Chương 15
háng Mười một, năm 1989.
Gió đuổi theo những ngọn sóng và xô những bọt sóng trắng xóa lên mặt cát cách ghềnh đá nơi Barbara Walters đang sánh bước với Matthew Farrell chừng tám mét. Một máy quay phim đang dõi theo bước chân của họ, cái ống kính đen ngòm quan sát, thu hình họ với phông nền là lâu đài của Farrell ở Carmel, California, nằm bên phải, và biển Thái Bình Dương dậy sóng nằm bên trái.
Sương mù dày đặc như một tấm chăn dày gợn sóng, cũng bị đẩy tới trước bởi những ngọn gió đang làm rối tung mái tóc Barbara Walters và hắt cát vào ống kính camera. Đi đến một chỗ được chỉ định trước, Walters dừng lại, xoay lưng lại với đại dương, và bắt đầu hỏi Farrell một câu hỏi khác. Ống kính cũng xoay theo, nhưng bây giờ thì chỉ nhìn thấy hai người đứng với tấm phông ảm đạm của làn sương mù xám trong khi gió thổi tung tóc của Walters vào mặt bà.
"Cắt!" Bà gọi lớn, bực bội vuốt tóc ra khỏi mắt, cố gắng vuốt những cọng tóc bị dính son môi. Quay qua cô gái phụ trách trang điểm, bà nói, "Tracy, cô có thứ gì có thể giữ tóc tôi khỏi bay tung lên thế này không?".
"Keo dán Elmer được không?" Tracy đề nghị với một câu đùa khập khiễng, và chỉ tay về hướng chiếc xe tải nhỏ đang đậu dưới những tàng cây bách phía tây tòa nhà Farrell. Sau khi cáo lỗi với Farrell, Walters và cô thợ trang điểm đi về hướng chiếc xe.
"Tôi ghét sương mù quá." Người quay phim tuyên bố một cách chua chát khi anh ta nhìn chằm chằm vào đám sương xám dày đang che phủ bờ biển, xóa sạch cảnh đẹp của vịnh Half Moon mà anh ta đã dự định dùng nó để làm phông nền cho cuộc phỏng vấn này. "Tôi ghét sương mù," anh ta lặp lại, ngửa mặt lên trời cằn nhằn. "Tôi ghét luôn cả gió, mẹ kiếp!".
Người thợ quay phim đang phàn nàn thẳng đến Thượng đế, và như để trả lời anh ta, một luồng gió mạnh cuốn một nhúm cát xoay tròn dưới chân anh ta rồi hất mạnh vào ngực và mặt anh ta.
Người phụ tá tặc lưỡi, "Rõ ràng là Thượng đế cũng không thích anh," rồi nhìn người đàn ông bực tức phủi cát từ cặp chân mày. Anh ta đưa ra một ly cà phê bốc khói. "Anh có muốn làm một tách cà phê nóng không?".
"Tôi cũng ghét luôn nó," người quay phim lảm nhảm, nhưng rồi cũng cầm lấy cái tách.
Người phụ tá hất đầu về hướng người đàn ông cao lớn đang đứng cách đó vài mét, hướng mắt ra biển. "Tại sao anh không nhờ Farrell cản gió và đuổi sạch sương mù đi? Từ những gì mà tôi nghe được, Thượng đế có lẽ là làm theo lệnh của Farrell đấy.".
"Nếu anh hỏi tôi," Alice Champion chặc lưỡi, tham gia với hai người đàn ông và uống tách cà phê của cô, "thì Matthew Farrell chính là Thượng đế." Cả hai người đàn ông nhìn cô gái viết kịch bản với vẻ chế nhạo, nhưng họ không nói gì, và Alice biết sự im lặng tượng trưng cho sự nể sợ miễn cưỡng người đàn ông này của họ.
Qua vành cốc cà phê, cô quan sát Farrell khi anh đứng nhìn về phía đại dương... người đàn ông duy nhất thống trị cả một vương quốc tài chính có tên là Intercorp, một vương quốc do chính tay anh ta dựng lên bằng mồ hôi và lòng mạo hiểm. Một quốc vương cao lớn, lịch sự đến từ những nhà máy thép ở Indiana, Matthew Farrell bằng cách nào đó đã gột sạch bất cứ dấu hiệu nào chứng tỏ xuất thân thấp hèn của anh ta.
