Những Thứ Bạn Giữ Bí Mật
hông lâu sau, tôi nhận ra người đánh Sal học cùng trường với chúng tôi. Chúng tôi đang làm các dự án cho Đường Chính, xây dựng phía sau lớp học mô hình thu nhỏ của các khối nhà trong thành phố. Năm nào lớp của thầy Tompkin cũng phải nghiên cứu về các tòa nhà. Mẹ bảo thầy ấy là một kiến trúc sư “thất thời.”
“Tại sao thầy ấy lại ‘thất thời’ hả mẹ?” tôi hỏi.
“Khó nói lắm,” mẹ bảo điều đó có liên quan đến chiến tranh, “Giáo viên không phải đi chiến đấu ở Việt Nam. Vì không muốn đi chiến đấu nên rất nhiều thanh niên trẻ trở thành giáo viên.”
Thay vì trở thành người họ muốn - ý mẹ là thế.
Jay Stringer, một thiên tài mười hai tuổi, người đứng đầu ủy ban Quy hoạch Đường Chính, đã xây dựng xong một tòa nhà bằng bìa cứng, hoàn thiện với lối thoát hiểm và tháp nước. Cậu vừa bắt đầu làm tiếp hai trạm điện thoại mà theo thiết kế của cậu là sẽ có những cánh cửa nhỏ xíu đóng mở được.
Annemarie thì bận rộn với những hòn sỏi và chất keo siêu mạnh, xây dựng một bức tường đá cho công viên mà Jay Stringer đã chấp thuận vào tuần trước. Julia thì đang làm một UFO - vật thể bay không xác định - bằng những lá thiếc. Cô nói nó có thể bay lên xuống con đường trên một sợi dây vô hình. Ý tưởng về vật thể bay không xác định chưa được phê chuẩn, nhưng Julia vẫn tiến hành. Cô viết ba chữ “Kế hoạch treo” lên một mẩu giấy và dán nó vào một hộp giày chứa đầy các lá thiếc và dây câu cá. Alice Evans thì đang cố nặn các ống nước cứu hỏa bằng đất sét, nhưng chúng trông như những cục bướu thảm hại. Có lẽ việc nín tiểu quá lâu khiến cô khó tập trung tốt.
Tôi đang làm việc trên một sơ đồ thiết kế sân chơi. Sơ đồ của tôi ban đầu thì quá dốc, sau đó quá phẳng, và cuối cùng thì quá bẩn thỉu vì tôi tẩy xóa quá nhiều. Tôi phải hỏi xin một tờ giấy vẽ sơ đồ khác, việc này khiến Jay Stringer thở dài vì những tờ giấy đó cậu ấy phải mang từ nhà lên.
Chuông điện thoại trong lớp reo vang. Sau khi nghe điện thoại xong, thầy Tompkin hỏi có ai muốn làm trợ lý văn phòng một lúc không. Tôi giơ tay xung phong. Cô thư ký trường thường cho các em trợ lý văn phòng một ít kẹo Bit-O-Honey hoặc Hershey’s Kisses.
Tôi chụp cuốn sách và chạy vội xuống lầu một. Cô “Bánh-xe” đang ngồi trong văn phòng. Cô mang danh là thư ký trường, nhưng theo tôi biết, về cơ bản cô chính là người điều hành toàn bộ trường học. Cô luôn cố gắng làm mọi việc mà không phải rời khỏi chiếc ghế có gắn bánh xe, vì vậy nên mọi người gọi cô là cô Bánh-xe. Cô lăn vòng vòng trong văn phòng cả ngày bằng cách đẩy chân xuống sàn cho chiếc ghế lăn đi.
“Chú nha sĩ cần một trợ lý,” cô bảo tôi, đạp chân xuống sàn để đẩy chiếc ghế đến gần bàn và cầm lên một xấp giấy.
Thật kỳ quặc khi đi học ở trường gần bảy năm rồi mới phát hiện ra trường có Phòng Nha. Nhưng chính xác là thế đấy. Cô Bánh-xe đứng lên, dắt tôi đi theo hành lang đến một ngõ cụt nhỏ mà tôi chưa bao giờ bước vào. Có một cánh cửa mở và bên trong là một phòng nha thật sự.
