Chương 15
àu đỗ lại đột ngột khiến người đàn ông răng bạc và tôi cũng bật ngửa về phía sau. Nó chạy thêm vài chục thước nữa, rồi dừng hẳn lại. Ga mới đứng sừng sững dưới ánh đèn. Ga này vắng khách. Trên đường kè xi măng, chỉ có dăm người đủng đỉnh lên tàu. Những chiếc vali nhỏ nơi tay họ giống như hộp đựng đồ hóa trang của diễn viên. Ga không lớn, nhưng kiểu kiến trúc nặng nề. Chúng giống những tảng đá xếp xô lệch, chồng chất lên nhau. Và những cây cột đèn đứng thành hàng đều đặn trên khoảng sân rộng, trông trơ trọi, chẳng ăn nhập vào đâu. Tuyến đường này, tôi đã đi vài lần. Tên các nhà ga, tôi không nhớ hết. Những cái tên Nga, dài lòng thòng, trúc trắc đối nghịch tâm hồn giản dị của họ. Nhưng bù vào đó, địa thế và kiến trúc các nhà ga, tôi nhớ như in. Ga này xấu xí. Không hiểu vì sao, cứ nhìn thấy nó tôi đã có cảm giác nặng nề, u uất. Dường như những dáng thô lậu, thiếu hài hòa ấy hăm dọa con người, đem cho họ những dự cảm không may mắn.
Tàu dừng ở ga khá lâu, có lẽ do bảng điều phối chung của ngành đường sắt. Trong khoảng thời gian chờ đợi, tôi móc trong túi được một nắm kẹo. “Chìa khóa vàng.” Tôi mời khách đồng hành. Ông ta cười váng lên:
- Răng tôi sắp hỏng hết rồi. Kẹo là kẻ thù số một đấy.
Tôi nhí nhách bóc kẹo, mong cho con tàu nhanh nhanh rời ga.
Rồi cũng tới lúc tàu rời ga thật. Những khối đen nặng nề từ từ trôi về phía sau. Cả các cột đèn trơ trọi, với những bình thủy tinh chụp hình trái anh đào lộn ngược. Cả cái bồn hoa hẹp và dài, chạy dọc theo kè xi măng, rùm ròa loài cây gai đầy hoa nở.
Người đàn ông mở sổ ra xem, và nói:
- Còn ba ga nữa thôi. Khoảng một giờ bốn mươi phút nữa ta sẽ tới Mátxcơva.
Tôi đáp,
- Vâng.
Ông ta hỏi,
- Có người chờ cô ở đấy chứ?
Tôi lúng búng đáp,
- Không biết. Có thể có.
Ông khách liếc nhìn tôi, rồi nhún vai:
- Một con chuột nhắt như thế này mà không có ai ra đón ư?
Tôi mỉm cười, thay cho câu trả lời. Còn ông ta rung đùi nhìn tôi, mắt nheo lại đầy hoài nghi. Lúc ấy, có tiếng mở cửa. Hai gã trai trẻ bước vào. Một gã cao to, lưng gấu, tóc vàng. Gã kia tóc đen, lông mày đen, ria mép đen, kiểu như người xứ Grudia. Toa tàu tràn ngập mùi rượu. Người đàn ông ngồi bên tôi ngả người ra phía sau, duỗi dài đôi cẳng chân. Rồi ông ta đưa mắt nhìn hai gã trai trẻ. Ngược lại, hai gã không nhìn ông ta mà nhìn tôi:
- A...
Gã tóc đen cất tiếng reo rồi xô tới:
- Mày có quần bò mốc không? Tao mua.
Tôi lắc đầu,
- Không có.
Dường như gã không nghe tôi trả lời, gã cao giọng nhắc lại lần thứ hai.
- Quần bò mốc, quần bò hoa. Tao mua cho.
Tôi đáp lại, to tiếng hơn.
- Không có.
Gã tóc vàng, lưng gấu cúi đầu xuống:
- Tao trả 130 rúp, bán đi. Ở Mátxcơva chúng nó mua rẻ hơn. Chỉ 115 rúp thôi.
Tôi đáp,
- Tôi đã bảo là tôi không có.
Gã tóc đen cau mày, hàng ria mép đen đụng đậy,
- Mày không muốn bán cho chúng tao, phải không?
Gã móc túi, chìa ra một nắm bạc,
- Chúng tao không ăn cắp, chúng tao trả tiền. Nhìn đây.
Hơi rượu phả vào tận mũi tôi. Tôi thấy óc não bắt đầu quay cuồng, hai thái dương nóng rừng rực.
- Tôi đã bảo là tôi không có. Mấy người điên hay sao?