Bây giờ, khi anh đứng trên mỏm đá đợi cuộc phỏng vấn được tiếp tục, Alice nghĩ anh ta thật sự là một người thành công, tự tin và rất đàn ông. Và tràn đầy quyền năng. Hơn tất cả Matthew Farrell luôn toả ra một quyền lực mạnh mẽ.
Anh ta rám nắng, ngọt ngào, và ăn mặc hoàn hảo, nhưng anh ta có một cái gì đó mà ngay cả bộ đồ đặt may và nụ cười lịch sự kia cũng không thể che đậy nổi...
một sự nguy hiểm, một sự nhẫn tâm làm cho người khác thích thú, thay vì căm ghét anh. Như thể sự im lặng tuyệt đối của anh là một lời cảnh cáo ngấm ngầm không được qua mặt anh.
"Ông Farrell à?" Barbara Walters bước xuống từ xe van, hai tay giữ chặt những lọn tóc bên mang tai. "Với thời tiết này thì không thể tiếp tục rồi. Chúng tôi sẽ dựng cảnh quay trong nhà. Sẽ mất khoảng ba mươi phút. Chúng tôi có thể sử dụng phòng khách được không?".
"Được thôi," Matt nói, che giấu sự bực bội bằng nụ cười ngắn ngủi. Anh không thích bất cứ loại phóng viên nào, từ bất cứ phương tiện truyền thông nào.
Lý do duy nhất mà anh đã đồng ý cho phép Barbara Walters phỏng vấn anh là vì giới truyền thông đã đưa ra quá nhiều tin đồn về chuyện cá nhân cùng những chuyện yêu đương lãng mạn của anh, và buổi phỏng vấn này rất có ích cho hình tượng của Intercorp vì nó sẽ cho mọi người thấy là vị CEO của Intercorp đã thay đổi lối sống. Khi có liên quan đến Intercorp, Matt sẵn sàng hy sinh bất cứ thứ gì nếu cần thiết. Chín năm trước, sau khi hoàn thành công việc ở Venezuela, anh đã dùng số tiền thưởng cộng thêm với số tiền mà Sommers đã bỏ ra, để mua một nhà máy sản xuất phụ tùng xe đang trên đà phá sản. Một năm sau, anh đã bán nó với giá gấp hai lần cái giá ban đầu. Dùng phần lợi nhuận của mình cộng với số tiền vay được từ ngân hàng và những nhà đầu tư, anh hình thành công ty Intercorp và, mấy năm sau đó, anh tiếp tục mua những công ty đang trên đà phá sản không phải bởi vì chúng không được quản lý tốt, mà chỉ bởi vì chúng thiếu hụt vốn... rồi vực nó dậy bằng số vốn của Intercorp và đợi người mua.
Sau này, thay vì bán đi những công ty đó, anh bắt đầu có kế hoạch thu mua một cách thận trọng. Kết quả là chỉ trong vòng mười năm, anh đã xây dựng Intercorp thành một vương quốc tài chính mà anh đã hình dung trong suốt những tháng ngày cực khổ vất vả ở những nhà máy thép và đổ mồ hôi trên những giếng dầu. Ngày hôm nay, Intercorp có một tổng hành dinh lớn ở Los Angeles, điều hành những thương vụ khác nhau, từ những phòng thí nghiệm nghiên cứu dược khoa đến những nhà máy sợi.
Cho đến gần đây, Matt có một thói quen là chỉ mua những công ty đang rao bán. Tuy nhiên năm ngoái, anh đã giao dịch để mua một nhà máy sản xuất đồ điện tử đáng giá mấy tỷ với trụ sở chính nằm ở Chicago. Lúc đầu, công ty đã liên lạc với anh, hỏi xem Intercorp có hứng thú muốn mua nó không.
Matt thích ý tưởng đó, nhưng sau khi đã bỏ ra rất nhiều tiền và nhiều tháng ròng để hoàn tất bản hợp đồng, ban giám đốc của Công ty Điện Tử Haskell đột nhiên từ chối chấp nhận những điều kiện mà họ đã đồng ý lúc trước. Giận dữ đã hao phí thời gian và tiền bạc của Intercorp, Matt quyết định thu mua Haskell cho dù là có hay không có sự đồng ý của họ. Kết quả là một trận chiến gay gắt và công khai sau đó. Cuối cùng, ban giám đốc của Haskell bị tê liệt trong trận chiến tài chính, và Intercorp có được một nhà máy điện tử rất tiềm năng. Tuy nhiên, đi cùng với chiến thắng đó, Matt cũng bị mang tiếng là kẻ bó ráp nhẫn tâm trên thương trường. Chuyện đó chẳng làm phiền anh, nó cũng không mấy khó chịu hơn việc bị mang tiếng là một tay ăn chơi quốc tế mà báo chí đã ban tặng cho anh. Tai tiếng và mất đi cuộc sống cá nhân là cái giá của sự thành công mà anh phải trả, và anh chấp nhận chúng một cách bình thản, giống như cảm nghĩ của anh đối với những kẻ đạo đức giả, xu nịnh mà anh đã gặp gỡ xã giao, cũng như sự lật lọng của những đối thủ làm ăn mà anh phải đối mặt. Những kẻ nịnh hót và kẻ thù luôn đi chung với sự thành công hiển hách, và nếu việc đối phó với họ làm cho anh trở nên cay độc và cảnh giác, thì đó cũng là cái giá mà anh phải trả.