Chúng tôi bước vào phòng chờ. Tôi có thể nhìn thấy ở căn phòng phía trong có một chiếc ghế khám răng thông thường. Nó được gắn một bồn nước màu trắng và một ngọn đèn lớn bằng bạc chiếu sáng từ phía trên. Trên tường dán những tấm áp-phích in hình một hàm răng ăn táo, bị dính bợn, sau đó phải đi đánh răng.
Cô Bánh-xe gọi to: “Anh Bruce?”
Một người đàn ông với bộ râu quai nón xám ló đầu ra. Ông đội một chiếc nón màu xanh như nón bác sĩ và nhe răng cười hết cỡ với tôi.
“Xin chào, em là bệnh nhân đầu tiên của tôi ư?”
“Không, đây là Mirandar cô Bánh-xe nói, “Cô bé là trợ lý của anh. Tôi có danh sách bệnh nhân đây.” Và cô đưa tôi một tờ giấy.
Tôi đọc thấy một loạt tên và số phòng học. “Họ đi khám răng ở trường sao?” tôi nói, “Kỳ quặc thật!”
Cô Bánh-xe giật lại tờ giấy, lạnh nhạt bảo tôi: “Có chín mươi tám học sinh lớp sáu ở trường này. Có tám mươi chín em đi học hôm nay. Vì vậy nên nếu em không thể làm việc này một cách lịch sự thì em có thể về lớp, tôi sẽ tìm một em khác.”
Tôi cảm thấy mặt mình nóng lên và mũi cay xè như muốn khóc. Đôi khi tôi rất dễ khóc, nhiều khi chẳng có lý do gì nghiêm trọng cả.
Chú nha sĩ đặt tay lên vai tôi và mỉm cười. Chú ấy quả là một người-biết-cười-chuyên-nghiệp, tôi thầm nghĩ. Cũng dễ hiểu, vì chú ấy là nha sĩ mà. Chú nha sĩ nói: “Chú chữa răng miễn phí, Miranda ạ. Một số gia đình không có đủ tiền để trả cho nha sĩ, hoặc họ có thể để dành số tiền đó vào việc khác.
“Ồ,” tôi thầm nghĩ hẳn tôi không nên để mẹ phát hiện ra chuyện này. Mẹ luôn phàn nàn rằng việc chăm sóc sức khỏe lẽ ra phải được miễn phí cho tất cả mọi người. Nếu biết trường có phòng nha miễn phí, hẳn mẹ sẽ bắt tôi đăng ký khám chữa răng ở trường ngay lập tức.
Chú nha sĩ nhìn cô Bánh-xe, cô nặn một nụ cười rồi đưa tờ giấy lại cho tôi. Sau đó cô rút trong túi ra một cây kẹo Bit-O-Honey cho tôi ngay trước mặt chú nha sĩ, mặc dù bác Louisa từng bảo tôi rằng ăn kẹo Bit-O-Honey cũng chẳng khác nào tự bẻ răng mình vậy.
Tôi bắt đầu với danh sách của mình. “Đừng đưa tất cả bọn nhóc vào cùng một lúc,” chú nha sĩ gọi với theo, “Đưa vào hai bạn một lần thôi.”
Tôi quyết định bắt đầu với những em nhỏ trước. Tôi gõ cửa lớp học, giáo viên trong lớp mở cửa, đọc lướt tờ giấy rồi đưa bọn trẻ ra cho tôi. Tôi dắt hai bé mẫu giáo đến phòng nha, ngồi đọc sách trong phòng chờ một lúc, sau đó đi đón một học sinh lớp hai và một học sinh lớp bốn. Công việc này đòi hỏi phải lên xuống cầu thang rất nhiều lần. Có đến cả triệu năm nữa tôi cũng không thể tưởng tượng cô Bánh-xe có thể tự làm được việc này.
Khi tôi quay lại phòng nha với hai bệnh nhân của lượt thứ hai, một trong hai em bé mẫu giáo đang ngồi đợi tôi đưa về lớp. Trên áo cô bé có gắn một miếng dán hình mặt người đang cười khoe những chiếc răng vui nhộn. Tôi đưa cô bé về lớp và tiếp tục với người cuối cùng trong danh sách, một học sinh lớp sáu bằng tôi: Marcus Heilbroner, lớp sáu - 506. Tôi chưa bao giờ nghe nói đến cậu ta cả.