Mắt gã trai tóc đen long lên, tức giận. Gã nhét tiền vào túi, tiến lên một bước, đứng chặn ngay trước mặt người đàn ông răng bạc. Rồi gã xỉa ngón tay vào trán tôi:
- Mày không chịu bán, phải không? Tụi Việt Nam chúng mày không bán, còn ai bán. Lần trước, một con bé giống mày bán cho tao chiếc áo phông tồi. Đem về nhà, em gái tao mặc. Một lần, đã rách hết đường chỉ. Ở đường phố Áccbát ấy, biết không, chỉ có chúng mày và tụi digan bán hàng rong.
Nước mắt và muối cùng lúc tràn lên che kín mắt tôi. Người đàn ông răng bạc đứng lên, làm gì đó, hình như túm cổ gã trai. Tôi nghe tiếng ông ta hét:
- Cút ngay, cút ngay, không ta cho chúng mày xuống đường tàu.
Tiếng ông ta bập bùng như gõ trống bên tai. Hình ảnh ông cũng lờ mờ, bị lủi chìm trong màn nước mắt. Tôi trùm tấm khăn len lên đầu, khóc nức nở, khóc như bị đòn oan, không còn kiềm chế được. Người khách đồng hành vỗ vai tôi nhẹ nhẹ, ra chiều an ủi. Rồi sau đó, ông ta khoanh tay, ngồi im lặng với vẻ mặt của một người từng trải, kiên nhẫn chờ đợi.
Bây giờ, tôi không hiểu vì sao tôi đã khóc như thế. Nhưng lúc ấy, nước mắt như dòng lũ không ngăn được. Lần đầu tiên, trong đời, tôi khóc trước một người khách lạ. Ông ta lại rút thuốc ra châm. Còn tôi, khi đã khan hết giọng, tôi rũ xuống như tàu lá héo, ngã vật vào góc toa tàu. Bên ngoài, những thị trấn, những phố lẻ lác đác ánh đèn trôi qua. Giống như những đốm lửa lạnh lẽo, xa cách, chúng nhắc nhở sân ga Mátxcơva năm trước.
Năm ngoái, cũng bà Vêra trao cho tôi bức điện:
“Hằng đến ngay Mátxcơva. Khách sạn Ratxia. Phòng 607.”
Tôi biết cậu Chính đã sang Nga, vì từ ba tháng trước, mẹ tôi viết thư báo. Tôi cũng ngồi trên con tàu này, vượt qua hàng ngàn cây số để tới Matxcơva vào một sớm lạnh lẽo. Tuyết chưa rơi, nhưng những đám lá vàng cuồi cùng của mùa thu đã ngả sang nâu sạm. Trên hè, những mảnh lá úa tàn bị gió lùa theo gót khách vãng lai. Trên không, thỉnh thoảng lại có vài chiếc lá vàng hiếm hoi bay lượn, như mảnh ước mơ của mùa thu bay lượn trước cửa ngõ mùa đông. Áo mỏng quá, tôi rét. Tôi phải giở bản đồ thành phố, nhanh chóng tìm bến xe điện ngầm gần nhất để xuống. Dưới các đường hầm ấm hơn trên mặt đất nhiều. Tìm được bến, tôi cắm đầu cắm cổ chạy. Lúc ấy, dân Mátxcơva chưa đi làm. Đường phố vắng, chỉ có những cảnh sát giao thông đứng trực trên các ngã tư, và trên quảng trường. Vừa chạy, tôi vừa ước ao một chén chè nóng pha đường. Nhưng lúc ấy, có tài thánh cũng không kiếm nổi một chén chè. Chưa tới giờ các quán ăn công cộng cũng như các bútphét mở cửa. Xuống ga, tôi ném đồng năm xu vào cửa tự động rồi bước qua hàng rào, vào trong. Tuyến đường tôi đi ngay gần đó. Hai phút sau, tôi đã ngồi trong toa, tở dồn dập vì mệt và lạnh. Da dẻ tôi dần dãn ra trong bầu kkhông khí ấm. Ngả người ra phía sau, tựa vào lưng ghế, tôi nhắm mắt lại, lắng nghe tiếng bánh xe nghiến lúc tới các bến đỗ, tiếng của các hành khách mới lên. Khách vắng, cả toa chỉ dăm người. Tuy thế, tôi không thấy côi cút, tôi mong mỏi giờ gặp gỡ. Tôi sẽ biết tin mẹ tôi, và mọi chuyện bên nước nhà.
Mỗi ga, người phát thanh viên lại xướng lên trong loa phóng thanh. Nhờ đó tôi có thể mở mắt đứng dậy vào đúng ga cần tới.
