Người Mới
iữa tháng giêng Ô-lép bị ốm. Mùa đông thiệt nghiệt ngã và Ô-lép đã bị cảm lạnh. Hàng ngày sau khi tan học tôi rẽ về nhà Ô-lép kể cho cậu ấy nghe tin mới và nói cho biết về tình hình bài vở.
Việc học hành thật căng thẳng. Năm học thì ngắn, lại phải học toàn bộ chương trình. Mà cái chính là năm nay chúng tôi sẽ học xong bậc tiểu học.
Không khí sóng gió của ngày khai giảng coi như đã dịu đi. Tất nhiên tôi biết là Gui-đô sẽ không bỏ qua cho chúng tôi và đã làm hỏng việc bầu lớp trưởng. Còn Át-xơ thì thỉnh thoảng lại tung ra một nhận xét vô duyên về Ô-lép và Lin-đa, hoặc Lin-đa và tôi. Nhưng sự việc không dẫn đến xích mích thẳng thừng. Nó cứ như lửa cháy âm ỉ.
Trong thời gian Ô-lép bị ốm có một lần người bạn mới gặp tôi vào giờ nghỉ giải lao. Không hiểu sao chúng tôi cứ gọi nó là Mới, mặc dù nó có tên có họ là Khên-đu Tơ-rây. Nó xin được ngồi cùng bàn với tôi trong lúc Ô-lép vẫn còn ốm. Từ trước đến giờ Khên-đu vẫn ngồi một mình một bàn. Tất nhiên tôi không phản đối - hai đứa vẫn vui hơn và lợi hơn, mặc dù đây là nói về việc nhắc bài.
Thật ra từ trước đến giờ tôi không để ý gì đến Khên-đu. Kể cũng lạ thật. Thường thì việc xuất hiện của một người mới vào lớp phải là một sự kiện. Nhưng không ai đặc biệt chú ý đến nó. Có thể tại vì nó ít nói và dè dặt. Nó thân thiện nhưng đồng thời lại thận trọng. Về cô bạn mới thì ngay từ đầu ai cũng rõ: cô từ Tan-lin tới, cô chơi đàn dương cầm, cha cô là kỹ sư, cô có con chó biết đi bằng hai chân sau. Còn về Khên-đu thì chúng tôi không sao biết được gì khác ngoài cái tên là Khên-đu Tơ-rây. Nhưng cái đó thậm chí cũng có vẻ thừa, vì mọi người chỉ đơn giản gọi nó là “Người mới”.
Bây giờ ngồi cùng bàn với nó, tôi hiểu nó nhiều hơn.
Một buổi chiều thứ bảy khi chúng tôi cùng đi từ trường về, tôi có hỏi nó bằng cách nào đến được thành phố chúng tôi. Hình như Khên-đu có nghi ngại ít phút rồi mới nói:
- Nhưng cậu sẽ không nói với ai chứ?
Tôi ngạc nhiên nhìn nó:
- Nếu đó là bí mật thì không cần thiết phải nói với tớ. Chúng ta hãy còn ít quen nhau.
Cậu biết ít về tớ, - Khên-đu nói.
Tôi hiểu nó muốn nói gì. Chúng tôi không biết gì về nó, trong khi đó nó biết hết về chúng tôi. Nó ít nói, ít hỏi, nhưng để ý tất cả những gì diễn ra xung quanh và từ đó rút ra kết luận.
Nó bỗng nói:
- Tớ và mẹ tớ đi từ đảo Xa-a-ri-ma-a về đây. Bố tớ vốn là nhà báo. Ông muốn chạy về nước Nga, nhưng hình như không kịp. Có lẽ ông cũng bị rơi vào tay bọn Đức, bởi nếu không thì mẹ tớ đã chả bị hỏi cung. Nhưng quả thật bây giờ tớ cũng không biết bố tớ ở đâu.
- Như vậy là vì bị hỏi cung mà mẹ cậu và cậu trốn đi phải không? - tôi hỏi.
Khên-đu gật đầu.
- Cậu nghĩ rằng ở đây yên tĩnh hơn à?
- Tạm thời thì yên tĩnh hơn. Mẹ tớ và tớ ở nhờ nhà bà con họ hàng xa. Đến khi nào mẹ tớ có thể xin được việc…
- Mẹ cậu và cậu chắc hẳn khó khăn lắm nhỉ?
Ừ, không dễ dàng đâu. Cũng may là nhà tớ cũng được thêm một ít khoai mà người ta thường đem cho người ốm. Tiền thì hiện thời không thiếu, có thể mua hoa quả được. Nói chung nhà mình thật bất ngờ có thêm ít khoai. Có một ông rất lạ đến xin đổi nhà. Nhà mình không đổi nhà cho nhà ông ta, nhưng quả là bây giờ ông ta trở thành người bạn của gia đình. Mẹ tớ cứ bảo “Nếu không có ngài Vê-li-ran-đơ thì chúng ta sẽ ra sao đây!”. Họ của người đó là Vê-li-ran-đơ. Cính ông ấy đem khoai cho nhà mình…
Khên-đu tiếp tục nói. Chao ôi chưa bao giờ nó nói liền một mạch nhiều như vậy.
