Chương 15: Hồ Sơ
ìa bọc hồ sơ làm bằng các-tông cứng. Trong tình trạng tốt hơn so với các hồ sơ khác. 11079X75. Tôi lật nhanh: Có khoảng 60 tài liệu bên trong. Ðây rồi, lá thư xin nhập tịch của cha mẹ tôi! Nó được đánh bằng máy chữ.
Kính gửi ông Bộ trưởng,
Chúng tôi vinh dự được báo cho ông biết rằng dù có vì lý do gì đi nữa chúng tôi vẫn giữ đơn cầu xin đạt được lòng trung của ông. Hãy cho phép chúng tôi bày tỏ sự cám ơn chân thành và lòng biết ơn của chúng tôi.
Ðạt được lòng trung của ông. Ơ, ai đã mách cho cha mẹ tôi cái câu khoa trương này nhỉ? Tôi dừng lại ở một thứ rất tuyệt: hồ sơ xin nhập tịch. Trong phần Tư cách, đạo đức và trung thành, cha mẹ tôi đã trả lời y hệt như nhau cho từng câu hỏi.
“Tư cách và đạo đức có dẫn tới một vài nhận xét của nguyên đơn? (cả hai đều trả lời Không); Nguyên đơn có được xã hội trân trọng? (Có); Nguyên đơn có thái độ chính trị không? (Không); Nguyên đơn có giúp đỡ gì cho nước Pháp? (Không); Nguyên đơn đã có thái độ và hoạt động gì trong hai cuộc chiến 1914 – 1918 và 1939 – 1945, đặc biệt là trong thời Ðức Tạm chiếm? (Không); Nguyên đơn hay con cái có thực hiện hành động kháng chiến? (Không); Nguyên đơn có là cựu chiến binh? (Không).”
Tới câu hỏi “Lòng trung thành của hai nguyên đơn có được bảo đảm không?”, nhân viên phụ trách nhập tịch ghi khô khốc một câu: “Không có bằng chứng nào.”
Chỉ có một câu hỏi mà cha mẹ tôi trả lời hơi khác nhau một chút:
Nguyên đơn còn giữ quan hệ với đất nước mà nguyên đơn đang có quốc tịch không? Nguyên đơn còn có quyền lợi và liên hệ gia đình ở đó?
Nguyên đơn chồng: Giữ mối quan hệ gia đình ở Việt Nam. Không còn quyền lợi.
Nguyên đơn vợ: Giữ mối quan hệ gia đình ở Việt Nam. Còn quyền lợi (đất đai, nhà cửa).
“Còn quyền lợi (đất đai, nhà cửa)”. Tôi bỗng nghe thấy tiếng mẹ tôi, nói ngay sát tôi.
“Ðất đai của chúng ta! Lẽ ra chúng ta sẽ là triệu phú nếu như họ không tịch thu của chúng ta! Con có thể nói thế với các con gái của con! Lẽ ra chúng ta có thể mua một biệt thự ngoài biển có bể bơi! Một bể bơi tràn bờ thật xịn!”
Mẹ tôi luôn nhớ tới quá khứ huy hoàng, những ngôi nhà to, đám người ở nấu cơm cho họ, lái xe cho họ, mẹ là Scarlett O’Hara có nước da trắng như sữa, cô con gái kiều diễm của gia đình địa chủ giàu có, được tất cả Sài Gòn tán tỉnh, nữ sinh trường trung học Pháp Marie-Curie. Ông ngoại tôi đôi khi mang mẹ ra phố, cùng với em trai của mẹ, họ được ăn món thịt bò bít tết và khoai tây chiên hoặc kem, cuối cùng thỉnh thoảng còn được đi xem phim ở rạp Eden. Bước trên phố phường Sài Gòn, mẹ hít mùi thơm của phở, thịt ướp sả nướng xiên, có lẽ mẹ đã mơ được ăn, ở đó, ngồi xổm ngoài đường, nhưng mẹ đã không bao giờ làm. Ðó là điều bị cấm. Mẹ là con gái nhà tử tế. “Sweet girls they dunna behave like this, missia Scarlett!”[52]
“Ôi nếu con được nhìn thấy đất đai của chúng ta, những đồn điền cao su mênh mông ngút mắt, đất nặng và có mùi thơm, thỉnh thoảng lũ trẻ lại thè lưỡi ra liếm thứ nhựa trắng như si rô ứa ra từ thân cây tựa những giọt mồ hôi mặn, và sau khi đã chạy nhảy chán chê, tất cả sẽ uống nước mía ướp lạnh, thứ nước màu nâu, tươi và mát như đất phủ lên chân, và ở Ðắk Lắk, con biết không, về hướng cao nguyên, núi non như trong tranh khắc và chân trời biến mất sau bầu trời mờ mờ, đằng xa ấy, đất có màu đỏ, đỏ rực. Ðỏ như máu. Ðỏ như hồng ngọc. Mẹ tin chắc là ở đó có mỏ hồng ngọc.”