Chuyện làm cho anh thấy khó chịu là anh không còn cảm thấy hài lòng với những sự thành công của mình nữa. Niềm vui mà anh từng cảm thấy khi đối diện với một giao dịch làm ăn khó khăn đã biến mất từ nhiều năm, có lẽ vì thành công ấy gần như là một kết cục đã được định trước. Không còn điều gì nữa để thách thức anh... ít ra là không có cho đến khi anh quyết định nắm giữ Haskell. Bây giờ, lần đầu tiên trong ngần ấy năm, anh cảm thấy bị kích thích như xưa và tràn đầy hy vọng. Haskell là một thách đố, một công ty lớn cần phải được chỉnh đốn lại hoàn toàn. Ban quản lý quá đông, công xưởng sản xuất thì quá cũ kỹ, chiến lược tiếp thị đã quá lỗi thời. Tất cả những thứ đó phải được thay đổi trước khi có thể thu được mọi lợi nhuận tiềm năng, và Matt sốt sắng muốn đến Chicago ngay để bắt đầu nhập cuộc. Trong quá khứ, mỗi khi thu mua một công ty mới nào, anh đều gửi sáu nhân vật, những người mà tuần báo \'Business Week\' đã gọi là "đội tiếp quản" của anh đến đánh giá lại tổ chức của công ty đó và lập ra các phương án. Họ đã đến Haskell hai tuần lễ rồi, làm việc trong một tòa nhà sáu mươi tầng mà Haskell làm chủ và đang đặt trụ sở, đợi Matt đến. Vì anh phải đến Chicago thường xuyên gần cả năm, anh đã mua một căn hộ cao cấp trên đó. Mọi thứ đều sẵn sàng, và anh sốt sắng muốn lên đường để bắt đầu.
Mãi khuya hôm qua anh mới quay về từ Hy Lạp, việc giao dịch để mua một con tàu chở hàng phải kéo dài đến bốn tuần lễ bực bội thay vì hai tuần, mới giải quyết xong. Bây giờ chuyện duy nhất đang cản trở anh là buổi phỏng vấn chết tiệt này. Thầm chửi rủa việc bị trì hoãn, Matt quay lưng đi vào nhà. Trên bãi cỏ phía Đông, trực thăng của anh đang đợi để đưa anh ra phi trường, nơi mà chiếc Lear anh mua đã sẵn sàng để cất cánh bay đến Chicago.
Viên phi công của chiếc trực thăng đáp trả lại cái vẫy chào ngắn ngủi của Matt, rồi đưa ngón trỏ lên ra dấu là chiếc trực thăng đã đổ đày xăng và sẵn sàng cất cánh, nhưng anh ta lo lắng nhìn đám sương mù dày đặc đang tiến lại gần họ.
Băng qua sân hiên lát đá phiến, Matt bước vào nhà, đi qua cửa đôi kiểu Pháp để vào phòng sách. Anh đang đưa tay định nhấc điện thoại lên, dự tính là sẽ gọi về văn phòng làm của anh ở Los Angeles thì cánh cửa phòng bật mở. "Này, Matt..." Joe Ó Hara ló đầu qua khung cửa khép hờ, giọng nói cộc cằn thô lỗ và vẻ bề ngoài lôi thôi lếch thếch của anh ta thật trái ngược với sàn nhà cẩm thạch bóng loáng phủ thảm dày màu kem và mặt bàn bằng kính này. Một cách chính thức, Ó Hara là tài xế của Matt, một cách không chính thức, anh ta là cận vệ của Matt, và thích hợp với trò này hơn là vai trò làm tài xế - vì mỗi khi Ó Hara ngồi sau tay lái, anh ta lái xe giống như một tay đua đang tranh giải nhất của giải Grand Prix vậy.
