn vì tuổi tác, khuôn mặt bị che khuất một phần dưới chiếc mũ trùm của áo khoác. “Cô bé này không sao chứ?” bà hỏi.
“Em ấy không sao ạ, cảm ơn bà,” Emma đáp khá cộc cằn.
“Có đấy!” Olive nói. “Chẳng có gì ổn cả! Tất cả những gì chúng cháu từng muốn là sống bình yên trên hòn đảo của mình, và rồi những kẻ xấu tới, làm hại cô phụ trách của chúng cháu. Giờ đây tất cả những gì chúng cháu muốn làm là giúp cô ấy, thế mà chúng cháu còn chẳng thể làm nổi việc đó!”
Olive cúi đầu xuống và bắt đầu khóc nức nở thật thương tâm.
“Được rồi,” người phụ nữ nói, “thật tốt là các cháu đã tới tìm ta.”
Olive ngước nhìn lên, sụt sịt và hỏi, “Tại sao lại thế ạ?”
Và rồi người phụ nữ biến mất.
Chỉ vậy thôi.
Bà biến mất khỏi bộ trang phục của mình, và áo khoác của bà, đột nhiên rỗng không, rơi xuống vỉa hè với một tiếng vút nhẹ nhàng. Tất cả chúng tôi đều quá sững sờ đến nỗi chẳng nói được gì – cho tới khi một con chim nhỏ nhảy ra từ dưới các nếp áo khoác.
Tôi cứng người lại, không chắc liệu tôi có nên tìm cách bắt nó hay không.
“Có ai biết đó là loại chim gì không?” Horace hỏi.
“Tớ tin rằng đó là một con hồng tước,” Millard nói.
Con chim vỗ vỗ cánh, lao lên không trung và bay đi, biến mất ra đằng sau hông tòa nhà.
“Đừng để mất dấu nó!” Emma la lên, và tất cả chúng tôi cùng chạy lao theo con chim, loạng choạng trượt ngã trên băng, vòng ra sau hông nhà vào con hẻm ngập tuyết nằm giửa tòa nhà bị đóng băng và ngôi nhà kế bên nó.
Con chim đã biến mất.
“Khỉ thật!” Emma nói. “Nó đâu rồi?”
Thế rồi một chuỗi âm thanh lạ lùng vang lên từ mặt đất dưới chân chúng tôi: tiếng kim loại va đập lanh canh, những giọng nói, và một tiếng ồn như nước phun. Chúng tôi gạt tuyết ra và tìm thấy hai cánh cửa gỗ được gắn vào vách gạch, như lối vào một tầng hầm đựng than vậy.
Những cánh cửa này không có then cài. Chúng tôi kéo mở chúng ra. Bên trong có những bậc thang dẫn xuống bóng tối, các bậc thang đều phủ một lớp băng đang nhanh chóng tan ra, nước đang òng ọc chảy xuống một lỗ cống không thể trông thấy nào đó, phát ra âm thanh thật to.
Emma cúi khom người xuống và gọi vào bóng tối. “Xin chào? Có ai trong đó không?”
“Nếu các cháu đang tới,” một giọng nói vọng lại từ xa, “thì tới nhanh lên!”
Emma kinh ngạc đứng thẳng dậy. Rồi hỏi to, “Bà là ai?”
Chúng tôi đợi một câu trả lời. Không có.
“Chúng ta còn đợi gì nữa đây?” Olive lên tiếng. “Đó chính là cô Wren!”
“Chúng ta không rõ,” Millard nói. “Chúng ta đâu có biết chuyện gì đã xảy ra ở đây.”
“À, tớ sẽ đi tìm hiểu,” Olive nói, và chưa kịp ngăn cản, cô bé đã đi xuống cửa hầm, luồn qua, bồng bềnh nhẹ nhàng hạ xuống đáy hầm. “Tớ vẫn còn sống!” giọng cô vọng lên chế giễu chúng tôi từ trong bóng tối.
Bị nỗi xấu hổ thôi thúc, chúng tôi phải đi theo cô bé, bước xuống các bậc thang, và tìm thấy một hành lang chạy xuyên qua băng dày. Nước lạnh cóng nhỏ tong tỏng từ trên trần xuống, chạy dọc theo các vách tường thành một dòng liên tục. Và bên trong nói cho cùng cũng không hoàn toàn tối đen – ánh sáng mờ dịu hắt ra từ sau một chỗ rẽ của hành lang phía trước.
Chúng tôi nghe thấy tiếng bước chân đi lại gần. Một cái bóng xuất hiện trên vách tường phía trước chúng tôi. Rồi một thân hình mặc áo khoác xuất hiện từ sau chỗ rẽ, hiện lên trong quầng sáng.
“Xin chào, các bạn trẻ,” người này nói. “Ta là Balenciaga Wren, và ta rất vui là các cháu ở đây.”
Thành Phố Hồn Rỗng Thành Phố Hồn Rỗng - Ranson Riggs Thành Phố Hồn Rỗng