Chúng tôi khóc khi xem phim Cuốn theo chiều gió. Ðất đỏ Tara hòa với đất đỏ Ðắk Lắk, những tên yankee lẫn vào những người Cộng sản. Tôi hình dung cảnh mẹ tôi quỳ trên những cánh đồng của mình, lúc quay về lấy lại tài sản, một cuộc báo thù vẻ vang. Họng tôi nghẹn lại trước cảnh Ashley Wilkes, tan nát trở về từ cuộc chiến tranh ly khai[53].
Cha mẹ tôi là những kẻ sống sót của một thế giới đã mất. Thế giới trước ngày 30 tháng Tư năm 1975. Từ những con vua cháu chúa, họ trở thành những kẻ ăn mày. Có những người như Ashley Wilkes, uống cho đến giọt cuối chén thuốc độc êm dịu của nỗi u sầu, không tài nào hội nhập với thế giới mới. Những kẻ hiếu chiến như Scarlett, tham trả thù, sôi sục, tranh đấu, giận giữ và quyết liệt. Nếu tôi thấy mẹ tôi trong hình hài nàng Scarlett, cứng rắn như đá tảng, thì dưới mắt tôi, cha tôi hoài cổ, im lìm lại chính là chàng Ashley Wilkes hiền lành và yếu ớt. Bị nghiến nát bởi số phận và lịch sử, bị cầm tù trong một quá khứ ám ảnh khôn nguôi.
Cuộc đời của cha mẹ tôi bị Hành chính Pháp sàng lọc, tôi đã đọc và nhận ra rằng nhân viên nhận hồ sơ nhập tịch của họ đã để lại một hình ảnh về cha mẹ tôi trái ngược với những gì tôi vẫn hình dung trước đây. Theo nhân viên này, cha tôi sang năm 1961 đã hội nhập hơn mẹ tôi sang sau, còn mẹ tôi vẫn hoài cổ với “đất đai của mình” và ít đồng hóa hơn. Cha tôi, dưới mắt chúng tôi, có vẻ truyền thống hơn, gắn bó với văn hóa và ngôn ngữ Việt hơn, hóa ra lại Pháp hơn theo cách đánh giá của Hành chính Pháp.
Bản báo cáo ấy được kết luận bằng câu hỏi dưới đây khiến tim tôi tan nát khi tôi nhớ tới cha tôi đang ngồi xem phim tài liệu về Việt Nam trên vô tuyến truyền hình, giống tất cả những người di dân sống nhờ thức ăn tinh thần từ ăng-ten chảo, sợi dây rốn nối họ với quê hương đã mất.
Nguyên đơn có vẻ đã hết hy vọng quay về cố hương?
Trả lời:
Ông ấy đã hết hy vọng quay về cố hương.
Bà ấy có vẻ đã hết hy vọng quay về cố hương.
“Bà ấy có vẻ đã hết” là cho mẹ tôi, còn “ông ấy đã hết” là cho cha tôi. Bịp nhân viên hành chính Pháp thật là dễ.
Tôi quay lại hồ sơ nhập tịch, và tôi nhìn câu hỏi cuối:
Sự nhập tịch của nguyên đơn hay các nguyên đơn sẽ có khả năng tạo dựng một gia đình đúng kiểu Pháp không?
Trả lời:
Sự nhập tịch của các nguyên đơn sẽ có khả năng tạo dựng một gia đình kiểu Pháp.
Tôi chú ý tới sự vắng mặt của chữ “đúng” trong câu trả lời. Cuối cùng, cha mẹ tôi có làm khác câu trả lời kia không? Chúng tôi đã trở thành một gia đình “đúng kiểu Pháp” chưa? Tôi cũng chẳng biết nữa.
Người Cha Im Lặng Người Cha Im Lặng - Doan Bui Người Cha Im Lặng