Nhưng tôi không còn nghe nó nói nữa.
Vê-li-ran-đơ! Lại cái ngài Vê-li-ran-đơ ấy! lão đến nhà tôi đã bốn lần. Lão vẫn quan tâm đến việc trồng vườn như mọi khi. Nhưng nói chung lão là một người có những thú say mê rộng rãi. Lão thường hay nói về chính trị, về chiến tranh và quyền con người. Đôi khi lão lái sang nói chuyện về cha tôi. Cái lần đến thăm nhà tôi gần đây lão đã mang đến cả một hộp nham lê, nhưng mẹ tôi từ chối không nhận “món quà” đó. Cái ngài Vê-li-ran-đơ không “kiếm chác” được tí gì ở nhà chúng tôi cả, bởi vì chúng tôi đã biết rõ lão. Nhưng ở nhà Khên-đu thì sự việc có khác.
Tôi thật muốn báo ngay cho Khên-đu biết! Có một cái gì đó day dứt tim tôi khi thấy nó sung sướng nói về lão Vê-li-ran-đơ. Nhưng tôi không dám nói ra. Lão Vê-li-ran-đơ là một bí mật và tôi không thể lộ bí mật với một cậu con trai ít quen biết. Thực ra Khên-đu đã tin tôi: nó nói với tôi bao nhiêu là bí mật. Nhưng lão Vê-li-ran-đơ là bí mật chung của cả tôi và Ô-lép.
Đến đầu phố tiếp đó chúng tôi chia tay nhau.
- Cậu không nói với ai chứ? - nó hỏi.
- Cậu có thể yên tâm.
- Lúc nào đến nhà tớ chơi. Phố Công viên, số nhà 14, phòng 5, cái nhà ở trong sân.
Tôi thấy nặng nề. Tôi thậm chí không nhận ra là mình đã sợ hãi và gần như là chạy đến nhà Ô-lép. Và khi vừa ngồi xuống mép giường Ô-lép, tôi đã nói:
- Này cậu biết không, lão Vê-li-ran-đơ còn để ý đến những người khác.
- Lão đi đâu nữa?
- Lão đến nhà cậu Khên-đu.
- Khên-đu là ai?
- Là cái cậu mới đến lớp mình ấy.
- À, đúng rồi. Thế bố mẹ nó đâu?
- Cậu ạ, nó đề nghị tớ không được nói chuyện này với ai.
- Lẽ nào có chuyện gì xảy ra với nó?
- Có.
- Chúng ta đúng là những thằng ngốc.
Tôi nhìn Ô-lép vẻ không hiểu:
Chúng ta rất ngốc, - cậu ta nói.
- Tớ hoàn toàn không hiểu cậu nói gì.
- Đáng nhẽ chúng ta phải đoán ra ngay lão Vê-li-ran-đơ không chỉ để ý đến nhà cậu. Cái đó rất có lý. Cần phải theo dõi lão Vê-li-ran-đơ để xác định xem lão còn dúng mũi đến đâu. Và đến lúc đó bằng cách này hay cách khác phải báo cho mọi người biết.
- Có lẽ vẫn còn chưa muộn, - tôi nói.
Lúc đó tôi bỗng nghĩ: biết đâu mẹ của Khên-đu đã kịp thổ lộ tâm tư với lão Vê-li-ran-đơ nhiều hơn cần thiết. Đúng, tạm thời chưa có gì thật đáng sợ. Chừng nào cha của Khên-đu còn chưa bị phát hiện, thì mẹ cậu ta vẫn chưa việc gì. Bà ta chỉ như một con mồi. Nhưng đó chỉ là sự an ủi yếu ớt.
- Cần phải báo cho mẹ cái cậu “Mới” ấy biết, - Ô-lép tính toán.
- Hay là để đến mai tớ bảo Khên-đu vậy, - tôi đề nghị.
Ô-lép phản đối:
- Không nên. Cậu thử nghĩ xem. Giả dụ cậu bảo hết cho nó biết. Nó về nhà nói với mẹ “Con nghe một đứa bạn ở lớp con nói Vê-li-ran-đơ là gián điệp”. Liệu mẹ cậu ấy sẽ làm gì? Chắc chắn bà hết sức sợ hãi. Sau đó bà sẽ hỏi: “Đứa bạn ấy là đứa nào?”. Cứ cho là Khên-đu không nói ra. Mẹ nó sẽ khóc. Dù sao bà ấy vẫn là một phụ nữ. Khên-đu sẽ mủi lòng. Thế rồi mẹ nó sẽ kêu lên: “Tự mẹ sẽ phải nói chuyện với đứa bạn ở lớp con!” Không được, cậu hãy tin tớ, biết đâu làm thế là rồ dại.
Tôi đồng ý với Ô-lép. Sự việc nghe chừng có vẻ quá nghiêm trọng, nếu như…
Nhưng cũng đã đến lúc cần phải làm một việc gì đó rồi.
Sau khi suy tính mãi, chúng tôi quyết định gửi cho mẹ Khên-đu một bức thư.
Về bức thư này tôi sẽ kể ở chương sau.
Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối - Eno Raud Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối