Chương 14 - Hồn Cách Mệnh Và Việt Nam Khách Sạn
rong năm 1928, mọi phương diện đều tiến hành một cách rất lạc quan. Sở dĩ được thế, cố nhiên là nhờ ở công sức của hết thảy các đồng chí xa gần. Nhưng phần lớn cũng là nhờ ở sự tận tâm không bờ bến của anh Học.
Thực vậy, anh Học đã làm việc cho Đảng quên cả đêm, quên cả ngày, quên cả ăn, chỉ có không quên cái ngủ!
Không! Ta có thể bắt anh nhịn đói, bắt Anh đi bộ vẹt cả gót giầy, bắt Anh đủ mọi cái thiếu thốn về vật chất, nhưng đến lúc Anh buồn ngủ thì phải để cho Anh ngủ!
Một lần có một tin gì, nghe ra khá nguy cấp, tôi liền lên thư xã tìm Anh. Tới nơi thì thấy Anh đương nằm chỏng chân lên mà ngáy khò khò!
Tôi lật ngửa Anh lại mà bảo:
- Học! Học! Mày có biết chuyện gì không?
Anh, mắt vẫn nhắm, miệng thì cười đáp tôi:
- Có! Có!
- Thế mà mày nằm đây được à?
- Thì cũng phải để cho tao ngủ chứ? Không ngủ, chết mất mạng, còn làm sao được việc đời!
Nói xong anh khì khì cười, rồi lại nằm sấp một lại mà ngủ.
Sự tận tâm của Anh, các đồng chí ai cũng phải công nhận, coi Anh khác nào linh hồn của Đảng. Vì vậy hồi tháng 7 năm 1928, Tổng bộ hết hạn bầu lại, Anh lại được cử làm chủ tịch. Anh Nghiệp và tôi đều rớt ra ngoài Tổng bộ, sau cuộc tuyển cử này.
Công việc hồi cuối năm ấy, tiến hành đều đều. Các thư ký, các giáo học, các nhà công thương xin vào đảng khá nhiều. Đáng chú ý nhất là trong quân ngũ, anh em rất tán thành chủ trương của Đảng. Ở Nam Kỳ chúng tôi có đến 256 võ trang đồng chí. Ở Bắc kỳ, cũng có đến ngót bốn trăm. Cho nên đến năm sau, khi việc Đảng phát lộ, nhà cầm quyền Pháp phải hoảng hồn! Trong lời buộc tội chúng tôi của quan Chánh Hội đồng Đề hình, có câu:
“Các giáo viên, các binh sĩ, là hai cây cột chống đỡ mái nhà Đông Dương, Việt Nam Quốc Dân Đảng đã làm lay chuyển hai cây cột ấy. Nguy hiểm nữa là những kẻ được họ rủ rê, vào thì vào, không vào cũng không một ai đi tố cáo các nhà đương cục (trừ Nguyễn Quốc Túy). Sự im lặng đó, khác nào đồng mưu…”
Tôi đã vui miệng kể lạc xa quá đề mục rồi!
Tôi phải trở lại câu truyện Hồn cách mệnh đã.
Đó là tên tên báo, cơ quan của Đảng tôi, in bằng thạch và phát hành ngầm trong các đồng chí. Toà báo ở đường Sơn Tây, do đoàn Học sinh mà anh Đoàn Trần Nghiệp, tục gọi Ký Con, coi việc ấn loát. Bài vở thì do anh Học làm chủ bút. Giữ theo nguyên tác, hết sức tránh các giấy tờ, tôi chẳng bao giờ biểu đồng tình với việc ấy, tuy vậy, theo mệnh lệnh Đảng, tôi cũng phải viết bài cho báo. Và còn viết cả cuốn sách, đề là “Cách mệnh tiên thanh” kể tội nhóm thực dân gồm mấy chục điều. Một cuốn sách như vậy, cố nhiên là cũng phải in lậu và phát hành trong bóng tối!
Tôi kể lại đây kỷ niệm một đêm ở toà báo Hồn Cách mệnh.
Tòa báo không có một ai, trừ ông chủ nhà in nó là anh Đoàn Trần Nghiệp. Nói là nhà in, nhưng chẳng máy móc gì cả! Mà không có cả đến giường, ghế, chỉ có một cái bàn, ngày là bàn viết, đêm biến thành cái bàn… nằm!
Tôi đã nằm nó mà đọc cho anh Nghiệp viết mấy bài báo trong kỳ sắp ra!
Rồì khuya khuya, chúng tôi thấy đói, tôi bảo anh Nghiệp:
- Tôi còn ba hào đây! Anh tìm cái gì ăn!
Anh Nghiệp cười:
- Hướng này vắng, chẳng có hàng bán rong đâu! Chỉ góc đường đàng kia, có cái hàng bán thịt chó!
Thế rồi hai chúng tôi ăn vã thịt chó chấm nước mắm! Mà ăn bốc, vì chúng tôi không có bát đũa gì…
Ăn xong, chúng tôi uống mấy ngụm nước máy rồi ôm nhau mà nằm. Suốt đêm, anh Nghiệt không nói câu gì. Đó là thỏi quen của anh. Vì thế, tôi thường vẫn gọi là “một con người biết cười chứ không biết nói”. Tôi không ngờ con người ấy mà về sau đã làm nên những sự nghiệp kinh thần, khốc quỷ ở đời!
Giờ, xin kể đến chuyện khách sạn Việt Nam. Việc ấy quyết định vào kỳ hội đảng Tổng bộ ngày mồng 7 tháng 8. Đảng dùng nó làm cơ quan kinh tế, nghĩa là buôn bán đề lấy lời giúp đảng. Tiền vốn thì quyên trong anh em, người cho nhiều nhất là Hoàng Trác và Đựng Đình Điền, người năm trăm, người một nghìn đồng. Ngày 30 tháng 9, khách sạn mở cửa, người làm từ ông chủ đến bồi bềp toàn là đảng viên.
Những tay Mật thám nhìn chúng tôi bằng con mắt hằn học, bảo chúng tôi thường dùng đó làm nơi hành lạc và họp hội đồng. Kỳ thực thì ngay trong các buồng khách sạn, họ đã phái người đến ở thuê để dò dẫm chúng tôi. Có bao giờ chúng tôi khờ dại mà họp hội đồng ở đó. Ban đầu, khách ăn rất đông đúc. Vì cơm Tây, cơm Tầu, cơm ta ở đấy đều làm khá ngon và bán giá hạ. Nhưng kẻ địch đã cho người báo tin làm cho nhiều người sợ liên luỵ không dám đến đó ăn uống nữa. Cho nên đến khi chúng tôi bị bắt, khách sạn đã lỗ đến cơ hồ hết cả vốn!
Nghĩ ra, việc kinh doanh ấy thật là một việc thất sách của chúng tôi.
Nguyễn Thái Học (1902-1930) Nguyễn Thái Học (1902-1930) - Nhượng Tống Nguyễn Thái Học (1902-1930)