Tôi gõ vào cánh cửa sổ nho nhỏ của lớp học, quơ quơ tờ giấy. Giáo viên lớp - thầy Anderson - bước ra, và tôi đưa cho thầy xem danh sách.
“Marcus,” thầy gọi to, và một cậu bé đứng lên.
Đó chính là người đã đánh Sal. Cậu ta cắt tóc rất ngắn, nhưng chắc chắn đó chính là cậu ta. Đầu óc tôi bắt đầu hét lên với chính mình: “Đó chính là đứa đã đánh Sal! Hắn ta đi học ở trường của mình? Đứa bé đánh Sal đi học ở trường của mình ư?” Trong khi đó, cậu ta bước lại phía tôi và thầy Anderson.
“Đi khám răng nào,” thầy Anderson thì thầm. Marcus gật đầu, quay lại bàn, cầm lên một cuốn sách, sau đó bước ngang qua mặt tôi và đi ra ngoài. Tôi đi theo sau, cách cậu ta vài bước. Cậu ta biết đường.
o O o
“Chào em, Marcus,” chú nha sĩ kêu to từ trong phòng khám như thể quen biết cậu ta từ trước, “Tóc mới đẹp đấy.”
Cậu bé lớp bốn đang ngồi trên chiếc ghế lớn, phun phèo phèo vào bồn súc miệng be bé màu trắng. Hai em bé kia thì đã được gắn miếng dán và đang ngồi đợi tôi đưa về lớp. Marcus ngồi xuống một cách nặng nề, mở sách ra. Cuốn sách có tựa để Những Khái niệm Toán học.
Thầy Tompkin luôn làm như thể mọi người trong lớp chúng tôi đều yêu thích môn Toán, nhưng không có gì khó khăn để nhận ra rằng có một hệ thống: sách Toán màu đỏ dành cho những thiên tài như Jay Stringer, sách Toán màu cam dành cho những đứa “tàm tạm” như tôi, còn sách màu vàng dành cho những tên phải đi học “phụ đạo” môn Toán hai lần một tuần với cô Dudley. Cuốn sách của Marcus thì khác - nó nhỏ thôi nhưng khá dày và được bọc bìa cứng. Vì vậy nên tôi nghĩ rằng ngay cả nếu như nó màu xanh da trời, thậm chí màu sắc có nhạt nhoà hơn cả màu vàng của cầu vồng thì, ít nhất, “cấp bậc” của nó cũng tương đương màu đỏ.
“Bạn thích môn Toán à?” tôi hỏi.
Marcus nhìn lên, và tôi bỗng có ấn tượng mạnh mẽ rằng cậu ta không hề biết đã từng gặp tôi trước kia, hoặc không hề nhớ đã đánh Sal hay đã từng nói chuyện với tôi về mặt trời chỉ giờ.
“Đúng thế,” cậu nói chậm rãi, như thể tôi là một người ngu ngốc hay đại loại như thế, “Mình thích Toán.” Và cậu cúi xuống đọc sách tiếp.
Tôi đưa hai em bé đang chờ về lớp học. Một trong hai em cầm một tấm thẻ màu bạc có hình trái táo, trên thẻ viết cô bé cần được tái khám và có một dòng trống để mẹ em ký tên vào. Sâu răng! tôi nghĩ chắc chắn là như thế.
Khi tôi quay lại phòng nha, cậu bé lớp bốn vẫn còn ngồi trên ghế khám và Marcus vẫn đang cắm đầu vào cuốn sách Toán. Tốt thôi - tôi ngồi xuống một chiếc ghế trống, cầm quyển sách mà tôi để trên bàn trước khi đi và giở ra chuẩn bị đọc.
“Bạn biết không, một số người nghĩ điều đó là có thể,” Marcus lầm bầm.
“Điều gì cơ?”
Cậu ta chỉ vào cuốn sách của tôi: “Du hành xuyên thời gian. Một số người nghĩ điều đó là có thể. Ngoại trừ những phụ nữ nói dối, ở đầu cuốn sách.”