"Chừng nào thì chúng ta đi Chicago đây?" Ó Hara thắc mắc.
"Khi tôi thực hiện xong cuộc phỏng vấn chết tiệt này.".
"Được. Tôi đã liên lạc trước và xe limo sẽ đợi chúng ta ở đường băng tại Midway. Nhưng đó không phải là chuyện mà tôi đến đây để nói với anh," Ó Hara tiếp tục, đi đến gần cửa sổ và kéo tấm rèm qua một bên. Ra dấu cho Matt đến gần, anh ta chỉ tay về hướng đường lái xe thênh thang uốn cong qua những cây bách ở trước nhà. Khuôn mặt khắc khổ của anh ta dịu xuống và giọng nói cũng nhỏ lại, thèm thuồng, "Hãy nhìn cô em yêu dấu láng coóng ở đằng kia kìa," anh ta nói trong khi Matt đi lại gần cửa sổ. Người khác sẽ nghĩ cô em yêu dấu là một người đàn bà, nhưng Matt thì biết rõ hơn. Sau khi vợ Ó Hara qua đời, xe cộ trở thành tình yêu duy nhất còn lại của anh ta. "Nó thuộc về một trong những gã quay phim đó đấy.".
Cô em yêu dấu là một chiếc Cadillac màu đỏ đời 1959, mui trần nhìn mới cáu.
"Anh có nhìn thấy những quả cầu đó không," Ó Hara nói, nhắc đến những đèn pha trước xe bằng một giọng nể phục và thèm khát của một người đang đọc tạp chí Playboy. "Còn những đường cong đó nữa! Láng coóng, Matt, láng coóng! Anh cũng muốn đưa tay lên vuốt ve nó, phải không?" Anh ta thúc cùi chỏ vào người đàn ông im lặng đứng bên cạnh mình. "Anh có bao giờ nhìn thấy bất cứ thứ gì đẹp hơn thứ này chưa?".
Matt không cần phải trả lời vì cô gái viết kịch bản đã lịch sự xuất hiện và thông báo mọi thứ đã sẵn sàng trong phòng khách.
Cuộc phỏng vấn đang diễn ra theo những lời thoại đã được bàn trước gần cả tiếng đồng hồ, thì cánh cửa đột nhiên mở ra và một người đàn bà vội vã đi vào phòng, khuôn mặt dễ thương của cô ta cười tươi rói. "Matt anh yêu, anh đã về rồi à! Em..." Mọi cái đầu trong phòng đều quay lại, đám nhân viên đài ABC há hốc mồm, chuyện phỏng vấn bị bỏ quên khi Meryl Saunders hấp tấp đi vào phòng trong một bộ đồ lót đỏ rất mong manh, rất khêu gợi, bộ đồ sẽ làm cho những ai đi mua quần áo lót ở Fredericks của Hollywood đều phải đỏ mặt.
Nhưng đám người ABC không nhìn vào thân hình của Meryl, mà là khuôn mặt của cô ta... một khuôn mặt xuất hiện trong rất nhiều phim ảnh và truyền hình trên khắp thế giới, một khuôn mặt dễ thương trẻ trung như thiên thần làm cho cô ta vô cùng được mến chuộng ở Mỹ. Người lớn thích cô bởi cô xinh đẹp và nhìn rất trẻ trung, các bậc cha mẹ thích cô bởi cô dựng lên một hình tượng tuyệt vời cho những đứa con đang độ tuổi trưởng thành của họ, và các nhà sản xuất phim ảnh thích cô bởi cô là một nữ diễn viên sáng giá và bất kỳ phim nào có mặt cô đều bảo đảm hốt bạc triệu. Không nói đến chuyện cô chỉ mới hai mươi ba tuổi và có một khát vọng tình dục mạnh mẽ... Trong sự im lặng sững sốt như thể chào đón sự có mặt của Meryl, Matt cảm thấy anh như đang bị bắt tại trận trong khi đang quyến rũ Alice ở Xứ Sở Thần Tiên!
Giống như một người lính bé nhỏ can đảm trong một cảnh phim của cô, Meryl lịch sự mỉm cười với đám người không thốt nên lời đó, nói một câu xin lỗi khá hay với Matt vì đã phá đám anh, rồi xoay người rời khỏi phòng với phẩm cách khiêm tốn của một nữ sinh trong bộ đồng phục của một trường chỉ dành riêng cho con gái... sử dụng rất tốt khả năng diễn xuất của cô ta, vì cái quần lót nhỏ xíu đã để lộ cặp mông tròn lẳn bên dưới làn áo ngủ mỏng manh khoác qua thân thể uyển chuyển của cô ta.