Tàu dừng hẳng, tôi bước lên bờ kè. Ở đó, phải nhảy một lúc cho ấm người, tôi mới đủ dũng khí ra đi. Từ ga tàu điện ngầm tới khách sạn rất gần, chỉ qua vài khúc phố với một vườn cây nhỏ, ngả nghiêng những thân liễu mềm, thân bạch dương trắng óng. Cỏ đã trụi, đất phơi ra màu đen xỉn như xỉ than nghiền vụn. Những con chim câu già lông cánh xác xơ kiếm ăn sớm, kéo lê bộ đuôi bẩn thỉu dọc hè phố. Dưới bờ sông đào, con sông đang ngủ, làn nước màu chì phẳng lặng, không gợn sóng xao. Có một người đàn ông cao lớn, thọc hai tay vào túi, đi dọc theo bờ kênh. Vừa đi, ông ta vừa huýt sáo khe khẽ. Đó là giai điệu một ca khúc đang được ưa chuộng “Tình Yêu Màu Xanh.” Tôi đi sau người đàn ông, lắng nghe tiếng huýt sáo vọng trong không gian yên tĩnh như mơ ngủ. Tiếng sáo làm tôi bớt lạnh. Giờ này, có tới, người gác khách sạn cũng không cho vào. Vì lẽ đó, tôi đã mê mải đi theo thứ âm nhạc dân dã kia. Tôi đuổi theo nó mãi, tới khi người đàn ông dừng lại trước một tòa nhà cao tầng, ngẩng lên tìm kiếm một địa chỉ nào đó, và ông ta thôi không còn huýt sáo nữa. Sang đường, tới khách sạn, tôi phải đợi hơn nửa giờ sau mới được vào. Cậu tôi đã chờ tôi ở phòng khách tầng dưới, cùng với một chàng trai. Anh ta là phiên dịch của đoàn. Nhờ anh ta năn nỉ với người gác phòng, tôi được đưa lên tầng gác thứ sáu, nơi cậu tôi ở. Hành lang trải dạ thẫm màu, vắng tanh. Khách còn đang ngủ. Cậu Chính nói oang oang:
- May quá, nhờ cậu chú cháu tôi khỏi phải đứng dưới nhà. Thôi nhé, lúc nào cần tôi sẽ gọi.
Tôi nói.
- Cậu khe khẽ thôi. Có phải ở nhà mình đâu?
Cậu há miệng.
- Ờ ờ...
Rồi đưa tay chào người phiên dịch. Tôi thấy anh liếc tôi, mủm mỉm cười trước khi mở cửa phòng mình. Chúng tôi còn phải đi xa nữa, người phiên dịch ở phía đông, cậu Chính ở phía tây. Qua gian sảnh chung, tôi thấy hai phụ nữ trẻ đang ngồi đan áo. Cậu bảo:
- Giá cháu giỏi tiếng Nga, bán được mấy chiếc áo len cánh dơi cho các cô này thì tốt.
Tôi nhìn cậu, không nói gì. Tới trước cửa phòng, cậu rút chìa khóa, mở cửa.
- Vào đi cháu.
Tôi vào trước, cậu vào sau. Cậu khóa cửa cẩn thận rồi mới đưa tôi vào phòng. Tôi hỏi:
- Cậu ở một mình?
- Ờ, tiêu chuẩn của cậu.
Ngẫm nghĩ tí chút, cậu nói thêm:
- Ở một mình là tiện nhất.
Nói xong, cậu đưa mắt liếc ra ngoài cửa sổ. Nơi đó, những mái nhà thành phố hiện lên trong làn ánh sáng trắng như sữa của bình minh. Cậu ngó nghiêng lần nữa, vẻ yên tâm. Lúc đó, cậu nói:
- Cháu đem giải quyết mớ hàng này.
Rồi quì xuống, cậu lôi chiếc túi du lịch nhét trong ngăn dưới cùng của chiếc tủ gỗ ra.
- Hàng mợ chuẩn bị đầu đủ lắm cơ.
Kéo phécmơtuya roạt một tiếng, cậu sắp sửa lôi các thứ hàng xếp bên trong ra. Tôi vội nói:
- Từ từ đã cậu.
Cậu bảo.
- Nhưng lát nữa cậu còn phải họp đoàn, còn làm việc với bạn.
Tôi bảo.
- Chẳng đi đâu mà vội, ở đây, người ta không thức dậy sớm như bên mình.
Cậu băn khoăn.
- Nhưng lỡ tay phiên dịch nó sang.
Tôi nói.
- Chẳng sang người ta cũng thừa biết.
- Hằng..
Cậu quát lên, mặt tái mẹt.
- Mày nói gì thế!
Tôi đáp:
- Cháu nói thật.