“Cái gì?”
“Những phụ nữ trong cuốn sách - Bà Cái-gì, Bà Ở-đâu, và Bà Ai-đó.”
“Bà Cái-gì, Bà Ai-đó, và Bà Cái-nào,” tôi chỉnh lại. Cậu ta nhún vai.
“Mà bạn nói gì chứ, họ nói dối à? Họ không bao giờ nói dối,” tôi bắt đầu cảm thấy bực bội. Sự thật là tôi không thích người khác đọc sách của tôi. Cũng giống như tôi không thích người khác lục lọi hộp đồ cá nhân mà tôi cất dưới gầm giường mình.
“Bạn không nhớ à?” cậu ta nghiêng người về phía trước, “Họ đang du hành xuyên thời gian, đúng không? Đi qua vũ trụ, đúng không? Và họ hứa với cô bé đó rằng họ sẽ đưa cô bé quay lại vào thời điểm đúng năm phút trước khi khởi hành. Nhưng họ đã không giữ lời.”
“Làm sao bạn biết họ không đưa cô bé về vào thời điểm đúng năm phút trước khi khởi hành? Ý mình là không có đồng hồ hay gì cả. Họ khởi hành vào buổi tối và họ quay lại cũng trong buổi tối đó. Có thể họ đi lúc tám giờ rưỡi và quay về lúc tám giờ hai mươi lăm.”
Cậu ta cười to: “Bạn không cần có đồng hồ. Suy nghĩ đi nào. Ở đầu cuốn sách, cô bé đó đi ngang một vườn rau...”
“Meg.”
“Hả?”
“Bạn cứ nói ‘cô bé đó’ hoài! Cô bé đó tên là Meg.”
“... Ừ, thế rồi cô bé đó đi ra một góc vườn rau và ngồi lên bức tường đá, đúng không? Vì vậy nên cô ấy có thể nhìn thấy khu vườn từ chỗ cô ấy ngồi và có thể nói chuyện với cậu bé kia, đúng không? Và rồi những người phụ nữ đó xuất hiện và đưa họ đi.”
“Cậu bé kia tên là Calvin. Nhưng nếu họ có thể nhìn thấy vườn rau thì sao?”
“Khu vườn chính là nơi họ xuất hiện khi quay trở về vào cuối cuốn sách. Nhớ không? Họ đáp xuống đám bông cải xanh. Vì vậy nên nếu họ đã quay về vào thời điểm năm phút trước khi khởi hành như những phụ nữ đó đã hứa, thì hẳn là trước khi đi, họ đã phải nhìn thấy chính họ đang quay về.”
Tôi đặt cuốn sách xuống và lắc đầu: “Suy nghĩ đi. Lúc đó họ còn chưa đi nữa mà. Làm thế nào họ có thể quay về được? Thậm chí họ còn không biết là họ có thể trở về được không.”
“Việc họ biết hay không không quan trọng. Chuyện đó không liên quan gì cả.” Cậu ta ngả lưng ra ghế và thọc tay vào túi, “Nếu họ đáp xuống đám bông cải vào lúc tám giờ hai mươi lăm thì họ phải ở đám bông cải xanh vào lúc tám giờ hai mươi lăm. Chấm hết.”
“Như thế không hợp lý,” tôi nói, “Nếu họ không thể cứu cha Meg và quay lại nguyên vẹn thì sao?”
“Thì họ sẽ không thể đáp xuống đám bông cải. Nhưng họ thật sự đã đáp xuống đám bông cải, đúng không?”
“Đúng, nhưng... khúc cuối không thể xảy ra trước khúc giữa được!”
Cậu ta mỉm cười: “Tại sao không?”
“Mình không biết - Lẽ thường là thế!”
“Lẽ thường! Bạn đã đọc về Thuyết tương đối chưa? Bạn biết nó không - của Einstein ấy?”
Tôi trừng trừng nhìn cậu ta.
Marcus tiếp tục: “Einstein nói rằng lẽ thường chỉ là thói quen suy nghĩ. Đó là cách mà chúng ta thường nghĩ về mọi vật, nhưng trong nhiều trường hợp nó lại khiến chúng ta không nhận thức được.”
“Không nhận thức được cái gì?”