Khuôn mặt Barbara Walters có những phản ứng hoàn toàn trái ngược nhau, và Matt chuẩn bị tinh thần cho những tràng câu hỏi thăm dò không tránh khỏi về Meryl, lấy làm tiếc cho hình tượng trước công chúng mà cô ta đã cẩn thận dựng nên sắp sửa bị sụp đổ. Nhưng Walters chỉ hỏi xem Meryl Saunders có phải là khách thường xuyên của anh không. Matt trả lời là cô thích ở nhà anh mỗi khi anh không có nhà, và anh thì thường xuyên không có ở nhà.
Anh ngạc nhiên là nữ phóng viên này chấp nhận câu trả lời không rõ ràng của anh và quay trở lại đề tài mà bà đang bàn đến trước khi Meryl bước vào.
Hơi nhoài người ra phía trước, bà hỏi, "Anh nghĩ như thế nào về con số đang gia tăng về việc tiếp quản một cách không thân thiện giữa những công ty?".
"Tôi nghĩ đó là một xu hướng sẽ được tiếp tục cho đến khi có những điều lệ đặt ra để kiểm soát nó," Matt trả lời.
"Intercorp có dự định thôn tính thêm các công ty khác không?".
Một câu hỏi như chụp mũ, nhưng không phải là không mong đợi, và anh tránh né một cách uyển chuyển, "Intercorp luôn có hứng thú thu mua những công ty tốt để giúp cho chính tập đoàn và cả những công ty đó phát triển hơn.".
"Ngay cả khi công ty đó không muốn bị thu mua à?".
"Đó là sự liều lĩnh mà chúng ta đều phải đối đầu, ngay cả với Intercorp," anh trả lời, mỉm cười một cách lịch sự.
"Nhưng sẽ cần phải có một công ty tầm cỡ như Intercorp mới nuốt nổi anh.
Có ai thoát khỏi việc bị buộc sáp nhập với công ty của anh không... dạng như bạn bè chẳng hạn? Ý tôi là," bà trêu chọc, "có thể nào đài ABC là con mồi tiếp theo của anh không?".
"Đối tượng bị tiếp quản gọi là mục tiêu," anh nói bình thản, "không phải là con mồi. Tuy nhiên," anh đùa, "để cho đầu óc bà được thảnh thơi, tôi có thể bảo đảm với bà là Intercorp ngay lúc này không nhắm con mắt thu mua vào đài ABC!".
Bà cười rồi tặng cho anh nụ cười rất chuyên nghiệp của một phóng viên.
"Bây giờ chúng ta có thể nói thêm một chút về đời tư của anh không?".
Cẩn thận che giấu vẻ bực bội sau nụ cười ngọt ngào, anh hỏi, "Tôi có thể cản được bà sao?".
Nụ cười của bà rộng thêm, bà lắc đầu và bắt đầu, "Suốt mấy năm qua đã có rất nhiều tin đồn về những chuyện tình nóng bỏng giữa anh với vài nữ diễn viên, một vị công chúa, và gần đây nhất là với Maria Calvaris, người thừa kế công ty tàu biển ở Hy Lạp. Những tin đồn lan rộng đó có phải là thật không, hay chúng chỉ được dựng ra bởi những tờ báo lá cải?".
"Là thật," Matt trả lời một cách thẳng thắn mà không ai có thể nói khác được.
Barbara Walters bật cười, rồi điềm tĩnh lại. "Còn chuyện hôn nhân của anh thì sao? Chúng ta có thể nói về chuyện đó không?".
Matt không ngờ là sẽ có câu hỏi này, cho nên trong một lúc anh không nói nên lời. "Chuyện gì của tôi?" Anh hỏi, không thể tin là mình vừa nghe đúng những gì bà vừa nói. Không muốn tin nó. Không ai từng biết về cuộc hôn nhân ngắn ngủi vội vàng của anh với Meredith Bancroft mười một năm trước.
"Anh chưa bao giờ kết hôn," bà nói rõ hơn, "và tôi muốn biết là anh có ý định kết hôn trong tương lai không?".
Matt thả lỏng người và trả lời một câu không để lộ chút thông tin gì. "Không phải là sẽ không xảy ra.".
Mười Một Năm Chờ Mười Một Năm Chờ - Judith Mcnaught Mười Một Năm Chờ