Cậu gằn giọng.
- Cháu mấy chắt, đồ mất dạy.
Tôi lặng im. Cậu hùng hổ đi tới trước cửa sổ, vén tấm rèm lên, chẳng hiểu cậu tìm thấy gì trong khung cảnh của thành phố sớm mai yên tĩnh? Hai tay chống nạnh, đôi vai nhô lên, chắc cậu đang trút những hơi thở dài, bực bội. Lát sau, cậu quay vào, giọng hiền từ hơn.
- Thôi... Nhưng lẽ ra, cháu cũng không nên nói thế.
Tôi lặng im, không đáp. Cậu khẽ nói.
- Hằng này, cậu không muốn nhờ người khác, hoặc họ dìm giá, hoặc họ thóc mách, đồn thổi. Cháu giúp cậu.
Tôi bỗng thấy mỏi mệt đến nỗi muốn lăn ra giường ngay. Các đầu khớp xương nhức buốt. Da nổi gai ốc đầy lưng, và những cơn ớn lạh liên tục chạy dọc theo xương sống. Cảm giác giá lạnh cộng với cơn đói dày vò, khiến các cơ bắp như chảy lan ra, không có cơ hồ giữ lại. Tủi cực chăng? Khóc chăng? Nước mắt đã cạn. Tôi nhìn cậu, nói khe khẽ:
- Đáng lẽ, cậu nên thông báo cho cháu tình hình gia đình, sức khỏe mẹ cháu ra sao? Đáng lẽ, cậu nên cho cháu một chén nước chè. Cháu từ hàng nghìn cây số tới đây.
Cậu đứng ngẩn người ra, rồi ờ ờ... những tiếng vô nghĩa, tay cậu trở nên thừa thãi. Lát sau, cậu đi đến tủ lạnh, mở cánh cửa. Bên trong, lổng chổng một đống bánh mì tròn, thứ bánh mì bán trong các bútphét, hai xu một chiếc.
Tôi nói:
- Cám ơn cậu.
Nói đoạn, tôi đứng lên.
- Cậu làm ơn mở khóa cửa cho cháu.
Cậu mở cửa. Tôi đi dọc hành lanh, tới gian sảnh. Hai người phụ nữ trẻ vẫn đang đan. Tôi hỏi họ bútphét ở đâu? Họ chỉ đường cho tôi. Đi tới cuối mút hành lang, xuống tầng thứ 3. Bútphét đã mở. Khách ăn còn vắng. Chỉ vài ba người đàn ông to béo ngồi ăn dămbông với phomát. Bàn trong cùng, một cặp trai gái cao gầy, tóc bạch kim, có lẽ người Bắc Âu đang uống bia. Tôi mua một phần tư con gà, một đĩa trứng ốplếp với một chiếc bánh ngọt phết mứt dâu. Chừng ấy, đủ cho tôi chống cơn rét mệt. Ăn sáng xong, tôi trở về phòng, mang theo túi hoa quả. Trong phòng, chừng non một chục người ngồi. Đó là đoàn công tác của cậu tôi sang họp. Anh chàng phiền dịch ngồi sát cửa, ghé mắt nhìn xuống phố xá. Những người khác, vừa nghe vừa nặn trứng cá hoặc gãi mụn ruồi. Người nào cũng có vẻ bồn chồn. Chắc chắn họ đang tính cách nào bán hàng hóa nhanh nhất và nhờ ai mua được nhiều hàng hóa nhất. Cậu Chính đang cao giọng nói:
- Tôi yêu cầu các đồng chí nêu cao tinh thần gương mẫu trên đất nước bạn. Tất cả phải có ý thức tổ chức.
Tôi lặng lẽ quay ra. Tới gian sảnh tôi ngồi vào một góc ghế bành, chờ đợi. Nhưng trong góc chiếc ghế bành êm ái bọc nhung đỏ, tôi thấy côi cút. Tôi thấy cực nhục. Cơn đói và rét qua rồi, chỉ còn lại cơn xâm kích của các làn sóng tê tái. Chúng giống như các làn sóng biển thực sự, cứ ào tới rồi lại rút ra xa, lặp đi lặp lại triệu triệu lần. Nhưng không phải nước mặn, mà một thứ muối xót xa, một nỗi đau quằn quại, một mỗi buồn thê thảm, không thể cắt nghĩa.
- Mẹ ơi i i...
Gương mặt mẹ hiện lên, trong khoảnh khắc ấy. Một gương mặt hiền dịu, tươi cười. Vừa thân yêu, vừa xa cách.
Những Thiên Đường Mù Những Thiên Đường Mù - Dương Thu Hương Những Thiên Đường Mù