“Không nhận thức được sự thật. Ý mình là, trước đây người ta thường nghĩ rằng thế giới phẳng và mặt trời quay quanh trái đất. Nhưng vào một lúc nào đó, phải có ai đó phản đối giả định đó, hoặc ít nhất là đặt câu hỏi về nó.”
“Ừm,dĩ nhiên đã có ai đó làm thế.”
“Ừm, ai mà không biết! Người đó là Copernicus! Nhưng mà, tất cả những gì mình muốn nói là vào cuối cuốn sách này, họ đã không quay lại đúng năm phút trước khi khởi hành. Nếu không thì hẳn họ đã thấy mình đang quay lại - ngay trước khi đi.”
Tôi bỏ cuộc. “Lúc đó ngoài vườn trời rất tối,” tôi nói, “Có lẽ chỉ là họ không thể nhìn thấy chính mình từ chỗ họ đang ngồi.”
“Mình đã nghĩ thế,” cậu ta nói, “Nhưng hẳn họ phải nghe được tiếng hò reo, và còn con chó nữa...”
“Trời ạ, thế thì đã sao nào? Đó là một câu chuyện - ai đó đã nghĩ ra câu chuyện đó! Bạn biết điều đó mà, phải không?”
Marcus nhún vai: “Câu chuyện là tưởng tượng. Nhưng việc du hành thời gian là có thể. Trên lý thuyết. Mình đã đọc một số bài viết về nó.”
“Chà, bạn thật sự thích môn toán, phải không?”
Cậu mỉm cười lần nữa. Với mái tóc “siêu ngắn,” đầu cậu ta trông như một trái banh tròn vo khi cậu ta mỉm cười. “Chủ đề này thiên về Vật lý nhiều hơn.”
“Ừ, thế thì bạn thật sự thích môn Vật lý, phải không?”
“Đúng thế,” cậu cầm cuốn sách của tôi lên và búng qua vài trang, “Thật ra, mình cũng từng nói chuyện tương tự như thế với cô giáo mình ngay sau khi đọc cuốn sách này. Ban đầu cô ấy cũng không hiểu mình nói gì.”
“Cô giáo à? Thầy Anderson là thầy chứ. Bạn không thật sự chú ý nhiều đến người khác lắm nhỉ?”
“Không phải thầy Anderson. Cô giáo lớp hai của mình ấy. Mình đã viết một báo cáo sách về nó.”
“Ở lớp hai ư?”
Cậu đặt cuốn sách xuống: “Đúng thế, ở Detroit. Gia đình mình sống ở đó và mới dọn đến đây năm ngoái. Nhưng mình không nói về những chủ đề thế này nữa. Thường xuyên như thế.”
“Sao vậy?”
Marcus nhìn tôi: “Người ta không muốn suy nghĩ về nó.”
“Mình có thể hiểu tại sao,” tôi nói, “Nó làm mình nhức đầu.”
“Dù sao, bạn vẫn khá hơn hầu hết mọi người. Bạn là một cô bé khá thông minh đấy.”
Tôi nhướng mày: “Chà, thế à, cảm ơn nhé!”
o O o
“Xong rồi, Marcus,” chú nha sĩ kêu to từ phòng bên cạnh, “Tới phiên em.”
Tôi nhìn Marcus leo lên chiếc ghế khám răng và tiếp tục đọc cuốn sách toán. Cậu giữ nó bằng một tay trong khi chú nha sĩ khám răng cho cậu ở phía bên kia. Cậu bé lớp bốn đứng đợi tôi trước cửa với miếng dán mặt cười trên áo.
“Miranda, cháu có thể về lớp,” chú nha sĩ nói, “Marcus sẽ ở đây hơi lâu đấy. Xong việc cậu ấy có thể tự về được.”
Thế là tôi cầm cuốn sách của mình lên và đưa cậu bé lớp bốn về lớp. Khi chúng tôi đến hành lang lớp học của cậu, cậu bé dừng lại, và tôi đứng đợi cậu lột miếng dán khỏi áo, cuộn nó lại rồi nhét vào túi.
Người Bạn Bí Ẩn Người Bạn Bí Ẩn - Rebecca Stead Người Bạn Bí Ẩn